lịch sử việt nam
Xin mời Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử trên Facebook
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trần Thế Nhân
Tiểu thuyết Tập 1
Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam
09-2010
MỤC LỤC
Mục lục tập 1
Lời giới thiệu của Khối 8406
Lời Nhà xuất bản Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ
Khúc dạo đầu
Chương 01 đến chương 24
Mục lục tập 2
Chương 25 đến chương 46
Lời bạt (Nguyễn Quảng Tâm)
Suy ngẫm khi đọc “Ngày long trời đêm lở đất” (Nguyễn Minh Cần)
*/*/*
CHƯƠNG 13
LỆ UYÊN GẶP LẠI BỐ MAI DUY VỸ
Có tiếng động gì rất lạ. Hai chị em giật mình nhìn ra.
Một cơn lốc từ ngoài ngõ quay vòng theo chiều kim đồng hồ đã vào tới trong sân. Đứng lại giữa sân và xoáy tròn. Bụi cát lá cây rơi xuống những viên gạch, cọ xát, vang lên nghe như ai rên xiết khóc than.
Và luồng sáng nửa vàng nửa đỏ từ ngoài cửa đã rọi thẳng vào trong nhà, ập lên tường, bắn ra vụn vỡ, hoà cùng sương khói, toả bay khắp mấy gian nhà.
- Các con đấy à?
Họ đưa mắt nhìn nhau. Tiếng ai nói từ đâu vừa phát ra?
Một vòng tròn sáng, mờ tỏ ánh vàng, chầm chậm xoay vòng:
- Thầy đây mà, Lệ Uyên. Con không nhận ra ư?
Giữa vòng tròn sáng hiện ra một cái đầu người. Xoay chầm chậm. Lệ Uyên đếm từ vòng quay Một đến vòng quay thứ Ba mươi sáu thì cái đầu người dừng lại theo chiều thẳng đứng.
- Thầy đây mà, cha của con đây… Lệ Uyên!
Lệ Uyên nhìn sững. Từ cái đầu lại tiếp nối, hiện dần ra toàn thân thể một con người mặc quần áo trắng. Màu trắng tàn rã dần, rụng rơi hết để trở lại nguyên hình màu nâu ố bạc của bộ áo quần rách tủa…
Cha của Lệ Uyên đấy ư? Mai Duy Vỹ, người đàn ông 36 tuổi kia là cha chị, chứ còn ai khác nữa!
Lệ Uyên định quỳ xuống, sụp lạy, nhưng rồi lại bước tới, giơ hai tay lên chới với!
- Cha!
Thùy Dương cũng vội chắp hai tay trước ngực, cúi đầu:
- Con chào… bác!
Người đàn ông đưa mắt nhìn Thùy Dương, khẽ gật đầu rồi lùi lại, giơ một tay lên trước mặt.
- Khoan đã - Mai Duy Vỹ nói - Lệ Uyên! Đừng lại gần cha mà máu cha có thể vấy sang người con. Họ vừa mới giết cha xong! Con có nghe những phát súng nổ vừa rồi cùng tiếng thuổng cuốc đập xuống đầu cha răng rắc, lạo xạo…? Cha mới ở ngoài sân vận động, đấu trường… từ huyệt đào lấp đất về tới nhà mình đây. Cha về đây để gặp con!
- Cha ơi! - Lệ Uyên kêu lên - Có lẽ nào lại thế? Họ giết cha đã lâu rồi mà! Con chờ mong gặp lại cha, đằng đẵng trọn cả luân hồi ba kiếp; nếu tính thời gian ở Bên Này thì cũng đã 46 năm rồi! Vậy mà sao cha lại nói cha mới từ ngoài đấu trường về đây?
Thùy Dương vội chen vào:
- Bác nói đúng quá rồi còn gì nữa! Cháu cho rằng thời gian và ánh sáng là hai khái niệm không thể tách rời nhau được. Chúng ta vận chuyển theo vận tốc của ánh sáng, tuỳ theo nhanh hay chậm… Ba kiếp luân hồi mà chị Uyên nói là thời gian tâm lý; 46 năm ở Bên Này là thời gian 3 chiều; còn khoảng thời gian bác từ ngoài đấu trường về đây là thời gian Vũ trụ bốn chiều, đa chiều…
Cha của Lệ Uyên hình như nghe chưa hết lời lẽ của Thùy Dương, ông lịch sự gật đầu rồi ngồi vào một bên ghế tràng kỷ, đối diện với các con mình.
- Nào, bây giờ con hãy nhìn kỹ thầy đi! Bố Vỹ đây! Cha của bé Uyên tội nghiệp! Con mới lên bảy, bố đã bỏ con biền biệt đi gần cả nửa thế kỷ. Ôi! con tôi!
Lệ Uyên ngẩng đầu nhìn cha mình. Một mái đầu tóc xanh, dày đậm, rẽ đường ngôi giữa; mái tóc thuở cậu Mai Duy Vỹ mười bốn tuổi, vừa mới đậu primaire, bây giờ ta gọi là tiểu học… Anh thuộc lớp người giao thời, đã từng học chữ thánh hiền của cha ông một dạo trước khi chuyển sang học chữ Tây. Vầng trán sáng, rộng mở ra tới hai bên thái dương, nổi trội lên là cặp mắt thông minh nhân hậu, có hơi chút mềm yếu. Sống mũi cao, ngay thật, nhìn xuống đôi môi thường khép lại, chịu đựng, nhẫn nhục… Khuôn mặt thư sinh, trẻ trung thoáng chốc trở nên linh hoạt hơn; cặp lông mày hơi nhíu lại làm ánh mắt thêm phần quyết đoán…
Ấy là thời y sĩ Mai Duy Vỹ ở nhà thương Thanh Hoá; người thầy thuốc được các bạn đồng nghiệp và cả bác sĩ bệnh viện trưởng người Pháp mến phục.
Khuôn mặt bỗng chốc lại gầy đi nhưng đẹp thêm bởi nước da sạm nắng lửa, và nụ cười nở hàm răng trắng sáng cởi mở hân hoan (đôi lúc cũng hài hước châm biếm, đó là điều bất lợi và nguy hiểm cho con người ta một thời, cái thời tai ác trớ trêu.)
Ấy là năm 1946, Mai Duy Vỹ có con trai đầu, em của Thanh Tâm, anh của Lệ Uyên…
Rồi sau đó 2 năm, đồng chí Mai Duy Vỹ được đứng trong hàng ngũ những đảng viên Cộng sản ngoài mặt trận cầm dao mổ xẻ những khối u, cưa cắt chân tay các thương bệnh binh, cứu họ thoát khỏi cái chết thương tâm sau những trận pháo kích, ném bom của giặc Pháp…
Đây, bàn tay Mai Duy Vỹ đang giơ ra đặt trên bàn; những ngón dài mềm đã từng kéo nhị, chơi đàn nguyệt, viết thảo chữ Hán, lại cũng khéo léo tài nghệ lúc cầm con dao mổ… Bàn tay…
Mái đầu ấy, bàn tay này được đồng chí, đồng nghiệp, dân chúng xứ Thanh ngợi khen; người ta cho rằng y sĩ Mai Duy Vỹ không chỉ vượt qua đầu các bạn y tá y sĩ mà còn ăn đứt cả những bác sĩ có bằng cấp cao nhưng chưa quen thạo tay nghề!
Mai Duy Vỹ - cha của Mai Lệ Uyên!
- Bác rất giống chị Uyên!
Thùy Dương thốt lên. Ả xoay người, nghiêng mình ngắm ông Vỹ, gật gật đầu.
- Dạ thưa bác - Ả chăm chú, so sánh - Tóc bác có nhạt màu hơn tóc chị Uyên, cả hai đều hơi cứng; và có một lọn cong vòng trước trán… còn đôi mắt thì khỏi phải bàn, cha con giống nhau đến nỗi - Ả ngập ngừng - nhìn người này thấy được ý nghĩ người kia…
Ông Vỹ mỉm nụ cười buồn buồn:
- Bác thấy cháu cũng giống… Lệ Uyên… như hai chị em.
Thùy Dương lắc đầu:
- Bác nói thế chứ… Đúng là hai chúng con sống với nhau đã lâu và lây nhiễm nhau. Lệ Uyên đẹp hơn, tốt hơn cháu cả ngàn lần!
Ông Vỹ khiêm nhường hoà nhã:
- Bác thấy cháu cũng… rất đáng mến. Càng nhìn lâu càng thấy giống bố cháu.
- Ô? Làm sao bác biết được thầy con? Bác gặp thầy con khi nào?
- Cháu cũng gọi cha đẻ là thầy ư? Thế này chứ, một thời gian dài Bên Này bác chỉ có mỗi một mình. Mãi đến gần đây, tình cờ sao chúng tôi mới gặp được nhau rồi quen nhau. Cha cháu thuộc lớp sau bác, vào Đảng năm 1954… Hoàn cảnh hai bên có khác nhau nhưng rồi chúng tôi cảm thông nhau, quý mến nhau. Đời bố cháu cũng cơ cực và thiệt thòi; có điều không mắc phải oan trái thôi. Ông ấy đi rồi…
- Đi đâu hở bác?
Ông Vỹ không giấu được nụ cười vui mà buồn.
- Đi đâu à? Siêu thoát! Mừng cho bố cháu. Bây giờ ông ấy sung sướng, thênh thênh đường lên Hạnh Phúc…
Chỉ còn tôi là phải ngồi chờ ở đây. Có lẽ còn lâu mới đến lượt…
- Vậy là… cháu không còn được gặp lại bố cháu!
Thùy Dương cúi đầu, cắn môi. Hình như ả khóc?
Ông Vỹ không kìm giữ được một tiếng thở dài.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử