lịch sử việt nam
Xin mời Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử trên Facebook
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trần Thế Nhân
Tiểu thuyết Tập 1
Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam
09-2010
MỤC LỤC
Mục lục tập 1
Lời giới thiệu của Khối 8406
Lời Nhà xuất bản Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ
Khúc dạo đầu
Chương 01 đến chương 24
Mục lục tập 2
Chương 25 đến chương 46
Lời bạt (Nguyễn Quảng Tâm)
Suy ngẫm khi đọc “Ngày long trời đêm lở đất” (Nguyễn Minh Cần)
*/*/*
CHƯƠNG 14
CHUYỆN CON NÍT
Lệ Uyên nghẹn ngào nức nở. Ông Vỹ đứng dậy bước tới bên con gái. Bàn tay ông vừa chạm vào tóc con mình thì một vòng sáng long lanh đã hiện ra quay quanh đầu Lệ Uyên. Toàn thân chị cứ thấp dần nhỏ dần, trở lại nguyên hình bé Mai Lệ Uyên hồi mới lên 6 tuổi.
Nhẹ nhàng bế con gái ngồi vào lòng mình, bố Vỹ khẽ cọ cằm vào đầu tóc, nghiêng đầu hôn má con.
- Ôi! Con gái yêu của thầy mẹ! Con đi đâu về mà gọi mãi không thưa? Giang nắng suốt buổi trưa. Chắc là theo anh con và mấy đứa đi bắt con ve sầu đậu trên cành mít, con cáp cáp bò ngoài gốc cau phải không? Nắng cháy khét cả tóc, rám cả má con tôi rồi đây này. Coi chừng không mà cảm sốt đấy!
Bé Uyên giơ tay lên sờ mặt bố. Bé còn đưa tay che mồm, bịt kín hốc mũi bố. Vậy mà ông Vỹ lại còn thấy làm thích thú. Xem kìa! Bà nội cau mày, còn mẹ thì phát gắt lên cho rằng bố Vỹ nuông chiều con gái út quá sá! Kiểu này không khéo rồi con hĩm đâm hư. Lại còn bày trò ra nữa! Bố hắn nằm thẳng đơ ra giả chết để con bé nắm tóc, lôi giật tay chân mãi cho tới khi tưởng bố chết thật rồi, chẳng còn sống nữa, thế là mếu máo khóc oà lên. Đến nước ấy rồi bố Vỹ mới từ từ mở mắt, miệng vẫn còn bụm lại, cố ngăn tiếng cười phát ra: “Thầy vẫn còn sống đây! Còn sống mà! Hà hà hà!”.
Vẫn là bố Vỹ cái đêm trăng nào ở ngoài sân kia… Hai cha con nằm trên chõng tre trải chiếc chiếu đậu, loại chiếu trắng trơn không in hoa, chiếu Nga Sơn nổi tiếng mà chỉ nhà họ Mai dệt người ta mới chịu cho là đẹp…
Trời trong suốt không có trăng, chỉ thấy sao chi chít dày đặc. Nhìn trời sao yên tĩnh vậy mà sao lòng bố Vỹ cứ phấp phỏng lo buồn. Ông nghĩ, quân Pháp đại bại rồi, chiến thắng Điện Biên Phủ vang lừng khắp thế giới, còn gì vui hơn. Thế thì sao làng xóm lại cứ im ắng như bãi tha ma thế này? Lạ thật. Đám mây đen nào đang tới che kín bầu trời, phủ nặng nấm mồ ai?
Đột nhiên, con gái rượu của ông cất tiếng hỏi:
- Thầy ơi! Có phải ai sinh ra rồi cũng chết cả phải không?
Bố Vỹ ngạc nhiên, hơi giật mình. Lẽ nào một đứa bé mới lên 6 tuổi, bập bẹ đánh vần mà lại nghĩ tới cái chuyện duy tâm ấy? Chắc nó nghe lỏm mấy ông bà già bên chiếu rượu hôm giỗ ông nội tuần trước. Con hĩm Uyên này mới lạ chứ. Huyết thống tinh anh dòng họ Mai đây, chẳng còn có thể lẫn vào đâu nữa.
- Hỏi vớ vẩn. - Bố Vỹ nói như gắt rồi trở lại giọng dịu buồn - Ừ, ai sống ở trên đời này một thời gian rồi cũng phải chết cả. Đúng thế.
Con hĩm nhổm người dậy một tay chống xuống chiếu, mở to mắt nhìn ai kia? Đôi mắt giống cha y hệt. Hai hòn ngọc nâu đen vừa được giăng lưới kéo vớt lên từ dưới lòng biển sâu ngoài Hòn Nẹ?
- Bà rồi có chết không hở thầy?
- Bà còn khoẻ. Năm nay mới năm mươi sáu. Bà còn sống ít ra là tám mươi, chín mươi… mới… đi.
- Còn mẹ?
- Mẹ cũng như bà. Con muốn mẹ sống tới bao nhiêu tuổi nào?
- Chín mươi, một trăm…
Bé Uyên dừng lại, tính đếm… Cau mày đăm chiêu như người lớn.
- Thầy ơi!
- Cái gì con?
- Trời có chết không hả thầy?
- Trời làm sao chết được! - Bố Vỹ khẽ cười - Trời sinh ra tất cả muôn loài, chúng ta… Trời sống mãi!
- Còn Đất. Đất có chết không?
- Đất chôn vùi tất cả. Đất cũng… không chết.
- Thế còn… Bác Hồ? Bác Hồ rồi có chết không?
Ông Vỹ giật nẩy mình, ngồi bật dậy. Đưa mắt nhìn ai quanh sân, dõi theo bóng mấy gian nhà, dỏng tai nghe tiếng động trong vườn, ngoài đường làng và cả bầu trời sao trên đầu, bố líu lưỡi, nói như đe nạt con:
- Ai? Ai… ai bảo con thế?
Lệ Uyên há mồm nhìn bố, mắt chớp chớp:
- Bầy đứa…
- Bầy đứa nào? Đừng có nói tầm bậy mà người ta cắt lưỡi đấy! Bác Hồ không bao giờ chết! Bác Hồ sống mãi với non sông đất nước Việt Nam… Con hiểu chưa?
Chợt thấy mặt con mình ngơ ngác, như bị ai mắng mỏ đe nẹt, hình bóng nhỏ lại, thu lu tròn một cục, bố Vỹ vội ôm con vào lòng vỗ về.
- Con ạ. Bác Hồ đời đời sống mãi. Bác là thần, là thánh! Còn hơn thần thánh nữa! Thầy sinh ra con đây cũng không chết. Thầy còn phải sống để hầu hạ Bác Hồ, chăm lo sức khoẻ cho Bác, cho Dân, cho bà, cho mẹ, cho các con… cho tất cả bà con quanh vùng ta.
Lệ Uyên rối rít:
- Thầy không chết hả? Thầy đừng chết. Thầy sống mãi với con. Con biết mà. Thầy hứa với con đi!
- Ừ thì hứa.- Bố Vỹ hắng giọng trịnh trọng - Thầy không chết. Thầy mãi mãi sống với con, với cả nhà ta…
Được chưa?
- Hoan hô! Thầy không chết!
Lệ Uyên gật gật đầu, vỗ tay. Nghĩ tới cái lần bố Vỹ giả đò chết mới hôm nào đây, tự nhiên bé vùi đầu vào lòng bố, ôm chặt lấy bố.
Ấy là một đêm hè tháng 6 năm 1954…
CHƯƠNG 15
… SANG CHUYỆN NGƯỜI LỚN
Ông Vỹ đang nhỏ dần, nhỏ dần… cho tới khi chỉ còn lại một chấm sáng rồi mất biến. Sương mù lãng đãng mờ mịt khắp mấy gian nhà. Hai chị em ngơ ngẩn nhìn nhau.
Tiếng con lắc chiếc đồng hồ cổ điểm nhịp nghe từ thuở nào xa xăm. Thời gian đang đi về mọi phía, vừa mới quay ngược lại rồi như đang đi tới.
- Các con nhìn đi đâu thế? Kìa, Lệ Uyên, thầy đây…
- Thầy đâu rồi? Con chẳng còn thấy…
- Thầy đây! Thầy đây! Thôi con, đừng khóc…
Vòng tròn sáng lại hiện dần ra, chầm chậm quay quanh đầu bố Mai Duy Vỹ, không thể là ai khác, mỗi lúc một rõ… Nhưng kìa. Tóc tai ai mà bù rối xạc xờ, lâu ngày dao kéo không đụng tới, dài phủ xuống hai vai; đôi mắt trừng trừng mở, lòng trắng đảo ngược lên… Máu rỉ ra từ đỉnh đầu, dâm dấp cả lọn tóc vòng trước trán, dính bết vào lông mày, xuống mũi, tới cằm… Hai bên má hõm hốc, quai hàm trồi ra, gân cổ nổi chằng… Mấy con chấy bò từ tóc thái dương xuống cùng lúc lũ rận chui ra vạt áo rách xoạc bên vai để lộ những vết bầm tím đánh bằng gậy, dùi đâm, dao rạch…
- Thầy đói, con ơi!
Ông Vỹ khẽ kêu, đầu lúc lắc, hai tay xoắn vặn…
- Nhà hết gạo, tối qua mẹ nấu cháo đụt khoai đưa vào cho thầy một bát. Sáng nay chờ mãi không thấy gì, chẳng hiểu ai đó vứt vào đây một củ khoai? Đói thì nhịn, cắn răng mà chịu. Các chiến sĩ Cộng sản họ còn tuyệt thực, không ăn kia mà! Vậy mà lòng họ trong sáng, thanh thản. Còn mình thì không có ngày nào đi qua đây nhìn vào, người ta không chửi rủa, xỉ vả: “Thằng Vỹ địa chủ phản động kia, mi sống làm chi nữa? Mi không xứng đáng ăn canh thừa cơm vãi của nông dân bầy choa. Hút máu hút mủ nhân dân bao năm rồi, bây giờ mi còn muốn ăn cái chi nữa? Cục cứt tao đây này tao cũng để cho chó chứ không dành cho mi. Hiểu chưa? Ít hôm nữa, chờ đó, rồi Đội sẽ cho mi ăn kẹo đồng!”
Hỡi Trời! Hỡi Phật! Hỡi Chúa!
Nếu các Người có thật thì trên cao xanh kia sao nỡ lòng ngoảnh mặt làm ngơ để cho Mai Duy Vỹ chịu bao nỗi đớn đau nhục nhã thế này!
Nếu con người quả thật có ba kiếp thì sao kiếp trước đừng cho Mai Duy Vỹ được làm người, để kiếp này hắn được làm con trâu, con chó, con giun, con dế có hơn không? Mà lại bắt hắn phải làm người trong cái thời buổi đại loạn, đau thương, lầm than này!
Ôi ! Mai Duy Vỹ là một con người! Xin hãy nghe đây!
Một người lương thiện, một người bình thường như bao con người!
Từ lúc cha mẹ sinh ra tôi làm người tới nay, tôi đâu có ăn cắp của ai, nói dối ai, làm hại ai? Thấy ai đói, tôi cho họ ăn. Thấy ai rét tôi nhường áo cho họ mặc. Ai ốm đau đến tìm tôi, tôi chữa bệnh chích thuốc cho họ; chữa bệnh cho người nghèo tôi đâu có lấy tiền. Tôi đã cứu sống bao sinh mạng!
Ông bà, cha mẹ dạy tôi sống như thế. Sao bây giờ họ lại quy cho tôi là bóc lột, hút máu, giết hại nông dân!?
Tôi là một đảng viên Cộng sản! Đảng kết nạp tôi ngoài mặt trận tháng 12 năm 1948…
Những năm Bốn Mươi gia đình tôi đã nuôi giấu các chiến sĩ Cộng sản ở trong nhà. Có đồng chí bây giờ làm lớn trên Trung ương. Đồng chí này đã giới thiệu kết nạp tôi vào Đảng, giấy tờ còn ghi rõ… Sao bây giờ người ta lại vu khống cho tôi là Việt gian phản động! Tôi đi đâu, tôi làm gì, tôi hội họp với ai ngoài các đồng chí trong chi bộ tôi? Sao lại dựng chuyện, đơm đặt tôi cấu kết với Công giáo, Nhà thờ Phát Diệm, làm điệp viên cho Pháp, liên lạc với Tề Ngụy trong thành? Ối! Oan cho con lắm Bác Hồ ơi! Oan cho tôi lắm anh Trường Chinh ơi!
Ông Vỹ gục đầu xuống, bất động.
Tiếng con lắc đồng hồ cổ lại điểm nhịp, đếm thời gian. Lệ Uyên không dám lại gần cha. Chị nghĩ, Thượng Đế bây giờ cũng bất lực. Có ai đây lại còn nói: Con Người đã giết chết Thượng Đế từ lâu rồi. Họ cùng với Ma Quỷ làm chủ cả Thế giới… Một hai ba bốn… Ba mươi sáu. Ông Vỹ từ từ mở mắt ra, cố quay vặn người để chống lại cơn đau đớn. Cử động này làm mặt ông nhăn nhúm khiến ông phải cắn môi cố kìm giữ sao cho tiếng rên được khe khẽ bật ra…
Lệ Uyên đau khổ nhìn cha. Thùy Dương cúi đầu xuống như định tìm cái gì, ả phát hiện ra hai chân của ông Vỹ đang bị kẹp cứng trong cái cùm.
- Chị xem này! Lệ Uyên…
Ả vừa nói vừa giơ tay chỉ.
Đôi chân của Mai Duy Vỹ, hai ống xương dài, bèo nhèo lớp da trầy trụa… Cổ chân xây xát, tấy sưng… Hai vòng tròn máu và mủ ấy khít gọn trong hai vòm miệng bằng gỗ lim dày ngoạm chặt; quấn xiết quanh là chuỗi xích sắt móc vào còng khoá sắt nặng. Những con dòi bò ra từ hai cổ chân nhầy nhụa máu mủ và cả sau hai mông đít lở loét hôi thối…
Hai chị em phải nhắm mắt lại.
Từ hai cái miệng cùm, hai hốc mắt Hung thần như còn rít lên lời đe doạ: “Hãy biết sợ Ta, hỡi những Con Người! Trên thế giới này còn nhiều vương quốc không có pháp luật. Vua Chúa toàn cai trị dân bằng đạo nghĩa suông. Cho dù pháp luật có trên danh nghĩa đi nữa thì ẩn chứa bên trong đó chẳng thiếu gì những khâu lỏng lẻo, những điểm phi lý. Bởi thế, chỗ nào rồi cũng cần sự có mặt của… Ta!
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử