lịch sử việt nam
Xin mời Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử trên Facebook
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Trần Thế Nhân
Tiểu thuyết Tập 1
Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam
09-2010
MỤC LỤC
Mục lục tập 1
Lời giới thiệu của Khối 8406
Lời Nhà xuất bản Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ
Khúc dạo đầu
Chương 01 đến chương 24
Mục lục tập 2
Chương 25 đến chương 46
Lời bạt (Nguyễn Quảng Tâm)
Suy ngẫm khi đọc “Ngày long trời đêm lở đất” (Nguyễn Minh Cần)
*/*/*
CHƯƠNG 8
“HOÀI NGHI TẤT CẢ!”
CÂU CHÂM NGÔN ÔNG MÁC YÊU THÍCH…
Lệ Uyên tiếp nối dòng suy tư sau Vụ-Nổ-Lớn trong con người mình:
- Em thương yêu ạ, thời của chúng ta lúc còn ở Bên Ấy, chúng ta chỉ được phép tin chứ không được quyền hoài nghi. Hoài nghi coi như là một căn bệnh, tội lỗi. Năm chị học đại học Sư phạm có một thầy giáo cùng cảnh ngộ như chị. Người đàn ông ánh mắt đen biếc và thông minh đó hình như có cảm tình với trò Uyên; và ngược lại, trò Uyên cũng… Nhưng cả hai đều biết dừng lại. Có một câu chuyện thầy kể mà sao bây giờ tự nhiên chị vẫn còn nhớ.
Hồi “Cải Cở Thủ Ti”, thầy kể, ông thân sinh ra thầy bị Đội quy sai đổ oan cho là “địa chủ phản động, Việt gian bán nước”.
Vào Đảng từ những năm đầu 40, ông Phó Chủ tịch Huyện này uất ức và đau khổ. Biết mình sắp bị án tử hình, thân phụ thầy tìm cách trốn ra được khỏi phòng giam rồi trèo lên tít ngọn cây đa ở sát ngay bên trụ sở Uỷ ban. Thời thơ ấu, vốn là một đứa trẻ nghịch ngợm gan dạ, cậu bé đã từng leo lên tuốt ngọn đa bắt tổ chim. Đến tuổi thanh xuân, cũng nhờ tài leo trèo đó mà người chiến sĩ hoạt động bí mật có lần đã nằm im trên ngọn cây, thoát được cuộc truy lùng săn bắt của mật thám Pháp bảo hộ và lính Nam triều thuộc địa.
Và bây giờ, Cộng hoà Dân chủ năm thứ mười một, ông thân sinh ra thầy vào tuổi 37, lại đang ngồi trên chót vót ngọn đa này.
Ông làm cái gì trên đó? Dạng háng, trụ vững chân vào hai chạc cây, dựa lưng vào thân cây, ông đưa hai tay bắc loa mồm và… chửi! Từ sáng lúc mặt trời mới mọc dậy bà con làng nước đã nghe ông chửi. Ông chửi ai và chửi cái gì? Đại loại là chửi Trời, chửi Đất, chửi Nhân gian, chửi Thế giới, chửi Người, chửi Ta… Chửi tuốt! Nhiều người dưới đường đi qua muốn dừng chân lắng nghe xem ông này chửi cái chi, muốn lắm nhưng rồi sợ Đội… nên vội vàng đi thẳng. Dân chúng ở những nhà quanh đó thì có lúc giật mình, tái xanh mặt khi nghe những câu móc mắt Trời, những lời phơi bày gan ruột Thần Thánh. Lại có lúc thắt ruột, bể bụng, toét miệng ra cười vì những chuyện lạ lùng trớ trêu lâu nay cứ tưởng chỉ có trong cổ tích, tiếu lâm… Nỏ phải đi đâu xa, mấy khi được rảnh rỗi ngồi nhà mà nghe… hát! Ông này ca còn hay hơn hát dặm, thú vị bằng mấy Văn công trung ương.
Đội ra lệnh cho dân quân phải trèo lên ngay, tóm cổ lôi xuống, nhưng rồi chẳng có ai quen trèo cây, leo lên nổi. Thôi đành mặc cho thằng phản động Việt gian này chửi; chửi mỏi mồm rát họng rồi cũng phải im. Và… để xem cái bài chửi này được ca cho đến khi nào?
Đội Cải cách và các đồng chí rễ chuỗi cùng toàn thể nhân dân lắng chờ. Giữa trưa nắng. Im lặng. Có lẽ ca sĩ khát và đói, đã mấy hôm rồi không uống nước chẳng ăn cơm nên lả gục xuống trên cành cây? Hay thằng phản động này còn định giữ sức và cũng muốn đồng bào ta … nghỉ trưa, giải lao?
Y như rằng! Quá hai giờ chiều ca sĩ lại tiếp tục chửi! Tuy nhiên lời ca chửi bắt đầu rời rạc, lộn xộn; tiếng ca chửi khàn đục, đứt quãng… không còn là tiếng người căm uất đớn đau nữa, mà chỉ là tiếng tru, tiếng hú hừ hừ, hậc hậc của con thú bị cắt cổ, hết máu, cạn hơi!
Mặt trời đã xuống núi rồi vẫn cố ngoi lên lần nữa nhìn, dòng lệ đỏ ứa tràn… Cả thế giới đau thương chẳng còn ai theo dõi lắng nghe ca sĩ. Từ sáng tới chiều nhân loại đói khổ đã mệt mỏi, rã rời…
Đúng vào lúc ấy, ca sĩ buông thả hai tay, mặc cho tấm hình hài thân thể bao năm nay vẫn gọi là con người, từ ngọn cây đa làng được tự nhiên... rơi xuống!
Gần nửa đêm, quần chúng đi họp đấu tranh về, qua lối Ủy ban, tình cờ phát hiện ra xác chết của thằng Phó Chủ tịch Huyện, tên địa chủ phản động bán nước hại dân… Đầu vỡ toác, toàn thân dập nát…Hắn nằm bên bờ đường, cách gốc cây đa một đoạn chừng bảy tám bước chân.
Họ vội báo cáo lên cho mấy ông Đội biết.
Câu chuyện thầy giáo dạy vật lý của chị kể nghe thật lạ lùng kinh dị, cứ tưởng đâu huyền hoặc dưới Địa ngục - Âm ty, có ai hay lại hiện nguyên hình trên trần gian tự do hạnh phúc.
Sau đó ít lâu, có lần thầy hỏi cô học trò:
“Lệ Uyên, em có biết Karl Marx, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, khối óc khủng khiếp của nhân loại chúng ta yêu thích câu châm ngôn nào không?”
“Dạ thưa thầy, em làm sao biết được?”
“Hoài nghi tất cả!”. Câu châm ngôn mà Marx yêu thích đã làm thầy ngạc nhiên, đầu óc tỉnh lại và sáng ra. Ông tổ sư của chủ nghĩa Cộng sản chẳng đã khẳng định quyền của con người chúng ta là được hoài nghi đó sao? Trước Marx một thời, nhà bác học Descartes cũng đã từng nói: “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”. Đã tư duy, con người ắt phải hoài nghi. Không hoài nghi làm sao nhận ra được cái sai lầm, tìm thấy được cái Mới, cái Chân Thiện Mỹ! Không hoài nghi làm sao có những phát minh khoa học!
Con người đời thường chúng ta vẫn hay cao ngạo cho rằng mình khác loài vật ở chỗ có tư duy. Lệ Uyên ạ, cứ cho rằng loài vật không có tư duy nhưng nhiều khi nhìn con chó, con mèo, con chuột… thầy vẫn nghĩ hình như có lúc chúng cũng biết hoài nghi? Hoài nghi để tránh đòn, thoát hiểm. Hoài nghi để tồn tại…. Nói như Descartes. Đúng không?
Vậy thì con người chúng ta bị Trời cấm không cho được hoài nghi, hoá ra còn thua cả con vật hay sao?
Thầy dừng lại, vẻ mặt căng thẳng. Con người đa sự này nhiều lúc trông tội tội thương thương. Dạy vật lý mà thích văn chương. Đã từng làm thơ, viết cả truyện ngắn.
Nhớ lại câu chuyện thầy kể hôm trước không hiểu sao Lệ Uyên tự nhiên hỏi thầy:
“Thưa thầy, xin thầy tha thứ… Ông thân sinh ra thầy một thời cũng đã từng tin…”
Thầy mỉm cười, mắt sáng:
“Chứ sao! Còn quá tin nữa. Cuồng tín!”
Rồi không để Lệ Uyên hỏi tiếp, thầy buột miệng cười phá lên:
“Và cha tôi đã biết hoài nghi. Cái ngày hôm ấy, khi ông ngồi chót vót trên ngọn cây đa, bắc loa miệng chửi từ sáng cho đến chiều tối là ông đã “Hoài nghi tất cả!”
- Chị Hai nói lung tung nhiều quá đấy! - Thùy Dương kêu lên - Ngoài đề, cháy giáo án rồi, cô giáo ạ. Từ lúc sang tới Bên Này, gặp nhau kết nghĩa, bà chị thân yêu của tôi bao giờ cũng kín tiếng giữ lời. Chẳng hiểu vì sao hôm nay lại say sưa, đa ngôn thế nhỉ? Chắc có chuyện gì lạ lùng sắp xảy ra đây.
Lệ Uyên ôm hôn Thùy Dương, nghẹn lời:
- Ôi! Thùy Dương! Chị yêu em. Yêu không biết bao nhiêu mà kể. Hãy tha thứ cho chị. Bàn chân chị đang run lên… Đất Hà Trung quê mẹ, Nga Sơn quê cha đây rồi!…
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử