lịch sử việt nam
- Cuộc Chiến Tranh Hồ chí minh Đánh Dân Tộc Việt Nam Tập 3 -
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17
Nhóm Tâm Việt Úc Châu Biên Khảo
(tái bản có sửa chữa)
Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam
07-2010
Chuyện giặc Tàu, giặc Pháp, giặc Hồ
Trong Lịch sử Việt Nam, ngoài những đám giặc cỏ như giặc Châu Chấu, giặc Cờ Đen, giặc Cờ Vàng, v.v… có ba loại giặc lớn là Giặc Tàu, Giặc Pháp, và Giặc Hồ. Những bài văn sau đây nói về ba loại giặc đó, xin mời quý bạn đọc. Bài văn thứ nhất:
“Vì họ Hồ (tức Hồ Quý Ly) chính sự phiền hà, để trong nước nhân dân oán bạn. Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước đối đủ muôn nghìn khoé, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn, nặng khoa liễm vét không sơn trạch. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc; nheo nhóc thay quan quả điên liên.
Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đắp đất, tay chân nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Độc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội; dơ bẩn thay! nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được”.
Đó là bài văn thứ nhất, và sau đây là bài văn thứ hai, mời quý bạn đọc tiếp: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân... Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn thiếu thốn, nước ta xơ xác tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân một cách vô cùng tàn nhẫn...”
Kính thưa quý độc giả, hai bài văn đó được viết cách nhau một khoảng thời gian dài trên 500 năm. Đoạn văn đầu được trích từ áng văn đẹp tuyệt vời trong lịch sử Việt Nam, bài Bình Ngô Đại Cáo, do Nguyễn Trãi soạn thảo năm 1427 sau khi Bình Định Vương Lê Lợi quét sạch tan giặc nhà Minh sang xâm chiếm nước ta. Bản văn diễn tả cảnh lầm than khốn khổ của dân ta trong 20 năm bị nhà Minh bên Tàu cai trị (từ năm 1407 đến 1427). Đoạn văn thứ hai trích từ bản Tuyên ngôn Độc lập của HCM đọc ngày 2-9-1945 diễn tả cảnh tàn ác, tham lam, giết hại dân lành của Thực dân Pháp trong 80 năm Pháp thuộc!
Bây giờ, mời quý bạn đọc bản văn thứ ba, được trích dẫn từ bài “VN 32 năm dưới chế độ Cộng sản”. Tác giả là một Kỹ sư Công chánh, nhân chuyến về thăm Việt Nam, đã ghi lại những điều vụn vặt mắt thấy tai nghe dưới bút hiệu Phó Thường Dân và gởi bài đăng trong Nguyệt san Hồn Việt (Số 296, tháng 5-2008).
“Tôi thấy ở Sài Gòn với hiện tượng “tiếm công vi tư” lộng hành, ngang ngược của Công an đến độ dân chúng quen thuộc, xem là một chuyện đương nhiên như chuyện hối lộ đã trở thành cái lệ bất thành văn trong chế độ xã nghĩa. Chiếm đoạt một nửa công viên, xây nhà gạch dùng làm quán cà phê… Chưa thoả mãn, ban đêm còn dọn thêm bàn ghế trên sân cỏ của phần công viên còn lại và thắp đèn màu trên mấy chậu kiểng cho thêm thơ mộng. Ông chủ bự này chắc chắn không phải là dân thường. Ông lớn nầy xem công viên như đất nhà của ông vậy… Còn nhiều… rất nhiều chuyện lộng hành chiếm đất công, lấn lề đường nhan nhản ở khắp Sài Gòn. Chỉ đưa ra vài thí dụ cụ thể: Một công thự ở vườn Tao Đàn, nhà cấp cho viên giám đốc, mặt tiền ngó vào trong, mặt hậu nhìn ra phía đường, bèn có màn trổ cửa mặt sau nhà, xây thêm phía sau thành 2 căn phố thương mãi… Ngang ngược và lộng hành nhất là 2 căn phố thương mãi bên hông trường Trương Minh Ký, đường Trần Hưng Đạo, chễm chệ xây lên ngay góc phải sân trường, ăn cướp một phần sân chơi của học sinh… Công an chiếm đất công, xây nhà tư. Công viên, lề đường trước nhà dân là đất riêng của Công an. Công an sử dụng làm chỗ gửi xe, bịt kín cả lối đi vào nhà, không ai dám hó hé. Im lặng là an toàn. Thưa gửi là dại dột. Mà thưa với ai? Tất nhiên là phải thưa với công an. Không lẽ công an xử công an?”
Tác giả Phó Thường Dân viết “Không lẽ công an xử công an” và nhắc lại lời cố Trung tướng Trần Độ viết trong Nhật ký Rồng rắn, cũng tương tự như vậy: “Xã hội Việt Nam ngày nay là một xã hội vô pháp luật mà phần đầu tiên gây ra là Đảng. Không thể nào chống tham nhũng được vì nếu Đảng chống tham nhũng thì Đảng chống Đảng sao?”.
Lịch sử là chuyện lặp đi lặp lại những sự việc trong quá khứ. Thời buổi nào cũng có chuyện cá lớn nuốt cá bé, chuyện mạnh ăn hiếp yếu, chuyện cường hào ác bá hiếp đáp dân lành! Bài văn thứ nhất tả cảnh giặc nhà Minh bên Tàu sang hiếp đáp dân ta. Bài văn thứ hai, HCM nói về sự ác độc của Thực dân Pháp. Bài văn thứ ba nói về sự lộng hành chiếm đoạt đất công của công an và quan chức đỏ ngay tại Sài Gòn. Cần nhắc lại là sau khi cưỡng chiếm miền Nam, những chính sách “Học tập Cải tạo”, “Xây dựng vùng Kinh tế mới” v.v… chỉ là những thủ đoạn ăn cướp nhà cửa của cải của người dân. Sau đợt chiếm đoạt tài sản của tư nhân xong, công an và quan chức đỏ, tức là Đảng, quay sang chiếm đoạt đất công cộng, lề đường, công viên, đến sân chơi của học sinh cũng không chừa! Tựu trung, ba bài văn nói đến ba loại giặc, Giặc Tàu, Giặc Pháp, Giặc Hồ, tất cả chỉ là chuyện kẻ có quyền thế cướp đoạt của người dân thấp cổ bé miệng, nhưng xét cho thấu đáo, hiển nhiên trong trận Giặc Hồ, đảng viên Đảng CS do HCM thành lập, toàn là người Việt, mà sao lại tham tàn hơn quân của Tô Định, ác độc hơn quân nhà Minh, và phá hoại hơn Thực dân Pháp ngày xưa!
Đảng đã phá hoại Đất nước triền miên. Xin được thêm vào thành tích phá hoại mới nhất của Đảng, việc phá Tòa Khâm sứ Hà Nội. Sau Mùa Bịt miệng 2007 ô nhục, tiếng xấu vang xa khắp thế giới, thì đến năm 2008, là Mùa phá Tòa Khâm sứ Hà Nội, ô nhục chất chồng ô nhục! Vụ Tòa Khâm sứ Hà Nội (số 40-42 đường Nhà Chung) và Giáo xứ Thái Hà (số 178 đường Nguyễn Lương Bằng) ẩn tàng nhiều uẩn khúc. Đem tất cả ra ánh sáng chân l ý, đầu dây mối nhợ dẫn đến thủ phạm của sự việc, hóa ra chỉ là lòng tham của các Quan chức đỏ, những người mà nữ sĩ Dương Thu Hương gọi là những “Bự giòi”. Tòa Khâm sứ Hà Nội là một tòa nhà trên mảnh đất 2 mẫu rưỡi ở đường Nhà Chung đó. Trên con đường mang tên Nhà Chung (danh từ riêng, viết hoa) có ngôi nhà trước đây được dùng làm dinh thự của Đức Khâm sứ, vị Đại diện Tòa thánh Vatican. Ngôi nhà này được thiết lập trên 100 năm, thật lâu trước khi đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Đến năm 1954, đảng CS chiếm đoạt khu đất nầy. Từ năm 1994, Tòa Khâm sứ bị biến thành ổ giải trí Karaoke của một số lãnh đạo quận Hoàn Kiếm.
Tổng Giám mục và Giáo dân Hà Nội đã lên án sự chiếm hữu đất tôn giáo làm của riêng và yêu cầu Đảng trả lại đất. Giáo dân ngày đêm đến cầu nguyện trước Thánh giá và tượng Đức Mẹ dưới gốc cây cổ thụ trong khuôn viên Tòa Khâm sứ. Thành ủy Hà Nội ra lịnh cơ quan công quyền giải tán đám giáo dân cầu nguyện đòi đất, đòi Tòa Tổng Giám mục dời Thánh giá và tượng Đức Mẹ. Giáo dân cũng không vừa, càng tới cầu nguyện đông hơn và nhất định không di dời tượng. Không chịu thua, Đảng thẳng tay đàn áp, dùng dùi cui, hơi cay, dùng cả roi điện đánh đập giáo dân một cách dã man, có lúc Đảng lại còn cho du đãng giả dạng thường dân và xử dụng “chó nghiệp vụ” lâm trận. Xem đấy, “Cuộc Chiến tranh của HCM đánh Dân tộc” nào có ngưng vào ngày 30-4-1975 đâu! Vẫn còn đánh mãi!
Để rút ngắn câu chuyện, bên giáo dân thấp cổ bé miệng của Giáo phận Hà Nội có đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trợ lực, cùng sự ủng hộ của đồng bào thân thương khắp nơi trên thế giới, và nhất là có Chính nghĩa quyết tâm đòi lại ngôi nhà cũ ôm ấp đầy kỷ niệm cả trăm năm dài. Trái lại, bên UBND quận Hoàn Kiếm, có quyền có thế, có lòng tham thúc đẩy, và có giá đất mắc hơn vàng làm chất xúc tác, nhưng lại đuối l ý. Không phân lô bán đất được, Đảng bèn chơi trò “không ăn thì phá cho hôi”. Chiều ngày 18-9-2008, Đảng công bố dự án xây dựng công viên trên miếng đất đó. Ngay trong đêm, ví như đám cưới chạy tang, Đảng mang hàng rào ngựa sắt và kẽm gai cô lập khu vực Tòa Khâm sứ và cho xe cơ giới tới ủi sạch các công trình phụ (xây về sau) và biến Tòa Khâm sứ thành công viên. Vài tuần sau, ngày 25-9-2008, Linh địa Giáo xứ Thái Hà cũng bị nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đưa phương tiện cơ giới đến san bằng và biến thành công viên thứ hai.
Trong lịch sử loài người, duy nhất chỉ có nhà nước CHXHCN Việt Nam là sắp xếp việc xây dựng công viên cách trộm lén vào ban đêm mà thôi, một thành tích đáng hổ thẹn, gây tủi nhục cho cả Dân tộc 4000 năm văn hiến! Nhớ lại khi đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt phát biểu một câu nói để đời: “Chúng tôi rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”, Ngài đã nói lên sự thật. Ngài không nói riêng cho Ngài, Ngài không nói riêng cho giáo dân Hà Nội, mà Ngài đã dũng cảm đứng lên nói thay cho “tám mươi lăm triệu người dân Việt”. (Chú thích : Các đoạn trên đây, chúng tôi xin phép sửa lại chút ít. NBT)
Nhân sự cố nầy, ta có thêm một bằng chứng “Đảng gian mà không ngoan!”. Việc xây dựng thêm một công viên trên khu đất Tòa Khâm sứ là hoàn toàn vô l ý, vì ngay gần đó, chỉ cách vài trăm mét, hiện đang có một khu công viên rộng lớn đang bị bỏ hoang phế. Đó là Công viên Văn hóa Đống Đa, nằm ngay trên khu di tích lịch sử gò Đống Đa. Công viên được thành hình vào năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng oanh liệt của vị anh hùng Nguyễn Huệ. Khu công viên Đống Đa có tổng diện tích trên 21 ngàn mét vuông, có tượng vua Quang Trung và có nhà trưng bày di vật lịch sử. Hiện toàn bộ công viên đang bị bỏ hoang, cỏ dại tràn ngập, những cây cổ thụ quý giá thì bị cán bộ đảng viên vào cưa trộm giống như lâm tặc. Than ôi! Cây phải trăm năm, nghìn năm mới nên cổ thụ, đốn cây lâm tặc chỉ cần một giờ! Đảng viên của Đảng phá hoại Đất nước ngay trong lòng Hà Nội nghìn năm văn vật, cái nôi của nền Văn hóa Việt! Thật vô cùng nhục nhã!
Để có đủ dữ kiện viết Chuyện phá Tòa Khâm sứ trên đây, người viết xin cảm tạ các tác giả và các báo mà người viết đã tham khảo: Trần Hùng, Trung Điền, Nguyễn Bình, Ngô Đức Diễm, Trần Khải Thanh Thủy (bài đăng trong Nam Úc Tuần báo, Adelaide) và Nguyễn Thái Hà, Đỗ Mạnh Tri, Hoàng Cúc, Hiếu Minh (bài đăng trong Bán nguyệt san Tự do Ngôn Luận, báo biếu tặng, phát hành ở Sydney).
Hai tháng sau khi phá Tòa Khâm sứ Hà Nội, Việt Cộng ra tay tàn phá chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, ngôi chùa cổ đã có một ngàn năm lịch sử! Ngày tang tóc là 23-11-2008! Ngày tang tóc cũng là ngày ô nhục! Vô cùng ô nhục! Vì chính ngay ngày đó, khi Phái đoàn Khảo cổ Quốc tế gồm các nhà nghiên cứu Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, Pháp, Bỉ từ Hà Nội đến Bắc Ninh để tham quan chùa, thì than ôi! ngôi chùa đã biến mất, chỉ còn trơ lại đống gạch vụn điêu tàn! Tượng Phật cùng cổ vật xưa ngàn năm trong chùa bị vất ngổn ngang!
Chùa Phật Tích được xây dựng vào năm 1057 với nhiều tòa ngang dãy dọc. Chùa tọa lạc dưới chân núi Phật Tích, còn gọi là núi Lạn Kha hay non Tiên, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1066, vua Lý Thánh Tông cho xây một cái tháp cao. Khi tháp đổ, bên trong lộ ra bức tượng A Di Đà bằng đá xanh dát vàng. Pho tượng xuất hiện quá kỳ diệu khiến làng đổi tên là Phật Tích và dời cả lên sườn núi. Chùa là một đại danh lam có quang cảnh tươi đẹp nên các vua Lý và vua Trần thường tới lui thăm viếng. Vua Trần Nhân Tông cho xây một thư viện lớn và cung Bảo Hoa. Đời vua Trần Nghệ Tông, khoa thi Thái Học sinh (Tiến sĩ) được tổ chức tại chùa. Đời vua Lê Hiển Tông, một đại yến hội được mở tại đây.
Ngàn năm dài trôi qua, chùa bị hư hại đổ nát nhưng luôn luôn được trùng tu. Dưới triều Lê, chùa được tu bổ và xây dựng lại với quy mô rộng lớn và đổi tên là Vạn Phúc Tự. Cho tới nay, chùa gồm 7 gian tiền đường để đón tiếp khách, 5 gian bảo điện thờ Phật Thích Ca, A Di Đà, cùng các vị Tam Thế, 8 gian nhà Tổ, và 7 gian thờ Thánh Mẫu. Năm 1962, chùa Phật Tích được công nhận là “Di tích Lịch sử Văn hóa”. Phái đoàn Khảo cổ Quốc tế nói trên đến Việt Nam để nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long. Theo Vietnamnet thì ngày 23-11-2008, Viện Khoa học Xã hội VN tổ chức mời và đưa phái đoàn đến tham quan và nghiên cứu chùa. Nào ngờ, khi phái đoàn đến nơi thì chùa Phật Tích không còn nữa, chùa đã bị phá tan thành bình địa! Phá sập chùa Phật Tích thật là hành vi xúc phạm thô bạo Luật Di sản Văn hóa.
Lại thêm một tin buồn muốn khóc! Dân tộc còn đang đau khổ với vết thương “Phá Chùa Phật Tích”, ngôi cổ tự một ngàn năm lịch sử, thì Đảng của HCM lại chém Dân tộc thêm một nhát đau thương nữa. Năm tháng sau đó, khoảng tháng 4-2009, đến phiên Đền Rồng thờ L ý Chiêu Hoàng (vị Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử VN) ở làng Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh bị đập phá tan tành, chỉ còn lại cái cổng chào! Đền Rồng được xây cất vào cuối thế kỷ 13, đời vua Trần Nhân Tông (1281) và cũng được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa! Nhớ lại năm xưa, khi cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc quyết định KHÔNG đề cử HCM vào Danh sách Danh nhân Văn hóa Thế giới, thật là một quyết định sáng suốt. Giả sử “Bác Hồ nhà ta” được bình bầu là Danh nhân Văn hóa Quốc tế và được Quốc tế trọng vọng, thật không biết Dân tộc Việt Nam làm sao gánh nổi cái khối Ô nhục vĩ đại này!
Đức Phật có nói: “Nhân nào quả nấy”. Suy ra người hiền gieo nhân lành thì được quả đẹp! Nhưng con người ác tâm như HCM thì khác. Hơn 50 năm trước, HCM đã gieo hạt giống “trộm cướp” vào ngành công an với kẻ “đầu trộm đuôi cướp” Trần Quốc Hoàn trong chức vụ Bộ trưởng trong 27 năm dài! Ý niệm “Thượng tôn pháp luật” là hạt giống lành vô cùng cần thiết và qu ý trọng để xây dựng Đất nước thì Chủ tịch HCM lại chẳng màng. Hãy xem Tiến sĩ Luật Khoa Nguyễn Mạnh Tường, ở ngay Thủ đô Hà Nội, mà bị trù dập phải sống trong cảnh bần hàn cùng cực. HCM đã xây dựng Chế độ Công an trị và ông đã thành công, thành công, đại thành công. Đi vào lịch sử, HCM thật xứng danh là TÊN GIẶC CƯỚP NƯỚC và BÁN NƯỚC, còn bàn chi đến chuyện “Chính trị gia tồi tệ hay không tồi tệ”!
Ở Úc Châu vào năm 2007, Luật sư Đào Tăng Dực, thuộc hai thế hệ sau Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, trong bài viết “Đánh giá di sản ông HCM qua hiện tình Đất nước”(Bán tuần báo Việt Luận, số 2158, ngày 20-4-2007) đã có nhận xét đáng buồn cho Đất nước và Dân tộc như sau: “Chỉ riêng tại Việt Nam, quân đội và công an mang tiếng là của nhân dân, nhưng kỳ thực chỉ là những tên đầy tớ trung thành của một đảng cướp có võ trang mà thôi. Một trong những tội lớn nhất của hậu duệ của ông HCM là biến bản chất anh hùng và bất khuất của quân đội thành những tên nô bộc của một chế độ độc đảng.”
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường chất vấn Đảng năm 1991, tức là 22 năm sau khi HCM qua đời. Đến năm 2007, khi Luật sư Đào Tăng Dực viết bài về Di sản HCM thì ông Hồ đã mất 38 năm trước. Định hướng sai lầm về chính trị của HCM được Luật sư Đào Tăng Dực viết trong đoạn kết như sau: “Hiện tình đất nước như thế phát xuất từ quyết định của ông HCM, vào năm 1925, gia nhập phong trào quốc tế, thay vì noi gương các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và các lãnh tụ quốc gia kháng Pháp. Không có ông Hồ thì đất nước chúng ta ngày hôm nay đã qua mặt Thái Lan, Mã Lai và ít nhất cũng đã sánh vai cùng Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, và Nhật Bản. Bước đi sai lầm của ông Hồ đã di họa cho nhiều thế hệ Dân tộc Việt Nam là như thế”.
Chỉ vì một ngàn quan!
“Ôi! Chỉ vì một ngàn quan!”, tiếng than thống thiết của Dân tộc tám mươi triệu người! (trừ số đảng viên Cộng sản, dĩ nhiên). “Một ngàn quan”, đó là số tiền Đảng Cộng sản Pháp cấp cho đảng viên Nguyễn Ái Quốc làm lộ phí để đi Liên Xô dự Đại hội V của Komintern. Vào thập niên 1920, một ngàn quan là số tiền khá lớn. Bằng ấy tiền, một du học sinh ở Pháp có thể sống trong 5 tháng. Hãy xem thân phận của HCM lúc còn mang tên Nguyễn Tất Thành. Vào lúc đó, ở Paris có một nhóm người viết bài và truyền đơn tranh đấu bằng tiếng Pháp và ký tên chung “Pour le groupe des Patriotes Annamites: Nguyen le Patriote”(tạm dịch“Thay mặt Nhóm Người An Nam yêu Nước: Nguyễn Ái Quốc”). Nhóm viết bài đó thường được gọi là Ngũ Long gồm có Phó bảng Phan Châu Trinh, Luật sư Phan Văn Trường, Kỹ sư Nguyễn Thế Truyền, Cử nhân Luật Nguyễn An Ninh, và người thứ năm là HCM lúc đó còn mang tên Nguyễn Tất Thành, mới học xong bậc Tiểu học, đang học Đệ nhất niên Trung học thì bỏ học. Xin viết thêm, Phan Văn Trường là người Việt Nam đầu tiên đậu Tiến sĩ Luật ở Pháp năm 1918, còn Nguyễn An Ninh đã học luật ở Đại học Hà Nội, vừa sang Pháp được 4 tháng, gặp đúng kỳ thi Cử nhân Luật, ông nạp đơn thi và được chấm đậu. HCM, với học lực bậc Tiểu học thấp kém như vậy, cho nên từ lúc đặt chân lên đất Pháp năm 1911, lưu lạc ở Anh và Hoa Kỳ, rồi sau trở về Pháp, ông không làm được công việc gì vẻ vang. Dù ở nơi nào, ông cũng chỉ làm lao động tay chân như bồi tàu, giúp việc nhà (tức là làm “osin”), phụ bếp, rửa chén bát kiêm đổ rác, thợ làm bánh, cào tuyết mùa đông (chỉ làm được 1 ngày rồi bỏ việc), thợ đốt lò, rửa hình và tô ảnh phóng đại, ông lại thú nhận có nghề làm đồ cổ giả để gạ bán cho các bà đầm Pháp, một thời gian dài được ở nhờ nhà Luật sư Phan Văn Trường, số 6 Villa des Gobelins, khỏi trả tiền thuê. Với lối sinh nhai bấp bênh như vậy, số tiền “một ngàn quan” hẳn là một món quà tặng quá lớn làm chuyển hướng đời ông.
Vào thuở đó, trong số mấy ngàn Việt kiều sinh sống ở Paris, Bác Hồ chỉ là “chú Nguyễn Tất Thành” lục lục thường tài, vô danh tiểu tốt. “Chú” không làm Chủ tịch đảng chính trị nào, “Chú” cũng không làm Hội trưởng hội Ái hữu nào để được nổi bật hơn ai, như trên đã diễn tả. Nhưng trong quyển Vừa đi đường vừa kể chuyện viết dưới ẩn danh T. Lan, “Bác HCM” đã nâng cấp cho “chú Nguyễn Tất Thành” lên thành một chính khách lỗi lạc, đáng mặt thượng khách của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp. Xin trích dẫn T. Lan và mời quý bạn đọc:
“Hồi đó Bác trọ nhà Luật sư Phan Văn Trường ở Pa-ri. Buổi sáng thì đi làm nghề tô ảnh phóng đại để lấy tiền ăn. Buổi chiều thì hoạt động cách mạng. Chánh phủ Pháp cho hai tên mật thám đêm ngày theo dõi Bác… Một buổi trưa đi làm về, bà giữ nhà đưa cho Bác một bức thư. Mở thư xem thì ra của quan Thượng thư thuộc địa mời Bác đến gặp. Cách vài hôm sau, Bác đi gặp y”.
“Trong phòng khách của Bộ Thuộc địa, một bầy người Pháp “tai to mặt lớn” đang nhô nhố chờ đến phiên mình được “quan thượng” gọi vào. Nhưng Bác không phải chờ, vừa đến thì liền có ông già mang xiềng bằng bạc (người truyền đạt ở các cơ quan cao cấp) mời vào ngay”.
Nhớ lại chuyện xưa, lúc vừa đặt chân lên đất Pháp năm 1911, Bác liền viết đơn cầu xin “quan thượng” thương tình cho vào học Trường Thuộc địa của “quan thượng”. Lá đơn sai lỗi chính tả đó chưa chắc được lọt vào mắt của “quan thượng” (Xin xem lại Chương 3 HCM, kẻ mang tên giả). Ấy thế mà 9 năm sau, Bác bỗng trở thành thượng khách của “quan thượng”, được “quan thượng” viết thư mời, và khi Bác đến thì được mời vào ngay. Bác không phải chờ, chỉ có “một bầy người Pháp tai to mặt lớn” đến trước Bác phải chờ mà thôi! Ôi, Bác thật có tài phịa chuyện nói phét! Nhưng bạn đọc thân mến ơi, điều tệ hại là Bác đã đi xa về khoác lác với những dân quê suốt đời không ra khỏi lũy tre làng!
Lúc đó, Bác là đảng viên đảng Xã hội Pháp do Nguyễn Thế Truyền giới thiệu gia nhập. Trong Đại hội Tours (từ 25 đến 30-12-1920), Bác bỏ phiếu gia nhập Đệ tam Quốc tế của Lenin vừa mới thành lập, do đó đảng Cộng sản Pháp được thành hình, và Bác bỗng trở thành Hội viên Sáng lập đảng CS Pháp, điều làm cho các văn nô ở Bắc Bộ Phủ rất hãnh diện. Xét cho cùng, hành động “bỏ phiếu” để xin gia nhập Đệ tam Quốc tế cũng không nặng nhọc gì! Bác cũng không tốn mồ hôi, đổ xương máu chút nào để xây dựng đảng Cộng sản Pháp. Ngược lại, Bác còn được Đảng tặng một ngàn quan! Như chiếc đũa thần của Bà tiên đã biến cô bé Lọ Lem thành nàng công chúa diễm lệ, số tiền một ngàn quan ấy cũng được ví von như vậy. Một ngàn quan đó đã đưa HCM lên đài danh vọng. Hãy đọc quyển Bác Hồ trên đất nước Lê-Nin của tác giả Hồng Hà để xem Bác thoát xác ra sao. Đang là một người lao động tay chân, Bác Hồ bỗng trở thành nhân vật quan trọng:
“Chuyến xe lửa Pa-ri đi Béc-lin rời ga Đuy No vào lúc tối. Trên toa hạng nhất có một thanh niên châu Á ngồi cạnh chiếc va-li con rất mới, đang hút xì gà. Đầu anh chải mượt, sơ-mi trắng, cổ cứng may cao, ca-vát thắt để lộ rõ cả vòng cổ, đúng thời trang châu Âu sau chiến tranh thế giới. Trông anh có vẻ là một nhà buôn Trung Quốc giàu có hoặc là một khách du lịch Nhật Bản sang trọng… Anh chính là Nguyễn Ái Quốc…”
Với “một ngàn quan” trong túi, khi đến đất Đức, Bác bỗng trở thành triệu phú. Trong quyển Vừa đi đường vừa kể chuyện, Bác đóng vai T. Lan và kể như sau: “Tuy sau chiến tranh đã sáu năm, ở Bá Linh vẫn đói kém dữ (có lẽ ở các nơi khác cũng vậy). Người nào cũng có vẻ xanh xao, vàng vọt! Nạn lạm phát giấy bạc thật là kinh khủng, sớm một giá, chiều một giá khác. Đưa giấy bạc mua một tờ báo thì số giấy bạc chắp nhau lại, rộng hơn tờ báo. Cả gia tài Bác chỉ vẻn vẹn hơn 1.000 quan Phơ-răng, vậy mà tính ra tiền Đức, Bác đã trở thành người giàu bạc triệu!”
Cộng sản Đệ tam Quốc tế đã mở bàn tay nhung ôm ấp HCM. Số tiền “một ngàn quan” chỉ là bước khởi đầu, sau đó còn biết bao nhiêu ân sủng nữa. Thí dụ như thuyền trưởng chiếc tàu chở ông đến đất Nga thấy ông bị lạnh nên mới cho ông mượn cái áo choàng bằng lông thú và bảo với ông là “cứ giữ lấy mà mặc đến khi nào không dùng nữa thì thôi”. Áo lông thú không phải là vật rẻ tiền, Trần Dân Tiên đã khoe như vậy để chứng tỏ ông là người được trọng vọng.
Nữ Tiến sĩ Quinn-Judge khi trả lời đài BBC về câu hỏi vị trí của HCM lúc ông còn là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp, câu trả lời của bà có thể tóm gọn “…Ông Hồ dường như bắt đầu học cách hợp tác với bất kỳ ai đang nắm quyền lực và học cách theo đuổi những quan tâm của riêng mình”. Đến đây, xin đọc bức thư của Phan Châu Trinh viết ở Marseille ngày 18-2-1922 gởi cho ông ở Paris lúc ông còn mang tên Nguyễn Tất Thành (Trích Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, tác giả Tiến sĩ Thu Trang, tr.176):
“Bấy lâu nay, tôi cùng anh và Phan (tức Phan Văn Trường) đàm đạo nhiều việc, mãi đến bây giờ, anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi… Tôi biết anh hấp thụ được cái chủ nghĩa của ông Mã Khắc Tư (Karl Marx), ông L ý Ninh (Lénine)… Cứ xem hai ông Mã, L ý mà anh tôn thờ chủ nghĩa, có ông nào dùng cái lối nương náu đất người mà làm quốc sự cho mình, như anh đâu? Bởi vậy, quả như anh tôn thờ l ý thuyết hai ông ấy thì anh nghe lời tôi mà về quảng cáo cho quốc dân đồng bào, ai nấy đều biết, có phải là cái phương pháp hay biết chừng nào”.
9 chữ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” trong thư cụ Phan là kế hoạch 3 mặt phát triển, bồi dưỡng và chấn hưng Dân tộc trong Quốc sách Duy tân mà Đất nước cần theo đuổi để cho kịp các nước Tây Phương, nhưng HCM lại chẳng màng. Còn chủ nghĩa Mác Lê ông tôn thờ, thì ông giữ kín trong tâm không lộ cho ai biết, bề ngoài chỉ đóng vai yêu nước theo chủ nghĩa Dân tộc để lừa gạt mọi người.
Nhờ công trình nghiên cứu thấu đáo nên nữ sử gia Quinn-Judge mới biết rõ bản chất HCM, còn nhà chí sĩ Phan Châu Trinh biết là nhờ sống chung nhiều năm dưới một mái nhà ở Paris. Tóm gọn lại, hai vị đó đã cho chúng ta một nhận xét chính xác về chân tướng HCM với hai nét chính yếu: (1) ông không ưa thích cái phương pháp Duy tân của cụ Phan và (2) ông đang học cách hợp tác với những người nắm quyền lực, vào lúc đó, Lenin và Stalin là những người có uy quyền nhất. Cuộn phim lịch sử Đi tìm quyền lực ở Liên Xô của HCM được trình chiếu lại rõ ràng như sau: “Với “một ngàn quan” của Đảng Cộng sản Pháp tặng làm lộ phí, Nguyễn Tất Thành lên đường qua Nga, bỏ lại cho cụ Phan cái phương pháp “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà ông chẳng chút bận tâm mà còn chê là cổ hủ. Rồi vì “tham vọng chạy theo quyền lực”, và tinh ranh ôm trọn “hào quang cách mạng của nhóm Ngũ Long” vào tô điểm cho căn cước của mình, và như thế, Nguyễn Tất Thành biến thành Nguyễn Ái Quốc đi Nga để gặp Lenin!”
Bà Quinn-Judge còn nhận xét rằng HCM cũng học cách theo đuổi những quan tâm của riêng mình. Lời nhận xét nghiệm đúng vì trọn đời HCM sống bằng nghề gián điệp. Danh sách dài về nhiệm sở gián điệp HCM đã cộng tác và phục vụ như sau:
1- Là nhân viên KGB của Liên Xô theo dõi đảng Cộng sản Tàu do Mao Trạch Đông lãnh đạo ; 2- Hợp tác với Phản gián Trung Cộng để theo dõi quân Tưởng Giới Thạch ; 3- Là gián điệp của Trương Phát Khuê để giám sát các hoạt động của người Việt yêu nước trên đất Tàu ; 4- Cộng tác với cơ quan OSS (tiền thân CIA) của Mỹ để chống Nhật ; 5- Nhưng độc hại và phản phúc nhất là cam tâm cộng tác với Phòng Nhì Pháp để hãm hại những người quốc gia yêu nước như cụ Phan Bội Châu và cả những người Cộng sản vì sợ tranh quyền với mình ; 6- Còn có lời đồn ông có cộng tác với Tình báo của Anh ở Hương Cảng.
Đại họa HCM
Dân tộc Việt Nam thật vô cùng bất hạnh. Khi Thế chiến II chấm dứt, chiến tranh Triều Tiên chỉ kéo dài có 3 năm. Nhưng cuộc chiến trên đất Việt, “cuộc chiến tranh của HCM gây ra để đánh Dân tộc” kéo dài đến 30 năm, đó là “Tam thập niên chiến, 1945-1975”, sử gia Vũ Ngự Chiêu đã viết như vậy. Cuộc chiến đó tưởng đâu đã chấm dứt vào ngày 30-4-1975, nhưng không, chỉ là hết giai đoạn nóng! Vào lúc đó HCM đã chết rồi, nhưng Đảng của ông vẫn tiếp diễn cuộc chiến tiến qua giai đoạn lạnh, vẫn đánh triền miên không dứt, mà lại đánh tàn nhẫn hơn xưa. Bởi lẽ khi người lính Quân lực VNCH buông súng, không bảo vệ được ai, thì Đảng đánh tràn lan lên cả gia đình họ, đánh lên khắp cả miền Nam, không bỏ sót một kẻ buôn gánh bán bưng nào hết! Nhà mô phạm và nhà báo Nguyễn Thuyên ở Melbourne viết quyển Việt Nam điêu tàn bất hạnh, dài gần ngàn trang, chắc cũng không nói lên hết tất cả niềm đau nỗi khổ của Dân tộc!
Trong suốt cuộc chiến tranh dài, Đất nước và Dân tộc bị thiệt hại và mất mát quá nhiều! Về lãnh thổ, Đất nước đã mất quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, mất một vùng lãnh hải giàu ngư sản và dầu hỏa, mất những dải đất chiến lược ở biên giới mà Tiền nhân đã bảo toàn từ ngàn đời. Về xây dựng và phát triển kinh tế VN năm 2009, Ngân hàng Thế giới đã công bố kết quả thật đáng buồn. VN thật vô cùng tụt hậu so với các nước bạn chung quanh. Muốn theo kịp Singapore, ta phải mất 158 năm, muốn theo kịp Nam Dương, ta phải mất 51 năm, và phải 95 năm mới bắt kịp Thái Lan! Về mặt luân thường đạo đức, HCM và Đảng đã tàn phá hết cả Quốc hồn Quốc tuý mà Tổ Tiên đã bồi đắp trong 4000 năm dài! Cả những Di tích lịch sử cũng không chừa! Ví thử Dân tộc lấy lại Đất nước khỏi tay Đảng (như cuộc thống nhất tuyệt đẹp của nước Đức)! Ví thử chúng ta có một Nhà nước thật sự “của dân, vì dân, và do dân”! Ví thử chúng ta có những chính trị gia thiết tha yêu nước để hết tâm trí để “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” theo gương Cụ Phan Bội Châu, Cụ Phan Châu Trinh, Cụ Trần Trọng Kim, vân vân… (chớ không phải những Quan chức đỏ bận tâm mua quan bán nước để thành tỷ phú Mỹ kim như hiện nay). Có biết bao nhiêu điều ví thử như thế, không kể xiết! Người viết tin tưởng mãnh liệt vào Hồn thiêng Sông núi sẽ là hào quang dẫn dắt Dân tộc xây dựng lại cơ đồ Việt Nam xán lạn để tám mươi lăm triệu người con dân Việt tìm lại nhau trong nỗi vui mừng lớn của Đất nước: CUỘC ĐẠI ĐOÀN VIÊN CỦA DÂN TỘC.
Cuộc Đại đoàn viên của Dân tộc
Đối với Việt tộc, cuộc Đại đoàn viên của toàn khối Dân tộc khắp Bắc Nam Trung cùng Kinh Thượng một nhà sẽ là giấc mơ lớn nhất và đẹp nhất, như truyện 50 con xưa theo CHA ra biển nay lại tìm về đoàn tụ với 50 người anh em ở lại vùng rừng núi với MẸ. Và trăm đứa con cùng MẸ cùng CHA đó, trong cảnh Đại đoàn viên thật cảm động, sẽ góp bàn tay và trí tuệ xây dựng lại Ngôi nhà Việt Nam. Họ sẽ hàn huyên tâm sự kể cho nhau nghe và dạy cho con em mình những chuyện thật đẹp như chuyện Bà Trưng Bà Triệu, chuyện Đinh Lê L ý Trần, chuyện Hội nghị Diên Hồng, chuyện Bình Ngô Đại Cáo, chuyện Đại phá Quân Thanh, v.v…, chứ họ không hề nhắc đến cơn ác mộng Mác Lê Xít Mao Hồ! Họ trở về với Dân tộc, họ ru em, họ ngâm thơ, họ hát quan họ, hát bài chòi, hát bội, hát cải lương, họ hò mái đẩy, họ ca trù, ca vọng cổ, họ múa võ Bình Định (tức Võ nhạc Tây Sơn), họ tập Vovinam, họ kiến tạo Văn Miếu, họ trùng tu Võ Miếu theo lời dạy của chúa Trịnh ngày xưa (chúa Trịnh Doanh), v.v… Trong cảnh Đại đoàn viên vô cùng ấm cúng, họ sẽ ngâm cho nhau nghe những vần thơ Say Tình Dân tộc: “Say trà, say thuốc, say thơ. Say Tình Dân tộc lòng mơ về nguồn. À… ơi… một Mẹ trăm Con. Bốn ngàn năm đẹp vuông tròn Nghĩa Nhân”
Và những vần thơ đầy Tình người: “Dòng thơ theo sữa Mẹ vào Con. Theo điệu ru hiền dỗ giấc ngon. Thơ mang Đạo Nghĩa vào tâm trẻ. Tô đẹp Tình Người cho Nước Non”
Lời thơ theo gió bay bốn phương, họ ngâm chứ không phải hát, mà cũng du dương nào kém nhạc, nhưng chỉ là thơ thôi. Bốn phương quay lại nhìn, lắng nghe thơ Việt ngâm réo rắt, lối ngâm nga có một không hai trong Trời đất. Thiên hạ khắp bốn phương đều làm thơ, nhưng Việt tộc đã đưa Thơ vào Nhạc, Hồn thơ Việt được hòa nhập vào Nhạc, khiến cho mỗi một Bài thơ khi ngâm lên hóa thành một Bản nhạc “vô k ý âm” như Lời kinh “vô ngôn” của Đức Phật! Nâng niu Thơ như bức họa trong nét Thư pháp bay bướm trên mảnh giấy lụa Hoa tiên, người Nghệ sĩ Diễn ngâm chờ cho Sáo trúc, Đàn tranh, và Độc huyền cầm trổi lên mới cất giọng ngâm, hòa lời Thơ du dương của mình vào Nhạc. Vâng, Việt tộc ngâm thơ theo phong cách ấy và đã xây đắp một nền Thi ca Ngâm vịnh tuyệt vời! Thiên nhiên đã ưu đãi mảnh đất của Con Rồng Cháu Tiên. Chính tại dải giang sơn gấm vóc này, Thi ca Ngâm vịnh được nâng lên đỉnh cao nghệ thuật của loài người!
Nhưng Thiên nhiên lại chơi luật bù trừ, Thiên nhiên cho tay nầy lấy tay kia. Về Thi ca Ngâm vịnh, Thiên nhiên đã cho Việt tộc chúng ta phần thật đẹp của Túi thơ trong Trời đất. Nhưng ngược lại trên địa bàn chính trị, than ôi, chúng ta bị lãnh phần tệ hại nhất, chúng ta bị mắc Đại họa HCM! Chính trong Đại họa HCM, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường phải sống “nghèo, nghèo, nghèo” vì bị Đảng trù dập. Trong cô đơn và lén lút, ông hoàn tất cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp tựa đề Un Excommunié - Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel (Kẻ bị khai trừ - Hà Nội 1954-1991: Bản án một người trí thức). Cuối cuốn hồi k ý, trong chương “Hành trình qua sa mạc”, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã chất vấn đảng Cộng sản những lời đanh thép, người viết xin lặp lại, chỉ xin thay từ “nhân dân” trong nguyên tác để thế bằng từ “Dân tộc”:
“Dân tộc có thể đặt một số câu hỏi với Đảng: Trong khi phong trào dân chủ và tự do dâng lên như sóng cồn, tại sao các ông ngoan cố không chịu nhìn nhận sự thực, và bám víu một cách tuyệt vọng vào một tín điều đã lỗi thời không thể sửa chữa được? Giữa chủ nghĩa của các ông và quyền lợi của Dân tộc, các ông thiên về bên nào? Những bông hoa các ông nhập cảng và cắm vào trong bình, đã héo tàn. Các ông ngoan cố sùng bái cái xác ướp không thể sống lại ấy cho đến bao giờ? Và nhất là các ông hãy cho Dân tộc biết những l ý do thật sự các ông thù ghét chế độ đa đảng?... Dư luận nhận xét rằng các ông đã đi bước đầu trên con đường đổi mới. Như vậy các ông bắt đầu thú nhận các sai lầm. Nhưng các ông, và cả Dân tộc nữa, có thể nào bằng lòng với những biện pháp nửa chừng không, khi mà các biện pháp ấy chỉ có thể chữa trị một vài lãnh vực đã được nêu rõ, nhưng bệnh tật đã lan ra khắp toàn thân thể của quốc gia và các cấu trúc của quốc gia? Các ông thích tự hào về những hy sinh to lớn, kể cả mạng sống, để cống hiến cho Đảng. Các ông không đủ anh hùng tính để hy sinh Đảng của các ông cho Tổ quốc và Dân tộc hay sao? Nước Việt Nam và lịch sử Việt Nam đang chờ đợi câu trả lời của các ông”.
Trong Đại họa HCM, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đặt câu hỏi: “Các ông không đủ anh hùng tính để hy sinh Đảng của các ông cho Tổ quốc và Dân tộc hay sao?”Câu hỏi đặt ra vào năm 1991, đến nay là năm 2009, những 18 năm dài đã trôi qua. “Các ông” trong câu hỏi trên, tức là 15 Đảng viên quyền lực nhất, tức 15 Ủy viên Bộ Chính trị, thực sự đã không đủ hào hùng để hy sinh Đảng, cho nên vẫn im lặng. Họ không trả lời, nhưng mặc nhiên đã trả lời rồi. Họ vẫn đi theo con đường Mác Lê Xít Mao Hồ. Như thế cũng tốt bởi vì họ có TỰ DO. Nhưng họ phải buông thả TỰ DO cho Dân tộc đi con đường Dân tộc, đi theo tiếng gọi của Hồn thiêng Sông núi!
Hướng về cảnh Đại đoàn viên của Dân tộc và khi còn mắc Đại họa HCM, xin lắng nghe lời nhắn nhủ của một lão tướng trong phong trào Nhân văn Giai phẩm ngày xưa. Đó là thi sĩ Hoàng Cầm, tác giả bài thơ “Lá Diêu bông”, hiện ở phố L ý Quốc Sư, Hà Nội. Ông bị gãy hai chân và bị bể xương chậu, không tiền chữa trị nên phải nằm một chỗ, nhưng rất lạc quan yêu đời. Khi MC Trịnh Hội hỏi ông với 86 năm tuổi đời chồng chất, ông có lời gì chia sẻ với thế hệ tương lai, thì ông trả lời (Xem DVD Asia 51 Tình khúc sau cuộc chiến): “Bất kể dù cái gì chăng nữa, các cháu thấy cái gì là tốt cho Dân tộc thì các cháu cứ làm, cứ mạnh dạn mà làm. Dù có thể người ta không công nhận, hoặc là chưa có dịp gì đó, nhưng mà các cháu thấy cái gì có lợi cho Dân tộc, thì các cháu cứ làm”.
Vào năm 1959, khi Dân tộc còn mắc vướng nặng nề trong mê lộ của ý thức hệ, đi theo con đường Mác Lê Xít Mao Hồ, Dân tộc không tìm được hạnh phúc. Ý thức như vậy, nên thi sĩ Hoàng Cầm làm bài thơ “Lá Diêu bông” để nói lên sự tìm kiếm vô vọng. Đến năm 2007, trong lời nhắn nhủ ngắn gởi cho thế hệ tương lai, thi sĩ Hoàng Cầm đã hai lần dùng chữ “Dân tộc”. Người viết xin lặp lại ý chính trong lời khuyên của Lão Thi sĩ Hoàng Cầm, “Con ngựa chiến” của phong trào Nhân văn - Giai phẩm: “Các cháu thấy cái gì có lợi cho Dân tộc, thì các cháu cứ làm”.
Lễ Chúc thọ Tứ tượng ở Paris
Sau đó không lâu, trên đất Pháp, ở vùng Ile-de-France bên dòng sông Seine, vào Tất niên 2007, có Lễ mừng Bát tuần thật cảm động tổ chức cho bốn vị Trưởng lão Việt Nam. Trong mục Paris có gì lạ không em (Bán Tuần báo Việt Luận, ngày 25-1-2008), tác giả Đinh Tiểu Nguyên, trong bài “Lễ Chúc thọ Tứ tượng hay Bốn vị Trưởng lão”, kể rằng họ có đến viếng một Cụ Đồ uyên bác ở Paris để vấn ý về các loại tuổi thọ. Theo Cụ Đồ này thì người 60 tuổi là “Kỳ lão”, được dân chúng gọi bằng “Cụ”. Lễ Lục tuần, hay Đáo tuế, còn gọi là Hoa giáp Chi niên.
Người được 70 tuổi gọi là “Cổ Hi thọ”. Do đó có câu “Nhân sinh thất thập cổ lai hi”, người sống 70 tuổi thì hiếm. Tuy nhiên thọ 70 chỉ thuộc loại thọ thấp, tức là “Tiểu thọ”. Người sống đến 80 hay “Bát thập Kế chi”, lại chỉ được xếp vào hạng “Trung thọ”. Người tuổi 80 gọi là “Tản thọ”, còn gọi là “Trượng triều”. Cụ Đồ Paris kể rằng ngày xưa vua ban cho người 80 tuổi được quyền cầm trượng (cây gậy) vào triều đình để dâng thẳng lên vua những điều trần về việc nước mà không bị ngăn cản, bởi lẽ ở tuổi đó mà còn sáng suốt, còn quan tâm đến việc nước không vì tư lợi, thì Nhà vua và Triều đình phải lắng nghe. Đây là một truyền thống thật đẹp thời quân chủ. Đến 90 tuổi trở lên gọi là “Thượng thọ”. Trăm tuổi gọi là “Cao thọ”. Trăm lẻ tám tuổi gọi là “Trà thọ”. Cụ Đồ Paris chỉ biết chữ “Trà thọ” nhưng không hiểu tại sao lại gọi như thế.
Trong cảnh Đại đoàn viên của Dân tộc, Tứ tượng tức là bốn vị Voi già được các cụ Việt kiều ưu ái chúc thọ gồm có 3 vị từng phục vụ Đảng nhiều năm, và một vị thì phục vụ VNCH (Voi già “Éléphant” là cách nói của đảng Xã hội Pháp gọi các đảng viên thâm niên). Khoảng mười mươi cụ Việt Kiều đó, theo phong tục gọi là “Cụ” vì họ đã qua tuổi “Lục tuần”, trong nhóm có lẽ hai cụ trẻ nhất là cụ Vũ Thư Hiên người Hà Nội và cụ Phan Văn Song người Sài Gòn. Từ sau năm 1975, Hồn thiêng Sông núi mang họ đến Paris, xui cho họ gặp nhau, gieo tình bằng hữu và nghĩa đồng bào đậm đà trong tâm họ. Ngày hôm ấy, họ chia nhau đi chợ, làm bếp, rửa rau, rửa trái cây, nướng món cá hồi đút lò ăn với bún và bánh tráng VN, họ thưởng thức rượu chát trắng Bourgogne đặc sản của miền Alsace, sau cùng họ thưởng thức Champagne với bánh ngọt. Đến phần rượu vào lời ra, họ mời các vị Bát tuần có vài lời về buổi lễ. Các cụ tâm tình thật nhiều. Nhưng trong khuôn khổ chương sách này, người viết chỉ xin trích dẫn những lời họ nhắn nhủ để gởi đến thế hệ tương lai.
Cụ Bùi Tín, Đệ nhất Trưởng lão, với nét mặt đầy xúc động kể rằng trong 17 năm qua, cụ đã xa gia đình, xa vợ con và các cháu. Đó là một bất hạnh rất lớn, nhưng bù lại, cụ có được đông đủ bạn bè ở khắp nơi và nhận được lòng quý mến của rất nhiều người ngoại quốc. Cụ tỏ lòng hối tiếc như sau: “Nay tôi chỉ tiếc một điều là tôi đã mất hết 44 năm cho đảng Cộng sản. Tôi ra khỏi đảng trễ, nhưng hãy còn sớm hơn 2 triệu người kia, nay còn theo cái đảng ấy”. Cụ nói thật lòng mình, và không đè nén được xúc cảm, nước mắt nhiều lần lưng tròng. Anh em ngồi lắng nghe, xúc động theo từng xúc động của cụ, tất cả đều chậm nước mắt khi cụ dứt lời. Cụ Trần Thanh Hiệp, Đệ nhị Trưởng lão, tâm sự với anh em: “Từ 1945, cụ bị Cộng sản gạt. Cụ dẫn chứng từng trường hợp lịch sử. Nay, già rồi, cụ nhất định sẽ không để bị gạt. Cụ có thể bị thua cuộc, nhưng không để bị Cộng sản có thể lường gạt như những lần trước đây nữa. Cụ nhấn mạnh Cộng sản là cái thứ lúc nào cũng tìm đủ mọi cách để lường gạt mọi người”. Đệ tam Trưởng lão là Cụ Hồ Minh Châu, trước 1975 phụ trách Tiểu khu Sa Đéc. Cụ Châu mới lên 80, biết sức mình còn khoẻ lắm nên đủ sức theo chân anh em. Cụ nói với vẻ thật “chịu chơi” rằng hiện tại anh em cần gì, cụ sẵn sàng theo sát và ủng hộ. Đệ tứ Trưởng lão Võ Nhơn Trí, nguyên Chuyên viên Nghiên cứu ở Viện Kinh tế ở Hà Nội và Viện Khoa học Xã hội ở Sài Gòn. Cụ tâm tình với giọng chậm rãi, thỉnh thoảng ngưng lại vì xúc động, rồi cố gắng nói tiếp: “Tôi sống với Cộng sản ở Hà Nội 23 năm nên tôi hiểu chúng nó quá. Chúng nó không bao giờ có tình cảm, mà cũng không có lý trí. Chúng nó lúc nào cũng chỉ biết lường gạt, để bảo vệ quyền lợi của đảng, mà thực chất, chính là quyền lợi riêng của nhóm chóp bu là trên hết”.
Sau cùng tác giả Đinh Tiểu Nguyên “ghi” thêm lời kết như sau: “Cụ Vũ Thư Hiên chuyển lời chúc mừng Thượng thọ từ Mạc Tư Khoa của cụ Nguyễn Minh Cần trong đó có lời cụ chúc mừng riêng cụ Bùi Tín”. Vị Trưởng lão Nguyễn Minh Cần cũng thuộc lớp tuổi Bát tuần (Cụ sinh năm 1928), tuy ở Mạc Tư Khoa trên đất Nga, không tham dự “Buổi lễ mừng Bát tuần” này, người viết cũng xin nhắc đến cụ là tác giả của ba tác phẩm kiệt xuất là quyển Công l ý đòi hỏi (xuất bản năm 1977), quyển Chuyện Nước non (xuất bản năm 1999), và quyển Đảng CSVN qua những biến động trong Phong trào Cộng sản Quốc tế (xuất bản năm 2001), và xin tìm thêm những lời nhắn nhủ thân thương ấp ủ qua ba quyển đó. Nhờ ở trên đất Nga nhiều năm, được vào tham khảo tài liệu ở Kho Lưu trữ của CS Quốc tế sau ngày Liên Xô sụp đổ, nên nhà Nghiên cứu Nguyễn Minh Cần đã cho chúng ta biết bộ mặt thật “đảng Cộng sản Bolshevik của Lênin là một hội kín của những kẻ âm mưu, chủ trương đàn áp không thương tiếc để cướp đoạt quyền cai trị”. Sử gia Trần Gia Phụng, trong bài Lá cờ chính nghĩa (Nguồn quanvan.net), đã viết về chủ trương “giết tiềm lực” để loại trừ đối lập: “Trong các năm 1945, 1946, 1947 trên toàn quốc, Việt Minh giết khoảng 100.000 người ở tất cả các cấp từ trung ương xuống tới địa phương làng xã”.
Trong quyển Công lý đòi hỏi, như tựa đề đã nói, cụ Nguyễn Minh Cần đã viết về những bất công, những oan trái, những đàn áp, những cướp bốc, những tội sát nhân do HCM và Đảng đã gây ra cho Dân tộc, và thiết tha “CÔNG LÝ ĐÒI HỎI MỘT CUỘC CÁCH MẠNG MỚI vì cuộc Cách mạng Mùa thu 1945 đã bị phá hư rồi”
Quyển Chuyện Nước non gói trọn ước nguyện của cụ trao cho bạn đọc để“xem kỹ, suy nghĩ, phán xét ngõ hầu cùng nhau tìm được phương hướng đúng cho Đất nước và Dân tộc thoát ra khỏi xiềng xích trói buộc của Chế độ Cực quyền Đảng trị quá lỗi thời”. Trong lúc Con tàu lịch sử của thời đại đang vút lao về phía trước, cụ Ng. Minh Cần mong rằng Đất nước và Dân tộc bước lên kịp con tàu nhờ “Mỗi người con của Tổ quốc sẵn sàng đưa vai gánh vác chuyện nước non”
Tháo gỡ Đại họa HCM
Bài ghi của tác giả Đinh Tiểu Nguyên về Lễ Chúc thọ Tứ tượng chỉ dài một trang báo (Bán Tuần báo Việt Luận xuất bản ở Sydney, ngày 25-1-2008, tr. 50) nhưng đã mang tải những lời khuyên nhủ qu ý báu của bốn vị Trưởng lão Bát tuần ở Paris, những lời qu ý giá như một trang sử đẹp, gởi đến cho Dân tộc và cho Thế hệ tương lai. Xin hãy xem buổi Lễ mừng Bát tuần này như một Tiểu Hội nghị Diên Hồng góp phần vào công cuộc THÁO GỠ ĐẠI HỌA HCM (“THÁO GỠ” chữ của Cựu hoàng Bảo Đại, xin xem lại Chương 6: Tư tưởng HCM).
Bây giờ xin quý bạn đọc dành chút giây phút gởi tâm vào câu thành ngữ “Bảy mươi học bảy mươi mốt” trong Túi khôn của Dân tộc. Qu ý bạn ơi, các cụ “Bảy mươi” có nhỏ hơn các cụ “Bảy mươi mốt” bao nhiêu đâu! Chẳng bao nhiêu cả! Chỉ một tuổi hay mươi mười mấy tháng là cùng! Nhưng sao ông bà tổ tiên ta bảo “Bảy mươi phải học bảy mươi mốt”?Phải chăng người xưa muốn dùng lời nói bình dân dễ hiểu đó để khuyên nhũ thế hệ trẻ hiếu học và cầu tiến lại vừa truyền dạy tính khiêm cung và tấm lòng kính trọng tuổi thọ của dân ta. Xét thấu đáo như vậy, câu “Bảy mươi học bảy mươi mốt” vừa ngắn gọn, dễ hiểu, lại thâm sâu vô cùng! Các “Cụ bảy mươi mốt” đã thế, các “Cụ tám mươi” lên bậc “Lão trượng” còn được trọng vọng biết bao! Ngày xưa vua ban quyền cho các Bậc Lão trượng được “cầm trượng” tức là chống gậy vào triều để điều trần việc nước với vua và triều đình! Nét Dân chủ độc đáo này của Dân tộc khiến cho mỗi người chúng ta ngày nay nên tự chất vấn “Chúng ta có cần phải học Bài học của Tiền nhân ngày xưa hay của những bậc Tiền bối Bát tuần ngày nay hay không ?” Chúng ta tự hỏi, tức là tự trả lời rồi!
Bây giờ, người viết xin nhắc lại lời một Lão trượng Bát tuần trong chương chuyện này, đó là Luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Vào năm 1991, lúc cụ chất vấn Chính trị Bộ ĐCS: “Các ông không đủ anh hùng tính để hy sinh Đảng của các ông cho Dân tộc và Đất nước hay sao?” thì cụ đã lên bậc Lão trượng 81 tuổi rồi (Cụ sinh năm 1910 và qua đời năm 1997)! Xin nhắc thêm lời của “Con ngựa shiến” trong phong trào Nhân văn - Giai phẩm là Lão thi sĩ Hoàng Cầm. Lúc cụ 86 tuổi, khi MC Trịnh Hội hỏi cụ có lời gì chia sẻ với thế hệ tương lai, thì cụ Bát tuần Hoàng Cầm nói: “Bất kể dù cái gì chăng nữa, các cháu thấy cái gì tốt cho Dân tộc thì các cháu cứ làm, cứ mạnh dạn mà làm…”. Bây giờ chúng ta xin góp nhặt hết, từ Lời chất vấn của cụ Nguyễn Mạnh Tường, Lời chia sẻ với thế hệ tương lai của cụ Hoàng Cầm, cùng với những Lời tâm tình của bốn vị Bát tuần ở Paris, cụ Bùi Tín, cụ Trần Thanh Hiệp, cụ Hồ Minh Châu, cụ Võ Minh Trí, sau cùng đến những Lời khuyên nhủ của cụ Nguyễn Minh Cần ở Mạc Tư Khoa qua 3 quyển sách của cụ, tất cả những lời vàng ngọc đó, chúng ta là kẻ hậu sinh xin chân thành và kính cẩn tiếp nhận vì đó là Hào quang hướng dẫn Dân tộc trong giai đoạn chính trị vô cùng chông gai để “THÁO GỠ ĐẠI HỌA HCM”.
Nói đến Đại họa HCM và nền Thi ca tuyệt đẹp của Dân tộc, chúng ta không thể không nhắc đến Thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Nhà văn Mai Thảo, trong quyển Chân dung 15 nhà văn nhà thơ Việt Nam, đã xưng tụng ông: “Mọi người là thi sỹ. Riêng ông là thi bá”. Sau Hiệp định Genève, Thi sĩ Vũ Hoàng Chương không ở lại miền Bắc mà lại vào Nam tìm tự do, thế là một tội! Đã nổi danh là “thi bá” mà không theo con đường phục vụ Bác Đảng như Tố Hữu hay Xuân Diệu, tội này lại nặng hơn, đáng chết! Và Đảng đã giết ông thật!
Tác giả Trần Dạ Từ viết (Trích quyển Quê hương bạn hữu tù đày, tr. 75): “Chỉ bằng một cái búng tay của Bạo lực, ngày 3-4-1976, công an VC vây bắt cả trăm văn nghệ sĩ miền Nam bỏ vào tù, mãi đến 10 ngày sau, họ mới nhớ đến thi sĩ Vũ Hoàng Chương”. Có nhiều nhà phê bình thường chê trách giới trí thức VN hèn. Có lẽ chúng ta nên xét lại, không nên viết như thế nữa! Bạn hiền ơi, đứng trước bầy thú dữ như cọp, beo, sư tử chực ăn thịt bạn mà bạn không có súng đạn, bạn không thể đứng lại l ý luận, bạn chỉ có nước chạy mà thôi, mà phải chạy vắt giò lên cổ! Các bạn hãy xem Đảng biểu dương bạo lực để vây bắt Vũ Hoàng Chương, một thi sĩ già, sức trói gà không chặc, mà lại đang bị bịnh ngồi dậy không nổi! Theo lời thuật của bà vợ thi sĩ, tác giả Trần Dạ Từ viết (tr.18 sđd): “Chúng đến, từ phía Sài Gòn. Bốn chiếc jeep đầy nhóc an ninh áo vàng mang súng ống như cho một cuộc hành quân lớn, ầm ầm vượt qua cầu Calmette, khu chợ Khánh Hội, phóng thẳng tới phường Cây Bàng và dừng lại trước con ngõ dẫn vào Gác Bút. Bọn an ninh Cộng sản, trên 20 đứa, tới tấp nhẩy xuống xe. Khoảnh khắc, cả phường Cây Bàng bị vây kín… Dân chúng chung quanh Gác Bút thất kinh. Có người hỏi, chúng trả lời: “Phải huy động một lực lượng lớn lao thế này để tóm trọn ổ một bọn cướp (!) lợi hại”.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị bắt ngày 13-4-1976, chỉ vài ngày trước sinh nhật Lục tuần của ông (ông sinh ngày 5-5-1916), ông mất ngày 19-8 cùng năm. “Chúng bắt ông sau cùng. Và giết ông trước nhất”, Trần Dạ Từ đã viết như vậy. Những vần thơ khí tiết sau đây của thi sĩ VHC để lại cho Dân tộc, xin được xem như Lễ vật kính dâng lên Hồn thiêng Sông núi: “Trải bốn ngàn năm dựng nước nhà. Sông khoe hùng dũng núi nguy nga. Trả ta sông núi bao người trước. Gào thét đòi cho bọn chúng ta. Trả ta sông núi từng trang sử. Dân tộc còn nghe vọng thiết tha. Ngược vết thời gian cùng nhắn nhủ: Không đòi, ai trả núi sông ta”.
Ngày Đại đoàn viên của Dân tộc, theo ánh hào quang của Hồn thiêng Sông núi, sớm hay muộn, rồi cũng sẽ đến với Dân tộc. Chúng ta chỉ cần chờ đợi. Khoảnh khắc linh thiêng đó rồi cũng sẽ đến. Nữ sĩ Dương Thu Hương, bằng văn phong hào hùng và tuyệt tác, đã diễn tả giây phút đó ở trang 290 của quyển Au Zénith (Đỉnh cao chói lọi), quyển sách vừa xuất bản ở Paris ngày 19-1-2007. Ở trang 290 là tr. đẹp nhất của quyển sách, Dân tộc đọc được những dòng chữ thật đẹp:
“Kể từ ngày mồng 2 tháng 9 năm Kỷ Dậu, trên đỉnh trời Hà Nội, luôn luôn treo lơ lửng một lưỡi gươm. Một lưỡi gươm khổng lồ, trong suốt. Người ta có thể nhìn rõ lưỡi gươm ấy vào những ngày thu, trời vắng mây, đặc biệt những ngày trời biếc xanh, xanh tinh lọc sau mưa bão hoặc sau khi cầu vòng hiển hiện. Lưỡi gươm ấy nhằm thẳng xuống cột cờ thành Hà Nội, chờ đợi khoảnh khắc định mệnh để rơi xuống, chặt đứt lá cờ đỏ sao vàng, kết thúc cái chế độ phản trắc và tàn bạo, tiêu diệt loài ngạ quỷ đã cắn cổ hút máu chính Dân tộc nuôi dưỡng nó”.
Những dòng chữ của Dương Thu Hương ở tr. 290 đẹp như thế đó! Cũng sẽ thật đẹp ngày Đại đoàn viên của Dân tộc! Người viết vô cùng cảm tạ Nữ sĩ Dương Thu Hương và xin dùng những dòng chữ thật đẹp trên để kết luận cho chương “HCM, Chính trị gia tồi tệ”, cũng như cho quyển “Cuộc Chiến tranh của HCM đánh Dân tộc” này.
Sydney, Úc Đại Lợi
Mùa Bán biển Bán rừng 2010
Nhóm Tâm Việt Sydney
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử