lịch sử việt nam
Ngày Long Trời Đêm Lở Đất
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trẩn Thế Nhân
Tiểu thuyết Tập 1
Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam
09-2010
MỤC LỤC
Mục lục tập 1
Lời giới thiệu của Khối 8406
Lời Nhà xuất bản Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ
Khúc dạo đầu
Chương 01 đến chương 24
Mục lục tập 2
Chương 25 đến chương 46
Lời bạt (Nguyễn Quảng Tâm)
Suy ngẫm khi đọc “Ngày long trời đêm lở đất” (Nguyễn Minh Cần)
*/*/*
CHƯƠNG 37
TRUNG THU TRĂNG SÁNG…
CHUYỆN CHỒNG KỂ SAY SƯA,
VỢ NGHE ĐẰM THẮM
...
Mẹ cười, ồ vui nhỉ. Thích thật, mấy ông đó được sống bên Bác suốt đời. Còn mình thì chỉ mơ được gặp Bác thôi, nhưng biết đến bao giờ?
Thầy bảo, khi nào kháng chiến thành công, thế nào Bác cũng về lại Hà Nội, có khi về cả Thanh Hoá, Nga Sơn nữa. Theo lời mấy ông trên Tỉnh kể, thì cuối năm 1946 - đầu 47 Bác Hồ có về Thanh Hoá. Tại Rừng Thông, Bác nói chuyện động viên hậu phương Thanh Hoá hãy giốc hết sức người sức của cho tiền tuyến. Bác còn tranh thủ ghé qua Phát Diệm gặp Giám mục Lê Hữu Từ cùng các cha cố, khuyên bảo họ hãy củng cố và phát triển mối tình đoàn kết lương - giáo, cùng toàn quân toàn dân góp sức đánh đuổi giặc Pháp xâm lược…
Trên đời này có lẽ chẳng có ai được như Bác cả, người mà ở đâu, lúc nào cũng được dân quý, dân thương…
Thầy say sưa nói đất nước mình từ xưa tới nay chẳng có ai sánh được với Bác Hồ. Bà Trưng, Bà Triệu, ông Trần Hưng Đạo, ông Lê Lợi, ông Nguyễn Trãi, ông Quang Trung… ông nào cũng thua kém Bác. Còn trên thế giới thì sao? Kể ra thì có những người còn vĩ đại hơn Bác. Chẳng hạn, ông Mác, ông Ăngghen, ông Lênin, ông Xít-ta-lin…
Mẹ hỏi, có phải mấy ông Tây râu xồm, thầy nó dán ảnh lên tường không?
Thầy bật cười, ừ mấy ông đó. Còn Bác Mao nữa. Bác Mao người Trung Quốc, trông còn trẻ và khoẻ. Bác Mao không có râu. Trên mép dưới cằm đều nhẵn nhụi. Mình nhìn thấy ảnh Bác Mao rồi chứ? Bác Mao có khi… e còn vĩ đại hơn Bác Hồ. Cũng phải thôi, Trung Quốc những 600 triệu người, mình chỉ có 25 triệu, mới bằng một tỉnh của họ… Bác Mao vĩ đại hơn Bác Hồ. Đúng thế. Nhưng cái tấm gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, yêu nước thương dân, yêu quí trẻ con… thì chẳng có ông nào bằng Bác Hồ của ta cả!
Mẹ hỏi, thế còn Đức Chúa, Ông Phật?
Thầy cười, Chúa Phật là mấy Ông Duy Tâm, dân chúng người ta mê tín thì họ cúng vái vậy thôi, chứ làm sao sánh được với Bác Hồ!
Ngoài trời, lúc bấy giờ trăng sáng lắm. Gối đầu lên tay thầy, mẹ giơ tay chỉ ông trăng ngoài cửa sổ, vằng vặc giữa trời cao. Ánh trăng trong và mát tắm gội đất trời, không chỉ làm cho cây cỏ hoa lá ngoài vườn mà cả lòng người cũng sạch thơm tươi thắm. Gió rì rào từ ngoài biển xa, qua đồng cói vào tới đây dìu nâng, mơn vuốt, làn điệu côn trùng năn nỉ, tỉ tê… như muốn nhắn nhủ cho con người hiểu rằng ai được sinh ra ở cõi đời này, xứ sở đất nước này là có hồng phúc, là gặp vận may không chỉ riêng cho bản thân mà cho cả gia tộc… tới muôn đời sau!
Hồng Phúc, Vận May như ánh trăng kia lai láng đời đời vô tận!
Thầy rưng rưng nhìn trăng nói: “Mình xem, Bác Hồ như vầng trăng kia, rọi sáng khắp muôn nhà…”
Rồi nhắc nhủ mẹ phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa, đừng có kêu ca phàn nàn. Sự hy sinh, chịu đựng của gia đình ta so với đồng bào, đồng chí cả nước chỉ là hạt cát, hạt mẵn… chẳng là cái nghĩa lý gì hết!
Thầy lại kể sang chuyện gia đình Bác Hồ.
Đâu phải chỉ mình Bác, hai người anh và chị của Bác đều không lập gia đình. Ông Cả Khiêm không lấy vợ, bà Thanh không lấy chồng. Cả hai đều hiến dâng đời mình cho công cuộc đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, giành lại độc lập tự do cho đất nước.
Ở thời buổi ấy, ngay đến cả những ông Vua ngồi trên ngai vàng như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân rồi cũng phải cảm nhận được nỗi đau mất nước, thấy thân phận mình cũng chỉ là người dân nô lệ. Cả ba vua đều nổi dậy chống Pháp, rồi bị đày đi biệt xứ, chung thân tại mấy hòn đảo bên Châu Phi xa lắc…. Số phận mấy ông quan có lòng yêu nước thương dân cũng thê thảm bi đát.
Ông thân sinh của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta là một biểu tượng xót thương đáng ghi nhớ. Đậu Thủ khoa chữ Hán, được bổ làm quan Tri phủ một tỉnh ở Miền Trung… Ông luôn luôn dằn vặt, đau lòng trước cảnh dân lành bị đói khổ, chà đạp dưới ách nô lệ áp bức của thực dân Pháp và Nam triều.
Một lần, bất tuân lệnh của thượng cấp, không thể đang tâm đưa lính đi đàn áp cuộc nổi dậy chống thuế của nông dân địa phương, bố của Trần Phú, vị quan nhà Nguyễn dào dạt lòng nhân đạo và khí tiết… đã lặng lẽ thòng dây treo cổ tự vẫn ngay tại phủ đường nơi ông đang làm việc!
Mối thương đau, nỗi hờn căm này sẽ không bao giờ nguôi ngoai trong lòng người con của ông là Trần Phú!
Còn trường hợp Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Bác Hồ cũng vậy… Ông quan Tri huyện ở một tỉnh miền Trung này cũng đau lòng nhức óc vì thảm cảnh của đồng bào xẩy ra thường ngày, đến nỗi ngày ăn không ngon, đêm ngủ chẳng yên! Đã nhiều lần cụ chứng kiến những trận mưa roi bọn lính cò cẩm Pháp trút lên thân mình đám phu đường, các tù nhân chính trị ở nhà đày…
Và có lần tận mắt thấy viên quan lại Nam Triều lè nhè say trong khi ngồi trên ghế ở Huyện đường, đã cầm cây gậy lim to tướng quật nện xuống giữa đầu người nông dân vô tội, khiến cho gáo anh này vỡ toác, máu óc vữa ra lênh láng, gục ngã xuống nền nhà, chết ngay tại chỗ…
Cụ Phó bảng tưởng đâu mình cũng ngất xỉu chết theo! Vài ngày sau, cụ viết đơn gửi lên Chính quyền Pháp và Nam triều xin cáo quan, từ chức!
Kinh tởm chế độ thực dân thuộc địa, chán ngấy bước đường làm quan, Cụ Phó bảng Sắc vào thẳng trong Nam Bộ lặng lẽ sống đời của một lương dân, làm thuốc Nam chữa bệnh cứu người!
Cả gia đình Bác để phúc, dành đức cho dân tộc mình!
Mẹ mới chen ngang vào hỏi thầy, rứa thì Phó bảng là cái chi? Thầy phải dừng lại cắt nghĩa dài dòng cho mẹ hiểu. Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, các ngôi thứ trong khoa bảng được sắp xếp từ thấp lên cao theo ba kỳ thi: Hương, Hội, Đình.
Kỳ thi Hương, Triều đình chọn một số thí sinh đậu thấp gọi là Tú tài, số cao hơn gọi là Cử nhân. Tú tài không được làm quan, chỉ được phép dạy học và làm thơ như ông Tú Xương chẳng hạn. Cử nhân thì được làm quan, thường nhậm chức tri huyện… Đỗ đầu khoa thi Hương này, đè sấp đè ngửa tất cả các ông Cử nhân được gọi là Thủ khoa, hay còn gọi là Giải nguyên. Ông thân sinh ra Trần Phú là người chiếm ngôi thứ này.
Thời xưa đậu Thủ khoa-Giải nguyên danh tiếng đã lẫy lừng. Như cụ Phan Bội Châu chẳng hạn, năm Canh Tý 1900, chiếm gọn cái Thủ khoa xong là cụ đi thẳng sang Nhật, chẳng cần ngoái đầu lại… Cụ Phan thi là để lấy tiếng, đâu có cần miếng. Tiếng nghĩa là uy tín đối với giới sĩ phu, tầng lớp trí thức, lòng ngưỡng mộ kính yêu của dân chúng, đồng bào; để khi cần đề ra đường lối, chủ trương kêu gọi toàn thể quốc dân tham gia phong trào cách mạng, thì lời nói việc làm của Cụ dù là ở đâu, lúc nào cũng sẽ được đa số người dân Việt đồng tình ủng hộ, tham gia ngay!
Còn miếng, có nghĩa là thi đậu để ra làm quan thì… xin lỗi… Cụ ỉa vào! Thầy văng tục làm mẹ phì cười. Là tri huyện, tri phủ, tổng đốc, thượng thư ư? Ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời, Cụ Phan đã khóc cho cái thân phận mình là làm người dân nô lệ rồi! Khác với các sĩ phu yêu nước cùng thời, một số vị do hoàn cảnh ép buộc, cũng phải dính tới cái miếng, nghĩa là có ra làm quan cho Nam triều một thời gian, trước khi cởi bỏ mũ áo quan trường, tham gia các trào lưu cách mạng… Cụ Phan căm ghét Pháp từ lúc mở mắt chào đời, muốn đánh đuổi thực dân ra khỏi nước, xoá bỏ chế độ phong kiến nô lệ; từ thuở còn là nhi đồng đã bày trò chơi diệt Pháp-Lan-Tây cho các bạn nhỏ trong làng… Còn nói gì tới cái miếng nhơ nhớp, xa lạ, khốn khổ ấy! Không có ai sáng giá, hùng vĩ như Phan Bội Châu lúc bấy giờ. Và Phan Chu Trinh… Một con người kỳ diệu. Cụ sinh trước và mất trước Găng-đi… Vậy mà… nguồn sáng tư tưởng Cụ không chỉ tương đồng mà lại còn vượt trội trước Găng-đi! Một nhân vật lịch sử mà dân tộc Việt Nam, loài người chúng ta rồi sẽ gặp lại và còn suy nghĩ…
Thầy lại nói thêm về cái miếng cho mẹ hiểu đầy đủ hơn.
Lúc Pháp mới sang, cái miếng lại càng cuốn hút người ta bởi nhiều mùi vị khác lạ tân kỳ. Ngày xưa, nói của đáng tội, các cụ ta làm quan cũng nghèo. Bây giờ làm quan có nghĩa là tiền của, giàu sang. Chẳng thế mà Pháp mới sang buổi sáng, buổi chiều đã có anh cắp ô đi làm cho Pháp ngay. Tiêu biểu nhất cho bọn người này là Tôn Thọ Tường. Cũng phải kể thêm hai anh em họ Dương: Dương Khuê, Dương Lâm - hai con chó săn của Tây, hai thằng Việt gian. Có ai đời ông bạn thâm giao Nguyễn Khuyến khuyên “biết thôi thôi thế thì thôi mới là”, họ Dương vẫn không chịu nhả ra, vẫn đớp lấy, ngoạm chặt cái miếng “đẩu thăng”… Rượu sâm banh, sữa bò, chơi đĩ, hát ả đào… là những cái khoái “ngây ngây dại dại” của hai tên quan ô nhục này!
Thầy say sưa dẫn giảng cho mẹ nghe những chuyện trong đời sống lịch sử của dân tộc Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua, mà không hiểu sao đêm nay, thầy thấy gần gũi mật thiết với mình đến thế! Khác nào một con chiên mới theo Đạo, muốn giải bày cho bạn tình nghe về những “mặc khải” (revelation) trong người mình, Đạo Mác Lênin cũng đang phơi phới dâng trào làm ngập cả cõi lòng thầy.
Im lặng một hồi lâu. Tưởng mẹ đã buồn ngủ, nhưng không, mắt mẹ mở to, vẫn muốn nghe thầy kể chuyện.
Mẹ nhắc lại là, thầy vẫn chưa nói rõ Phó bảng là cái chi, còn Thám hoa nữa… là gì? Làm sao Cụ Tổ họ Mai nhà ta lại gọi là Cụ Thám?
Thầy mỉm cười, gắng dẫn giải sơ lược nhưng rõ ràng hơn cho mẹ hiểu. À, thế này chứ… Thi Hương xong người ta lại thi Hội. Trừ cụ Phan Bội Châu ra, ai người ta cũng vác lều chõng tiếp tục kỳ thi Hội. Thi Hội là để chọn Tiến sĩ, còn gọi là ông Nghè. Ông Cử đã được phép làm quan nhưng là quan nhỏ; còn ông Nghè thì được làm quan lớn hơn; chẳng hạn, án sát, tuần vũ, tổng đốc…
Kỳ thi Hội này, có những người tuy không đậu được Tiến sĩ nhưng cũng đậu được… cái thấp hơn, gọi là Phó bảng. Cũng có thể gọi là Á Tiến sĩ. Dẫu chưa được gọi là Nghè, nhưng vẫn được ra làm quan, dĩ nhiên… Cử nhân còn được làm quan kia mà! Có điều, cũng là chuyện tất yếu thường tình, nhiều ông Phó bảng thường mang cái cục u uất, bất mãn trong người như khối u vậy. Học tài thi phận, chỉ cần gắng thêm một tí, may mắn hơn một chút, là cái ông Nghè đã… nằm trong tầm tay với rồi!
Tuy nhiên, lại cũng tuỳ thời, tuỳ người… Chẳng hạn, ông Nghè Trần Quý Cáp vào làm quan ở Khánh Hoà lại gặp tay Tú tài Phạm Ngọc Quát từ trong Nam ra. Phạm Ngọc Quát nghe đâu là ông nội hay bố đẻ ra Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế của ta thời bây giờ? Tiến sĩ họ Trần dẫu học rộng tài cao cũng vẫn ngồi hàng quan chức thấp hơn Tú tài họ Phạm, là tay chân của Pháp. Vụ án tày trời do Phạm gây ra cho Trần về mấy tội: đọc sách cấm Tân thư, hoan hỉ đồng tình với bà con nông dân nổi loạn chống thuế ngoài Quảng Nam, treo một tấm bản đồ thế giới ở đầu giường, trong phòng ngủ… đã khiến ông Nghè Trần Quý Cáp phải chịu xử tử hình thương tâm, rùng rợn, đau đớn bên cầu Sông Cạn ở thành Diên Khánh: chém ngang lưng!
Mẹ ôm ghì lấy thầy, xuýt xoa: Trời ơi! Thương quá! Tội quá! Các cụ mình thời xưa sao lắm người khổ sở đau đớn thế!
Thầy dẫn giải tiếp:
Sau kỳ thi Hội, mấy ông Tiến sĩ lại tiếp tục thi Đình. Người đậu đầu kỳ thi Đình, gọi là Trạng nguyên. Trạng nguyên là ngôi cao nhất, người đứng đầu khoa bảng thời xưa. Dưới Trạng nguyên, thấp hơn một chút, Triều đình chọn thêm một người nữa là Bảng nhãn, còn gọi là Á Trạng…
Từ thời Lê trở về trước, các khoa thi Đình, đều có tuyển chọn. Từ thời Nguyễn trở đi, không rõ vì sao Triều đình không tuyển chọn Trạng nguyên nữa; chỉ còn có Bảng nhãn, thậm chí cho đến thời Tự Đức chỉ còn lại Thám hoa, sang thời Thành Thái chỉ còn có Hoàng giáp…
Ông Cụ tổ họ Mai nhà ta đậu Thám hoa thời Tự Đức. Cũng coi như là Trạng nguyên… làm quan một dạo rồi xin về quê mai danh ẩn tích.
Càng về khuya, trăng càng sáng. Trời trong vắt, không một gợn mây. Qua cửa sổ, thời gian và không gian như lắng lại cùng hoà làm một. Thầy thấy mình ngây thơ nhỏ bé trước Nhân dân và Tổ quốc, rưng rưng cảm nhận ra sự lớn lao của hạnh phúc được làm một người dân Việt… Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội Chủ nghĩa dĩ nhiên là họ sung sướng hơn mình rồi; nhưng còn các nước tư bản và những nước ở quanh ta như Ấn Độ, Nam Dương, Thái Lan, Mã Lai… thì sao? Chắc chắn là lạc hậu tăm tối hơn ta nhiều vì họ không có đảng Cộng sản dẫn lối đưa đường, lại càng không thể có một lãnh tụ kiệt xuất anh minh như Bác Hồ!
Nghĩ vậy, mà nước mắt cứ rưng rưng và trong tim mình như cũng ứa lệ. Cảm ơn Đảng, cảm ơn Cách mạng đã sinh con ra đúng thì đúng lúc… Chẳng phải như ai cùng lứa tuổi, thế hệ với con mà rên rỉ kêu than là “đầu thai lầm thế kỷ, lạc loài dăm bảy đứa” đến nỗi “quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”…
Mẹ con lại hỏi, vậy thì ai mới được gọi là nhà cách mạng?
Trước hết, người đầu tiên phải nhắc tới là Bác Hồ Chí Minh, Cha già dân tộc…
Thầy vừa nói đã nghẹn lời vì xúc động. Rồi lần lượt kể tên: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Ngô Gia Tự…
Thầy dừng lại như đứng trước biển, đang ngợp đi vì những đầu sóng dạt xô vào bờ.
Khách quan mà kể thì ba ông vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân cũng là ba nhà cách mạng - những nhà cách mạng lớn! Chấp nhận tù đày, đặt Tổ Quốc lên trên hết, không chịu làm nô lệ, coi ngai vàng nhẹ như chiếc lông hồng… hy sinh tất cả để dành lại độc lập, tự do cho Đất nước… Như vậy, nếu không là Cách mạng thì là gì?
Cũng phải kể tên những người kế tiếp sau đó: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Lương Ngọc Quyến…
Mẹ đưa ra một nhận xét: Trong danh sách những nhà cách mạng Việt Nam thì đa số là đàn ông nam giới, đàn bà nữ giới không nhiều.
Mẹ hỏi, chị Nguyễn Thị Minh Khai là ai, nghe nói cùng quê Nghệ An với Bác Hồ, có bà con gì với Bác không?
Thầy giảng giải cho mẹ hiểu: chị Minh Khai là vợ của đồng chí Lê Hồng Phong. Cả hai vợ chồng chị cùng với Trần Phú, Hà Huy Tập… đều là học trò của Bác. Thầy và trò đây có nghĩa ở trường đời, trường Cách mạng… chứ không phải trường học đơn thuần dạy a b c dành cho trẻ con đâu! Thầy tức là người đi trước, người đào tạo, rèn luyện… truyền lại những kinh nghiệm đấu tranh, dắt dẫn đường lối chủ nghĩa Mác Lênin…
Chị Minh Khai là người đàn bà Việt Nam đầu tiên sang Liên Xô, đất nước của Lênin. Lê Hồng Phong bị Pháp bắt, đày ra Côn Đảo và chết ở ngoài đó. Còn chị Minh Khai thì chết trong khởi nghĩa Nam Kỳ. Bọn Pháp đưa chị lên máy chém.
Nghe thầy kể cái lưỡi máy chém nặng cả bảy tám chục cân từ trên cao phập xuống, chặt đứt cổ lìa đầu các chiến sĩ cách mạng! Những năm trước đó là Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái và bây giờ, năm 1942, là Nguyễn Thị Minh Khai… Mẹ con sợ quá, rúc đầu vào ngực chồng rùng mình: “Trời ơi, bọn Pháp chúng nó ác quá, dã man quá, chặt đầu cả một người đàn bà!”
Vợ chồng Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai sinh được một bé gái, đặt tên là Hồng Minh… thầy kể thêm. Nghe nói một thời gian dài họ phải gửi Hồng Minh cho các đồng chí cưu mang, nuôi giùm để đi hoạt động cách mạng. Có đâu được như bé Lệ Uyên nhà mình, ngày đêm bố mẹ nuôi dưỡng, ông bà chăm sóc…
Trước khi chết, chắc chị Minh Khai nhớ thương con lắm. Mẹ thở dài. Thế bây giờ cháu bé nó ở đâu? Ở bên Trung Quốc à? Giá như cháu ở gần đây, ngay tỉnh Thanh, nhà mình đem về nuôi thì hay biết mấy. Thương quá!
Thầy gật đầu đồng tình. Nhà ta những năm 40 cũng đã từng nuôi giấu các chiến sĩ Cộng sản trong nhà. Cái giường gỗ em và bé Uyên nằm bây giờ, mấy ông Cộng sản vượt ngục ra… đã từng yên giấc.
Vừa lúc đó, bé Uyên u ơ khóc trong nhà đòi mẹ. Thầy bảo mẹ vào với con.
vừa chợp mắt một lúc thì mẹ lại quay trở ra. Nghe thầy ú ớ hỏi, mẹ xuỵt bảo im… Thầy hiểu ý. Lúc ấy vào khoảng hơn một giờ khuya. Mảnh trăng đã đi khuất sang bên kia mái nhà.
Đêm ấy, mẹ có thai. Bé Thụ, em trai của con mới thật là cậu út của cả nhà.
Em con chết khi vừa đầy năm. Dạo ấy thầy phải đi họp, học tập chỉnh huấn chính trị trong Nghệ An. Ở nhà chẳng có ai biết cứu chữa, cũng không tìm đâu ra thuốc uống để cầm dứt chứng ỉa chảy, dịch tả…
Về tới nhà thầy mới biết tin. Em bé đã chôn cất được hai ngày rồi. Ôi...!
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử