lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Trang Thơ Kita Kha

...

Trang Thơ Văn Mặc Khách

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Nhơn

...

Trang Thơ Văn Thanh Sơn

...

Trang Thơ Văn Vĩnh Nhất Tâm

...

Trang Thơ Văn Phạm Ngọc Thái

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Thị Thanh

...

Văn Hóa Tộc Việt

...

Ủng Hộ Trúc Lâm Yên Tử - Donate

...

 

Văn Hóa Triết Học Việt Nam - Tam Giáo Đồng Nguyên

Lịch sử tư-tưởng Việt-Nam

Giáo sư Nguyễn Đăng Thục

Tập Một

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12

Ý Thức Thần Thoại và Triết Học

Thần thoại có liên hệ đến sự hiểu biết đầu tiên của người ta về chính mình và về hoàn cảnh. Đối với nhân loại cổ sơ không có đến hai hình ảnh về thế giới, một khách quan và một chủ quan như chúng ta quan niệm ngày nay, mà chỉ có một hình ảnh hồn nhất.

Tư tưởng nhân loại dù ở trình độ ấu trĩ cũng là phương diện hành động hiệu nghiệm cho người ta, nó giúp cho người ta tiên liệu và sáng tạo công cụ kỷ thuật. Thế giới, vũ trụ trước đây vô ý nghĩa thì bắt đầu có ý nghĩa với hoạt động tư tưởng.

Ý thức thần thoại thuộc vào cơ cấu của sự nhận định vị trí giữa người với vũ trụ. Sự nhận định ấy quyết định cho cuộc sinh tồn của nhân loại trong hoàn cảnh của nó. Ngay từ buổi đầu, sau khi nhận định vị trí đối với hoàn cảnh, nhân loại bèn ly khai khỏi cảnh hồn nhất, mất cảnh thiên đường, Thiên Thai lạc lối (le paradis est perdu). Và chỉ vì muốn nhớ lại, muốn trở lại cái thiên đường nguyên lai ấy để lại thấy được quân bình cho tâm hồn mà có thần thoại xuất hiện ở tất cả các xã hội bình dân.

Cái ý nghĩa sinh tử của thần thoại, bảo đảm cho sự sống, trong sự sống, giải quyết mối lo âu, sống chết khiến cho thần thoại phần nhiều đượm màu tình cảm. Thần thoại trước hết là một bầu không khí tình cảm trong sự cầu tìm thỏa mãn những nhu cầu cơ bản. Ở đây là bản năng điều động, bản năng sinh tồn, ăn uống, sinh lý. Bởi vậy mà cơ cấu thần thoại còn gần với cơ thể sinh lý của nhân loại trong vũ trụ, tuy đã có manh nha những khuynh hướng siêu hóa để làm nảy nở văn hóa với văn minh sau này.

Max Muller, trong Nouvelle études de Mythologie, nói về thần thoại để cố tìm ý nghĩa chân chính của nó, có viết:"Cố gỡ mối cái kho thần thoại đồ sộ truyền lại từ đời nọ sang đời kia, người ta thường lầm coi như là một hệ thống, một toàn bộ có thứ tự, có tổ chức xây dựng cả một lần theo kế hoạch định trước, kỳ thực nó chỉ là một mớ nguyên tổ, một tổ hợp những khái niệm xung đột tứ tung trước khi kết tinh thành một thể thức có ít nhiều điều lý".

Và Levy Bruhl, trong "Les functions mentales dans les sociétés inférieurs" - (Alcan 1928) giả định cho những thần thoại là "sản phẩm của tinh thần sơ thủy đã xuất hiện trong khi nó cố gắng thực hiện mt sự tham gia không còn cảm thấy trực tiếp, khi nó cần d61n trung gian, đến môi giới để bảo đảm lấy sự thông đồng không còn sống động. "Cái điều người dân sơ thủy chú ý, khích động ở họ những cảm xúc ấy là những yếu tố thần bí bao phủ nội dung của thần thoại".

Vậy thần thoại hay ý thức thần thoại trước hết là một hình thức cốt yếu để hướng dẫn, một hình thức tư tưởng, hơn nữa một thái độ sống động, một tâm trạng ở trình độ phức thế được người ta cảm xúc, sống trước khi giải thích và công thức hóa vào lời nói. Nó là lời nói, cử chỉ, hình tượng hoạch định sự kiện tại trong lòng người còn hồn nhiên như đứa trẻ. Đấy là thái độ sống hồn nhiên "đồng đồng vãng lai". Hồn nhiên qua lại giữa nội giới vi ngoại giới. Khi đứa trẻ đụng vào cái bàn mà ngã, nó quay lại đánh cái bàn vì cho cái bàn làm nó đau. Cử chỉ của đứa trẻ cũng chính là cử chỉ của con người ban sơ, không hành động theo một lý thuyết gì trước mà bồng bột hồn nhiên để xác định thực tại. Trong ngôn ngữ của chúng ta ngày nay còn có những danh từ thông dụng như đầu núi, chân trời, sườn đồi, hay ở tiếng Pháp chỉ về núi cũng có danh từ "tête", "crête", "dent", "gorge" , "col", "mamelon", "flanc", "côte" , "croupe", v.v...lấy bộ phận của người gán cho vật, đủ thấy chúng ta chỉ nhìn núi, sông, như là người, nhu có "hồn sông núi" vậy. Đấy là di tích còn lại của một tính tình cổ xưa nguyên thủy, của một ý thức thần thoại, coi thiên nhiên với nhân văn chưa phân khai, nhìn vũ trụ với tinh thần vạn vật đồng nhất thể, mà Trang tử đã tuyên bố rõ ràng :

Thiên địa dữ ngã tinh sinh vạn vật dữ ngã vi nhất ( Tề Vật luận)

nghĩa là trời đất với ta cùng xuất hiện ra đồng thời, muôn vật với ta là một thể.

Bởi thế mà ý thức thần thoại trong cử chỉ đánh cái bàn của đứa trẻ bị đụng ngã tuân theo một thứ luận lý tham gia (participatis) còn vô ý thức ở chủ động mà chúng ta coi như thần bí vì trái với cái lý của ta ngày nay. Cái ý thức ấy tham gia trực tiếp với hoàn cảnh chung quanh. Nhân loại cổ xưa nhận thức hoàn cảnh sự vật chung quanh có một thực tại cũng như mình. Người ta giải thích cái kinh nghiệm sống động ấy bằng lý thuyết vật linh (animiste) nó giả thiết một vũ trị luận và một siêu hình học lưu thông như một sinh khi chu lưu sinh sinh không ngừng thông suốt vũ trụ vạn vật làm cho linh động cây cỏ, đất đá, tinh tú và động vật do đấy mà nảy ra có kỹ thuật, ma thuật, pháp trú thần thông, hô phong hoán vũ, mục đích để thu thập những năng lực thiên nhiên rải rác đó đây khắp cả trong lòng đất, cả đến tín ngưỡng vật tổ đồng hóa một nhóm người với loài thực vật hay động vật, con cháu Rồng Tiên, hay mặt Trăng, mặt Trời đều là mô tả cái thái độ đầu tiên của nhân loại bản sơ đứng trước vũ trụ. Tham thông, vật linh, vật tổ đều là để mô tả cái kinh nghiệm cụ thể đầu tiên của nhân loại trong cái ý thức thần thoại (conscience mythique) mà chúng ta phải thừa nhận như một khang định toàn diện không thuộc vào một phạm trù ngôn ngữ nào, hay là nếu có thuộc vào phạm trù thì chỉ là cái phạm trù độc nhất là toàn thể cụ thể, hay phạm trù đồng nhất tính căn bản, bản thể thuần nhất, vạn vật nhất thể. Đấy là một thực thể sống động toàn diện có trước cả ngôn ngữ danh từ, lý luận, tư tưởng vì còn ở trong cái phức thể tiềm thức (complexe subconscient). Bởi thế mà những s vt thần thoại là sự vật thật đối với tâm lý nhân vật thời ấy, như Schelling đã viết trong "Introduction à la philosophie de la Mythologie" rằng: "Những biểu thị thần thoại không phải đã bịa đặt hay được tùy ý thừa nhận. Sản phẩm của một quá trình độc lập với tư tưởng và ý muốn, đối với cái ý thức tiếp thụ chịu đựng chúng, thì chúng có thật không chối cãi. Dân chúng và cá nhân chỉ là những dụng cụ của cái quá trình ấy, nó vượt quá tầm sức của chúng và chúng phụng sự mà không hiểu". Phải chăng đấy là sức mạnh của tín ngưỡng thúc đẩy ?

VẬT LINH - Triết học cận đại tách rời siêu hình học với vật lý học. Nhưng ở tâm lý các dân tộc bán khai thì vật lý cổ xưa hoan toàn chìm vào trong không khí siêu hình, cũng như siêu hình học của họ biểu diễn thẳng ra vật lý hữu hình.

Kinh Dịch viết:

Hình nhi thượng giả vị chi đạo, hình nhi đạo giả vị chi khí.

"Hình đi lên là đạo lý, hình trở xuống là khí cụ"

Bởi thế mà nếu tư tưởng trí thức suy luận luôn luôn đối lập chủ thể với khách vật, tiềm tại với siêu nhân, vật với tâm, thì tư tưởng cổ xưa luôn luôn đồng nhất chủ với khách, tâm với vật, siêu nhiên với hiện thực, vượt lên lên tất cả mâu thuẫn giữa Ta và không phải Ta (le Moi et le Non Moi). Tuy nhiên ý niệm bản thể là một khẳng định đầu tiên và tất yếu về thực hữu để mà theo đấy người ta tìm biểu diễn về chính sự tồn tại của mình. Bởi thế mà trước khi có bản thể học ý thức đã có một bản thể học kinh nhgiệm, từng trải qua những thái độ sống, qua cử chỉ ngôn ngữ của mỗi người. Đây là ý nghĩa đầu tiên về thực tại, nó định hướng cho hoạt động của con người trong một thế giới phức tạp của sự vật, khiến cho người ta không tự thấy xa lại trong thế giới nữa. Người xưa tìm định hướng trong cái thế giới của họ cũng phải có một nền siêu hình riêng, độc đáo để xếp đặt vũ trụ sự vật cho có trật tự và thống nhất hành vi nhân sinh.

Các dân tộc Đông Á sẳn có một ý niệm Thần Linh dùng vào công việc định hướng ấy. Tất cả thế giới sự vật đều được nhìn qua Thần Linh. Và dân tộc Việt Nam tin vào Thần Linh như một thế lực thần bí, huyền nhiệm, vô hình, bàng bạc khắp cả, thấm nhuần tất cả khiến cho sự vật trở nên thần vật:

Thiên nhân thần vật thánh nhân tắc chi

Thần sông thần núi

Thần đá thần cây

Thần vật ấy cũng như cái mana của dân Mélanésie mà các nhà nhân chủng học đã khám phá thấy ý nghĩa theo giáo sĩ Codrington do G. Gusdorf trích dẫn ở "Mythe et Métaphysique" là "Thế lực hay ảnh hưởng siêu nhiên biểu hiện ra để thi hành cả cái gì vượt qua ngoài quyền năng bình thường của nhân loại, ngoài cách thức diễn tiến thông thường của thiên nhiên" (puissance ou influence surnaturelle...qui entre en jeu pour effectuer tout ce qui est au delà du pouvoir ordinaire l'homme, en dehors du processus commun de la nature - Flammarion p.41)

Rồi Gusdorf giải thích thêm rằng:

"Người có sơ chí có mô mục tiêu duy nhâ, và chữ mana cho cái thái độ nhâ quán của người đứng trước vũ trụ hay là đúng hơn đứng trong vũ trụ. Mana tiềm tàng trong sinh tồn với sự bô nhiên của nó, nhưngnó có the"ở bên chủ thể cũng như bên khách thể. Đúng hơn nữa mana phù hợp vơ mô cách đối phó của người ta với thực tại chung quanh, khởi thủy coi như mô hữu thể trong thế giới đặc biệt của đời sống cổ xưa. Ý hướng mana không có riêng cho một cảnh ngộ đặc biệt "tôn giáo", nó chỉ định một sự phân cực của sự sinh tồn trong toàn bộ, ngoài tất cả sự gọi đến các chư vị hay cả đến các thần linh dù không không rõ rệt".

Tóm lại "thế giới cổ sơ như Van der Leuw đã nói rất đúng trong: L'homme primitif et la religion" không gồm có một hàng những hữu thể, mỗi cái chiếm một vị trí riêng, và nhân thể mà cái nọ phủ nhận bài ngoại cái kia khiến cho người ta phải đến để chỉ định ra: thế giới ấy gồm có những hữu thể tham gia cái nọ với cái kia, hữu thể hỗ tương tham nhập".

"Le monde primitif, dit très justement Van der Leuw, ne se compose pas d'une série d'être qui occuperarient chacun leur place à eux, qui, par conséquent s'excluraient, les unes les autres et que, pour indiquer, il faudrait compter; ce monde se compose d'être participant les uns aux uatres, d'être s'interpénétrant".

Chính cái tinh thần ấy mà Levy Bruhl gọi là "tinh thần tham thông" (esprit de participation), vì theo ông đối với dân cổ sơ hay bán khai thì thực hữu là tham thông trực tiếp vào "Etre c'est participer" (Les carnets de Levy Bruhl p. XXI - do Gudorf trích dẫn trong Mythe et Métaphysique).

Cái ý thức tham thông ấy chính là tinh thần thông cảm trong kinh Dịch:

Âm dương hợp đức nhi cương nhu hữu thể dĩ thể thiên địa chi soạn, dĩ thông thần minh chi đức (Dịch Hệ từ)

Hai khí Âm, Dương; Mái, Trống; Cái, Đực; mâu thuẫn hợp đức tính với nhau mà cái rắn mềm mới có thực cụ thể để cụ thể hóa hiện tượng xảy ra trong trời đất, để cảm thông cái đức tính thần minh.

Thần minh tràn ngập trời đất, mà sự dung hòa các mâu thuẫn tượng trưng cho tính chất siêu nhiên giải thích cho cả tính chất thiện lẫn ác, nhân và bất nhân. Thần minh là cơ cấu của ý thức cơ bản, là nguồn gốc đầu tiên và bất định của tất cả ý nghĩa hết sức mâu thuẫn với nhau. Thần linh hay khí thiêng là sức mạnh động cơ đẻ ra thần thoại. Thần thoại phản chiếu thẳng cái "conincidentia oppositorum" sự gặp gỡ của những chống đối trái nghịch . Âm trung chi Dương, Dương trung chi Âm = cái Dương trong cái Âm, cái Âm trong cái Dương, ấy là đặc tính của linh thiêng huyền diệu, cho nên ông Eliande trong "Traité d'Histoire des Religions" (Payot, 1949) viết: "Le mythe découvre une règion ontologique inaccessible à l'expérience logique superficielle. Le mythe de Varuna révèle la biunité divine, la coincidence des contraires, la totalisation des attributs au sein de la divinité" - "Thần thoại khám phá một cõi bản thể mà kinh nghiệm duy lý phù phiếm không tới được. Thần thoại Varuna biểu lộ lưỡng tính đồng nhất thần linh, sự hội ngộ của những trái nghịch, tổng hợp những thuộc tính ở bên trong thần linh."(...trang 360).

Nhân loại lúc đầu sống trong bầu không khí thần linh, thiêng liêng, khí thiêng liêng sông núi. Rồi dần dần cái không khí thiêng liêng ấy bàng bạc làm nguồn gốc cho ý nghĩa về giá trị mới ngưng đọng, kết tinh vào một số vật thành ra khí thiêng giới hạn vào một chỗ nhất định. Tất cả đời sống tín ngưỡng dù sơ đẳng cũng ngụ có sự thiết lập một mớ nghi lễ, công thức thờ phụng. Nào giới cấm trừng phạt, kiêng kỵ, đối với các linh thiêng phân ra khu vực thiêng và không thiêng. Vấn đề cơ bản của đời sống tín ngưỡng phù hợp với vấn đề phân phối cái linh thiêng trong thời gian và không gian để cho nhân loại tìm phục hồi cái ý thức toàn diện, nguyên thủy như trở về "Thiên đàng đã mất", "Thiên thai lạc lối trần gian".

Chính với tinh thần vật linh và ý thức thần thoại, đặc tính là thực hữu tham thông (être c'est participer) mà người ta tìm hiểu và nhận thấy ở tâm lý tín ngưỡng phổ thông của người Việt bình dân từ Bắc chí Nam ngày nay. Giáo sĩ Léopold Cardière, trong "Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiennnes" - (III E.F.E.O.) viết:

"Có tác giả hay du khách vội vàng và phù phiếm đã không nhận các dân tộc Á Đông có tín ngưỡng: sự bận tâm ở họ về vật thực tế làm tiêu tan mất cả lo nghĩ về cõi siêu nhiên. Tôi có quan niệm trái hẳn là các dân tộc Á Đông nhất là dân tộc Việt Nam rất là tín ngưỡng. Danh từ tôn giáo ngụ nhiều trình độ, nhiều sắc thái. Nếu hiểu tôn giáo là tín ngưỡng vào một Đấng tuyệt đối vĩ đại vô biên và hoàn toàn vô cùng: tín ngưỡng vào sự phối hợp tinh thần với Đấng hiện diện ở khắp nơi; tín ngưỡng vào sự phối hợp hào khí của tâm với Đấng chí thiện ấy, ngự trị và bảo vệ tất cả; tổng chi là sự nhận biết đức tính vô biên bằng một nghi lễ xứng đáng với Ngài; hiểu như thế thì người Việt Nam không có tín ngưỡng. Họ không quan niệm một đấng tối cao, họ sống không có Thượng Đế như thế. Nhưng nếu người ta hiểu ý nghĩa tôn giáo là tín ngưỡng về một thế giới siêu nhân, ảnh hưởng vào hành vi nhân sinh, thì phải công nhận rằng dân Việt Nam có cái đức tính ấy ở trình độ rất cao.

"Có thể nói rằng người Việt Nam sống trong một không khí siêu nhiên. Bất cứ ở đâu nó cũng nhìn thấy ảnh hưởng của thế lực bí ẩn hành động vào đời sống của nó, tốt hay xấu. Bất cứ người Việt nào, thuộc về giai cấp nào ở xã hội đều không vượt được ra ngoài sự ám ảnh về siêu nhiên ấy...

"Người ta phê bình rằng đấy là sự sợ hãi gây nên những tín ngưỡng ấy. Bất luận, dù nguyên nhân là một tình cảm này hay tình cảm khác, sự thật vẫn là người Việt tin mình cử động, sinh hoạt trong thế giới siêu nhiên. Cái siêu nhiên ám ảnh nó. Nó không sao thoát khỏi, ban ngày cũng như ban đêm, giấc ngủ cũng không giải thoát được, bởi vì mộng triệu cũng là những biểu hiện của Thần linh.

"Thần linh ở tại khắp cả; một hòn đá lớn, một gốc cây cổ thụ, một rừng sâu, một vực sông, ngọn núi cao, một vũng nước giữa đồng, mỗi thỏi đất, thửa ruộng, một góc âm u, đều là cơ sở của Thần linh. Thần ở khắp cả, thấm nhuần khắp cả, tất cả đều là Thần.

"Cái tín ngưỡng và thế giới thần linh ấy có thể nói đã bao hàm lấy đời sống của người Việt, thúc đẩy nó phải cúng lễ. Trước khi hành động phải cầu che chở của thần linh, gạt những động cơ có thể làm ngài bất bình; nếu trong hành động, thần linh tỏ sự bất bình thì phải lễ tạ.

"Sự thờ cúng Tổ tiên tuy có cao hơn, nhưng căn bản cả hai đều mật thiết liên quan với nhau. Tổ tiên mất đi, người ta không thấy nữa, nhưng các người không từ bỏ gia đình. Họ chú ý đến con cháu, phù hộ cho hạnh phúc hay đem cho tai họa tùy theo sự con cháu có tròn nhiệm vụ hiếu nghĩa hay không. Hơn nữa tổ tiên ngự tại trong nhà, trên bài vị bàn thờ ông vải. Vị nào không còn tại đấy, di chuyển sang nhà bàn thờ họ thì thường được mời về chia sẻ vui buồn với gia đình. Luôn luôn người ta mời tham gia vào các hành vi trọng đại của đời sống chung: ăn hỏi, cưới xin, sinh nở của một phần tử gia đình. Tư tưởng tổ tiên chi phối toàn thể đời sống gia đình, cũng như tư tưởng thần linh chi phối đời sống hằng ngày của người Việt. Người gia trưởng là thủ tự việc thờ cúng ấy và truyền lại chức thừa tự cho con trưởng. Bất hạnh cho gia đình nào tuyệt tự !

"Đời sống xã hội đối với dân Việt chỉ là đời sống gia đình mở rộng, cũng hoàn toàn thấm nhuần tôn giáo. Những thần bảo hộ mỗi đoàn thể, chức tước hay không chức tước, làm ra mưa và mùa màng tươi tốt. Các thần che chở tai họa, hạn hán và dịch tễ. Bởi vậy cho nên nắm mạ đầu tiên là dâng cho Thần cũng như bó lúa gặt đầu được đoàn thể biết ơn đem cúng. Và gặp những ngày nhất định nào trong một năm người ta cúng tế linh đình. Các kỳ mục trong làng như cha chú của làng được cử ra làm chủ tế. Và trên nữa có các quan chủ tế trong tỉnh, Vua chủ tế trong nước.

"Xem thế thì biết không có gì trong đời sống nhân dân Việt Nam thoát ra ngoài ảnh hưởng tôn giáo. Tôn giáo chi phối người Việt từ lúc lọt lòng cho đến lúc chết, và cả sau khi chết rồi mà còn bị giữ trong vòng ảnh hưởng của tôn giáo. Khi người ta thấy gốc rễ của siêu nhiên ăn sâu trong tâm hồn Việt Nam người ta không thể không nhận dân tộc này rất tín ngưỡng.

"Và nếu người ta ngược trở về mấy thế kỷ trước kỷ nguyên Thiên Chúa, những tín ngưỡng ấy vẫn như thế, tập tục vẫn như thế ít ra là những cốt yếu.

"Khổng tử chẳng đã viết ở sách Trung Dung:

"Quỉ thần chi vi đức, kỳ thịnh kỹ hồ! Thị chi nhi phất kiến, thính chi nhi phất văn, thể vật nhi bất khả di, sử thiên hạ chi nhân trai minh thịnh phục dĩ thừa tế tự, dương dương hố như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu Thi vân: "Thần chi cách ti, bất khả hộ ti, thấn khả dịch ti". Phù vi chi hiển, thành chi bất khả yểm như thử phù".
(Trung Dung Tr. 16)

"Nghĩa là : "Cái đức của quỉ thần thịnh lắm thay ! Nhìn mà chẳng thấy, lắng tai mà chẳng nghe thấy, thể hội hết các vật mà không sót vật nào, khiến cho trong thiên hạ ai nấy trai giới sạch sẽ mặc đồ tốt để tế lễ, cuồn cuộn như ở khắp nơi trên đầu mình, bên cạnh mình.

"Kinh thi nói: "Việc quỉ thần đến không thể lường được, huống chi có thể lờn được sao. "Ôi ! mầu nhiệm mà rõ rệt, thành thật không thể che giấu như thế đấy. "

Ý kiến trên đây đã xác định rõ ràng cái tinh thần tham thông (esprit de participation) ở dân tộc Việt Nam như Levy Bruhl đã nghiên cứu thấy ở các dân tộc hải đảo Thái Bình Dương như Mélanésie hay Indonésie gọi là dân bán khai. Tinh thần tham thông là một đặc tính của tư tưởng thần bí vật linh như chúng ta thấy trong ý thức thần thoại nói trên, nó chính là đặc tính về tín ngưỡng tôn giáo. Nếu ở đấy chúng ta không thấy có cái quan niệm về một đấng tuyệt đối vô hạn và hoàn cảnh đứng biệt lập với người để rồi người ta với lòng cảm hứng bồng bột hay với tinh thần tìm cầu phối hợp; nếu cái quan niệm một đấng tối cao không được dân tộc Việt Nam chú ý, "nó sống không Thượng đế", như lời giáo sĩ Cardière đã nói, thì chỉ vì cái sự phối hợp ấy đã có sẳn trong ý thức vạn vật nhất thể của cái tinh thần tham thông thần bí cổ sơ sống động trong tâm hồn dân tộc nông nghiệp Á Đông. Ở các dân tộc nông nghiệp, ý thức thần thoại chưa phân hóa ra ý thức danh lý (conscience logique) với ý thức trực giác (conscienne intuitionniste), cái ý thức hồn nhiên cổ sơ chưa tắt hẳn vì cuộc sinh hoạt hằng ngày chưa phân chia giới nhân văn với giới thiên nhiên thành hai giới đối lập đấu tranh, cho nên nguyện vọng cầu tìm "tái đáo thiên thai" chỉ là sự phục hồi bản tính cố hữu mà thôi, không thấy cần thiết. Vậy thì thái độ sống chìm trong không khí tâm linh hay Thần linh siêu nhiên của các dân tộc Á Đông thực là một tín ngưỡng tôn giáo vì ở đấy chúng ta thấy có sự thành tín với tinh thần cởi mở để vươn lên khỏi giới hạn cá nhân chật hẹp triển khai tới cõi cao cả mà hòa mình vào cái vô biên là cái đại hòa điệu linh động : "linh khâm bảo hợp thái hòa" (Nguyễn Công Trứ) Cái linh thiêng kín đáo trong lòng mình bảo hợp cái đại hòa điệu của vũ trụ.

Giữa một bên là quan niệm về Thượng đế để cho cá nhân cầu tìm phối hợp, và một bên tin tưởng vạn vật nhất thể để cho cá nhân triển khai có sự khác nhau căn bản. Quan niệm (conception) là hệ thống những khái niệm (concept), mà khái niệm là trừu tượng hóa hay phổ quát hóa bằng lý trí những tri giác (percept) sau khi đã gạt bỏ cái phần tình, ý ở đấy đi, chỉ giữ lại có phần hợp lý thôi. Trái lại, tin tưởng như tín ngưỡng vạn vật nhất thể có từ trong cái ý thức tiền la tập ở trạng thái tham thông của nhân loại sơ thủy bán khai. Nó là một thái độ sống hồn nhiên "Đồng đồng vãng lai" , ( ) một kinh nghiệm thuần túy về bản thể, một tri giác (percept) phổ quát về thực tại như Bergson đã mon gmỏi, trong đó cái ta (le moi) với cái không ta (le non moi) chưa ly khai, vẫn còn:

Hồn hồn nhất đại khối
Diểu diểu như nghị quần
Lọt lòng ra hai chữ Quân Thân
Nợ mang lấy lẽ lần khân không trả
(Nguyễn Công Trứ)

Như vậy thì ở cái tâm trạng vạn vật nhất thể không có vấn đề tìm nối lại, phối hợp cái ta với ta không ta, cá nhân với Thượng đế như ở đàng có quan niệm về Thượng đế, vì quan niệm là do suy luận mà có, như Descarte đã suy luận:

"Tôi có ý niệm về sự hoàn toàn
"Ở thực tế tôi không thấy có gì hoàn toàn cả"

"Vậy ý niệm hoàn toàn phải do một ý thức hoàn toàn phản chiếu vào ý thức không hoàn toàn của tôi. Ý thức hoàn toàn là Thượng đế, do đấy mà tôi có quan niệm về Thượng đế".

Nhưng có quan niệm về Thượng đế còn cần phải tín ngưỡng vào Thượng đế, nghĩa là Sống cái quan niệm ấy, khiến cho hình ảnh của Ngài luôn luôn hiện diện trong tâm hồn tôi, làm động cơ cho tất cả ý nghị và hành động của tôi. Đấy là mục đích cầu tìm phối hợp cá nhân với Thượng đế, tức là tìm "tái đáo thiên thai" trở lại cái tâm trạng hồn nhiên của cái cảnh "le paradis perdu" thuở trước. Nghĩa là cái tâm trạng "đồng đồng vãng lai" hồn nhiên vạn vật nhất thể. Bởi thế mà Mạnh tử nói rằng: "Người thánh nhân giữ lấy cái tâm trẻ thơ của mình", bởi vì ở đấy mới thấy được "Vũ trụ đầy đủ ở ta". Và Jesus Christ cũng gọi "Hãy lại đây với ta những đứa trẻ thơ" (Venez à moi les petits enfants).

Tóm lại một đàng có quan niệm về Thượng đế vì đã mất hình ảnh đồng nhất thể nguyên thủy, tách lý trí với tín ngưỡng ra làm hai, lý với tình trở nên mâu thuẫn, để nối lại, còn một đàng cố giữ lấy cái kinh nghiệm thuần túy, cái tâm đồng nhất thể ấy trên con đường thực hiện ý thức biện chứng trực giác.

Đấy là một tâm trạng của hai nửa nhân loại, một đàng mất Mẹ đi tìm, một đàng vẫn giữ lấy Mẹ để trưởng thành trong lòng Mẹ, không rời một bước. Đàng nào bi thảm, đàng nào vui sống, tưởng không cần phải bình luận nữa vậy.

Quan trọng hơn nữa khi người ta còn sống cái tâm trạng chìm trong siêu nhiên như Linh mục Cardière nói, tức người ta còn cái tâm hồn nhiên vạn vật nhất thể là cơ bản chung tất cả tôn giáo. Và người ta chưa để cho tinh thần giới hạn vào hệ thống hay quan niệm, vì tính cách đóng cửa hữu hạn và cố định của nó thì người ta dễ thông cảm với các tín ngưỡng chân thật khác với mình, chứ không chịu giam trong một hệ thống để lấy hệ thống quan niệm mà tranh biện chống đối với nhau, kẻ này bảo ta có chân lý, kẻ kia đòi Thượng đế của ta. Bergson viết :

"Sự hiểu biết của tôi nghèo nàn, trừu tượng, phác lược làm sao, so với sự kiện xảy đến. Sự thực hiện mang lại với nó một cái gì bất ngời làm thay đổi tất cả" (Combien ma représentation est pauvre, abstraite chematique en comparaison de l'evènement qui se produit ! La réalisation apporte avec elle un imprévisible rien qui change tout). (La Pensée et le Mouvant).

Quan niệm Thượng đế cũng thế, vì Thượng đế vô hạn không những toàn trí, toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ, mà còn là cái gì nữa kia, mà nhân loại với những dụng cụ tương đối có hạn không thể quan niệm được. Như Trang tử nói :

"Đời ta có hạn mà cái biết vô biết vô hạn, lấy cái có hạn mà theo đuổi cái vô hạn thì nguy vậy." ( ) (Dưỡng Sinh Chủ -  )

Nhưng tín ngưỡng là vấn đề thực hiện, luôn luôn cởi mở khai triển, không phải đứng ở một chỗ, cố định. Có lẽ vì sẵn có tín ngưỡng "Đồng nhất thể" Tâm linh siêu nhiên trên kia mà ở Việt Nam ba giáo Nho - Phật - Đạo có thể tổng hợp với nhau thành tinh thần Tam giáo truyền thống của dân tộc vậy.

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12

pay per click advertising

Weblinks :

 

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

 

 

free counters

Search: The Web    http://www.truclamyentu.info
un compteur pour votre site