lịch sử việt nam
Xin mời Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử trên Facebook
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trần Thế Nhân
Tiểu thuyết Tập 1
Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam
09-2010
MỤC LỤC
Mục lục tập 1
Lời giới thiệu của Khối 8406
Lời Nhà xuất bản Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ
Khúc dạo đầu
Chương 01 đến chương 24
Mục lục tập 2
Chương 25 đến chương 46
Lời bạt (Nguyễn Quảng Tâm)
Suy ngẫm khi đọc “Ngày long trời đêm lở đất” (Nguyễn Minh Cần)
*/*/*
CHƯƠNG 18
ĐỘI CẢI CÁCH BẮT BỐ VỸ ĐƯA ĐI TÙ.
NHÀ BỊ “BAO VÂY”
Thầy ơi! Con kể thầy nghe… những gì năm ấy con còn nhớ được qua ký ức của cô bé lên 7 tuổi. Và sau này còn được mẹ và chị con bổ khuyết thêm.
Con còn nhớ cái đêm hôm ấy đêm gì mà trời oi bức như thể sắp có giông bão.
Mẹ bảo mấy đứa con nằm giường nóng lưng chắc không ngủ được, thôi thì chịu khó quét nền nhà gạch, trải chiếu ra ngủ cho mát mẻ hơn. Thế là, con bé Uyên của thầy lăn ra ngủ một giấc chẳng còn biết trời đất ra sao nữa.
Sáng dậy, mở mắt ra con thấy sao không khí trong nhà ta có cái gì khác lạ? Mặt mày ai nấy buồn rầu lo lắng. Con đi quanh quẩn hết trên nhà rồi xuống dưới nhà, lại đi ra cả trước sân đứng nhìn cây hoa ngọc lan, mấy chậu hồng, chậu cúc mà thầy thường đứng nhìn hoặc cúi xuống hít thở, lấy ngón tay mơn vuốt…
Quay vào nhà, thấy mẹ đang ngồi thừ trên ghế tràng kỷ, con hỏi:
- Mẹ ơi, thầy đi mô rồi hả mẹ?
Mẹ nhìn con như người mất hồn, thở dài.
- Thầy qua Bình Lâm, bên ngoại Hà Trung có chút việc…
Đến bữa ăn trưa vẫn chưa thấy thầy về! Rồi bữa tối đến… Thầy cũng chưa về! Lúc bấy giờ mẹ mới nói thật cho con biết cái điều khủng khiếp đã xẩy ra…
- Thầy bị người ta bắt đưa đi đêm hôm qua rồi!
Nói xong, mẹ nâng vạt áo lên úp trùm mặt, nghẹn ngào.
- Thầy bị bắt sao con không biết?
- Thì con ngủ say nên không đánh thức con dậy.
- Sao không đánh thức con dậy? Lỡ như thầy đi luôn, con không thấy thầy nữa thì sao?
- Đừng nói dại con, thầy đi chừng dăm bữa, nửa tháng thôi rồi thầy về.
- Ai bắt thầy đi thế hở mẹ?
- Đội Cải cách… mấy người bần cố được bắt rễ xâu chuỗi.
- Vì sao thầy bị bắt?
- Mẹ cũng không biết nữa! Trời ôi, thôi con đừng hỏi nữa!
- Thầy hiền lành thế cơ mà, mẹ…
Thầy đi được mấy hôm thì nhà ta bắt đầu bị “bao vây”.
Mẹ cắt nghĩa, truyền đạt cho các con và cả bà nội như sau:
“Nhà ta đã bị bao vây. Như vậy có nghĩa là từ nay mọi cái trong nhà, ngoài vườn, tất cả không còn là của mình nữa mà thuộc về tay nông dân, mấy người bần cố nông… Ngay cả con người mình nữa, Đội bảo nông dân để cho mình sống là mình còn được sống, Đội bảo nông dân bắt mình chết là mình phải chết. Hiểu chưa? Trong nhà này, từ bây giờ trở đi, nhất nhất mọi chuyện, ai nấy đều phải nghe tôi, làm theo tôi! Cấm không được nói cái gì, làm cái gì mà không được phép của tôi!!!”
Mệnh lệnh đã ban ra, cứ thế mà thi hành.
Y như rằng ma quỷ bắt đầu rục rịch hoạt động, liên tục khiêu khích.
Lần thứ nhất, không hiểu ai lẻn vào nhà lúc nào, bẻ gẫy song cửa sổ lấy đi mấy lọ thuốc aspirine, quinine, dagenan?… Cả nhà xì xào rồi im. Mẹ bảo im là phải im.
Lần thứ hai, không rõ vào lúc chập tối hay mờ sáng, ai đó chui vào nhà cắt đứt dây, chặt nát khung dệt chiếu?... Thật quá thể! Mẹ bảo im, không được lên tiếng chửi bới.
Lần thứ ba, mấy nải chuối xanh ngoài vườn tự nhiên bị ai chặt, chặt nham nhở sứt mẻ… Ra cái điều rằng chỉ có con vợ thằng Vỹ vì sợ nên mới cắt vội vàng, chặt nham nhở như rứa. Còn ai vào đó nữa!
Có giỏi thì cứ việc la lối lên, bầy choa sẵn sàng vu vạ cho rồi tóm cổ lôi đi… đấu!
Tiếng đồn loang đi khắp vùng, người ta chao chác ngay ngoài đường cho mà nghe rằng đến mấy đêm liền bọn phản động ném đá vào các cuộc hội nghị. Hòn đá mô nhỏ thì bằng quả ổi. Hòn đá mô thì to bằng quả… bưởi con. Có một hòn xẹt qua vai ông Đội, xuýt nữa thì nhằm trúng vào đầu! Chả là ngồi họp lâu, ông Đội mót tiểu mới bỏ hội nghị ra ngoài mà!
Ngồi mãi trong nhà không chịu nổi, một buổi sáng nhìn quanh chẳng thấy mẹ đâu, con mới đi ra ngõ, tháo cái then cài, mở cánh cổng bước ra đường. Ngay sát cổng, bên bụi xương rồng, ơ hay, có một đống đá nhỏ ai vừa mới đổ?… Cúi xuống nhìn, con mới tò mò cầm thử một hòn… Eo ôi, cái gì đen đen dính dính bám vào tay thế này? Cứt người à? Không phải. Xa xa trước mặt có một người đang đi tới. Sợ quá, con vội kéo cánh cổng để chạy vào nhà. Vừa kịp cài then thì một cành gai tre cào vô mặt, chảy máu bên má. Đúng lúc mẹ từ ngoài vườn đi vào. “Làm sao thế?” Mẹ kêu khẽ rồi hớt hãi nhìn con. “Đưa tay đây mẹ xem. Biết ngay mà! Nhựa đường, hắc ín… ở đâu ra thế này?” “Đống đá ngoài cổng…” Vừa nói con vừa giơ tay chỉ. “Thôi chết cha rồi, con ơi, đã bảo mà không nghe, ai cho phép con ra ngoài đó? Họ lập mưu vu vạ để giết mình đó. Có ai trông thấy không?” “Có… có… nhưng từ xa”.
Hai mẹ con vội nhìn ra ngõ. Có một người, đúng là người thật, đang đứng ngoài cổng, cái đầu lù lù sau ô cửa trống hình vuông, thấy rõ cả con ngươi đang nhìn vào. Run bắn người, mẹ ôm ghì con vào lòng, cúi đầu, một tay khẽ luồn vào đầu tóc con ra vẻ như đang bắt chấy…
Một lúc lâu… nhìn ra không còn thấy cái người ấy nữa mẹ mới buông con ra. Bà khóc. Khóc ôi là khóc. Nước mắt hai mẹ con nhoà ướt trên mặt nhau.
Mẹ lôi con ra giếng, rửa lau tay. Nhựa đường, hắc in vẫn dính bám. Nhà hết dầu hoả rồi. Mẹ bảo con cọ bàn tay vào đất cát, may ra… Chẳng ăn thua gì. Lại lấy con dao bào lưỡi mỏng thử cạo, thử gọt… Ôi! Khốn khổ khốn nạn!
Con xin kể tiếp thầy nghe…
Thầy còn nhớ mấy cây mít dai, mít mật nhà ta không? Nó mọc ở cuối vườn, quả trĩu cành. Nhiều hôm ngồi trong nhà nghe có tiếng rơi đánh bịch một cái, anh Bình con mới chạy ra vườn xem. Hoá ra là mít chín, quả nó long rời cuống, rơi xuống đất vỡ tung toé ra… thật là uổng phí.
Bởi thế năm đó, không hiểu Trời xui Phật khiến thế nào ấy mà mẹ nhà ta mới nhờ người tới trèo lên hái xuống tất cả những quả mít đang xanh, sắp chín… Rồi mẹ và bà, hai người bóc múi ra, thái lát, rải ra nong phơi khô. Có ai ngờ cái bao lương khô, chỉ có mít và mít, đã cứu sống ngần ấy con người trong thời gian bị “bao vây” đó. Ngoài mít ra, nhà họ Mai phải lê la ngoài đường, ngoài ruộng để hái rau má. Bà nội nhắc lại năm đói Ất Dậu 45: “Đói thì ăn rau má, chớ có ăn bậy ăn bạ mà chết”.
Có một hôm thầy ạ, chẳng hiểu ai đã cả gan vô phép vượt qua mặt ông Đội, ném vào trong sân cho mấy củ sắn. Thế là, tự nhiên khi không họ làm phúc mà lại gieo họa. Bà và mẹ nhường cho các con ăn… Cả mấy chị em đều bị ngộ độc, say sắn. Mẹ hốt hoảng nghe lời bà, nửa đêm mò ra ngoài ruộng khoai. Ruộng là ruộng của nhà mình, tay mình vun trồng… mà cứ như là du kích, người đi ăn trộm! Mang về được một bó lá, mẹ cùng với bà hai người giã lấy nước đổ vào mồm từng đứa cho chúng con uống để nôn oẹ ra…
Gần sáng, ba đứa chúng con may mà qua khỏi.
Qua tới tuần sau thì anh Bình con… mất tích!
Anh con đi mò cua bắt ốc ngoài đồng từ sáng sớm. Cả nhà đợi tới trưa, sang chiều, rồi quá nửa đêm vẫn không thấy về. Sáng ngày sau, rồi ngày sau nữa!… Như vậy nghĩa là thế nào?! Mẹ và bà nằm liệt. Biết nhờ ai đây xin phép mấy ông bà Đội để đi tìm. Mà ai người ta cho! Mà biết tìm ở đâu?
Rồi làng xóm người ta đồn anh Bình con chết đuối. Chết đuối sao xác không nổi lên, dù là ngoài sông hay ở trong ao đầm, thì cũng có người trông thấy bắt gặp chứ!?
Mẹ nằm mơ thấy anh con về… Cổ bị trói, đầu vỡ toác, máu me đầy mình… 45 năm qua… dẫu nhà ta đã đi tìm, hỏi thăm cũng nhiều người, vẫn không ai biết xác anh Bình con nằm ở đâu! Nhà mình lại ở không xa trụ sở Uỷ ban. Nơi đó, Đội Cải cách nhốt giam, tra tấn những tên tội phạm, phản động… Chúng con nghe rõ tiếng la, tiếng thét, tiếng gào khóc trong đêm khuya mà hoảng hồn, không sao chợp mắt được!
CHƯƠNG 19
BÀ NỘI BỊ ĐẤU TỐ RỒI CHẾT
Bà bảo, sắp tới thế nào họ cũng lôi bà ra đấu. Sớm muộn rồi cũng ra đi thôi!
Mẹ bảo, thà chết chứ không chịu nhục. Họ có lôi mẹ ra đấu, mẹ cũng không chịu nhận những điều vu oan giá họa cho chồng, bôi nhọ phẩm giá của dòng họ!
Quả nhiên, bà nội bị họ tới nhà bắt vào buổi sáng. Bị trói hai tay, không phải còng chân vào cùm nhưng nhốt giam cả tuần trước khi đưa ra đấu.
Từ ngày bị “bao vây”, cả tháng trời nhà ta chỉ ăn có mít khô và rau má như con đã kể. Bà vốn đã gầy yếu lại thêm chứng kiết lị mà không có thuốc uống nên mạng sống chỉ còn tính đếm từng ngày.
Họ vu cho bà tội phản quốc hại dân!
Chứng cớ là, ông nội vào Đảng Dân chủ, thường xuyên tụ tập bọn phản động ở trong nhà. Bà đã nấu nướng, hầu hạ bọn này để chúng nó chống phá Cách mạng.
Bà bảo, chồng tôi có vào Mặt trận Liên Việt chứ không theo đảng phái nào cả.
Họ nói, Liên Việt không phải là Việt Minh. Vào Mặt trận Liên Việt chẳng qua là cái cớ để cho thằng Cử Hoà (Mai Duy Hoà, tên của ông nội) đội lốt phá hoại Cách mạng mà thôi!
Vợ chú Đông, tố giác bà đã có lần ỉa vào giếng làng để bà con nông dân, cả làng cả xã ăn! Chính thím ấy đã tận mắt theo dõi, đi rình bà vào đêm Rằm tháng Bảy… Bà chui vô bụi ngồi một lúc, chờ khi vắng người, tưởng là không có ai xung quanh mới mò ra, rồi cởi quần ngồi trên bờ giếng, chổng đít, phẹt phẹt liền cả mấy bãi!
Còn ông Cò Toe cũng tố bà rằng có lần thấy bà đi ỉa xong rồi, liền giả bộ chùi đít, để… vứt truyền đơn cho gió bay tán loạn ra ngoài đường. Truyền đơn gì không biết mà có in cả chữ Tây, chữ Tàu.
Họ kéo bà ra ao làng.
Vợ Cò Toe, thím Đông và cả Hĩm Xoa lôi bà xuống, túm tóc nhận chìm đầu một lúc dưới ao để bong bóng sủi, rồi kéo lên cho thở. Làm đi làm lại cả chục lần như thế. Họ vừa la vừa chửi, hỏi bà rằng, con mẹ Cử Hoà đã hiểu thế nào là cái khổ của nông dân bầy choa sống trong bùn lầy nước đọng chưa?
Họ ngồi trên bờ ao, xem bà bị trói vào cầu ao, nước ngâm đến cổ, đỉa bám đầy mình…
Sáng hôm sau, họ đưa bà ra ngoài ruộng, dùng dây thừng buộc hai cổ chân, rồi cột vào cái bừa cho trâu kéo trên những luống đất lổn nhổn mới cày dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt… Bà đau đớn, kêu la. Họ vỗ tay cười. Vừa cười vừa hỏi con mẹ Cử Hoà ngồi mát ăn bát vàng bao năm nay, bây giờ đã hiểu cái cực nhọc của nông dân bầy choa đi cày đồng dưới nắng ban trưa chưa?
Tuần sau bà được thả về.
Mẹ kiếm đâu ra được nắm gạo và ít đụt khoai nấu cháo, múc một bát mời bà ăn. Bà không ăn. Nài nỉ van xin thế nào bà cũng lắc đầu. Đã bảo không ăn là không ăn mà, bà nói, tôi sắp chết rồi… Mẹ Cò gắng ở lại nuôi con. Tôi có nuốt được hớp cháo vào bụng thì cũng chẳng sống thêm được mấy ngày… thôi để cho hai cháu chúng nó ăn. Mà tôi sống để làm gì nữa chứ. Nhục nhã đau đớn lắm! Ai mà biết được cái Đời nó đổ đốn khốn nạn đến thế này thì… cha mẹ ơi, tha tội cho con, đừng sinh con nữa! Cái Đời gì mà đến đứa con mình cưu mang nó, nuôi sống nó từ ngày còn chưa mở mắt bọc trong tã rách, cái thằng Đông ấy, nhặt được nó ngoài bụi xương rồng trước ngõ… đã không mang ơn nhà họ Mai thì thôi, lại còn lấy ngón tay trỏ đè dí lên mặt mẹ mình, trước đám đông bà con làng nước, gọi mẹ là mi, xưng mình là tao! Chưa đủ, lại còn gọi là con mẹ Cử Hòa, xưng mình là chúng tao… thế đấy! Ai bày cho ông, ai dạy cho ông làm thế, hở ông Đông là ông Đông ơi!
Trời đất lộn ngược rồi! Đạo ở đâu? Lý ở đâu? Nhân nghĩa ở đâu?
Bà chết trên tay mẹ. Một manh chiếu tử tế để quấn cho bà cũng không có. Đồng cói Nga Sơn bao đời nay không đủ để dành cho bà một manh chiếu gọi là để chôn cất, vùi vào lòng Đất hay sao? Mẹ gào khóc, kêu lên. Bàn tay bà, bàn tay mẹ một đời đã dệt ra bao nhiêu tấm chiếu!
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử