lịch sử việt nam
Ngày Long Trời Đêm Lở Đất
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trẩn Thế Nhân
Tiểu thuyết Tập 1
Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam
09-2010
MỤC LỤC
Mục lục tập 1
Lời giới thiệu của Khối 8406
Lời Nhà xuất bản Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ
Khúc dạo đầu
Chương 01 đến chương 24
Mục lục tập 2
Chương 25 đến chương 46
Lời bạt (Nguyễn Quảng Tâm)
Suy ngẫm khi đọc “Ngày long trời đêm lở đất” (Nguyễn Minh Cần)
*/*/*
CHƯƠNG 41
ĐẤNG CHÍ TÔN, CHÍ THÁNH, CHÍ THẦN…
Thầy đang đứng ở một con đường.
Nhìn quanh chẳng thấy cái gì hết. Không một mái nhà, không một con người, con vật, không một bóng cây. Màu trắng đục bao quanh, không phải mây, chẳng là sương mù. Chẳng có hình bóng gì cả. Sắc sắc không không. Bỗng nhiên thầy nhớ tới bốn tiếng trùng âm ông nội con nói ngày xưa… Sắc sắc không không… Có lần thằng cò Vỹ ở truồng, chẳng mặc quần áo, từ ngoài giếng vừa tắm xong, chạy vào nhà la lên: “Không không sắc sắc giơ cặc lòi cu… mình mẩy thu lu, ai cho thì… đút!” Chẳng hiểu ai bày cho thầy, anh Nuôi thì phải, cứ thế mà ca mà hát… Từ dưới bếp tới trên nhà, ai nấy được một mẻ cười no nê.
Hôm đó, ông Cử Mai, ông nội con đang tiếp ông Cử Hồ bên Hà Trung sang chơi. Mỗi lần gặp nhau ngồi bên ghế trường kỷ hai ông Cử thường hay nói chữ. Ngoài “sắc sắc không không” lại còn “vô vi”, “tri túc”… thầy chẳng hiểu ý nghĩa của những cái đó là gì?
Thấy mọi người vui cười hoan hỉ, lại bắt gặp con mình đang nồng nỗng ngoài sân trông như thằng ngộ, trước mặt khách, bậc túc nho tri kỷ, ông nội con bất bình đứng dậy, bước ra sân, hỏi chuyện đầu đuôi rồi nắm tay thầy lôi vào nhà bắt nằm sấp xuống phản, thong thả hỏi tội, quất cho hai roi vào mông đít…
Chữ nghĩa thánh hiền, chuyện thần thánh, sao lại dám đem ra đùa cợt? Đứa nào xui? Đứa nào bày? Nhớ lấy!
Bây giờ cái sắc sắc không không ấy đang vây quanh thầy.
Thầy chợt nghĩ, đã sinh ra con đường là để cho người ta đi; mình phải đi, không thể cứ đứng mãi ở đây được. Thế là thầy cất bước. Vừa bước đi dăm chục bước, chưa gì đã dừng chân. Ngoái lại nhìn, thì lạ chưa, đoạn đường phía sau lưng mình không thấy nữa, biến đi đâu mất? Sắc sắc không không. Thầy suy lí: Vậy là con đường này chỉ có mà đi tới, đi tiếp, muốn dừng chân để quay trở lại cũng không được. Con đường gì mà lạ nhỉ? Nhưng ta đang đi đâu, đi để làm gì?
- Mai Duy Vỹ!
Một tiếng kêu từ trên cao vọng xuống.
Thầy sững sờ ngước nhìn. Tia chớp lửa loằng ngoằng vẽ một con đường giữa trời như con rắn đỏ. Tiếp liền, tiếng sét nổ không to lắm mà sao chói tai, buốt óc, rợn cả người.
- Mai Duy Vỹ!
Thầy giật mình đứng sững nhìn cảnh tượng lạ lùng. Trước mắt bây giờ chẳng còn sắc sắc không không nữa mà da trời phía Đông, thầy tin là phía Đông, có lẽ ma xui quỷ khiến như vậy chăng, đang ửng lên một màu hồng sáng. Con rắn khi nãy bây giờ biến thành con rồng lửa uốn lượn, khép vòng. Ô kìa! Một cái ngai màu đỏ. Những tia vàng loé ra từ Ngai Đỏ và một vị Vua, chỉ có thể là một Hoàng Đế thôi, đang ngự trên đó.
Theo thói quen, tính cố hữu trong khí huyết, cân não của một người dân nô lệ Á Châu, đầu gối chưa gì đã rã khớp, hai ống chân nhũn mềm ra như bún, thầy vội vàng quỳ xuống…
- Mai Duy Vỹ!
Âm giọng rền vang nghe như lưỡi gươm khua, viên đạn rít trên đầu. Thầy vội vàng lắp bắp:
- Muôn tâu Bệ hạ!
- Ta không phải là Vua, chẳng phải Tổng Thống. Hãy nhìn lên đây!
Thầy ngửa cổ, rướn đầu cao hơn:
- Ta là Đấng Chí Tôn, Chí Linh, Chí Thánh, Chí Thần, Chí…
Vừa sợ hãi lại tò mò, thầy trố mắt nhìn. Một mái đầu tóc trắng như mây, vuốt ngược, loà xoà hai bên vầng trán rộng… Đôi mắt ánh lên tinh thần của khoái lạc và thủ đoạn, hoà điệu theo miệng cười giả trá, hơi tuồng kịch… Cái mặt vừa giả lại vừa thật có một sức hấp dẫn đến nỗi thầy ngây dại nhìn và môi nở nụ cười.
- Mai Duy Vỹ!
Âm giọng nghe rõ ràng, đanh rắn từ trên cao vọng xuống.
- Ta đây! Ta là người nô bộc trung thành của muôn dân. Hãy nghe và trả lời những câu hỏi của ta!
- Dạ. Con cũng là… - Thầy lắp bắp - đầy tớ của nhân dân…
- Xì! Mi là thằng địa chủ phản động, bán nước hại dân… lại không tự biết mình hay sao?
- Dạ, tôi là địa chủ - Thầy ngập ngừng suy tính. Đang từ con chuyển sang tôi, thầy bỗng hốt và sợ, như hai lần đấu quỳ trước các ông bà nông dân. Trót đã lỡ lời… - Nói cho thật đúng, cha đẻ ra con mới thật là địa chủ, con là công chức, cán bộ… Nhưng chối cãi điều đó, con lại là một đứa con bất hiếu với cha mẹ… Vâng, con là địa chủ. Nhưng con đâu có phản động, bán nước, hại dân!
Im lặng một lúc. Hoàng Thượng ngự trên Ngai Rồng Đỏ hình như ít nhiều có phân vân. Người thong thả điệu nghệ vuốt chòm râu bạc…
- Không ai tin điều mày nói cả.
- Dạ, làm sao vậy? Kính thưa…. Muôn tâu… Dân người ta không tin hoặc phủ nhận cố tình, điều đó có thể hiểu được, bởi họ bị vây bọc, đè nén trong vòng ngu muội, bùa mê, tăm tối, dốt nát… nhưng còn Đấng Chí Tôn, Chí Linh, Chí Thánh… Người thấu suốt cả sáu cõi…
Đấng Tối Cao cười, lấp lửng.
- Ngươi quên rằng… Ta cũng chỉ là kẻ nô bộc trung thành của muôn dân thôi hay sao?
Thầy gân cổ, cãi lý:
- Con cũng là đầy tớ… của dân. Vào Đảng năm 1948, cho đến nay tính ra đã 7 năm vì nhân dân phục vụ, quên mình hy sinh…
Đấng Tối Cao cau mày, ra chiều lưỡng lự, cân nhắc:
- Biết vậy. Nhưng mà…
- Nhưng mà sao ạ?
Thầy chắp hai tay trước ngực, chờ đợi, cầu khẩn.
Có tiếng súng nổ vọng lên đâu đó, nghe xa mà lại gần. Thầy rùng mình cố giữ hai đầu gối sao cho vững, tì trên đất.
- Đồng chí Vỹ! Nghe đây - tiếng sấm truyền từ trời cao xuống - Ta biết anh vô tội, lòng anh trong trắng. Nhưng… ta không thể cứu anh được. Mà cho dù ta có muốn cứu anh, ban lệnh xuống thì đã chắc gì quần chúng nhân dân người ta nghe cho? Cải cở thủ ti - Cải cách Ruộng đất là cuộc Cách mạng lớn nhất trong lịch sử đấu tranh giai cấp của dân tộc, mang tầm cỡ nhân loại… Trong cơn trời long đất lở này, sóng thần Cách mạng đang ào ào dâng cao, cuộn tới, bánh xe lịch sử đang lăn đi... Ai người bị cuốn trôi, nghiến nát âu cũng là lẽ thường tình. Miễn sao Cách mạng Thế giới đạt được thắng lợi cuối cùng!
Có một người phụ nữ lòng dạ còn trong trắng tốt đẹp hơn anh, còn đáng thương, đáng quý hơn anh ở cách đây không xa lắm… Một người đàn bà! Ta đau lòng nhắc lại: Một người đàn bà! Anh đã nghe rõ chưa? Vậy mà ta cũng không cứu được! Mong anh thông cảm cho ta…
Đấng Chí Tôn vụt biến. Trong mây mù còn vọng lại tiếng sấm rền xa xa.
- Ta... không… thể… cứu anh được!
Thầy đổ vật người xuống, nằm lăn ra giữa đường.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử