lịch sử việt nam
Chuyên mục Southeast Asia Sea được thành lập nhằm khẳng định chủ quyền biển Đông từ hơn 10 ngàn năm của dân tộc Việt-Nam.
Từ hơn 10 ngàn năm qua, dân tộc Việt-Nam đã sống với biển, gần biển. Đây là nền văn minh chói sáng của tộc Việt.
Thăng Long Xưa Hà Nội Nay
Trẩn Nhu
Nguồn: quanvan.net
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30
Lợi dụng địa thế hiểm yếu và nước thủy triều lên xuống, Hưng Ðạo Vương cho quân lính và dân binh chặt những cây gỗ lớn cứng to trong những cánh rừng gần sông làm thành những hàng rào cọc nhọn được bọc sắt ở đầu đóng xuống lòng sông thành bãi cọc dầy ở khúc sông đã được chọn. Một mặt ông tập trung một lực lượng lớn mai phục ở hai bên bờ sông. Quân thủy của Ðại Việt với những thuyền nhẹ, cơ động, giấu trong những rạch nhỏ ăn thông ra sông, và được che kín bởi rừng cây (lậu) chịu nước mặn. Một bộ phận thiện chiến chủ lực được bố trí cách bên trên các hàng cọc một quãng được tính toán kỹ để có thể đánh vỗ mặt vào đoàn chiến thuyền có Ô Mã Nhi và các tướng, phía trên hàng cọc, Hưng Ðạo Vương lại bố trí một số đoàn quân nhỏ, và một bộ phận đội hải quân có nhiệm vụ khiêu chiến rồi bỏ chạy, nhử cho thuyền quân Nguyên qua bãi cọc, làm cho quân Nguyên thêm chủ quan. Một bộ phận khác bên dưới mai phục hai bên sông, làm nhiệm vụ khóa chặt đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi. Quân Thủy ở thượng lưu đánh xuống kết hợp với quân mai phục.
Bạch Ðằng Giang, điểm hẹn lịch sử - cũng trên con sông này, hơn ba thế kỷ trước Ngô Quyền phá quân Nam Hán. Chấm dứt đêm dài đen tối, bị đô hộ hơn một ngàn năm, tiền nhân ta vẫn còn đủ sức mạnh và trí tuệ chiến thắng kẻ thù khổng lồ phương Bắc năm Mậu Tuất (938). Hơn ba thế kỷ sau, năm 1288 vào những ngày quân của Ô Mã Nhi đã trên đường vào sông.
Ðá Bạc- Ðó cũng là lúc Hưng Ðạo Vương đã chuẩn bị xong trận địa và quân mai phục sẵn sàng chờ quân Nguyên. Nhân lúc nước triều lên, Hưng Ðạo Vương cho một số thuyền tiến ra khiêu khích rồi bỏ chạy. Các chiến thuyền của Ô Mã Nhi lập tức đuổi theo tiến sát và vượt gần vào bãi cọc lúc nước thủy triều còn cao. Ðợi cho chiến thuyền cuối cùng của quân Nguyên lọt vào trận địa cọc vào lúc nước triều rút xuống. Lập tức một bộ phận của cánh quân mai phục hai bên sông và chiến thuyền, làm nhiệm vụ khóa đoàn thuyền của quân Nguyên lại.
Lúc bấy giờ vào khoảng giữa trưa ngày 9 tháng 4 nước thủy triều rút, Ô Mã Nhi ra lệnh cho đạo quân lao nhanh theo dòng nước triều, tưởng chừng sẽ thoát được vòng nguy hiểm. Nhưng vào lúc đó, từ nhánh sông Giá, nhiều đoàn chiến thuyền lớn của quân Ðại Việt đột nhiên xuất hiện như từ trên trời thả xuống, thấy chiến thuyền đối phương tiến ra chặn đầu. Ô Mã Nhi vội ra lệnh cho những bộ phận đi đầu lao thật nhanh để mở đường rút chạy nhưng bị hàng rào cọc chận đứng. Trong khi quân địch đang rối loạn, hoảng hốt, thì từ trên thượng lưu hàng trăm chiếc mảng bốc lửa cao ngùn ngụt đang lao thẳng theo hướng rút chạy cũng là lúc những chiếc cọc bịt sắt nhọn đã nhô khỏi mặt nước thành một hàng rào chặn đứng làm cho hết chiếc thuyền nọ đến chiếc kia nối đuôi nhau trên đà xô vào hàng cọc, bị đâm vỡ chìm nghỉm, quay lại thì đường đã bị đóng. Thế quân Nguyên lúc bấy giờ như bị nhốt trong cái túi lửa khổng lồ đằng trước, đằng sau, trên dưới bị chận đánh. Bỏ thuyền chạy lên bờ thì bị phục binh và quân địa phương đón đánh.
Trận đánh diễn ra chớp nhoáng chỉ trong vòng nửa ngày từ lúc nước thủy triều lên, đến lúc nước triều xuống trong không gian thu hẹp là khu vực sông Giá, vùng hạ lưu sông Bạch Ðằng. Chiến thắng rực rỡ này kết thúc số phận tám vạn quân Nguyên. Các tướng Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ, Phàn Tiếp đều bị bắt.
Mặt trận trên bộ, quân Ðại Việt, theo lệnh của Hưng Ðạo Vương đặt quân mai phục các tuyến đường hiểm yếu trên trục lộ giao thông đi sang Tầu tại Bắc Giang và Lạng Sơn, sẵn sàng chờ giặc đến để tiêu diệt. Còn quân chủ lực lập tức được quay lại Vạn Kiếp, tiêu diệt đoàn quân chủ lực Thoát Hoan để giải phóng hoàn toàn đất nước.
Thoát Hoan ở Vạn Kiếp, nghe tin quân thủy đã bị tan vỡ, bèn vội vàng cùng các tướng Trình Băng Phi, A Bát Xích, Áo Lỗ Xích, Lý Quán cố đánh mở đường máu để tháo chạy về nước. Sách Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Hưng Ðạo Vương trở lại Vạn Kiếp giao chiến với Thoát Hoan và Lý Hằng, đánh bại được giặc, quân Nguyên chết rất nhiều. Lý Hằng đem quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Minh, quân ta lấy tên tẩm thuốc độc bắn trúng đầu gối bên trái của Hằng, Hằng chết, tùy tướng Lý Quán thu nhặt 5 vạn tàn quân còn lại, cho Thoát Hoan vào một đồ bằng đồng trốn về Bắc. Ðến Tư Minh Vương đuổi kịp dùng tên tẩm thuốc độc bắn trúng Lý Quán. Quán chết quân Nguyên tan rã (Dẫn sách Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư tập II Tr 89)
Sau trận kịch chiến giữa Thoát Hoan, với Hưng Ðạo Vương xẩy ra ở Vạn Kiếp, Thoát Hoan thua bỏ chạy quân Nguyên hoàn toàn tan rã. Thủy binh bị tiêu diệt tám vạn. Bộ binh còn chết nhiều hơn. Như thế 50 vạn quân còn bao nhiêu tên trốn thoát trở về nước?
Chiến thắng Bạch Ðằng cũng nói lên trí tuệ siêu việt và khả năng lớn mạnh của dân tộc ta, có khả năng thắng những kẻ địch hùng cường nhất thế giới với những trận quy mô, không chỉ trên bộ mà cả thủy chiến.
Chiến thắng Bạch Ðằng còn là sự kết hợp nhịp nhàng của cả quân và dân đã ngày đêm tận tụy chặt gỗ, kéo gỗ, bọc đầu sắt đóng dưới lòng sông.
Sử sách ghi công ơn vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn… nhưng cũng không quên ghi công “một bà già bán nước vối, quà bánh ở bến đò Rừng. Do nghề nghiệp quanh năm sống bên sông, đã chỉ bảo cặn kẽ mực nước và ngày giờ lên xuống của thủy triều sông Bạch Ðằng để quân ta tổ chức trận đánh đúng thời điểm[1]:
Chiến thắng Bạch Ðằng cũng làm nổi bật tài năng cầm quân của Hưng Ðạo Vương, Ông là người trong Hoàng Tộc nhà Trần được giáo dục học vấn nhiều lĩnh vực. Khi tham gia quân đội, ông tỏ ra là một chiến binh dũng cảm và gương mẫu trong trận chiến với quân Nguyên lần thứ nhất (năm 1258) là một tướng trẻ ông đã tỏ ra là một thiên tài quân sự. Trong cuộc chiến vệ quốc lần thứ hai (năm1285) Vua Nhân Tông phong cho Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn Quốc công tiết chế thống lĩnh toàn bộ quân đội kháng chiến chống quân Mông Cổ. Thâu tóm trong tay mọi quyền lực quân sự, mà không trở thành độc tài. Điều đặc biệt hiếm thấy trong lịch sử là sự hội hợp giữa tài năng chinh chiến với trí tuệ, học giả uyên bác trong một con người như Hưng Đạo Vương. Truyền thống gia tộc là một nhân tố quan trọng nữa, tạo nên nhân cách tài năng.
Hưng Ðạo Vương là vị đại nguyên soái mà binh pháp vào bậc thầy. Ông đã có những đóng góp rất lớn vào việc phát triển nền nghệ thuật quân sự. Hưng Ðạo Vương còn là tác giả của sách Binh Thư quý giá mà trong lịch sử phương Ðông có lẽ chỉ có hai tác phẩm binh thư, cuốn thứ nhất là sách “Tôn Tử Binh Pháp”, một cuốn cổ nhất của Trung Hoa, tác giả là Tôn Vũ, người nước Tề, làm tướng nước Ngô thời Xuân Thu (770-476 Tr C.N.)
Nói về tư tưởng binh thư của Hưng Ðạo Vương thì hai tác phẩm của Ngài là “Binh Thư Yếu Lược” và “Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư” cuốn này đã thất lạc. Chỉ còn lưu lại sách Binh Thư Yếu Lược, theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư thì sách này cũng tam sao thất bản, không biết bộ mặt thật của nguyên tác ra sao nữa. Nhưng ngày nay chúng ta chỉ có thể tìm hiểu cái tinh thần Binh Pháp của Ngài một phần trong các cuộc kháng chiến vệ quốc với nhà Nguyên. Hưng Ðạo Vương thường tính đến mọi yếu tố tổng hợp của một cuộc chiến như hình thức chính trị, kinh tế, xã hội và dân sự. Ông có tầm nhìn xa và thận trọng trong việc giải quyết các nhiệm vụ chiến lược.
Thời đại văn minh khoa học ngày nay, chúng ta có đủ mọi phương tiện để truy cập dễ dàng các tài liệu lịch sử: Ðông, Tây, Kim, Cổ trên mạng Internet, hoặc xem Bách khoa Toàn thư của Pháp, Anh, Hoa Kỳ v.v… Ðể so sánh, đối chiếu những trận đánh lừng danh trong lịch chiến tranh nhân loại với trận Bạch Ðằng giang (9/4/1288) Trận Chi Lăng Xưởng Giang (18/10-3/11/1427), và trận Ngọc Hồi Ðống Ða (25/1/1789). Thì ta mới thấy rõ các trận đánh lớn trong lịch sử chiến tranh thế giới từ tối cổ đến cận kim, không có trận nào ngang ngửa tầm cỡ với ba trận đã xẩy ra trên đất nước ta, mà sách sử đều ghi chép rõ ràng như trận Bối Thủy Hàn Tín phá Triệu (năm 204 Tr C.N.) lực lượng tham chiến, quân Hán 50.000 người, quân Triệu 100.000. Kết quả Hán tiêu diệt phần lớn quân Triệu. Trận Xích Bích năm 208 là trận nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa cổ gồm một số trận đánh quyết định thế (chia ba thiên hạ) tạo thành thời đại Tam Quốc với ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Theo chính sử của Trung Quốc về thời ấy của sử gia Trần Thọ thế kỷ thứ III, tuy khẳng định Xích Bích là một trận đánh lớn, nhưng chỉ ghi chép như sau: “Tôn Quyền chấp nhận lời thỉnh cầu của Gia Cát Lượng, mưu sĩ của Lưu Bị, phái hai tướng là Chu Du và Trình Dục đưa ba vạn quân giúp Lưu Bị tổ chức chống Tào. Liên Quân Tôn Lưu tổ chức trận đánh ở Xích Bích, dùng hỏa công diệt hàng vạn quân Tào”. Sau này, các tiểu thuyết gia Trung Hoa miêu tả rất phong phú trong Tam Quốc Chí diễn nghĩa, họ phóng đại con số chứ không theo chính sử của Trung Hoa.
Ta lại qua một phương trời khác: Trận Marathon (490 trước Công Nguyên), tại vùng đồng bằng Marathon thuộc địa giới Hy Lạp cổ đại đã diễn ra trận đánh nổi tiếng giữa quân Athènes với quân Ba Tư trong đó thắng lợi thuộc về người Athènes. Ðây là trận đánh điển hình có ý nghĩa trọng yếu trong cuộc chiến tranh chống xâm lược của nhân dân Athènes thời cổ đại. Quân Ba Tư thua, chạy ra biển. Kết thúc thắng lợi, quân Athènes thu 7 chiến thuyền, quân Ba Tư tử vong 6.400 chiến binh trong khi quân Athènes chỉ chết 200 người.
Trận Can (Cannes?) (Năm 216 Tr. C.N.)
Trận Can xẩy ra giữa quân Carthage với quân La Mã. Trên đường tấn công xuống miền Nam Italia (Ý). Quân đội Carthage dưới quyền thống lĩnh của danh tướng Hannibal đã đánh bại quân đội La Mã cổ đại trong mấy trận liền ở Bắc Italia bằng nghệ thuật phối hợp tác chiến giữa bộ binh đột phá ở chính diện với kỵ binh hai bên sườn đánh kẹp lại và vu hồi sau lưng đối phương. Kết thúc trận đánh vào ngày 2-8-216 Tr. C.N. quân Carthage đã chiến thắng, quân La Mã bị giết 48.000 người, còn quân Carthage thì chỉ có 6 ngàn người bị tử vong.
Trận Lépante (năm 1571).
Ðây là trận thủy chiến lớn giữa quân Thổ Nhĩ Kỳ và quân Hy Lạp. Xẩy ra tháng 2 trên cả một đảo eo biển dài trên 8 hải lý, cuối cùng quân Thổ đại bại chết hơn hai vạn người, trong đó có cả thủy sư Ðô Ðốc tài danh của Thổ là Pacha Ali cũng bị hy sinh.
Trận Pôltava (năm 1709).
Xẩy ra giữa quân Thụy Ðiển và Quân Nga, vào một ngày đầu mùa Thu 1709 tại vùng rừng núi phía Bắc thị trấn Poltava. Khi tiếng súng và tiếng kèn xung trận đã im hẳn, rải rác đó đây khối lửa cuộc chiến vẫn mù mịt. Nga đã đánh bại cuộc xâm lược của Thụy Ðiển. Quân Thụy Ðiển tử vong 11.500 người, quân Nga chỉ có 1.340 người. Ðây là thời kỳ huy hoàng của nước Nga cổ kính dưới sự lãnh đạo của Ðại Ðế Piốtr.
Trận Trafalgar (20-10-1805)
Ðây là trận thủy chiến lớn nhất và cũng là trận cuối cùng trong thời đại chiến thuyền chạy bằng buồm.
Trafalgar là tên gọi một vùng biển ở cực Nam nước Tây Ban Nha, phía Tây Ðại Tây Dương, gần eo biển Gibraltar. Nơi đây đã ghi chiến công của Hải Quân Anh đánh thắng Hải Quân Pháp vào ngày 20-10-1805.
Từ lâu, Hoàng Ðế Pháp là Napoléon có ý định đập tan hạm đội của Anh khi đó đang làm bá chủ mặt biển Ðại Tây Dương và kể cả Ðịa Trung Hải. Tây Ban Nha lúc này đứng về phe với Pháp nên Napoléon đã lập được nhiều căn cứ thủy quân ở dọc bờ biển phía Ðại Tây Dương và Ðịa Trung Hải. Ðầu năm 1805, thuyền chiến của Pháp và Tây Ban Nha đóng ở Brest, ở Rochefort và Cadix… Hải quân Anh do Ðô Ðốc Nelson chỉ huy đã đánh bại hải quân Pháp do hoàng đế Napoléon và đồng minh Tây Ban Nha trong trận này, quá nửa chiến thuyền của Anh bị đắm và Ðô Đốc tổng chỉ huy Nelson bị tử thương, nhưng Anh vẫn thắng. Sau chiến cuộc kết thúc, bên Pháp và Tây Ban Nha có trên 7000 binh sĩ bị chết và bị thương, còn phía Anh chỉ có 2.500 người.
Trận Waterloo (1815)
Napoléon bị lưu đầy gần một năm trở về Pháp để tiếp tục thực hiện giấc mộng thu phục là ngai vàng và chinh phục Châu Âu. Trước đây mỗi lần làm lễ ra trận Napoléon thường nói câu: “Ngày mai ta thắng trận Marangô, ngày mai ta thắng trận Austerliz”. Ðó là những chiến công đã đưa Napoléon lên đến đỉnh vinh quang và trở thành con người của huyền thoại. Nhưng năm 1812 sau khi tiến quân vào Nga ông đã sa lầy và cuối cùng quân đội bị đồng minh đánh bại vào năm 1814. Napoléon buộc phải thoái vị, bị đầy ra đảo Elbe theo quyết định của đồng minh tại Vienne, Thủ Ðô Áo. Trở lại Pháp lần này, ông tâm niệm một điều là “phải phục thù, phải rửa hận”. Nhưng ông đã không phục được thù, rửa được hận trong trận đại chiến Waterloo giữa Liên quân Anh, Phổ, Nga, Áo, Bỉ, Hà Lan đánh Pháp. Khi trận chiến kết thúc, một hiệp ước được ký kết giữa các nước đồng minh Anh, Phổ, Nga, Áo và Pháp tại Paris. Một lần nữa Napoléon buộc phải thoái vị và theo thỏa hiệp này, Napoléon lại tiếp tục phải đi đầy ở đảo Saint Hélène. Và cuối đời ông đã kết thúc một cách thê thảm vào năm 1821 trên hòn đảo héo lánh giữa Ðại Tây Dương.
Napoléon cùng thời với danh tướng Nguyễn Huệ. Người đánh trăm trận không thua trận nào. Nhà Tây Sơn dẹp Chúa Nguyễn ở phía Nam. Nguyễn Ánh hết lẩn trốn ở Hà Tiên, lại chạy ra đảo Phú Quốc. Bị truy nã gắt gao, chúa chạy đến đảo Cổ Long (Kolirong), cả cuộc đời vua chạy trốn, các tướng lãnh đến binh sĩ của vua Gia Long, cứ nghe đến tên Nguyễn Huệ là khiếp sợ, bỏ thành chạy hoặc quy hàng. Ánh cầu viện hoàng đế Pháp cũng không cứu được Ánh, đường cùng Ánh lại chạy sang Vọng Các (Bangkok). Khẩn cầu vua Xiêm, nước Xiêm bấy giờ dưới triều vua Chakkri đương lúc cường thịnh và đang nuôi mộng xâm lăng để mở rộng cõi bờ. Ðược Nguyễn Ánh xin cứu viện, vua Xiêm hoan hỉ nhận lời ngay. Chụp cơ hội tốt, mùa Hạ năm Giáp Thìn (1784) Chakkari Hoàng Ðế sai cháu là Chiêu Tăng làm chủ tướng và Chiêu Sương làm tướng tiền phong thống lĩnh hai vạn Quân Thủy và 300 chiến thuyền, đồng thời vua Xiêm lại phái hai tướng là Lục Côn và Sa Uyển cùng với tướng Chiêu Thùy Biện đem một đạo quân trên 3 vạn, tiến sang Chân Lạp rồi từ đó kéo xuống Gia Ðịnh. Phối hợp cùng với Thủy Binh của Chiêu Tăng và Chiêu Sương, cả thẩy gần 7 vạn Thủy quân Xiêm đổ bộ lên Rạch Giá, Bộ binh Xiêm đánh xuống Châu Ðốc. Các đạo quân Xiêm kéo vào nước ta một cách rầm rộ.
Nhưng tất cả các đạo quân của Xiêm đã bị tiêu diệt trong vòng một ngày ở Rạch Gầm, Xoài Mút vào tháng Giêng năm Ất Tỵ (1785). Nguyễn Ánh một lần nữa lại trốn thoát chạy qua Xiêm xin tỵ nạn. Từ đây dân Nam được an cư lạc nghiệp.
Năm 1786, Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long bắt Trịnh Khải. Nền thống trị của họ Trịnh bị lật đổ, đất nước thống nhất.
Chúa Trịnh Khải bị giết, quân Tây Sơn rút về Nam trao quyền bính về vua Lê. Tiếc rằng Chiêu Thống không nắm giữ được binh quyền, thiếu tự tin, mà triều thần không có người quyết đoán, thấy có giặc thì bỏ chạy. Bản thân Chiêu Thống muốn nắm giữ hoàn toàn chính quyền, bãi bỏ nhà Chúa, nhưng thiếu tài đức để làm việc lớn lại không có hấp lực gì mạnh để lôi cuốn được quần chúng.
Ðảng Trịnh lại nổi lên gồm một số quan võ. Một nhóm Tôn Phù Trịnh Lệ, nhóm khác tôn phù Trịnh Bồng, tranh giành nhau. Phe Trịnh Bồng thắng thế, kéo vào thành chiếm phủ Chúa cũ. Chiêu Thống không trị nổi phe Ðảng Trịnh, bất đắc dĩ phải phong Trịnh Bồng làm Án Ðô Vương. Trịnh Bồng được nhiều võ quan làm vây cánh đòi nắm giữ hết thẩy mọi quyền trị nước như các chúa Trịnh trước. Phe Võ Quan khinh thường vua có kẻ bàn truất phế Chiêu Thống lập vua Lê khác. Bị Trịnh Bồng hiếp chế quá độ, Chiêu Thống lại hạ chiếu vời Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra giúp.
Chỉnh trừ được họ Trịnh, Lê Chiêu Thống phong Hữu Chỉnh chức Ðại Tư Ðồ, bằng Quận Công. Hữu Chỉnh từ đó chuyên quyền ở Bắc Hà, Chỉnh đóng ở phủ Chúa, cậy công khinh người, tự ý giải quyết mọi việc, không cần đến Vua, Chiêu Thống lại lầm to! Muốn trừ khử bỏ Chỉnh đi nhưng không còn biết trông cậy vào ai.
Trong khi đó Bắc Bình Vương ở Phú Xuân thấy Hữu Chỉnh lừng lẫy ở đất Bắc, lại mưu lấy lại Nghệ An thì không thể tha thứ, liền sai Vũ Văn Nhậm ra đánh Bắc Hà tháng 11 âm lịch 1787, Ngô Văn Sở và Phạm Văn Lâm đem quân ra Nghệ An phối hợp Vũ Văn Nhậm, quân Tây Sơn ra đến Thanh Hóa, bộ hạ của Hữu Chỉnh là tướng Lê Duật bỏ chạy bị giết, Nguyễn Như Thái và Ninh Tốn vào chống giữ. Sau một trận kịch chiến ở núi Tam Ðiệp giáp giới Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái bị bắn chết, Tôn chạy thoát thân. Hữu Chỉnh và con là Hữu Du mang đại quân ra chống cự, bị Vũ Văn Nhậm phá tan ở sông Thanh Quyết huyện Gia Viễn và ở Châu Cầu Phủ Lý Nhân. Cha con Chỉnh thu tàn quân chạy về Thăng Long, quân lính trốn gần hết. Chỉnh vượt sông Cầu đến vùng núi huyện Việt Yên thì Du bị bắt chém. Chỉnh chạy ngược hướng Bắc rồi bị bắt đóng cũi đưa về Thăng Long.
Khi quân Tây Sơn vào Thăng Long. Chiêu Thống chạy sang Kinh Bắc, tướng trấn thủ là Nguyễn Cảnh Thước đóng cửa thành không ra đón tiếp. Sau khi Hữu Chỉnh bị bắt rồi. Chiêu Thống không còn biết nương nhờ vào ai trong bước đường cùng chỉ còn trông chờ vào quân đội nhà Thanh. Tâu xin vua Thanh cử binh tướng sang đánh quân Tây Sơn.
Tháng 7 Lê Chiêu Thống cho người sang Tầu cầu nhà Thanh giúp khôi phục ngôi vua, sẵn máu mê xâm lược tưởng ngon ăn vua Tầu nhận lời ngay.
Tháng 10 năm ấy 29 vạn quân Tầu chia làm ba đạo do Tôn Sĩ Nghị làm thống Soái kéo sang xâm lược nước ta.
Kết quả là đạo quân xâm lược bị tiêu diệt hai mươi vạn, một con số phá kỷ lục trong các cuộc chiến tranh của nhân loại. Trận Ngọc Hồi Ðống Ða một lần nữa đã chứng tỏ thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ. Trước hết là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc, Nguyễn Huệ đã thiết lập một hệ thống tổ chức hành quân đạt hiệu quả tối đa chưa từng có trong lịch sử. Một kỳ tích ở thời ấy mà trong một thời gian ngắn hành quân đã vượt một chặng đường dài gần 1500 km với biết bao nhiêu chướng ngại của thiên nhiên, cực nhọc, gian khổ, cùng lúc lại còn huấn luyện bổ sung quân số. Song đã tới đích như ý định. Ðể giải quyết sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan, biết rõ tình hình giặc và việc nắm chắc địa hình chiến trận có ý nghĩa vô cùng to lớn, nó là những điều kiện cho phép Nguyễn Huệ khai triển ngay tức khắc với 10 vạn quân vào một thế trận tấn công liên hoàn chớp nhoáng làm cho quân địch không kịp trở tay. Mười vạn quân, nhưng đã sẵn sàng đón nhận trận quyết chiến không cân sức sắp xảy ra, với con mắt của mình, Nguyễn Huệ thấy lực lượng quan trọng được tập trung dồn vào giống như một dòng thác đã tạo nên thế mạnh như sóng thần, nước lũ. Thế ấy càng nhân lên gấp bội, sức mạnh của 10 vạn quân có mặt cùng lúc ở Thăng Long, trong khi quân giặc vẫn không hay. Thì số phận của hơn hai mươi vạn quân Tầu dù đông hơn cũng đã được định đoạt cả rồi.
Ðiều này cho thấy rõ Nguyễn Huệ đã luôn luôn phát hiện ra những sai lầm của đối phương để rồi từ đó quyết tâm xử lý kịp thời, chính xác. Một đặc điểm nữa là luôn luôn vươn lên, dành quyền chủ động điều khiển thế trận theo cách biến hóa mưu lược của mình. Ông là một vị tướng rất linh hoạt và sáng tạo. Tài năng quân sự của Nguyễn Huệ được bộc lộ rõ là một nhà chỉ huy thiên tài và chính trị xuất sắc hiếm có trong lịch sử.
Mỗi người một vẻ! Nhà đại danh tướng thời Trần có thiên tài về binh pháp, có trí tuệ quảng bác, kinh bang tế thế luôn nghĩ đến an dân “an cư lạc nghiệp” làm lý tưởng. Một người vĩ đại, tự tin nhưng không kiêu ngạo. Có tinh thần thượng võ, nhưng thượng võ có đạo lý chứ không phải hiếu chiến lấy võ lực làm cứu cánh. Biết biến hóa tùy thời cho thích hợp với mọi tình huống xã hội, lại giỏi tâm lý quần chúng, coi lính như con, và trên hết là có một nhân sinh quan sâu rộng, thâm diệu, nhất quán để nhìn bao quát tất cả mọi khía cạnh xã hội, các vấn đề và nắm bắt được những mối liên hệ tương quan, mà những tư tưởng lớn “Thu đắc phụ tử chi binh”, “Khoan dân lực dĩ bi thâm căn cố đế chi kế” đều là những tư tưởng vượt giới hạn của tri thức về binh pháp để đi vào đạo tâm dẫn trong sách “Lịch Sử tư tưởng Việt Nam” của Nguyễn Ðăng Thục.
[1] “Sử nhà Trần” nhà xuất bản Hải Phòng 2003 của tác giả Trần Xuân Sinh.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30
Thư-Viện Bồ Đề Online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
***
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Châm Biếm - Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện Ngắn
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử