lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Trang Thơ Kita Kha

...

Trang Thơ Văn Mặc Khách

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Nhơn

...

Trang Thơ Văn Thanh Sơn

...

Trang Thơ Văn Vĩnh Nhất Tâm

...

Trang Thơ Văn Phạm Ngọc Thái

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Thị Thanh

...

Văn Hóa Tộc Việt

...

Ủng Hộ Trúc Lâm Yên Tử - Donate

...

 

Văn Hóa Triết Học Việt Nam - Tam Giáo Đồng Nguyên

Lịch sử tư-tưởng Việt-Nam

Giáo sư Nguyễn Đăng Thục

Tập Một

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12

IV

Trường Đạo Nội

 Ở Việt Nam có dòng Đạo nội hay Nội Đạo Tràng không biết xuất hiện từ bao giờ trong dân gian, hình như thịnh hành từ thời Trần về sau, thờ đức Trần Hưng Đạo Đại vương làm Đức thánh cha, người anh hùng dân tộc hiển hách bậc nhất trong lịch sử vì chiến công oai hùng, kỳ tích đánh đuổi quân Mông Cổ xâm lăng đất nước. Nhưng cái tinh thần Đạo nội lại thuộc về tín ngưỡng thần tiên bất tử của thiên động khởi niệm ra, cho nên chúng ta có thể tin rằng dòng Đạo nội hẳn có từ lâu trong tín ngưỡng dân tộc. Bởi thế mà “Hột Chân Biên”, ở chùa Ngọc Sơn Hà Nội, Chử Đồng Tử, một nhân vật thần thoại được đem lên hàng đầu làm Đạo Tổ với ngụ ý đạo lý Tự nhiên. Nếu sau ngày Đức thánh Trần có hiển hách đến thay thế vào ngôi Đức thánh cha của dòng Đạo nội, chắc vì tinh thần dân tộc của tín đồ bình dân vậy.

Nguyễn Văn Huyên mở đầu “Le culte des Immortels en Annam – Hanoi 1944” như sau:

“Suốt lãnh thổ Đại Nam từ Cao Bằng đến Hà Tiên cái lòng khát vọng về sự bất tử trường tồn đã diễn tả ra một cách tế nhị bằng các truyện thần tiên với ít nhiều màu sắc địa phương” (tr.67)

Cái tín ngưỡng về thần tiên bất tử ấy rất sống động qua không gian và thời gian. Mỗi thời đại lịch sử trọng đại, mỗi giai đoạn thịnh vượng của dân tộc đều minh chứng bằng sự xuất hiện thần tiên: nào Chử Đồng Tử với Đổng Thiên Vương, nào Từ Đạo Hạnh với Nguyễn Minh Không, nào Dương Khổng Lộ với Nguyễn Giác Hải, nào Từ Thức với Thánh Trần, nào Tú Uyên với Giáng Kiều, nào Liễu Hạnh với Thiên Y-A-Na, nào Thiên Mụ với Bà Đen v.v…

Nay đơn cử một vài sự tích trước khi tìm hiểu tư tưởng triết lý của đạo Bất Tử.

Trong hàng bốn vị bất tử phổ thông nhất là Thánh Tản hay Sơn Tinh, Thánh Gióng hay Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử hay Đạo Tổ, và Thánh Mẫu hay Liễu Hạnh Tiên chúa, đặc trưng nhất là Chử Đồng Tử với Tiên chúa Liễu Hạnh.

ĐẠO LÝ TỰ NHIÊN

SỰ TÍCH CHỬ ĐỒNG TỬ

hay truyện Đầm nhất dạ, theo Lĩnh Nam Chích Quái, do Vũ Quỳnh hiệu đính năm Hồng Đức thứ 23 (d.l. 1492) 

Hùng Vương truyền ngôi đến vua cháu ba đời, có sinh được một người con gái tên là Tiên Dung Mỵ Nương, tuổi vừa mười tám, dung mạo tú lệ, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vương chiều mà nghe theo. Mỗi năm khoảng tháng hai, tháng ba, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh đênh ngoài biển, vui chơi quên cả ngày về.

Lúc bấy giờ Chử Xá Lang có người tên là Chử Vị Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con tính vốn hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cải khánh kiệt tận chỉ còn một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng:

- Ta chết thì chôn lỗ cũng được, để khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ.

Cha chết, người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn. Chử Đồng Tử bấy giờ thân hình trần truồng, đói rét khôn xiết, mới cầm cần câu đi đến bờ sông câu cá, trông thấy thuyền buồm đi qua, đứng dưới nước mà xin ăn. Nào ngờ thuyền của Tiên Dung chợt đến đấy; nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, trông thấy nghi trượng cờ xí rợp trời, Đồng Tử sợ hãi, không biết trốn vào đâu, trông thấy trong bãi cát có chòm lau sậy, lơ thơ năm ba gốc, bèn ẩn thân vào bên trong, bới cát thành một cái hố để giấu thân, lại lấy cát vùi lên trên…

Được một lát thì thuyền của Tiên Dung qua đấy đậu lại; nàng dạo chơi trên bãi cát, truyền lấy mùng màn vây quanh khóm sậy làm chỗ để tắm. Rồi Tiên Dung vào trong màn vây, cởi áo dội nước. Cát trôi trơ ra thân thể Đồng Tử, hồi lâu Tiên Dung biết là một người con trai. Tiên Dung nói:

- Ta đã thề không lấy chồng, mà nay lại gặp người trần truồng ở trong một hang cát, ấy là Trời xui ta như thế. Ngươi hãy nên đứng dậy tắm rửa.

Rồi cho mặc quần áo mà cùng xuống thuyền yến tiệc vui vầy. Người trong thuyền đều cho là một sự gặp gỡ tốt lành xưa nay chưa từng có. Đồng Tử bày rõ duyên cớ vì đâu như thế, Tiên Dung than thở thương tâm, bảo làm vợ chồng. Đồng Tử cố từ không dám. Tiên Dung nói:

- Tự trời tác hợp, sao lại từ chối?

Những người theo hầu đem việc ấy tâu lên Vua. Vua Hùng Vương nổi giận nói:

- Tiên Dung không biết trọng danh tiết, không biết tiếc tiền của ta rong chơi, trên đường lại hạ giá, lấy một người dưới, còn mặt mũi nào thấy ta nữa? Từ nay mặc kệ nó, không cho trở về nhà nữa.

Tiên Dung nghe tin sợ hãi không dám trở về, mới cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố phường cùng với nhân dân buôn bán, dần dần thành chợ lớn (nay là chợ Hà Lõa); người ngoại quốc qua lại buôn bán, đối xử với Tiên Dung và Đồng Tử kính cẩn như là chủ vậy. Một hôm có một nhà buôn lớn đến mách bảo với Tiên Dung rằng:

- Quý nhân xuất ra một dật vàng, năm nay cùng với các lái buôn ra ngòai biển mua bán vật quý, sang năm sẽ lời được một dật vàng.

Tiên Dung bảo Đồng Tử rằng:

- Vợ chồng ta do trời định khiến, ăn mặc là của trời cho, bây giờ nên lấy một dật vàng cùng với lái buôn ra khơi mà buôn bán, trở về làm kế sinh nhai.

Đồng Tử bèn cùng đi với các lái buôn. Ở ngoài khơi có ngọn danh tiếng gọi là Quỳnh Viên Sơn, trên núi có am nhỏ. Thuyền buôn ghé đậu để lấy nước ngọt . Đồng Tử lên chơi trên am gặp một nhà sư trẻ tên là Phật Quang truyền giáo lý cho. Đồng Tử mới lưu lại am nghe thuyết pháp, giao vàng cho lái buôn mua hàng, dặn trở về thì ghé vào am cùng về. Nhà sư mới tặng cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón, bảo rằng:

- Linh thông ở tại cái ấy đấy.

Đồng Tử trở về nói hết đầu đuôi cho Tiên Dung nghe về đạo Phật, từ đó giác ngộ, bèn bỏ nghề buôn bán, rủ nhau đi tìm thầy học đạo.

Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy úp nón lên trên để che. Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng, miếu xà, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường, mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt. Sáng ngày ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem những vật hoa hương, ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước.

Hùng Vương hay tin cho là con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh; quan quân đến rồi, quần thần xin phân quân án ngữ. Tiên Dung cười rằng:

- Chuyện này không phải tự ta làm ra, cũng là trời xui khiến, sống chết tại trời ta đâu dám chống cự cha, phải thuận theo điều chính, chờ lệnh chém giết.

Lúc bấy giờ những người mới tập họp, sợ hãi chạy tán loạn, chỉ còn bọn người cũ ở lại với Tiên Dung. Quan quân kéo đến đóng ở bãi Tự Nhiên, chỉ còn cách một con sông lớn. Ngày sắp tối nên chưa kịp tiến binh. Chừng đến nửa đêm, hốt nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan quân đại loạn; bộ đảng, thành quách của nàng Tiên Dung nhất thời nhổ đi bay lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn. Sáng ngày, dân gian không trông thấy thành nữa, cho là linh dị bèn lập miếu đường, thời thường đến tế, gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch (đầm một đêm), châu ấy là Man Trù Châu (hoặc gọi là Tự Nhiên Châu), chợ ấy là Hà Lõa Thị (chợ Sông Truồng).

Kỳ tích có tinh thần dân tộc ái quốc

Sau đến đời Lý Nam Đế, binh nhà Lương sang xâm chiếm nước ta, vua sai Triệu Quang Phục làm tướng đem binh ngăn giữ. Quang Phục chỉ huy một đoàn binh mai phục ở trong đầm, sâu rộng bùn lầy khó tiến lui. Quang Phục chèo  thuyền độc mộc qua lại thuận tiện, thường nhân đêm tối, đột xuất đánh phá cướp lấy lương thực, làm kế giữ lâu cho đối phương mệt. Ba bốn năm trường giặc không đánh được. Bá Tiên than rằng:

- Đời xưa gọi là đầm nhất dạ thăng thiên, ngày nay lại là cái đầm nhất dạ đạo kiếp.

Gặp lúc Hầu Cảnh tác loạn bên Trung Hoa, vua Lương triệu Bá Tiên về, ủy quyền cho tỳ tướng Dương Sằn thống lĩnh quần chúng.

Quang Phục trai giới thiết đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo. Thoát thấy thần nhân cỡi rồng giáng xuống giữa đầm, bảo Quang Phục rằng:

- Ta lên trời nhưng linh dị còn ở đây, người có lòng thành cầu đảo, ta đến để giúp bình loạn tặc.

Rồi cởi vuốt rồng đưa cho Quang Phục bảo giắt vào đâu mâu, hễ đánh đâu là được đó. Nói đoạn lại bay lên trời. Quang Phục y như lời dặn đem binh đột kích, binh Lương đại bại, chém được tướng Dương Sầm ở trận tiền, binh Lương lui chạy.

Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập lên làm Triệu Vương, đóng đô ở quận Vũ Ninh núi Trâu Sơn.

(Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp, bản chữ Hán - Hội Văn hóa Á Châu)

Trên đây là sự tích của Chử Đồng Tử, mà tín đồ đạo giáo Việt Nam coi là tổ của Đạo Nội, hiện nay là làng Đa Hòa, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên có đền thờ, trung tâm tín ngưỡng hành hương của bình dân.

Triết lý trên đây ngụ trong hai chữ ‘Tự Nhiên’, người ta lấy để đặt tên cho cái bãi đá xảy ra câu chuyện lý thú: Sự gặp gỡ của hai nam nữ trần truồng một cách vô tình bất ngờ. Chính cái sự gặp gỡ ấy đã tượng trưng cho cái tư tưởng: “Người bắt chước theo thiên nhiên. Thiên nhiên khuôn theo thiên văn. Thiên văn khuôn theo đạo lý. Đạo lý khuôn theo siêu nhiên”. (Nhân pháp địa. Địa pháp thiên. Thiên pháp đạo. Đạo pháp tự nhiên).

Cái tư tưởng này, chính là triết lý trở về trạng thái hồn nhiên, mộc mạc, không phải của cách sinh hoạt sơ thuỷ của nhân loại ban sơ mà trở về tâm tràng trong trắng chưa bị vật dục khuấn động. Đấy là tâm trạng Đồng Tử hay Anh Nhi của Lão Tử, hay Xích tử chi tâm: cái tâm hồn đứa trẻ sơ sinh của Mạnh Tử, tức là tâm hồn trong trắng mà thánh Mathieu nói trong Thánh Kinh bảo nó thấy được Thượng Đế: “May mắn thay những kẻ có lòng thanh khiết vì chúng thấy Thượng Đế” (Bien heureux coeux qui ont le coeux pur car ils verront Dieu).

(Le sermon sur la Montagne)

Hay là: “Ta nói các người biết sự thực nếu các ngươi không trở về lại như những đứa trẻ thơ thì các ngươi sẽ không vào được Thiên Đường. Kẻ nào tự nhỏ đi như đứa trẻ thơ kia, chính là kẻ ấy sẽ lớn nhất ở Thiên Đường”

(St.Mathieu)

Vậy trong truyện cổ tích Đầm Nhất Dạ sở dĩ nhân vật Chử Đồng Tử được tín đồ Đạo Nội Việt Nam chọn làm Đạo Tổ hay Ông Tổ của giáo lý thần tiên chính vì cái tâm Đồng Tử thấy được chân lý, vì cái tâm ấy vượt lên trên và ra ngoài cá nhân hay giới hạn của thời gian không gian để nhập vào tâm thiên địa (thiên địa chi tâm) hay ý thức vũ trụ. Cái ý thức vũ trụ ấy sinh ra đã sẵn có rồi, nhưng phải trải qua các cuộc thử thách của sự biểu hiện. Nào nhường cha cái khố, nào gặp sắc đẹp không bị mê say, nào cầm vàng đi buôn, mà bỏ vàng tìm đạo. Còn như Tiên Dung một tin vào tấm lòng không dụng ý, hoàn toàn vô tư mà phó mặc cho ý trời, cho nên đã thề không lấy chồng mà lại lấy chồng, tuy cha ruồng đuổi không oán trách, cha đánh không đỡ, trước sau một dạ thuận tòng ý trời. Ý trời đây chính là cái tâm Đồng Tử vậy.

Nhưng để cái tâm Đồng Tử phối với ý trời, Đồng Tử cũng như Tiên Dung phải nhập vào nhân sinh, thực hiện đạo tâm qua nhân tâm, tìm tự do qua sự ràng buộc của những quan hệ hiện sinh, chứ không phủ nhận hiện sinh để xuất thế. Chỉ trong hiện sinh con người mới tìm ra lối thoát, vượt dần đời sống giới hạn đến một đời sống phổ biến trường sinh bất tử. Đấy là đời sống Đạo lý mà nguồn gốc lại ở bên trong. Cho nên gọi là Đạo Nội hay Nội Điển, thực hiện cái tâm Đồng Tử tự nhiên ở mình chừng nào thật vô tư, vô cầu, hồn nhiên thị như kết luận trong bài thơ để cuối truyện trong Hội Chân Biên:

“Cơ duyên đến chỉ một ý niệm có thể thông cảm với thần linh”.

(Duyên lai nhất niệm khả thông thần.)

Tóm lại lịch trình hành đạo của vị Đạo Tổ là bắt đầu cuộc đời người dân Việt với cái khố duy nhất giữa cha con. Tình cha con được biểu lộ ra ở cử chỉ nhường nhau cả cái khố. Những vì tin rằng chết cũng như còn nên Đồng Tử ý thức cái nghĩa hy sinh, chạnh lòng trắc ẩn không nỡ chôn cha trần truồng. Kế đến cuộc hôn thú trần truồng tự nhiên, trong đó Tiên Dung đã vượt qua khỏi giới hạn của giá trị xã hội, tỏ rằng tình vợ chồng cũng thiêng liêng như tình cha con chẳng kém, mà ở đây vì tính cách tự nhiên của nó còn thiêng liêng hơn các bổn phận xã hội.

Giai đoạn thứ ba là cầm tiền đi buôn để tìm kế tự lực cánh sinh lại hóa ra quên lợi trần tục để đi tìm Đạo Lý. Đạo ở đây nói là do nhà sư Phật truyền cho, nhưng tượng trưng vào cái nón và cái gậy, có phép thần thông thì chính cái nón, cái gậy, gậy cắm xuống đất úp nón lên trên ấy, là cái lọng. Lọng trắng Svetaechatta với cán nạm ngọc, tượng trưng cho chủ quyền hay quyền thế chính trị trong cuộc lễ đăng quang của nhà vua Bàlamôn hay Ấn Độ giáo và người ta che lên đầu nhà vua khi ông ta bước lên trên ngai vua. Một nhà tu làm lễ đăng quang là điều kiện tất yếu tiên quyết cho sự thi hành quyền thế của vua. (Indian political thought from Manu to Gandhi – The White Umbrella by D.Mackenzie Brown University of California Press)

Ở đấy ta thấy ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ theo đường biển phía Tây đến, đặc tính là thần quyền chính thể và Phật giáo Tiểu thừa hay Bàlamôn, Ấn Độ giáo hơn là Phật giáo Đại thừa ở Trung Hoa từ phía Bắc xuống, Bà la môn Ấn Độ giáo gần với Tiểu thừa tìm giải thoát cho nhân thân bằng khoa sinh lý tâm lý thần thông. Còn Đại thừa có khuynh hướng luân lý xã hội. Đất Giao Chỉ thời xưa đã là nơi gặp gỡ giao lưu của hai khuynh hướng Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa để sau này kết tinh ra Phật giáo Thiền Tông của phái Trúc Lâm Tam Tổ vậy. Người ta cũng có thể chứng minh được rằng triết lý Thiền tông là dung hợp quan điểm phiếm thần Bàlamôn giáo của văn hóa Chàm với quan điểm vô thần của Phật giáo từ phía Bắc đi xuống, chỗ gặp gỡ là đất Giao Châu.

Sùng bái ma thuật – “Bệnh quỷ phải có thuốc tiên”

Đạo Tổ không những dùng quyền năng thần thông tượng trưng bằng cái Tán (nón gậy) để bảo vệ chủ quyền dân tộc mà còn kiêm cả tài Thầy Lang chữa thuốc cải tử hoàn sinh cho nhân loại nữa. Cho nên trong ý thức bình dân, gia phả thần tích làng Đa Hòa còn thêm sự tích Chử Đồng Tử kết duyên với Tây Cung Tiên nữ để cùng nhau chữa thuốc cho nhân dân.

“Một hôm Đồng Tử và Tiên Dung đi xem địa thế huyện Đông An, đến địa đầu làng Đông Đình, hốt nhiên gặp một người con gái độ 16 hay 19 tuổi, có nhan sắc chim sa cá lặn, tuyết thẹn hoa nhường, đủng đỉnh chơi ở trước chùa cổ kính. Tiên Dung trông người ấy phảng phất như tiên nữ chốn Quỳnh Dao, bèn chỏ mà bảo rằng:

- Chàng có muốn lấy nàng kia làm thứ thất không?

Đồng Tử chỉ mỉm cười, Tiên Dung biết ý, một mình đi đến trước người con gái mà hỏi:

- Nàng phải chăng là phàm hay tiên, gái phong tình chăng? Lang quân ta tư chất cao, tài bộ thông minh, nàng làm thiếp người đó xứng đáng lắm. ta tuy là một nàng công chúa con vua nhưng không có thói ghen tuông, không tính kiêu căng, được nàng kết làm chị em chẳng cũng vui lắm sao?

Người con gái trả lời:

- Không đâu nàng, ta là tiên nữ Tây Cung. Vợ chồng nàng đã học thành tiên, nay không hẹn mà gặp nhau ở đây, là tại trời hay tại người?

Tiên Dung nói:

- Tại trời, nhưng mưu sự ở người mà thành sự tại trời.

Hai người kết làm chị em, mời đến trước nơi Đồng Tử ngồi mà thì lễ cùng nhau yến tiệc vui vẻ.

Đương lúc bấy giờ ở làng Ông Đình có năm sáu xác chết đem chôn, Đồng Tử bảo Tiên Dung và Tây Cung rằng:

- Ta học được phép tiên, có thể cải tử hoàn sinh. Nay trông thấy người ta chết ta đến cứu họ sống lại, các ngươi chịu theo ta chăng?

Tây Cung nói:

- Cứu người là việc phúc lớn, chúng tôi sao lại chẳng theo?

Đồng Tử tay cầm gậy trúc, miệng đọc thần chú, lấy gậy chỉ vào cái xác chết, quả nhiên cái xác sống lại, ngồi ngay ngắn, nói năng ăn uống như thường. Ai nấy vui mừng khôn xiết, đều cúi lạy tạ, rồi rước Đồng Tử cùng Tiên Dung, Tây Cung ba vị về nhà làm lễ tạ, mọi người lại nói trong làng họ có ngoài một trăm người bất hạch bị bệnh ôn dịch.

Đồng Tử nói:

- Để họ chết đi rồi ta cứu cũng được.

Tây Cung nói:

- Lang quân cứu được người đã chết, không cứu được người ta sắp chết. Thiếp có thuật cứu được bệnh trăm vạn người.

Đồng Tử và Tiên Dung yêu cầu cho biết thuật đó. Tây Cung bèn lấy giấy trắng viết một chữ son đỏ, đốt đi hòa tan giấy vào nước trong cho bệnh nhân uống, ai cũng khỏi bệnh cả. Cứu được vài trăm người làng Ông Đình. Người già người trẻ làng ấy đều đến lạy ta mà xin làm thần tử…

Được phong và thờ ở đền làng Đa Hòa và Ông Đình:

Chử Đồng Tử thượng đẳng Đại vương chí thánh tôn thần

Tiên Dung công chúa thượng đẳng thiên tiên tôn thần.

Nội trạch Tây Cung công chúa huyền diệu tôn thần.

Từ đó về sau sinh hóa làm thánh hay tiên mãi mãi, kể là vị thứ hai trong bồn Bất Tử (Tản Viên, Phù Đồng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh) của nước Việt ta. Trải qua các triều Đinh, Lý, Trần, Lê có phù hộ cho nước, cứu dân độ thế rất linh ứng, nên đời vua nào cũng phong tên đẹp, hàng năm quốc tế hai kỳ xuân thu mãi mãi vô cùng.

Kiêng kỵ sáu chữ Đồng Tử, Tiên Dung, Tây Cung và cấm mặc hai sắc vàng và đỏ.

Ngày lành tháng mạnh xuân năm Hồng Phúc thứ nhất, Hàn Lâm Viện.

Đông Các đạo học sĩ Nguyễn Bích Phụng soạn.

Ngày tháng quý xuân năm Vĩnh hựu triều Lê, quản giám Bách thần tri diện hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiển, lại theo y bản chính sao ra.

Bát phẩm thư lại Phạm Ngọc Bình cung tả.

Đền chính Dạ Trạch ở làng Đa Hòa, tổng Mễ Sở, huyện Đông An, tám xã thờ chung”

(theo bản Thần tích xã Đa Hòa)

(Ngọc phả Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Cung thuộc triều Hùng Vương – chép theo chính bản của bộ Lễ triều Nguyễn)

Trên đây, đoạn thần thoại do nhân dân thêm vào là do cái lòng tín ngưỡng về ma thuật. Ma thuật của cái gậy và lời chú của Đồng Tử có thể cải tử hoàn sinh cho dân chúng nữa, chứ không phải chỉ đại diện cho chủ quyền quốc gia dân tộc mà thôi. Bởi thế mà có lời hưởng ứng của Tây Cung: “Cứu người là việc lớn chúng tôi sao lại chẳng theo”.

Nhưng có điều lạ là Đồng Tử chỉ cứu được người đã chết cho sống lại, chứ không cứu được người đang sống mắc bệnh sắp chết. Việc chữa bệnh này thì cái gậy với lời chú của Đồng Tử vô hiệu, lại phải nhờ đến “tàn nhang nước thải” có dấu son của Tây Cung mới chữa được. Tuy cũng là mê tín ma thuật, nhưng sao có sự phân biệt như thế? Phải chăng Đồng Tử đại diện cho nguyên lý Cha, chủ về sự sống, còn Tây Cung đại diện cho nguyên lý Mẹ, chủ về sự nuôi dưỡng, theo tục ngữ: “cha sinh mẹ dưỡng”.

Dưỡng là nuôi dưỡng, bảo vệ cho thân thể hữu hình bằng thực phẩm, còn sinh là sinh thành,  sáng tạo ra mới.

Dù sao hai nguyên lý Cha Mẹ, Kiền Khôn cũng bổ túc cho nhau như Vô hình Hữu hình, như ngụ ý cái triết lý phổ thông của dân tộc là “mư sự ở người mà thành sự tại trời”, hay là “có trời mà cũng có ta”.

Đấy là sự tích và đại khái ý nghĩa của vị Đạo Tổ Việt Nam mà Hội Chân Biên đã kết luận vào một bài thơ đề:

Tự cam vô kệ hiếu ư thân,

Tùy ngộ an bần bất hữu thân.

Trúc sách mộc đao thời tác bạn,

Sa châu thủy quốc nhật tương lân.

Tiên châu giải cấu kỳ cơ hội,

Quỳnh đảo viên thành thẳng quả nhân.

Đạo tại Thiên Nam tiên tác tổ,

Duyên lai nhất niệm khả thông thần.

Dịch:

Mình truồng cam phận, khố nhường cha.

No ấm tùy may quản chi mà.

Bến nước một cần buông có lúc.

Giang sơn riêng một bãi phù sa.

Thuyền Tiên đôi lứa duyên kỳ ngộ.

Phật đảo viên thành sạch nghiệp ta.

Đạo Tổ Trời Nam người đệ nhất.

Thần thông nhất niệm Đạo không xa.

Hội Chân Biên

Tháng tám giỗ cha: Đức thánh Trần

Với Chử Đồng Tử, dòng Đạo Nội là thuộc về đạo thần tiên, lấy sự phục hồi trạng thái tự nhiên làm giáo lý, hơn nữa lấy thuốc Tiên để chữa nhân loại cái bệnh đọa đày xuống phàm trần mà hối tiếc cảnh Thiên Thai đã lạc mất lối (paradis perdu) như chúng ta đã thấy ở trên. Nhưng kịp đến thời nhà Trần, dân tộc trải qua một cuộc thử thách khủng khiếp của quân Mông Cổ, khắp thế giới ngựa chúng dày xép từ Á sang Âu, đi đến đâu ngọn cỏ không còn. Ông “Tướng nhà trời” mà nhân dân Việt Nam cầu khẩn phen này, không phải xa xăm như Đổng Thiên Vương, mà là vị anh hùng lịch sử hẳn hoi, chiến công oanh liệt chẳng kém phần kỳ tích, ấy là Trần Hưng Đạo Đại vương vậy. Tuy sự nghiệp và thân thế ngài còn ghi trong sử sách chính xác, nhưng kỳ tích của ngài đã được nhân dân thần thánh hóa làm vị Tổ của dòng Đạo Nội thay thế cho Chử Đồng Tử thụôc dòng đạo Tiên thuần tuý. Dòng Đạo Nội này theo E.Nordemann công nhận là một “tôn giáo Việt Nam, nửa thuộc Khổng giáo, nửa thuộc Lão giáo, xuất hiện vào thế kỷ XIII sau trận chiến tranh độc lập do Hưng Đạo lãnh đạo chống với quân Tàu xâm lăng do Ô Mã Nhi chỉ huy. Cuộc tranh đấu hơn mươi năm khốc liệt đẫm máu. Tướng quân Việt Nam thắng trận. Từ  thời ấy trở đi Hưng Đạo ngoài huân dự Khổng giáo triều đình ban dâng, còn được hưởng sự sùng bái của nhân dân trong dòng Nội Đạo, bên cạnh Đức Ngọc Hoàng, cùng với con trai, con gái, con rể và hai quan hầu cận. Sự sùng bái này phải nhận là không hẳn dâng lên cho người anh hùng quý phái ái quốc đã giải cứu được cho Tổ quốc khỏi ách ngoại lai, mà để dâng lên cho vị thần thông mãnh liệt kinh hồn danh tiếng vô địch. Còn Ô Mã Nhi với lũ quân cướp phá đồi bại thì tín đồ Nội Đạo lấy làm tượng trưng cho ma quỷ tàn ác, tác hại mà luôn luôn họ phải cầu khẩn đến Hưng Đạo với chư tướng của ngài để khử trừ.

Đạo Nội này liên hệ mật thiết với Khổng giáo về vũ trụ quan luân lý, cách thưởng phạt và tín ngưỡng về đời sống bên kia thế giới. Nó liên hệ như Lão giáo phần nào về chư vị thần linh, cũng như hình thức nghi lễ thờ cúng tại các đền, các điện. Nó cũng gần với Lão giáo về tục bắt tà bắt ma, nhưng ít dùng bùa yểm và bắt quyết. Văn cầu nguyện gồm vào ‘sáu bài gọi Văn Chầu’”.

(Chrestomathi Annamite – Edmond Nordemann, Hanoi-Haiphong Imprimerie Extrême-Orient 1977)

Trên đây chúng ta nhận thấy có sự biến chuyển, tiến hóa của hai dòng tín ngưỡng cổ lai của dân tộc là tín ngưỡng thần tiên với tín ngưỡng tổ tiên dần dần hợp vào làm một ở tục sùng bái anh hùng dân tộc, biểu lộ rõ rệt ở Việt Điện U Linh tập của Lý Tế Xuyên:

“Vương họ Trần tên Quốc Tuấn, con An Sinh Vương Liễu, phong tước là Hưng Đạo Đại Vương.

An Sinh Vương cùng vua Thái Tông có hiềm khích; lúc ông sắp chết, cầm tay Vương trối rằng:

- Mày hãy vì ta lấy cho được thiên hạ, nếu không thì ta chết chẳng nhắm mắt.

Vương tuy vâng dạ nhưng trong lòng không lấy làm phải, mỗi khi làm gì thì hết sức cẩn thận.

Khoảng năm Trùng Hưng, Vương hai lần đánh lui quân Nguyên, làm võ công bậc nhất lúc ấy. Đến khi Vương mất, vua lập đền thờ, mỗi khi có giặc đến cướp phá thì lấy gươm thời trong đền ra đánh đều được đại thắng.

Vương trị bệnh tà Phạm Nhan rất linh nghiệm.

Phạm Nhan miếu tại huyện Đông Hồ làng An Bài, sông Lương Giang. Tục truyền rằng: Phạm Nhạn họ Nguyễn tên Bá Linh, cha là khách buôn tỉnh Quảng Đông, mẹ là người làng An Bài nước ta, đậu tiến sĩ nhà Nguyên, giỏi thuật phù thuỷ, thường lén vào hậu cung làm sự bất chính, bị bắt được, sắp đem đi chém nhưng vừa gặp lúc nhà Nguyên qua đánh ta nên Bá Linh tình nguyện xin làm hướng đạo để chuộc tội. Nhà Nguyên thuận cho. Trận đánh sông Bạch Đằng, Bá Linh bị Vương bắt sống, đem chém ở làng mẹ, quăng đầu xuống sông; có hai người kẻ chài cứ chài được đầu lâu mãi, mới van vái rằng:

- Nếu như có linh thì giúp bọn chúng tôi chài cá cho thật nhiều, chúng tôi sẽ chôn cất hẳn hoi.

Quả nhiên ngày ấy họ chài được rất nhiều cá, nhiều gấp mấy ngày trước, mới đem đầu lâu lên bờ chôn cất. Hai người kẻ chái thường van vái mời Bá Linh đi theo thuyền chài chơi, lâu thành ra quen. Bá Linh thường chỉ đàn bà bảo hai người ấy ghẹo chơi thì đều được cả. hai người mới lập đền thờ phụng.

Trước kia, Bá Linh sắp bị chém có hỏi Vương rằng:

- Bây giờ Vương cho tôi ăn gì?

Vương giận bảo rằng:

- Cho mày ăn sản huyết của đàn bà.

Sau khi chết, Bá Linh đi khắp trong nước, hễ gặp chỗ nào có sản phụ là theo ngay và tức thì người đàn bà ấy mê man bất tỉnh, thuốc men không thể chữa được. Nhà bệnh đến đền Vương cầu đảo, lấy chiếu cũ ở trong đền thình lình đắp lên người bệnh hay trải cho người bệnh nằm, và lấy tàn nhang nước thải cho uống thì lập tức lành ngay, có người mới đem chiếu về đến nhà là đã lành rồi, anh linh kỳ nghiệm như thế cả.” (Việt Điện U Linh Tập - Lý Tế Xuyên. Bản dịch của Lê Hữu Mục - Khai Trí)

Trên đây là sự thần thoại hóa một nhân vật lịch sử theo tín ngưỡng bình dân, đủ chứng minh nhân dân sùng bái ở đức thánh Trần cái quyền năng ma thuật chữa bệnh, trừ tà hơn là tinh thần ái quốc vì nước vì dân của ngài. Nhưng sở dĩ nhân dân mê tín quyền năng ma thuật, cũng là phân biệt chính với tà, và bao giờ ta cũng sợ chính. Song lấy gì để phân biệt chính với tà? Ấy là sự Vương không tuân theo lời trối trăng của cha đòi báo thù mối hiềm khích với Trần Thái Tông. Mối hiềm khích ấy chỉ thuộc về cá nhân, mà lấy thiên hạ quốc gia làm công. Vì từ bỏ công thì xưa nay không ai tin là chính nghĩa, cho nên Vương đã không cho đấy là đạo Hiếu chân chính. Đấy cái lòng chí công vô tư của bậc anh hùng cứu quốc ở Vương quang minh chính đại như thế, cho nên “tà bất cảm phạm chính” và “kính thắng bách tà” đã hiển nhiên vậy.

Và lời tiếm bình ở nhà Nho chính thống, Thượng thư Cao Huy Hiệu, tiến sĩ năm 1715:

“Vương là dòng dõi họ Đông A, chịu lời trối của cha là An Sinh Vương nhưng không chịu theo loạn mệnh, thế thì ở nhà là hiếu tử. Gặp biến loạn ở Trùng Chưng mà lập công lớn thì ở nước là trung thần, duy trung duy hiếu, mới che nổi cái lỗi của Tiền nhân. Công trùm thiên hạ, ngôi tột nhân thần, tiếng vang hoa di, sau khi chết lại được muôn đời huyết thực.”

Ở đây hai chữ Trung Hiếu được đề cao, nhắc nhở chúng ta lời thề của quân thần nhà Lý trước đền Đồng Cổ, đủ tỏ ý thức dân tộc Vật tổ ngấm ngầm tiềm tàng đã phối hợp với quyền năng ma thuật vật linh. Và thần thoại “con người tự nhiên” ở đôi lứa Tiên Dung và Chử Đồng Tử đại diện cho cái hoài niệm “tái đáo Thiên Thai” đã nhường chỗ ở đây cho quyền năng ma thuật chữa bệnh, một thứ bệnh thuộc về tình dục (sexualité) của thai nghén sản phụ. Phải chăng vì tình dục mà con người “tự nhiên” đã bị sa đọa xuống trần gian đau khổ?

Và lời tiếm bình tiếp tục trình bày cho chúng ta thấy cái hình ảnh dũng mãnh của Hưng Đạo Đại vương đại diện cho sự phối hợp nhất trí giữa quyền năng dân tộc với quyền năng thiên nhiên, tuy oai linh hùng dũng đáng sợ cũng không quên mục đích nối Bồng Lai tình cảm với Nam Giao trần thế: “Nước Mông Cổ quật khởi ở phương Bắc, nuốt nước Linh Hạ, uy hiếp Cường Kim, đánh úp nhà Cự Tống, mang cung tên đến đâu thì các nước ngoài núi biển đều trông gió mà tan vỡ, đem quân sang Nam ào ào như núi lở sông băng, gió rung mây cuốn; Vương chỉ một nhóm tàn quân dám ra chống cự, khác nào như núi Thái Sơn đè trứng, thế mà một hồi trông sông Bạch Đằng, quân Mông Cổ phơi thây nghìn dặm, há chẳng phải là việc hiếm có ở trời đất sao? Không những có công lớn với nhà Trần mà cũng có công lớn với thiên hạ đời sau nữa, nếu không có Hưng Đạo Đại Vương thì nước Nam Giao đã phải để tóc đuôisam rồi vậy.

Bây giờ miếu của Vương ở giáp giới Phụng Nhãn và Chí Linh; làng Vạn Kiếp, làng Lạn Sơn hai làng phụng sự, đất ấy gần Cổ Phao, đồ sộ thiên nhan vạn hác; miếu ở lưng chừng núi, tả hữu có núi Nam Tào, Bắc Đẩu, mặt ngó xuống sông Hựu Giang, cây cỏ um tùm, đứng xa mà trông rõ ràng như một thắng cảnh ở Bồng Lai, xa gần đến cầu đảo, trên đường đông như dệt.”

(Thượng Thư Cao Huy Diệu 1715)

Đối với nhân dân, sự nghiệp anh hùng kỳ tích ấy, phải đặt vào trong cái vũ trụ khai tịch có tính cách thần linh huyền diệu siêu phàm như tín ngưỡng của chúng đòi hỏi. Cái vũ trụ khai tịch (cosmogonie) ấy thuộc về đạo Đồng Cốt cùng Đạo Nội và Đạo Lão, trong đó tất cả hiện tượng thiên nhiên đều được thần hóa: nào là thần Ngũ Hổ, thần Hà Bá, thần Địa Linh, tóm lại các chư vị mà trên hết có Ngọc Hoàng ngự trị thiên cung, cai quản vũ trụ vạn vật thường đồng hóa với Đế Thích (Indra) của Bàlamôn giáo và Nho giáo. Giúp việc Ngọc Hoàng có bốn Thiên Vương, coi bốn phương trời, ngự trên bốn linh. Nhân vật sống trong cõi này với nước cam lộ, nhưng không phải vĩnh cửu. Linh hồn còn có thể giáng trần, hoặc tái sinh. Bởi thế mà trong sự tích của Hưng Đạo Vương mới có linh tích của nhân dân tín đồ Đạo Nội:

“Bấy giờ có một người tên là Nguyễn Sĩ Thành đã chết mà lại hồi sinh, mọi người hỏi chuyện đầu đuôi, Thành kể rằng:

- Tôi thấy hai người lực sĩ bảo tôi thay áo, rồi dắt tôi đến một thành vàng cửa ngọc tựa như Quỳnh Điện, Dao Đài. Tôi ngước mắt nhìn thì là một đám mây đỏ nâng đỡ ngự tọa đức Ngọc Hoàng, phía Tây có tiên đồng đứng chầu, những vị cầm hộp ngọc đứng dưới thềm có hàng ngàn. Bỗng ở bên tả ban có một viên đứng ra tâu rằng:

- Người con gái họ Nguyễn ở hạt Đông Triều xứ Nam Giao làm vợ người lái buôn mộng thấy giao hợp với giao long, sau sinh con tất sẽ làm loạn xứ ấy. (Tức là Nguyễn Bá Linh đã nói ở trên, tục gọi là Phạm Nhan).

Ngọc Hoàng nghe lời tâu tức thì sai Thanh tiên đồng tử giáng sinh xuống trần để dẹp loạn. Bỗng thấy một viên ở trong điện tiến ra dần một cây bài ngọc đi trước, trên mặt bài đề hai chữ “sắc giáng”. Rồi thấy bọn kim đồng ngọc nữ xúm xít đầy cỗ xe mây của thanh tiên xuống phương Nam. Tôi thấy thế sợ hãi vội vàng định lánh ẩn, thì hai lực sĩ ở bên vẫy tôi lui ra, thế là dần dần tỉnh lại không biết là việc gì.

Mọi người nghe chuyện ai nấy cho là lạ.

Sách Việt Điện U Linh có chép rằng: “Năm đầu nhà Trần, về khoảng ranh giới hai đạo Dực, Chẩn phía Đông Nam thường có một làn khí trắng bốc lên ngất trời. Vị thần núi Tản Viên trông thấy biết mai sau sẽ có ngoại nạn, bèn tâu với Thượng Đế trên Thiên Đình. Ngài trầm tư hồi lâu mới tuyên dụ rằng:

- Mọi người tả hữu ai có thể vì Trẫm quét sạch cái luồng hơi trắng ấy, Trẫm sẽ ban cho Long thiên thần kiếm với cây cờ quả ấn cùng là tam bảo của Lão tử với ngũ tài của Thái công… giáng sinh vào một nhà thân vương, làm một bậc danh tướng đời trung hưng. Sau khi quy hóa có tiếng danh thần, chuyên coi giữ việc phúc đức, con cháu đời đời ở nhân gian.

Ngay khi ấy có Thanh tiên đồng tử xin đi. Thượng Đế bèn ban cho một cây thần kiếm.

So sánh chuyện này với chuyện chiêm bao ở trên giống nhau làm vậy”.

(Trần Gia Điển Tích Thông biên)

Và trong Văn chầu đọc theo giọng hát, nhịp đàn cầu cúng, chúng ta nhận thấy bên cạnh Trần Hiển Thánh luyện văn có cả ngũ hổ tướng quân luyện văn võ ra cả một cảnh thiên đường, địa ngục, trần gian như sau:

Trần Hiển Thánh

Thuở nhà Trần mở mang Bắc trực,

Đất Thiên Trường, Tức Mặc hưng vương,

Ngàn năm quân tể minh lương,

Trời sinh thánh tướng khác thường người ta.

Ấy lúc trước thánh bà kỳ vọng,

Thực Tiên đồng ứng mộng phân minh,

Vừa năm Nhâm Tý hàng canh,

Mùng mười, tháng chạp (10-12) giáng sinh giờ dần.

Khi trưởng đại chuyên cần học thức,

Quyền Thi, Thư chứa chất năm xe.

Kể chi những chuyện xa xa.

Đem câu trung hiếu trác ma trong lòng.

Hoặc có lúc vào trong nội thị,

Chốn kinh diên đạo vị giảng đàm,

Những câu nghĩa lý uyên thâm

Tâm thần linh dược để làm kinh luân.

Hoặc có lúc binh trần vũ diện

Tay cung tên tập luyện tung hoành.

Lại đem thao lược giảng minh,

Thế lòng Trương Tử, nức tình Thái Công;

Những binh thư dò thông mấy bộ,

Dẫu Tôn Ngô tài bộ nào thua,

Phong vân long hổ trận đồ,

Tấm lòng đó tỏ giặc đồ há dung.

Vừa gặp lúc sóng lồng cửa bể,

Vua nhà Nguyên bễ nghễ Nam bang,

Tiền doanh Ô Mã, Phạm Nhan,

Tàu ba trăm chiếc duyên giang kéo vào;

Quân năm ức lao xao hồ mã,

Trên triều đình chiếu hạ tiến công.

Mấy phen có đức thánh ông,

Vua sai lĩnh ấn Nguyên Nhung đứng đầu.

Các bộ tướng theo sau hộ chiến,

Theo trung quân tứ diện bình Nguyên,

Đằng giang các trại tiến lên,

Thuỷ có bộ nọ mũi tên giáo trường,

Quân tả hữu dương trường tróc hoạch,

Quân tiền hậu quét sạch hung tinh,

Trên tiền bắt được Bá Linh,

Phân làm ba khúc dấn mình trường giang.

Còn những lúc tiểu quan, tàn tốt,

Xá cho về bản quốc điền dinh.

Cờ đào tiệp báo Đế Đình,

Khải hoàn chiến sĩ tưng bừng tiến công.

Chúc lớn nhỏ vinh phong các tướng,

Đức Thánh Ông tiến trước Đại vương.

Thực là dòng dõi Ngân Hoàng,

Một nhà vinh hiển bốn phương vang lừng.

Nào biết chuyện chín tầng cao thẳm,

Xe Than vương về thẳng Bồng Chu;

Đôi mươi (20) tháng tám (8) mùa thu,

Phật đâu mãn quả, Tiên đâu đầy thuyền.

Tưởng công đức sinh tiến đó tá,

Chốn Dược sơn Hạc hóa còn truyền.

Cùng trong Vạn Kiếp đất liền,

Dựng chùa ở giữa thiên nhiên vững vàng.

Sông sáu đầu (Lục Đầu) mấy làn nước chảy,

Ngoài mặt thuyền khắc thấy hợp giao

Đôi bên Long Hổ núi cao,

Người rằng Bắc đẩu, Nam tào chầu sang,

Trông bốn mặt mấy ngàn sơn thuỷ,

Tay Hóa công sáng thủy cũng hay.

Đất lành chung dục ngày nay

Tách ngoài tang hải ở ngay thạch bàn.

Người chiêm bái mấy ngàn thiện tín,

Phép uy linh nức tiếng Bắc Nam

Cứu người phải bệnh ma làm,

Hoặc người lại có Phạm Nhan ra hình.

Cứu những kẻ hữu sinh vô dưỡng

Hoặc có người lại vướng tiền oan,

Các nhà phụng sự lửa hương,

Xin rằng trắc giáng trước đàn chứng minh.

Cho lấy chữ khang minh phú quý,

Lại cho xin đa cử, đa tôn,

Ngày nay hưng vượng gia môn,

Tiến lên cõi thọ trường tồn phúc cơ.

Trên đây xưng tụng công đức Hưng Đạo đã được hiển thánh với hai chữ Trung Hiếu thực hiện đến cùng cực, khiến cho chết đi ở thể xác, còn lại tinh anh phối hợp với trời đất non sông mà trường tồn. Vì ngài là vị tướng hiển thánh cho nên oai linh của ngài sai khiến chỉ huy tất cả nguyên lực tạo thành muôn vật trên thế gian. Nguyên lực ấy gồm có năm: ngũ hành cụ thể hóa một cách tượng trưng vào ngũ hổ ngụ cái sức dũng mãnh như một tướng quân để phục dịch Đức thánh Ông tức Hưng Đạo Đại vương vậy. Bởi vậy sau khi đọc văn chầu Hiển thánh, thường đọc đến văn chầu Ngũ Hổ Tướng Quân.

Ngũ Hổ Tướng Quân Luyện Văn.

Tướng ngũ hổ hiên ngang khí vũ,

Mặt anh hùng đứng chủ sơn lâm,

Rong chơi nước trí, non nhân,

Bao nhiêu bách thú trước sân cúi đầu.

Luyến tiên cảnh, Bồng Châu đi lại,

Sang Phật đài tự tại Như Lai.

Hoặc khi qua chốn thảo lai,

Khi lên Vạn Kiếp, khi ngoài Đằng Giang,

Hoặc khi về Thiên Trường cảnh cũ,

Hoặc khi sang tìm thú vạn an,

Đào hoa ở chốn Dược sơn,

Cỏ cây xanh ngắt bàn hoàn sơn trang.

Trong hổ phúc thâm tàng binh giáp,

Lúc dương uy chấn tác qua nha.

Tai nghe nghìn dặp xa xa,

Ai mà thỉnh đến đều là cấp lai

Thoát chân hình, trần ai biến tướng,

Hiện làm thần giao trượng thiên uy

Đàn tiên khâm phụng lệnh kỳ

Vâng theo Đức thánh xa đi chiến trường.

Quân ức vạn hàng hàng dũng mãnh,

Ra năm phương phụng mệnh thiên đình.

Tả kỳ, hữu kiếm uy linh

Khu tà, trực quỷ nức danh sơn hà.

Tướng Thanh Hổ đóng ra Đông hướng,

Ngọn cờ xanh vẽ tượng cơ tinh.

Giáo trường, vố sắt đầy doanh,

Bắt loài quỷ mộc đêm thanh hiện hình.

Tướng Bạch Hổ binh hành cờ trắng,

Cõi Tây giao trọng trấn quân doanh,

Những loài cốt khí hôi tanh,

Lệnh truyền bộ ngũ tan tành như gio.

Tướng Xích Hổ phất ra cờ đỏ,

Mặt Viêm Phương chấn nộ hỏa công.

Thạch tinh bắt được thiêu hồng

Đâu là chẳng khiếp uy phong khác thường.

Tướng Hắc Hổ đóng sang Bắc trại,

Trừ những loài hành hại sinh linh,

Gươm trường súng lớn tề chinh,

Huyên kỳ kéo đến yêu tinh thất thần.

Tướng Hoàng Hổ trung tâm điều độ

Chiếc cờ vàng thẳng trỏ nghiêm minh.

Khi mà tịch ấn đem binh,

Uy như lẫm liệt chấn kinh xa gần.

Lúc hội đồng binh Trần năm đạo,

Trừ gian tà hung bạo xưa nay,

Thổ tinh, thổ quỷ đã đầy,

Phạm Nhan nghịch đảng là tay khu trừ.

Phan Bá Linh đầu như giang khúc,

Đem Mã Nhi giao ngục Phong đô.

Chúng tà phải lánh sơn su,

Thuỷ tề sóng lặng, hoa cù ngày xuân.

Năm quan tướng vì dân trừ hại,

Ai là không vọng bái thâm ân.

Bút Thiên Tào nguyên huân đã chép,

Chốn nhân gian cùng khiếp uy linh,

Trước đàn xin thấu kính thành,

Để cho đệ tử an ninh  một nhà.

Trên đây là cả một vũ trụ quan Ngũ hành, biểu diễn theo quá trình biện chứng sinh, khắc, chế, hóa mà tín đồ Đạo Nội đã mượn danh từ Ngũ Hỗ thay thế tượng trưng. Theo đấy thì tất cả thế giới sự vật hữu hình chỉ là tượng trưng cho một sinh lực biến hóa ra thiên hình vạn trạng trên ba bình diện hay Tam giới của nhà Phật hay Cửu thiên của Lão giáo, Tam tài của nhà Nho.

Có một sinh lực phân hóa ra hai khuynh hướng hay khí Âm Dương, mỗi khí Âm, khí Dương lại phân hóa ra Bốn Hành với Hành Tổng hợp là năm. Ngũ hành ấy là Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ, tương đương với ngũ sắc là Bạch, Thanh, Hắc, Xích, Hoàng, tác dụng với hiệu lực cụ thể tương đương với sức mạnh của Ngũ Hổ ngự trị ở khắp không gian Đông, Tây, Nam, Bắc và Chính trung. Vậy chữ Hổ ở đây chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho sức mạnh, như Hổ tướng, tay Long (con gái), tay Hổ (con trai) – Nam thực như Hổ – cho nên hổ chỉ về võ lực.

Trong cái vũ trụ ấy tất cả đều liên quan với nhau, nhưng theo luân lý loại tự cho nên có những nhóm động tác tương đương với nhau:

"Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (Dịch)

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu - Dịch

biểu đồ phù hợp tương đương

Vũ trụ vuông tròn đại diện cho Thời Không phân phối ra bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, phù hợp với bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung Ương, nơi nhân loại sinh sống tụ họp. Bốn mùa, Bốn phương và Trung ương chính giữa đều tràn ngập một cơ bản sinh khí lưu hành phân hợp theo 5 khuynh hướng gọi là Hành; phù hợp với năm màu mà ở đây cụ thể hóa vào năm tượng trưng là Ngũ Hổ sinh khắc chế hóa lẫn nhau theo đồ biểu:

Năm Hành cấu tạo của vũ trụ sinh lực, biến hóa theo biện chứng Âm Dương Hòa, không phải là vật cá thể hoàn toàn riêng biệt, chúng chỉ là những khủng hoảng động tác hay tác dụng căn bản của một sinh lực duy nhất là Bản thể vũ trụ. Cho nên Ngũ Hành cũng có ở tại bản thân sinh lý tâm lý của ta, sở dĩ mọi người cầm tinh Hành gì thì thờ Hổ ấy.

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12

pay per click advertising

Weblinks :

 

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

 

 

free counters

Search: The Web    http://www.truclamyentu.info
un compteur pour votre site