lịch sử việt nam
Trí-Lực
Hồi Ký
Bao Nỗi Tang-Thương
In lần thứ hai năm 2012
Mục Lục
25
Đàm phán với bị can
Ngày 12 tháng 6 năm 2003, tôi và một số người khác ở khu C được công an trại giam thông báo dọn đồ đạc chuyển đến khu D. Khu nhà giam này nằm kế bên trong phòng làm việc của cán bộ quản lý, gồm một tầng trệt và hai tầng lầu, các buồng giam nhỏ được xây dựng vững chắc, cũng có đặt thiết bị kiểm soát y hệt như ở khu C. Từ buồng giam đi ra phòng hỏi cung, phải đi qua bốn lớp khóa.
Mỗi buổi sáng, công an trực trại mở cửa các buồng giam chừng vài tiếng đồng hồ hoặc đến chiều, tùy theo từng đối tượng bị tạm giam. Mọi người ra bể nước nhỏ để tắm giặt, hàng hiên rộng chừng hai mét vuông, có hàng rào bằng lưới thép. Thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ thì không được mở cửa.
Ngày 25 tháng 6 năm 2003, tôi được mời ra nhận cái gọi là quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa án Nhân dân thành phố vào ngày 25 tháng 7 năm 2003. Chiều hôm ấy, tình cờ tôi trông thấy bác sĩ Nguyễn Ðan Quế ở hành lang trước phòng cung. Ông là một nhân vật bất đồng chính kiến đã từng bị chính quyền cộng sản cầm tù nhiều năm. Cao trào Nhân bản do bác sĩ Nguyễn Ðan Quế sáng lập năm 1990, lên tiếng đòi hỏi đất nước Việt Nam phải đi đến một nền dân chủ đa nguyên. Nay ông lại bị bắt giam vì tiếp tục nói lên quan điểm chính trị của mình.
Tôi chuẩn bị tinh thần ra tòa vào ngày 25 tháng 7 năm 2003. Như thế, ròng rã mười hai tháng trời đằng đẵng, mọi người xem như tôi đã bị mất tích ở Campuchia, người thân và bạn bè chẳng biết tôi còn sống hay là đã chết, hoàn toàn biệt vô âm tín.
Trước đó chừng mấy hôm, công an trại giam dẫn tôi ra phòng cung số 5, lầu 1. Tôi ngồi chờ một lát thì có mấy viên công an mặc thường phục lần lượt bước vào phòng. Qua lời giới thiệu, tôi được biết ông Bảy, ông Thanh, ông Tư Liêm, họ là những viên chức đứng đầu cục Bảo vệ chính trị hay an ninh gì đó của bộ Công an, ông Hóa thường hay hỏi cung tôi hôm ấy cũng có mặt. Sau khi thăm hỏi đôi câu xã giao lấy lệ, những viên công an này đi ngay vào mục đích chính của buổi gặp gỡ hôm nay. Họ muốn tìm hiểu thái độ và quan điểm của tôi trong phiên tòa sắp đến, mà tôi là bị cáo độc nhất.
Tôi nói chuyện một cách tự nhiên:
- Thưa các ông, các ông muốn thăm dò ý tưởng của tôi trong phiên xử nay mai, tôi sẽ nói gì? Sau khi đại diện viện Kiểm sát giữ quyền công tố đọc xong cái gọi là bản cáo trạng, tôi sẽ nói rằng, phần mở đầu bản cáo trạng là bịa đặt, hoàn toàn sai sự thật, nội dung mâu thuẩn với lời khai của tôi trong biên bản hỏi cung bị can do cán bộ Hóa hiện đang có mặt ở đây lập bản cung. Trong các câu hỏi và đáp được ông Hóa viết vào biên bản, tôi đã khai rằng, tôi bị bắt khoảng 19 giờ, ngày 25 tháng 7 năm 2002 ở trước chợ Orussey, thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Thế mà phần nhập đề trong cáo trạng lại viết rằng, vào hồi 8 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2002, tại công an huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, cơ quan điều tra - bộ Công an đã bắt, khám xét khẩn cấp đối với Phạm Văn Tưởng và phát hiện một giấy chứng nhận tỵ nạn số 610 IC, do văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp Quốc cấp tại Phnom Penh ngày 28 tháng 6 năm 2002. Xin các ông thử hỏi cán bộ điều tra đang ngồi đây, tôi có nói thêm bớt gì không? Thứ hai, tôi sẽ khẳng định và tố cáo trước tòa rằng, công an mật vụ dưới sự điều động của các ông đã tổ chức bắt cóc tôi ở Phnom Penh, trong lúc tôi được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị.
Ông Tư Liêm ngắt lời tôi:
- Tại sao ông nói là ông bị bắt cóc?
Tôi được quyền cư trú trên lãnh thổ Campuchia dưới sự bảo vệ của Liên Hiệp Quốc. Tôi đâu có vi phạm pháp luật của vương quốc này mà bị các ông bắt về đây nhốt kỹ; bắt bớ một cách ngang ngược như vậy, nếu không bảo là bắt cóc thì gọi là gì? Các ông hãy trả lời đi.
Chẳng nghe ai lên tiếng, tôi bèn nói tiếp:
- Chính quyền cộng sản sắp sửa đưa tôi ra tòa xét xử, thế mà cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa hề liên lạc được với thân nhân từ ngày bị các ông bắt cóc. Người thân và bạn bè của tôi cũng chẳng biết tôi còn sống hay là đã chết. Cả trại giam này có người nào rơi vào hoàn cảnh như tôi không? Tại sao tôi bị tước đoạt quyền được gặp thân nhân theo luật pháp quy định? Thử hỏi điều này có trái khoáy hay chăng? Thêm nữa, nay tôi yêu cầu được gặp đại diện phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tôi tại phiên tòa, tòa án các ông phải có trách nhiệm thông báo cho tổ chức này. Hôm nay, các ông đến đây tìm hiểu thử xem tôi sẽ nói gì trước hội đồng xét xử, đó là tôi chỉ mới trình bày đôi điều đơn giản và nông cạn, chẳng cần giấu giếm trong lòng làm gì.
Nói chuyện một hồi thì các ông ấy tạm kết thúc buổi gặp gỡ. Ông Thanh đưa tôi xuống thang lầu. Trong khi chờ công an trực trại mở khóa cửa ngách, ông ấy có nhắc đến việc trước đây ông có đến chùa Linh Mụ và gặp Hòa thượng Thích Ðôn Hậu mấy lần.
Tôi chào tạm biệt rồi trở về buồng giam.
Ngày 24 tháng 7 năm 2003, cán bộ Nguyễn Thành Ðồng vào gửi cho tôi thông báo hoãn phiên tòa, sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 1 tháng 8 năm 2003. Tôi nghĩ rằng, có lẽ chính quyền cộng sản đang gặp điều bất lợi nào đó, nên phải ra lệnh cho tòa án dời lại ngày xử.
Sáng hôm sau, ngày 25 tháng 7 năm 2003, cán bộ Hóa tháp tùng phó thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra (A24-B) là thượng tá Thái vào trại giam B34 gặp tôi. Cũng kiểu cho có lệ, ông ấy hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống của tôi trong trại giam. Chúng tôi nói chuyện một cách cởi mở.
Tôi thật tình nói với hai ông ấy rằng:
- Cách nay vừa đúng ba trăm sáu mươi lăm ngày, chính quyền cộng sản Việt Nam tổ chức bắt cóc tôi ở Campuchia đem về giam giữ nghiêm ngặt ở trại giam này. Theo các văn bản tôi nhận được, viện Kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cho viện Kiểm sát thành phố thực hành quyền công tố đối với vụ án của tôi, vụ án “Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”. Tôi vẫn biết, cái lý nằm trong tay kẻ mạnh. Thế nhưng, tôi cũng xin thưa trước với các ông rằng, tại phiên tòa ngày 1 tháng 8, tức vào tuần sau, tôi sẽ nói trước hội đồng xét xử, rằng thiển nghĩ hôm nay quý tòa nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang thẩm vấn và buộc tội tôi là bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa này là một người vô quốc tịch. Tại sao tôi nói như vậy? Xin thưa, nhân thân tôi kể từ ngày 28 tháng 6 năm 2002 là một người không có quốc tịch, tôi được quyền tỵ nạn ở vương quốc Campuchia do Liên Hiệp Quốc bảo vệ. Tôi đang chờ đi định cư ở một đất nước thứ ba nào đó, khi ấy tôi sẽ nhập quốc tịch mới.
Nghe tôi nói như thế, hai ông ấy im lặng mà không có ý kiến.
Thiếu tá Hóa thường hay đề cập đến sự việc tôi viết bản phúc trình về hiện trạng tù nhân chính trị tại Việt Nam gửi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, để cho các thế lực thù địch ở nước ngoài vin vào cớ đó mà chống phá nhà nước, đồng thời hạ thấp uy tín chính phủ Việt Nam trên trường quốc tế, nhằm tiến đến âm mưu diễn biến hòa bình.
Khi còn ở buồng giam đối sách, tình cờ tôi đọc được bài viết đăng trên báo Công an thành phố, đặc san ra ngày thứ bảy 30.11.2002, tôi bèn nhắc lại cho hai ông ấy biết rằng:
- Hội nghị về người tỵ nạn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, gồm đại diện các quốc gia vùng châu Á - Thái Bình Dương, được Việt Nam đăng cai tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, vào hạ tuần tháng 11 năm 2002, phái đoàn Việt Nam đã định nghĩa, đại ý rằng: “Tỵ nạn là sự ra đi của người dân khi họ bị bức bách và không thể nào sống được trên quê hương của họ…”. Thế mà nay chính quyền cộng sản lại tổ chức bắt cóc tôi ở Campuchia đem về nước giam giữ nghiêm ngặt, có phải chăng, cộng sản nói một đàng, làm một nẻo.
Nói chuyện linh tinh một hồi, thượng tá Thái bảo tôi có đề đạt gì không, tôi chỉ đề nghị ban giám thị trại hãy mở cửa cho tôi đến 3 giờ chiều, đỡ ngột ngạt phần nào. Lời đề nghị ấy được đáp ứng ngay.
Buổi chiều ngày 31 tháng 7 nãm 2003, tôi được thông báo dọn đồ đạc chuyển xuống buồng 16, tầng trệt, ở một mình. Làm vệ sinh phòng ốc xong, tôi ăn cơm chiều rồi đọc nốt bài báo hồi trưa đang đọc dở. Mãi đến khuya, tôi mới chợp mắt được một chút, có lẽ ngày mai ra tòa, nên ít nhiều gì tôi cũng có suy nghĩ.
Ngày 1 tháng 8 năm 2003, tôi thức dậy khoảng 4 giờ sáng, như thường lệ, tôi tĩnh tâm niệm Phật rồi đi kinh hành một đỗi. Sáng sớm, cứ chờ mãi chờ hoài, chẳng thấy công an trại giam vào mở cửa. Ðến 10 giờ, cán bộ vào phát cơm mới nói cho tôi biết, tòa án hoãn phiên xử hôm nay. Tôi nghĩ, bây giờ chúng nó xử hay không xử, tôi cũng chẳng thèm quan tâm nữa. Trưa đến, tôi “chạy xe” qua buồng giam anh bạn bên kia để mượn ít sách báo và bộ Tây du ký về đọc lại. Ở đây, “chạy xe” bằng cách cột quả chanh vào đầu một đoạn dây dài được làm từ túi ni-lông. Ném mạnh quả chanh lăn dọc theo đường đi nhỏ hẹp bên ngoài lưới B40, người ở buồng bên kia dùng chiếc móc dài được vấn bằng giấy báo để khều sợi dây vào, sau đó, cột túi sách báo, hoặc thức ăn hay đồ dùng gì đó vào sợi dây cho người nhận hàng kéo về. Nếu lỡ không may bị cán bộ bắt gặp là xem như vi phạm nội quy trại giam.
Cuối tháng 8 năm 2003, tôi được các người thân trong gia đình đến thăm. Thế là ngót mươi ba tháng trời, bên ngoài mới hay tin tôi vẫn còn sống và hiện đang bị giam ở đây.
Lần thứ ba, tôi lại nhận cái gọi là quyết định xét xử vào ngày 5 tháng 9 năm 2003, thế nhưng đến ngày đó cũng lại hoãn phiên tòa.
Trung tuần tháng 10 năm 2003, Tư Liêm thuộc cục An ninh tôn giáo vào trại giam làm việc với tôi. Ông ấy nói cho tôi biết rằng:
- Hôm vừa rồi, Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ đã bị chính quyền ra lệnh quản thúc vì đã có hành vi tàng trữ tài liệu bí mật quốc gia. Công an khám xét và thu giữ các tài liệu bí mật này khi Thích Quảng Ðộ đi ngang tỉnh Khánh Hòa.
Tôi tuyệt không biết sự biến gì đã xảy ra đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong những ngày qua, tuy nhiên tôi vẫn phản bác:
- Các vị Hòa thượng của chúng tôi làm sao có được tài liệu bí mật của nhà nước mà cất giữ? Tài liệu bí mật ấy có hay chăng là do các viên chức chính quyền tiết lộ ra ngoài, tại sao chính quyền không xử lý họ.
- Cơ quan an ninh đang điều tra để lập hồ sơ xử lý các người này.
Trở về buồng giam, tôi cứ miên man suy nghĩ, không biết chuyện gì đã xảy ra cho nhị vị Hòa thượng và chư Tãng. Hàng tuần, tôi có gửi mua báo Giác Ngộ là cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo (Giáo hội quốc doanh), để từ đó có thể tìm hiểu vấn đề.
Các số báo Giác Ngộ ra cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2003 đăng bức thư của Hòa thượng Thích Trí Tịnh - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung Ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - phản đối Nghị quyết HR 427 đã được Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2003. Quốc hội Âu châu cũng đã thông qua Nghị quyết về Tự do tôn giáo ở Việt Nam vào ngày 20 tháng 11 năm 2003. Tôi suy đoán tình hình bên ngoài chắc có biến động.
Ðiều quái lạ xưa nay chưa từng thấy, Ðại giới đàn Thiện Hòa tổ chức tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, lại biến thành buổi mít-tinh phản đối Nghị quyết HR 427 của Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ. Các giới tử đã bị ban Kiến đàn vâng mệnh chính quyền cộng sản đánh lừa. Hình ảnh và bài vở về trò hề này đang rành rành ra đó, càng làm lộ rõ bộ mặt lọc lừa tráo trở của bọn cộng sản độc tài toàn trị, mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện giờ chỉ là công cụ chính trị cho chế độ này.
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử