lịch sử việt nam
Trúc-Lâm Yên-Tử (1) Tựa gốc; (2) Tựa do TLYT đặt lại cho phù hợp với tinh thần của trang nhà và Hội Sử Học.
***
Nền Tảng Tân-Quốc-Ngữ Và Những Sai Lầm Nghiêm-Trọng Của Bộ GD và ĐT Nhà Cầm Quyền CHXHCNVN (2)
Những Sai Lầm Nghiêm Trọng Của Bộ GD&ĐT Nhà Nước CHXHCNVN (1) (Đã Hiệu Đính)
Minh-Vân
Kính cáo :
"Cùng Cộng Đồng Người Việt Trong Và Ngoài Nước "
Chúng tôi viết bài nầy để gởi trực tiếp đến "Bộ Giáo Dục và Đào Tạo", thông qua Nhà Nước,Chính Phủ và các Cơ quan Trung Ương thuộc ngành Văn Hóa - Giáo Dục Nhà Nước CHXHCNVN. Xin trình gởi Hàn Lâm Viện Khoa Học, Viện Sử Học Quốc Gia, các Nhà Văn Hóa chúng tôi may mắn được biết Đ/chỉ riêng. Cùng xin được gởi đến một số Trang Mạng và Báo chí có uy tín tại Quốc Nội và Quốc tế, nếu được quý Ban Biên Tập đồng cảm quan tâm đón nhận cách nhiệt tình, hy vọng sẽ được chuyển tải đến Cộng Đồng Người Việt ở bốn phương trời Thế giới, để rộng đường dư luận với nhiều sự nhận định của mọi người. Đồng thời chúng tôi cũng mạo muội xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng trong sự góp ý, sửa chữa, thay đổi, bổ sung, không phân biệt Tôn Giáo, Đảng phái, Sắc Tộc, Tuổi tác, Giới tính và Địa vị Xã Hội, dù được sự đồng tình chấp nhận hay phản bác, đều rất đáng trân trọng đối với chúng tôi. Đặc biệt, chúng tôi xin phép được gởi đến Lm. Bề Trên Giám Tinh Dòng Tên Việt-Nam và Thông trình lên Hội Đồng Giám Mục Việt-Nam, xin vì ý thức Trách nhiệm và Tinh thần Dân tộc, thỉnh cầu Quý Ngài lên tiếng can thiệp bảo vệ nền Văn Học Nước Nhà, chặn đứng mọi hình thức lộng hành Văn học đến điên loạn như hiện nay. Kính xin Hội Đồng Giám Mục Việt-Nam và Cộng Đồng Dân Tộc cảm thông cho nhiều thiếu sót.
***
Mục Lục
Trúc-Lâm Yên-Tử: Có hai loại chú thích, số nhỏ trong ngoặc đơn là của tác giả Minh-Vân; số lớn trong ngoặc đơn là của TLYT. Phần chú thích của tác giả nằm cuối bài; phần của TLYT nằm bên trên được phân biệt bởi ba dấu *.
(1) Đây là ý kiến riêng của tác giả Minh-Vân. Thực ra việc xử dụng quốc-ngữ đã được nhà văn Nhượng-Tống đưa vào thực tế khi ông tham gia vào báo Khai Hóa (1921), Thực nghiệp dân báo (1924) v.v..., ông Hồ-chí-Minh chỉ là người nối tiếp tiền nhân; (2) Chữ Nôm cũng đã xử dụng dưới triều Tây-Sơn của vua Quang-Trung; (3) Đất nước sẽ may mắn hơn nếu người chiến thắng và thống nhất đất nước là vua Quang-Trung; (4) Trong tinh thần đại chúng của Hội Sử Học cũng như trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử chúng tôi vẫn quen xử-dụng cụm từ ngày 30-04-1975 hơn là giải-phóng; (5) Ngoài ra còn có những cuộc chiến khác sau năm 1975, như cuộc chiến với Cao Miên năm 1978, Trung Việt năm 1979, Trung Việt 1984 - 1985; (6) Cắt từ "Chỉ nghe ...rằng" trang 58, đoạn này không phản ảnh thực tế của miền Nam, nếu có chỉ là vài trường hợp cá nhân; (7) Việt-Nam Tự-Điển do Lê-Văn-Đức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê-Ngọc-Trụ hiệu-đính, nhà sách Khai Trí xuất bản tại Sài-Gòn Việt-Nam năm 1970 và tái bản ở Hoa-Kỳ vào thập niên 1980; (8) Sự kiện ra hải ngoại của ông Hồ-chí-Minh là tìm phương sinh sống, việc làm làm cách mạng hay cứu nước (theo quan niệm riêng của ông ta) cũng chỉ đến sau khi đơn xin vào làm trong cơ quan thuộc địa của Pháp bị bác bỏ; (9) Nếu ông Hồ là nhân vật thông thái nhiều mặt thì đã không du nhập chủ nghĩa cộng sản vào đất nước Việt-Nam. Nguyễn-Duy-Ân, một cộng tác viên của Hội Sử Học có bài Hồ-Chí-Minh đại thi hào chôm chỉa, và đây có thể là một khía cạnh thông thái khác của nhân vật họ Hồ mà chúng ta cần phải biết thêm; (10) Nhìn trường hợp cụ Huỳnh-Thúc-Kháng; (11) Xin cắt bỏ vì xử dụng quá nhiều lần; (12) Đây là ý riêng của tác giả Minh-Vân;
***
XVIII. THẾ HỆ DỤNG NGỮ
Chúng tôi muốn đề cập đến sự không chuẩn xác về ngữ nghĩa trong cách sử dụng Danh từ tiếng Việt ngày thêm loạn ngữ và loạn nghĩa.
A. Các cách dụng từ không chuẩn xác thời nay :
Điển hình đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã sử dụng danh từ tiếng Việt sai ngữ nghĩa đến đau lòng, đã không thấy được lại khoái dài tay nằm mơ việc cải cách chỉnh sửa cả một hệ thống Chữ Tân-Quốc-Ngữ ngoài tầm với, vốn dĩ đã thập toàn!
Chúng tôi xin đơn cử một trong nhiều hiện tượng khá phổ biến, cần phải được chấn chỉnh. Cụ thể, thay vì gọi là "Thi Văn Hóa" các cấp Tú tài, Trung học, Tiểu học, Bộ GD&ĐT ngày nay đã sử dụng cụm từ quá kêu: “Thi Tốt nghiệp”! Tốt nghiệp Tiểu học (Lớp V), Tốt nghiệp Trung học Cơ sở (Lớp IX, Cấp II), Tốt nghiệp Trung học Phổ thông (Tú tài, Lớp XII, Cấp III)!
Ngày xưa Học trò thi đậu "Sơ-Học Yếu-Lược" (Elémentaire), trình độ lớp Ba hiện nay, cũng đã được Quần chúng "xem trọng", nên cư dân vùng rừng núi, thâm sơn cùng cốc, thường đôn đội lên hàng Tốt Nghiệp. "Tốt nghiệp Yếu Lược"! So ra với trình độ đó lúc bấy giờ, các "Sĩ tử Tốt nghiệp" nầy cũng đã có thể đảm nhiệm được các "chức vụ" Hương hào, Lý trưởng ở Làng. Từ Tiểu Học (Primaire, lớp 5), Trung Học Đệ nhất cấp (Brevet, Diplome, lớp 9), các "Học sĩ" nầy đã trở thành Thầy Giáo, Thầy đồ, Thầy Thông (thông dịch), Thầy Ký (Thư ký). Thời đó họ đã có căn bản tạo được cuộc sống sung túc cho mình, kể cả được vào chốn Quan trường. Cụ VƯƠNG-HỒNG-SẾN chỉ đỗ Trung học Đệ Nhất Cấp (Brevet élémentaire, Lớp 9) đã ra đời trong hàng Quan Nha. Hầu hết các Văn nhân, Thi sĩ, Cán Bộ, Công nhân, Viên chức cấp Cao thời trước, rất hiếm người trên Trung Học. Cố Nhạc Sĩ VĂN-CAO, còn là một Thi Sĩ, Họa sĩ, đặc biệt là một Văn Sĩ tài danh, cũng mới “Tốt nghiệp Tiểu Học" (Primaire), Tiên sinh thuộc dạng biệt tài thiên phú, ngoại lệ. Thí sinh thi đỗ đến Tú tài Toàn phần (baccalauréat complet, lớp 12), đã được mọi người tôn xưng là Cậu Tú, Ông Tú, Thầy Tú. Được trọng nễ hơn cả Bác sĩ, Kỷ sư ngày nay, nhưng Bộ Quốc Gia Giáo Dục qua các thời, vẫn không bao giờ xem đó là "Thi Tốt Nghiệp". Khi xuất thân Đại Học đã được tôn gọi là Ông, Ông Cử (cử Nhân), Quan Bác (bác sĩ)... lúc đó mới được gọi là "Tốt Nghiệp"! Câu chuyện đời xưa là thế!
Đó là câu chuyện của ngày xưa! Nhưng Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt-Nam Cộng-Hòa, vẫn không sử dụng cụm từ Thi Tốt Nghiệp dành cho các các kỳ thi Văn Bằng Trung Học và Tú Tài. Ngày nay đỗ Tú Tài, cũng chỉ là một Văn Bằng xác nhận trình độ Văn hóa Phổ thông, vẫn vô nghề (sans spécialité), chưa có một căn bản chuyên ngành để sống. Các "Học sĩ Tốt nghiệp" vẫn phải lang thang làm "thợ đụng" ngoài đời, đụng đâu làm đó, gặp gì làm nấy một cách rất ư là tạm bợ. Gặp may cũng làm tới cò mồi, chạy mánh. Còn lại, có vị bỏ báo, đạp xe bán cà-rem dạo. Như thế cũng đã được Bộ GD&ĐT gọi là "Thi Tốt Nghiệp"! Đúng sai, xin bạn đọc đánh giá.
Thi đỗ Văn bằng các cấp Phổ thông, cũng chỉ là một “Văn Bằng" chưa thể gọi là "Tốt nghiệp” như các Chứng chỉ Tốt nghiệp Cao đẳng, Đại Học, Cao Học. Với một Chứng chỉ Tốt nghiệp trong tay, người sở hữu đã có một năng lực nghề nghiệp cụ thể. Các Văn bằng thuộc dạng văn hóa phổ thông, thậm chí chưa so được với một Chứng chỉ Y Tá, Thợ Máy, Hớt Tóc, Đóng Giày, Thợ mộc, Thợ rèn, Tài xế.... Ai thi đổ lấy được các Chứng chỉ đó, đều là Chứng Chỉ Tốt Nghiệp. Họ đã chính thức sanh sống với nghề Tài xế, Thư ký, Đóng giày v.v... Đó, dù với khả năng nghề nghiệp cấp thấp, họ cũng đã tự đứng vững được trên đôi chân mình cách vững vàng với một Chứng Chỉ Tốt Nghiệp cụ thể!
Nhưng đến ngày nay, những dạng thi Văn bằng Phổ thông như thế, vẫn còn được Bộ GD&ĐT cho là "Thi Tốt Nghiêp", kể cả Tốt nghiệp Tiểu học (lớp Năm)! Cũng có thể cả Tốt nghiệp Mầm non (lớp Lá) chăng? Ngành Giáo đục nước ta chưa vượt khỏi ý thức Cư dân Rừng núi ngày xưa!
B. Những cân não vọng ngoại hãnh tiến :
Ngày xưa đã không thiếu người An-Nam-Mít ta cầm tờ báo Pháp, báo Hoa ngồi đọc nơi ghế đá công viên, bờ hồ, bãi biển cách rất ư là hãnh diện, để người khác thấy mình thuộc Dân Tây, Dân Tàu, học cao, hiểu rộng. Không loại trừ dân buôn hương bán phấn, giả dạng có học, cũng vênh váo với quyển sách tiếng Tây, nhưng một chữ bẻ đôi không biết!
Trong đàm thoại, "Dân Thầy" thỉnh thoảng xì ra vài tiếng Tây, tỏ ra ta nói tiếng Việt không rành! "Việt Kiều Yêu Nước" từng về thăm Quê hương, họ mới vượt biên với độ tuổi "trên 40 mùa xuân vàng úa", nhưng vài ba năm sau trở về thăm quê hương, cũng đã "quên" gần hết tiếng Việt! Trong những câu chuyện thăm hỏi qua lại, họ cũng phải pha trộn vài tiếng Mỹ! Vốn liếng tiếng Việt đã không đủ dùng! Thương thay, khi về lại Mỹ họ chỉ biết giao dịch, mua bán với mỗi người "Vietnamese" nhà mình! Ra tòa, đến Công sở, đi Khám bệnh, phải dẫn con cái đi theo hay nhờ người khác nói giùm. Vào cửa hàng, tiệm buôn, quán ăn không nói được một câu "tiếng bồi", không kêu được một bữa ăn hợp với vài đồng Đô trong túi! Nhưng người ta đã hao hao tự đắc ta là dân Tây, dân Mỹ, dân Trí thức, dân Có học,!
Ngay tại đất nước mình hiện nay, trên các Bảng Hiệu ghép Chữ Vàng chói mắt đầy những hàng chữ phi Giao-Chỉ! Thậm chí trên mặt Báo, Đài Phát Thanh, Truyền Hình càng pha trộn Văn hóa lai căng. Họ in ấn hàng loạt tiếng nước ngoài nguyên gốc, mà Thượng Đế là 100% là người An-Nam-Mít, mũi tẹt, da vàng chính hiệu. Hơn 90% là dân lao động, dân buôn gánh, bán bưng đọc chưa xuôi chữ Việt! Thế mà họ phải đọc toàn loại "Báo chí ngoại trí thức" hầu như dành cho dân ăn chơi chuyên nghiệp, các hàng quán cà-phê, bia ôm, đèn mờ!
Ngày nay tính phô trương Mỹ hoá đã quay đầu trở lại, còn rầm rộ hơn Tiếng Tây, Tiếng Tàu trong các thời nô lệ! Nhiều Độc giả có học, đọc Báo Chí cũng phải giật mình, không biết "nên cười hay nên mếu", không biết mình đang đọc báo nước nào, vì lợn cợn trong đó có quá nhiều chữ đọc không ra, không hiểu nghĩa! Như "Tour", "Fan", "Logo", "Teen"... Tìm hỏi khắp nơi, không một ai biết có loại từ ngữ nầy trong tiếng Việt! Có lẽ Độc Giả và Khán Thính Giả Việt-Nam, muốn đọc và hiểu được sách báo Việt-Nam ngày nay, còn cần phải bổ túc thêm Ngoại Ngữ tổng hợp! Đúng là thời buổi Văn Minh Phát triển có khác! Toàn dân phải lo học chữ nước ngoài để hiểu được sách báo tiếng Việt!!! Ngày nay Việt-Nam ta đã có ảnh hưởng rất sâu đậm của một nền Văn Minh Vọng Ngoại đầy bản chất Vong nô bán nước, không kém Dân nô lệ Tàu Tây! Báo Chí nước nhà bao giờ cũng tiêu biểu một Cộng Đồng Dân Việt Trí Thức Yêu Nước rất đáng tự hào, chỉ tiếc là chưa hội đủ ý thức "Tự Tôn Dân Tộc"!
Thời Pháp thuộc còn để lại tại 2 Miền Nam-Bắc những vết nhơ lai tạp. Công Trường, Xí Nghiệp, Nhà Máy đều kẽ bảng hiệu bằng "Chữ Tây". Còn Chữ Việt lai Tây, không hề có dấu sắc-huyền-nặng-hỏi-ngã. Một lần đứng trước Bảng Cổng một nhà máy kẽ chữ lớn “NHA MAY CO-KHI GIA-LAM”, Chủ Tịch HỒ-CHÍ-MINH đọc lớn tiếng giữa đám Quan chức Cao cấp tháp tùng “Nhà mầy có khỉ già lắm”. Các Bộ ngành liên quan (Nội Vụ, Thông Tin Tuyên Truyền) một phen tái mặt, vội ra lệnh mọi Cơ quan, Xí nghiệp phải sơn kẽ lại âm sắc tiếng Việt đầy đủ “NHÀ MÁY CƠ KHÍ GIA LÂM”.
Miền Nam cũng không thiếu Bảng hiệu “CHO TAM-KY”, “GA TAM-KY”, khách đàng xa tìm hỏi mua “Chó tám ký”, “Gà tám ký” không hề có! Chỉ có dạng Ngỗng, Gà Tây, Đà Điểu, chứ gà thì tìm khó ra! Sau họ mới ngớ ra đó là Bảng hiệu “CHỢ TAM-KỲ”, “GA TAM-KỲ”, chứ không phải cửa hàng bán gà, bán chó. Thì ra là vậy! nhưng đó cũng là chuyện đời xưa! Chuyện người dân nô lệ Tàu Tây!
Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM đã ký Sắc lệnh buộc phải sơn kẽ lại toàn bộ các Bảng hiệu bằng chữ Việt. Ra lệnh huỷ bỏ tất cả các Bảng hiệu “Lai Căng” hướng ngoại, như TAILLEUR NGOC, COFFEUR HOANG, HOTEL ĐONG KHANH, PHARMACIE THU-DUC, phải đổi lại bằng Tiếng Việt là "TIỆM MAY NGỌC", "HỚT TÓC HOÀNG", "KHÁCH-SẠN ĐỒNG-KHÁNH", "HIỆU THUỐC TÂY hay TIỆM ÂU DƯỢC THỦ ĐỨC"… Dẫu Chủ nhân là người Pháp, Hoa, Anh, Ý, Mỹ cũng phải kẽ bảng hiệu bằng chữ Việt đậm nét. Chủ nhân chỉ có thể chua thêm Chữ nước mình (Pháp, Hoa, Anh, Mỹ) dưới hàng Chữ Tiếng Việt đó với kích cở nhỏ hơn. Chẳng hạng "CÔNG-TY DU-LỊCH ĐẠI-NAM" được chua ngay hàng dưới ĐẠI-NAM TOURIST AGENCY, cở chữ khoảng 2/3 mẫu chữ Việt. Không có kiểu "THANH THANH BOOK-SHOP" thay vì HIỆU SÁCH THANH THANH, "SOUTHERN BANK" (NAM-PHƯƠNG NGÂN-HÀNG) như ngày nay.
Nhục vong quốc cả ngàn năm Tàu Tây chưa đủ thấm đối với Dân Trí thức Đại Gia!
Các Tư Tưởng Lớn đều gặp nhau một điểm. Hai Nhà Lãnh Đạo Quốc Gia trên 2 vùng chiến tuyến, HỒ CHÍ MINH – NGÔ ĐÌNH DIỆM đều cảm thấy được cái nhục Văn hóa Vọng ngoại của người Dân chưa được giáo dục đầy đủ. Hai Vị đã tẩy sạch vết bẫn của bọn vong nô, khoái phô trương, hảnh diện ta đây dân có học, khoe ngoại ngữ. Họ thích kẽ Bảng hiệu chữ nước ngoài, tỏ ra Chủ nhân thuộc diện thông Tây, giỏi Tàu, làu Anh văn. Nhưng khi gặp phải khách Tàu, Tây, Anh, Ông bà Chủ đã tỏ ra lúng túng, nói không xuôi một câu ngoại ngữ với "Thượng đế" Tàu, Tây, Anh, Mỹ! Hầu như họ giao tiếp bằng những ký hiệu trường câm: gãi tai, gãi đầu, khoa tay... và cười ngượng, đến ngây ngô. Đôi cửa hàng có con cái hoặc nhân viên đứng quày biết đôi câu giao dịch đại khái, nhưng ngộ nhỡ gặp lúc họ đi việc cần, vệ sinh, tiểu tiện, thì Ông bà Chủ đành khoanh tay chịu trận! Đó là biểu hiện của rất nhiều Đại gia Trí thức người Việt ta!
Nước Việt-Nam bị xem là "lạc hậu" nầy, đã vệ sinh sạch sẽ mọi loại bẩn nhớp trên đường phố, trước cửa nhà, trong tim óc dưới 2 triều HỒ – NGÔ. Những hơn nửa Thế Kỷ sau, Nhà Nước Mẫu Quốc Pháp, một Đất nước Văn Minh, mới giật mình bừng tỉnh trước cảnh ngoại lai, tạo nên cái nhục Dân tộc từ nhóm "Trí thức Pháp vọng Mỹ". Họ lấy Anh Văn ra xài trong nước, trong đàm thoại, trên bảng hiệu, ngoài đường phố, trên báo chí, nơi sách vở, chổ nào cũng có một câu hoặc vài từ Anh, Đức chen vào. Nhìn sang cái nước thuộc địa “An-nam-mít” ngày nào đã có tính “Dân Tộc ” cao hơn mình, biết Tự tôn hơn mình, thật đáng gờm!
Thấy được tinh thần Văn hóa dân Pháp đã không giống ai, Quốc Hội vội vàng soạn thảo Đạo Luật cấm sử dụng mọi loại tiếng nước ngoài trong Đất Pháp trên mọi lãnh vực (Báo chí, Bảng hiệu, Hội họp, Bàn thảo, Thể thao, Du lịch), ngoại trừ khi giao dịch với người ngoại quốc qua đàm thoại trực tiếp hay bằng văn bản nước ngoài. Công dân một Quốc gia Văn minh tầm cỡ như nước Pháp lại đánh mất lòng Tự tôn Dân tộc chỉ vì chạy theo đồng tiền, thì không còn gì nhục nhã hơn! Vọng ngoại, lai căng là mất gốc. Coi rẽ tiếng Ông cha là phi trí thức, thiếu tinh thần tự trọng, là chà đạp Quốc Thế một dân tộc Độc lập Văn minh, có đầy đủ Chủ quyền tự quyết!
Bộ Văn Hóa, Bộ GD&ĐT, Hàn Lâm Viên Khoa Học, Chính Phủ, Quốc Hội nước CHXHCNVN chẳng mấy Cơ quan nào quan tâm đủ, để thấy rõ cái nhục Quốc thể quá lai căng nầy, không có thái độ dứt khoát để đề cao tính "Tự Tôn Dân Tộc" để bảo tồn Thể thống Quốc Gia!
Điều đáng hãnh diện ngày nay, tất cả Danh từ riêng tiếng Việt, dù được in ấn trên mọi Văn bản tiếng nước ngoài, đều có đầy đủ các dấu Sắc, Huyền, Nặng, Hỏi, Ngã, dấu Mũ (ô, â, ê), dấu Râu (ơ, ư). Có Dân tộc tính hơn cả thời Việt-Nam Cộng-Hòa (12)! Lúc đó người ta không bao giờ dám viết đủ âm sắc các tên riêng tiếng Việt trên các văn bản tiếng nước ngoài. Ngược lại khi viết tiếng Pháp, tiếng Anh, không có ai bỏ sót một dấu Lược (Apostrophe), như L'enfant, Piter's shop. Cũng không quên một dấu Mũ (Accent circonflexe) như Apôtre, đấu Sắc (Accent aigu) như Prénom, dấu Huyền (Accent grave) như Pemière... Còn tiếng Mẹ đẻ không dám viết đúng, "sợ tỏ ra là dân "Giao chỉ Lô canh", man di, dốt nát. Muốn sơn phết cho ra vẻ thông thạo ngoại ngữ, ngang tầm Việt-Kiều Hải ngoại"!
Cũng thế, trong đàm thoại trước đây, dân ta cũng phải bẽ miệng, ép mồm, bỏ âm giọng Việt. Nói hay đọc Chef d'Etat BAO-DAI, Président NGO-DINH-DIEM cho ra giọng Tây tiếng Mỹ! Không như ngày nay, dưới Chế độ hiện tại đã có nhiều thay đổi rất đáng "trân trọng". Trên Văn bản, Báo chí tiếng nước ngoài, tên Việt luôn được tôn trọng, viết đầy đủ NGUYỄN-TẤN-DŨNG, NÔNG-ĐỨC-MẠNH, phía thông dịch cũng đầy đủ âm sắc Việt-Nam. Dân mình nghe đở tủi. Ngay cả người nước ngoài giao dịch với ta ngày nay, họ cũng đã phát đúng âm sắc tiếng Việt, là tỏ ra tính tự tôn Dân tộc trong giao tế. Đúng là một niềm hãnh diện cho đất nước ngày nay, không ai còn mặc cảm khi viết và đọc có đủ Âm sắc Việt-Nam là quê mùa, là dốt nát là lạc hậu như ngày xưa.
Tuy nhiên, vẫn còn cấn cái một "hạt sạn" khá đau, đó là kiều nói và viết ngoại lai, đó là "Việt Nam Đồng". Tưởng rằng ta cũng cần lưu ý. Anh-Mỹ viết "USD", không ai dịch "Mỹ Đô-la", nhưng là "Đô-la Mỹ", còn "Mỹ-kim" là phiên âm Hán-Việt. Tiếc thay, "Việt Nam Đồng" không phải là "Danh Từ Hán-Việt". Trên văn bản tiếng Anh ta phải viết theo tiếng Anh "VNĐ" là đúng. không thể thấy sao dịch vậy là "Việt-Nam Đồng" khi nói bằng tiếng Việt hoặc viết trên văn bản tiếng Việt! Tỉnh từ (adjectif) Anh-Mỹ bao giờ cũng đứng trước Danh từ (nom). USD viết đủ là United States dollar, American dolla, dollar cũng có ký hiệu $, nên cũng viết US$. Theo Anh-Mỹ, US là tính từ phải đứng trước Danh từ là: USD hay VNĐ. Tiếng Pháp có khác hơn, tính từ đứng trước hay sau danh từ tùy theo tính từ đó ngắn hay dài hơn danh từ được bổ nghĩa (Modifi). Une jeune fille (một cô gái trẻ) nhưng une piastre vietnamiene ta dịch là một đồng Việt-Nam. Trên văn bản tiếng Pháp người ta vẫn viết "ĐVN" (Đồng Việt-Nam) chứ không phải VNĐ (Việt-Nam Đồng) như Anh-Mỹ. Vị trí tính từ Việt ngữ không giống Anh-Mỹ, "Danh Từ Phải Luôn Đứng Trước Tính Từ", "Đồng Việt-Nam" không bao giờ có thể đổi ngược, nghe rất lai căng, chói tai, phi Việt. Hy hiếm lắm mới có trường hợp đổi ngược vị trí giữa Danh từ và tính từ như "NAM-PHƯƠNG HOÀNG-HẬU", nhưng đó cũng thuộc dạng Hán-Việt! Trong đàm thoại và trên mọi văn bản tiếng Việt đều phải nói và viết Đồng Việt-Nam, Đồng quan Pháp, Đô-la Mỹ, Đô-la Đức, Đồng quan Thụy-Sĩ, Đồng Nhân dân tệ, không ai nói "Mỹ Đô-la", "Đức Đô-la", "Pháp Đồng quan", "Thụy-Sĩ đồng quan", "Nhân dân tệ đồng"... bao giờ! Các Đài truyền thanh, truyền hình, báo chí, phát ngôn viên Nhà nước, xin đừng học đòi theo kiểu Mỹ-hóa tiếng Việt, nghe quá nghịch tai. Dân tộc ít người bao giờ cũng nói Đồng Việt-Nam, phải chăng do họ thất học, kém văn minh. Phải chăng họ không đủ trình độ để hội nhập Văn hóa Mỹ, hay vì họ thâm thù Mỹ hơn Giới Trí thức và Dân Tài phiệt người Kinh? Có thể đều đúng cả!
Sách vở, Báo chí Việt ngữ là cơ sở phát triển Văn hóa Dân tộc, nhưng nhân dân quần chúng chẳng mấy người đọc xuôi, hiểu nổi "Ngôn ngữ Báo chí" thời nay, nếu họ không thuộc lớp Trí thức dân chơi, trí thức nửa mùa, trí thức hãnh tiến vọng ngoại. Tác phẩn Văn học, nghệ thuật, Báo chí không cần biết độc giả là ai, trình độ văn hoá thế nào! Dẫu cho Dân trí người Việt đã đạt đến hàng Giáo sư Tiến sĩ toàn bộ, đọc thông viết thạo tiếng nước ngoài đi nữa, thì hàng GsTs cũng rất "dị ứng" với cách viết nầy trên báo chí. Tinh thần Tự-tôn Dân-tộc không cho phép ta mang tính Ngoại lai nhục nhã như vậy! Hãy nhìn lại nước Pháp ngày nay. Nếu chỉ phục vụ cho “dân chơi chuyên nghiệp” thì không thể gọi là "Vị-Văn-Hóa, Vị Dân Tộc". Nó không hề biểu hiện “Văn Minh Thời Đại” nào cả, nhưng ngược lại! Nên gạt bỏ mọi ý thức phô trương, đua đòi không đáng có. Đừng trở lại thời nô lệ Tàu Tây, đánh mất lòng Tự Tôn, Tự-Hào Dân-Tộc. Hãy gọt bỏ hẳn tư tưởng Ông cha ta vốn là Thân Trâu ngựa như các triều đại phong kiến thời xưa.
Muốn Việt Hoá, phải Việt Hoá rõ ràng, muốn phiên âm, nên phiên âm cụ thể không sử dụng danh từ ngoại lai, với những từ ngữ mới xuất lò không giống ai để tự cho mình là tân tiến là Văn minh kiểu mới, để phân biệt với người Dân tộc dốt chữ hơn ta. Chưa hẵn! Đừng biến thành "Tiếng lóng" như phường điếm đàn, phường móc túi. Danh từ Việt Hoá như Nhà "Ga”, “Va-gông”, “Ga-ra”, Đường "Rầy”, “Căn-tin”, “Mét-tin”, được viết bằng “Vần Việt” theo "Âm Vận tiếng Việt" cho Đồng bào mọi giới đều đọc đươc và hiểu được. Nó phải đồng dạng với những danh từ Hán-Việt “Trực thăng cơ”, “Phi thuyền” đã trở thành tiếng Việt. Đừng viết Đường Rails, Nhà Gagare... Dân Việt-Nam rất hiếm người biết đọc và hiểu nghĩa!
Chỉ sử dụng những danh từ nguyên gốc nước ngoài là những Danh từ riêng chưa thể Việt hóa, và các ký hiệu Toán, Lý, Hóa, Âm nhạc, hoặc các Danh từ Khoa học từ Hy-Lạp, La-Tinh theo quy ước Quốc Tế, và cũng chỉ trong phạm vi khoa học và nghiên cứu chuyên biệt. Nên tạm ngưng sản xuất thêm những danh từ "nửa nạc nửa mở" nặng mùi và khó nuốt. Xem ra chẳng giống ai, không tạo cho Tiếng Việt thêm phong phú, chỉ có xu hướng cầu kỳ, vọng ngoại, biểu hiện những hiện tượng mất gốc từng ngày. Shop, Logo, Fan... không hề là loại danh từ Việt-Hóa.
Lúc còn sinh tiền, đã hơn một lần, Hồ Chủ Tịch đòi hỏi Báo giới và các Nhà Văn Hoá phải viết thế nào cho Đại Chúng, mọi người đọc được và hiểu được. Đó là cách truyền đạt Văn Hoá trong Nhân dân, Quần chúng, đó là phương pháp truyền bá tư tưởng Thời đại của nền văn minh Văn Minh Thế Giới. Thế mà nước Pháp mới bắt đầu đi vào nề nếp văn minh Dân tộc, đã quá lạc hậu, nhưng muộn còn hơn không! Nếu không áp dụng cứng rắn như thế, thì nước Pháp đã tụt hậu, chậm tiến, lỗi thời hơn bất cứ ai. Để cho nềnVăn hóa Dân tộc tụt hậu, là đẩy lùi tinh thần Độc Lập Tự Chủ của một Đất Nước.
Chẳng lẽ dân tộc tính của TRƯƠNG-VINH-KÝ, NGUYỄN-AN-NINH, HỒ CHÍ MINH, NGÔ ĐÌNH DIỆM thực sự là vô nghĩa, đã quá lỗi thời? Chẳng lẽ Đạo Luật Ngôn Ngữ do Quốc Hội Pháp soạn thảo ngày nay chẳng đáng để cho mọi Dân tộc Bán khai, Đang phát triển học hỏi, noi gương? Dám cầu mong Đảng, Nhà Nước, Chính Phủ và Quốc Hội Nước CHXHCNVN, ít nhất vì “Thể Diện Dân Tộc”, nên quan tâm, tôn trọng tinh thần ý thức các Nhà Văn Hóa Dân Tộc Tiền Bối, chính Chủ Tịch HỒ-CHÍ-MINH và Tổng Thống NGÔ-ĐÌNH-DIỆM cũng đã xem trọng, đã áp dụng cách triệt để kể từ ngày 2 Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Nước VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA miền Bắc và VIỆT-NAM CỘNG-HÒA miền Nam ra đời. Dân Việt, phải giao dịch với nhau bằng tiếng Việt, in ấn báo chí sách vỡ lưu hành nội địa bằng chữ Việt hay đã được Việt hóa cụ thể, nên tránh mọi hình thức tạp nhạp màu mè.
Xin đừng ngộ nhận nhiều trường hợp Tác Giả muốn giải thích một từ ngữ tối nghĩa, họ phải chua một từ ngữ nước ngoài trong hai ngoặc đơn (...). Cũng không khác khi phải trích dẫn một câu Ngạn ngữ nước ngoài, ý nhấn mạnh một quan điểm, xác định một sự việc, một ý thức, để được sáng nghĩa hơn, người ta thường chép câu nói nước ngoài y nguyên văn trong ngoặc kép (“...”) và chua nghĩa trong ngoặc đơn. Không có việc đệm pha lẫn lộn trong văn bản cũng như tropng đàm thoại, không giống ai! "Trời ơi Footballer VIỆT-TIẾN được dân Français ham mộ quá trời!"
Rất khôi hài khi đọc một quyển Tiểu thuyết nọ. Nội dung là sự "Giao lưu Văn hóa" giữa Sinh Viên Việt-Nam với Du học Sinh Quốc tế, Anh, Mỹ, Nga, Pháp... Trong giao dịch, đôi bên cũng sử dụng lối nói đa ngữ, như là cơ hội truyền thụ cho nhau cùng học hỏi qua lại nhờ giao lưu văn hóa trực tiếp để tập nghe, luyện giọng. Tất nhiên đó là điều quá tốt trong học hỏi lẫn nhau và thanh luyện cho nhau. Nhưng rất tiếc "Tác phẩm" nầy đã để lại một dấu ấn đáng kinh ngạc. Sinh viên "Quốc tế" trao đổi qua lại với nhau, không một câu tiếng Anh nào đúng Văn Phạm dù là những câu rất thông thường đơn giản, kể cả nhưng từ thông dụng, cũng không viết đúng chính tả tiếng Anh. (!) Còn buồn cười hơn, các Sinh Viên người Anh chính hiệu cũng nói trật cả tiếng mẹ đẻ mình, Anh ngữ! Kém hơn mấy cô cậu mũi tẹt đang học lớp vỡ lòng bập bẹ nói tiếng Anh! Có lẽ họ lo học tiếng Việt nhiều quá, mà quên luôn cả ngôn ngữ ông cha, như người Tàu sinh trưởng trên đất Việt và chưa được học tiếng Hoa! Thế mà loại tác phẩm đó vẫn được bày bán khắp vĩa hè thành phố! Thông thái, ra thông thái, dốt nát ra dốt nát, dở dở ươn ươn, ưa khoe mẽ, chỉ là chuyện khôi hài lố bịch!
C. Khi sử dụng Ngôn ngữ chuyên biệt, cần phân định rõ thế nào là Dân chủ, là Quân chủ :
Người ta còn lầm lẫn giữa Văn Hóa và Dân chủ. Việc hội nhập Văn hóa hiện đại, ta cần phải điều chỉnh một số danh từ có tính phong kiến lỗi thời, không còn phù hợp ngày nay, như bẫm, trình, dâng, tấu. Nhưng không có nghĩa vì ý thức Dân chủ hóa mà thay đổi các Đặc ngữ cho "hợp thời trang"! Ngôn ngữ Cung Đình, là hệ Văn Hóa Thời Đại, Ngôn ngữ Tôn Giáo, là hệ Văn hóa Biệt dụng. Đừng vì quan niệm “Dân Chủ” mà thay đổi cung cách xưng hô trong biên dịch Phúc Âm, soạn Kinh Lễ như nhiều nhà biên dịch từng lầm lẫn, không phân biệt được ý nghĩa Văn hóa với Địa vị xã hội của một Chủ Thể ngày Xưa lẫn ngày Nay, thời Quân chủ và thời Dân chủ.
Trong sáng tác, dịch thuật, vẫn còn những nhà làm Văn hóa Việt-Nam, nhiều Tác giả, Dịch giả và Đạo diễn tuồng cổ hay sách truyện Giả sử, sử dụng danh từ, ngữ nghĩa cũng chẳng khá hơn, cung cách xưng hô không đúng thì đúng lúc. Người ta quan niệm rằng, muốn hội nhập văn hóa cho hợp với tinh thần Dân Chủ Hiện Đại, là cải bỏ mọi danh từ xưa, nhưng họ không phân biệt được thế nào là "Ngôn ngữ Cung đình", "ngôn ngữ chuyên biệt", "Ngôn Ngữ Thời Đại", nói chung đó là loại “Đặc Từ”. Các nhà Văn hóa đã không nắm được cách xưng hô thế nào cho hợp theo từng thời đại, sử dụng ngôn từ đúng vị trí của nó mới lột được tâm tư tình cảm một ý văn. Phần nầy, chúng tôi cũng đã đề cập đến trong Thỉnh-Nguyện Thư (vbđd).
Đơn cử “Ngọn Nến Hoàng Cung”, một truyện phim Dã sử nhiều tập. Có tính nghiên cứu Lịch sử súc tích, khá trung thực khi diễn tả tâm trạng BẢO-ĐẠI trên ngôi vị Hoàng Đế cũng như khi làm Quốc Trưởng, đã thổ lộ nhiều tâm tình, thái độ, cử chỉ rất phù hợp với tâm trạng từng thời. Ông đã lặp lại câu nói của Hoàng Hậu Nam-Phương khi tuyên bố thoái vị: “Thà làm Dân một nước Độc lập, hơn làm Vua một nước Nô lệ” đã trở thành nổi tiếng. Nhìn chung, bộ phim đã từng gây ấn tượng cho khán thính giả trong cũng như ngoài nước ngay từ những đoạn phim đầu cho đến phần cuối! Có thể nói đã đạt được một sự thành công ngoài mong muốn.
Tuy nhiên Nhà Biên Soạn hay Đạo Diễn, nếu đã nghiên cứu kỹ hơn, đã sử dụng đúng Ngôn ngữ Cung Đình, không làm chói tai Khán, Thính giả, thì Bộ Phim đã là một viên Ngọc Bích có thể nói là toàn mỹ, không bị những vết rạn, đánh mất giá trị một công trình Văn hóa Lịch Sử có thể xem là hoàn chỉnh. Nhất định Soạn Giả, Nhà Đạo Diển và các Diễn Viên sau nầy sẽ không khỏi hối tiếc bao công lao sức lực, lại đã sơ hở đánh mất sự toàn mỹ của nó một cách không đáng có.
Trong Vương triều mọi thời, chưa bao giờ có cách sử dụng ngôn từ Anh, Em, Mẹ, Con, Ba, Má của đời thường như lối xưng hô giữa Đức Từ Cung, Hoàng Đế BẢO-ĐẠI và Nam-Phương Hoàng Hậu. Trong đối thoại, tại Cung đình nhất nhất bao giờ cũng là “khải bẫm” Mẫu Hậu, “muôn tâu” hoặc “tâu” Thánh Thượng, Hoàng Thượng, Bệ Hạ. BẢO-ĐẠI tự xưng là Trẫm, là Quả nhân. Hoàng Hậu xưng là Thần Thiếp dẫu khi Cựu Hoàng BẢO-ĐẠI đã thoái vị… Đó là ngôn ngữ Cung Đình, Văn Hóa Thời Đại.
Nội cung vẫn không thay đổi cung cách xưng hô truyền thống trong phạm vi Hoàng tộc. Cách xưng hô Mẹ, Con, Anh, Em đã chưa bao giờ xảy ra. Dù thoái vị, Hoàng Tộc vẫn xem Quốc Trưởng BẢO-ĐẠI còn là Hoàng Đế của cả vùng Cao nguyên, là "Hoàng Triều Cương Thổ" của Hoàng Đế BẢO-ĐẠI, do Chính phủ Pháp cấp làm đặc quyền đặc lợi cho Nhà Vua. Khi vừa về nước chấp chánh, Thủ Tướng NGÔ-ĐÌNH-DIỆM đã ban hành Sắc Lệnh hủy bỏ "Hoàng Triều Cương Thổ", sát nhập vào lãnh thổ Quốc gia, không còn là tư sản của Hoàng Đế BẢO-ĐẠI từ khi chưa lên ngôi Tổng Thống. Đã không thiếu Đạo diễn đưa Tuồng xưa lên phim ảnh, do thiếu nghiên cứu chuyên sâu về Ngôn ngữ Thời Đại, thường khi tạo cho người nghe chói tai, khó chịu. Các từ ngữ “thưa, bẩm, trình, dạ” không bao giờ có tại Cung đình như “Thưa Bệ Hạ”, “bẩm Thánh thượng”, “Thưa Vua”, "Xin vâng"... !!! Tại Cung đình đã có Ngôn ngữ Cung đình chuyên biệt, bất biến: Chúng thần, Hạ thần. Chúng thần xin Tuân chỉ... Tâu gởi lên Thái Hậu, Hoàng Hậu chỉ dùng từ “Khải bẩm”, “khải trình”.
Khi nhại lặp không đúng Ngôn ngữ Cung đình, Ngôn ngữ Tôn Giáo, đã đủ nói lên trình độ chuyên môn, ý thức Văn hóa và tầm hiểu biết của Nhà Biên kịch, Dịch thuật, Đạo diễn thiếu tầm nhìn, còn nhiều hạn chế, vô tình biến nó thành “hài kịch”. Nhà Vua xưng hô với Triều Thần là "Khanh", "Các Khanh" không bao giờ là “Ái Khanh”, “Các Ái Khanh”. Ái Khanh là một biệt từ Nhà Vua chỉ dành riêng để xưng hô với Hoàng hậu: “Ái Khanh, Ái Hậu”. Với các Phi tần là “Ái Phi” mà thôi.
Không khác khi đóng một vai Lm. lại đọc: “Nhân danh Cha, Con và các Thánh Thần”! Nghe rất khó chịu và ngứa tai. Các Ni Cô, Nữ Tu vẫn bôi môi “đỏ chót”, móng tay, móng chân sơn phết đủ màu, xem cũng không kém phần ngứa mắt! Đến cả ngày nay, các Tác giả, Đạo diễn, Biên dịch vẫn chưa thấy được những chấm đen còn tồn tại trong tác phẩm nghệ thuật văn hóa của mình còn quá nhiều sai bậy khi sử dụng Ngôn ngữ Thời đại, nó biểu hiện nền Văn hóa cá biệt của từng Thời, từng lúc, từng Cộng đồng Tôn giáo. Không được lẫn lộn Ngôn ngữ thời đại với cách xưng hô đời thường trong giao tiếp. Không Dân chủ hóa, và tân tiến hóa Ngôn ngữ Cung Đinh và Tôn Giáo trong phạm vi của nó.
Một diễn viên đóng vai anh Bộ Đội Bác Hồ tại miền Bắc trước Giải phóng, đã trưng khoe chiếc đồng hồ “Seiko 5” đang đeo trên tay mình! Loại đồng hồ chỉ ở miền Nam lúc bấy giờ mới có. Ngay cả các Viên chức Nhà nước cao cấp đương thời tại miền Bắc vẫn chưa hề biết đến (!) khác nào một người đóng vai Hoàng Đế Quang Trung, lại diện bộ cánh “Côm-lê’, “Cà vạt”, “Giày Tây” như Vua DUY-TÂN, PHỔ-NGHI là hỏng! Tự nó đã trở thành lố bịch, đánh mất sự thật và nét Văn Hóa đặc trưng Thời đại. Đã đủ cho thấy các nhà Biên kịch, những nhà Đạo diễn, vẫn không phân biệt được Văn Hóa Thời Đại và Văn Hóa Hiện Đại, thì chưa thể được xem là Đạo Diễn chuyên nghiệp. Thiếu khả năng nghiên cứu và trình độ văn hóa cần phải có, để giảm bớt những sai sót đáng tiếc, khiến nó biểu hiện sự lố bịch khôi hài.
Các nhà Đạo diễn tên tuổi, các nhà Biên soạn tuồng kịch thời danh trên thế giới, đã biết tìm tòi nghiên cứu phong tục tập quán, lời đàm thoại, lối xữ thế, ăn khớp tửng thời điểm, từng địa phương, từng cung cách mỗi nhân vật và theo từng dân tộc, đã là yếu tố thành công của họ. Đừng nghĩ rằng xưng hô Muôn tâu, Khải bẩm là lạc hậu, lỗi thời, thủ cựu! Không làm được như thế, là những người không đủ trình độ, thiếu chuyên môn, chỉ là những thành phần nghiệp dư mà thôi. Không biết sử dụng danh từ đúng thời, đúng chỗ, mới là lạc hậu, là biểu hiện một sự “Sai Lầm Văn Hóa.
Cũng thế, hiện nhiều Văn nhân, Tác già, Biên dịch, Chuyên viên lồng tiếng, Người thuyết minh vẫn còn lẫn lộn quá nhiều “Ngôn ngữ Tôn-Giáo”. Họ vẫn chưa cảm nhận được những loại "Biệt Từ" được mỗi Tôn Giáo sử dụng riêng cho mình, cái mà các nhà Văn hóa cần phải biết. Người ta vẫn còn dùng danh từ "Tăng Lữ" để chỉ Hàng Giáo Phẫm Giáo Sĩ Công-giáo và Mục sư Tin-lành. (!) Trong khi Tăng Lữ là biệt ngữ chỉ về Chư Tăng, Thượng Tọa Phật Giáo (Buddhist follower) mà thôi. Trái lại họ cũng từng gọi Chư Tăng Thượng Tọa là Giáo Sĩ, Giáo Phẩm (Clergé, Clergy) như có trong vài Công văn, Tác phẩm kể cả một số Từ điển ngày nay đã lầm lẫn, sai nghĩa, đều không đúng Biệt Từ Phật Giáo. Linh Mục (Priest), Thầy Dòng (Christian brother) không thể lẫn lộn với Thầy tu (bonze). Trong thuyết minh hoặc dịch thuật tuồng xưa, một Nhà Sư Phật Giáo phái Thiếu Lâm Tự…, đã được xưng hô là “Pháp sư” trong lời Thuyết minh, Lồng tiếng! Pháp sư không có nghĩa Chư tăng, thượng tọa, nhưng đó là loại Thầy pháp, Thầy mo, thầy Phù thuỷ (powwow). Khâm châu Cao-Đài, không phải Thượng Tọa Đại Đức. Nữ Tu Sĩ (Religieuse), Bà Phước (Soeur, Sister) khác với Ni Cô (Buddhist nun). Giáo dân, Giáo hữu, Bổn Đạo, Tín hữu (Công-Giáo), Ki-Tô-Hữu chỉ chung Tín hữu CG, Chính-thống, Anh-Giáo và các hệ phái Tin-Lành. Đạo hữu chỉ riêng tín đồ Cao-Đài. Dùng từ Đạo Hữu để chỉ Giáo dân Công giáo, Tin Lành, Phật tử là danh từ “quá mới”. Gọi chung Giám mục, Linh mục, Mục sư, Chư tăng, Thượng Tọa là hàng "Chức Sắc" là sai bét. Hàng Chức sắc là Cấp Lãnh Đạo Cao-Đài, Chư Tăng chỉ để xưng hô với giới chức Tu hành Nhà Phật. Giáo phẩm, Giáo sĩ là Chức danh các cấp lãnh đạo tinh thần Công Giáo, Chính Thống và Anh Giáo. Hội Đồng Giáo xứ Công Giáo trước đây có Đặc từ là Hàng Chức Việc. Kể cả Ban Trị sự các Khuôn hội Phật Giáo cũng không không thể hiểu là Chức Sắc Phật giáo như Đạo Cao-Đài.
Nói chung nó không khác các từ ngữ chuyên môn trong từng ngành Học thuật, được gọi là “Danh từ Khoa học” (Scientific jargon), “Danh từ Luật học” (Legal jargon), “Danh từ Vi tính” (Computer jargon) v.v…. khác với Ngôn ngữ Phổ Thông quen dùng tổng hợp trong đại chúng. Sử dụng không đúng danh từ thuộc Ngôn ngữ Văn Hóa chuyên biệt, Ngôn ngữ Cung Đình, Ngôn ngữ Thời đại, Ngôn ngữ Tôn Giáo, dễ gây sự khó chịu cho Độc, Khán, Thính giả thuộc giới Hoàng tộc, Tôn Giáo, Chuyên khoa. Đối với các Nhà Văn Hóa lớn, các Sử Gia, các Nhà Ngôn ngữ học Bậc thầy, lại còn cảm thấy nhức nhối hơn.
Công Giáo chỉ Truyền Giáo trên nguyên tắc Phổ Biến Tín Lý rộng rải trong Đạo, ngoài Đời bằng cách giới thiệu Phúc Âm với mọi người. Đó là một hình thức “Quảng Bá Phúc Âm”. Đã không thiếu người nhầm lẫn ngữ nghĩa danh từ nên đã dùng từ “Tiếp Thị Phúc âm”! Giáo Hội Công Giáo không bao giờ biết Quảng cáo, Tiếp thị, Tuyên truyền, Hoa ve, Vẽ vời, Mua chuộc, Mê hoặc hay Nhồi sọ bất cứ ai. Tinh thần truyền giáo không phát xuất từ Thị trường, Phim ảnh, Cải lương, Hát bội.
Chúa GIÊ-SU đã đành lòng bỏ lại 99 con chiên để đi tìm một con chạy lạc. Người vuốt ve âu yếm từng con chiên ghẻ lát, nhưng không khuyến dụ, mua chuộc, cũng không khóa cửa ràn hay xích chân những con chiên phá chuồng, trốn chạy. (xx. Thỉnh Nguyện Thư 8.12.2010 đd, Tiểu mục III Hội Nhập Văn Hóa Dân Tộc, tiết 2, trg. 59).
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử