lịch sử việt nam
Trí-Lực
Hồi Ký
Bao Nỗi Tang-Thương
In lần thứ hai năm 2012
Mục Lục
15
Trở về quê cũ
Mấy tháng sau, tôi quyết định trở về chùa Linh Mụ mà chẳng cần báo với công an. Dù sao chăng nữa, tôi nghĩ rằng, đi đâu cũng không bằng trở về chùa thầy tổ của mình. Vả lại, chùa Linh Mụ nằm trong địa phận thôn An Ninh Hạ, xã Hương Long, huyện Hương Trà, là làng quê của tôi, chỉ cách chùa cánh đồng Trường thi và mấy lũy tre xanh. Qua khỏi cầu chợ Thông, băng ngang xóm Rào, mọi người đã trông thấy mấy tầng cao của ngọn tháp Phước Duyên vượt lên khỏi rặng dương liễu phía sau chùa. Ðêm khuya, hòa lẫn tiếng gà gáy sáng, tiếng chuông Linh Mụ vẳng nghe mồn một, dường như đó là chiếc đồng hồ báo thức cho dân làng, mọi người thức dậy sửa soạn gồng gánh ra đi cho kịp phiên chợ sớm, hoặc chuẩn bị cơm nước để ra đồng lo việc cày cấy ruộng nương. Có những đêm khuya, nhất là mùa đông giá lạnh, thỉnh thoảng chúng tôi lại ngủ quên nên trễ nải giờ giấc đánh chuông. Thế là sớm mai, khi quét lá sân bảo tháp, gặp một vài o lật đật quảy gánh đi ngang, mấy o toét miệng cười vừa mắng vốn chúng tôi về lỗi ngủ quên, làm cho họ phải chậm trễ buổi chợ.
Chuyến xe lửa Nam Bắc tạm dừng ở ga Huế. Sau những năm tháng tù đày, nay tôi mới có dịp trở lại cố hương, trong lòng cảm thấy bồi hồi. Không như những lần trước, tôi trở về chùa để hầu thăm ôn và quý thầy, nay ôn đã viên tịch, thầy Thích Trí Tựu tuy đã mãn án nhưng hiện vẫn còn bị quản thúc vô thời hạn ở chùa Tây Thiên, dù chẳng có án lệnh của tòa. Ngày thầy Thích Trí Tựu hết hạn tù ở trại Ba Sao, công an tỉnh Thừa Thiên - Huế mang xe ra tận miền Bắc đưa thẳng thầy về đây. Về phần quý thầy Thích Hải Tạng, Thích Hải Chánh, Thích Hải Thịnh thì nay công an mời, mốt ủy ban gọi, dằng dai dằng dói, sách nhiễu đủ điều.
Vì nhân duyên Phật sự, tôi xa cách Linh Mụ khá lâu, tuy vậy quý thầy và chúng điệu trong chùa luôn luôn hoan hỷ tiếp đón tôi tựa bát nước đầy. Các vị ấy xem tôi như một người anh hay người em đi xa, lâu lâu trở về thăm nhà, trọn vẹn đạo tình huynh đệ.
Tháp bảy tầng soi bóng Hương giang
Thế rồi, chỉ ít hôm sau, lực lượng công an xã Hương Long, thành phố Huế gõ cửa chùa vào kiểm tra hộ khẩu giữa đêm hôm khuya khoắt. Chính thật là họ đang tìm tôi để bắt giữ hoặc trục xuất tôi ra khỏi đất Huế. Không những chùa Linh Mụ, mà cùng lúc, các chùa Diệu Ðế, Nam Phổ đều có công an đến kiểm tra. Hai ngôi chùa này do thầy Thích Giới Hương và Thích Trí Ðạo trú trì, hai vị ấy đều là pháp huynh của tôi. Công an suy đoán rằng, có thể tôi sẽ về tá túc ở đây.
Nhà ông cụ thân sinh tôi ở Tây Lộc, gần cửa Chánh tây, công an phường thường xuyên vào nhắc nhở, bao giờ tôi về thăm gia đình thì phải ra trụ sở công an phường báo ngay cho họ biết.
Lực lượng công an lùng sục tôi khắp nơi, không thể nào né tránh hoài, tôi lặng lẽ khăn gói ra đi, cho dù tôi cố nán lại ở quê nhà, thì cũng chẳng tìm ra một chỗ nào khả dĩ dung thân. Với tình cảnh như vậy, quả thật chính quyền cộng sản đã dồn ép tôi vào bước đường cùng!
Trên đường trở vào miền Nam, tôi ghé chùa Quang Phước, thị trấn Chợ Chùa, tỉnh Quảng Ngãi, để hầu thăm Hòa thượng Thích Huyền Quang đang bị quản thúc ở đây. Thị trấn Chợ Chùa nằm cách trung tâm thị xã Quảng Ngãi khoảng chừng mười cây số, đường sá gồ ghề. Thầy Hải Thịnh làm bạn đồng hành với tôi, thầy thay mặt Tăng chúng chùa Linh Mụ vào cúng dường và vấn an Hòa thượng. Chúng tôi đến thị trấn Chợ Chùa, nhác trông từ xa, ngôi chùa Quang Phước trơ trọi giữa cánh đồng xanh. Con đường độc nhất đến chùa vắng người qua lại, phía bên trái là các cơ quan nhà nước thuộc huyện Nghĩa Hành, phía bên phải là cánh đồng bát ngát. Chúng tôi băng qua vài thửa ruộng là đến cổng chùa.
Sau sự việc bắt bớ đoàn cứu trợ đồng bào lâm cảnh lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức vào ngày 6 tháng 11 năm 1994, chính quyền cộng sản đưa Hòa thượng Thích Huyền Quang từ chùa Hội Phước đến đây để tiếp tục quản thúc. Mặc ai đó bên đường rình rập dòm ngó, tôi và thầy Hải Thịnh vẫn ung dung vào chùa đỉnh lễ vấn an ngài.
Hòa thượng dạy chuyện với anh em tôi hết sức thân tình, chúng tôi như những đứa con ở xa trở về thăm người cha già đơn độc, được nghe những lời dạy bảo của ngài. Gian phòng ở của ngài hết sức đơn sơ, thỉnh thoảng một vài ngọn gió từ cánh đồng thổi vào cũng không làm sao dịu bớt hơi nóng từ mái tôn hắt xuống. Sau bữa cơm chay đạm bạc, thầy trò lại mang chiếu gối lên chính điện để nghỉ, vì buổi trưa nắng gắt, không thể nào ở trong phòng được. Mấy người Phật tử ở xóm chùa hàng ngày đến làm công quả, quét dọn và lo cơm nước giúp ngài; chiều tối thì ai về nhà nấy, chỉ có một thầy vừa mới được cắt cử đến ở lại với Hòa thượng.
Ðến chiều, chúng tôi từ giã ngài ra về, trong lòng bịn rịn, muốn ở lại vài hôm để hầu chuyện với ngài, nhưng đâu có được. Hòa thượng tiễn chân chúng tôi ra tận cổng chùa rồi mới trở vào.
Trên đường về, thỉnh thoảng tôi ngoảnh lại trông quang cảnh chùa Quang Phước. Có ai ngờ rằng, đây là một nhà tù trá hình để giam giữ một vị đại lão Hòa thượng, chỉ vì ngài lãnh đạo công cuộc phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp khốc liệt suốt hai chục năm qua.
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử