lịch sử việt nam
Ngày Long Trời Đêm Lở Đất
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trẩn Thế Nhân
Tiểu thuyết Tập 1
Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam
09-2010
MỤC LỤC
Mục lục tập 1
Lời giới thiệu của Khối 8406
Lời Nhà xuất bản Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ
Khúc dạo đầu
Chương 01 đến chương 24
Mục lục tập 2
Chương 25 đến chương 46
Lời bạt (Nguyễn Quảng Tâm)
Suy ngẫm khi đọc “Ngày long trời đêm lở đất” (Nguyễn Minh Cần)
*/*/*
Ai đi tiên phong giành cơm áo cho dân?
Ai đứng lên lãnh đạo được toàn dân đấu tranh
Cung sang tang! Củng sản tàng…
Cung sản tàng! Giai cấp tiền phong!
Trong người tự nhiên thấy phấn khởi, lâng lâng… thầy cũng hai ba nào… vỗ tay lấy nhịp, đệm theo cho hắn hát… Hắn dừng lại đột ngột, dò xét.
“Trận cuối cùng này. Hắn dằn giọng, nói to. Dù có phải hy sinh, đổ máu đến một phần ba nhân loại cũng phải quyết tâm chiến đấu và… hoàn thành!”
“Đồng ý! Quyết tâm!” Thầy hùa theo một cách chân thành ngây thơ. “Xin được phép hỏi đồng chí… Sau trận cuối cùng sẽ thắng, và chắn chắn sẽ thắng cả trăm phần rồi, xã hội loài người sẽ tiến lên… tới đâu?”
“Cộng sản chủ nghĩa, chứ còn gì nữa!?” Hắn nói nghe như gắt.
“Tiến lên Cộng sản chủ nghĩa rồi thì khi ấy… xã hội loài người có còn giai cấp nữa không?”
“Không! Xoá sạch hết giai cấp!...”
“Thế còn đấu tranh giai cấp?”
“Hết! Hết giai cấp đấu tranh! Còn giai cấp nào nữa mà đấu với tranh!”
Thầy cười. Hắn cũng cười.
“À… mà vẫn còn đấu tranh chứ? Đấu tranh với ai, biết không? Đấu tranh với Thiên nhiên. Phải làm chủ Thiên nhiên. Bắt Thiên nhiên phải mưa nắng theo ý của con người chúng ta! Không được bão lụt, hạn hán, động đất, sóng thần lung tung…”
“Phải trèo lên đầu, cỡi lên cổ Thiên nhiên… Nhong nhong ngựa ông… Nếu Thiên nhiên không chịu nghe lời làm theo thì đè xuống, ngồi lên lưng, bóp dái… Cấm không được kêu. Hà hà. Nếu mày không chịu làm theo tao, thì tạm thời tao cứ vắt đất ra nước thay trời làm mưa, nghiêng đồng đổ nước ra sông cái đã! Có phải thế không ạ? Thưa đồng chí…”
Người-vô-hình chững lại. Hắn cảm thấy ta và hắn, hắn và ta hình như cả hai đều đã ít nhiều buông lơi quan điểm giai cấp, đi chệch ra hơi xa đấu tranh giai cấp, bèn quay trở về tư thế cũ, lên giọng huấn thị răn đe ngay:
“Này, ta báo cho ngươi hay. Từ nay cho đến khi kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh cuối cùng, giai cấp vô sản thế giới, quần chúng công nông binh, nông dân Quân Chủ lực chúng ta… có rất nhiều kẻ thù và phải tiêu diệt cho kỳ hết những kẻ thù đó! Giết! Giết! Giết hết!”
“Đồng chí nói… con số đến cả một phần ba nhân loại kìa mà!”
“Không có đùa! Một phần ba chứ hai phần ba cũng phải … giết! Mày nằm trong con số đó…”
“Nhưng… tôi đâu có phải là kẻ thù!”
“Đã nói đi nói lại rồi! Ai cho rằng mình không phải là kẻ thù thì chính hắn là kẻ thù!”
“Sao lại thế?”
“Ai tự cho rằng mình không có kẻ thù thì chính hắn trở thành kẻ thù của tất cả mọi người! Bởi cớ sao? Bởi vì cái tên đó, là mày chẳng hạn, suốt đời có bao giờ đấu tranh bảo vệ cho ai đâu… cho nên cứ tưởng là mình không có kẻ thù. Tại mày ngu ngơ không biết đó thôi, chán vạn kẻ căm ghét mày, coi mày là kẻ thù của họ. Có đúng không?”
Thầy bắt đầu cảm thấy chờn chợn, rờn rợn trước cái lý lẽ ghê gớm, chết người đó.
“Nhưng… Tôi đã một đời yêu thương, quý trọng, cứu giúp nhiều người!…”
“Xì! Mày đã từng làm công chức cho Pháp, ăn lương của Tây… Đế quốc thực dân, địa chủ phản động, công giáo tay sai của Pháp, Việt gian bán nước cho Tây… Mày cũng thương yêu, cứu chữa, giúp đỡ… chúng nó? Hử?!”
“Đâu có!” Thầy cảm thấy đuối hơi, chới với.
“Này, hãy nghe ta hát khúc ca này. Nghe! Chúng ta thề phá tan quân thù: thực dân, đế quốc, sài lang với phe phản động ta đập tan à hoang!… Kết đoàn! Chúng ta là sức mạnh! Kết đoàn chúng ta là sắt gang! Đoàn kết ta bền vững! Dù sắt hay là gang. Dù sắt hay gang còn kém bền vững!… Cái bài ca hay nhất mà Bác Mao và Bác Hồ, cả hai Bác đều rất thích, mày lại còn không biết hay sao, hở Vỹ?”
“Vâng, tôi cũng biết hát và thuộc lòng bài Đoàn Kết đó, nhưng mà…”
“Chẳng nhưng chẳng mà cái gì hết! Đế quốc, phản động… Chúng nó là kẻ thù! Chúng ở đâu mày biết không? Ở bên Tây, ở ngoài mặt trận và ở ngay… trong mỗi một cái thằng như mày. Đúng chưa? Mày đã từng học tập chính trị, chỉnh huấn… còn lạ gì nữa, biết tỏng tòng tong rồi, thực dân đế quốc, Việt gian phản động… chúng nó nằm trong tư tưởng, ăn sâu vào tác phong của mày!”
“Vâng, tôi hiểu, và tôi đã thành khẩn bộc lộ ưu khuyết điểm, phê và tự phê và tôi đã lột xác cải tạo, tẩy rửa… làm theo đúng yêu cầu của Cách mạng, của Đảng…”
“Xì! Mày thì chỉ có khuyết điểm, làm chó gì có ưu điểm? Hử? Đã là địa chủ phản động thì chỉ có cấu kết làm tay sai cho đế quốc chứ làm sao tẩy rửa, cải tạo, lột xác nổi! Hử! Mày là kẻ thù! Chính mày là kẻ thù một trăm phần trăm của nông dân, của dân tộc! Hiểu chưa? Còn chối cãi nữa hay thôi?”
Lạ thật! Tự nhiên thầy thấy mình thiểu số, nhỏ bé đến vô cùng tận. Cái Người-vô-hình này do Bác Mao đẻ ra, rồi ai đó kéo lôi vào đất nước mình là hoàn toàn có lý và đúng đắn. Thế gian này ngập ngụa, chen chúc những kẻ thù. Con số một phần ba là chưa đủ, e chừng có khi hơn. Thầy đã học lịch sử Cách mạng Pháp. Đâu chỉ có vợ chồng Louis 16, nhà bác học Lavoisier… mà rồi đến cả Robespierre, người đã làm cho nhiều cái đầu rơi xuống, đến lượt cuối cùng là mình rồi cũng… “porter sa tête sur l’échafaud”. Rơi đầu!” Cái đầu con người ta quan trọng là thế rồi có lúc cũng phập một phát, sật một cái… cắt đi, rời ra, rớt xuống… như củ khoai sọ! Người-vô-hình có lý lắm. Mai Duy Vỹ thì đã là cái gì đâu!
Thầy ngây thơ hỏi:
“Dạ, nếu vậy thì… Trong gia đình, cha mẹ, con cái, anh em, bà con… có là kẻ thù của nhau không? Thưa đồng chí…”
“Trước khi trả lời mày, ta muốn xác định rõ: Ta không có đồng chí, đồng rận gì với mày hết! Mày là kẻ thù kia mà! Đã nói rồi, lại quên sao?”
“Nhưng mà…” thầy nói ngay để cho hắn không kịp ngắt lời. “Đồng chí, đồng rận gì gì nữa, rồi cũng có lúc trở thành kẻ thù của nhau! Điều ấy có lẽ… là không sai”.
“Ừ… ừ… thì…” Hắn lưỡng lự. “Thì cứ gọi là đồng chí cho nó xong. Cũng không sao! Đó là cái lối xưng hô tiện lợi nhất của thời đại chúng ta!”
Tự nhiên hắn dịu giọng:
“Đồng chí nhắc lại câu hỏi vừa nêu ra…”
“Trong một gia đình thì ông bà, cha mẹ, anh em, bà con… có là kẻ thù của nhau không?”
“Sao lại không nhỉ? Gia đình là một xã hội thu nhỏ. Xã hội có đấu tranh giai cấp thì gia đình cũng có đấu tranh giai cấp. Không đấu tranh thì gia đình làm sao củng cố được khối đoàn kết liên minh vững bền? Vợ phải đấu tranh với chồng. Chồng phải đấu tranh với vợ… Con cái phải đấu tranh với cha mẹ! Ấy là chuyện thường ngày trần tục. Còn trong đấu tranh chính trị thì vấn đề giai cấp được ưu tiên, đặt lên trên hết! Lúc bấy giờ, quan hệ trong gia đình là quan hệ giai cấp. Nghĩa là không phải chồng bảo gì vợ cũng phải tuân theo; cha mẹ nói gì con cái cũng phải nghe theo! Phải đấu tranh chống lại tư tưởng phong kiến, tàn dư bóc lột trong đầu óc họ. Và khi cần, phải tố cáo những hành vi phản động, chống phá giai cấp trước quần chúng, trước Đảng! Lúc bấy giờ, dù chồng mình đi nữa thì vẫn cứ là kẻ thù. Vợ phải đấu tố chồng! Dù cha mẹ mình đi nữa cũng vậy thôi, là kẻ thù, con cái phải đấu tố cha mẹ! Dĩ nhiên, muốn đấu tranh thì phải tố giác. Nói gọn và rõ hơn là muốn đấu thì phải tố! Đấu tố! Đấu tố! Và… đấu tố!”
“Đồng chí nghĩ gì khi dân gian người ta nói: “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con!… Anh em, như thể tay chân…”
“Xì! Chuyện cũ xưa rồi! Cha mẹ sinh chúng ta ư? Đúng vậy. Nhưng khi họ nuôi chúng ta lớn lên rồi, chúng ta lại thuộc về Giai cấp, về Đảng. Tổ quốc, Đồng bào là trên hết! Cha mẹ sinh con ra, nuôi dạy đến khi chúng nó lập gia đình, sinh con cái… rồi chúng nó cũng thành cha mẹ. Nếu nói cha mẹ là trên hết thì ông bà là bố mẹ đẻ ra cha mẹ, lại còn phải đặt lên trên nữa, rồi còn cố kí, cụ kị đẻ ra ông bà… thì sao? Cái này trên cái nọ, cái nọ trên cái kia, cái kia trên cái nớ, cái nớ trên cái í… Cái kiểu sắp xếp ngôi thứ như thế chính là mầm mống sinh ra, nền nếp tạo dựng thành chế độ phong kiến! Cực kỳ nguy hiểm! Trung với Nước hiếu với Dân, thế là quá đủ! Khỏi phải khen chê, trách móc nhau. Đó là tiêu chuẩn sáng giá nhất để xếp loại Đạo đức của con người!”
Hắn lại cao giọng ngân nga như hát:
“Vợ chồng lấy nhau ư? Thì đó là sự kết hợp tự nhiên giữa hai Cái Con, hai giống Đực Cái. Cũng tốt thôi! Chẳng có vấn đề gì! Tuy nhiên cũng phải điều tra lại ba đời, đánh giá bản chất, đề ra phương án hành động cho từng trường hợp theo quan điểm giai cấp đúng đắn.
Chẳng hạn, nếu hai vợ chồng cùng xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ bần cố thì vấn đề đấu tranh giai cấp chỉ còn là củng cố, xây dựng khối đoàn kết liên minh, vậy thôi. Nhưng nếu xuất thân từ hai thành phần khác nhau, thì phải cương quyết đấu tranh giai cấp đến cùng để phân loại nhau, và nếu cần thì… loại bỏ nhau! Lấy ví dụ, vợ xuất thân từ thành phần bần nông, trung nông lớp dưới mà chồng là địa chủ phong kiến thì dứt khoát vợ phải đấu tố chồng đến cùng!
Nếu đồng chí lấy vợ lẽ, thì con vợ hai, vợ ba của đồng chí thực chất chỉ là đứa ở cho hai vợ chồng đồng chí, bởi họ đã bị đè nén, chịu áp bức đến hai ba tầng! Cho nên, hai mụ vợ hai, vợ ba phải đoàn kết thành một khối liên minh công nông, vùng lên đấu tố mụ vợ cả và thằng chồng (tức là vợ chồng đồng chí)!”
Phải bấm bụng, thót hốc đít để khỏi vãi ra cười, thầy nói ngay:
“Thưa đồng chí! Chẳng cứ gì phải lấy tới hai ba vợ, chỉ cần một vợ duy nhất thôi, đàn ông chúng ta cũng đã thường xuyên phạm tội áp bức, bóc lột đàn bà rồi! Cho nên tôi đề nghị, phải phóng tay phát động tất cả chị em phụ nữ, đàn bà vùng lên! Và mỗi gia đình, phải để cho các bà vợ được đấu tố chồng! Chẳng phải họ đều là tầng lớp bị áp bức bóc lột cả hay sao?”
Người-vô-hình dừng lại, ý tứ. Có thể hắn chưa quen mà cũng chẳng ưa lối đùa của bọn tiểu tư sản trí thức, cái bọn mà Bác Mao vẫn đánh giá xếp loại là chưa bằng cục cứt. Hắn xẵng giọng:
“Mày định nói gì? Ám chỉ ai thế, Vỹ?”
Thầy bình tĩnh trả lời với một sự tự tin rằng mình đang áp đảo Cái Chết.
“Tôi đang biện luận về sự áp bức giai cấp đúng như quan điểm hận thù giai cấp của đồng chí”.
Thầy nhìn hắn tần ngần và lấy làm lạ về sự lựa chọn ngôi nhân xưng: Đồng chí! Hai tiếng “Đồng chí” vốn có từ bên Tàu, không phải, có lẽ từ bên Liên Xô qua Tàu, dịch nghĩa biến âm rồi lưu truyền sang ta. Hai tiếng đó cào bằng, xoá sạch, thay thế vào tất cả các ngôi thứ. Hãy coi chừng và cảnh giác! Đồng chí…
“Được rồi. Cho đồng chí phát biểu ý kiến!”
“Tôi nghĩ rằng, dù ai đi nữa, đã là một đồng chí chồng thì đêm tới thường hay giở trò áp bức bóc lột đồng chí vợ. Cái lề thói cũ xưa bắt đàn bà nằm dưới để đàn ông chồm đè lên trên là bắt nguồn từ bản chất, xuất phát từ quan điểm phong kiến mà ra. Ngay cái chuyện đó thôi đã nảy sinh mối thù mang tính giai cấp rồi.
Nói như vậy có nghĩa là tất cả các đồng chí từ Mao Chủ tịch vĩ đại trở xuống đều gây ra mối thù giai cấp, mâu thuẫn đối kháng. Cho nên, bây giờ ta phóng tay phát động cho các đồng chí đàn bà vùng lên, đảo ngược trở lại, để họ nằm lên trên, bắt các đồng chí đàn ông nằm xuống dưới. Như thế may ra mới xoá bỏ được phần nào ách áp bức phong kiến, mối hận thù giai cấp. Có phải không ạ?”
Người-vô-hình im lặng, không thấy phản ứng gì. Cuối cùng hắn nói: “Giai cấp tư sản, bọn tư bản Phương Tây vẫn ưa làm cái trò đảo ngược đó. Chúng cho đàn bà nằm lên trên, đàn ông nằm ở dưới… Nhưng xét cho cùng, đó chỉ là trò cải lương giả hiệu, không phải là Cách mạng, chẳng giải quyết được yêu cầu cấp thiết gì của quần chúng Công Nông Binh…”
“Nếu vậy thì… hay là… ta sắp xếp lại hai lực lượng cách mạng này cho nó ổn thoả hơn: Không nằm nữa mà cùng đứng, mặt đối mặt, áp sát vào nhau! Thế là, hết áp bức bất công, hết hận thù giai cấp! Ha! Ha! Ha!”
“Cười cái gì?” - Người-vô-hình hét lên - “Toàn là những trò Cách mạng giả hiệu cả. Đâu phải là Cách mạng thật sự, Cách mạng chân chính! Phải tiếp tục làm Cách mạng vô sản! Phải chuyên chính đến tận cùng! Sau cuộc Cách mạng trời long đất lở này phải tiếp tục làm cuộc Cách mạng đất lở trời long khác! Cách mạng không ngừng!”
“Nếu vậy thì đến khi nào mới thôi Cách… cái mạng?”
Thầy hỏi lại, dẫu rằng có hơi vui đùa, mà sao lòng thầy đầy xúc động hân hoan. Hình như cảm nhận được sự băn khoăn chân thật đó, Người-vô-hình cũng đắc ý và hào hứng:
“Đến khi nào trên toàn thế giới xây dựng xong chủ nghĩa Cộng sản, xoá bỏ hết giai cấp… Đã nói từ lúc nãy. Quên rồi à? Khi nào tất cả các nước đều nhổ vứt hết các cột mốc biên giới, chẳng ai thèm lấn chiếm của ai một tấc đất; tất cả đều là của chung, của anh cũng là của tôi. Bốn phương vô sản đều là anh em. Đất nước Việt Nam là của Trung Quốc… Và… Tổ quốc Trung Hoa là Mẹ chung của tất cả chúng ta! Bác Mao nào phải đâu xa, Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao! Ha ha!”
“Có nghĩa là… đến cái ngày con anh cũng là con tôi, vợ của anh cũng là vợ… của tôi!…”
“Vỹ!” - Hắn hét to - “A? Thằng này láo nhỉ? Mày đã nhận ra cái tội lỗi của mày chưa?”
Sự chuyển đổi đột ngột trong giọng điệu thái độ của Người-vô-hình khiến thầy hụt hẫng loạng choạng. Mối thù giai cấp, mâu thuẫn đối kháng giữa người với người, giữa hai cái giống đực cái theo kiểu này thì đời đời kiếp kiếp e cũng không thể nào hết được. Mà có lên tới chủ nghĩa Cộng sản đi nữa, có khi đã không giảm bớt lại còn gia tăng rắc rối, ác nghiệt hơn!
Thầy ấp úng:
“Tôi thừa nhận rằng tôi có bóc lột bà con nông dân, đúng thế, nhưng tôi không có áp bức gì ai cả, ngoài vợ tôi… Đó là theo quan điểm đấu tranh giai cấp của đồng chí mà tôi suy diễn, chứ thực ra hai chúng tôi xuất thân cùng một giai cấp. Có khác chăng tôi là địa chủ phong kiến, còn vợ tôi là địa chủ… nông dân. Cùng một bản chất giai cấp giống nhau làm sao có mâu thuẫn đối kháng? Tôi thương yêu vợ con tôi, tôi chẳng thù ghét ai trên đời này cả. Tôi chưa hề làm hại ai, trái lại…”
“Vỹ!” - Người-vô-hình gằn giọng, nghe còn rõ và dữ dằn hơn gầm thét. - “Giờ tận số đến rồi mà mày vẫn còn ngoan cố hử? Tao nhắc lại cho mày nghe. Mày là tên địa chủ cường hào gian ác, phản động bán nước; vợ mày là con mẹ địa chủ bóc lột, hà hiếp, áp bức bà con nông dân. Mày phải khép vào tội chết và chịu án tử hình! Còn vợ mày, con cái mày thì cho sống để lao động cải tạo, trả nợ đền ơn bà con nông dân bần cố cho đến tàn đời, hết kiếp nghe chưa?”
Người-vô-hình vụt biến sau cánh cửa khoá hai vòng xích sắt.
Vệt sáng đỏ từ tay hắn vừa phóng ra nhắm thẳng vào đầu thầy. Một tiếng nổ không to lắm nhưng rất chói và đau xé.
Thầy ngật người ra sau, đổ vật xuống nền nhà.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử