lịch sử việt nam
Ngày Long Trời Đêm Lở Đất
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trẩn Thế Nhân
Tiểu thuyết Tập 1
Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam
09-2010
MỤC LỤC
Mục lục tập 1
Lời giới thiệu của Khối 8406
Lời Nhà xuất bản Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ
Khúc dạo đầu
Chương 01 đến chương 24
Mục lục tập 2
Chương 25 đến chương 46
Lời bạt (Nguyễn Quảng Tâm)
Suy ngẫm khi đọc “Ngày long trời đêm lở đất” (Nguyễn Minh Cần)
*/*/*
CHƯƠNG 33
CHUYỆN MỔ XẺ THỜI CHIẾN TRANH
CHỐNG PHÁP. NHỮNG CA MỔ RUỘT THỪA
ĐẦU TIÊN CỦA BỐ VỸ, NGƯỜI THẦY
THUỐC TÀI HOA ƯU TÚ
Có một lần mẹ của con dằn dỗi về chuyện lâu nay chồng mình bỏ bê con cái, phó mặc việc nhà cho bà ấy.
“Ông đâu có thương vợ con, mẹ nói, ông chỉ xót cho vợ con nhà người thôi; việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng… Bệnh viện mới là nhà của ông, nhà mẹ con tôi chỉ là cái quán trọ để ông ghé về ăn cơm… Có hôm vợ con chờ suốt cả ruột, cơm thì nguội lạnh, thịt cá thiu thối, ông cũng không chịu về ăn, ông còn xách túi đi khám bệnh chích thuốc cho người ta, ông còn mắc họp. Thiên hạ đau, đồng chí đau thì ông thương xót lắm; còn vợ con ở nhà đau thì ông bảo không can chi, uống ít viên thuốc, chỉ vài hôm thôi là khỏi… Tôi xem ra cái phúc nhà này lớn lắm đấy!”
Mẹ nói rồi khóc lóc. Thầy muốn điên lên. Thầy nghiến răng đấm ngực la: “Trời ơi, bà muốn cho tôi sống hay là giết tôi đi! Con bệnh đang cơn đau, tôi không khám chữa chích thuốc, bỏ mặc đó để người ta chết à? Cuộc họp có mặt các đồng chí đông đủ cả, không lẽ thiếu vắng mình tôi sao? Bà có đi họp thay cho tôi được không?”
Mẹ gào lên: “Họp sống họp chết, họp cái chó gì họp lắm thế? Sao lâu lâu không bớt đi vài cuộc họp ở nhà cho vợ con nhờ?”
Thật quá thể! Quá thể! Có ai đời vợ mình lại ngoa ngoắt, tục tằn xúc phạm chồng đến thế, lại còn to gan động chạm tới đoàn thể, chính trị nữa. Thầy mới vung tay tát cho bà ấy một cái. Cái tát mạnh đến nỗi mẹ ngã ngửa, đầu đập vào cây cột, ngất xỉu dưới nền nhà…
Từ dạo lấy nhau tới giờ, đây là lần đầu tiên vợ chồng cãi cọ to tiếng. Cũng là lần đầu tiên trong đời thầy đánh người, mà đánh ai, đánh vợ mình! Ôi khốn khổ, khốn nạn!
Thầy đùng đùng bỏ nhà, ra ngoài đường đi một mình giữa ơn giông. Gió quất liên tiếp những roi mưa vào mặt; nước mắt trời tuôn hay lệ ai đang xối xả ướt đầm hai hốc mắt, gò má hõm hóp lâu ngày thiếu ngủ? Đứng lại giữa đường, đưa hai tay vuốt, thầy mới sực nhớ ra là mình đã quên tấm ni lông che mưa ở nhà.
Cũng may, lại đúng lúc bệnh viện cho người tới nhà tìm thầy lên mổ ca cấp cứu cho một bệnh nhân chẩn đoán đau ruột thừa. Thầy gặp anh lao công. Cả hai che chung tấm ni lông lên đầu cùng vội vã đi.
Ca mổ trầy trật cả tiếng đồng hồ. Mổ xong, thầy nằm vật ra giường ngủ thiếp đi như vừa bị đánh thuốc mê…
Hồi ấy, những năm 48-50… khái niệm mổ xẻ kinh hoàng rùng rợn lắm, con ơi!
Người ta chỉ dám nghĩ tới chuyện cắt cục amiđan trong họng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp không cầm được máu, bệnh nhân đành phải chịu chết. Thuốc men quý hiếm, công cụ y tế thô sơ, kỹ thuật mổ xẻ còn yếu kém lắm. Bệnh viện không có điện, không có máy phát điện. Tại bệnh viên “Cổ Định” - Nông Cống, để soi khám hai cục amiđan trong họng, người ta phải dùng tới ánh đèn xe đạp. Thầy kể cho con nghe nhé. Một y tá cầm pêđan xe đạp quay mạnh để bình điện cọ vào lốp xe làm cho đèn xe bật sáng… Đèn xe được đặt trước mặt bệnh nhân; bệnh nhân há mồm to ra để bác sĩ ngồi phía sau đèn nhìn vào… khám xét hai tên lính gác thực quản và phế quản. Giáo sư bác sĩ Trần Hữu Tước từ Pháp về cùng với những người học trò ưu tú của ông, các bác sĩ, đều làm việc trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn như vậy.
Cưa cắt tay chân thương binh, người bị tai nạn chiến tranh là điều người ta có thể hiểu và chấp nhận. Còn chuyện lên bàn mổ nằm để bác sĩ cầm dao rạch bụng… ít ai dám nghĩ tới, cầm bằng cái chết chắc chắn chín mươi phần trăm, coi như là… định mệnh!
Nhiều người lên cơn đau ruột thừa không có ai khám và mổ cho đành phải ôm bụng chờ chết. Vũ Hồng Côn, học sinh trường Cấp 3 Lam Sơn, cậu con trai dễ thương thông minh của nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Hằng Phương đã chết vì căn bệnh ruột thừa; một bằng chứng đau thương của y tế nước ta thời chiến tranh chống Pháp!…
Thuở nhỏ, thầy rất sợ máu. Những ngày giỗ tết, không dám cầm dao cắt tiết, mổ bụng gà vịt, cứ phải để cho anh Nuôi và chú Đông làm công việc khủng khiếp đó. Khi học ở trường Y khoa Hà Nội thầy cũng chỉ được đôi lần đứng phụ mổ đưa bông băng dao kéo cho bác sĩ người Pháp.
Cuối năm 1946, toàn quốc kháng chiến, thầy phải ra mặt trận để phục vụ các chiến sĩ Vệ Quốc quân. Cái cảnh thương binh ùn ùn khiêng chở từ mặt trận về nằm la liệt ở Quân y viện thật không tài nào kể xiết. Máu chảy chan hoà nước mắt… Không cưa chân, không cắt tay làm sao được! Cưa cắt may ra anh em họ còn sống! Mà đâu chỉ chân tay, đầu cổ, lưng ngực… Tất cả những bộ phận sinh ra để cho con người ta sống, chiến tranh đều dùng tới Cái Chết để huỷ hoại, tàn sát! Nhìn thấy ruột gan trong bụng thương binh lòng thòng xổ ra, dù có rùng mình kinh hãi, cũng phải mau mau bắt tay vào cắt hớt, may khâu lại… Phải làm tất cả để dành lại Cái Sống cho đồng chí, đồng bào!
Những lần đầu thầy cũng run tay, đêm tới chợp ngủ chỉ mơ thấy toàn máu… là máu.
Vậy rồi mà, chỉ mấy tuần trôi qua là bắt đầu quen với máu, nói cho đúng hơn, là thuận tay, lên tay mổ xẻ. Tất cả chỉ vì tấm lòng thôi, con ơi!
Thầy thương các đồng chí, chiến sĩ, một tình thương chưa từng bao giờ thấy, ngay cả đối với vợ con gia đình… Tổ quốc và Cách mạng đã sinh ra Mai Duy Vỹ một lần thứ hai và hun đúc tình thương ấy trong con người thầy thuốc! Phải cứu những anh em đồng chí khỏi cái chết, giành lại mạng sống, đưa họ về với gia đình vợ con!
Những ánh mắt, lời nói tỏ lòng biết ơn khâm phục của thương bệnh binh và các bạn đồng sự trong Quân y viện đã giúp thầy quên bao mệt nhọc, thức thâu đêm suốt sáng cầm con dao mổ…
Quân y viện trưởng Trần Thế Đức, bác sĩ tốt nghiệp đại học Y khoa Hà Nội… lớn hơn thầy cả tuổi đời, tuổi nghề, học rộng biết nhiều, bác sĩ Đức già dặn về bệnh lý nhưng không hiểu sao lại non tay về phẫu thuật? Về quan hệ nghề nghiệp thầy là cấp dưới, là học trò của ông ấy. Từ chỗ dè dặt trong cách cư xử, dần dà Đức mến thương thầy như người thân ruột rà… Sau này, trong một lần giao tiếp, bác sĩ nói: “Anh Vỹ, anh có qua lớp phẫu thuật với một giáo sư nào không? Có biết bác sĩ Lơ-roa-Đề-ba ở Hà Nội không?” Thầy lắc đầu cười nhũn nhặn. Thế thì lạ thật đấy. Đức tần ngần nhìn thầy. “Anh đưa bàn tay tôi xem… Đúng là có hoa tay, tiếc cho anh chưa được học lên”…
Ca mổ ruột thừa appendicite đầu tiên, thứ nhất trong đời thầy không phải dành cho ai khác mà chính là Trần Thế Đức. Thật kỳ lạ. Nhớ lại ngày hôm ấy… Đức lên cơn đau bụng sau buổi ăn trưa, quằn quại tới chiều và tự chẩn đoán mình đau ruột thừa. Dạo ấy thầy chỉ quen cưa tay chân, chưa một lần mổ bụng ai và cũng chỉ mường tượng… về cái ruột thừa. Thời Pháp, chỉ có các bác sĩ mới được cầm dao mổ. Một y sĩ như thầy làm sao dám đụng tới! Quân y viện trưởng động viên thầy: Anh Vỹ, mạnh dạn lên, không sao đâu! Anh không mổ thì tôi cũng chết. Mổ đi! Tôi tin anh làm được. Tôi chịu trách nhiệm. Đức lại còn khôi hài: Thì cũng như mổ gà, cắt cái khúc ruột ấy bỏ đi, thế thôi… Anh đã mổ gà nhiều lần chưa? Thầy thú thực rằng chưa, hồi nhỏ rất sợ cắt tiết, mổ lòng gà vịt…
Ca mổ được tiến hành vào 8 giờ tối.
Số phận dành cho đời thầy những món quà tặng về ban đêm. Ban đêm khi đầu óc con người ta phần nhiều mệt mỏi, lầm lẫn thì đầu óc thầy chẳng hiểu sao lại thông suốt, bàn tay lại khéo léo chuẩn xác lạ lùng. Dưới ánh sáng của ba chiếc đèn pin tụ lại, thầy cầm dao rạch phía bên phải bụng bác sĩ Đức và… thật kỳ lạ, cái ý nghĩ ruột người ta cũng giống như ruột gà làm cho thầy tỉnh táo, chẳng mấy chốc tìm ra ngay cái ruột thừa ẩn núp, bám đeo vào…
Trông nó như một tên tội phạm lẫn trốn, bị truy tìm ra rồi mà vẫn cho rằng mình vô tội. Tôi cũng là một bộ phận của con người, làm ra con người. Tạo Hoá chẳng đã cùng sinh ra một lần cho con người hay sao? Vậy mà các người chưa hiểu đầy đủ về tôi!
Có tiếng nói nào bên trong vang lên… Bàn tay ai sinh ra lỡ như có 6 ngón, sao các người không cắt ngón thứ 6 đó đi! (Thật bất công và vô lý!).
Nhưng ruột thừa ơi, mày đã làm mủ rồi và đang gây ra cái chết chắc chắn cho con người. Hiểu chưa? Còn ngón tay thứ 6 kia, nó xấu xí và vô ích thật đấy, nhưng nó lại không gây ra hiểm họa như mày; dẫu rằng nó cứ phô ra trước mặt mọi người chẳng cần che giấu thì… chúng ta cứ để yên cho nó tồn tại!
Đời là vậy! Còn biết bao nhiêu cái thứ 6 quái gở, cấn cái, vướng víu cho con người, e rằng có khi con người chết rồi đã chắc gì nó sẽ chết theo?
Thầy cắt cái ruột thừa đó quả quyết và nhanh gọn còn dễ hơn người ta hái đi một quả thối trên cây.
Chiều hôm sau, khi đã tỉnh táo hẳn, bác sĩ Đức nói với thầy: Tôi nói có sai đâu. Anh cắt ruột thừa còn dễ hơn mổ bụng gà. Đôi mắt hiền hậu thâm trầm sáng lên, bàn tay ông ấy đặt lên bàn tay thầy. Anh đúng là một thầy thuốc bẩm sinh, trời phú… anh Vỹ ạ. Sau này kháng chiến thành công, còn sống trở về Hà Nội, tôi sẽ kể cho vợ con nghe. Chúng nó sẽ ghi nhớ, đền ơn anh…
Bác sĩ Đức có hoàn cảnh hơi éo le. Cô vợ trẻ đẹp của ông nghe nói là con một gia đình giàu có ở Hà Nội. Gia đình theo bác sĩ chạy giặc, tản cư vào tới Thanh Hoá. Đời sống ở hậu phương, vùng tự do lúc ấy gian khổ không sao chịu đựng nổi đã khiến họ phải quay trở lại Hà Nội “dinh tê” vào Thành. Cuộc chia tay diễn ra… Bác sĩ Đức một lòng đi theo Quân đội, ở lại với Cụ Hồ. Chắc ông ấy buồn khổ lắm.
“Chiến tranh là chiến tranh”. Bác sĩ nói với thầy bằng tiếng Pháp. “Con người chẳng phải là ma quỷ, cũng chẳng phải thánh thần. Anh Vỹ ạ, khi giết người, có ai nghĩ mạng người là thần thánh đâu. Giết là giết! Thế thôi!
Người thầy thuốc giàu tình cảm thôi chưa đủ, anh ta còn phải mạnh mẽ về lý trí. Bởi thế, đôi khi rất khó chữa bệnh cho bản thân và người nhà; ấy là chưa nói tới cầm dao mổ cưa cắt, phẫu thuật chính vợ con mình… thường những lúc ấy anh ta phải nhờ người khác làm hộ. Bọn mình ở chiến trường lại càng phải đòi hỏi cao. Chỉ thương cảm xúc động anh em thương binh thôi mà thiếu tỉnh táo, thậm chí đôi khi còn phải lạnh lùng nữa, chứ không thì công việc hỏng hết!”
“Chiến tranh là chiến tranh”. Bác sĩ Đức nhắc lại câu tiếng Pháp với nụ cười buồn bã.
Ông ấy là một con người hoàn thiện hơn thầy nhiều do có được đức tính điềm tĩnh đôi khi đến lạnh lùng đó.
Có lần, thấy thầy khóc bên giường một anh chiến sĩ đã chết vì vết thương quá nặng ở ngực, máu chảy cạn kiệt… bác sĩ yên lặng đứng một lúc lâu rồi nhẹ nhàng đặt tay lên vai thầy. “Đồng chí Vỹ”. Bác sĩ nói. Hai tiếng “đồng chí” làm thầy nhớ lại, cả hai người, thầy và ông ấy cùng được kết nạp Đảng vào dịp cuối năm 1948, lúc mọi người đang chuẩn bị ăn Tết Xuân Kỷ Sửu. “Đồng chí Vỹ! Bình tĩnh nào. Chúng ta còn nhiều việc phải làm.” Rút tay ra khỏi vai, thầy còn nghe tiếng thở dài sâu kín của bác sĩ.
Thầy có một người bạn đồng nghiệp, người anh đáng quý đến như thế.
Tiếng vang về những ca mổ ruột thừa của thầy lan truyền đi khắp các đơn vị, khắp tỉnh Thanh. Có người gọi thầy là Hoa Đà tái thế, là Tôn Thất Tùng của Thanh Hoá.
Bác sĩ Viện trưởng cũng vui lây cái vui của mọi người. Ông ấy cũng cầm dao mổ, bởi vì không mổ cũng không được, con số thương binh mỗi ngày một nhiều.
Một lần xong ca mổ, rửa tay xà phòng, Đức gật đầu cười nói: “Có anh Vỹ đứng bên, tôi mới thực sự yên tâm cầm dao đấy, các đồng chí ạ. Chúng tôi là cặp anh em song sinh mà!”
Cả phòng mổ, anh chị em y tá cười theo. Ôi! Những giây phút đầm ấm tình người, tình đồng chí… làm thầy quên đi tất cả nỗi mệt nhọc lo lắng trên đời. Những giây phút sáng tươi, hạnh phúc.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử