lịch sử việt nam
Trí-Lực
Hồi Ký
Bao Nỗi Tang Thương
In lần thứ hai năm 2012
Mục Lục
Thay lời tựa
Đã gần bốn mươi năm trôi qua dưới chế độ cộng sản độc tài toàn trị, kể từ khi bộ đội miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam vào năm 1975, chính quyền cộng sản đã đặt ách thống trị hà khắc lên toàn dân Việt, chưa có một ngày nào dân chúng hai miền Nam Bắc được hít thở bầu không khí tự do. Hẳn chúng ta còn nhớ, hàng trăm hàng nghìn nhà tù lớn nhỏ do chính quyền cộng sản lập ra để giam hãm và cưỡng bức lao động khổ sai các viên chức dân sự và quân sự của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, với tên gọi là trại tập trung cải tạo.
Từ cấp quận, đến cấp tỉnh hoặc thành phố đều có trại giam, số lượng không biết bao nhiêu mà tính. Ngoài ra, còn có rất nhiều trại giam trực thuộc bộ Công an, tất cả đều đặt dưới sự quản lý của cục V26. Có bao nhiêu tù nhân bị giam giữ cải tạo sau tháng tư đen 1975? Khi ký giả Jean Claude Labbe của tuần báo Paris Match - số ra ngày 22.09.1978 - hỏi ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng về số lượng tù cải tạo, ông Đồng không ngần ngại trả lời rằng, chính phủ chúng tôi đã trả tự do cho hơn một triệu người được trở về với gia đình họ!!
Ngày 25 tháng 1 năm 2006, Quốc hội châu Âu tại Strasbourg đã thông qua Nghị quyết 1481 lên án tội ác chống lại loài người của các chính thể cộng sản Liên Xô và các quốc gia khác như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Triều Tiên… Tội ác chà đạp quyền con người một cách có hệ thống của chủ nghĩa cộng sản cần phải đem ra xét xử tại tòa án quốc tế.
Đức Phật chỉ dạy nguyên lý vô thường, vũ trụ vạn vật trên thế gian chỉ là hư ảo. Kiếp nhân sinh mong manh tụ tán và hoàn cảnh đổi thay khác nào dâu bể. Bể dâu là nghĩa của hai chữ tang thương, nói trọn câu là tang điền thương hải, thửa ruộng dâu bỗng chốc hóa thành biển xanh.
Bao nỗi tang thương là tập hồi ký ghi lại trung thực những sự biến tại ngôi chùa Thiên Mụ cố đô Huế, là nơi tôi xuất gia tu học từ thuở nhỏ, cho đến khoảng thời gian phục hoạt Giáo hội, sau tang lễ bổn sư chúng tôi là trưởng lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu viên tịch năm 1992. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã đang tâm đàn áp nghiệt ngã chư tôn Giáo phẩm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, điển hình là Hòa thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết trong trại giam ở đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn; hai vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị đưa đi quản thúc lưu đày qua bao tháng năm dằng dặc.
Sau khi mãn hạn tù vì những hoạt động phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bản thân tôi vẫn bị cộng quyền tiếp tục đàn áp vô cùng nghiệt ngã, các quyền sống căn bản của một con người hầu như mất trắng, bao nỗi thăng trầm vinh nhục đè nặng lên kiếp sống đọa đày! Không còn sự chọn lựa nào khác, tôi đã bạch lên chư Tăng làm lễ xả giới đàng hoàng và đành chọn con đường lánh nạn cộng sản. Thế nhưng, bạo quyền cộng sản nào có nương tay, chúng ra lệnh cho đám công an mật vụ đang hoạt động tình báo tại xứ Chùa Tháp tổ chức bắt cóc tôi giữa phố chợ đông người, mặc dầu tôi đã được Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc bảo vệ quyền tỵ nạn chính trị. Toán mật vụ áp giải tôi trở lại biên giới Việt Miên qua cửa khẩu Mộc Bài, rồi giao cho đám công an đứng chờ sẵn. Chính quyền cộng sản tiếp tục giam cầm tôi một cách nghiêm ngặt tại trại giam B34, Sài Gòn. Suốt hơn cả năm trời bặt vô âm tín, khác nào bóng chim tăm cá, người thân và bạn bè của tôi chẳng hề hay biết, rằng tôi còn sống hay là đã chết. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân quyền và chính phủ thuộc cộng đồng các quốc gia dân chủ không ngừng lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy trả lời về vụ bắc cóc phi pháp này. Thế nhưng nhục nhã làm sao, cả một thể thống quốc gia bịp bợm chối cãi, rằng họ không hề hay biết gì về vụ việc mất tích này.
Khi giáo sư Võ Văn Ái - giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc Tế - lên tiếng báo động và cáo buộc cơ quan mật vụ cộng sản Việt nam bắt cóc tôi tại Nam Vang đêm 25 tháng 7 năm 2002, thì người phát ngôn bộ Ngoại giao nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Hà Nội - bà Phan Thúy Thanh - bác bỏ bản tin và trả lời với các hãng thông tấn báo chí quốc tế, rằng đây là sự vu khống bỉ ổi. Cuối cùng, trước nhiều áp lực, cộng quyền đành phải thừa nhận và đưa tôi ra xét xử với một bản án hai mươi tháng tù với tội danh ”Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Ấn bản Bao nỗi tang thương lần đầu tiên hân hạnh được nhóm Thiện Ý tại Pháp quốc ấn hành và kính biếu đến quý độc giả xa gần. Vừa qua, trong dịp Hội Phật tử người Việt tỵ nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Đại lễ Vu Lan thắng hội - Phật lịch 2555 - tôi được duyên lành sang tham dự và góp phần cầu nguyện. Ngoài lễ kỳ siêu pháp giới đa sinh phụ mẫu, trong dịp này, quý Phật tử ở Đức quốc đã không quên công ơn của các bậc anh hùng tử sĩ, vị quốc vong thân, các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong các trận hải chiến ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đạo tràng thành tâm cầu nguyện siêu độ liệt vị anh linh. Hiện nay Trung Quốc đã xâm chiếm hai quần đảo này, mà cụ thể là, tập đoàn độc tài toàn trị cộng sản tại Hà Nội đã bán đứng đất liền và biển đảo cho quan thầy Bắc Kinh.
Phật sự trong mùa Vu Lan báo hiếu tại Đức quốc viên mãn trong niềm hỷ lạc của quý đạo hữu Phật tử . Nhiều vị thân hữu có nhã ý muốn tái bản tập hồi ký Bao nỗi tang thương, đó là khởi duyên để ấn bản lần thứ hai được trở thành hiện thực và trân trọng kính biếu quý độc giả.
Về nội dung, so với bản in đầu tiên, lần này chúng tôi có viết thêm lời tựa, sửa chữa vài ý văn và bổ sung một số hình ảnh được lấy từ nguồn trên mạng lưới điện toán toàn cầu.
Tác giả kính nguyện hồi hướng công đức và chân thành cảm ơn quý vị thân hữu trong nhóm Thiện Ý, Hội Phật tử người Việt quốc gia tỵ nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức, quý vị thân hữu trong cộng đồng người Việt quốc gia tỵ nạn tại châu Âu, châu Úc và Hoa Kỳ, cùng quý thiện tín đạo hữu gần xa, đã hoan hỷ phát tâm đóng góp tịnh tài, cũng như đem hết đạo tình hổ trợ để hoàn thành ấn phẩm này.
Sự hiểu biết về những giai đoạn lịch sử của đất nước, người viết chẳng khác nào lấy ống dòm trời. Thiển nghĩ, thiên hồi ký cũng chỉ là lời quê dông dài góp nhặt, thuật lại lắm nỗi thăng trầm hay sự đổi thay chớp nhoáng tựa hồ bức tranh vân cẩu, hoặc như cảnh bãi biển nương dâu. Kính trông mong chư vị cao minh thức giả hoan hỷ lượng thứ và sẵn sàng chỉ bày cho những điều còn thiếu sót, ngõ hầu làm sáng tỏ lịch sử. Nếu được như thế, thật hân hạnh lắm thay!
Thụy Điển, buổi tàn thu 2011
Tác giả cẩn chí
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử