lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Biển Cả Và Con Người

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Hồ Sơ Chủ Quyền Của Quốc Gia Dân Tộc Việt Nam

...

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

...

Nguyên Tử Của Việt Nam Và Quốc Tế

...

Tin Tức Thời Sự Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Thư Tín

...

Weblinks

 

Lịch Sử Việt Nam

(Cuộc Cải Cách Ruộng Đất Tại Miền Bắc 1949-1956)

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 60, 61, 62, 63, 64, 65, 66, 67, 68, 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 86, 87, 88, 89, 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100, 101, 102, 103, 104, 105, 106, 107, 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 122, 123, 124, 125, 126, 127, 128, 129, 130, 131, 132, 133, 134, 135, 136, 137, 138, 139, 140, 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147, 148, 149, 150, 151, 152, 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 175, 176, 177, 178, 179, 180

III- DƯỚI MẮT NHỮNG KẺ CHỦ XƯỚNG VÀ THI HÀNH

Sửa sai và tiến lên

Trường Chinh

...

Gần đây một số những người bị tố oan là phản động hoặc bị quy sai thành phần, sốt ruột chờ sửa sai, đã tự phát báo thù. Một số địa chủ và bọn phản động, lưu manh lợi dụng cơ hội lôi kéo quần chúng bất mãn, gây ra những vụ lộn xộn trong nông thôn. Đáng chú ý nhất là mới đây bọn phản động đội lốt tôn giáo đã gây ra những vụ phá rối trật tự an ninh ở tại một vài vùng giáo dân ở tập trung. Chúng lợi dụng lòng tin của một số quần chúng tín đồ mà lấy lại những quyền lợi nông dân đã giành được trong Cải cách Ruộng đất. Rõ ràng là chúng đang ra sức phá hoại những thành tựu của Cải cách Ruộng đất và phá hoại việc sửa chữa của ta. Vì vậy, muốn sửa sai tốt, phải ngăn ngừa những hành động tự phát, báo thù. Đồng thời phải trấn áp bọn phản động, bọn quấy rối, không để cho chúng làm mưa làm gió.

Chính sách sửa sai đã công bố chưa được thật cụ thể. Tình hình thực tế ở nông thôn phức tạp hơn ta tưởng. Cho nên cần rút kinh nghiệm ở một số địa phương để bổ sung chính sách đó.

Diện sửa sai khá rộng. Cần có kế hoạch sửa sai để tiến hành từng bước. Kế hoạch ấy phải căn cứ vào chỉ thị của Trung ương về sửa sai nói chung, đồng thời cũng phải căn cứ vào yêu cầu cấp bách sửa sai của từng địa phương và căn cứ vào thời vụ mà đặt ra cho sát.

Theo nghị quyết của Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, việc sửa sai sẽ giao cho Đảng bộ và chính quyền các cấp trực tiếp phụ trách. Cho nên phải kiện toàn bộ máy lãnh đạo các cấp để cho nó gánh được trách nhiệm sửa sai theo đúng phương châm, chính sách mà Trung ương Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Việc kiện toàn các cấp cần phải đạt yêu cầu thống nhất tư tưởng và nhận thức về thắng lợi của Cải cách Ruộng đất cũng như về những khuyết điểm sai lầm và nhiệm vụ sửa sai. Trung ương Đảng và CP quyết tâm sửa sai, nhân dân mong chờ sửa sai. Có nhiều vấn đề sửa sai liên hệ mật thiết với chiêm này, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết gấp rút. Chúng ta phải xiết chặt hàng ngũ, lao mình vào công tác sửa sai.

Qua các cuộc hội nghị nghiên cứu nghị quyết của Trung ương Đảng, tư tưởng cán bộ, đảng viên đã được nhất trí trên những vấn đề chính. Đương nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại giữa cán bộ, đảng viên cũ và cán bộ, đảng viên mới, cán bộ bị xử trí và cán bộ không bị xử trí, cán bộ đã tham gia Cải cách Ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức với cán bộ không tham gia Cải cách Ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, v.v… Tư tưởng chưa được thống nhất thì hành động trong việc sửa sai cũng sẽ không được thống nhất. Vì vậy, phải qua việc hoàn thành phổ biến nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng xuống đến tận xã mà làm cho tư tưởng và nhận thức của cán bộ và đảng viên thống nhất hơn. Cần làm cho toàn Đảng trên cơ sở thấu suốt tinh thần nghị quyết của Trung ương Đảng và nâng cao ý thức về trách nhiệm trước việc sửa sai mà tăng cường đoàn kết trong Đảng. Do Đảng được đoàn kết, thống nhất mà tăng cường đoàn kết giữa các Đảng ta và các đảng phái, các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận, giữa Đảng ta và quần chúng nhân dân nói chung. Đó là một điều kiện cần thiết cho việc sửa sai có kết quả.

Công tác cách mạng của chúng ta có thành tích và cũng có sai lầm. Điều cốt yếu là Đảng ta tránh được những sai lầm về đường lối cách mạng, và một khi phạm sai lầm dù lớn hay nhỏ đều thành khẩn nhận hết sai lầm và kiên quyết sửa chữa.

Sai lầm của ta trong Cải cách Ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức không có nghĩa là đường lối cách mạng Việt Nam do Đảng ta vạch ra là sai, cũng không có nghĩa là chế độ dân chủ nhân dân của ta là không tốt. Vì đường lối cách mạng của Đảng ta đúng, bản chất chế độ ta tốt, quần chúng nhân dân ta nói chung vẫn tin tưởng ở Đảng ta và Chính phủ ta, cho nên ta có điều kiện tốt để sửa sai và tiến lên.

Mỗi cán bộ và đảng viên chúng ta cần tin tưởng và hăng hái gánh một phần trách nhiệm trong việc sửa sai, biến những đau xót của chúng ta trước những sai lầm thành sức mạnh vật chất đặng tiến hành tốt công tác sửa chữa sai lầm, phát huy thành tích, củng cố công nông liên minh, giữ vững và phát triển thắng lợi của Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc. Do đó chúng ta làm cho miền Bắc được thật sự củng cố, chế độ ở miền Bắc càng tốt đẹp hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Chú thích

[1] Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng.
[2] Về trách nhiệm cá nhân ở cấp Trung ương thì xem thông cáo của Trung ương đăng trên báo Nhân dân ngày 30-10-1956.
[3] Nghị quyết của Bộ chính trị tháng 8 năm 1953.
Nguồn: Học Tập, tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Lao động VN, số 11, tháng 11-12/ 1956, tr. 9-23. Bản điện tử của Talawas

Xét lại "hồ sơ" của giai cấp địa chủ

Trần Huy Liệu

Ngay từ tháng 3-1954, khi cuộc Cải cách Ruộng đất đang ở thời kì khắc nghiệt nhất, Trần Huy Liệu đã viết thư cho ông Hoàng Quốc Việt, một trong những người lãnh đạo Cải cách Ruộng đất, nêu ý kiến cho rằng ở Việt Nam, khác với Trung Quốc, địa chủ đa số là bậc trung và bậc tiểu, mà phần đông lại là yêu nước. Vì vậy, cần có sách lược đối xử đúng mức trong Cải cách Ruộng đất, không nên gộp tất cả là kẻ địch. Bài này của Trần Huy Liệu đăng trên tập san Văn Sử Địa số 25, quý I-1957, kí tên Hải Khách, bút danh của ông thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939). Nó phản ánh nhận thức của Trần Huy Liệu - lúc đó là trưởng ban nghiên cứu Văn Sử Địa - sau cuộc CCRĐ và thời kì sửa sai. Ngay sau khi bài được đăng, trong một cuộc họp ở câu lạc bộ Đoàn kết, ông Trường Chinh đã nhận xét là bài có sự "mơ hồ giai cấp".

Đặt vấn đề

Sau những sai lầm nghiêm trọng về Cải cách Ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đã đến lúc chúng ta cần phải xét lại một số nhận định từ trước về tính chất giai cấp, quan hệ giữa các giai cấp và đối tượng chủ yếu của cách mạng, các lực lượng tham gia cách mạng trong quá trình cách mạng Việt Nam. Việc này chúng tôi đã bắt đầu làm trong mấy số tập san gần đây. Một nhận thức chung là xã hội Việt Nam trong thời Pháp thuộc là một xứ thuộc địa và nửa phong kiến, do đó, nó có những đặc điểm mà chúng ta phải tìm ra để biết đến để sắp xếp lực lượng, định một chiến lược cho thật đúng.

Với bài này, tôi nói về giai cấp phong kiến địa chủ và trước hết, hãy trang trải về danh từ. Còn nhớ năm 1935, trong cuộc bút chiến giữa Phan Khôi và Hải Triều, một vấn đề đã được nêu lên là nước Việt Nam ta còn có chế độ phong kiến không. Ông Phan Khôi căn cứ vào mấy chữ định nghĩa "phong hầu kiến ấp" ngày trước để đi đến chỗ phủ nhận phong kiến còn tồn tại ở Việt Nam. Trái lại ông Hải Triều căn cứ vào chế độ chiếm hữu ruộng đất của phong kiến, hình thức bóc lột địa tô của địa chủ để đi đến kết luận là phong kiến vẫn tồn tại ở Việt Nam. Cuộc bút chiến hồi đó, cũng như nhiều cuộc bút chiến khác, không có trọng tài để phân giải ai phải ai trái một cách rõ ràng. Nhưng với một nhận thức căn bản về quan hệ tư liệu sản xuất, cụ thể là ruộng đất, không ai chối cãi được là nước Việt Nam có chế độ phong kiến, có giai cấp phong kiến mà một trong những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là phải đánh đổ bọn phong kiến, tay sai của đế quốc và quét sạch tàn tích phong kiến. Trong cuộc giảm tô và Cải cách Ruộng đất vừa qua, đối tượng của nông dân là giai cấp địa chủ. Nhưng trong đó còn có những trường hợp phiền phức như: có những người về địa vị và danh vọng thuộc giai cấp phong kiến, nhưng không có ruộng cho thu tô, không bóc lột theo lối phong kiến. Liệt họ vào giai cấp nông dân thì cố nhiên họ không phải là nông dân. Cũng có người nói họ là chủ của một ít ruộng đất, tức là tiểu tư hữu nằm trong cơ sở của chế độ tư sản. Vấn đề rất phức tạp, cần phải nghiên cứu nhiều. Ngay đến việc quy định thành phần địa chủ trong cuộc cải cách vừa qua cũng còn nhiều điểm phải bàn lại.

Vì vấn đề phức tạp, mục đích của bài này chưa đi sâu vào nội dung sinh hoạt của giai cấp, cũng không tách khỏi địa chủ với phong kiến, mà chỉ kiểm điểm thái độ chính trị của họ, nghĩa là xét lại "hồ sơ" của họ. Cùng với việc nghiên cứu các giai cấp khác, tôi muốn biết đặc điểm của giai cấp phong kiến thuộc địa trong một xứ thuộc địa khác với giai cấp phong kiến địa chủ trong một nước độc lập và cũng do đó, chúng ta càng nhận rõ bạn thù trong từng giai đoạn lịch sử nhất định trên lập trường giai cấp và lập trường dân tộc. Bài này viết ra tôi mới trình bày những ý kiến sơ bộ và còn tiếp tục nghiên cứu.

Kiểm điểm thái độ chính trị của giai cấp phong kiến địa chủ qua các thời kì

Cần phải "phân bua" rằng: xét lại "hồ sơ" của giai cấp địa chủ, một giai cấp đã bị lên án, liệt vào đối tượng của cách mạng dân tộc dân chủ, tôi không có ý định làm "thầy cãi" cho một tội nhân đã có tội chứng rành rành, mà chỉ tìm trong đó những tình tiết đáng chú ý, những trường hợp cần thẩm tra lại, làm nổi bật lên tính chất của địa chủ ở một xứ thuộc địa nửa phong kiến.

Không như các giai cấp tư sản dân tộc, tiểu tư sản và công nhân mới xuất hiện trong thời kì Pháp thuộc, giai cấp phong kiến địa chủ nước ta xuất hiện và nắm quyền thống trị từ lâu. Trước ngày thực dân Pháp đánh chiếm nước ta thì mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân và giai cấp địa chủ phong kiến đã phải nhường chỗ chủ yếu cho mâu thuẫn giữa toàn dân Việt Nam, trong đó có giai cấp phong kiến địa chủ, với bọn xâm lược cướp nước. Cũng từ lúc này sự phân hóa trong giai cấp phong kiến địa chủ biểu hiện thái độ chính trị với bọn xâm lược đã diễn ra không ngừng. Đầu tiên là sự phân chia giữa phái chủ hòa, nói đúng hơn là phái đầu hàng, đã đứng trên lập trường giai cấp của chúng, muốn thỏa thuận với giặc ngoại xâm để duy trì quyền lợi một phần nào của chúng khỏi bị đổ vỡ trước phong trào ngày càng lớn mạnh của nông dân. Phái chủ chiến đứng trên lập trường giai cấp từ trước cũng như lập trường dân tộc, thấy không thỏa hiệp được với giặc ngoại xâm, không can tâm làm nô lệ nên chủ trương chiến đấu. Sau khi phái chủ chiến đã chiến bại và triều đình Huế đã đầu hàng, công nhận sự đô hộ của thực dân Pháp thì sự phân chia lại một lần nữa diễn ra giữa bọn phong kiến tại triều và một số văn thân kháng chiến. Nếu chúng ta điểm mặt những lãnh tụ khởi nghĩa bấy giờ thì hầu hết là những hưu quan, những nhà khao mục ở các địa phương. Họ không những không có đặc quyền đặc lợi gì, mà phần nhiều thuộc loại "tiếng cả nhà thanh", nghĩa là danh vọng thì lớn nhưng tài sản thì ít. Một điểm đáng nghi là: ngoài chỗ dựa vào nông dân, những phần tử trung kiên trong các cuộc khởi nghĩa đa số là những nhà Nho nghèo. Về danh nghĩa họ thuộc giai cấp phong kiến, nhưng không phải là địa chủ sống bằng địa tô. Chính những người này là động lực của cuộc khởi nghĩa kháng Pháp và nối liền những tập đoàn lãnh đạo khởi nghĩa với nông dân địa phương.

Nói đến cuộc lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn đầu, có người thấy giai cấp địa chủ là đối tượng của cách mạng ngày nay rồi chực phủ nhận cả một bộ phận phong kiến đã có lúc lãnh đạo cách mạng. Có người dựa vào lí luận nói giai cấp phong kiến địa chủ là kẻ thù của nông dân thì làm thế nào lãnh đạo được giai cấp nông dân. Những người này đã xa lìa thực tế, không đặt giai cấp phong kiến địa chủ vào khung cảnh thuộc địa, lại cũng không thấy mâu thuẫn dân tộc ở một xứ thuộc địa bao trùm cả mâu thuẫn giai cấp, mặc dù mâu thuẫn dân tộc về thực chất vẫn là mâu thuẫn giai cấp. Nhìn vào giai đoạn lịch sử này, chúng ta phải phân biệt bọn đại phong kiến có những đặc quyền đặc lợi tại triều đình với những lớp phong kiến nghèo và những trung, tiểu phong kiến ở thôn quê đã biểu lộ nhưng thái độ khác hẳn nhau. Chúng ta một mặt ghi điểm phản động của giai cấp phong kiến với chế độ chiếm hữu ruộng đất bóc lột địa tô, một mặt đừng quên ghi điểm tiến bộ của những văn thân yêu nước chống giặc. Một ngày nào họ chưa đầu hàng đế quốc, còn đứng trên lập trường dân tộc, còn lãnh đạo chống Pháp thì nhân dân vẫn ủng hộ họ. Nói cho cùng những cuộc vũ trang khởi nghĩa từ khi thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Nam Kỳ qua phong trào Cần Vương đến cuối thế kỉ XIX, trừ một vài trường hợp đặc biệt không kể nếu chúng ta cố ý phủ nhận sự lãnh đạo cho giai cấp nào? Hôm trước, trong cuộc thảo luận giữa tôi và một đồng chí Liên Xô nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, đồng chí bạn có đặt ra một câu nghi vấn xem có một nhóm văn thân vào lúc ấy đã có khuynh hướng tư sản chưa? Tôi căn cứ vào sử liệu mà trả lời rằng: chủ trương của các văn thân hồi đó rõ ràng là bình Tây, là Cần Vương, là khôi phục chế độ cũ, chớ chưa biểu lộ ra khía cạnh nào có xu hướng dân chủ cả. Vả chăng, xu hướng dân chủ tư sản chỉ có thể sản ra với một điều kiện xã hội Việt Nam có đủ một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và những tầng lớp tư sản mới.

Qua hai lần phân chia kể trên, đến đầu thế kỉ XX, giai cấp phong kiến lại một lần phân hóa nữa. Lúc này, sau những cuộc khởi nghĩa thất bại, một bộ phận phong kiến đã bị phá sản. Trong các cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp, kinh tế tư bản chủ nghĩa đã dần dần có cơ sở. Tầng lớp tư sản mới đã bắt đầu xuất hiện tại các thành thị. Trào lưu tư tưởng của thế giới tràn vào thông qua các yếu tố mới đương nẩy nở trong nước làm cho ý thức hệ của giai cấp phong kiến bị rạn nứt, rung động. Lần này phân hóa diễn ra giữa hai phái sĩ phu: một phái thủ cựu vẫn ôm riết lấy ý thức hệ phong kiến, và một phái có khuynh hướng dân chủ tư sản tới một mức độ nào. Những phong trào đầu thế kỉ XX như: Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân... do một số sĩ phu tiến bộ trong giai cấp phong kiến lãnh đạo đã nói lên một biến động lớn về tính chất của cuộc đấu tranh cách mạng cũng như về hệ thống tư tưởng của đẳng cấp sĩ phu. Sau đó giai cấp phong kiến cho đến hết cuộc đại chiến thứ nhất, nói chung, đã hết vai trò lãnh đạo chống thực dân Pháp, nhưng một bộ phận trong phái sĩ phu tiến bộ mà tiêu biểu của nó là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã dần đi vào khuynh hướng tư sản dân chủ của những tầng lớp đang cấu thành giai cấp và phong trào tư sản sắp chính thức bắt đầu. Một bộ phận khác như Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên... lãnh tụ đảng Tân Việt sau này, còn tiến xa hơn nữa, trút bỏ hết những nếp tư tưởng, đường lối đấu tranh của giai cấp phong kiến, giai cấp gốc rễ của họ để hòa mình vào trào lưu mới chẳng những có tính chất dân chủ, mà còn có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.

Ở trên tôi đã đánh dấu vai trò lãnh đạo chống thực dân Pháp của giai cấp phong kiến, mặc dầu là một bộ phận, đã chấm dứt từ sau cuộc đại chiến thứ nhất. Nhưng vấn đề đặt ra là: có phải từ đó trở đi, giai cấp phong kiến địa chủ đã trở nên hoàn toàn phản động, cấu kết với thực dân Pháp để chống lại dân tộc không? Chúng ta phải xét lại sự nhận định ấy đúng đến đâu, đến mức độ nào? Tốt hơn hết là chúng ta hãy trình bày những sự thực diễn ra qua các thời kì để làm cơ sở cho nhận xét khách quan.

Thực ra, ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, một bộ phận phong kiến, chủ yếu là phong kiến cầm quyền tại triều đình Huế, đã câu kết với giặc, làm tay sai cho giặc để giết hại đồng bào, phản lại Tổ quốc. Những tên đại Việt gian như Trần Đình Lộc, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải... chẳng những là kẻ thù dân tộc, mà còn là kẻ thù của phe phong kiến chống Pháp lúc bấy giờ. Trong hai bức thư trao đổi giữa Hoàng Cao Khải và Phan Đình Phùng, chúng ta thấy rõ hai người cùng một giai cấp mà đứng trên hai lập trường, phân biệt rõ rệt người phong kiến yêu nước. Từ sau cuộc đại chiến thứ nhất, giai cấp tư sản VN hình thành. Nhưng một đặc điểm của xứ thuộc địa, xứ nông nghiệp mà chúng ta đừng quên là: những nhà tư sản lớp trên đa số xuất thân từ giai cấp phong kiến cũng như số công thương gia kiêm địa chủ hay địa chủ kiêm công thương gia khá nhiều. Đảng Lập hiến ở Nam Kỳ là một tập đoàn đại địa chủ tư sản hóa vừa có hàng nghìn hàng vạn mẫu ruộng thu tô vừa có những nhà máy gạo, máy dệt, hãng làm xà phòng, thuốc lá ở thành thị, đến cả nhà VN ngân hàng. Do đó, khuynh hướng chính trị của họ biểu lộ ra từ khoảng những năm 1922-1926 là đòi tự do dân chủ, tán thành cải lương để rồi đi đến "Pháp Việt đề huề", sát cánh với bọn đại biểu của tư sản Pháp trong các nghị trường và cuối cùng là chống lại phong trào đấu tranh của nhân dân ngày một lên cao. Từ năm 1930 trở đi, đối tượng cách mạng chẳng những chĩa vào thực dân Pháp mà còn chĩa vào giai cấp phong kiến địa chủ thì thái độ bọn địa chủ, trong đó đa số là quan lại và chính khách cũng tỏ ra quyết liệt, không còn miếng đất nào có thể hòa giải với cách mạng. Đảng Lý Nhân mà hồi đó người ta nhắc đến ở Nam Kỳ cũng như ở Nghệ Tĩnh là một đảng chống lại cách mạng. Cho tới nay chúng tôi vẫn chưa tìm được tài liệu cụ thể về đảng này, chỉ biết rằng hồi đó bọn thống trị Pháp âm mưu lập một tổ chức dựa vào phong kiến địa chủ để đàn áp cách mạng. Thái độ phản cách mạng của bọn đại địa chủ đã rõ rệt, nhưng chỗ mà chúng ta cần đi sâu vào là thái độ của tầng lớp trung, tiểu địa chủ ra sao? Tài liệu về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 cho biết rằng: những ngày đầu nhiều địa chủ phú nông cũng hưởng ứng theo phong trào, sẵn sàng đem thóc gạo trong nhà đem cống ra xã hội. Nhưng với khẩu hiệu "Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ", những người lãnh đạo phong trào hồi đó đã không nắm vững đường lối chính trị của đảng, đã làm cho công, nông bị cô lập và mặt trận thống nhất dân tộc bị tan rã và không tranh thủ được trung tiểu địa chủ còn có thể đi được với cách mạng đến một chừng mực nào, trong một phạm vi nào.

Tiếp đến phong trào Mặt trận Bình dân 1936-1939. Vì là một phong trào đấu tranh công khai và hợp pháp mà chương trình tối thiểu của Đảng Cộng sản đề ra là chống phản động thuộc địa, đòi tự do dân chủ và cải thiện dân sinh, nên sự phản ứng của giai cấp địa chủ không rõ rệt. Chỉ biết: trong tổ chức cũng như công tác đều có những thành phần nhỏ địa chủ tham gia. Những "giáp mới" và "hội hiếu", "hội hỷ" bấy giờ, những hình thức vừa để đoàn kết nông thôn vừa là "hội biến tướng của cách mạng" đều có mặt cả trung, tiểu địa chủ. Nhưng đến năm 1939, trong âm mưu trở lại hiệp ước 1884, chúng ta thấy rõ một lần nữa, thực dân Pháp câu kết với bọn phong kiến mà Phạm Quỳnh và Phạm Lê Bổng là chủ mưu, đã muốn khôi phục uy quyền của bọn phong kiến Nam triều để đàn áp phong trào nhân dân đương sôi nổi, kẻ phản động rõ rệt chống lại nhân dân vẫn là bọn vua quan phong kiến.

Tháng 6 năm 1940, sau khi quân Nhật kéo vào Đông Dương, nhân dân Đông Dương nói chung, nhân dân VN nói riêng bị một cổ hai tròng. Những việc cướp đất làm trường bay hay khu quân sự, nhổ ngô lúa trồng đay, gai và bắt nộp thóc tạ... chẳng phải chỉ trút lên đầu nông dân, mà chính nhiều địa chủ phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Do đó, không kể bọn đại địa chủ và bọn bám theo Nhật hoặc bám theo Pháp, một số trung, tiểu địa chủ đều ngã theo cách mạng, theo chủ trương đánh Pháp đuổi Nhật của ĐCS Đông Dương. Biểu hiện rõ rệt nhất là khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940. Trước tình thế mới, vài quyền lợi cấp thiết của cuộc cách mạng dân tộc giải phóng, Đảng Cộng sản Đông Dương tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày, thay bằng khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của bọn Việt gian phản quốc chia cho dân cày. Tôi còn nhớ lúc ấy một cuộc hội thảo sôi nổi đã nêu lên giữa các đảng viên: thay chiến lược hay thay chiến thuật. Chỗ này quan hệ lắm, nếu thay đổi theo chiến thuật thì đó chỉ là cách ứng phó thích nghi của một hoàn cảnh nhất thời; trái lại thay đổi chiến lược là thay đổi cả đối tượng cách mạng và cách bố trí lực lượng cách mạng trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Kết quả, theo lời giải thích của trung ương, thì đây không phải là thay đổi chiến thuật mà là thay đổi chiến lược. Có điều đây là chiến lược ngắn chuyển trọng tâm sang cuộc giải phóng dân tộc. Nó vẫn nằm trong chiến lược dài, nghĩa là chiến lược cách mạng dân chủ tư sản với hai nhiệm vụ là phản đế và phản phong.

Thế rồi, Mặt trận Việt Minh thành lập (5-1941) và một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi hơn hết từ trước đến bây giờ so với mặt trận phản đế và Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Trong bản chương trình điều lệ nêu rõ chủ trương cứu nước của mặt trận Việt Minh là liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân... làm cho xứ Việt Nam và cả xứ Đông Dương được hoàn toàn độc lập. Về mặt kinh tế, bản điều lệ chỉ nêu lên tịch thu hết tài sản của phát xít Nhật, Pháp và bọn Việt gian, Hán gian... chia lại công điền, giảm địa tô. Đối với tầng lớp nhân dân bản điều lệ ghi rõ quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ vẫn được coi trọng. Về tổ chức, địa chủ được gia nhập Việt Nam Cứu quốc hội. Ở đây chúng ta chưa bàn đến chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua mặt trận Việt Minh, mà chỉ cần ghi rằng: theo chiến lược ngắn này, thì, trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giai cấp địa chủ cho đến bây giờ chưa phải đã là hoàn toàn câu kết với đế quốc. Về mặt kinh tế, nói rõ hơn là về mặt sản xuất, họ là phản động, nhưng về mặt chính trị, trừ bọn đại địa chủ hay địa chủ quan lại, những trung và tiểu địa chủ còn có thể góp sức vào công cuộc cứu quốc tới một mức độ nào. Chính cũng vì dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp được mọi lực lượng của các tầng lớp nhân dân, đưa đến cuộc cách mạng Tháng Tám thành công. Cuộc cách mạng Tháng Tám, tính chất dân tộc của nó đã nổi lên.

Có lẽ tôi không phải nói nhiều về thái độ của giai cấp địa chủ nói chung, tầng lớp tiểu địa chủ nói riêng. Từ sau cách mạng Tháng Tám và những ngày đầu kháng chiến, sự thật thì có một số đại địa chủ, nhất là địa chủ quan lại, đã quây quần xung quanh bọn phản động Quốc Dân Đảng ở ngoài Bắc, Nguyễn Văn Thinh của "Nam Kỳ quốc", và sau hết là bù nhìn Bảo Đại. Nhưng sự thật cũng là đại đa số trung tiểu địa chủ, ngay cả một vài đại địa chủ, đã đứng trong Mặt trận Liên Việt, dự vào cuộc toàn dân kháng chiến, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta không đòi hỏi nhiệt tình và công sức của đại địa chủ ngang với công nông và trí thức, mà chỉ đặt mức độ tối thiểu là không theo giặc phản nước và tham gia kháng chiến trong một phạm vi nào đó. Đành rằng trong chính sách đối đãi cũng như quy định thành phần nông dân, chúng ta có phân biệt giai cấp địa chủ với những nhân sĩ yêu nước. Nhưng nhân sĩ yêu nước chỉ là một con số rất nhỏ, địa chủ kháng chiến là con số lớn.

Đề nghị xét lại một vài nhận định từ trước

Trở lên trên, bằng những sự việc chứng thực, tôi đã trình bày về thái độ chính trị của giai cấp phong kiến địa chủ qua các thời kì để đi đến mấy nhận xét sơ bộ.

Nhận xét thứ nhất là vì địa vị, quyền lợi của các tầng lớp trong giai cấp phong kiến địa chủ có chỗ khác nhau nên thái độ với đế quốc cũng không phải đều giống nhau. Bọn đại địa chủ, nhất là bọn địa chủ quan lại thì từ trước tới sau, đại đa số làm tay sai cho đế quốc, hay ngã về đế quốc. Chúng là kẻ thù của dân tộc, không ai có quyền bênh vực. Nhưng ngoài những văn thân yêu nước đánh giặc, tầng lớp trung tiểu địa chủ cũng bị áp bức dưới ách đế quốc, nên một số đã đứng trong mặt trận dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc.

Nhận xét thứ hai, nước ta từ trước là một nước nông nghiệp, ngoài một số ruộng đất tập trung vào địa chủ, những ruộng đất bị phân tán linh tinh. Theo bảng quy định thành phần trong dịp Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc, số trung tiểu địa chủ chiếm đa số trong giai cấp địa chủ và số ruộng đất chiếm hữu của mỗi người không nhiều. Nếu đem số ruộng đất chiếm hữu của mỗi trung, tiểu địa chủ xứ ta so với địa chủ nhiều nước khác thì thấy cách biệt nhau quá. Do đó sinh hoạt và tính chất của họ cũng không giống như đại địa chủ.

Nhận xét thứ ba, mà là nhận xét chủ yếu: giai cấp địa chủ VN từ sau khi Pháp thuộc, là giai cấp của một xứ thuộc địa, cho nên thái độ chính trị của họ cũng có khác giai cấp địa chủ các nước không phải thuộc địa. Tôi đồng ý với ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về công tác CCRĐ trước Quốc hội khóa thứ 6 vừa qua, trong đó có câu: “Giai cấp địa chủ, đứng về giai cấp mà nói, là phản động cần phải đánh đổ. Nhưng đi sâu vào thái độ chính trị của từng cá nhân địa chủ thì có một số người tuy về kinh tế bóc lột theo lối phong kiến, nhưng về chính trị thì có tinh thần dân tộc đến một trình độ nhất định”. Tôi thấy cần phải đi sâu như thế thì mới thấy được những chỗ khác nhau giữa giai cấp địa chủ Việt Nam với giai cấp địa chủ nước khác không phải thuộc địa và mới thấy được một trong những đặc điểm của cách mạng VN.

Như vậy, những quan điểm từ trước cho rằng toàn bộ giai cấp phong kiến địa chủ đã đầu hàng địch, đã cấu kết với địch, phủ nhận đặc điểm của xã hội Việt Nam, phủ nhận sự thật lịch sử, tôi thấy cần phải xét lại. Không cần phải nhắc lại những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất vừa qua không phân biệt địa chủ kháng chiến với địa chủ khác, coi tất cả địa chủ là địch là máy móc. Dù sao, trong khi đi sâu vào việc kiểm điểm thái độ chính trị của tầng lớp phong kiến địa chủ qua các thời kì, chúng ta không nên đi đến chỗ phủ nhận đối tượng của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ là đế quốc và phong kiến địa chủ. Dứt khoát là chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp phong kiến, bóc lột phong kiến cũng như giai cấp phong kiến địa chủ phải hoàn toàn thủ tiêu. Chúng ta chỉ cần nhắc lại là: vì xã hội nước ta trước đây là xã hội thuộc địa và nửa phong kiến nên nhiệm vụ cơ bản của cách mạng là chống đế quốc chủ nghĩa và quét sạch tàn tích phong kiến; nhưng đừng quên giữa hai mâu thuẫn chủ yếu, mâu thuẫn dân tộc với chủ nghĩa đế quốc xâm lược và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến thì mâu thuẫn dân tộc ta với đế quốc vẫn là chủ yếu nhất. Có nắm vững được quan điểm này thì đem thi hành ra chính sách mới không sai lệch.

Hiện nay nhiệm vụ phản phong tại miền Bắc về căn bản đã hoàn thành, giai cấp phong kiến địa chủ tại miền Bắc nước ta về căn bản đã ra đời. Đề ra việc xét lại "hồ sơ" của giai cấp phong kiến địa chủ, tôi chú ý vào việc nghiên cứu để mong dựng lại một sự thật lịch sử, đồng thời mong cống hiến một phần nào cho công tác sửa sai lúc này.

Hải Khách
8.3.1957
Nguồn: Tập san Văn Sử Địa số 25, quý I -1957

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 60, 61, 62, 63, 64, 65, 66, 67, 68, 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 86, 87, 88, 89, 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100, 101, 102, 103, 104, 105, 106, 107, 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 122, 123, 124, 125, 126, 127, 128, 129, 130, 131, 132, 133, 134, 135, 136, 137, 138, 139, 140, 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147, 148, 149, 150, 151, 152, 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 175, 176, 177, 178, 179, 180

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc Lâm Yên Tử

 

free counters
un compteur pour votre site