lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Lịch sử tư-tưởng Việt-Nam
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục
Tập Một
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
III
QUAN NIỆM VAI TRÒ LÃNH ĐẠO Ở XÃ HỘI NÔNG NGHIỆP XƯA
QUAN NIỆM VAI TRÒ LÃNH ĐẠO TRONG XÃ HỘI NÔNG NGHIỆP
Nếu Tản Viên có trở nên Tổ sơn của đất nước sau này là vì hồn nước không thể bàng bạc trong không trung, nó phải tìm định cư vào một lãnh thổ. Sự tiến hóa của dân tộc bắt đầu với sự định cư vào một lãnh thổ, vì lý do tín ngưỡng cũng như lý do kinh tế cộng đồng. Đoàn thể vật tổ bắt đầu nhường chỗ cho đoàn thể lãnh thổ với tất cả tổ chức sinh hoạt kinh tế, chính trị, văn hóa của nó để trở nên một dân tộc trưởng thành, một “văn hiến chi bang”. Cho nên không lạ gì mà người anh hùng họ Lý đã ý thức mạnh mẽ điều kiện địa lý là thiết yếu, là căn bản cho công cuộc xây dựng quốc gia dân tộc:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành phân định tại sách trời
Một khi đã định cư vào lãnh thổ rồi, thì công cuộc tổ chức bắt đầu, “Lang” biến thành “Làng”. Mà vấn đề quyền thế của người lãnh đạo đoàn thể, cũng cần phải cụ thể hóa hơn là thần bí tín ngưỡng. Do đấy chúng ta thấy lý do trống đồng được thần thánh hóa coi như uy quyền tối cao mãnh liệt, thiêng liêng như sấm sét, để hàng năm quần thần phải đến trước đền Đồng Cổ uống máu ăn thề trung thành với Tổ quốc.
Nhưng người lãnh đạo, trong tư tưởng truyền thống của dân tộc đã được quan niệm như thế nào, thì thần thoại “bánh chưng, bánh dầy” đã nói lên rất minh bạch.
Truyện bánh chưng với văn minh Đình Làng
Sau khi Hùng vương đã phá giặc Ân rồi (tức xác định chủ quyền độc lập với thần thoại Phù Đổng Thiên Vương, công thành thân thoái) trong nước thái bình mới lo việc truyền ngôi cho con, hội 22 vị công tử lại mà bảo rằng:
- Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.
Các công tử lo đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiều mà kể. Duy có công tử thứ chín tên là Lang Liêu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh mà quá cố rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề lo liệu, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên.
Hốt nhiên chợt có thần báo mộng bảo rằng:
- Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trên trước được. Nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trưng cho trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng trưng cho đất, ở trong chứa nhân thật ngon, bắt chước hình dáng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.
Lang Liêu kinh sợ tỉnh dậy, mừng rằng “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”.
Lang Liêu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy gạo nếp đồ xôi, giã cho nhuyễn, nặn thành hình tròn để tượng trời, gọi là bánh dầy.
Đúng kỳ, Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu. Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vương khen ngợi giờ lâu, rồi cho Lang Liêu được giải nhất.
Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liêu để gọi cho nên xưng là Tiết Liêu Vương
Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em đều giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, đóng giữ núi sông để làm hiểm cố.
Về sau tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc sách để che kín; bởi vậy gọi là sách, là trại, là trang, là phường bắt đầu từ đấy. (Lĩnh Nam Chích Quái)
Thần thoại trên đây chứa đựng cả một ý thức hệ quốc gia dân tộc như dân chúng đã hiểu, trải qua các thời đại lịch sử. Một ý thức hệ là một thế giới quan đủ để giải thích tất cả các vấn đề căn bản nhân sinh vũ trụ.
Về vũ trụ: vũ trụ là vũ trụ đạo lý, đặc tính là ơn huệ phát dục vạn vật, tượng trưng là vuông tròn, tức là thời không “bao hàm vạn vật ngụ ơn phát dục vạn vật”.
Về nhân sinh: người ta có linh hồn bất tử như tổ tiên còn sống trong cõi thần tiên mà người ta có thể thông cảm qua ý thức mộng.
Đời sống quốc gia xã hội trước là chủ quyền để tổ chức trật tự. Chủ quyền ấy có tính cách thiêng liêng, nhưng không truyền từ nhược tôn mà là tuân theo nguyện vọng nhân dân.
Nhân dân trước hết là sinh hoạt kinh tế nông nghiệp, đất đai phân chia thành ruộng vuông, phối hợp với thời tiết là tròn, kết quả là thực phẩm. Thực phẩm ấy trước hết là dâng lênc ho thần linh, trở nên thiêng liêng. Người biết nối vật chất với thần linh, biết phân phối ruộng đất, tôn trọng thời tiết và sức làm việc của nhân dân, người biết tổ chức đời sống tập thể cộng đồng quốc gia theo đúng ý nguyện của nhân dân, người ấy xứng đáng lãnh đạo quốc dân vì hiểu biết ý trời.
Nguyễn Du tóm lại cái ý thức hệ lấy vũ trụ vuông tròn làm nguồn gốc:
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.
Cuộc vuông tròn là cả một sự nghiệp ở đời.
Vuông tròn là trời đất, nguồn gốc của tất cả. Hiện thực với siêu nhiên hợp nhất. Vuông tròn là phương pháp luận, các bình phân chia ruộng đất, cầy cấy với vòng thời tiết xuân, hạ, thu, đông.
Ý thức được Vuông Tròn là người – tổ tiên – Nhân dân.
Người lãnh đạo đại diện cho cái ý thức ấy.
Tóm lại, vuông tròn là hợp nhất hai phương diện mâu thuẫn về mặt danh lý, nhưng đầy đủ của sự vật. Để giải quyết sự mâu thuẫn ấy phải trở về tìm nguồn gốc, nghĩa là mọi sự vật đều có thể và dụng đi đôi hợp nhất với nhau theo cái triết lý “hợp ngoại nội chi đạo”.
Nguồn gốc cuộc vuông tròn của một quốc gia gồm có:
Kinh tế:
Ruộng đất phân chia.
Trồng cấy hợp thời tiết.
Tôn trọng kết quả lao công của nhân dân.
Chính trị: Quyền lãnh đạo trung thành với ý nguyện nhân dân, không phải cha truyền con nối mà là trả về cho người tài đức ý thức quyền lợi nhân dân.
Văn hóa: Hợp siêu nhiên với Hiện Thực, tinh thần với vật chất. Tin linh hồn tổ tiên tồn tại ở cõi thần tiên, người ta có thể cảm thông qua ý thức mộng.
Luân lý: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn.
Tôn giáo Tổ Tiên và Thần Linh.
Thượng Đế đuợc thay bằng tượng trưng vuông tròn bao hàm vạn vật, ngụ ý ơn huệ phát dục sinh thành của trời đất. Vuông tròn là cả một nguồn sống bất tuyệt biểu hiện muôn vật trên mặt đất. Vuông là phương diện biểu hiện không gian gián cách, tròn là phương diện miên tục trường cửu của thời gian. Vuông tròn hợp nhất ở bản tính vừa hiện thực vừa siêu nhiên, đấy là triết lý cố hữu của nông dân Việt trải qua các thời đại lịch sử, mà đất Giao Châu là nơi gặp gỡ sớm nhất hai nền văn hóa cổ kính Đông phương. Văn hóa Trung Hoa có khuynh hướng nhân sinh thực tiễn với văn hóa Ấn Độ có khuynh hướng vũ trụ thần bí. Kết quả của sự phối hợp ấy là một tổng hợp “nhân bản toàn diện” (huamanisme integral) như Daniel Rops đã giới thuyết:
“Sự biểu diễn đầy đủ của con người tuỳ theo một mặt những điều kiện biến đổi của thời gian và của không gian nó sinh hoạt, một mặt khác cái thực tại siêu nhiên của bản tính nhờ đó nó vượt lên trên chính những điều kiện kia”.
(L’expression complète de l’homme en fontion d’une part, des conditions, transitoires du temps et du sol sur lequel il vit et, d’autre part de la réalité transcendante de son être par laquelle il dépasse ces conditions même).
(Cité par André Dubosca dans “Inspirations de l’Asie” ed. Sorlot - Paris 1943)
TỔ CHỨC XÃ THÔN VỚI CÁI ĐÌNH LÀNG
Cái ý thức hệ vuông tròn trên đây không những chỉ được diễn tả tượng trưng trong truyện cổ tích bánh chưng bánh dầy, mà còn được cụ thể hóa ra thành cả một hệ thống tổ chức sinh hoạt xã thôn, lấy cái đình làng làm trung tâm.
Ở cái xã hội Á châu nói chung và ở Việt Nam nói riêng xưa kia vẫn có một chế độ dân chủ gọi là chế độ làng xã hay xã thôn, tồn tại qua các thời đại lịch sử như là một hệ thống chính trị do nhân dân công cử để phụng sự quyền lợi nhân dân và quyền hành do nhân dân nắm giữ. Vậy xã hội Việt Nam xưa thực sự là một tổ chức dân chủ đặc biệt. Cái tổ chức dân chủ nguyên thuỷ ấy do nơi nhân dân xuất hiện ra một cách tự nhiên và tự trị đối với chính quyền quốc gia như một quốc gia trong quốc gia vậy. Chính quyền quốc gia trung ương là triều đình quân chủ chuyên chế hết sức tập trung cho đến biên giới quận, huyện. Còn từ quận, huyện trở xuống tổng, xã, thôn, giáp thì thuộc hệ thống dân chủ tự trị. Như thế là xã hội Việt Nam xưa có hai hệ thống chính trị có tính cách trái nghịch nhau như dân chủ và chuyên chế sống bên cạnh nhau thịnh hành. Cho nên phương ngôn nói: “phép vua thua lệ làng” hay “quan cần nhưng dân không vội, quan có cần quan lội quan đi”.
Đủ tỏ hai chế độ khác nhau ấy chế ngự lẫn nhau như là chủ nghĩa phân quyền vậy. Chắc hẳn chế độ bắt đầu là xã thôn dân chủ, rồi về sau chế độ quốc gia dân chủ xuất hiện qua giai đoạn sứ quân đến thống nhất chuyên chế.
Nguyên lai tổ chức xã thôn
Cơ sở sinh hoạt kinh tế căn bản của xã hội nông nghiệp là đất đai cày cấy. Công việc khai khẩn đất đai biến thành đồng ruộng đòi hỏi phải có sự phân công và hợp tác. Nhiều gia đình họp lại để thi hành cho nên các ấp các làng dinh điền xuất hiện. Trong xã hội Việt Nam, gia đình vốn là căn bản. Để tự vệ và mở mang đất đai, các gia đình họp lại để giải quyết cuộc sống chung. Như thế xã thôn thành lập do sáng kiến bồng bột của những cá nhân. Một miếng đất hoang có một người có khả năng đến khai khẩn, rủ bà con họ hàng cùng đến hợp tác. Rồi họ đồng lòng họp thành ấp thành làng để hưởng thụ hoa lợi trên miếng đất đã khai khẩn và xin phép với nhà nước tức triều đình, vì trên lý thuyết lãnh thổ là của nhà vua, nhưng hoa lợi thuộc về công phu người khai khẩn. Thường thì sau một thời gian ba năm làng mới chưa phải đóng thuế. Sau khi đã được nhà nước công nhận rồi, đất đai khai khẩn thuộc về bộ điền của làng cho đến khi nào bỏ hoang thì đất ấy lại trở về nhà nước. Đấy đại khái lịch sử thành lập của một xã hội.
Sau này xã thôn các miền duyên hải rồi miền Trung, Nam do chính sách dinh điền của các triều đại để di dân vào đất Chàm và Thuỷ Chân Lạp một cách hòa bình như “tằm ăn rỗi”.
Tổ chức
KINH TẾ - Mỗi làng có bộ điền và bộ đinh liệt kê đất đai và dân đinh các loại.
Đất đai là tài sản chính của chung một làng, thường gồm có công điền, công thổ và tư thổ. Công điền, công thổ là của chung, phân chia công bằng cho mỗi phần tử của xã thôn.
Bộ đinh gồm những dân đinh chia ra làm nội tịch và ngoại tịch. Nội tịch là công dân chính thức của làng, gồm hào mục, chức sắc, địa chủ và những người đóng góp đầy đủ tục lệ của làng theo một hương ước truyền khẩu hay có ghi chép từ đời nọ để lại đời kia. Ngoại tịch gồm những kẻ bần cùng không đóng góp nổi với làng và những người ngụ cư ở xa đến. Nội tịch còn chia ra nhiều hạng tuỳ theo chức vị, tuổi tác, trình độ học thức, ngôi thứ trong hương ẩm, họp thành quan viên đã làm đủ khao vọng cho làng ra được miễn trừ công vụ nặng nề như đi tuần phòng ban đêm và công dịch để điều cầu lộ của làng hay của hàng tổng, hàng quận, hàng tỉnh. Những dân đinh từ mười tám trở lên đến bốn mươi chín không phải là hương chức, không mua nhiêu, mua xã thì liệt vào bạch đinh, tuy cũng dự vào việc làng song phải gánh vác sưu thuế và công dịch.
CHÍNH TRỊ - Là một tổ chức tự trị có nhân cách pháp lý. Xã thôn có cơ quan quản trị riêng, lấy trong hàng nội tịch họp thành Hội đồng Kỳ mục. Hội đồng Kỳ mục chia ra làm hai ban: 1/ ban kỳ hào, 2/ ban chức dịch chấp hành. Ban chức dịch này gồm có lý trưởng, phó lý, tuần phiên. Họ do dân bầu ra, được nhà nước truy nhận kết quả bầu cử bằng tấm bằng chứng nhận sự hợp lệ của cuộc bầu cử. Ban chức dịch thừa hạnh mệnh lệnh hay quyết nghị của Hội đồng kỳ mục, lý trưởng hay xã trưởng làm môi giới giữa xã thôn với quan lại của nhà nước. Nhiệm vụ của xã trưởng đối với nhà nước là thu thuế, mộ lính, cung ứng các loại tạp dịch cho nhà nước, và đối với bản xã là thi hành quyết nghị của Hội đồng kỳ mục.
Hôi đồng kỳ mục gồm các bô lão, thân hào có tên tuổi trong làng xã. Thành phần của hội đồng không phải công cử lên mà do uy tín đối với làng:
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị.
(Nguyễn Công Trứ)
Muốn dự vào Hôi đồng kỳ mục thì phải đủ điều kiện do hương ước đã quy định tuỳ theo tục lệ của làng xã, có nơi trọng tước, có nơi trọng tuổi tác, đức hạnh. Hội đồng họp mỗi tháng hai kỳ vào Sóc mùng một, Vọng mười lăm, để bàn việc làng sau khi tế thần tại Đình làng. Cho đến thời kỳ Pháp thuộc, quyền cai trị của xã thôn Việt Nam vẫn hoàn toàn do Hôi đồng kỳ mục đảm nhiệm. Nhà vua và các quan địa phương không can thiệp trực tiếp. Đấy là một triều đình nhỏ, cho nên tục ngữ nói: “miếng ở làng, sang ở nước”, hai chữ làng nước thường đi đôi với nhau như hai tổ chức huynh đệ vậy. Xã có tế tự riêng, có tòa án riêng, có ngoại giao và công an tự vệ của xã. Đấy là cả một bộ tục lệ của làng mà nhân dân coi trọng hơn cả luật vua nữa. Cho nên phương ngôn nói: “luật vua thua lệ làng” là như thế.
VĂN HÓA - Là một đơn vị kinh tế, chính trị, làng cũng lại còn là một đơn vị văn hóa nữa. Mỗi gia đình có thờ tổ tiên, nhiều gia đình họp lại có nhà thờ họ để thờ tổ họ, và nhiều họ họp lại thành làng, lấy đình làng làm nhà thờ tổ làng hay thần hoàng làng. Thần hoàng là những linh hồn người khai sáng hay có công đối với làng, cho nên theo tinh thần truyền thống của nhân dân “uống nước nhớ nguồn” mỗi làng đều có vị thần hoàng của mình cả. Trong tinh thần tín ngưỡng thần hoàng của dân xã thì thần hoàng là linh hồn chung của cả xã, che chở, ban phúc, giáng họa cho dân xã. Đặc biệt nhất là cũng như tinh thần công xã nguyên thuỷ là tín ngưỡng vật tổ không phân biệt cá nhân với đoàn thể, cá thể chưa có ý thức phân hóa với hồn chung do vật tổ đại diện, thì tín ngưỡng thần hoàng của làng xã cũng thế. Kẻ nào động chạm đến thần hoàng, thì thần hoàng không chỉ trừng phạt riêng kẻ ấy mà trừng phạt tập thể cả làng. Qua tín ngưỡng thần hoàng ấy ta thấy biểu hiện tinh thần cộng đồng xã thôn rõ rệt, nó không phải cộng đồng kinh tế hay chế độ mà còn là cộng đồng tín ngưỡng tâm linh, cho nên tình làng nợ nước rất thâm sâu, cũng như tình bà con lối xóm, trong họ ngoài làng.
Ngoài tín ngưỡng thần hoàng ở Đình làng, còn có tín ngưỡng Phật giáo ở chùa làng, tín ngưỡng chư vị thần tiên, bà cô, ông cậu ở Miếu hay Am làng, và tín ngưỡng Khổng giáo ở Văn chỉ nữa. Làng có ban tư văn gồm các vị khoa cử, có học để hàng năm tế tự thần hoàng, Khổng Tử, văn thân. Đàn bà họp thành hội các bà vãi đi chùa, lễ đền, miễu, am.
Song đặc biệt nhất của tổ chức xã thôn là ngôi đình làng, vừa là nơi thừa tự, vừa là nơi hội họp để thảo luận công việc sinh hoạt thực tế chung. Thật là một bằng chứng cụ thể cho cái tinh thần văn hóa linh động dung hợp siêu nhiên với hiện thực, tinh thần với vật chất, cổ truyền với dân tộc Việt Nam, cho nên các nhà khảo cứu về văn minh Việt Nam rất chú ý đến các phương tiện của đình làng như Nguyễn Văn Khoan trong bài Essai sur le Đình (B.E.F.E.O tr.30) viết:
“Đình là nơi thờ thần hoàng bảo hộ mỗi làng. Nó là trung tâm sinh hoạt tập thể cộng đồng của đoàn thể. Chính tại đây mà hội đồng kỳ mục họp bàn, quyết định các vấn đề hành chính và tư pháp nội bộ. Tại đây có những cuộc tế lễ, tóm lại tất cả hành vi sinh hoạt xã hội Việt Nam đều diễn ra ở đây.
“Thần hoàng đại biểu linh động tổng số những kỷ niệm chung, những nguyện vọng chung. Ngài hiện thân của kỷ luật, tục lệ, luân lý và đồng thời sự thưởng phạt trừng giới. Chính ngài thưởng phạt kẻ nào tuân theo hay xúc phạm giới luật của ngài. Tóm lại ngài là nhân cách hoá uy quyền tối cao nó bắt nguồn và lấy sức mạnh từ trong chính xã hội. Hơn nữa ngài là liên hệ của tất cả phần tử trong đoàn thể cộng đồng. Ngài cấu kết lại thành khối, thành một thứ nhân cách tinh thần mà tất cả thuộc tính cốt yếu hiện thấy ở mỗi cá nhân.
Tóm lại Đình vừa là đền thờ, vừa là nhà làng, vừa là tòa án, vừa là hành cung của các vị thần hay vua chúa ghé chân dùng làm nhà trạm, vừa là nơi đình đám hội hè ăn uống hát xướng, vừa là nơi họp chợ làng, vừa là nơi tòa án thiêng liêng, lại cũng là nơi nhà giam kẻ phạm pháp trước khi phân xử bị trói cột đình, hay phạt vạ, cũng lại vừa là nơi cheo cưới, khao vọng v.v… (Giran, Magie, et Religion Annamite).
Và gần đây ông Lê Văn Hảo trong “Introduction à l’ethnologie du Đình) có kết luận:
“Đình từ phương diện hết sức vật chất (nghệ thuật kiến trúc) cho đến vai trò văn hóa xã hội của nó, trưng bày ra như là một hiện tượng phức thể chi phối thực tại của đời sống nhân dân. Hai đầu phân cực của đời sống ấy là cần lao và giải lao, cả hai đều ăn nhịp với cuộc thay đổi của thời tiết mà tượng trưng cùng ý nghĩa quyết định tất cả tôn giáo nông nghiệp. Người nông dân Việt chỉ từ giã công việc đồng áng là để trở về giải lao và tự an ủi với sự thành tựu động tác của bản năng tập thể và với sự thông cảm với những năng lực siêu nhiên trong những đình đám hội hè nơi Đình làng.
“Vượt quá tác dụng của một công thự để dùng làm nhà Đô sảnh, nhà hội quán hay tòa án, ngôi đình còn là trụ sở cho những biểu diễn nghi lễ theo mùa, bộc lộ hay ngấm ngầm dưới hình thức lễ nghi hay qua phương diện chơi đùa, những biểu diễn ấy luôn luôn ngụ một ý nghĩa thâm trầm và một tính chất nhu yếu bởi vì nông dân đã muốn bảo tồn chống với tất cả và đối với tất cả. Cái cảnh tượng lưu luyến, cái lòng trung thành linh động đối với tục lệ tổ tiên khiến chúng ta càng có khuynh hướng coi văn minh truyền thống Việt Nam cái văn minh được đa số nhân dân tham gia, là một văn minh của Đình đám”.
(Bulletin Société Etudes Indochinoises N.1 1962, T.XXXVII)
Và cái văn minh Đình đám ấy, vì kiến trúc của các Đình, điển hình như Đình Bảng chẳng hạn, là kiến trúc nhà cao cẳng, cho nên văn minh Việt Nam vốn thuộc vào nền văn minh chung Đông Nam Á.
Ý NGHĨA THẦN THOẠI TRẦU CAU TỨC
TÂN LANG VỚI TRUYỆN MAN NƯƠNG
Truyện có những đoạn cốt yếu sau đây:
Đời thượng cổ có một nhà quan Lang họ Cao, sinh được hai con trai, anh là Tân, em là Lang, cả hai theo học với thầy đạo sĩ họ Lưu.
Nhà họ Lưu có một con gái tuổi chừng 17, 18 cha mẹ gả cho người anh là Tân kết làm vợ chồng. Người em thấy anh đối với mình không thân bằng lúc trước đem lòng hờn giận mới bỏ đi. Đến bờ suối không thuyền sang ngang, người em là Lang ngồi khóc ròng đến chết, hóa thành một cái cây. Người anh thấy mất em, bỏ vợ đi tìm thì thấy em đã chết bèn gieo mình bên gốc cây chết theo, hóa thành tảng đá. Sau đấy người vợ thấy chồng đi vắng lâu không trở về, bèn bỏ đi tìm, đến chỗ ấy thấy chồng đã chết bèn cũng ôm tảng đá mà thết theo hóa ra một dây leo vấn vít lấy cả đá lẫn cây.
Người đương thời thương hại lập đền thờ tại chỗ cho là tình anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa. Nhà vua một khi đi qua, dừng chân nghỉ mát, nhân nghe kể chuyện, mới nhai chiếc lá với trái cây, thấy thơm cay, nhổ nước xuống đá thấy hiện ra màu đỏ. Từ đấy nước Nam có tục ăn trầu.
Đại khái truyện là như thế, phải chăng là người đời đã thần thoại hóa cái tục phổ thông của dân Việt lấy:
Miếng trầu là đầu câu chuyện
như ca dao bình dân thường nói. Và câu chuyện liên hệ đến trầu cau thường là câu chuyện tình duyên giữa trai gái, như ca dao đã hát:
Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu
Trầu này têm những vôi Tàu
Ở giữa đêm quế, đôi đầu thơm cay
Mời anh xơi miếng trầu này
Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương.
Sự phối hợp trầu cau thuộc về thảo mộc với đá vôi thuộc về kim thạch đã tượng trưng cho đạo vợ chồng của Việt tộc.
Nhưng đạo vợ chồng ở xã hội Việt Nam cổ sơ, trước khi tiếp xúc với lễ giáo Khổng Nho của Tàu, thì còn thuộc về hôn thú mẫu hệ, anh em lấy chung một vợ, hay anh chết em lấy chị dâu, hay em chết anh lấy em dâu (Levicat). Như thế câu chuyện cổ tích trên đây chẳng đã siêu hóa một cổ tục hôn thú còn ẩn ức trong tiềm thức của dân tộc.
Ngoài cái ý nghĩa siêu hóa cái tiềm thức ấy, câu chuyện còn bắt nguồn tự trong cái ý thức tín ngưỡng thần bí vật linh hay phiếm thần ma thuật của tục thờ cây, đá… như các nhà phong tục học đã xác chứng.
Tục ngữ chẳng đã nói: “thần cây đa, ma cây gạo” và “hòn đá kết thành con tinh”, “để là hòn đất, cất lên ông Bụt”.
Cái tín ngưỡng cây, đá, vật linh thuộc về tín ngưỡng phiếm thần được đạo Bàlamôn (Brahmanisme) hệ thống hóa làm quốc giáo của dân tộc Chàm phía Nam Giao Châu (Bắc Việt bây giờ) đã ảnh hưởng từ thời cổ xưa vào dân Việt như thấy minh chứng trong truyện cổ tích Man Nương sau đây:
“Thời Hiến Đế nhà Hán, quan Thái thú Sĩ Nhiếp đắp thành ở phía Nam sông Bình Giang. Ở phương Nam có một ngôi chùa gọi là chùa Phúc Nham, có một nhà sư từ phương Tây đến, hiệu là Già-La-Đồ-Lê, trụ trì ở chùa ấy, hay làm phép đứng một chân; trai gái, già trẻ tín mộ, kính phụng tôn hiệu làm Tôn sư, ai nấy đều cầu học đạo Phật.
Lúc bấy giờ có một người con gái tên là Man Nương (tức là cô gái mọi) cha mẹ đều đã mất, nhà nghèo khổ nhưng cũng dốc lòng cầu đạo, chỉ vì nói ngọng, khó tụng kinh chung với mọi người nên thường ở sau bếp giã gạo nhặt rau, lo việc nấu thổi để cung dưỡng các sư trong chùa và học giả bốn phương đến học đạo.
Khoảng trời tháng năm, đêm lại ngắn ngủi, Man Nương vội vã lo thổi nấu cho xong. Nàng nấu đã xong xuôi, nhưng các sư còn tụng kinh chưa nghỉ để ăn cháo; Man Nương ngồi chờ, ngủ gật ở ngạch cửa không ngờ quên lửng nằm ngủ say. Đến khi tăng đồ tụng niệm xong, ai về phòng nấy thì Man Nương còn nằm ở cửa; nhà sư Đồ-Lê bước ngang trên mình nàng, Man Nương hồn nhiên tâm động, từ đó có thai. Trong khoảng được ba bốn tháng, Man Nương lấy làm xấu hổ bỏ đi, nhà sư Đồ-Lê cũng tránh đi đến chùa ngả ba đầu sông mà ở.
Mãn nguyệt, Man Nương sinh được một đứa con gái và tìm nhà sư để giao lại. Đêm khuya, nhà sư Đồ-Lê đến dưới cây đa ở ngã ba đầu sông mà đặt đứa con gái và nói:
- Ta gửi Phật tử này cho mày. Mày giữ lấy, sau được thành Phật đạo.
Sư Đồ-Lê và Man Nương từ biệt nhau mà đi. Đồ-Lê cho nàng một chiếc gậy và bảo rằng:
- Ta cho em cái gậy này mà đem về, hễ gặp năm nào trời đại hạn thì lấy gậy vẩy vẩy dưới đất tự nhiên có nước chảy ra để cứu người ta.
Man Nương cầm gậy đem về, lại ở chùa như trước; gặp năm trời hạn, nàng lấy gậy vẩy trên đất, tự nhiên có nước suối chảy ra ào ào, dân chúng được nhờ vả rất nhiều.
Khi Man Nương đã hơn tám mươi tuổi thì bất đồ cây đa bị lật đổ trôi đến trước bên chùa, quanh quẩn ở đó không trôi đi; người ở đó đua nhau bửa củi thì búa rìu đều bị gãy mẻ hết; làng xóm rủ nhau ba trăm người đến kéo cũng không chuyển động. Gặp Man Nương xuống bến rửa tay, nàng khẽ lấy tay kéo thử, cây lập tức chuyển động trôi vào, ai nấy kinh dị, vội bảo Man Nương kéo thẳng lên bờ, khiến thợ mộc trổ làm bốn pho tượng Phật; kịp lúc đẽo đến giữa cây, chỗ giấu người con gái thì chỗ ấy đã hóa thành một phiến đá rất cứng; người thợ đẽo đúng vào chỗ đó thì rìu búa mẻ hết, mới lấy phiến đá ném xuống giữa sông; phiến đá phóng xuất hỏa quang, giờ lâu mới chìm xuống nước; các người thợ đều chết hết. Mọi người đều xin nhờ Man Nương van vái mướn kẻ chài lặn xuống nước vớt lên, rước vào điện Phật, lấy vàng tô lên mà phụng thờ.
Sư Đồ-Lê mới đặt tên cho bốn pho tượng Phập là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Già trẻ gái trai bốn phương thường nhóm họp ở chùa này chơi đùa ca múa, gọi là hội tắm Phật, đến nay đang còn vậy.
(Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp bản dịch của Lê Hữu Mục)
Nội dung câu chuyện cổ tích đầy vẻ hoang đường trên đây cũng thấy phù hợp với một tài liệu lịch sử về tinh thần sùng bái bình dân thời Sĩ Nhiếp.
“Sĩ Nhiếp hùng cứ một phương, khi đi ra đi vào thì có hiệu lệnh, chuông khánh, trống kèn, xe ngựa chật đường, quân lính theo hầu hai bên xe đốt nhang thường có mấy chục người.”
(An Nam chí lược – Lê Tắc Q.1)
Cái tác phong đưa đón nhà cầm quyền, mang hương hoa tụng niệm, coi như một vị Hoạt Phật, như thế là tục lệ của dân Chàm theo Bà La Môn giáo, hay chính quyền tôn giáo Tây Tạng hơn là lễ nghi Nho giáo đối với chính quyền quân chủ.
Lại cái tên nhà sư Già-La-Đồ-Lê tu phép đứng một chân thì rõ ràng là một thuật sĩ Ấn Độ (Fakir), như ngày nay còn thấy các đạo sĩ Yoga bên Ấn Độ thường biểu diễn. Đấy không phải là Phật giáo thuần tuý mà là Phật Bàlamôn giáo như tín ngưỡng chính thống của dân tộc Chàm Chân Lạp phía nam nước Giao Châu, từ Cửu Chân trở xuống vậy. Bàlamôn giáo như ngày nay chúng ta thấy, người ta thờ hiện tượng thiên nhiên như là những quyền năng ma thuật của một sinh lực sáng hóa biểu hiện thiên hình vạn trang mà người tín đồ có thể bắt chước, thu hoạch bằng cầu cúng. Bởi thế cho nên trong câu chuyện ta thấy năng lực sinh lý, tâm lý, vật lý trà trộn với nhau, nào dục tính nhà sư chưa tự chủ được, nào pháp thuật man mọi, nào cầu đảo mưa nắng v.v… Vẫn cái tín ngưỡng vào đá, vào cây, lại thêm năng lực sinh lý để biến hóa thần thông ra những thế lực ma thuật thiên nhiên như Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Một chùa Phật vốn vậy mà ở đây thờ tất cả hiện tượng thiên nhiên nhân cách hóa, đủ tỏ trên đất Giao Châu, kỳ thuỷ ảnh hưởng văn hóa Chàm, Khơme, Ấn Độ rất sâu rộng. Có lẽ vì thế mà sau này Phật giáo Việt Nam hỗn hợp với tín ngưỡng vật linh thờ Cây, thờ Đá và Chư Vị của Bàlamôn giáo cũng như Nho giáo với tín ngưỡng tổ tiên, để tiến triển về đường luân lý đạo đức nhân văn hơn là quyền năng ma thuật.
Với thần thoại vật tổ Rồng Tiên đến Sơn Tinh Thuỷ Tinh, qua truyện Tân Lang Trầu Cau và Man Nương ta có thể tạm hiểu đại khái tín ngưỡng cổ sơ của dân tộc Việt Nam là tín ngưỡng vật linh, một nguồn linh tính thấm nhuần và ngấm ngầm thông suốt qua các trạng thái hiện tượng. Từ nhân văn đến thiên văn, từ vật đến người, từ ma quỷ đến thần tiên, đến Thánh Mẫu, Đức Ông. Một thực tại linh thiêng ở các trình độ biểu hiện hay tiềm tàng mà tín đồ sùng bái hay sợ hãi. Đây là tục thờ Cây, thờ Đá ở Việt Nam xưa vậy.
TỤC THỜ CÂY ĐÁ Ở VIỆT NAM
Miền bắc Việt, đất cố đô Việt Nam, cũng như miền trung Việt như linh mục Cadière đã chứng minh trong “Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens” (Tín ngưỡng và tập tục tôn giáo của người Việt Nam), có tục thờ cây cối. Dưới gốc cây to, cổ thụ người ta thường đặt những bình vôi sứt mẻ đã dùng chứa vôi ăn trầu. Đấy là một đồ dùng được ưu đãi cho nên khi nào bể vỡ người ta không được vứt đi như các đồ vật thường khác mà người ta phải đặt vào một gốc cây, vì vôi là chất đá với cây vốn có một liên hệ thần bí linh thiêng từ ngàn xưa theo cổ tích của dân tộc như truyện Trầu Cau đã phân tích trên. Đặt bình vôi vào dưới gốc cây không phải để cúng cây, đây là một cử chỉ thuộc về loại ma thuật chứ chưa phải tôn giáo. Bình vôi là cái gì chứa sức ma thuật, một quyền năng thần bí có quan hệ mật thiết đến vận mệnh của gia đình, cho nên người ta thường gọi là “Ông” bình vôi. Nếu vôi bám vào nơi miệng bình thành bờ thì gia đình làm ăn càng thịnh vượng, còn trái lại là điềm gở, xấu. Bởi thế nên khi có bình vôi sứt mẻ, người ta không dám néo vào nơi ô uế mà phải đặt dưới gốc cây vì gốc cổ thụ là nơi đặc biệt tụ khí (mana), tức là khí thiêng. Do đấy mà về sau có tục thờ cây. Cũng có thể là tục này có từ trước vì cái sức sống huyền bí của thảo mộc sinh sôi nảy nở nên người ta chú ý đến cây cổ thụ. Nhân đấy mà người ta chất chứa bình vôi cũ dưới gốc cây cổ thụ là nơi tụ được nhiều khí thiêng thảo mộc. Vôi với trầu cau là một phối hợp ma thuật giữa chất đá và chất mộc, tự nó đã như linh thiêng, chứa chất ở gốc cây cổ thụ càng làm tăng thêm khí thiêng cho cây. Một gốc cây có nhiều bình vôi cũ chồng chất thành đống tự nhiên biến thành một nơi linh thiêng đáng thờ cúng. Đấy là từ ma thuật biến sang tôn giáo rồi vậy.
Thổ thần với cây cối
Người ta thường thấy giữa đồng ruộng bắc Việt nổi lên một cái gò, cái đống đất, bên trên có một gốc cây cổ thụ che một cái bệ xây gạch gọi là cái án. Dân quê xung quanh đấy thường đem lễ vật hương hoa đến lễ bái, vì đấy là một cái án thờ Thổ Thần. Người ta kiêng kỵ không xâm phạm vào khu vực ấy, kỵ chặt cây, cuốc đất trên cái gò ấy. Án thờ thổ thần có thể có ba hình thức:
1. Một cái gò có cổ thụ
2. Một cái gò có án xây dưới gốc cổ thụ.
3. Một gốc cổ thụ với một cái án xây.
Hình thức thứ hai có lẽ phổ thông hơn cả vì đủ bộ hơn. Người ta bày lễ vật trên án rồi gia chủ khấn vái vào những ngày Sóc (mùng một) và Vọng (mười lăm) hàng tháng. Cũng có khi có những việc đặc biệt vào ngày thường. Phần nhiều đến lễ bái chỉ có đàn ông, không thấy đàn bà, vì đàn bà không biết khấn thổ thần. Như vậy thì thổ thần là thần linh thuộc Nam tính hay Dương thần mà cây cối ở đây chỉ là vật phụ.
Những thổ thần ngự trên cây thiêng ở một cái gò chỉ hành động trong một phạm vi địa phương nhỏ nhất định. Nông dân bảo cácngài trông coi ruộng đất mùa màng của một khu. Khu ấy có thể nhỏ hơn một làng, cho nên trong một làng thường có nhiều án thờ thổ thần, không phải để cúng riêng thổ thần mà còn để tống tiễn chúng sinh gồm các vong linh có hồn không có thừa tự, của kẻ chết đường, chết chợ, xa cửa xa nhà, không nơi nương tựa, là những linh hồn cầu vơ cầu vất đáng thương nhất đối với nhân dân Việt Nam.
Thương thay thập loại chúng sinh,
Phách đơn, hồn chiếc, linh đinh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Phận mồ côi lần lữa đêm đêm.
(Nguyễn Du – Văn tế thập loại chúng sinh)
Những vong hồn ấy thường tụ tập chung quanh thổ thần để phục dịch như môn hạ. Chúng rất nguy hiểm, có thể ra dịch tễ ôn lệ cho một địa phương bị chúng quấy nhiễu, cho nên còn gọi là quan Ôn, nên nhân dân hàng năm thường làm lễ cầu yên nhân dịp vào hè, ra hè. Lễ này thường làm tại miếu thổ thần.
Thổ thần bảo hộ cho cả một làng là Thành Hoàng, được thờ cúng ở trong ngôi đình làng hay nhà làng, trụ sở công cộng để họp việc làng. Gần đình thường thấy một vài cây to cổ thụ tại sân đình, không ai được xâm phạm. Cái đình thay cho miếu án thờ thổ thần cho nên dân làng làm lễ trong đình chứ không ở gốc cây. Xem thế thì sự chuyển dịch từ gò, đống, án, miễu đến đình vẫn còn lại cái cây để tượng trưng cho ý nghĩa linh thiêng. Nhưng đáng lẽ các thần linh ngự tại trên cây thì ở đình các ngài lại ngự nơi bài vị với sắc phong của nhà vua để trong hòm sắc trên ngai đình. Khi nào rước sách thì hòm sắc được để vào trong kiệu mang đi theo. Thổ thần cũng như Thành Hoàng cai quản cô hồn chúng sinh của một địa hạt. Hai lần một năm dân làng làm lễ cầu yên cho chúng sinh tại sân đình vì chúng sinh không được nhập vào trong đình của Thành Hoàng.
Thổ thần và Thành Hoàng đều là thần cả, nghi lễ tuỳ theo địa phương. Nếu dõi theo cấp trật của thần thì ở trên thần còn có thánh. Chúng sinh cô hồn, Thổ Thần, Thành Hoàng, Đức Thánh, đấy là bốn cấp trật thần linh của nhân dân. Uy quyền của bậc thánh lan ra khắp một xứ, ở đâu cũng có tín đồ cùng nghi lễ có tính cách quốc giáo như là đức thánh Trần thuần tuý dân tộc, đức thánh của nhân dân sùng bái tin sùng từ Lạng Sơn đến Thanh Hóa là lĩnh vực Quốc gia xưa. Sau khi đánh tan quân Mông Cổ ngài về Phả Lại ở cho đến lúc mất, cho nên ở đấy có đền thờ gọi là đền Kiếp Bạc, hàng năm quốc dân đến hành hương kỷ niệm vào ngày 15 tháng 8, hội mở suốt 5 ngày. Sự tích và giáo lý đức thánh Trần thuộc về lịch sử các vị anh hùng dân tộc mà nhân dân sùng bái đến thần linh hóa như thánh Gióng hay Phù Đổng thiên vương, Đức Ông Gia Định v.v…
Một điều nên chú ý là ở đền Kiếp Bạc có gốc cây cổ thụ đứng có vẻ nguy nga mà nhân dân cho là linh thiêng có quyền năng thần bí. Theo sử sách “Cương Mục Thông Giám” thì vào thời nhà Lê có sắc lệnh vua Thái Tôn cấm không được chặt những cây ấy đi và nhân dân tin rằng chỉ phạm vào một cái lá cũng đủ đau ốm. Cái đức linh ấy là vì một phần năng lực thần linh của đức thánh đã ngự vào những cây ấy.
Uy lực của đức thánh Trần ngự trị tất cả chúng sinh ma quỷ bởi thế mà tín đồ ở đây trên cương vị quốc giáo không còn phân biệt nam nữ, hàng năm đến cầu đức thánh trừ tà trị bệnh. Ngài chữa bệnh theo phép thần kỳ trong những ngày hội cho những kẻ bị tà ma ám ảnh, đến hành hương để mong khỏi bệnh. Cảnh tượng lạ lùng có tính cách cuồng tín trong buổi lễ bắt tà trị bệnh là hiện tượng đức thánh hiện về, giang xuống một số ông Đồng (medium) bà Cốt, thầy bùa. Bọn này khi ấy hầu như mất hết cá tính ngày thường, hóa thành thánh sống, dùng những thiết linh xuyên thủng qua má mà không thấy đau, hay cắt lưỡi lấy máu vẩy vào những lá bùa. Ý nghĩa của hành vi cuồng tín ấy là thánh ốp cũng có quyền năng như thánh thật, ông đồng bà cốt được tiếp thu quyền năng ấy và bùa dấu phép cũng có đặc tính ma thuật như chính quyền phép của đức thánh vậy.
Đấy là đại khái sự biến chuyển của ngành dương thần có quan hệ đến cây linh, kể từ thổ thần đến thành hoàng ở đình làng và đức thánh ở đền, từ khu vực địa phương nhỏ đến toàn lãnh vực quốc gia biến thành quốc giáo chung cho cả tín đồ nam hay nữ trong nhân dân.
Nữ thần với cây cối
Phàm các cây linh thiêng của nữ thần được người ta nhận thấy ngay, vì những đồ mã treo lên cây: nào hài, nào nón, vàng hoa. Những đồ lễ đặt ở dưới một cây thiêng thuộc về nữ thần là do phụ nữ đem đến vào ngày rằm và mùng một hàng tháng. Khi nào một cây thiêng được thờ, nếu là mới thì ở dưới gốc cây chưa có xây cất. Người ta lễ bái ngay tại bên đường. Rồi một ngày kia người đến lễ đông thì người ta bắt đầu xây cất một cái lều tranh dưới gốc cây và xây một bàn thờ gạch hay làm một cái miễu lợp ngói. Cái miễu nhỏ cao chừng một thước rưỡi rất phổ thông, là kiểu mẫu cho nhiều chùa sau này. Miễu có kiểu lớn chừng bốn hay năm thước tây, trong đó không phải chỉ có một bàn thờ mà còn có cả những bài vị thần linh nữa. Bài vị sẽ được đem đi rước sách vì ở đấy có tất cả khí thiêng tụ lại. Và cũng miễu thổ thần, miễu bà Cô hay ông Cậu sẽ dần dần thay thế cho cây. Có nơi miễu linh thiêng có nhiều thánh tích, từ bốn phương người ta kéo đến hành hương, bấy giờ miễu trở nên phủ.
Giữa miễu và phủ như phủ Giầy chẳng hạn, không có chi khác về mặt nghi lễ, cũng như đối với cây cổ thụ. Vẫn nghi lễ của đa số phụ nữ, nghi lễ của thần linh thuộc nữ tính. Trong các miễu, phủ hay đền, danh tiếng linh thiêng của các nữ thần thì ngoài phủ Giầy thuộc huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định hay đền Sòng ở Phố Cát tỉnh Thanh Hóa là bậc nhất ở Bắc Việt. Hàng năm vào ngày 3 tháng 3 nhân dân hành hương lễ bái trẩy hội. Người ta xây cất rất nhiều. Cung điện xung quanh ngồi đền chính, có hai gốc cây cổ thụ ở mặt trước cửa vào đền. Ở đây đa số tín đồ là phụ nữ, nhưng cũng không riêng hẳn chỉ có phụ nữ mà thôi. Vị thần ở đây là Tiên chúa Liễu Hạnh, cũng ví như vị thần Kiếp Bạc là Hưng Đạo vương. Cũng như ở Kiếp Bạc người ta thấy trong hàng tín đồ rất nhiều bà Đồng và ông Đồng với hai nhân cách tính, nhưng cử động ở đây có vẻ êm dịu hiền lành hơn là ở Kiếp Bạc dữ tợn, cuồng loạn máu mê.
Tóm lại các hạng cây linh được sùng bái thuộc về mấy loại như sau:
1. Cây không đứng một mình.
2. Cây có bệ xây.
3. Cây che phủ một ngôi miễu.
4. Cây che phủ ngôi đền.
5. Cây vừa có đền vừa có miễu.
Trong hàng các thần nữ thờ ở cây hay ở trong đền, miễu thì có cấp trật cao hạ, trên dưới như ở trên trần. Nữ thần có 3 bậc: Cô, bà Cô, thánh Mẫu.
Cô là con gái đồng trinh chết yểu.
Bà là gái có chồng giữ được trinh tiết.
Thánh Mẫu hay Mẫu là Chúa.
Tất cả đều là linh hồn phụ nữ xưa kia đã sống ở trần gian, và đức trinh tiết giữ đến lúc chết.
Mỗi nữ thần còn cai quản một số vong hồn, cùng với các thú rừng đại diện cho quyền năng thiên nhiên cho nên gọi là quan tướng với chúng sinh, cấp trật xếp đặt như là một triều đình trên trần gian vậy.
Trên đây là tín ngưỡng bản xứ chưa pha trộn với các yếu tố ngoại lai. Những tín ngưỡng cổ xưa của bình dân về cây cối linh thiêng, về đá đất, mà thành một bộ ba đầy đủ, nhất là sự “hợp nhất thờ cúng một nữ thần như thánh Mẫu, một cây cổ thụ và một tảng đá thành tinh”. Cây, đá, linh hồn phụ nữ đấy là bộ ba tối linh trong tín ngưỡng Việt Nam bình dân cổ xưa. Tín ngưỡng ấy về sau mới pha trộn với Phật giáo và Đạo giáo thành một phức thể tôn giáo Việt Nam. Trong một ngôi chùa ở một làng Bắc Việt xưa người ta thường thấy chia ra làm hai khu thờ chính lớn nhỏ khác nhau và ngoài cửa chùa có một vài cây cổ thụ như cây Đa, cây Đề. Khu chính giữa để thờ Phật, có tượng Phật. Gian bên có ba pho tượng nữ thần trên bệ, có liên lạc với tượng quan tướng Ngũ Hổ ở bệ dưới. Ba ngôi tượng ở bệ trên thuộc về thánh Mẫu hay Đức Bà. Quan tướng là Bạch Hổ. Như thế đủ thấy chùa Việt Nam xưa kia tại Bắc Việt là nơi thờ phụng hỗn hợp hai yếu tố phức tạp, yếu tố Phật ngoại lai với yếu tố nữ tính, cây, đá. Ba Đức Bà trong chùa đều có cá tính riêng: ở giữa là thánh Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ coi việc trời, bên trái là Mẫu Thoải coi việc nước, bên phải là Địa Mẫu coi về đất. Đấy là hình ảnh tam phủ: thiên phủ, địa phủ, thuỷ phủ, trong tín ngưỡng của Đạo giáo. Và tín ngưỡng bình dân còn nhờ Ngọc Hoàng chỉ định cho mỗi vị thánh Mẫu khu vực các ngài phải cai quản.
Mặc dầu có ảnh hưởng của tín ngưỡng Phật giáo và Đạo giáo, tín ngưỡng bình dân thờ ba Đức Bà vẫn giữ đặc trưng cốt yếu và nguyên thuỷ của nó. Trong gian thờ ở chùa, nghi lễ thờ cùng Chư Vị vẫn là nghi lễ của miễu, đền. Mỗi tín đồ lễ Phật rồi xuống lễ Tổ và Chư Vị với những cầu nguyện riêng, lễ vật riêng. Phần nhiều phụ nữ có nhiều tục kiêng kỵ, họp thành một hồi Bà Vãi, đến lễ chùa hay hầu đồng bóng ở các miễu, đền. Những bữa ăn, những cuộc họp cũng tương tự như những buổi đình đám của đàn ông trên đình làng, cũng ngôi thứ, cũng lộc phần. Các bà Vãi trong xã hội thuộc vào hạng tuổi tác, có đức hạnh được kính trọng như các bô lão đàn ông trên đình.
Rút cục nhân dân trong làng về tín ngưỡng chia làm hai tập đoàn khác nhau, đàn ông lên đình lễ Thành Hoàng, thổ thần; đàn bà đi chùa lễ Phật hay lên đền lễ Mẫu. Trạng thái lưỡng tính ấy chính là nét đặc biệt của văn hóa Bắc Việt. Bắt đầu nguời ta đến lễ cúng cây Linh trên gò đống, kế đến miễu, đền, sau cùng đến đình, chùa. Đình và chùa là hai đầu cực Âm, cực Dương trong xã hội Việt Nam. Có điều lưỡng cực ấy biến hóa triển khai chứ không cố định, bế quan. Từ một giáo lý chung căn bản vào nguồn sống sinh động linh thiêng sinh hóa bất tuyệt, họ phân chia các hình thức nghi lễ thờ cúng địa phương để rồi lại gặp gỡ, hợp nhất trên bình diện quốc giáo.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks