lịch sử việt nam
Ngày Long Trời Đêm Lở Đất
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trẩn Thế Nhân
Tiểu thuyết Tập 1
Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam
09-2010
MỤC LỤC
Mục lục tập 1
Lời giới thiệu của Khối 8406
Lời Nhà xuất bản Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ
Khúc dạo đầu
Chương 01 đến chương 24
Mục lục tập 2
Chương 25 đến chương 46
Lời bạt (Nguyễn Quảng Tâm)
Suy ngẫm khi đọc “Ngày long trời đêm lở đất” (Nguyễn Minh Cần)
*/*/*
CHƯƠNG 30
CHUYỆN ĐỒNG CHÍ Y TÁ TOÀNH.
CHUYỆN VỚ VẨN TRONG NHÀ.
CHUYỆN TÀO LAO KHÁCH KHỨA.
Thầy gặp Toành ở Đại đội trong chiến dịch Hà Nam Ninh. Cứ theo lời Toành tự kể thì anh ta quê gốc ở Thái Bình, Nam Định gì đó, đói Ất Dậu phiêu bạt vào Nga Sơn - Thanh Hoá. Ừ thì cũng coi đồng chí này như đồng hương Nga Sơn - Thanh Hoá. Chính thầy đã lấy anh ta lên làm lao công, hộ lý. Toành có tật nói ngọng, cà lăm… chữ to quốc ngữ đọc cũng chưa thạo; tên thuốc thì chẳng những không gọi được mà còn nhớ tầm bậy; tiêm thuốc thì trầm trầy trầm trật mãi mới chọc được mũi kim vào ven…
Đã thế lại còn phách lối, nói trạng. Có biết quái gì đâu về y tế. Ngay cả danh hiệu y tá cũng là do anh ta tự phong cho mình, Toành có được qua trường lớp đào tạo nào đâu!
Một lần đang ca mổ, tay chân lóng ngóng thế nào, Toành đánh rớt cái khay có đủ dao, kéo, pince… xuống đất; anh ta vội nhặt lên, phồng má thổi phù phù, đưa vạt áo ra lau vội… Thầy mới nổi điên lên mắng anh ta là đồ ngu, hậu đậu, đồ óc bùn… Giữa đám y tá, hộ lý, Toành đỏ mặt giận, từ đó có ý để bụng…
Thầy biết, nhưng rồi công việc ngập đầu, chẳng còn thì giờ đâu trò chuyện với anh ta nữa. Thương binh ngày một nhiều, người phục vụ không đủ, rồi lại phải nhờ đến Toành. Có hôm thầy bảo đưa đây lọ cồn, đầu óc để đâu đâu Toành lại đưa cuốn băng, cái kéo… Các loại thuốc Tây thông dụng cũng thế, đã bày đi dặn lại nhiều lần, dẫu có khá hơn rồi vẫn vậy… nghĩa là lộn phèo, bát nháo chi khươn!… Áp bờ phên (aspirine), đá ghè răng (dagenan), Canh kí dốt (teinture d’iode)… xít tép, pêni… cứ Việt Nam hoá ra vậy thì may ra Toành còn nhớ.
Một lần, ở Tiểu đoàn bộ, thầy giảng giải cho Toành hiểu “nhà dây thép” là gì, bưu điện là gì, điện thoại moóc-xờ là gì, đánh moóc nghĩa là làm sao?… dây điện thoại mà bị đứt là tin tức phát đi cũng bị ngừng, nghĩa là không còn nghe thấy gì nữa. Người chỉ huy, Bộ Tư lệnh mà mất tin tức liên lạc với cấp dưới thì chiến dịch ở thế thắng cũng chuyển thành thế thua. Rất nguy hiểm! Trong chiến tranh ở các nước phương Tây, người ta mà bắt được quả tang người nào đang cắt dây điện là kẻ ấy chắc chắn lãnh án tử hình.
Có một lần thầy cùng đi với Toành từ Phát Diệm về Nho Quan. 9 giờ tối. Đột nhiên có máy bay Bà Già Pháp rè rè tới lượn quanh vùng. Lại đúng lúc thầy đau bụng nên chạy vội vào bụi cây gần đường để đi ỉa. Chính tay thầy giao túi xách cứu thương có chữ thập đỏ và cái đèn pin cho Toành, dặn anh ta chớ có táy máy thò tay vào công tắc mà đèn bật sáng; máy bay nó xả liên thanh dội bom xuống đầu cho mà chết cả lũ bây giờ!…
Vừa ngồi vào bụi cây chưa kịp ị, thì lạ chưa, cái đèn pin bên kia đường tự nhiên loé sáng. Thầy hét lên. Lóng nga lóng ngóng một lúc Toành mới tắt được ánh đèn. Máy bay Bà Già Pháp xuống rất thấp, như vừa nhận được dấu hiệu ở dưới đất, lượn quanh mấy vòng…
Cả hai đồng chí vùng căng chạy. Chạy được một quãng chừng hơn nửa cây số thì đạn pháo ca nông của địch từ ngoài biển câu vào uỳnh oàng liên tục. Hú vía!
Thầy mắng cho Toành một trận. Hắn ta cười hì hì bảo rằng lần đầu tiên trong đời được cầm đèn Bim nên thích quá, thử… bấm chơi! Thích cái tiên sư cha mày! Đồ đồ…
Thầy lại nhớ tới cuốn tự điển Larousse của nhà ta thường đặt trên bàn làm việc sau cửa sổ… Đúng là trong ấy có đủ hình ảnh các ông Tây đế quốc từ Napoléon tới Pasteur. Có lần thầy còn chỉ dẫn cho bầy đứa và cả chú Đông đứng bên xem hình Chúa Jesus Christ.
Rồi lại nhớ…
Cái lần nào nhỉ? Giữa đám bạn bè khách khứa tới chơi nhà, nhân lúc vui chuyện thầy kể mình đã thấy Vua Bảo Đại năm vào thăm Huế đúng dịp lễ Nam Giao. Rồi sau này Tổng khởi nghĩa 1945, khi Cố vấn Vĩnh Thuỵ trên đường ra Hà Nội, qua Thanh Hoá, nghỉ lại nhà Uỷ ban, ngày xưa gọi là Toà Sứ, thầy lại gặp Bảo Đại.
Lần này không phải thấy xa xa mà ngay trước mặt.
Chả là, dạo ấy thầy được cấp trên điều động công tác vào nhà Uỷ ban để phục vụ, khám chữa bệnh, tiêm thuốc cho mấy ông lớn Cách mạng: Chủ tịch, Bí thư… Khách Trung ương từ Hà Nội vào, trong Nam ra… Các ông Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Lê Tất Đắc, Lê Chủ…
Đang ngồi ở phòng khách, thấy cố vấn Vĩnh Thuỵ đi từ buồng tắm gần đó ra, trên người chẳng mặc quần áo gì hết, cứ trần truồng rất chi là tự nhiên, thầy đâm ra lúng túng, không biết nên chạy đi đâu… Cố vấn hiểu ý, gật đầu cười, nói giọng Huế: “Cứ tự nhiên! Cứ tự nhiên!” Rồi thong thả trở về phòng mình.
Chuyện kể tới đó mọi người ai cũng cười. Có người lắc đầu không tin. Lẽ nào đồng chí Cố Vấn, anh Vĩnh Thuỵ, cựu hoàng Bảo Đại mà lại như thế?
Một người bạn của thầy là Hà Kính Lãm, còn gọi là Bang Lãm, thời Pháp ông này làm Bang Tá, có lúc làm việc và sống gần Bảo Đại… Ông Lãm lên tiếng xác nhận đúng là Bảo Đại quen sống tự nhiên như Tây vậy. Cựu hoàng vô tư và hiền lành, cả đời chưa giết hại một người nào!
Nhân ngày lễ Noel sắp đến, mọi người lại nói sang chuyện Nhà thờ và các Cha cố!
Hồi thầy còn làm ở Nhà thương Thanh Hoá các Cha cố đến khám chữa bệnh là chuyện thường. Họ là người, cũng ốm đau bệnh tật như ai. Thầy cũng chỉ biết sơ sơ về họ, không quen thân với một vị nào.
Ông Bang Lãm, bạn của thầy, biết khá nhiều về họ. Ông này kể chuyện mình đã từng gặp Giám mục Lê Hữu Từ tại nhà thờ Phủ Cam ở Huế. Cũng tình cờ mà gặp thôi chứ không có quan hệ gì; bởi lẽ đồng chí Lãm bây giờ đã là đảng viên đảng Cộng sản, ngày xưa hồi còn làm bang tá cho Tây, không chỉ che chở cho ông em là Hà Kính Thắng, hiện là Phó Chủ tịch tỉnh, mà còn cưu mang cả đồng chí của em ruột mình nữa…
Lãm kể, Lê Hữu Từ người nhỏ gầy, trông rất thông minh mà cũng có vẻ hiền lành, bây giờ đang là trùm Công giáo ngoài Bùi Chu, Phát Diệm, ngay sát nách Nga Sơn mình…
Một người khác chen vào, thông tin cho mọi người biết, ngoài Bùi Chu, Phát Diệm, dưới nhà thờ có những cái hầm sâu, nhiều đảng viên Cộng sản, du kích quân của ta đang om xương rã thịt… Cả một núi đầu lâu Việt Minh trong đó! Kinh khủng chưa!
Như vậy, người gặp Giám mục Lê Hữu Từ là ông Bang Lãm, sau Cách mạng tháng Tám chuyển sang làm nghề dạy học, được kết nạp vào Đảng năm 1948, chứ đâu có phải Mai Duy Vỹ, mà bây giờ người ta lại tra hỏi thầy!
Ối! Trời cao đất dày! Lời nói đọi máu! Cái đời này sao mà rắc rối hiểm độc thế! Ai trong đám khách khứa bạn bè họp mặt ở nhà tôi hôm ấy đã dựng chuyện đổ vấy sang cho tôi? Ông Bang Lãm, đồng chí Lãm, thầy giáo Lãm thì xa chạy cao bay, sống nơi nảo nơi nào rồi!
Ai thế nhỉ? Ai?
Chú Đông thì rõ mười mươi là tác giả của cuốn sách dày như cái gối có đầy đủ ảnh bọn Tây đế quốc và Chúa Trời phản động rồi. Không lẽ chú lại còn là tác giả của… Chắc chắn không phải! Chúa Trời làm sao mà nhét nổi Đức cha Lê Hữu Từ vào cái đầu bò, óc lợn của đồng chí Lê Trạch Đông!
Vậy thì ai? Ai? Ai là người đơm đặt chuyện, dựng đứng thanh gươm độc này lên!? Thầy cố nhớ… cố nhớ…
Đột nhiên, cả chùm thần kinh trong đầu rão ra, đứt dần… còn lại sợi căng nhất nối linh hồn thầy với Cõi Sống cũng muốn đứt luôn.
Linh hồn thầy chìm trong vũng máu. Mê man…
Mở mắt ra…
Tiếng rít điếu cày lại vang lên trong đêm đông giá rét nghe phát kển người như đường gươm đưa, lưỡi hái vung của Thần Chết. Vỗ vỗ miệng điếu cày xong, lại vẫn cái ông Đội trưởng Đội Cải cách người Nghệ An đó nói: Ông ta nhắc lại cho cả bọn nghe là phải gang mồm thằng Vỹ, đặt ngay một cái que sắt, buộc dây vòng vào sau gáy… để đề phòng nó cắn lưỡi tự tử, nó mà cắn lưỡi tự tử là hỏng bét! Không đưa nó ra bắn ở đấu trường được là cả một thất bại chung không chỉ cho công cuộc vận động đấu tố của quần chúng Cách mạng, Quân Chủ lực Nông dân… mà còn hạ thấp uy tín của Đội, của Chi bộ Đảng mới thành lập!
Cả bọn xuýt xoa, nói sang chuyện thời tiết giá rét. Rét gì mà rét dữ! Rét không kém gì năm Ất Dậu 45! Rét cóng cả tay chân, máu trong người đông lại. Rét đến nỗi cá trong ruộng, ngoài đồng chết cóng nổi lên. Sáng dậy, sương giá như rắc muối bột trên lá cây, rau trồng không mọc nổi, héo úa… vụ mùa này coi như mất trắng. Biển động, không ai đi khơi. Nhà nhà hết gạo. Phải đào củ chuối ăn với hổng xanh!
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử