lịch sử việt nam
Ngày Long Trời Đêm Lở Đất
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16,17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trẩn Thế Nhân
Tiểu thuyết Tập 1
Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam
09-2010
MỤC LỤC
Mục lục tập 1
Lời giới thiệu của Khối 8406
Lời Nhà xuất bản Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ
Khúc dạo đầu
Chương 01 đến chương 24
Mục lục tập 2
Chương 25 đến chương 46
Lời bạt (Nguyễn Quảng Tâm)
Suy ngẫm khi đọc “Ngày long trời đêm lở đất” (Nguyễn Minh Cần)
*/*/*
CHƯƠNG 25
MẸ CON NHÀ HỌ MAI ĂN THỊT NHỮNG
CON GÌ, XƠI NHỮNG MÓN GÌ?
Lời mẹ nói quả không lầm, cũng chẳng sai.
Để có thêm thịt bồi bổ cho mấy cơ thể đã giơ xương lòi da, chúng con đào trùn, mổ ruột, rửa sạch nấu cháo. Thật kỳ lạ, ăn món này vào, cơn sốt hạ xuống, người thấy khoẻ hẳn.
Lại còn một nguồn thực phẩm nữa bồi bổ cơ thể cũng rất tốt, ấy là bọn cóc nhái. Hồi ấy sao mà nhiều cóc nhái đến thế! Chẳng phải lùng tìm đâu xa, ngay trong lều, xó xỉnh, vại nước… Nhiều khi chỉ cần nhấc hòn đá, lôi cái hòm đựng áo quần giẻ rách ra… là đã có mấy chú ẩn nấp trong đó rồi. Cứ mỗi hôm mưa là Trời lại cung cấp, phân phối, bổ sung cho các nguồn thức ăn này: cóc nhảy ra sân, ếch nhái từ dưới ruộng bò lên…
Hai chị em tha hồ mà bắt.
Nhưng bắt được bọn này cũng không dễ đâu, thầy ạ. Nhiều con nhanh lắm, mình vồ mấy lần cũng trượt; nó đã vọt lên trước, mình chộp hụt, thế là ngã ngửa ra giữa sân. Ôm bụng thắt ruột mà cười!
Có cái hố tăng-xê bác Lương đào để làm hầm tránh máy bay Pháp mấy năm trước, chẳng lấp lại nay vẫn còn đó. Cứ mỗi lần sau cơn mưa lại lỏng bỏng nước… Một hôm ngồi trên miệng hố con thấy có một con ếch đang thô lố mắt nhìn mình dưới nước. Thịt ếch ngon hơn thịt cóc, thịt nhái; vì thế con mới hạ quyết tâm, loay hoay tìm cách bắt cho kỳ được Chú của Ông Trời này…
Thế là, vô ý sẩy chân, tụt ngã xuống. Nước trong hố lút đến mang tai; con cứ ngoi lên hụp xuống bám víu hai bên, định trèo lên nhưng miệng hố thì rộng, đất hai bên sụt lở… Càng ngoi lên càng lún chìm, sặc sụa mấy ngụm nước…
Thật may cho con! Nghe tiếng rơi đánh bùm trong nhà mẹ đã ngờ ngợ. Lại thêm tiếng đất sụt, nước quẫy bì bõm, mẹ càng sinh nghi. Thế là bà vội vàng ra ngay, chỉ cần chậm mười lăm phút nữa là con bé Lệ Uyên của thầy đã thành ma rồi!
Lại nói chuyện làm thịt cóc, thịt Cậu Ông Trời… Chị Tâm còn gọi ếch là Chú Ông Trời. Mẹ gọi bọn nhái, chão chuộc, ểnh ương là cháu bên ngoại, đằng nội của Ông Trời… gọi Trời bằng bác, bằng dượng… Bác Lương bày cho rất kỹ lưỡng. Bác dặn đi dặn lại là chặt đầu, lột da vứt đi, bỏ hết tim gan mật phổi, đừng tiếc cái gì hết, chỉ lấy bốn cái chân bóp muối, rửa sạch…
Bác đe rằng, chỉ cần ăn một tí gan cóc, dính một chút mật cóc vào là nổ bụng ra chết tươi ngay!
Còn một món ăn rất ngon nữa là chuột.
Thịt chuột ngon chẳng kém gì thịt gà, thịt chó. Chuyện là thế này thầy ạ. Có một hôm trời mưa, bác Lương đi thăm ruộng về, ghé vào lều cho chúng con mấy chú chuột đồng. Bác bảo, mổ bụng vứt hết gan ruột của chuột đi; nếu sợ không dám nướng ăn thì om với măng hoặc khế cũng được… Thế nhưng, ngon nhất vẫn là nướng!
Chúng con hỏi, thưa bác, thịt chuột trong nhà có ăn được không? Bác cười bảo, chắc cũng được thôi, có điều khi làm thịt và nấu phải cẩn thận hơn, bởi vì bọn này sống gần người lây bẩn, tạp ăn, lắm khi ăn cả xác chết!
Ngay sát bên chái nhà, cái lều mình ở có một cây cau khô, chết đã từ lâu rồi mà sao nó vẫn không đổ, dù thân xác đã lỗ chỗ ruỗng mục? Trên đầu ngọn cau, chen vào giữa mấy cành khô lá héo đó có một ổ chuột. Đêm tối, nằm trong lều cứ nghe chúng kêu chít chít… Khi trời mưa, ngồi trong lều nhìn ra thấy có con leo lên, có con chạy xuống trông rất vui mắt. Chị Tâm mới nghĩ ra cách để tóm bắt bọn chuột này.
Chị lục tìm mấy cái quần nâu của mẹ, cái nào cũng rách cả, chọn được một cái tuy có vá vài miếng nhưng không có lỗ thủng… Tốt quá rồi! Chị lấy lạt buộc sít hai ống quần lại đem úp trùm cả cái quần vào đầu ngọn cây cau… Chị bảo con đứng dưới cầm cái que dài chọc chọc, khua khua… Lũ chuột cùng đường bí lối, chạy lên chạy xuống đều không thoát, phải chui vào hai ống quần…
Thiên la địa võng! Lưới trời khôn thoát! Trên dưới đều buộc chặt! Thế là chúng con bắt tay vào, nghiến răng, bóp chết từng con một. Kể lại cho thầy nghe chuyện này bây giờ con vẫn thấy rùng mình. Chẳng hiểu vì sao mà lúc bấy giờ chúng con lại ác thế!
Hay là, nói như mẹ, tại vì người ta muốn mình phải chết nên mình quyết sống cho kỳ được bằng mọi cách, mọi giá đến nỗi chẳng còn sợ chết; và ham sống đến độ sẵn sàng ăn tươi nuốt sống tất cả những thứ gì đến miệng mình!
Có ai đời, cào cào, châu chấu, muỗm… bỏ vào nồi, đậy vung, đốt lửa rơm cháy… chúng nhảy rào rào một lúc rồi nghe im tiếng; vậy là chín tới, con gái thầy, hai chị em bốc lấy, thổi phù phù trên lòng bàn tay, bỏ vào mồm nhai gau gáu!
Có lần chúng con còn ăn cả dế mèn - “dế mèn phiêu lưu ký” ấy thầy ạ. Cũng ngon!
Khoái nhất vẫn là hôm nào chộp được ếch, nhái, cá rô hay cà cuống. Thôi thì, còn phải nói gì nữa, hôm đó đời tươi vui như hoa hồng thắm!
Cũng may là mẹ con nhà họ Mai bị Đội ghét nhưng Trời Phật vẫn còn thương. Dẫu rằng Đội và Quân Chủ lực có trăm tay, ngàn mắt, xương sắt da đồng… cũng chỉ có thể tóm bắt được người vô tội, chứ không giết hết muôn loài chim chóc, côn trùng, thảo mộc… Cho nên, vận may vẫn còn đến với mình, mở ra con đường sống, giúp cho mình thoát… chết!
Mà ngay cả con người nữa, có những người không bị ma lôi quỷ ám, vẫn còn là người… thì đối với mình, họ vẫn cứ thương!
CHƯƠNG 26
TRỞ LẠI CHUYỆN… CON CHUỘT
Trở lại chuyện… con chuột!
Thầy ơi! Sau này ở Sài Gòn, có một dạo nhà con nhiều chuột quá. Đêm tới chúng cứ lục đục trên chạn bát đũa, rúc rích dưới sàn nhà, có con chạy vào cả giường nằm… không sao nhắm mắt nổi. Anh Thái Minh, chồng con, mới nhờ người ta mua hộ cho một cái lồng bẫy chuột làm bằng lưới sắt đan, bán ở các cửa hàng ngoài chợ Bà Chiểu.
Một hôm, sáng dậy đã thấy con chuột bị sập bẫy, sa lưới nằm trong lồng. Chồng con bảo, để anh lấy phích nước sôi đổ xối cho nó chết rồi bỏ bịch ni lông đem quẳng ra thùng rác ngoài đường… Con nói, anh Minh, bây giờ anh mắc công chuyện gì thì cứ đi đi, để em xử lý giải quyết vụ việc này cho.
Còn lại một mình Lệ Uyên với con chuột ở trong bẫy đặt trên nền nhà. Con nhìn nó! Ồ con chuột đang độ tuổi thanh niên múp míp, mượt mà và ngoan ngoãn biết điều làm sao! Nó đang nhìn con bằng ánh mắt thăm dò ý tứ. Chít! Chít! Nó khẽ kêu. Chết! Chết! Mày có sợ chết không, hở chuột? Con chăm chú theo dõi vẻ tinh khôn mà dại dột của nó. Cô nhìn cái gì? Thì tôi cũng mắt mũi, tay chân… có khác gì con người đâu! Còn nhớ năm 1955 không? Có lẽ nào cô lại quên cái trò bó thắt quần, giăng bẫy, tóm bắt bọn này? Có lẽ nào cô lại quên được món nướng, chuột om với măng và khế… cả nhà xúm nhau lại đánh chén? Tụi này đã đóng góp vào khẩu phần thức ăn nuôi sống các người… lại còn không nhớ sao?
Tôi kể thêm cho cô nghe câu chuyện nữa. Muốn bí mật thì cứ giữ kín, còn lộ bem ra cho bốn bể anh em biết thì… cũng chẳng sao. Ở Thanh Hóa có hai ông bác sĩ Đỗ Vân, Đặng Ngọc Khôi. Chỉ nghe tên thôi à? Họ là bạn của bố Mai Duy Vỹ đấy! Năm 1955. Cải cách Ruộng đất. Mấy vị thầy thuốc này bị Lê Xuân Tái, thằng mọt gian hung thần ký lệnh bắt giam nhốt vào tù.
Ở trong tù, họ đói khát đến nỗi nhiều khi có thể vơ bốc mọi thứ quanh mình bỏ vào mồm những cái mà họ tưởng là có thể ăn được!
Tinh mơ gà mới gáy, có hôm đoàn tù đã phải lên đường giải đi sớm.
Mặt trời còn mê mệt ngủ trong chăn mây.
Phương Đông biến dịch màu trắng đang chuyển dần sang màu hồng.
Và kìa! Mặt trời đã thức dậy mỉm cười, bắn hàng loạt mũi tên vàng chân lý vào màn đêm nô lệ đen tối dưới ngục tù thế gian, chói lọi xuyên qua những trái tim hồng. Đoàn tù ngẩng đầu ngưỡng vọng, sững sờ. Đỗ Vân và Đặng Ngọc Khôi đang bước hàng hai bên nhau bỗng dừng lại. Bàn chân trần khô nẻ, buốt giá của họ vừa giẫm phải cái gì mềm mềm trơn trơn? Ồ! Mấy nhánh hành tươi, củ hành tròn nằm rơi vãi giữa đường. Của ai nhỉ? Chắc là mấy bà nông dân sáng sớm mai gánh rau đưa hành ra chợ bán, vô ý làm rơi đánh rớt… Ôi cái mùi gia vị quen thuộc kích thích đến nỗi con người ta chưa gì nước bọt đã ứa từ chân răng, nước miếng đã tuôn ra nơi đầu lưỡi. Khỏi cần phải nói, hai vị bác sĩ vội cúi xuống vơ bốc, phù phù thổi sơ qua rồi bỏ mồm nhai nghiến ngấu. Ái chà chà ngon! Ngon quá! Nhai tới đâu da thịt rưng rưng, mắt ngời sáng lên tới đó!
Chưa hết!
Chuyện còn tiếp… Đoàn tù đã chuyển chỗ tới nơi ngục thất mới.
Những trận đói cơn khát bây giờ còn thống khổ ác liệt hơn trước.
Đã vậy, nhà giam lại chật chội, u tối, cực hình gấp mấy lần nơi cũ!
Nhiều đêm họ thức trắng… Canh một, canh hai, canh ba, canh tư… Tới canh năm, gần sáng rồi họ chợt thiếp đi. Đỗ Vân đưa cánh tay rời rã quờ quạng sang bên cạnh mình. Ơ, cái gì thế này nhỉ? Mềm mềm, ấm ấm. Lúc nhúc, lổn nhổn… Một, hai, ba, bốn…Thịt da gì như thịt da con mình? Nhưng đây là xó xỉnh hôi thối ngục tù chứ có phải căn nhà thoáng đãng êm ấm gia đình lâu nay đâu mà còn mơ với tưởng!
Vừa lúc, Đặng Ngọc Khôi mới mở mắt dậy cũng đưa tay sang quờ đụng phải…
Chít! Chít! Cái tiếng gì phát ra bên bức tường kia, lại con gì vừa rùng rùng bò trên cột xà ngang ngay trên đầu họ?
Đỗ Vân thảng thốt kêu: Ô! Chú chích!
Đặng Ngọc Khôi cũng thều thào: Ồ! Con chuột!
Một ổ chuột nhắt! Chính xác một ổ chuột vừa mới sinh!
Mắt họ cùng sáng lên. Dẫu còn phủ mờ bóng tối cả hai đã cảm nhận ra được cái mượt mà múp míp, cái hồng hào hon hỏn của đĩa thịt tươi ngon đến phải tứa nước bọt ra mà nuốt đánh… ực! Trong tù chẳng có bếp núc, lấy đâu ra than củi để đun nấu nướng xào. Thôi thì… Cơn đói đang cồn cào dâng, thức ăn trời cho lại bày sẵn, còn lòng nào nữa mà khách khí từ chối!
Thế là, tự nhiên như không, bọ bốc từng con bỏ vào mồm nhai gau gáu.
Cái vị ngọt của máu, cái mùi thơm của thịt chuột sữa, chuột nhi đồng làm răng lưỡi họ tê mê khoan khoái, tứ chi rung động, toàn thân ngây ngất. Ôi! Bữa tiệc ngon lành nhất trần đời! Dẫu có là vua chúa ngàn năm xưa, các quan chức đại gia thời bây giờ cũng không thể nào được nếm thử, xơi ngon một đại tiệc ngon lành đến như vậy!
Ăn xong rồi, cả hai vị thầy thuốc chẳng kiếm đâu ra được ngụm nước để súc miệng, cái tăm để xỉa răng. Thôi đành vậy, biết làm sao? Họ tà tà nằm xuống, thư thả duỗi chân, đầu óc chẳng muốn nghĩ gì nữa. Vậy mà, mắt đã nhắm nghiền lại rồi, làm sao lệ nóng từ đâu trong con ngươi vẫn ứa ra, chảy ào tràn hai hố mắt!
Thế nào, Lệ Uyên, cô đã nghe rõ chưa?
Chuyện là chuyện của loài chuột chúng tôi kể, cho dù đã 45 năm qua, hơn 80 đời lưu truyền lại vẫn là chuyện có thật, chuyện trung thực; không phải thứ chuyện lếu láo bịa đặt, vu cáo, dựng đứng của loài người các ngươi đâu!
Tôi nhắc lại để cho cô nhớ và đừng quên: Chính tụi này đã đóng góp vào khẩu phần thức ăn nuôi sống các người!
À, hoá ra bây giờ các người lại đền ơn chúng tôi bằng cách trả oán như vậy đó?
Cái giống người các ngươi toàn là như thế cả!
Hử? Hử!
Thầy ơi!
Tự nhiên nước mắt con trào ra. Lồng ngực đau nhói.
Cầm cái lồng bẫy bước ra ngoài đường trông trước nhìn sau, chờ tới khi chẳng còn ai chú ý đến mình, con mới nhẹ nhàng mở tấm lưới cửa cho con chuột thoát ra. Sao? Còn ngần ngừ gì nữa! Chuột ơi! Chạy mau đi!
Men theo rìa đường nó chạy thẳng một lèo, rồi đột ngột rẽ ngang, phóc lên hè phố… Biến!
Họ Mai nhà mình liệu còn hay mất, hở thầy?
Mai sau, năm tháng trôi đi, con cháu dù có đời đời nhớ ơn ai nữa, thầy ơi, cũng đừng quên ơn mấy con… chuột!
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử