lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Trang Thơ Kita Kha

...

Trang Thơ Văn Mặc Khách

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Nhơn

...

Trang Thơ Văn Thanh Sơn

...

Trang Thơ Văn Vĩnh Nhất Tâm

...

Trang Thơ Văn Phạm Ngọc Thái

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Thị Thanh

...

Văn Hóa Tộc Việt

...

Ủng Hộ Trúc Lâm Yên Tử - Donate

...

 

Văn Hóa Triết Học Việt Nam - Tam Giáo Đồng Nguyên

Lịch sử tư-tưởng Việt-Nam

Giáo sư Nguyễn Đăng Thục

Tập Một

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12

II

THẦN THOẠI VỚI TÍN NGƯỠNG VẬT LINH

 Ý NGHĨA VẬT TỔ (TOTEMISME)

Vật tổ (totem) là một tín ngưỡng thần bí tối cổ mà các nhà nhân loại xã hội học cận đại còn thấy lưu hành ở các xã hội bán khai của Đông Nam Á cũng như ở châu Phi. Ở các xã hội cổ sơ ấy, các phần tử trong một đoàn thể chưa tự ý thức mình là một thực tại độc lập và biệt lập với hoàn cảnh chung quanh, với đoàn thể cộng đồng. Họ sống chìm vào trong cái ý thức tập thể bàng bạc nhưng rất linh động như trong không khí của một gia đình, trong liên hệ của một Lang. Các tín ngưỡng ấy làm sức mạnh cấu kết của một đoàn thể, bắt đầu là một bộ lạc, một “lang” như dân thượng du Bắc Việt thường dùng.

Durkheim trong “La Prohibition de l’inceste” (Sự cấm kỵ loạn luân) có kết luận về sự quan sát các xã hội sơ thuỷ mà cho rằng một Lang (clan) là một nhóm cá nhân tự coi như bà con với nhau. Nhưng họ nhận nhau như thế theo cái dấu hiệu rất đặc biệt này là họ cùng mang một vật tổ (totem) chung. Vật tổ là một vật có tri giác hay không tri giác, thường là một con thú, một cái cây mà đoàn thể nhận mình thuộc về dòng dõi và dùng nó vừa làm phù hiệu (emblème) vừa làm danh hiệu chung (nomcollectif). “Nếu vật tổ là con sói thì tất cả phần tử của bộ lạchay của Lang tin mình có tổ tiên là sói và nhân thế mà chúng đều có chung cái gì sói vậy. Bởi thế mà chúng áp dụng danh hiệu vào chúng đều là sói cả”. (trang 3)

Như vậy cái tín ngưỡng thùân tuý thần bí vào một nguồn gốc chung, sự tham gia (participation) cũng thần bí của tất cả đoàn thể vào bản tính của một loại động vật hay thực vật như Sói, Gà, Rắn, Rồng v.v… đấy là nền tảng khởi thuỷ để dựng nên cái đồng nhất tính của một bộ lạc, gia tộc hay nhà Lang. Vật tổ là một loại hữu thể (être), nó cũng là một phù hiệu và một danh hiệu. Tất cả những vật ấy đều có chung một tính chất thần bí huyền nhiệm. Và chính vì có sự đồng nhất tính nguyên thuỷ ấy mà có sự cộng đồng bản tính hay dân tộc tính. Nhưng theo xã hội học thì: “tổ tiên đây không chỉ biểu hiện ra như một vị sinh đẻ ra đàn con cháu và liên hệ với nhau bằng một huyết thống duy nhất. Nó không phải gốc cây gia phả hay thế phả. Cây gia phả không bao giờ có thể vạch ra được thực sự. Tổ tiên là vị mà người ta mang ơn chung được hưởng thụ phước lành của vật tổ, ở các trường hợp mà sự tham gia vật tổ đó thực cần đến một thứ môi giới trung gian nhân vị”. (Davy- Des Clans aux Empires tr.15)

Vật Tổ Việt Nam: Con Rồng cháu Tiên

Thần thoại vật tổ Việt Nam lấy nguồn gốc dân tộc là một phức thể Rồng Tiên không đơn thuần như vật tổ các dân tộc khác: Nhật Bản dòng dõi Thần Mặt Trời, Pháp dòng dõi Gà Trống v.v…

Truyện thần thoại vật tổ Rồng Tiên ở Việt Nam rất phong phú ý nghĩa, không thể giải thích hết các phương diện. Ở đây chỉ xét về ý nghĩa có quan hệ đến một lịch sử tư tưởng triết học mà thôi.

Ở đây Rồng Tiên là hai yếu tố, hai vật thể khác nhau hợp làm một thành vật tổ thì quả đã giàu tưởng tượng.

“Long Quân bảo với Âu Cơ:

- Ta là loài Rồng, sinh trưởng ở thuỷ tộc, nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về thuỷ phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau”. (Truyện Hồng Bàng – "Lĩnh Nam Chích Quái", q.1 - Trần Thế Pháp)

Cái hình ảnh Rồng Tiên hay Lạc Hồng quả có ám ảnh tâm hồn dân tộc suốt mấy ngàn năm qua không gian và thời gian cho nên mãi gần đây còn thấy thi sĩ Việt nam hiện đại trứ danh là Tản Đà dùng làm nguồn cảm hứng:

Trời Nam cành lá la đà

Lạc Hồng cây cỗi xuân già càng xuân

Ngày xuân chúc nước mừng dân,

Ba kỳ Nam Bắc mười phân phú cường.

(Tản Đà Vận Văn)

Và qua thi ca bình dân, ca dao cũng hát:

Trứng Rồng lại nở ra Rồng

Liu điu lại nở ra dòng liu điu.

Nhưng ý nghĩa sâu rộng của thần thoại Vật tổ Rồng Tiên lấy làm thuỷ tổ của Bách Việt còn liên quan đến hai mô thức văn hóa cơ bản Á Đông là văn hóa Nho giáo phương Bắc với văn hóa Đạo giáo phương Nam mà biên giới phân khu là con sông Dương Tử (Yang-Teskiang) chảy từ Tây sng Đông cắt ngang nước Tàu làm hai khu vực địa lý khí hậu khác nhau. Theo giáo thụ La Hương Lâm sử gia Tàu danh tiếng hiện nay có chứng minh với nhiều tài liệu trong tập “Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa” rằng vật tổ của dân tộc nhà Hạ về sau bị nhà Chu, nhà Thương đánh đuổi là Rồng (Long). Như thế thì vật tổ Tiên Rồng phải là đại diện cho sự phối hợp của hai chủng tộc có hai vật tổ là vật tổ Rồng nhà Hạ với vật tổ Tiên của một bộ lạc trong hàng Bách Việt.

Nếu lại xét về lịch sử tư tưởng thì vật tổ Rồng Tiên hẳn có quan hệ với hai nền móng cổ tích lịch sử trên đất Giao Châu, địa bàn cổ xưa của Việt Nam. Hai cổ tích ấy như đã trình bày ở trên là cổ tích trống đồng của văn hóa Đông Sơn đẻ ra khuynh hướng nhân văn với tục thờ Trống Đồng coi như mệnh lệnh của Sấm Sét đại diện cho ý chí hùng mạnh của dân tộc; và cổ tích cổ mộ của văn hóa Lạch Trường và Nghi Vệ (Bắc Ninh) đại diện cho hang động hay Thiên Động là khuynh hướng thiên nhiên, thờ Thần Tiên, nguồn cảm hứng nghệ thuật và tông giáo của dân tộc.

Như vậy thì ý nghĩa vật tổ Rồng Tiên bao hàm sự phối hợp của hai khuynh hướng tâm lý căn bản của dân tộc Việt Nam là tinh thần dân tộc mạnh mẽ quật cường và tinh thần tôn giáo và nghệ thuật tâm linh. Đấy cũng là cái tinh thần tổng hợp truyền thống Việt Nam, hợp nhất nhân sinh với vũ trụ, hiện thực với siêu nhiên, đối với đạo như chúng ta sẽ thấy trong cơ cấy tổ chức chính trị Việt Nam xưa, và sinh hoạt văn hóa lấy cái Đình làm trung tâm của xã thôn.

Cái ý thức vật tổ ấy cũng đã định hướng cho văn hóa Việt Nam trải mấy ngàn năm từ Bắc chí Nam là khuynh hướng tổng hợp các trào lưu văn hóa khác nhau từ bên ngoài đến, như tinh thần quốc học Tam giáo, Nho Đạo Thích ở thời đại nhà Lý, nhà Trần. Tinh thần Tam giáo ấy dùng làm căn bản tư tưởng trong việc tuyển cử nhân tài phụng sự quốc gia, thì về siêu hình  nó quy về ba giới nhất quán:

- Thiên nhiên do Đạo-Lão đại diện.

- Nhân sinh do Khổng-Nho đại diện .

- Siêu nhiên Vũ trụ do Phật hay Thích đại diện.

Về tâm lý học nó trả lời cho ba tác dụng của bản tính nhân loại:

- Dục giới hay tình cảm do Đạo-Lão đại diện.

- Sắc giới hay tri thức do Nho-Khổng đại diện.

- Vô sắc giới hay tâm linh siêu nhiên do Phật Thích đại diện. Tinh thần Tam giáo ấy cũng là hợp nhất ba phương diện của thực tại toàn diện Chân Thiện Mỹ, hay là Trí Thức, Đạo Đức và Nghệ Thuật. Nó chính là tinh thần văn hóa truyền thống Đông Nam Á ngụ ở cái triết lý “đồng quy thù đồ” hay “l’unité dans la diversité” như Lê Quý Đôn đã nhận định.

THẦN THOẠI SƠN TINH THỦY TINH

Thần thoại này hình như thuộc chung cho các dân tộc Đông Nam Á ngụ một quan niệm vũ trụ lưỡng sinh là hai thế lực chống đối núi và nước, lục địa và hải tân, giống có cánh chống với giống ở nước, dân sơn cước với dân thuỷ thủ. Chúng càng minh chứng cho ý nghĩa vật tổ Rồng Tiên trên đây. Ở Việt Nam thần thoại ấy được hợp nhất vào vời thần thoại Rồng Tiên để làm nguồn cảm hứng cho tư tưởng địa linh, lấy núi Tản Viên là tổ sơn của dân tộc quốc gia như sau: “Xưa kia vua Lạc Long cưới nàng Âu Cơ sinh hạ được một bọc trăm trứng, Long quân đem năm mươi trai về biển, năm mươi trai theo mẹ về núi, phân vị thiên hạ, hiệu là Hùng Vương, Tản Viên Sơn Đại Vương là một người con trong số năm mươi trai chia về đó. Vương từ hải quốc do cửa biển Thần Phù mà về, tìm một nơi cao ráo thanh u, dân tục thuần hậu mà ở, mới chèo thuyền từ  sông Cái (Nhị Hà) đến làng Long Đậu thành Long Biên (Thăng Long) toan muốn lưu lại đó nhưng còn có ý gì bất mãn, nên sau lại chèo thuyền từ sông Linh Giang đi lên đến làng Phiên Tân ở bờ sông Phúc Lộc. Vương trông thấy núi Tản Viên tú lệ, ba hòn sắp hàng đứng, nghiễm nhiên như vẽ; dân ở dưới núi tục chuộgn tố phác. Vương khi ấy mở một con đường thẳng như dây đàn từ làng Phiên Tân mà đến bên núi Tản Viên, đi đến Uyên Động, lại đi đến Nham Tuyền là chỗ nguồn khác, rồi lại đi lên núi Thạch Bàn đầu non Vân Mông mà ở; hoặc có khi chơi sông Chiết Giang để xem cá, phàm kinh qua đường thôn đều xây đền vũ để nghỉ ngơi. Nhân những vết chân ấy người đời sau lập đền thờ phụng, hạn thì đảo, lụt thì cầu, ngự hỏa tai, ngăn đại hạn mau hơn tiếng vang, cực kỳ linh ứng. Lại gặp ngày trời trong sáng như có hình trạng cái tàn phất phới trên hang núi, những dân ở làng phụ cận đều bảo là sơn thần xuất hiện” (Truyện núi Tản Viên – Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp, Lê Hữu Mục dịch)

Cuộc tranh chấp giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh để cướp lấy công chúa Mỵ Nương con gái Hùng Vương của dân tộc Việt nước Văn Lang đã kết thúc bằng sự thắng cuộc của Sơn Tinh. Sơn Tinh là núi Tản Viên vẫn được nhân dân coi như Tổ sơn của dân tộc cho nên còn ca dao truyền tụng:

Núi Tản Viên thắt quả bồng mà lại có thánh sinh.

Đấy là tượng trưng cho hồn nước được thờ phụng theo tín ngưỡng vật linh: “Địa linh nhân kiệt” cổ truyền Á Đông mà gần đây lãnh tụ cách mệnh quốc gia Phan Bội Châu khi điếu nhà lãnh tụ cách mạng Phan Chu Trinh đã nhắc nhở lại:

Dân địa linh con Lạc cháu Hồng

(Văn tế Phan Chu Trinh đọc tại Huế)

Tản Viên trở nên Tổ sơn của lãnh thổ đất nước là vì cái hồn nước không thể bàng bạc không vị trí nhất định mãi với thời kỳ tín ngưỡng thần bí vật tổ cho nên nó sớm cùng với dân tộc tìm định cư vào một địa bàn, ở đây là châu thổ sông Hồng Hà, sông Đà Giang. Sự tiến hóa của dân tộc bắt đầu với thời kỳ định cư vào một lãnh thổ nhất định vì lý do tín ngưỡng cũng như  vì lý do sinh hoạt kinh tế cộng đồng từ kinh tế du mục sang kinh tế nông nghiệp, đời sống của đoàn thể có tính cách bền vững hơn. Đoàn thể vật tổ bắt đầu nhường bước cho đoàn thể quốc gia với tất cả tổ chức sinh hoạt kinh tế chính trị, văn hóa xã hội của nó để trở nên một dân tộc quốc gia trưởng thành một văn hóa chi bang. Cho nên không lạ gì mà người anh hùng dân tộc họ Lý đã lấy lãnh vực địa lý định cư của dân tộc làm điều kiện tiên quyết để cổ vũ lòng ái quốc của quân sĩ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Núi sông Nam Vua nước Nam ở

Một khi lãnh vực định cư đã hoạch định thì công cuộc tổ chức bắt đầu, Lang biến thành Làng, Xã, mà vấn đề uy quyền của vai trò lãnh đạo dân tộc cũng cần phải cụ thể hóa hơn là ở trạng thái tâm lý do trống đồng được thần linh hóa thành Thần Đồng Cổ coi như uy linh tối cao, mãnh liệt  như thần Sấm, thần Sét để hàng năm quần thần đến trước đền Đồng Cổ uống máu ăn thề trung thành với Tổ Quốc.

Lê Quý Đôn chép trong sách “Kiến Văn Tiểu Lục” rằng:

“Nước nhà, vua Thái Tông nhà Lý dựng miếu thờ Thần Đồng Cổ Sơn ởo đàng sau chùa Thánh Thọ. Hàng năm cứ đến ngày mồng bốn tháng tư lập một đàn ở trước miếu này rồi dành binh linh đọc lời thề để quần thần cùng thề. Đời vua Nhân Tông thì họp quân nhân trong thiên hạ thề ở sân Long Trì.

Vua Nhân Tông lại định lệ: Hàng năm cũng theo ngày mồng bốn tháng tư, sáng sớm hôm sau, đức vua ngự ra cửa bên hữu điện Đại Minh, quần thần đều vận binh phục tới lễ hai lễ rồi lùi ra. Các quan đi đều có xe ngựa binh lính theo, đi ra lối cửa Tây thành, rồi đến hội thề ở miếu Đồng Cổ Thần. Quan Kiểm Chánh đọc lời thề rằng: “Vi thần tận trung, vi quan thanh bạch”. “Người làm bầy tôi thề giữ hết lòng trung, người làm quan thề giữ mình trong sạch”.

Thề xong, quan Tể Tướng kiểm điểm từng người: nếu ai vắng mặt phải phạt năm quan tiền.

Lễ này thời ấy cho là một lễ rất thịnh vậy”

(Lê Quý Đôn – Kiến Văn Tiểu Lục)

Đây là từ tín ngưỡng vật tổ thần bí Rồng Tiên ở thần thoại Hồng Bàng đến tín ngưỡng Địa linh thần bí ở thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh, ý thức dân tộc có vẻ ngày càng rõ rệt, tuy vẫn thần bí.

Những thần thoại này còn ngụ ý nghĩa đấu tranh giữa hai thế lực thiên nhiên là sơn và thuỷ, đất và nước, hai yếu tố đều căn bản thiết yếu cho sự thành lập một quốc gia nông nghiệp. Cuộc đấu tranh ấy lấy mục tiêu là nàng công chúa Mỵ Nương đại diện cho nòi giống Việt tộc, kết cục Sơn Tinh đã thắng cuộc mà Mỵ Nương hay Việt tộc đã về với Sơn Tinh, như thế nghĩa là khởi thuỷ dân tộc đã phải có tranh đấu để cướp từng tấc đất phù sa phì nhiêu của đồng bằng Bắc Việt với nước biển thuỷ triều Nam Hải ngõ hầu mới có được sơn hà Nam quốc để mà định cư vậy. Cũng vì cái công “khai sáng vưu nan”… “do Tổ tổng tích đức luỹ nhân” (Lê Lợi) nghĩa là “khai sáng khó khăn vất vả… do tổ tông tích chứa mãi đức tính và nhân ái” cho nên đất đai mới trở nên Địa linh mà núi Tản Viên mới thành núi Tổ vậy. Đấy cũng thuộc về đặc tính của tín ngưỡng vật linh (panthéisme, animisme) như thần thoại Tân Lang sau đây rất đặc trưng cho chủng tộc “ăn trầu răng đen” của Đông Nam Á.

TRUYỆN ĐỔNG THIÊN VƯƠNG VỚI SÙNG BÁI ANH HÙNG DÂN TỘC

Dân Việt vốn từ xưa đã có tục sùng bái Thần Tiên bất tử. Trong hàng các vị được sùng bái nhất, người ta kể nước Nam có bốn là Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Gióng, hay Đổng Thiên Vương, Chử Đạo Tổ và Tiên Mẫu Liễu Hạnh. Trong số bốn vị bất tử ấy thì Đổng Thiên Vương đã tượng trưng cho người anh hùng dân tộc lý tưởng theo quan niệm của bình dân. Ở thực tế trong lịch sử, người ấy có thể là Trưng Nữ Vương, có thể là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Lê Lợi, Quang Trung v.v… Nhưng tất cả đều thấy phản chiếu vào cái mô thức thần thoại Đổng Thiên Vương, như nông dân đất Việt đã sớm hình dung trong tâm khảm hàng năm nhắc đi nhắc lại một cách kính cẩn tôn nghiêm:

Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu

Mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng.

Hội Gióng là ngày giỗ Đức thánh Đổng Thiên Vương. Theo Lĩnh Nam Chích Quái kể thì:

“Đời Hùng Vương thứ ba, thiên hạ thái bình, dân vật đầy đủ. Ân Vương lấy sự thiếu lễ triều cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta.

Hùng Vương hay tin triệu quần thần hỏi kế hoạch đánh hay giữ. Có phương sĩ tiến đến thưa:  Không gì bằng cầu Long Vương để được âm trợ!

Hùng Vương nghe theo bèn bày đàn trai giới, đặt vàng bạc lụa là ở trên bàn, đốt hương tế trọn ba ngày thì trời mưa lớn sấm sét, chợt có một ông lão, cao hơn sáu thước mặt vuông, bụng lớn, râu mày bạc phơ, ngồi bên đường cười nói hát múa. Kẻ nhìn thấy cho là hạng người phi thường mới tâu với vua. Vua thân hành ra bái yết, mời vào trong đàn. Ông lão không ăn uống, không nói năng. Vua đến trước hỏi:

- Nay nhà Ân sắp sang đánh, được thua thế nào? Nếu ông lão có biết gì hãy xin nói lên để báo trước.

Ông lão một lúc lâu lấy thẻ bói ra thưa với vua rằng:

- Ba năm sau giặc mới đến.

Vua lại hỏi kế hoạch để đánh giặc, ông lão đáp rằng:

- Khi giặc đến, chỉnh tề khí giới, tinh luyện sĩ quân sĩ làm uy thế cho nước, rồi tìm trong thiên hạ ai là kẻ phá được giặc thì phong cho tước lộc, hễ được người ấy thì dẹp binh được giặc.

Nói xong, bay lên trời mà đi, mới biết đó là Long Quân giáng hiện.

Vừa đúng ba năm, biên binh cáo cấp có quân Ân sang. Vua theo lời ông lão nói, sai sứ đi khắp thiên hạ để tìm người dẹp giặc. Sứ giả đến hạt Vũ Ninh, làng Phù Đổng. Trong làng có một ông nhà giàu, tuổi ngoài sáu mươi, sinh được một người con trai ba tuổi không biết nói, chỉ nằm ngửa không ngồi dậy được. Bà mẹ nghe Sứ giả đến, nói bỡn với con rằng:

- Sinh đứa con này chỉ biết ăn uống, mà không biết đánh giặc để hưởng phần thưởng của triều đình để đền ơn bú mớm.

Đứa trẻ nghe mẹ, đột nhiên nói lên:

- Mẹ hãy gọi Sứ giả vào đây, hỏi xem việc gì.

Bà mẹ hoảng sợ vui mừng, báo cho láng giềng biết con mình đã biết nói:

- Con tôi đã biết nói.

Người trong làng cũng kinh lạ, mới đón sứ giả về nhà. Sứ giả hỏi:

- Mầy nhỏ bé mới biết nói, gọi ta đến làm gì?

Đứa trẻ ngồi dậy bảo Sứ giả rằng:

- Mau về tâu với vua đúc cho con ngựa sắt cao mười tám trượng, gươm sắt dài bảy trượng, một cái nón sắt, trẻ này cỡi ngựa, đội nón đánh giặc, giặc sẽ tự sợ tan, nhà vua không phải lo gì.

Sứ giả chạy về tâu vua. Vui mừng nói:

- Ta không còn phải lo nữa.

Quần thần đều nói:

- Một người đánh giặc làm sao phá được?

Vua nói:

- Đấy là Long Quân cứu ta, như lời ông lão nói trước đây, không phải thuyết suông, các ngươi chớ nghi ngờ.

Rồi vua sai người tìm sắt năm mươi cân luyện thành ngựa, gươm và nón. Sứ giả lại đem cả đến. Bà mẹ thấy mà cả sợ, lo tai vạ đến nơi. Lo sợ hỏi con. Con cười lớn mà rằng:

- Mẹ hãy lo cơm cho nhiều để con ăn, còn việc đánh giặc thì mẹ khỏi lo.

Rồi đứa trẻ lớn vọt, áo cơm hàng ngày bà mẹ cung cấp không đủ, hàng xóm phải nấu thêm, làm thịt trâu, bày rượu, bánh trái, thế mà đứa trẻ vẫn không no bụng; vải lục mặc chẳng kín thân, lại phải lấy thêm hoa cây lau mà nối vào.

Đến khi quân Ân kéo đến Trâu Sơn, đứa trẻ mới duỗi chân đứng lên, mình cao hơn mười trượng, nghểnh mũi hắt hơi hơn mười cái, rồi tuốt gươm nói to:

- Ta là Thiên tướng đây!

Rồi đội nón nhảy lên ngựa, ngựa phi như bay, múa gươm xông đến trước giặc, quan quân theo sau, dàn trận dưới núi Trâu Sơn. Quân Ấn vỡ tan, trở giáo bỏ chạy. Ân Vương bị tử trận ở Trâu Sơn, còn dư đảng sụp lạy la liệt mà kêu ràng:

- Thiên tướng, chúng tôi tất cả xin hàng.

Đứa trẻ đi trên núi Việt Sóc Sơn, cởi áo mặc, cởi ngựa bay về trời, chỉ để lại vết chân ngựa trên hòn đá dưới núi.

Hùng vương nhớ công lao, không biết báo đáp bằng gì, bèn tôn là “Phù Đổng Thiên Vương”, lập đền thờ ở vườn nhà trong làng, cấy ruộng một trăm mẫu để làm lễ xuân thu hai kỳ mỗi năm. Đời nhà Ân 27 vua, trải qua 640 năm, không dám đem bình sang xâm nhiễu nữa.

Man di bốn phương nghe được tin cũng đều đến thần phục, quy phục vào với nhà vua. Về sau vua Lý Thái Tổ phong là “Xung Thiên Thần Vương”, lập miếu tại làng Phù Đổng, bên chùa Kiến Phúc (hạt Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay), tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu đều có tế. 

Có thơ rằng:

Vệ Linh xuân thu bạch vân nhân.

Vạn tử thiên hồng diễm thế gian.

Thiết mã tại thiên danh tại sử.

Uy linh lẫm lẫm mãn giang san.

Dịch nghĩa:

Núi Vệ Linh cây xuân mây trắng che phủ

Vạn tía nghìn hồng đẹp cả thế gian.

Ngựa sắt ở trời tên ở sử.

Uy linh lẫm liệt tràn ngập giang san.

(Lĩnh Nam Chích Quái truyện, Vũ Quýnh hiệu đính)

Trên đây là sự tích thần thoại một vị anh hùng dân tộc lý tưởng của nhân dân Việt hàng năm kỷ niệm bằng một hội tế lễ linh đình, nào hát múa, tập trận giả để nhắc nhở một kỳ tích trong đời sống dân tộc hầu như đã bị thời gian làm phai mờ. Tuy nhiên, dù thần thoại hoang đường mà người dân vẫn tin như thật, vẫn nuôi trong lòng một hình ảnh linh thiêng phản chiếu tinh thần dân tộc độc lập tự cường, coi như quyền sống bất khả xâm phạm. Biết đâu không phải hình ảnh ấy đã chẳng đào tạo ra những anh hùng bằng da bằng thịt sau này?

Dù sao thì lý tưởng nông dân đã được nhắc đi nhắc lại đời nọ sang đời kia trong những câu hát nôm na, theo nhịp trống phách hết sức địa phương, mỗi khi đến ngày hội ở trước bàn thờ đức Thánh:

Thứ (thứ) sáu là (là) Hùng (á) Vương,

Nhớ (á) xưa là (là) nhớ (á) xưa,

Thứ (thứ) sáu là (là) Hùng (á) Vương,

Hai (mà) mươi là (là) tám tướng,

Tướng (tướng) cường là (là) nữ (á) nhung,

Tướng (tướng) cường là nữ (á) nhung,

Xâm (á) thương là (là) xâm (á) thương,

Cậy (cậy) thế là (là) khoe (á) hùng,

Quân (mà) sang (là, là) đóng (mà) chật,

Một (một ) vùng (là, là) Vũ Ninh

Một (một ) vùng (là, là) Vũ (á) Ninh,

Thánh (thánh) tướng (là, là) giáng (á) sinh,

Giời (á) sai (là, là) giời (á) sai,

Thánh (thánh) tướng (là, là) giáng (á) sinh.

Giáng (mà) về (là, là) Phù (mà) Đổng,

Ẩn (ẩn) hình (là, là) ai (á) hay,

Ba (ba) tuổi (là, là) thơ (á) ngây,

Mới (a) lên (là, là) mới (á) lên,

Ba (ba) tuổi (là, là) thơ (á) ngây,

Nghe (là) vua (là, là) cầu mà tướng,

Ngày (ngày) rầy (là, là) ra (á) quân,

Ngày (ngày) rầy (là, là) ra (á) quân,

Phán (phán) bảo (là, là) ân (á) cần,

Gọi (mà) sứ (là, là)gọi (mà) sứ,

Phán (phán) bảo (là, là) ân (á) cần,

Gươm (mà) vàng (là, là) ngựa (mà) sắt,

Đề (đề) binh (là, là) tức (á) thì,

Đề (đề) binh (là, là) tức (á) thì,

Khi (khi) ấy (là, là) ra (á) uy,

Thánh (á) vương (là, là) thánh (á) vương,

Khi (khi) ấy (là, là) ra (á) uy,

Nửa chiều (là, là) sấm (mà) sét,

Tức (tức) thì (là, là) giặc (á) tan,

Tức (tức) thì (là, là) giặc (á) tan,

Cổi (cổi) lại (là, là) Linh (á) Sơn,

Áo (áo) nhung (là, là) áo (á) nhung,

Cổi (cổi) lại (là, là) Linh (á) Sơn,

Thoát (mà) đà (là, là) thoát (mà) nợ,

Trần (trần) hoàn (là, là) lên (á) tiên,

Dẹp (dẹp) nước (là, là) đã (á) yên,

Giúp Vua (là, là) giúp (á) vua,

Dẹp (dẹp) nước (là, là) đã (á) yên,

Ức (á) niên (là, là) ức (á) niên,

Hương (hương) lửa (là, là) phụng (á) thờ,

Quốc (mà) dân (là, là) khang (mà) thái,

Đời (đời) nhớ (là, là) Hùng (á) Long,

Đời (đời) nhớ (là, là) Hùng (á) Long,

Ban (ban) quạt (là, là) ban (á) tàn,

Ơn (ơn) đức (là, là) bề (á) trên,

Ban (ban) quạt (là, là) ban (á) tàn,

Ban (mà) về (là, là) Hội (mà) Gióng,

Đã (đã) toan (là, là) ngày (á) rày,

Người (người) lại (là, là) ban (á) cho,

Một (mà) đôi (là, là) lồng (mà) mũ,

Ban (ban) đủ (là, là) thờ (á) thần,

Ban (ban) đủ (là, là) thờ (á) thần,

Người (người) lại (là, là) ban (á) cho,

Một (mà) đôi (là, là) chum (mà) ngô,

Đem (mà) về (là, là) rước (mà) nước,

Thờ (thờ) thánh (là, là) đại (á) vương,

Thờ (thờ) thánh (là, là) đại (á) vương,

Người (người) lại (là, là) ban (á) tiền,

Về (mà) xem (là, là) hội (mà) Gióng,

Hiệu (mà) cờ (là, là) hiệu (mà) trống

Cho (cho) chí (là, là) hiệu (á) chiêng,

Áo (áo) chít (là, là) quần (á) liền,

Rở (mà) ra (là, là) kéo (mà) hội,

Rở (mà) ra (là, là) kéo (mà) hội.

Dưới (mà) ao (là, là) múa (mà) rối,

Kéo (kéo) hội (là, là) ở (á) trên.

Xe (xe) ngựa (là, là) cửa (á) đền.

Dĩ (mà) ngưu (là, là) dịch (mà) mã,

Phù (mà) giá (là, là) thong (mà) thả.

Được (được) chữ (là, là) nhân (á) nhã,

Hội (mà) lại (là, là) kéo (á) đi,

Cho (mà) đến (là, là) quán (mà) Bạc,

Thiên (mà) hạ (là, là) nhao (mà) nhác,

Về (về) xem (là, là) hiệu (á) cờ,

Về (về) xem (là, là) hiệu (á) cờ,

Xong (mà) ba (là, là) hồi (mà) trống,

Rứt (mà) ba (là, là) hồi (mà) chiêng,

Hiệu (mà) cờ (là, là) quỳ (mà)xuống,

Đánh (đánh) ba (là, là) ván (á) liền.

Thiên (mà) hạ (là, là) lại (á) khen.

Hiệu (hiệu) cờ (là, là) khéo (mà) lắm,

Hiệu (hiệu) cờ (là, là) khéo (mà) lắm.

Qua lời hát chất phác giản dị trên đây, chúng ta thấy nông dân ca tụng hình ảnh lý tưởng của họ, hình ảnh một đứa trẻ còn nằm trong nôi, sinh ra chẳng nói chẳng cười, chợt nghe tiếng gọi cứu quốc thì bật ngay lên lời mà hưởng ứng. Đấy là ông “Tướng nhà Trời” do Tổ Long Vương báo trước sẽ xuống giúp pháp thuật cho dân tộc giữ được độc lập ở góc trời Nam. Pháp thuật ấy xuất ra tự cái tâm hồn nhiên, trong trắng, hoàn toàn tự nhiên.

Thế rồi một đi không trở lại, trả xong nợ nước, rũ sạch nợ trần, một tay khử bạo trừ hung, cứu nòi giống giúp nước, mà tước Vua không màng, lộc nước không hưởng, trút bỏ áo lại, một ngựa lên tiên. Nhà bình luận sử họckết luận:

“Sắc mà không, không mà sắc, thiền mà động, động mà thiền, quả là một vị hiệp Phật, nhập thế được, xuất thế cũng được, cứu người được, giết người cũng được. Ngày nay đền Gióng tế chay, đến Sóc tế mặn, có lẽ là bậc thái thượng không thể lấy pháp môn tầm thường mà luận chăng? Cho nên lấy công đánh giặc mà nói, nên gọi là cứu quốc anh hùng. Lấy sự ngộ Đạo mà nói, nên gọi là Ông, là Vô Ngôn Bồ Tát”

(Hà Nội 1944)

(Việt Sử Đại Toàn. Trúc Sơn – Mai Đăng Đệ)

Đấy là cái triết lý “chí công vô tư, công thành thân thoái” trong tinh thần truyền thống của dân tộc. Nó là triết lý tự nhiên như hệ thống Lão Trang, nhưng có điểm khác đặc biệt là nó công nhận tinh thần quốc gia dân tộc trong một quyền thiên nhiên và siêu nhiên của nhân loại, cho nên Đổng Thiên Vương đã hưởng ứng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà bước vào hành động nhập thế hiện sinh, cũng chém, cũng giết, chỉ có không cầu mong gì vào kết quả của hành động. Đấy là triết lý hành động vô cầu mà cận đại Nguyễn Công Trứ đã nhắc lại.

Chữ vô cầu là chữ thiên tiên,

Đem bẩm Trời, Trời cũng phải khuyên,

Khuyên khuyên chữ anh hùng yên sở ngộ.

TRUYỆN TÂY QUA HAY DƯA HẤU VỚI SỰ MÂU THUẪN
GIỮA NHÂN VĂN VỚI THIÊN NHIÊN

Người ta thường cho rằng người Việt Nam không có óc sáng tạo ra một tư tưởng nào cả, tất cả những tư tưởng của họ ngày nay là do Trung Hoa hay Ấn Độ du nhập vào, mà họ đã tiếp nhận y nguyên không có biến đổi suy nghĩ chi cả. Lời phê phán ấy thực quá đáng, vì chỉ xét qua lịch sử dân tộc Việt thì thấy ngay nó có một tinh thần độc lập rất cao, một ý chí quật cường rất mạnh. Đã có ý thức dân tộc độc lập thì làm thế nào mà lại có tinh thần nô lệ được. Nếu một số trí thức Nho Việt có quá lệ thuộc vào Nho Tàu, như Trần Nghệ Tôn đã thống trách bọn Lê Quát và Phạm Sư Mạnh, thì chính nhà vua đã phản chiếu trung thành ý thức nhân dân Việt, biết tiếp nhận tư tưởng hay của người đồng thời cũng biết suy nghĩ phê phán để châm chước, có khi ngang nhiên chống đối những ý kiến hẹp hòi thiển cận như chúng ta thấy ngay trong truyện cổ tích Dưa Hấu, thái độ của An Tiêm chống với quan niệm sai lầm của nhà vua.

Ngày xưa, đời Hùng Vương có một người tên là An Tiêm họ Mai , người ngoại quốc, mới được bảy tuổi, do thuyền buôn chở đến. Vua mua về làm đầy tớ, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan chính, nhớ biết nhiều việc. Vua đặt tên là Yển, chữ là An Tiêm và gả cho một người thiếp, sinh được một trai. Vua yêu dùng sai bảo, dần dần Yển thành giàu sang, ai cũng sợ và phục, chen nhau đem lễ vật đến biếu không thiếu thức gì. Yển sinh ra kiêu mạn, thường tự bảo rằng:

- Của cải này là vật tiền thân của ta, ta không từng trông nhờ vào ơn Vua.

Hùng Vương nghe thấy giận lắm, bảo:

- Làm thần tử mà nó không biết ơn vua, sinh lòng kiêu mạn, dám nói của cải đều là vật tiền thân của nó. Ta đem bỏ nó ra ngoài biển, ở chỗ không người, xem thử nó có còn cái vật tiền thân của nó nữa hay không?

Bèn đày Yển ra ngòai bãi cát của biển Nga Sơn, bốn bề không có người qua lại, chỉ để cho lương thực đủ dùng trong bốn năm tháng, ăn hết thì chết đói. Vợ khóc ầm lên, bảo rằng ta chắc chết ở đây không sao sống được. Tiêm nói:

- Trời đã sinh thì trời có thể nuôi sống, có lo gì?

Ở chưa bao lâu, vào khoảng tháng tư, bỗng thấy một con bạch hạc từ phương tây bay lại, đậu lên mỏm núi, kêu lên ba bốn tiếng thì có sáu bảy hạt dưa rơi trên bãi cát, đâm chồi nẩy lộc, lan ra xanh tốt, rồi kết thành trái dưa, nhiều không kể xiết.

 An Tiêm mừng rỡ nói:

- Đây không phải quái vật, chính là Trời cho để nuôi ta đó.

Bổ dưa ra ăn thì mùi vị thơm ngọt, ăn vào thì tinh thần khỏe khoắn. Rồi cứ mỗi năm vun xới, ăn không hết thì đem đổi lấy gạo nuôi vợ con. Nhưng không biết dưa ấy tên là gì, mới nhân chim tha từ phương tây đem đến nên đặt tên dưa là Tây qua. Những khách chài lưới, buôn bán, ưa mùi vị của dưa đều đem đồ hàng của mình ra đó trao đổi lấy dưa. Dân xa gần, trên rừng dưới biển tranh nhau đến mua hạt giống, bắt chước trồng tỉa khắp bốn phương. Dân bấy giờ đều suy tôn An Tiêm làm “Tây Qua phụ mẫu”, Cha Mẹ quả dưa đỏ.

Về sau, Vua nghĩ đến An Tiêm, sai sứ đến xứ An Tiêm ở hỏi thăm xem còn sống hay chết rồi. Sứ thần trở về tâu vua sự thực như thế. Vua ngậm ngùi hồi lấu nói:

- Nó bảo là vật của tiền thân thực không phải nói vu vơ vậy.

Vua bèn gọi về triều đình, trả lại quan chức cũ, cho tỳ thiếp, đặt tên chỗ An Tiêm ở là “An Tiêm Sa Châu”, tên thôn ấy gọi là Mai An, đến nay người ta hãy còn lấy dưa hấu (tây qua) để làm đồ lễ tôn thờ Tổ Tiên, Tổ Khảo. Ấy là cái tục lệ bắt đầu từ An Tiêm vậy”.

(Lĩnh Nam Chích Quái)

Trên đây hai chữ Tây Qua nghĩa đen là “dưa Tây”, nhưng nghĩa bóng lại còn là tự phương Tây lại. Phương Tây thời xưa đối với dân Việt ở miền Bắc Việt ngày nay có nghĩa là Tây Trúc nơi Đức Phật Thích Ca giáng sinh, cho nên danh từ Tây phương cực lạc ngụ ý là Thiên Đường Phật giáo, như vậy truyện Tây Qua đặt cho truyện “Dưa Hấu”, “Dưa Đỏ” đã có ngụ ý tượng trưng cho cái gì ở Ấn Độ, từ phía Tây du nhập.

An Tiêm là người ngoại quốc do thuyền buôn chở đến, như thế có thể ngờ là người Ấn hay Ba Tư, từ thưở xưa đã sớm giao dịch thông thương với đất Giao Châu theo dọc bờ biển đến Quảng Châu hay vịnh Bắc Kỳ.

Khi An Tiêm nói: “Của cải này là vật của tiền thân ta, ta không từng trông chờ vào ơn vua” (Đô thị tiền thân chi vật, bất tằng cố hữu chủ ân). Câu nói ấy rất quan trọng vì là cả một tín ngưỡng vào thuyết “luân hồi, nghiệp báo, đau khổ” của Ấn Độ cố hữu mà Thích Ca phát triển làm giáo lý căn bản của mình. Tất cả chúng sinh đã sinh ra ắt phải chết đi, đã chết đi ắt phải sinh lại, sinh sinh tử tử vô cùng tận như bánh xe quay hoài, nên gọi là vòng sinh tử luân hồi (samsara). Nhưng tử sinh, sinh tử làm nhân quả cho nhau, các việc xảy ra ở đời hiện tại là kết quả hoặc thường hoặc phạt cho việc ở kiếp trước và lại là nguyên nhân cho những việc xảy ra trong kiếp sau. Đấy là nghiệp báo (karma), vừa là nói về hành vi vừa là nói về kết quả của hành vi. Trong giáo lý căn bản của Thích Ca, thì lý đau khổ (dukha) đứng đầu, là điểm xuất phát cho Phật giáo. Có nghiệp báo (karma) nên phải luân hồi (samsara), có luân hồi nên chi khổ não (dukha). Đấy là ba động lực tạo ra thế gian, và cuộc đời mỗi người cũng do cái sức nghiệp báo ấy tạo nên cả, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Ta sinh ra kiếp này, ta mang theo cái nghiệp kiếp trước để cho nó hết hẳn đi, rồi nghiệp khác lại nổi lên, khác gì sóng bể hết lớp nhỏ đến lớp lớn, nối nhau lên xuống. Cho nên Nguyễn Du bảo:

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. (Kiều)

Đấy là tư tưởng Phật giáo về “tiền thân” mà An Tiêm nói đây ngụ ý tín ngưỡng vào cái thuyết “tiền định”, vào “mệnh số”, “trời sinh trời dưỡng”, “trời sinh voi, trời sinh cỏ” rất phổ thông của bình dân Việt Nam. Nhưng tín ngưỡng không thỏa mãn lòng báo phụ của nhà vua chuyên chế, mà theo Nho giáo thì:

Khắp cả dưới trời đâu cũng là đất nhà vua,

Đi suốt bến bờ ai không phải là bầy tôi của vua.”

(Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ,

Suất thổ chi tân mạc phi vương thần)

(Tiểu Nhã. Thơ Bắc Sơn)

Bởi vì vua là đại diện cho con Trời, “thiên tử”, thì thiên mệnh là quân mệnh có giá trị như một quyền lực tuyệt đối, cho nên tất cả thần dân phải tuân theo như con vâng lời cha mẹ. Vua cũng là ý chí của nhân dân, của xã hội, đoàn thể, cho nên ở thời cổ xưa, cá nhân chưa ý thức được mình biệt lập với ý thức cộng đồng, phải sống chết cho đoàn thể. Xã hội đoàn thể là một thế lực thần bí chi phối con người. Huống chi theo Khổng Tử, Nho giáo không để ý đến cái gì khác ngoài đời sống hiện sinh, chỉ biết sống cho đời này thôi.

Chưa biết sự sống như thế nào làm sao biết được sự chết”.

Vị tri sinh yên tri tử. (Luận ngữ)

Như thế khỏi sau chủ trương của một bầy tôi như An Tiêm tin vào kiếp trước, vào một thế lực huyền bí ngoài quyền lực xã hội quân chủ chẳng bị nhà vua bắt đi đày nếu không khép vào tội tử hình.

Nhưng nhà vua đây là một nhà vua Việt Nam, không quá độc tài chuyên chế như Tần Thuỷ Hoàng bên Tàu, cho nên còn cho phép An Tiêm được chứng nghiệm lời nói của mình, “trời sinh, trời dưỡng”, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, tức là tin vào một định mệnh vượt giới hạn của người định, dù người ấy có là ý chí của một đoàn thể, một xã hội đi nữa. Và sau khi đã dựa vào thiên nhiên mà sống còn được, không phải trông vào xã hội, thì nhà vua Việt Nam đã phục thiện mà công nhận thuyết tiền thân là có lý. Đấy là ý nghĩa ngụ trong truyện cổ tích phổ thông ở Việt Nam là truyện “Dưa Hấu”, đủ chứng tỏ dân Việt tiếp thu văn hóa ngoại lai có phê phán, suy nghĩ, chứ không phải mù quáng mà tiếp thụ:

Tiền thân là giáo lý của Phật giáo Ấn Độ.

Quân thần là giáo lý của Nho giáo Trung Hoa.

Trời sinh voi, trời sinh cỏ hay “tiền định” là kết luận của nhân dân Việt Nam vậy.

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12

pay per click advertising

Weblinks :

 

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

 

 

free counters

Search: The Web    http://www.truclamyentu.info
un compteur pour votre site