lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Lịch sử tư-tưởng Việt-Nam
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục
Tập Một
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
I
Trạng Thái Sống Tình Cảm Nông Dân
Mùa Xuân Với Đời Sống Tình Cảm Việt Nam
Mỗi khi gặp dịp “ngày hết tết đến”, trong lòng man mác bâng khuâng, bất giác nhớ đến câu Kiều, thấy phần nào mô tả được tâm trạng:
Xót thay muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
Hồn quê của tôi hiện nay đang theo ngọn mây Tần bay về Kinh Bắc hay đất Bắc Ninh, vì Bắc Ninh có tiếng là “gạo trắng nước trong, con gái đẹp”. Cái đẹp ở đây không phải cái đẹp của các cô tiểu thư nơi khuê các, má phấn môi son, tóc quăn quăn, mà là cái đẹp chất phác mộc mạc thiên nhiên của chị em thôn nữ, khuôn mặt trái xoan che trong vuông khăn mỏ quạ, da hồng vì ánh nắng, khí trời, với mái tóc dài, con mắt trong sáng như sóng nước mùa thu, sắc bén như lưỡi dao cau, như ca dao đã mô tả:
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên;
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua;
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng…
Và nhất là đẹp vì các chị em thôn nữ đất Bắc giàu tình cảm, lãng mãn:
Hỡi anh trên đường cái quan,
Dừng chân đứng lại em than vài lời.
Đi đâu vội mấy, anh ơi!
Cái quần, cái áo như người “nhà ta”!
Làm cho nhiều “yêng hùng” cũng phải mất vía vì cái tiếng:
Trai Cầu Vông, Yên Thế
Gái Nội Duệ, Cầu Lim.
Trai thì người ta nghĩ ngay đến Đề Thám, mà gái thì nghĩ đến bà chúa Chè Đặng Thị Huệ.
Nhưng sự thực nhớ đến Bắc Ninh, đối với tôi hiện nay không những chỉ vì “gạo trắng nước trong, con gái đẹp”, dù Khổng Phu Tử có nói:
“Ta chưa thấy ai yêu Đức như yêu gái đẹp vậy”.
Nhưng nhớ tới Bắc Ninh còn vì bao nhiêu cổ tính của dân tộc, nào Cổ Loa với Giếng Ngọc, nào núi Lạn Kha với chùa Vạn Phúc từ đời nhà Lý, nào Từ Sơn với đền Lý Bát Đế, nào núi Long Khám với chùa Bách Môn có kiến trúc đặc biệt, nào núi Bát Vạn với phong cảnh nhất lãm, nào núi Giạm với đền thờ Ỷ Lan, Tiên Du với chuyện Từ Thức, và Giáng Tiên và nhất là hội Lim với tục hát quan họ.
Hàng năm, cứ đến ngày 13 tháng giêng ta, các dân xã ở đây, gái Lũng Giang, Lũng Sơn, trai Tiêu, Viềng, Nưa, Bịu, mở hội ở trên núi gọi là hội Hồng Vân, vì núi Hồng Vân ở làng Lim, là từng núi thứ nhất trong năm từng núi của dãy Phật Tích, gồm có Hồng Vân, Long Khám, Hổ Khám, Bát Vạn và đỉnh cao nhất là Phật Tích. Tục truyền rằng từ đời thượng cổ, làng Lũng Giang tức là làng Lim thuộc huyện Tiên Du, cùng với làng Tam Sơn thuộc huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh, hai làng đã có giao hiếu với nhau rất là thân thiết, cho đến ngày nay họ vẫn còn giữ lời thề mà tuân theo lệ cổ. Làng Tam Sơn hàng năm cứ đến tháng giêng thì có lễ vào đám. Các kỳ mục, bô lão và tư văn thiên thứ chỉ bàn nhau mời các bô lão bên Lũng Giang. Sáng ngày 13 tháng giêng, họ họp nhau độ dăm bảy cụ ông, dăm bảy cụ bà với một số đông nam nữ có giọng hát hay, kéo nhau sang làng Tam Sơn dự hội. Bên Tam Sơn cũng cử một số đông ra tận đường cái quan đón chào. Sau khi phân ngôi chủ khách, trên dưới thứ tự, chuyện trò và chè chén vui vầy, bắt đầu có cuộc xướng hát. Lần lượt trai bên này xướng, gái bên kia họa, gái bên kia cầu trai bên này ứng, luân phiên nhau đối đáp. Lúc ấy các bô lão ngồi nghe, thưởng thức các câu hát hay giọng hát ngọt, vỗ tay ban thưởng. Cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng. Và từ bấy đến nay, hai làng cứ tuân theo tục cổ để lại cho con cháu về sau, tuy cũng đã thay đổi đi nhiều với thời gian.
Cách đây hơn 30 năm, tôi có đi xem hội này vào một buổi sáng mùa xuân sau trận mưa phùn, mặt trời hửng nắng, một thứ ánh nắng ấm áp không có chi gay gắt. Các con trai, con gái ở vào tiếp giáp huyện Tiên Du, Yên Phong khắp trong địa hạt lân cận, chị nào chị nấy bất luận có chồng hay chưa, anh nào anh nấy có vợ hay chưa vợ, nhân dịp ngày xuân, thi nhau bộ cánh để đi dự hội. Nhưng có thi nhau bộ tịch bất quá cũng chỉ là ăn mặc theo lối quê mùa, con trai áo the khăn lượt, con gái áo lụa thắt lưng chòi (xồi) dải yếm hoa đào, chít khăn mỏ quạ, trong khi đua tranh vẫn có vẻ mộc mạc tự nhiên của nông dân Bắc Việt. Họ đi từng bọn, bọn thì dăm người, bọn mười người, có bọn động đến vài ba chục, rủ nhau lũ lượt từ bờ ruộng bốn phía kéo lên núi Hồng Vân, vào chùa lễ bái hay xem lễ bái, rồi đi ra quanh chợ Cầu Lim, con trai đi đằng con trai, con gái đi đằng con gái; lượn qua lượn lại, dòm ngó thì thào nhưng không khi nào thấy hỗn độn.
Khi nào bọn họ đã “nhập nhĩ, nhập nhỡn” với bọn kia, dù quen hay lạ mặc lòng, bắt đầu dừng lại trước mặt nhau mà cất lên tiếng hát. Bắt đầu là câu hát chào hỏi nhau, trao đổi miếng trầu, vì miếng trầu là đầu câu chuyện, theo tục lệ cổ truyền của dân Việt. Đôi bên cùng nhau trao tay nhau mà mời nhau ăn trầu, liền đấy là bắt đầu lên tiếng hát. Thông thường bên con trai xướng lên trước, bên con gái họa lại sau. Cũng có khi bên con trai cố nhường bên gái, thì bấy giờ chẳng đừng được bên gái mới xướng lên để bên trai họa lại. Khúc hát có lắm giọng lên bổng xuống trầm, kéo dài a, ối i… như giọng hò ở đồng không mông quạnh, trên sườn đồi cao vọng ra rất xa nghe như đượm cái vẻ thôn dã. Họ thường hát đối với nhau, càng hát càng say sưa như mê về điệu hát, bấy giờ có lẽ bầu tình cảm đã bộc lộ một cách bồng bột nồng nàn ngoài mức thường tình.
Chúng ta phải ở đấy mới thấy được nguồn cảm hứng văn nghệ bình dân.
Nội dung lời ca, đại khái là những lời diễn đạt nam nữ ái tình, tuy chơi đùa mà vẫn có mực độ, nồng nàn mà vẫn hồn nhiên. Xin kể mấy tỉ dụ sau đây:
Hát mời trầu, mở đầu câu chuyện:
Nữ:
Gặp nhau ăn một miếng trầu,
Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào!
Nam:
Miếng trầu đã nặng là bao,
Muốn cho đông liễu, tây đào là hơn!
Nữ:
Miếng trầu kể hết nguồn cơn,
Muốn xem đây đấy thiệt hơn thế nào?
Nam:
Miếng trầu là nghĩa xướng giao,
Muốn cho đây đấy duyên vào hợp duyên!
Mời trầu xong bên nam bên nữ mới đi vào những câu hát đố:
Nam:
Ở đâu năm cửa nàng ơi?
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?
Sông nào bên đục bên trong?
Núi nào thắt quả bồng mà có thánh sinh?
Đền nào thiêng nhất xứ Thanh?
Ở đâu lại có cái thành tiên xây?
Ở đâu là chín tầng mây?
Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiều vàng?
Chùa nào mà lại có hang?
Ở đâu lắm gỗ thời nàng biết không?
Ai mà xin được túi đồng?
Ở đâu mà lại có con sông Ngân Hà?
Nước nào dệt gấm thêu hoa?
Ai sinh ra cửa ra nhà nàng ơi?
Kìa ai đội đá vá trời?
Kìa ai trị thuỷ cho đời được yên?
Nữ:
Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi!
Sông Lục Đẩu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng.
Nước sông Thương bên đục bên trong.
Núi đức thánh Tản thắt quả bồng mà lại có thánh sinh.
Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh,
Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây.
Trên trời có chín tầng mây,
Dưới sông lắm nước, núi nay nhiều vàng.
Chùa Hương Tích mà lại có hang,
Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không?
Ông Khổng Minh Không xin được túi đồng,
Trên trời lại có con sông Ngân Hà.
Nước Tàu dệt gấm thêu hoa.
Ông Hữu Sào sinh ra cửa ra nhà chàng ơi!
Bà Nữ Oa đội đá vá trời,
Vua Đại Vũ trị thủy cho đời được yên.
Rồi dần dần họ đi đến những câu đố đậm đà tình ý hơn:
Nam:
Một năm là mấy tháng xuân?
Một ngày là mấy giờ Dần sớm mai?
Nữ:
Một năm là ba tháng xuân,
Một ngày có một giờ Dần sớm mai.
Nam:
Bây giờ Mận mới hỏi Đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Nữ:
Mận hỏi thì Đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!
Giọng hát cứ thế mà ngân nga, càng lúc càng cao, càng tình tứ đậm đà cho mãi đến chiều tà, bên nào thua phải mời bên được về nhà thết đãi, để rồi lại tiễn đưa ra về đến cổng làng mới chia tay, hoặc là chia tay ngay dưới chân núi, xiết bao quyến luyến dằng dai, với những lời hẹn hò tiếc nhớ, vừa đi vừa hát:
Nam:
Ấy ai dắt mối tơ mành,
Cho thuyền quen bến, cho anh quen nàng.
Nữ:
Tơ tằm đã vấn thì vương,
Đã trót dan díu thì thương nhau cùng.
Nam:
Ai về đường ấy hôm nay,
Ngựa hồng ai cưỡi, dù tay cai cầm?
Nữ:
Ngựa hồng đã có tri âm,
Dù tay đã có người cầm thì thôi!
Và sau hết là lời từ biệt gợi cảm của bên nam:
Ai về đường ấy hôm nay,
Gởi dăm điều nhớ, gởi vài điều thương.
Gởi cho đến chiếu đến giường,
Gởi cho đến chống buồng hương em nằm!
Đấy là đại khái cuộc hát quan họ, một trạng thái sinh hoạt văn nghệ nông dân Việt Nam, hoàn toàn vô tư tự động, chứ không phải chuyên nghiệp hay cầu lợi trên thị trường, mà chúng ta thường thấy ở các xã hội nông nghiệp xưa mà nay đã mất đi hầu hết.
Về nguyên lai của tục hát quan họ này cũng có nhiều thuyết. Ông Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục trong Nam Phong số 91 thì cho: “Quan họ cũng có một nghĩa, tương truyền rằng con trai, con gái họ nhà quan ở triều Lý khi xưa bày ra cuộc nhã hí để cho vua xem, về sau dân gian mới bắt chước, nghĩa ấy cũng chưa chắc đâu là phải. Lại tục gọi là “hát đúm”. Đúm nghĩa là đám, là lấy nghĩa đình đám hội hè. Ngạn ngữ có câu rằng:
Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
(Nam Phong, số 91, tr. 42)
Nghĩa ấy cũng có lẽ phải.
Ông Nguyển Đổng Chi viết trong “Cổ Văn Học Sử” thì giải thích rằng:
“Vào những ngày hội hoặc ngày tế thần thường là mùa xuân, xa ngày cấy hái, trai gái các bộ lạc, thôn ấp thường tụ tập lại một nơi, đặt ra lời vì hát ghẹo nhau, trong khi gẩy đàn, thổi sáo, đánh trống, múa nhảy hay là bày các trò vui; như lối hát quan họ ở hội Lim (Bắc Ninh), hát Dặm (Nghệ Tĩnh)”.
Thực ra, cái tục chơi xuân trong các hội hè đầu năm như tục hát đối quan họ, hát dặm hay trống quân ở xã hội Việt Nam xưa, không phải thuộc riêng cho dân tộc Việt, mà là cổ tục chung cho tất cả dân tộc nông nghiệp miền Đông Á. Các nhà khảo cổ về Á Đông như Granet hay Maspero của trường Viễn Đông Bác Cổ đã từng để lại công trình nghiên cứu sâu rộng về xã hội học văn hóa Á Đông. Và các ông cũng rất chú ý đến cái cổ tuc này. Như Maspéro chẳng hạn, đã nghiên cứu về hội đầu xuân ở Yên Bái hay là Nghĩa Lộ:
“Ngày hội ấy mở vào tháng ba, tháng tư, trước khi có hạt mưa rào và bắt đầu vào công việc đồng áng. Chỗ hội họp là động Thẩm Lệ, có tiếng là nơi linh thiêng, ngày thường không ai dám lai vãng, sợ động chạm đến quỷ thần. Nhưng đến ngày hội thì trai thanh, gái lịch, tự do kéo nhau lũ lượt vào động để hát đối, giao duyên. Từ các thôn trại rất hẻo lánh xa xôi họ rủ nhau đến. Tới cửa động, bên gái liền vào đứng xếp hàng một bên trong động, yên lặng đợi chờ. Bên trai thắp các ngọn đuốc lên, tay cầm đuốc đi diễu qua trước mặt các cô nàng, cố soi vào tận mặt để xem mặt. Khi một anh chàng đã tìm thấy ý trung nhân rồi, anh ta bèn đứng lại trước mặt nàng rồi cất tiếng hát. Nghe anh chàng xướng, hát xong, nếu cô nàng ưng ý thì liền ngồi sụp xuống đất để tỏ ý bằng lòng.
Nếu sau khi đã xướng hát rồi, chờ mãi không thấy nàng ngồi xuống, ấy là anh ta biết cô không bằng lòng, chỉ còn cách đi khỏi.
Ở trường hợp chàng được nàng ưng ý ngồi xuống rồi thì chàng liền tắt đuốc đi và cũng ngồi xuống bên cạnh nàng. Bấy giờ hai bên vịn vai nhau mà hát đối, câu hát trao tình, càng ngày càng thân mật.
Ví dụ chàng trai xướng lên:
Anh xin em,
Cho tay cầm tay,
Cho vai kề vai,
Hãy xích lại đây,
Hãy sát lại đây,
Dù anh chẳng được hơn người.
Em đừng ruồng rẫy cho anh đây lạnh lùng.
Để cho sa nhân mọc cạnh khóm gừng.
Hỡi người thục nữ,
Xin đừng lánh xa ra,
Trước khi em xuất gia.
Người con gái sẽ trả lời một cách nhún nhường, tự cho mình xấu không dám sánh vai với chàng quân tử, hoặc bằng cách lo lắng đến dư luận làng xóm:
Nữ:
Hỡi chàng quân tử của em ơi,
Nay em sàm sỡ
Sợ làng nước chê cười em trăng hoa.
Nam:
Này cô em cô đẹp như hoa,
Lòng anh đã quyết một nhà với cô.
Nữ:
Phận em là phận má đào,
Nên chăng trời định biết sao bây giờ,
Chẳng nên riêng chịu tiếng hư,
Hỡi người quân tử bây giờ biết tính sao?
Nam:
Đất thấp, lại trời cao.
Dù cho đến chết anh nào dám quên!
Gặp nhau đây ta hãy phỉ nguyền,
Chết đi em hóa làm nước, anh liền làm (cá) để theo em.
Chết đi em làm ruộng tư điền,
Anh chết theo làm lúa ở bên không rời.
Chết đi em làm rượu em ơi!
Anh làm cần hút rượu đời đời em chẳng xa anh
Chết đi em làm cây chàm xanh,
Anh nguyện làm khăn mặt để cho mình nhuộm ta.
Chết đi em làm cây dưa,
Anh nguyện làm cây tre ngà để em quấn vào anh.
Chết đi em làm con mi với rừng xanh,
Anh nguyện làm con lộc để theo mình từng bước em ơi!
Đến đây nàng đã cảm động mới trả lời chàng rằng:
Ai ngăn được con chim sáo nó đậu cành,
Ngăn đàn ông lấy vợ, ngăn mình lấy ta.
Con chim bay trên không, con cá lội giang hà,
Làm sao mà mắc lưỡi, ai ngăn được đàn bà có chồng con?
Một duyên, một kiếp cho vuông tròn!
Cuộc hát ở đây cũng cứ đối đáp lẫn nhau, trước còn nói xa, nói gần, nói bóng gió, về sau càng thân mật, trước còn trăng gió, sau là “không lời”.
Và tác giả giải thích hội xuân trong động Thẩm Lệ ấy rằng:
“Những hội hè ấy, nếu thiếu thì mùa màng không tốt, lúc không mọc. Chính vào lúc người ta vừa xua đuổi khí độc của mùa đông đi rồi mới có cuộc phối hợp giữa thanh niên thiếu nữ. Sự phối hợp giữa họ với trời, có mục đích như khích động sự phát triển khí dương xuân. Nhờ cái đà ấy mà cái vòng thời tiết của năm mới bắt đầu, màu mỡ của đất đai mới bảo đảm. Cũng như tất cả những cuộc lễ bái tôn giáo nước Tàu xưa và hội hè mùa xuân có một tính cách tín ngưỡng rõ rệt, hội Thẩm Lệ này nhằm mục đích giúp cho điều lý vận hành của vũ trụ và nhất là giúp cho mùa xuân mở đầu cho sự phát triển của nông nghiệp”.
(Các Tôn giáo Trung Hoa, "Les Religions Chinoises", Henri Maspéro, Paris 1950, p.165)
Tóm lại tục hội hè đình đám mùa xuân ở Á Đông có cái điểm đặc biệt này là người ta tháo khoán cho sự giao dịch nam nữ, khỏi phải tôn trọng cái nguyên tắc khắc khổ của Khổng Nho “nam nữ thụ thụ bất thân”.
Đây là cơ hội độc nhất trong một năm để nam nữ tự do gặp gỡ: “Gặp tuần đố là thỏa lòng tìm hoa” (Kiều). Ở dân Trung Hoa, tục ấy còn sót lại trong Kinh Thư:
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu
Dịch:
"Quan quan tiếng gọi chim cưu,
Con trống con mái cùng ra bãi Hà
Yểu điệu thục nữ nết na
Cùng chàng quân tử mặn mà lứa đôi".
Ở nhân dân Việt Nam tục ấy còn sót lại trước đây hai ba chục năm ở các hội hè đình đám mùa xuân như hội Lim trên kia với tục hát quan họ. Ở dân miền núi phía nam nước Tàu cho đến Tây Tạng, Nhật Bản, người ta đều thấy tục ấy rất thịnh hành. Tính cách chung của tục ngày là:
a. Các câu hát bắt nguồn từ sự hát đối giữa bên nam bên nữ;
b. Những câu hát hoặc là đố lẫn nhau, hoặc tỏ tình với nhau;
c. Trong các hội hè ấy tình cảm bồng bột khác thường và đi đến tình dục, kết cục là một dịp hôn phối.
d. Hát đối thường có giữa trai của một làng với gái ở một làng khác, theo cái cổ lệ ngoại tộc kết hôn (exogamie) hay kết hôn tập thể.
Có một điểm đặc biệt đáng cho các nhà nghiên cứu sinh hoạt tình cảm, nghệ thuật, tín ngưỡng ở các xã hội nông nghiệp Á Đông là cái vòng tuần hoàn thời tiết hàng năm bắt đầu với mùa xuân, qua các hội hè hát múa có khuynh hướng tình dục sinh lý (fête sexuelle). Tình dục sinh lý ở đây được coi như năng lực sinh thành vũ trụ.
Thiên địa nhân uấn, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh.
= Trời đất uất kết, muôn vật hun đúc, trai gái kết tinh, muôn vật hóa sinh.
Do đấy chúng ta thấy cái lai nguyên của vũ trụ quan đặc biệt Á Đông là vũ trụ quan âm dương vậy.
“An Nam chí nguyên” của Cao Hùng Trưng trích dẫn “Giao Chỉ thông chí” nói về phong tục “lễ tết chơi xuân” trên đất Việt Nam xưa rằng:
“Đất hoang vu xa xăm, nhân dân đều đi đất, chỉ có nhà quyền quý mới đi giày dép, đi lại có võng cáng. Hàng năm ba ngày nguyên đán đều thịnh soạn cỗ bàn cúng vái tổ tiên. Trai gái chay giới hương hoa lễ Phật. Chơi trò đánh đu, đá cầu, hát múa, chuyên nhau cầu trời, kéo co dây, bên nào thắng uống rượu, bên nào thua uống nước lã.
Ngày mồng chín tháng giêng là ngày đản sinh Ngọc Hoàng, nhân dân kéo nhau ra đường xem ngắm lễ bái.
Mồng ba tháng ba là tết thượng tỵ có đủ bánh, nước cúng tổ tiên. Các quan liêu sĩ thứ uống rượu làm vui.
Mồng tám tháng tư làm lễ tắm Phật (Dục Phật), thắp nhang lễ Phật, hoa quả cúng tiên tổ.
Mồng năm tháng năm, ai nấy hái hoa lá để dành làm thuốc.
Rằm tháng bảy, làm hình mà đốt cho tổ tiên hay làm lễ Vu Lan để cúng vong linh người quá cố.
Trong hương thôn lại có cả hội đua thuyền.
Tháng tám các nhà nông giết sinh vật để cúng tế thần ruộng thần đất, có đọc kệ, bày ngẫu tượng, chơi trò leo cột, đập tay hay làm hội lễ Phật cầu phúc.
Năm hết Tết đến, ai nấy có chi tiêu cho hết, một lòng thánh kính để cúng tổ tiên rất hậu, đột pháo treo ống lệnh, ăn uống linh đình, chong đèn thâu đêm suốt sáng. Nhà nghèo lấy đêm ấy để hội họp cùng nhau, đấy là đại khái phong tục đặc biệt của nhân dân bản xứ”.
(An Nam chí nguyên – Trường Viễn Đông Bác Cổ xuất bản, Hà Nội 1931 tr.208-213)
Đấy là tài liệu lịch sử về cổ tục ngày Tết của nhân dân nông nghiệp trên đất cổ Việt Nam là đất Giao Chỉ cách đây hàng ngàn năm. Phong tục ấy còn truyền tụng mãi đến ngày nay trong lớp bình dân, qua ca dao là thứ văn chương truyền khẩu:
Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc
Tháng ba hội hè
Tháng tư trồng đậu nấu chè
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng bảy hôm rằm xá tội vong nhân
Tháng tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng
Tháng mười buôn thóc bán bông
Trở về một chạp nên công hoàn thành.
(Ca Dao)
Tất cả sinh hoạt về tinh thần cũng như vật chất, về trí thức cũng như nghệ thuật, về chính trị kinh tế cũng như tôn giáo tín ngưỡng ở xã hội nông nghiệp Á Đông xưa nay vẫn không trong vòng vũ trụ quan Âm Dương. Âm Dương khác với Vật Tâm ở điểm chính yếu này, một đàng là hai trạng thái linh nghiệm của sự sống, hai thái độ xử thế tiếp vật, hai nhịp điệu điều hòa của vận động, của một bản thể đồng nhất miên tục; còn một đằng là hai hình ảnh tinh thần, hai khái niệm trừu tượng biệt lập và đối lập, cái nọ phủ nhận cái kia, không có thể tịnh hành như hai khuynh hướng Âm Dương. Một nhà bác học về Trung Hoa văn hóa có tiếng ở thế giới hiện nay là J.Needham, trong bài diễn thuyết cho Unesco ở Paris năm 1947 có so sánh hai vũ trụ quan của phương Đông và phương Tây như sau:
“Chắc chắn quan niệm Nguyên tử đầu tiên là do người Hy Lạp có trước, nhưng tôi có thể chứng thực rằng ý niệm về ba động thực là nguyên lai ở Trung Hoa, bởi vì mỗi khi người ta thấy mô tả tác dụng của Âm Dương thì luôn luôn là một quá trình cực cao và cực thấp, khi cái nọ lên thì cái kia xuống, đấy là quan niệm về ba động. Quan niệm bản lai về nguyên tử như là gì không thể phân chia được thì thực là ý niệm của Hy Lạp hay Ấn Độ, còn ý niệm ba động có tăng có giảm, có lên có xuống, có thể gọi được là ý niệm của Trung Hoa”.
Nói đến ba động chúng ta không thể không nghĩ đến sóng nước liên tiếp lên xuống nhấp nhô trên mặt biển. Sóng lên là Dương, sóng xuống là Âm, nhô ra là Dương, lõm vào là Âm. Vậy Âm Dương chỉ là hai trạng thái vận động, hai quá trình của nước mà thôi, cho nên nó vận động từ Âm sang Dương hay từ Dương sang Âm, khác với hai khái niệm bất di bất dịch Vật với Tâm, cái gì là Tâm thì không thể là Vật, cái gì là Vật thì không thể là Tâm.
Muốn hiểu rõ cái vũ trụ quan uyển chuyển và rất phổ thông ấy của xã hội Á Đông, chúng ta không thể suy luận dài dòng, càng làm cho khó hiểu thêm, chúng ta chỉ cần trở lại sống ngày Tết đầu năm của nông dân Việt Nam, cùng với họ “ăn tết”, “chơi xuân”, “chẩy hội”.
Ngày xuân nước suối trong veo, ánh nắng ấm áp, đánh tan sương mù lạnh lẽo, công việc đồng áng tạm đình, trai gái nông thôn được rỗi rãi cùng nhau gặp gỡ ở sườn đồi, sườn núi, bờ suối bên đường, trai đứng xếp hàng thường hướng về hướng bắc sườn đồi, mạn nam dòng suối; gái đứng xếp hàng về phía nam sườn đồi, mạn bắc dòng suối, đấy là cổ tục, tùy theo chiều ánh nắng của dương quang, hay bóng râm phản chiếu. Thế rồi bên trai “xướng” lên, bên gái “họa” lại, bên trai “cầu”, bên gái “ứng” theo cái định luật của ba động Âm Dương “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Một đàn cò trắng bay chung,
Bên nam bên nữ ta cùng cất lên,
Cất lên một tiếng linh đình,
Cho loan sánh phụng, cho mình sánh ta
Cất lên một tiếng la đà,
Đàn ông hát trước, đàn bà hát sau.
Cái đàn “cò trắng bay chung” ấy, chính là đoàn thể cộng đồng của xã hội nông dân nguyên thuỷ. Bên nam, bên nữ, đàn ông, đàn bà chính là cách thức phân công đầu tiên; tuy phân chia nam nữ khác nhau mà cùng nhau xướng họa, để “loan sánh phụng”, để “mình sánh ta” đúng theo mô thức Âm Dương, khuynh hướng khác nhau mà chí hướng chung; chung một nguồn sống.
Vậy ngày hội hè mùa xuân của nông dân thường có một tinh thần thân ái, yêu sống, lạc quan và đoàn kết tập thể. Chúng ta, ai cũng nhớ rằng ngày Tết ở dân Việt sẵn có cái mỹ tục thuần phong, kiêng tất cả điều xấu, như cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, nói xấu dèm pha lẫn nhau, kiêng gắt gỏng, kiêng đòi nợ hay vay mượn. Những kẻ ngày thường thù oán đố kỵ nhau mà đến ngày Tết gặp nhau đều phải hỉ hả tha thứ cho nhau, giữ hòa khí vui vẻ với nhau để khỏi “xui”, “giận đến chết ngày tết cũng thôi”. Tục kiêng kỵ này có lẽ là dấu vết cộng đồng thân ái còn lại trong phong tục ngày xuân. Thưở xưa, thời cộng đồng nguyên thuỷ, không phải chỉ có ngày Tết đầu xuân người ta mới thân ái cộng đồng, mà suốt năm hằng ngày các phần tử trong một đoàn thể đều phải có tinh thần đoàn kết cộng đồng vậy:
Bầu ơi, thương lấy bí cùng!
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Bầu bí tuy khác giống như Trống Mái Nam Nữ, Âm Dương, nhưng cũng chung một giàn, một nguồn sống Âm Dương của xã hội nông nghiệp, của hoàn cảnh văn hóa thảo mộc vậy.
Cái vòng sinh hoạt Âm Dương của dân nông nghiệp, luôn luôn căn cứ theo nhịp điệu tuần hoàn của thời tiết một năm:
"Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn".
Nghĩa là mùa xuân ba tháng đầu, khí dương ấm áp, cây cỏ bắt đầu nẩy mầm đâm lộc, đến mùa hè lá tháng tư, năm, sáu khí hậu nồng nhiệt, bao nhiêu năng lực của thảo mộc đều phát xuất hết sức trưởng thành, kỳ đến mùa thu là tháng bảy, tám, chín khí hậu bắt đầu dịu dàng, thì sinh lực của thảo mộc cũng theo đấy mà thu về, kết thực mà sau hết, mùa đông lạnh giá là tháng mười, mười một, chạp, cây cỏ rụng lá, trơ cành, nhựa sống cũng co vào, đành chứa đọng lại để chờ vòng thời tiết sau lại tiếp diễn.
Cứ như thế mà quá trình sinh hoạt của con người cá nhân cũng như tập thể cộng đồng, tiến hóa theo nhịp điệu của thời tiết, con người tình cảm, trí thức cũng như ý chí theo nhịp điệu thời tiết ấy mà thích ứng điều hòa. Đấy là vòng tuần hoàn “nguyên thuỷ phản chung” (bước đầu lại quay về chỗ cuối), mới thấy tưởng là một vòng tròn, lẩn quẩn nhắc đi nhắc lại không có gì sinh thành sáng tạo gì mới mẻ. Kỳ thực tuần hoàn vòng tròn là nói về phương diện toàn thể tuyệt đối, còn ở phương diện phần bộ tương đối, hiện sinh thì luôn luôn có sự khác nhau đổi mới. Giản tiện mà nói thì đấy là một vòng tuần hoàn xoáy ốc, chứ không phải tuần hoàn đơn giản của vòng tròn. Cái tin tưởng vào sự tuần hoàn xoáy ốc ấy ngụ ý thâm trầm về triết lý nhân sinh của văn hóa đồng ruộng, văn hóa thảo mộc, là thế giới luôn luôn có biến hóa về lượng tính mà bất biến về phẩm tính, bản tính có phương diện siêu nhiên đồng nhất bất biến, đồng thời với phương diện thiên nhiên hiện thực luôn sai khác đổi thay.
Cái tin tưởng ấy đã mang lại cho tinh thần dân tộc, nhất là nông dân, một niềm lạc quan yêu đời, dù trải qua bao thử thách, đau đớn, hiểm nghèo, nào thuỷ tai, hạn hán hay chiến tranh, giặc dã, muốn tiêu diệt sự sống của cả một dân tộc.
Nhờ cái tin tưởng truyền thống của dân tộc có lạc sinh như thế cho nên qua các thời đại, gặp các cảnh ngộ éo le, các nhà tư tưởng Việt Nam vẫn thốt ra những lời thơ hy vọng.
Hoàng Quang, một danh sĩ thời Lê mạt, là thời tối tăm của lịch sử dân tộc, trong bài Hoài Nam khúc đã ngâm câu:
Đại hàn chi hậu, tất hữu dương xuân
Đại loạn chi hậu, tất hữu chi trị.
Nghĩa là:
Sau kỳ giá lạnh, ắt có mùa xuân ấm
Sau thời loạn ly, ắt có thời hòa bình.
Lại như Ngô Thời Sỹ (1726-1780), trong bài trách bần, đang vật lộn với cảnh nghèo túng cũng vẫn một giọng tin tưởng vào ngày mai tươi đẹp của luật tuần hoàn trên kia:
“Ta thường nghe dạy: cứ một mùa đông lại đến mùa xuân, khuất nào mà chẳng ruỗi. Một hồi hanh lại một hồi truân, đi đâu mà chẳng lại”.
Và gần đây trong thời đế quốc thực dân, thi sĩ Tản Đà một mình với mình, trong cảnh ngộ éo le dâu bể, bút lông bút sắt, phu cáng phu xe, nhưng vẫn tin vào tình Xuân trường cửu, tinh thần bất diệt:
Xuân bất tận, Trời cho có mãi,
Mảnh gương trong đứng lại với tình
Trăm năm ta lánh cõi trần,
Nghìn năm mình giữ tinh thần chớ phai.
(Nói chuyện với ảnh)
Tin tưởng tuần hoàn thời tiết: “Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn” trên đây tuy rất phổ biến ở các xã hội nông nhiệp của khu vực văn hóa thảo mộc, nhân dân đã sớm ý thức và phát biểu ra qua văn chương bình dân, nhưng vốn có hệ thống kỳ chú thành vũ trụ quan thì thấy rõ ở bộ kinh cổ truyền Trung Hoa là Kinh Dịch, trong đó vòng tuần hoàn bốn mùa đi lại là nguồn sống động “sinh sinh bất tức” như là cái đức tính vô hạn vĩ đại của trời đất “thiên địa chi đại đức viết sinh”.
Nguồn sống đối với dân nhà nông quả là một sự huyền diệu vô cùng, vô cùng thần bí:
“Người trồng cây lúa hành động với cách thức tương tự những cách thức ma thuật hay tôn giáo; những hành động của nó không có hiệu quả ngay. Gặp thời tiết nhấtđịnh trong một năm, tuỳ theo vị trí các ngôi sao đã định ra, nó bắt đầu làm đất, một công việc kỳ lạ không trông thấy kết quả ngay tức khắc. Trong đám đất vun xới ấy, nó đã vùi những củ hay hạt giống ăn được mà nó cần dùng để nuôi thân. Sau đấy một khi đã làm xong những công tác tập tuyền ấy, nó đợi. Nó bảo vệ khoảnh đất đã cấy hay gieo hạt bằng hàng rào và ngăn cản các giống vật khác không cho quấy nhiễu đến sự nảy nở của cái mầm hạt kia. Nó tự bảo vệ một cách tiêu cực. Một vài tháng sau nó thu hoạch gấp bội kết quả của những vật nó đã đặt xuống dưới đất”.
(René de Hetrelon – Essai sur l’origine des différences de mentalité l’Occident et l’Extrême Orient (France-Asie)
Đấy là lý do tin tưởng vào nguồn sống trường cửu với vần điệu tuần hoàn của thời tiết ở Á Đông. Cái tin tưởng vào nguồn sống lấy làm khởi điểm cho vũ trụ tạo vật, không riêng gì cho khu vực phía đông dãy Tuyết Sơn (Hymalaya) mà cả cho bên phía Tây Ấn Độ thuộc về khu vực văn hóa rừng xanh. Ở đấy nhân dân vừa nông nghiệp vừa du mục, nhưng bắt đầu du mục, cũng đặt hết tin tưởng vào nguồn sống.
“Every thing has sprung from immortal life and is vibrating with life, for life is immense” – R.Tagore (Sadhana).
“Mọi vật đều từ nguồn gốc trường cửu xuất hiện và rung động với nguồn sống thì vô hạn vô biên”.
Nhưng vòng sinh động tuần hoàn ở bên nhân dân Ấn Độ đã được tin tưởng như là vòng luân hồi của “sinh, lão, bệnh, tử” thuộc về động vật và nhân loại nhiều hơn là vòng thời tiết “Xuân, Hạ, Thu, Đông” thuộc về thiên nhiên thực vật. Song thực vật hay động vật, thiên nhiên hay nhân loại, đều lấy sự sống làm cơ bản khởi điểm. Sự sống là toàn diện, sinh lý, tâm lý, tâm linh; sự sống là đại đồng, cá nhân, xã hội, thế giới. Nó luôn luôn là một quá trình khai triển, mở mang, không phải ao tù nước đọng. Cho nên nó đã là nguyên lý căn bản của tất cả hiện hữu.
Tháng Giêng ăn tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè
Sau các hội trai gái ở hang động Thẩm Lệ Yên Bái và hội hát quan họ ở Cầu Lim, tức là núi Lim, có tính cách khích động vào nhịp sống của bốn mùa trong vòng tuần hoàn của một năm nông nghiệp:
Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn.
Mùa xuân nảy nở, mùa hạ trưởng thành, mùa thu rút về, mùa đông chứa đựng.
Chúng ta thấy xuất hiện ở nông thôn Việt Nam xưa cái cảnh tượng trẩy hội, già trẻ lũ lượt gánh gồng, người bồng người bế, bỏ nhà cửa sau luỹ tre, để tìm vào các nơi hang động có danh tiếng linh thiêng. Ở Bắc Việt hang động linh thiêng nhất có Động Hương Tích, Đền Sòng, Phố Cát, Phủ Giầy, Kiếp Bạc, Đền Hùng.
Theo lịch trình tiến hóa của đời sống tín ngưỡng bình dân nông nghiệp cổ xưa ở Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy ở động Thẩm Lệ là tình cảm ở trình độ bản năng sinh lý, đem thái độ sống hiện thực để diễn tả cái vũ trụ quan thần bí của nguồn sống tràn ngập, sống của nguời với sống của cây cỏ, trong ấy tín ngưỡng với tình dục chưa phân biệt. Ở đồi Lim với tục hát giao duyên, quan họ thì sinh dục ly khai với tín ngưỡng, mất tính cách văn nghệ. Về sau đấy là trình độ tình cảm đi đến tín ngưỡng thần bí tập thể. Cả ba trạng thái sinh hoạt tình cảm ấy vẫn lấy thiên nhiên, hang động làm bối cảnh. Cho nên có thể nói được rằng không có cảnh thiên nhiên thì người dân Việt hầu như không có hứng thú để sinh hoạt, vì thiên nhiên đối với họ là nguồn khởi hứng độc nhất cho tình cảm và tín ngưỡng vậy. Qua thiên nhiên, nhân dân nông nghiệp tìm nối lại cái nguồn sống phân hóa ra cá nhân, xã hội với các nguồn sống vũ trụ bằng các cuộc biểu diễn văn nghệ với cái tập thể như các cuộc hát giao duyên trong Động (Thẩm Lệ), trên Đồi (Đồi Lim), hay là qua những cuộc trẩy hội hành hương (Phủ Giầy, Kiếp Bạc, Hương Tích).
Về cuộc biểu diễn văn nghệ tập thể, đã trình bày ở bài “Mùa xuân với đời sống tình cảm Việt Nam”.
Nay hãy nhận xét ý nghĩa về tục trẩy hội hành hương qua thực kiện như người ta đã quan sát được.
Alfred Meynard, viết trong Revue Indochinoise – Mai 1928. về các cuộc hành hương Việt Nam ở miền Bắc như sau:
“Những tham vọng làm cho thế giới đảo điên và những điều ác làm cho nó hỗn loạn. Nhưng ở trên tất cả sự biến đổi, trong thế giới vẫn còn cái gì không biến đổi, ấy là sự cố gắng không ngừng của mọi người từ kẻ ngu đến bậc trí để thu cái vô hình vào trong giới hạn hữu hình. Xét cho kỹ thì đấy chính là ý nghĩa trọng tâm của đời sống mà tất cả hành vi cử chỉ, ý thức hay vô thức cũng chỉ là dấu hiệu vẽ trên mặt cái thần bí. Tất cả chúng ta đều biểu diễn tấn tuồng hài kịch ngắn ngủi của chúng ta trước cái màn phông rủ kín mà chúng ta buộc phải trực giác cảnh trí ở tại bên trong đàng sau bức màn. Và các đào kép đang cười cười nói nói đều cảm thấy tiếng cười tiếng nói lạnh đi dần khi khán giả bỏ ra về.
“Tôi cho rằng cái điều mâu thuẫn giữa phương Tây và phương Đông mà hiện nay người ta đang thắc mắc chẳng phải là một vấn đề phức tạp gì lắm như người ta đã tưởng. Nó quy về có một điểm là người phương Đông đem cái vô hình xuống cuộc đời hàng ngày của họ. Họ sống với thế giới thần bí ấy nhờ có những cái gì họ tưởng đã thấy được. Trái lại người Âu Tây sống bên lề cái vô hình và không thân mật với nó, phủ nhận nó nữa vì không biết có nó. Hay là nó xô vào đấy mà không nhìn.
“Cái sự mâu thuẫn ấy, ai là người biết nhìn với con mắt có thiện cảm chứ không phải thái độ nhân nhượng của kẻ tự ý đi đầy biệt xứ, thì có thể nhận thấy hàng ngày ở tại cái gì mà chúng ta khinh bỉ cho là những mê tín Việt Nam. Chúng ta làm như là trong tất cả thế giới và đối với tất cả các tín ngưỡng, những điều mê tín tôi sợ không phải là cách diễn tả tương đối cái chân lý ngoài giới hạn của người thường. Ở dân tộc Việt Nam mà tục lệ tín ngưỡng đã pha trộn và thâu tóm thần bí tâm linh của Phật giáo với chủ nghĩa ma thuật (magique) Lão giáo vào trình độ thô sơ, thì một phần hoạt động và tư duy đáng kể đã dành cho phương diện vô hình của thiên nhiên. Đời sống hàng ngày của họ đã thêu dệt bằng những đề tài tối tăm là những đề tài chính thức. Vào dịp mùa xuân có rất nhiều hội hè tượng trưng cho những quyền năng thần linh hành động trong thế giới. Và mặc dù cách thức của họ đối với chúng ta có lạc hậu đến đâu nữa, những cách thức ấy cũng bảo tồn những nghi lễ mà chúng ta thấy sự đồng nhất tính trong chủ nghĩa bí truyền của tất cả cách thờ cúng. Chẳng nói đến nghi lễ dâm dục của một số bộ lạc Thái, trà trộn thiêng liêng của tình dục nam nữ, diễn tả nhịp điều hồi xuân, trong ba tháng đầu năm của Việt Nam cũng có rất nhiều nghi lễ nhờ đấy mà người ta hợp tác với thần linh hay là bắt buộc thần linh giáng xuống sống một lúc gần người, cùng với người san sẻ những lo âu, mong mỏi.
“Ở Phố Cát trên đường từ Hà Nội đến Thanh Hóa có một số đền xa cách nhau thờ bà chúa Liễu Hạnh, con Ngọc Hoàng Thượng Đế, một trong hàng ba tiên nữ từ cõi Thiên cung Lão giáo giáng xuống giữa phàm trần. Chung quanh đền là những đồi núi rừng cây bao bọc lấy những cái hồ nước trong lặng suốt tận đáy. Khách thập phương đến hành hương đều múc nước uống sau khi dâng cúng lên các bàn thờ trên bờ hồ.
“Vào những ngày đầu tháng ba có hội đức Thánh Mẫu mà sự thờ phụng dành cho phụ nữ, những bà đồng ở vậy đồng trinh từ nhỏ đã biểu thị khả năng môi giới thần linh. Hội bà đồng, bầu lên một bà chủ tích lãnh đạo có tuổi, cùng nhau đèn nhang chăm nom bàn thờ Thánh Mẫu và tổ chức các lễ chầu có tính cách ma thuật để kỷ niệm Thánh Mẫu hay một vị thần linh của tam phủ được phụng thờ ở đây. Vào những dịp Hội, các bà đồng ở riêng một nơi theo trai giới. Người ta thường thấy các bà quanh quẩn dưới bóng bàn thờ có đèn nhang nhật dạ, để dâng mình cho bóng thần linh mà các bà tin mình là môi giới để thay mặt ban truyền lời sấm tiên tri. Chung quanh các bà ấy có bày những đức tính tượng trưng của tam phủ và khăn chầu áo ngự (đỏ, xanh, trắng), các bà này phỉa mặc tuỳ theo giá hầu kế tiếp. Một điệu nhạc buồn kèm theo lời cung vẵn đọc. Khói trầm nhang, âm thanh và vận động đảo đầu các bà đồng bốc đồng, mắt nhìn chăm chú vào một điểm sáng: các bà múa tại chỗ một vài bước ngắn run rẩy, giơ ngang cánh tay, ngón tay chỏ xuống đất. Người xung quanh lắng nghe kính cẩn những lời toàn khó hiểu.
“Ngày thứ ba hội Thánh Mẫu Liễu Hạnh, các bà đồng phải rước sách linh đình kiệu đức Mẫu từ đền nọ sang đền kia qua cánh đồng. Không có giáo hội nào tham gia vào cuộc lễ ấy mà tất cả các làng lân cận và vô số thập phương từ Bắc Việt, Trung Việt đến hành hương đều tham gia vào cả. Chiêng, trống đi trước, cờ quạt hai bên, cuộc rước bắt đầu buổi sáng từ đền giữ thần tích của Mẫu, để lại trở về đấy buổi chiều. Chỉ có bà đồng có vinh dự vác trên vai những đồ thờ: bàn thờ có hương hoa; hòm sắt đựng quần áo sặc sỡ bằng giấy, khăn, gương, lược của Thánh Mẫu, rồi kiệu võng, ngai có bài vị nơi vía ngự giáng nhất thời. Mười sáu bà đồng, mặc khăn chầu áo ngự giống nhau, đi hàng trước bước giật lùi trước kiệu Thánh. Mười sáu người nữa theo sau chung quanh võng của bà đồng chủ tịch. Các bà giơ những lư hương trầm, rắc hoa, lấy quạt che chỗ Mẫu ngự. Kiệu ở trên vai các bà đồng khoẻ mạnh, ấy là trung tâm cuộc rước. Trung tâm ấy ấn định nhịp đi. Các người mang kiệu không có vẻ vác một cái gì nặng nề, mà trái lại hình như gắn liền vào với Kiệu, làm thành phần của Kiệu vậy. Các bà buớc đi nhịp nhàng, khi chạy, khi dừng hay chậm chạp, không nhìn trước mặt, không để ý nghĩ về đường đi sẵn hay chướng ngại vật ghê gớm. Ngai của Thánh Mẫu trên vai uyển chuyển của họ hình như nhảy múa nhẹ nhàng không bao giờ tỏ ra một vận động bất ngờ như vấp chân chẳng hạn. Cứ như thế mà Liễu Hạnh dẫn dắt các con đồng một cách thúc đẩy, không có thể chống cự, lại chắc chắn và lướt đi trong rừng cờ long như có một sức mạnh oai linh, vô hình mà hiện thực. Xa trông trong bầu trời quang sáng, đám rứơc linh đình như một cuộc chạy đua rất trật tự vậy.
“Chiều về, Kiệu lại đưa vào trong đền. Các bà khiêng kiệu, trước bàn thờ nhảy múa nhịp nhàng, chân hơi động đậy, tay giơ lên khum khum, đầu ngón tay chỉ xuống đất. Bên ngoài các hàng quán lên đền và quần chúng đông nghẹt, kín đáo vui đùa chung quanh thần linh của họ”.
Trên đây là cảnh tượng trẩy hội đền Sòng hay Phố Cát thờ Thánh Mẫu đại diện nguyên lý Mẹ là bà chúa Liễu Hạnh được nhân dân tín ngưỡng như một nàng tiên hiện xuống trần gian để làm môi giới cho những lý tưởng và nguyện vọng thiên thai của giới phụ nữ bình dân Việt Nam. Tác giả lấy con mắt của một người phương Tây, đã nhận xét rất tỉ mỉ những bộ điệu, cử chỉ, diện mạo, màu sắc, âm thanh để cố cảm thông với tâm trạng đặc biệt nhất thời của tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng vào một nguồn sống trong trường cửu. Những nguồn sống ấy biểu diễn trên ba bình diện của màu sắc tượng trưng: đỏ, xanh, trắng; đỏ tượng trưng cho bản năng tính dục; xanh tượng trưng cho trạng thái trong sáng, thanh tao và trắng tượng trưng cho tâm hồn siêu hóa. Ba bình diện đó đã do đời sống của Liễu Hạnh làm môi giới. Sự tích của bà, chúng ta sẽ phân tích sau này với dòng tư tưởng Đạo nội Việt Nam. Ở đây xin hãy tiếp tục theo gót nhà khảo cổ Alfred Meynard để quan sát hội hành hương Kiếp Bạc, nơi thờ một vị anh hùng dân tộc cái thế siêu quần tượng trưng cho nguyên lý Cha của nhân dân. Ca dao nói: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Giỗ cha chính là hội đền Kiếp Bạc.
“Một quần chúng đội lễ tiến lên cửa đền giữa hai hàng quán tranh. Chúng tự thập phương đi đến trong hàng dài theo các nẻo đường hay trên các mui thuyền mà làn khói hương đã đun đẩy trên làn nước đục. Những ngày đêmt rải qua đã làm cho họ mỏi mệt. Bây giờ họ đã tới nơi, họ vội vàng bước vào cõi mộng của một đời, họ chia ra vào các cửa hàng, nào ăn, nào uống, nào hút. Một đội quân buồn tẻ, nâu sồng nặng nề chuyển động cùng một điệu như là một con vật khổng lồ. Diện mục của họ giống nhau, xấu xí như nhau không một ai có cá tính, dần dần tiến vào cửa điện. Không có gì làm cho cảnh thiên nhiên xơ xác bằng sự có mặt của một đám đông. Ở đây giữa trưa ánh sáng bị mây che làm cho bàng bạc ghê gớm, bao phủ trên tất cả sự mật một màu hí kịch. Cái đám đông người dầy đặc ấy in vào nền trời một cái bóng vô hình tai hại cũng như nó nhiễm ố vào cảnh thiên nhiên tinh khiết một mùi ô trọc. Nhưng bóng cây cổ thụ rườm rà bao bọc lấy những tiếng tự trong quần chúng nổi lên, kéo nó xuống đất và giam tác giả của chúng lại.
Đây là một cảnh tượng của thính giác:
“Một hiệu âm nhạc bất hòa và liên tiếp nổi lên trong một khung cảnh vây kín của đèn: đây là bối cảnh, hai ngôi hành lang chặn tầm con mắt hai bên, mặt trước là một tam quan với những cành đa rườm rà chằng chịt thành một mái nhà. Người ta bước vào một không khí linh động, những tiếng chặn lấy họng anh, làm choáng tai anh đồng thời vây bọc lấy anh trong bầu không khí trống rỗng và ồn ào tiến đến và không rời anh nữa. Người ta thấy ở giữa một đám mây âm hưởng giao động mà không lẫn lộn. Và người ta ngắm nhìn một thế giới lạ kỳ phát xuất ra những tiếng ồn ào như là một bức tường dày và trong suốt. Trong đám âm thanh xung đột lẫn nhau, mỗi người tự nhận ra mình trong toàn thể không ai lạc mất, tai nhận ra tiếng của trống, của chiêng, của mõ và của ống sáo lanh lảnh ở trước bàn thờ, càng như bao vây bằng một lớp âm điệu bất hòa. Trước khi nhìn hãy nghe đã. Anh cảm thấy có một sự ám ảnh: âm thanh ở đây cũng có hiệu quả của tiếng gọi thôi miên huyền ảo. Và đồng thời vừa như chìm đắm trong cái trào lưu ồn ào, bị nó xô đẩy, mỗi người dự lễ có vẻ chỉ chú ý đến phạm vi riêng của mình trong điệu hòa tấu. Từng nhóm đàn ông và đàn bà, nhóm nọ chen vào nhóm kia, phần nhiều tiều tuỵ rách rưới, cộng đồng hợp tác vào đám ồn ào choáng hồn ấy. Nào trên không trung văng vẳng điệu nhạc du dương, nào tiếng khẩn cầu, trong khi tiếng thét quan tướng, tiếng sai âm binh tan chìm vào trong. Kẻ lặn chìm choáng váng với sự chìm lặn vào trong đêm tối dày đặc để rồi mở mắt ra thấy một vũ trụ trong suốt. Khách du ngoạn đi tới thấy sự ồn ào, dừng ngắm nhìn. Có những miệng há hốc ra trước mặt họ, ghê tởm với những tiếng thốt ra đã sâu vào không trung. Khách đứng ngắm một dân tộc múa may quay cuồng. Thế giới điệu bộ biểu lộ trước mặt, phân biệt với thế giới âm thanh. Một vài bộ mặt nổi lên có thể tóm tắt đặc tính của hội lễ.
“Ở mỗi nhóm người, có một loại thầy cúng điều khiến nghi lễ: đầu y quấn trong vuông nhiễu đỏ, mắt đeo mục kính gọng đồng, miệng lẩm nhẩm không ngừng những lời nói bí hiểm. Tay phất lá cờ, hay chiếc gậy, móng tay dài, bóng vì cáu ghét. Miệng quát tháo những tiếng, những khẩu hiệu mà đệ tử nhắc lại nhỏ hơn: đây là những tên huý của tất cả ma quái có tiếng khéo ám ảnh vào thân hình người. Và kẻ nào bị chúng làm thì phải đuổi chúng ra khỏi thân hình của kẻ ấy, sợ chúng làm cho đàn bà không có con, điên cuồng, hay sinh ra những quái thai trong bụng, sợ chúng làm cho đàn ông tàn tật, lẩn thẩn. Phần nhiều những kẻ bị ma làm được đưa về đây để trừ tà bắt ma đều là phụ nữ, một con thú kinh ngạc về căn bệnh của mình. Ở mọi nhóm quây tròn mà lời hô cầu tiếp diễn, người ta thấy một thân hình mềm nhẽo nấc lên từng hồi, động đậy như một cục giẻ rách, quỳ xuống đất, đầu và mình vặn tròn quay luôn hồi không mỏi sát mặt đất. Mắt lộn ngơ ngác, da tái mét như là đã uống rượu say mềm, tóc xõa, tay vặn vẹo cố bám vào không trung để rồi rơi xuống lại vươn lên. Sau hết cái thân hình ấy vật xuống đất trong cát bụi như là một hình nhân mà đứa trẻ vứt đi. Thầy bắt tà, chồng, con, họ hàng xúm lại gọi tên. Nhưng bệnh nhân đứng lên, hoặc đi chập choạng như đi trong mê về phía cửa đền và ở đấy, trên đầu tóc xoã rối bời, hai tay giơ lên, bàn tay thõng xuống, y bèn nhảy tại chỗ, chợt ù té chạy như ma đuổi trước một cái gì y thấy, rồi lại té ngã xuống để lại đứng lên cho đến khi kiệt sức, người nhà khiêng ra sân đền. Chắc hẳn y đã nôn mửa bóng ma làm y vì chung quanh hoan hỷ và người ta đem đến trước bàn thờ bệ đá nộp những khí giới cờ quạt nhỏ xíu đã dùng để đánh đuổi tà ma. Người ta đốt vàng mã, tờ sớ tấu và gia đình mãn nguyện chạy vội đến cỗ bàn, còn bệnh nhân đi theo như sống lại và thản nhiên.
“Ở hội Kiếp Bạc này có nhiều hình thức phụ thần phục quỷ mà sự nhộn nhịp ồn ào có lúc nào ngừng hay là ngừng những tiếng kêu thét và ngân nga, không một lúc nào tan loãng khói nhang nghi ngút kèm theo lời khẩn cầu của chúng sinh lên đường về trời. Trong một đám có vẻ náo nhiệt đến cực độ, tôi thấy một người tự mình không biết đã làm mồi cho ác quỷ nào, đang hiến thân với tất cả tin tưởng cho các thầy phù thuỷ sai khiến. Y quỳ xuống đất, yên lặng đối với lời quát mắng của ông thầy, chỉ biểu lộ ý nghĩ đơn thuần của mình bằng cử chỉ giật gân và mau lẹ của tay chìa ra trước một tờ giấy trắng. Y duỗi ra, dụt vào như có một sức mạnh bí mật điều khiển. Sau cùng với hồi trống dồn mau, hai tay vặn vẹo áp xuống tờ giấy và dính liền vào đấy như có keo hồ. Người ta lấy mực tàu khuôn theo hình bàn tay, rồi người ta gấp tờ giấy làm bốn, trên ấy có vết tay như dấu hiệu của ác quỷ tha cho bệnh nhân không ám ảnh nữa. Rồi người ta hóa tờ giấy ấy đi, để cho ma lực trở về với yếu tố của nó.
“Khắp nơi dưới bóng cây đa rườm rà linh thiêng có những đám bắt ma đuổi tà như thế. Khoa ma thuật quy vào có sự nhắc đi nhắc lại một khẩu hiệu, một lời chú. Trên mặt đất không thấy có dấu hiệu của một xúc động, một ý muốn, một sợ hãi hay một nhiệt thành gì cả. Họ đuổi tà với bộ điệu như họ giã gạo. Và trí tưởng tượng của tín đồ nghèo nàn đến nỗi không tự hỏi xem lý do của sự bố thí thô thiển ấy ở đâu nữa. Cả hai bên đều không thể suy nghĩ hơn là những cử chỉ tập truyền. Cho nên họ đến đấy do cùng một sức mạnh đun đẩy mà họ tín ngưỡng, đã ám ảnh họ.
“Trước cửa đền đều có một cái giếng do một người phụ nữ trẻ trông coi, không cho quần chúng lai vãng thỉnh thoảng giơ cao một cái gậy tre lên. Hễ chị ta bỏ đi kiếm trầu, vắng thì một lũ rách rưới sấn đến miệng giếng. Nước thiêng đem lại tuổi xuân và sức máu, được họ vục cả bằng hai tay run run và có những bà già uống lấy uống để cái hớp hy vọng nguồn sống, hay những kẻ ăn xin cùi cụt rửa những vết thương với dọc vọng sức mạnh và khang kiện. Uống được hớp nước, những miệng méo mó tìm thấy nụ cười và những bộ mặt quỷ sứ toe toét như con nít. Nhưng chị canh gác đã trở về thì đàn ngừơi bỏ chạy, tự đắc đã cướp được nguồn trường sinh một vài giọt mát mẻ.
“Đến đây thờ một vị tướng quân Việt Nam đã chiến thắng quân Nguyên vào thế kỷ XIII. Tượng của ngài dữ tợn, được để kín trong cung sâu, còn mộ thì được giấu kỹ. Triều đình đã sắc phong cho nhân dân thờ phụng vào bậc thần linh. Các pháp sư coi là bậc thánh và phụ nữ đến cầu đảo lấy một dòng dõi anh hùng. Ngài là tố các pháp luật; trong bầu không khí nhân diện của ngài ngự trì thì tà ma không dám bén mảng và nhân dân bốn phương kéo đến để tìm sức mạnh giải thoát khỏi những ám ảnh độc ác tà ma.
“Vị thần chinh phạt này có đệ tử của ngài gồm bô lão đứng tuổi tự hiến thân cho ngài và nhận là môi giới thần linh của ngài. Mặc áo đỏ, họ đi ra đi vào tự cho là quan trọng, mặt bự rượu. Khi nào bóng ốp vào thân hình gầy còm của họ, họ là hiện thân của thần linh họ thờ và bấy giờ họ có thể điều khiển vong hồn ám ảnh bệnh nhân để thủ hưởng những lạc thú trần tục. Bởi thế mà họ được nhiều bổng lộc và địa vị của họ đứng cao ở trên hàng tín đồ lúc nhúc sợ sệt. Họ không phải độc nhất được hưởng lộc thánh. Đầy sân đền cón nhiều hạng thầy cúng, thầy bói, thầy phù thuỷ. Mắt đeo kính trắng, ngồi quỳ trước kỷ có giấy mực bút nghiên, sách bói, đồ biểu bát quái, họ chờ khách hàng kéo đến hỏi han mua bán sản phẩm tinh thần và vật chất nữa.
“Cứ như thế mà dân tộc da vàng tiếp thụ lớp bụi phủ của những đại ý tưởng truyền thống của chủng tộc. Dân tộc này không có vẻ nghi ngờ nguyên lai và hậu quả của những ý tưởng ấy vì họ coi chúng là thuộc tính của đời sống hàng ngày cũng như những công việc tầm thường phàm tục khác của nó.
“Ở chỗ như Kiếp Bạc, cả một dân tộc phô bày sự bí mật của nó. Những điều người ta trông thấy và những cái gì người ta nghe thấy chứng minh sự cuồng nhiệt mà nhân loại ở đây như những con nít kinh hoàng bám chặt lấy tay quyền lực Tử thần hơn là lần mò tìm lấy sự sống.”
Trên đây, theo con mắt quan sát của một nhà khoa học Tây Âu, là cảnh tượng tín ngưỡng bình dân vào một vị thần chiến tranh, một anh hùng dân tộc đã vào sinh ra tử trong rừng gươm giáo, núi xương, sông máu để bảo vệ giang sơn. Nhân dân đã siêu hóa cái kỷ niệm rùng rợn của dân tộc vào một vị đại diện oanh liệt là Đức Thánh Trần, tượng trưng cho những mãnh lực phi thường chẳng khác gì những mãnh lực ma thuật của thiên nhiên. Bởi thế mà nghi lễ có màu thần bí dữ tợn, để truỵ lạc vào mê tín tà ma. Nhưng tín ngưỡng ấy tự nó không có gì mê tín, chẳng qua cũng chỉ là một sự đồng hóa mãnh lực dân tộc với mãnh lực thiên nhiên, hoài bão sức mạnh phi thường của nhân dân để bảo vệ tự do độc lập. Thánh Trần đại diện nguyên lý Cha cũng như Chử Đồng Tử, đối với nguyên lý Mẫu là Liễu Hạnh cũng như Phật Bà Quan Âm hay Quan Âm Thị Kính. Nguyên lý Cha bao giờ cũng can trường, hùng dũng, bạo động chứ không êm đềm, dịu dàng như nguyên lý Mẹ. Nhưng cả hai nguyên lý đều bổ túc cho nhau để biểu diễn cuộc sáng tạo, bảo tồn và huỷ diệt của vũ trụ như Ấn Độ giáo đã quan niệm và mô tả đầy đủ qua bức tượng Bà Đen (Kali la Noire) tượng trưng tạo hóa tay cầm đầu lâu, tay cầm dao quắm, nhảy múa trên thân thể Siva nằm như chết. Và nhà đạo sĩ Ấn Độ trứ danh cận đại giải thích rằng: “Nhân loại phải chết đi trước khi thần linh biểu hiện ra. Nhưng lại đến lượt thần linh biến đi để nhường chỗ cho một sự biến hiện cao hơn của nguyên lý Mẹ sung sướng hoan hỉ. Chính trên thânhình của thần linh chết (Siva) mà thánh Mẫu nhảy múa vũ điệu thần tiên” (Enseignement de Ramakrisna 1368)
Có lẽ cũng vì những nguyên nhân thần bí vượt quá bình diện quá thông thường mà dân chúng Việt Nam đã nhìn Đức Thánh Trần qua màu sắc tử thần có quyền năng ma thuật dữ tợn: nào thắt cổ, nào xuyên linh, nào cắt lưỡi, hay bắt tà ma, chữa bệnh bằng bùa dấu, tàn nhang, nước thải.
Nhưng ở chùa Hương Tích thì sự trẩy hội hành hương phô diễn ra một cảnh tượng và ý nghĩa khác với hành hương Kiếp Bạc hay Phố Cát.
“Phủ Giầy, Kiếp Bạc cùng mấy nơi khác nữa, như Phạm Quỳnh đã viết, thì tuy sự lễ bái có thịnh mà đã biến thành những chỗ buôn thần bán thánh cùng những trường luyện quỷ trừ ma không còn gì là cái thú vị về tôn giáo nữa. Duy có chùa Hương, hòa hợp với thú thiên nhiên một nơi phong cảnh có một trong cõi Bắc với cái nghĩa mầu nhiệm và đạo tu hành rất cao của trời Tây, là chốn cao thượng hữu tình hơn cả”.
(Trẩy chùa Hương – Thượng Chi Văn Tập II) Và A.Meynard cũng viết:
“Nếu một đám dân chúng Việt Nam có thể cảm thông vào một lòng tin Phật giáo hay là cái gì mà tin như thế thì chính là phải tìm ở Hương Tích.
“Trong cái động phong phú và danh tiếng này khách thập phương đến hành hương vô kể suốt cả tháng hai để cung kính và lễ bái cầu nguyện tỉ mỉ, ngõ hầu cho số phận được đổi thay theo chiều hướng họ mong muốn nhất và nhất là để có được một dòng dõi thừa tự. Từ trong đền ở chân núi đi ra một con đường khúc khuỷu leo lên cái động màu nhiệm đượm một không khí điện lực nặng nề với tất cả khát vọng của trần giới. Đức từ bi dạy sự giải thoát thì người ta lại cầu nguyện ngày đêm để thắt chặt hơn những hệ luỵ của chúng sinh tự tạo cho mình.
“Cảm tưởng êm đềm là cái bước đi đến chùa chậm chạp trên những thuyền nan nhẹ lướt trên mặt nước giữa phong cảnh biến ảo luôn luôn. Khách hành hương chào nhau một tiếng nam mô, một khẩu hiệu đối với họ không có ý nghĩa. Tiếng đàn nhị réo rắt càng bộc lộ cảnh yên lặng của chiều tà thỉnh thoảng có giọng đàn bà tụng kinh.
“Nhưng trước khi thưởng thức những thích thú êm đềm ấy, người ta còn phải vượt qua cái vòng địa ngục Phật giáo cuối cùng, cái hàng rào những ngạ quỷ, những ma đói cố làm cho người ta nghe thấy những tiếng than thở của thế giới người sống.
“Những con ma ghê tởm hợp thành cái hàng rào những kẻ bẩn thỉu lăn lộn trong bùn phân để lộ ra những vết thương rùng rợn qua những mảnh giẻ rách thối tha. Chúng là những vật hy sinh, những con thiêu thân cho tất cả những sự đê hèn và tội ác và có lẽ họ làm cái cớ cho những người đi lễ thu lượm được chút ân huệ gì bằng sự bố thí vài đồng xu nhỏ. Cảnh tượng ghê tởm hơn nữa là cảnh tượng những đứa trẻ mà một người ma ấy bế trong tay ngồi hay nằm với chúng trong bùn, đấy là những kẻ chịu tội nhỏ bé yên lặng mà sự nhịn đói nhịn khát, sự đau khổ, sự hành hạ đã bắt chúng chịu đựng quá lâu đến có vẻ không có biết đau khổ là gì. Không một con mắt từ bi nào chịu ngừng vào những con bọ thoi thóp ấy để kéo chúng ra khỏi một lúc cái cảnh ngộ côi cút, chịu đựng. Không một kẻ hành hương nào trên con đường Phật giáo hiểu được cái sự bình luận ghê gớm ấy của mệnh số”.
(Pelerinages Annamites – Revue Indochinoise No 23 Mai 1928)
Tại sao tất cả thống khổ của xã hội Việt Nam lại tìm hẹn hò đến ngày hội Chùa Hương để tụ tập cả ở đây? Phải chăng để cảnh tỉnh lòng từ bi của khách mộ Phật? Phải chăng để thức tỉnh chút lòng bác ái của khách thập phương? Thật là khó hiểu.
Nay hãy thử xem ngọn bút và con mắt của một khách nhân văn Việt Nam nhận xét và mô tả.
“Động Hương Tích, thuộc sơn phận làng Dục Khê, Yến Vĩ, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông, tục truyền là nơi hóa thân của Đức Phật Bà Quan Âm. Đức Quan Âm theo trong sách Phật không phải là phật bà và đạo Phật vốn không có phân biệt nam thần nữ thần, chỉ có chia ra các hạng Phật mà thôi: dưới Phật có hạng Bồ tát (Bodhisattva), là bậc tu hành đã gần thành đạo, chỉ còn một kiếp nữa là thành Phật. Đức Quan Âm chính là bậc Bồ Tát, cứ trong kinh Ấn Độ tên là Avalokitecvara. Trong kinh nói rằng ngài đã sắp thành Phật mà chưa muốn vào Cực Lạc vội, ngài tự phát nguyện rằng: bao giờ nhất thiết chúng sinh trong trần thế đều thoát khổ, thoát nạn cả, bấy giờ ngài mới chịu thăng Phật, hễ còn một mảy bụi trần bị trầm luân thì ngài còn ra tay tế độ…
“Thế mà Đức Bồ Tất Quan Âm tự Tây thiên qua Trung thổ, tự Trung thổ xuống Nam bang, nghiễm nhiên biến thành một vị nữ thần. Hay là Đức Bồ Tát cao xa quá mà người thường muốn vẽ hình thờ không biết hình dung ra làm sao, bèn nghĩ ra hình người đàn bà để biểu cái lòng từ thiện nhân hòa? Cũng có lẽ, nhưng Bồ Tát nhất biến thành nữ thần mà nữ thần nhất biến thành bà “Quan Âm tống tử”… Từ đó quốc dân tôn sùng Đức Quan Âm chỉ vì tin rằng ngài có phép giúp được sự sinh đẻ cho người ta… Rồi mỗi ngày người ta phụ họa thêm vào, đặt ra những chuyện con gái vua Trang Vương hóa thân thành Phật, chuyện nàng Thị Kính cắt râu cho chồng, tuy đều có ý khuyến giới cả mà sánh với tích cũ trong Tam tạng sai lạc biết bao nhiêu.
“Chính cái điểm biến thái ấy mà Phạm Quỳnh lấy con mắt của trí thức đứng ngoài tín ngưỡng đã cho là sai lạc, thì lại là đặc trưng của dân tộc tính Việt Nam, dân Việt không thâu hóa cái gì ngoại lai mà không có sự biến hóa đi, vì có như thế thì mới có sáng hóa? Ngay như đối với văn hóa Tàu mà dân Việt đã chịu ảnh hưởng sâu rộng sau ngàn năm đô hộ, đến thời độc lập nhà vua thấy nho sĩ hay học theo Tàu đã phải cảnh cáo:
"Quốc gia tự hữu thành hiến, Nam Bắc các dị".
Lời dụ của Minh Tông hoàng đế phản đối Lê Quát và Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ theo Tàu: “Nam Bắc khác nhau, quốc gia tự có hiến pháp rồi”.
Hay là đời Nghệ Tôn hoàng đế, nhà vua thường nói: “Tiên triều ta lập quốc là tự có pháp độ riêng chứ không theo của nhà Tống. Bởi vì Nam Bắc đều tự chủ lấy nước mình, không nên phóng chép của nhau. Duy từ niên hiệu Đại Trị (1358-1369) nhân bọn tư sinh chấp chính, không hiểu cái ý sâu lập pháp của tổ tôn, bèn đem cả phép cũ mà đổi theo như tục lệ Tàu, như là những việc về y phục, ca nhạc, còn nhiều việc khác nữa. Vậy từ nay việc chính trị buổi đầu nhất thiết phải tuân theo về điển lệ năm Khai Thái (1324-1329)
(Theo Nguyễn Trọng Thuật trong Triều đình cái án Quốc học, Nam Phong).
Như vậy thì về tín ngưỡng đối với dân chúng bình dân vô học lại càng phải có sự tự động biến hóa. Cho nên từ Phật Quan Âm bên Ấn Độ là đàn ông với lý tưởng đại từ đại bi đối với tất cả chúng sinh, để rồi du nhập vào Tàu thành Phật Quan Âm tống tử với lý tưởng dòng dõi lâu dài, đến sang bên Nam Việt thành Quan Âm Thị Kính với lý tưởng nhẫn nhục “tò vò nuôi nhện”, chịu tiếng thị phi, một lòng tuẫn giáo với tình mẫu tử không oán thù như thế có chi là thấp kém, không chính đáng về mặt tín ngưỡng?
Nay hãy tiếp tục theo dõi con mắt nhà văn sĩ quan sát hiện tượng tín ngưỡng của quần chúng trẩy chùa Hương:
“Nay thử xét trong đám đông ấy biểu lộ cái “lòng tôn giáo” ra thế nào. Các đám đông ở nước mình thật là không có kỷ luật, không có trật tự gì cả, rất tào tạp, rấ hỗn độn; dẫu ở nơi lễ bái tôn nghiêm cũng kẻ đi người lại, kẻ đứng người ngôi, nói nói cười cười, kêu kêu gọi gọi, ồn ào lộn xộn, khó mà nghiệm cho được cái tâm lý chung những người ngẫu nhiên tụ họp lại đó. Lại thêm khói hương ngùn ngụt, mùi người xông ngạt, tiếng chuông tiếng trống tiếng mõ đinh tai, đứng trong đó mà ngột người, không biết đâu mà dò xét. Xong nhận cho kỹ dầu trong đám ồn ào cũng có nhiều người cái mặt rầu rầu, con mắt lim dim như ngoan như độn, như dại như ngây, tưởng giả sét đánh bên mình cũng không tỉnh. Những người ấy chính là người thành tâm tín ngưỡng đó, chứ không phải những kẻ lau nhau láu táu, miệng khấn tay vái, tiếng nhỏ tiếng to, bao nhiêu tâm niệm thành kính ra chân tay mồm miệng cả. Chắc lòng tín ngưỡng của người mình cho thắm thiết đến đâu cũng không có cái tính cách hăng hái hoạt động như lòng sùng đạo của người Âu châu thời xưa, người Ấn Độ bây giờ. Tính người mình hiếu tình mà đạo Phật lại là đạo “thiền định”, lấy định tính tâm thần làm hay hơn cả, nên cảm hóa người ta là êm đềm thấm thía, dần dần mà tới, lần lần mà vào, nhưng đã cảm đến nơi thời như mát mẻ trong lòng, khoan khoái trong trí như thoát ra ngoài chốn trần ai mà siêu thăng lên cõi cực lạc vậy. Nên đạo Phật không có làm cho người ta mê tín bao giờ, ai tin là tỉnh mà tin, sáng mà tin, đằm thắm êm đềm mà tin. Song đạo Phật không làm người ta mê tín, nhưng cũng không khiến được người ta vì đạo mà hy sinh mình đi như các tôn giáo khác, đó có lẽ cũng là một nhược điểm của Phật giáo vậy…
“Đến khuya khuya thì ngoài núi chim gõ mõ, trong chùa người tụng kinh, các bàn thờ Phật đèn nến sáng choang, hương hoa ngào ngạt, kẻ lễ người cầu, đứng chật mấy gian chùa rộng. Đi dạo một lượt khắp chùa, gian nào, buồng nào, thậm chí đến ngoài sân, đến đường đi, cũng chật ních người, kẻ đứng người ngồi, kẻ nằm ngang, người nằm dọc, không có chỗ nào mà lách chân được. Ăn nằm lấm lap, thật người mình coi rẻ cái thân thể quá, lấy rằng đi lễ được phúc đức, càng lầm thân bao nhiêu càng được phúc bấy nhiêu.”
Cảm hứng nghệ thuật. Trên đây là nhận xét cảnh tượng tín ngưỡng của quần chúng, tuy ồn ào lộn xộn mà cũng có người quên hết chung quanh, biểu lộ một trình độ trầm tư yên lặng một mình riêng chiếm một cảnh giới siêu phàm để tự quên mình vào đấy. Đây là khoảnh khắc sống với thần linh vậy. Hiệu quả ấy tự đâu mà có được, phải chăng vì ân điển của thần phật đã ban cho, hay còn vì cái chi khác? Sở dĩ khách thập phương từ xa lặn lội đến đây không phải chỉ vì thần phật mà thôi, mà còn là vì cảnh đẹp danh tiếng của thiên nhiên. Một đặc trưng tôn giáo phương Đông là các nơi thờ cúng được phối hợp với cảnh thiên nhiên thành một hòa điệu phong phú hữu tình.
Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh
Núi không vì cao có tiên thì danh tiếng
Nước không vì sâu có rồng thì linh thiêng.
Song chỉ giới trí thức văn nghệ sĩ mới ý thức được điểm ấy, còn dân chúng chỉ biết tin và sợ, hay cầu phúc cầu đức cụ thể, kéo thế giới thần tiên xuống khuôn khổ trần thế theo tầm ý tưởng của chúng. Trong con mắt của Phạm Quỳnh thì “phàm cảnh sơn nham không có đẹp ở trái núi hay ở viên đá, mà phần nhiều đẹp bởi cái khí sắc mỗi lúc tùy trời u ám hay trời sáng sủa, buổi chiều dương hay lúc tịch dương, mặt trời ánh sáng, sắc núi đậm phai mà mỗi lúc khác nhau. Bây giờ đã trở về chiều, mặt trời đã xế, đứng tận trong cùng động nhìn ra ngoài cửa động thật là một bức tranh tuyệt bút. Khói hương đưa ra cửa động mờ ám như đám sương mù, mặt trời phản chiếu, nửa đỏ nửa vàng, bóng cây phất phới như thấp như cao, đứng trong nhìn ra như trông qua một cái gương mờ. Bây giờ tưởng bước chân ra cửa động là tiện thị để mình vào nơi mộng cảnh nào, theo sương mù mà bay bổng lên mấy tầng mây, có lẽ đây chính là cõi Tây thiên Tĩnh thổ vậy”.
Hoặc ở chỗ khác, cảnh thiên nhiên thiên hình vạn trạng biến ảo của động Hương Tích khiến cho tác giả liên tưởng đến hội họa và thi văn Tàu.
“Đi đò chừng mất một giờ, phong cảnh thật là ngoạn mục. Hai bên núi đá, một dòng sông con chảy giữa, núi thâm thấp, nước quanh co, coi thực như một bức tranh sơn thuỷ của Tàu. Càng nhìn lại càng bái phục cái họa học của người Tàu, nhất là cái lối thuỷ mạc, thật là khéo vẽ những cảnh thiên nhiên, màu trời sắc nước, màu cỏ bóng cây mung lung phiêu diêu, như gần như xa, các nhà danh họa Tàu thật là có tài diễn xuất được cái thi vị phảng phất trong cảnh vật như mang cái tinh thần người ta vào trong cõi mộng tuyệt trần. Ngồi trong cái đò lênh đênh ở giữa khoảng non nướcnày, tưởng như đứng trước một bức tranh Thạch tiêu cực lớn; mà lắm khi đứng ngắm lâu một bức tranh sơn thuỷ lại tưởng tượng như mình thiết thân ở giữa cái cảnh non nước này: học thuật mà đã đến được bực ấy, đến bậc biến thực ra mộng, mộng ra thực khiến trong trí người ta mơ màng không biết mộng hay là thực, thực hay là mộng, thời thật là tuyệt diệu vậy. Người Tàu đã có cái họa học như lối tranh thuỷ mạc, lại có cái thi học như lối thơ Đường thi, đứng trước nơi phong cảnh hữu tình, ngâm lên một vài câu tuyệt diệu, thật không có cái thuật gì làm cho tinh thần người ta tự nhiên mà bay bổng lên cõi tuyệt trần nhẹ nhàng vô cùng êm ái ví cũng như nước chảy mây trôi. Núi cao quá thường làm cho người ta rợn, sông rộng quá thường làm cho người ta ghê, mà non kia nước này thật là vừa bằng cái sức người tưởng tượng nên coi ra rất là mỹ miều khả ái. Mỗi dãy mỗi trái đều có tên riêng, tuỳ hình mà đặt; đây là con Vân dương ăn cỏ, trông cũng phảng phất như hình con voi chúc vòi xuống ruộng lúa, bên đầu lại có chỗ cong như hình cái tai, mới nhìn không ai nhận mà đã có người gọi tên lên rồi, thì càng nhìn càng thấy hệt như con voi, mới biết danh hiệu thật là có ảnh hưởng đến sự tưởng tượng nhiều lắm vậy; lại kia là núi Mâm xôi con Gà, trông cũng mường tượng như con gà đặt trên mâm xôi thật. Ôi! Cái trí biến hóa của người ta thật là vô cùng vậy.”
Từ cảnh thiên nhiên nghệ thuật hóa là tinh thần văn nghệ hay thẩm mỹ học truyền thống Á Đông, động Hương Tích còn đưa đến đời sống tín ngưỡng vào tình thương yêu vô hạn hoạt bát của Phật Bà Quan Âm như tác giả đã khách quan mà quan sát thấy:
Lòng tín ngưỡng - “Giữa trưa thì cả đoàn trẩy vào chùa Trong tức là vào động. Có đem theo mấy bộ đăng sơn để phòng chỗ nào mỏi chân thời lên cho đỡ mệt. Nhưng bọn mình xem ra ai cũng có cái “lòng tôn giáo” cả, nên ai cũng đủ sức nhẫn nại mà chịu chân chồn gối mỏi, miệng khát, cật uốn, trong ngót hai giờ đồng hồ, không cần phải dùng đến đăng sơn mấy. Kể đi như vậy đương giữa trưa cũng mệt thật, không phải rằng đường đi có khó khăn nguy hiểm gì, nhưng lắm chỗ dốc quá cứ trèo ngược mãi lên, mỗi bước chân phải nâng cả ngót năm chục cân nặng thân thể mình lên, nên mỏi quá, nhọc quá. Người nào phì mập đến bảy tám mươi cân mà cứ trèo như vậy luôn trong hai giờ không nghỉ, trên trời thời nắng chang chang tưởng đến đứt hơi ra được…
“Có lần bà cụ đã già mà đi son són như ta đi ngoài đường phố, không ra dáng mệt nhọc gì, tin rằng đi việc lễ bái phúc đức thời Phật phù hộ cho, coi đó đủ biết cái lòng tín ngưỡng mạnh là dường nào. Không gì cảm động bằng chợt đến khúc đường vắng khuất núi cao, trông thấy bà lão tay lần tràng hạt, tay cầm gậy tre, chân đi bước một, miệng đọc Nam mô, tiếng vang động bên sườn núi, dưới gốc cây, nghe ai oán vô cùng, tưởng như tiếng tự trong thâm tâm mà ra, kêu được hết cái nỗi khổ của loài người. Đến những chỗ ấy Trần Quân (Trần Trọng Kim) coi nét mặt rầu rầu, giọng nói bùi ngùi mà rằng: “Không biết sao, mỗi lần tôi nghe tiếng kêu cầu ai oán mà cái lòng thương nhân loại nó lai láng vô cùng. Loài người ta thật là đau khổ quá. Nếu không cực khổ thời sao có những tiếng kêu não nùng như vậy. Biết rằng kếu với ai và có ai nghe hay không? Nhưng những lúc khổ cực tưởng giá có người bảo cứ đập đầu vào trước hòn đá kia là bớt được sự khổ não trong lòng, thời cũng nhiều người đập đầu mà kêu khóc được. Cái khổ ở đời thật là vô hạn, mỗi lần nghĩ đến mà tôi thương người ta không biết thế nào mà nói.
“Ôi! Chính cái lòng thương người đó nó là nguồn gốc của mọi tôn giáo ở đời. Cũng chỉ vì cái lòng thương xót người đời đau khổ, thương ngừơi đến vô cùng vô hạn mà những bậc giáo chủ như Phật tổ, như Giatô, mới kiệt tinh cũng chịu khổ chịu nhục để tìm cho người ta con đường giải thoát. Bởi thế nên đạo nào cũng đáng tôn, nhất là những đạo lấy lòng từ bi bác ái mà cảm hóa người đời. Trần Quân xưa nay vẫn ham đạo Phật, lấy cái triết lý Phật giáo làm thâm cao, lại vốn mang cái chủ nghĩa yếm thế nên vào đến chốn này, cảm cái khí vị từ bi nó phảng phất trong cõi sơn nham này mà tự nhiên lòng thương lai láng, nói ra những lời bi đát như vậy.”
Trở lên là hai trạng thái sinh hoạt cộng đồng về tình cảm và về tín ngưỡng tập thể bình dân đặc biệt của xã hội nông nghiệp Á Đông, như còn phô diễn ra trước mắt các nhà quan sát ngoại quốc cách đây mấy chục năm về trước. Nay hãy đi sâu vào trong tâm hồn nông dân để tìm những cảm nghĩ của họ qua thần thoại truyện cổ và tục ngữ phong dao.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks