lịch sử việt nam
Trí-Lực
Hồi Ký
Bao Nỗi Tang-Thương
In lần thứ hai năm 2012
Mục Lục
7
Cuộc tuyệt thực và lễ trao chúc thư
Hai sự kiện xảy ra cùng một ngày đáng ghi nhớ - ngày 2 tháng 5 năm 1992 - đó là cuộc tuyệt thực của môn đồ pháp quyến và lễ trao chúc thư cho Hòa thượng Thích Huyền Quang.
Hôm trước, ban Lễ tang có buổi họp để bàn thảo chương trình lễ thỉnh kim quan nhập tháp vào ngày 3 tháng 5 năm 1992, chính quyền cộng sản chỉ đạo ông Nguyễn Hữu Thọ - đứng đầu ban Lễ tang - sẽ đọc bài điếu văn và gắn huy chương. Thế nhưng, theo di huấn của cố Hòa thượng tân viên tịch, môn đồ pháp quyến và tứ chúng đệ tử phải tổ chức tang lễ thuần túy Phật giáo, đơn giản các lễ nghi và nhất là không được phô trương hoặc tuyên dương công trạng…
Biết được âm mưu và thủ đoạn đen tối của chính quyền cộng sản, chúng sẽ nhuộm đỏ cuộc đời của một bậc cao Tăng đức độ, để cho mọi người cũng như các thế hệ sau này lầm tưởng rằng, ôn Linh Mụ theo gót cộng sản từ tuổi thanh xuân dưới thời kỳ Việt Minh, tiếp đến biến cố mùa xuân năm Mậu Thân (1968), cho đến giai đoạn sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản năm 1975. Bởi thế cho nên, đã đến lúc phải vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của tập đoàn toàn trị Hà Nội, không dễ gì để bị chúng đánh lừa, chúng tôi đồng lòng siết chặt tay nhau, kiên quyết phản đối quyết định của ban Tang lễ. Thượng tọa Thích Trí Tựu tuyên bố sẽ đem thân làm ngọn đuốc soi đuờng, vị pháp thiêu thân, nếu như chính quyền cộng sản không chấp hành di huấn.
Tờ mờ sáng hôm ấy, hàng chục Tăng Ni môn đồ đệ tử của cố Hòa thượng tân viên tịch cùng ngồi thầm lặng bên kim quan, mở đầu cuộc tuyệt thực trong tinh thần ôn hòa. Bên ngoài, hàng nghìn Phật tử đứng trang nghiêm yên lặng bày tỏ sự đồng tình. Tôi có ghi vài tấm bảng nhỏ: “Chúng tôi tuyệt thực để yêu cầu nhà nước CHXHCNVN hãy tôn trọng di huấn của thầy chúng tôi - 2.5.1992”.
Tại thủ đô Ba-Lê nước Pháp, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam thuộc cơ sở Quê Mẹ, ông Võ Văn Ái trong cương vị Chủ tịch ráo riết vận động suốt ba ngày đêm, ngõ hầu cứu nguy Phật giáo. Khi nhận được điện báo khẩn thiết của Tăng tín đồ Phật giáo từ Việt Nam kêu cứu, ông Võ Văn Ái tức khắc gửi khẩn điện cho Võ Văn Kiệt, hiện là Thủ tướng chính phủ, yêu cầu chấm dứt việc sắp đặt Nguyễn Hữu Thọ đọc điếu văn tuyên dương công trạng cố Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, trái với di huấn của ngài.
Môn đồ pháp quyến tuyệt thực ngày 2.5.1992
Mặt khác, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam mở ngay cuộc báo động quốc tế qua các cơ quan truyền thông, các hãng thông tấn, báo chí, nhờ Quốc hội và chính phủ thuộc cộng đồng các quốc gia dân chủ, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các công đoàn quốc tế…, cùng lúc gây sức ép với Hà Nội, ngõ hầu chặn đứng một cuộc đổ máu tàn khốc có khả năng xảy ra tại cố đô Huế.
Cuộc vận động cứu nguy Phật giáo đã mang lại kết quả như mong đợi. Ðến chiều tối, cuộc tuyệt thực tạm ngưng bằng sự đàm phán của chính quyền với đại diện môn đồ. Ban Lễ tang cam kết hủy bỏ chương trình tuyên đọc điếu văn và gắn huy chương như dự định. Thay vào đó, ông Nguyễn Hữu Thọ chỉ nói vắn tắt vài lời vĩnh biệt cố Hòa thượng.
Sự kiện thứ hai là buổi lễ trao chúc thư cho Hòa thượng Thích Huyền Quang, sau lễ phúng viếng của phái đoàn Viện Hóa Ðạo.
Hòa thượng Thích Huyền Quang bị chính quyền cộng sản đưa đi quản thúc tại chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1982. Ngài đã phải trải qua một thời gian tuyệt thực để phản đối công an tỉnh Quảng Ngãi ngăn cấm ngài đi Huế tham dự tang lễ cố Hòa thượng chùa Linh Mụ. Trước ý chí cương quyết của ngài, rốt cuộc chính quyền đành phải ưng thuận. Sự có mặt của Hòa thượng Thích Huyền Quang tại chùa Linh Mụ suốt thời gian tang lễ, đã làm cho môn đồ pháp quyến và Tãng Ni Phật tử vô cùng hân hoan. Mọi người lấy làm mãn nguyện khi được diện kiến đỉnh lễ vấn an ngài.
Thật quá mỉa mai, ban tổ chức tang lễ trong đó có một số vị thuộc Giáo hội nhà nước không chịu sắp xếp ngày giờ phúng điếu cho Hòa thượng Thích Huyền Quang, dù ngài có đề nghị nhiều lần. Tại sao những phái đoàn của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, tôn giáo bạn v.v…lại được ban tổ chức đón tiếp trọng thể, được sắp xếp giờ giấc phúng viếng thọ tang một cách đàng hoàng. Trên loa phóng thanh, xướng ngôn viên đon đả giới thiệu, đón chào; lại còn trân trọng kính mời đại diện phái đoàn ghi vào sổ tang lưu niệm. Thế còn Hòa thượng Thích Huyền Quang là ai? Tại sao chính quyền cộng sản và Giáo hội công cụ do chúng dựng lên lại cố tình ngăn cản ngài làm lễ phúng điếu cố Hòa thượng tân viên tịch? Phải chăng họ xem ngài như cái gai trước mắt, nên dị ứng mà có thái độ phân biệt đối xử với ngài. Cách hành xử như thế, Hòa thượng Thích Huyền Quang cho là bất hợp lý, nên ngài tự quyết định làm lễ, bất chấp ban tổ chức.
Hòa thượng Thích Huyền Quang
(1920-2008)
Vào khoảng 3 giờ chiều, ngày 2 tháng 5 năm 1992, hàng môn đồ pháp quyến chúng tôi đang tuyệt thực, được tin Hòa thượng Thích Huyền Quang và phái đoàn Viện Hóa Ðạo sắp quang lâm, mọi người rời chỗ ngồi, theo chân Hòa thượng Thích Nhật Liên đến quỳ trước Linh đài, tất cả hướng ra ngoài chờ đợi giờ phút trang trọng. Hàng hàng lớp lớp Tăng Ni và Phật tử thành kính chắp tay hướng về chư tôn Giáo phẩm, lòng nô nức đón chờ. Mỗi một người là một trật tự viên, tự trang nghiêm chính mình.
Môn đồ pháp quyến cung đón phái đoàn
Viện Hóa Đạo quang lâm
Chúng tôi không làm sao điều khiển để sắp xếp hàng ngũ và giới thiệu chương trình, bởi vì hệ thống âm thanh khuếch đại hoàn toàn bị tê liệt, do ai đó cố tình cúp điện. Chẳng thấy một bóng dáng nào thuộc thành phần ban tổ chức tang lễ để nhờ giúp đỡ can thiệp với nhà đèn đóng nối mạch điện, hầu như các vị ấy lảng tránh.
Phái đoàn niêm hương cúng dường và đỉnh lễ Giác linh trưởng lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, Chánh Thư ký kiêm xử lý Viện Tãng Thống. Kế đến Hòa thượng Thích Huyền Quang, quyền Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, với giọng tha thiết trầm hùng, ngài ôn lại lịch sử Phật giáo và khẳng định pháp lý của Giáo hội truyền thống, xứng đáng kế thừa công lao xây dựng của lịch đại Tổ sư.
Hòa thượng nói rõ hiện tình của Giáo hội từ năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản đặt Giáo hội truyền thống ra ngoài vòng pháp luật và đang tâm đàn áp một cách thô bạo. Hà Nội lại dựng lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam để làm công cụ tuyên truyền chính trị cho đảng Cộng sản.
Ðây là tiếng nói bất khuất sau mười bảy năm trời, thay lời cho hàng triệu Tăng tín đồ Phật giáo ở trong và ngoài nước, nhằm đòi hỏi tự do, dân chủ và quyền con người. Trước Linh đài cố Hòa thượng tân viên tịch, Hòa thượng Thích Huyền Quang tuyên bố, rằng ngài sẽ tiếp tục điều hành Phật sự Giáo hội sau những tháng ngày dài bị đình đốn.
Lễ trao chúc thư và ấn dấu Lưỡng Viện
Sau khi Hòa thượng quyền Viện trưởng Viện Hóa Ðạo trang trọng tác bạch trước Linh đài, Hòa thượng Thích Nhật Liên thay lời toàn thể môn đồ pháp quyến và Tăng Ni Phật tử bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc đến chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện. Kế tiếp, Ðại đức Thích Hải Tạng quỳ gối tác bạch và dâng lên bức chúc thư của Hòa thượng Bổn sư để lại trước lúc viên tịch và ấn dấu Lưỡng Viện.
Nội dung bức chúc thư có đoạn ủy nhiệm cho Hòa thượng Thích Huyền Quang tiếp tục điều hành mọi Phật sự Giáo hội, cho đến khi nào tổ chức được đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kỳ VIII.
Năm 1977, đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kỳ VII công cử Hòa thượng Thích Ðôn Hậu đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư ký Viện Tăng Thống. Hai năm sau, 1979, Ðức đệ nhị Tăng Thống là Ðại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên viên tịch tại Tổ đình Thuyền Tôn, cố đô Huế. Chiếu theo Hiến chương Giáo hội, Hòa thượng Chánh Thư ký kiêm nhiệm xử lý Viện Tăng Thống.
Sau cái chết đầy thương tâm và bí ẩn của Thượng tọa Thích Thiện Minh trong ngục tù cộng sản, tập đoàn toàn trị Hà Nội chủ trương chính sách đàn áp thô bạo các hàng Giáo phẩm kiên trinh với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Năm 1982, Hòa thượng Thích Huyền Quang - đương kim Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo - bị đưa về quản thúc tại chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi (miền Trung Việt Nam). Ðồng thời, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ - đương nhiệm Tổng Thư ký Viện Hóa Ðạo - bị lưu đày quản thúc tại một ngôi chùa ở quê nhà thuộc xã Vũ Ðoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (miền Bắc Việt Nam). Sau khi Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Thích Trí Thủ viên tịch, ấn dấu bản Viện được chuyển giao Viện Tăng Thống cất giữ.
Mãi đến hôm nay, trong khung cảnh trang nghiêm đượm tình đạo vị, hàng nghìn người con Phật dường như cùng một nhịp đập của con tim. Tất cả đều hướng về Linh đài, nơi tôn trí kim quan cố Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, mọi người chứng kiến giây phút lịch sử, Hòa thượng Thích Nhật Liên trân trọng trao chúc thư và ấn dấu Lưỡng Viện, Hòa thượng Thích Huyền Quang khâm thừa di chúc thiêng liêng trong niềm xúc cảm. Thay mặt Hội đồng Viện Hóa Ðạo, ngài ban đạo từ và chân thành cảm ơn môn đồ pháp quyến. Hai chúng xuất gia và tại gia cung kính tiễn đưa chư tôn đức trở về phương trượng trong niềm hân hoan chưa từng có.
Lễ thỉnh kim quan nhập bảo tháp
Nhờ chuẩn bị chiếc máy ghi âm nhỏ sử dụng bằng pin, tôi đứng hầu bên cạnh Hòa thượng Thích Huyền Quang và đã ghi âm lại đầy đủ theo trình tự suốt buổi lễ trang trọng này.
Ngày 3 tháng 5 năm 1992, lễ cung thỉnh kim quan cố Hòa thượng Thích Ðôn Hậu nhập bảo tháp. Như đã thương lượng để môn đồ pháp quyến tạm ngưng cuộc tuyệt thực ngày hôm qua, ông Nguyễn Hữu Thọ chỉ nói vài lời vĩnh biệt cố Hòa thượng. Sau đó, Thượng tọa Thích Thiện Hạnh thay mặt ban tổ chức đọc lời cảm tạ.
Bảo tháp Hòa thượng Thích Đôn Hậu
Thế là cảnh dầu sôi lửa bỏng suốt cả tuần nay dường như nguội dần, ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng.
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử