lịch sử việt nam
Lịch-Sử Đức Vua Trần-Nhân-Tông
-Tinh-anh và tổng-lực của tộc Việt-
Mục Lục:
Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285
Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa
Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược
Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn
Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến
Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288
Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ
Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo
(Quốc Lịch 4882, Phật Lịch 2547, ngày 16 tháng tư năm Quý Mùi tức 16/05/2003 dương lịch)
Chương Chín
Chiến thắng sông Bạch Đằng, một chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ
Theo đường lối chỉ huy cuộc chiến của Đức vua Trần Nhân Tông là rút lui, phòng ngự và phản công, những chiến lược đó đã được trình bày ở các chương trước, thì nay ở cuộc chiến thứ hai (thứ ba từ khi nhà Trần nắm vận mệnh của đất nước) quân ta đang ở thế phòng ngự và chuyển dần sang thế phản công. Với đường lối này, khi quân Nguyên tấn công vào nước ta, chúng đã không chạm tráng được với những cánh quân lớn của nhà Trần hơn nữa lại phải ngược xuôi truy đuổi hai vua nhưng cũng chẳng đạt được kết quả khích lệ nào cả. Những trận đụng độ được trình bày cũng chỉ là những trận đánh cầm chừng dụ địch vào sâu trong vùng đất mà ta đã định sẳn đồng thời rút lui bảo toàn lực lượng. Những nơi quân Nguyên chiếm được chỉ là những địa điểm, thành quách trống trơn, còn các vị vương thân quốc thích của triều đình, trong đó có hai vua cùng đại đa số binh sĩ của quân đội Đại Việt thì bặt vô âm tín. Tức giận vì không đạt được một thành quả chiến lược nào, Ô Mã Nhi khi tấn công vào phủ Long Hưng (nơi có tôn trí mộ bia của tổ tiên nhà Trần), hắn đã ra lịnh đào xới phá hủy cũng như giết chóc, tàn sát một cách dã man những người dân của chúng ta ở quanh nơi đó, hắn còn thề độc «các ngươi (ám chỉ hai vua) có chạy lên trời, có chun xuống biển ta cũng quyết rượt theo để bắt cho bằng được». Dù hung hăng bạo ngược đến đâu hắn cũng đã không thực hiện được những ý đồ ngông cuồng nói trên. Có lẽ anh linh của vị Thái Tổ nhà Trần hiển linh để trừng phạt hắn xúc phạm đến nơi an nghĩ của ngài, khiến sau này Ô Mã Nhi rơi vào tay quân ta và phải đền tội ác.
Quân Nguyên rút về nước chia thành nhiều hướng khác nhau. Ngày 3 tháng 3 năm Mậu Tý (1288), Hữu Thừa Trình Bằng Phi, Thiên Tỉnh Đạt Mộc thống lĩnh kỵ binh đi rước các cánh quân di chuyển bằng đường thủy, có lẽ đi đón đoàn thuyền của Trương Văn Hổ hay chăng, một cơ hội chót trước khi rút về nước? Tuy nhiên khi qua chợ Đông-Hồ thì bị cản trở bởi dòng sông phải lui trở về đường cũ thì cầu cống đã bị quân nhà Trần bám theo sau phá hủy. Túng thế, trước mặt thì bị quân ta cản trở, sau lưng là chướng ngại thiên nhiên, đoàn quân thiện chiến của chúng đã bị dồn vào giữa. Tiếc rằng ta không đủ lực lượng để bao vây và tiêu diệt kẻ thù, nếu không cánh quân này khó lọt được vòng vây nếu không dọ hỏi được những người dân của ta bị chúng bắt làm tù binh. Cho nên vào nửa đêm chúng đã lẻn đột phá vòng vây chạy trốn theo con đường khác họp với một cánh quân Nguyên đang rút lui để cùng nhau ra khỏi ải Nội-Bàng. Tuy bị bất ngờ bởi sự thay đổi lộ trình của chúng, quân đội nhà Trần vẫn bám theo đánh vào cánh quân đi sau của chúng. Tướng Nguyên là Vạn-Hộ Đáp-Thứ-Xích và Lưu-Thế-Anh phải dẫn quân lính quay trở lại phía sau chống đánh với quân ta. Không may các vị tướng nhà Trần chỉ huy đoàn quân tập kích vào quân thù là Tướng quân Phạm-Trù và Nguyễn-Kỵ đã bị chúng bắt được và đem giết đi.
Ngày 7 tháng 3 năm 1288, cánh quân Mông-cổ rút bằng đường biển đi tới Trúc-Đông, tại đây quân nhà Trần đã chận đánh chúng, nhưng không thành công. Tướng Nguyên là Lư-Khuê chỉ huy cánh quân này đánh bật sự tấn công của quân ta và tịch thu được 20 chiến thuyền.
Ngày 8 tháng 3 năm 1288, cánh quân do Ô Mã Nhi chỉ huy không rút về bằng đường biển mà chúng xử dụng con sông Bạch Đằng mà đi, chúng nghĩ rằng, đường biển đã bị hải quân nhà Trần vây chặt còn đường sông thì ta không phòng hờ nếu rút lui như thế và một nguyên do khác đó là, với con sông Bạch Đằng này nối liền với nội địa Tàu bằng thủy lộ. Lịch Sử Việt Nam tập 1 ghi về sông Bạch Đằng như sau: «Bạch Đằng là một sông lớn do sông Đá Bạc, sông Giá và nhiều nhánh sông khác đổ vào. Dòng sông rộng mênh mông, bên phải có dãy núi đá vôi Tràng Kênh ăn sát bờ, bên trái rừng cây um tùm che lấp bờ bên kia.
Theo kế hoạch Trần Quốc Tuấn, quân dân ta, đẵn gỗ lim, gỗ tàu trên rừng về, đẽo nhọn cắm xuống tạo thành một bãi chướng ngại vật lớn. Chiến thuật của Ngô Quyền từ thủa phá quân Nam Hán lại một lần nữa được vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Nguyên. Ghềnh Cốc là một dải đá ngầm chạy ngang qua sông Bạch Đằng phía dưới của sông Chanh, có thể được lợi dụng như một chướng ngại vật thiên nhiên để phối hợp với bãi cọc, ngăn chận chiến thuyền địch khi nước triều xuống. Thủy quân ta mai phục trong các nhánh sông, vũng sông, trừ sông Đá Bạc được mở rộng cửa cho quân thù tiến vào đất chết. Bộ binh tận dụng địa hình dấu quân trong núi đá Tràng Kênh và rừng rậm bên tả ngạn. Đại quân do vua Trần thống lĩnh cũng sẳn sàng tiếp ứng cho trận huyết chiến chiến lược này».
Ngày 8 tháng 4 năm 1288, một đội thuyền của địch đi trước dò đường tiến theo sông Giá. Đến Trúc Động (Thụy Nguyên, Hải Phòng), đội thuyền này bị quân ta chận đánh phải rút lui. Nhiệm vụ của trận này là bịt đường sông Giá để bảo đảm bí mật cho trận địa mai phục và buộc toàn bộ đoàn thuyền của quân Mông-cổ phải hành quân theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng, nghĩa là phải dẫn quân vào trận địa do ta chọn sẵn. Gần đây phát giác được bãi cọc ở gần cửa sông Chanh và một số cọc bên tả ngạn sông Bạch Đằng phía dưới sông Chanh. Một số nhà nghiên cứu cho đó là di tích của bãi cọc trong trận Bạch Đằng năm 1288. Niên đại của bãi cọc đó đang được nghiên cứu để xác minh thêm.
Theo Toàn Thư «Sông Bạch Đằng từ sông Lục Đầu, tỉnh Bắc Ninh chia dòng chảy vào Hải Dương. Một nghành theo sông Mỹ, một nghành theo sông Cốc…». Địa Lý Chí của Nguyễn Trãi chép: «Sông Bạch Đằng biệt hiệu là sông Vân Cừ, rộng hơn hai dậm. Muôn sông đứng sắp, các nước giao dòng, sóng nổi lên trời! Cây tre rợp bãi! Thật là nơi hiểm yếu của đường biển» (bản dịch của Nhượng Tống).
Theo nghiên cứu địa lý thì sông Chanh, sông Kênh, sông Rút xưa kia là lạch thoát của nước sông Bạch Đằng. Hiện nay vùng này phù sa đang bồi thêm. Vì thế nên sông Kênh chảy qua vùng Đồng Cốc (thuộc Yên Hưng) đang bị lấp cạn, cửa sông hiện nay chỉ còn vết trũng sâu mà dân địa phương gọi là lũng Mắt Rồng sát bờ đê sông Bạch Đằng.
Khi Ô Mã Nhi dẫn đoàn thuyền tiến vào sông Bạch Đằng nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra khiêu chiến, sau đó giả thua chạy vào sâu bên trong. Hắn trúng kế khích tướng nên thúc quân vận tải lương thực ra nghinh chiến, các tướng Phàn-Tham-Chính, Hoạch Phong cùng ra tiếp ứng. Khi thuyền giặc đã vào sâu bên trong sông Bạch Đằng, nghĩa là thuyền của chúng đã nằm trên những cọc gỗ mà quân ta cắm sẳn dưới lòng sông. Tướng quân Nguyễn Khoái dẫn các quân lính Thánh Dực ra giao chiến.
Thủy quân Đại Việt từ Hải Đông-Vân Trà từ các phía Điền Công, Gia Đước, sông Thái, sông Giá nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng. Với hàng trăm chiến thuyền cùng quân lính các lộ khác căng tay chèo thật nhanh ra sông và dựa vào Ghềnh Cốc lập thành một dãy thuyền chặn đầu thuyền địch trong thế chấn chiến hạm ở ngang sông. Trong lúc thủy chiến dữ dội thì đoàn chiến thuyền của hai vua đóng ở vùng Hiệp Sơn (Kinh Môn, Hải Dương). Cũng có nơi nói Đức vua Trần đóng quân ở Hiệp Môn (Kinh Môn, Hải Dương) đã kịp thời xông ra tấn công giặc theo kế hoạch đã dự trù trước. Trước đó, đạo quân của hai vua chỉ huy đóng ở vùng Hiệp Môn bên bờ sông Giáp (sông kinh Thần, vùng Kinh Môn, Hải Dương) làm nhiệm vụ đánh cầm chừng và cản bước tiến của giặc. Đạo quân của hai vua tấn công từ phía sau của quân giặc khiến chúng càng bị động lúng túng và tổn thất rất nặng. Đồng thời, một số cánh quân khác của địch bỏ thuyền chạy lên bờ sông bên trái của Yên Hưng để tìm đường trốn thoát. Nhưng vừa lên tới bờ chúng lại rơi vào ổ phục kích của quân ta, và một trận đánh ác liệt đã xảy ra.
Trong khi đó, đoàn tàu của Trương Văn Hổ cũng vừa trờ tới, chúng liền bị quân nhà Trần mai phục trên hai bờ sông đổ ra chận đánh khiến chúng phải bỏ chạy. Giữa lúc ấy nưóc sông Bạch Đằng rút xuống quá nhanh khiến cho đoàn tàu chở lương thực của Trương Văn Hổ bị mắc cạn trên cọc gỗ, nghiêng và đắm một số lớn. Trời về chiều khi chiến trường sắp kết thúc, cánh quân của Thoát Hoan đóng gần đó vẫn án binh bất động không tới tiếp ứng, hắn đã bỏ rơi Ô Mã Nhi cùng với thuộc hạ chống đỡ thụ động trước sự tấn công của quân ta và đạo quân này hoàn toàn bị quân ta tiêu diệt. Theo Nguyên sử, truyện của Phàn Tiếp chép rằng kịch chiến xảy ra từ giờ mão đến giờ dậu.
Cũng cần biết thêm rằng điểm đặc biệt của sông Bạch Đằng là khi nước lớn rất nhanh mà nước rút cũng khá lẹ. Cho nên khi nước rút quá lẹ khiến cho thuyền của giặc Nguyên bị cọc gỗ đâm trúng, lật đỗ cả, quân giặc chết đuối vô số kể, máu đã chan hòa cả dòng sông. Quân ta tịch thu được hơn 400 chiến thuyền, Tước Nội Linh Tự Đỗ Hành bắt sống được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc (Nhiều tài liệu khác ghi là Tích Lê Cơ hay Tích Lê Cơ Đại Vương. Viên tướng Mông-cổ này tên là Tích Lê Cơ, còn Vương là tước hiệu. Chữ Ngọc? chép lầm từ chữ chữ Vương? Chú thích Toàn Thư) và đem dâng cho Thượng hoàng Thánh Tông.
An-Nam Chí-Lược (sử của giặc Nguyên do phản thần triều đình nhà Trần ghi lại) có ghi các tướng Nguyên là Phàn Tiếp và Hoạch Phong đến tiếp ứng cho Ô Mã Nhi, nhưng không ghi rõ sống chết. Tuy nhiên, trong Nguyên Sử có chép về Phàn Tiếp như sau (tờ 10 b 2-3): «Tiếp cùng Ô Mã Nhi đem quân thủy trở về, bị giặc đón chận. Triều sông Bạch Đằng xuống, thuyền Tiếp mắc cạn. Thuyền giặc dồn về nhiều, tên bắn như mưa. Tiếp hết sức đánh từ giờ mão đến giờ dậu. Tiếp bị súng bắn, rớt xuống nước. Giặc móc lên bắt, dùng thuốc độc giết».
Sau khi bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc, quan Nội Minh tự Đỗ Hành đem dâng lên Thượng hoàng Thánh Tông. Ngài sai dẫn chúng lên thuyền của vua đi, đồng thời cùng ngồi nói chuyện và uống rượu vui vẻ. Phong cách tự tại đối với kẻ thù mà chỉ trước đây ít phút còn ở trận tuyến đối nghịch cho ta thấy chỉ có tâm hồn của bậc Thánh mới có thể thực hiện được mà thôi !
Khi nghe tin cánh quân Ô Mã Nhi hoàn toàn bị tiêu diệt, Hữu thừa Trình Bằng Phi (Cương Mục, Toàn Thư ghi là A Thai), đã hộ tống Thoát Hoan chạy thoát bằng đường bộ trốn về Tàu qua ngã Tư Minh (hay Lạng Sơn). Theo Nguyên Sử cho biết thì Thoát Hoan đã rút chạy về nước một ngày trước khi cánh quân Ô Mã Nhi bị Hai Vua đánh tan trên sông Bạch Đằng, qua đó cho ta thấy sự khác biệt trong ghi chép giữa sử ta và sử tàu. Quân nhà Trần đã không dễ dàng để cho kẻ thù vượt thoát như vậy. Khi chúng vừa đến ải Nội Bàng, đã bị quân do Phạm Ngũ Lão chỉ huy đổ ra tấn công tới tấp, đồng thời trên các điểm cao quân ta bắn tên tới tấp khiến hàng ngủ quân địch bị rối loạn và tan rã. Vạn hộ Trương Quân phải dùng ba ngàn binh sĩ liều chết mới thoát ra được nơi nầy.
Tinh thần quân địch càng hoang mang hơn nữa khi nghe tin thám tử (Mông-cổ) cho biết quân nhà Trần đóng rải rác hằng trăm dặm đường từ cửa ải Nữ Nhi đến núi Kheo Cấp để chận đường rút lui của chúng, sử nhà Nguyên ghi rằng : «…điệp báo Nhật Huyên và bọn thế tử cùng Hưng Đạo Vương chia quân hơn ba mươi vạn giữ ải Nữ Nhi và núi Kheo (hay Khâu) Cấp, liền hơn bốn trăm dặm, để chận quân rút về. Trấn Nam Vương (Thoát Hoan) bèn do huyện Đơn Kỷ đến Lộc Châu, đi tắt để về đóng châu Tư Minh». Những điều ghi chép ở đây cho ta thấy một số điểm quan trọng. Đó là cuộc chiến trên sông Bạch Đằng xảy ra với Ô Mã Nhi đã không diễn ra cùng một lúc khi quân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương chận đánh quân Mông-cổ ở biên giới Việt-Trung. Và đó cũng là lý do giải thích sự vắng mặt của ngài trên sông Bạch Đằng như đã trình bày ở trên.
Ở núi Kheo Cấp và ải Nữ Nhi, quân nhà Trần bắn tên độc xuống đoàn quân Mông-cổ triệt thoái. Các tướng Nguyên là Trương Ngọc, A Bát Xích đều bị trúng tên mà chết chung với quân sĩ. Thoát Hoan phải chạy theo đường tắt về Tư Minh (Việt Sử Tiêu Án ghi Thoát Hoan một mình chạy bằng đường tắt về Đan Ba trốn sang Tàu) và ra lịnh Áo Lỗ Bát Xích gom góp những quân lính còn sót lại rút hết về nước theo ngã Tư Minh. A Thai thì bị quân ta bắt được (Toàn Thư ghi do thổ quan Hoàng Nghệ bắt giữ), còn Thoát Hoan chạy thoát được. Ở đây chúng ta không ghi nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến đến công chúa An Tư. Sử nhà Nguyên cho biết khi Thoát Hoan chạy thoát qua được vòng vây của quân ta, hắn còn sai Ái Lỗ dẫn cánh quân còn lại rút về Vân Nam, còn Áo Lỗ Xích đem toàn bộ binh sĩ còn lại đi lên miền Bắc.
Chiến thắng Bạch Đằng có một ý nghĩa quan trọng đó là quân dân Đại Việt đánh tan toàn bộ đoàn quân triệt thoái của giặc triệt thoái bằng đường thủy do Ô Mã Nhi đích thân chỉ huy. Từ bấy lâu nay mỗi khi nhắc tới chiến thắng này chúng ta thường đề cập tới Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là người đã có công tạo nên nó. Tuy nhiên các quyển sử xưa như Cương Mục, Toàn Thơ thường nhắc tới người lãnh đạo tối cao của quân dân nhà Trần vào lúc đó là Đức vua Trần Nhân Tông (tức Vua Kim Phật) đã lãnh đạo thành công hai lần kháng Nguyên 1285 và 1288. Còn những sách sử cận đại thì hầu như chẳng mảy may đề cập đến công đức của ngài, và nhất là những liên quan mật thiết đến việc điều động, sắp xếp cũng như tham dự vào trận đánh để đời này. Đức vua Trần Nhân Tông vừa là bậc lãnh đạo chính trị kiêm chỉ huy tối cao về quân sự, và là người đã đề ra mọi đối sách từ ngoại giao đến quân sự với kết quả là nước Đại Việt chúng ta đã thành công đánh bại giặc Nguyên qua hai cuộc xâm lăng của chúng. Khi quân Mông-cổ tràn qua xâm lăng đất nước chúng ta lần thứ hai, lần thứ ba, nếu không có trí tuệ sáng suốt, tài ngoại giao khéo léo, nghệ thuật lãnh đạo cuộc chiến một cách đầy mưu lược, cũng như lòng can đảm để đương đầu trước mọi tình hình và nhân từ trong việc đối xử với người trong gia tộc, dân chúng, binh lính cho đến kẻ thù thì Đức Vua Trần Nhân Tông làm sao có thể hội tụ được sức mạnh tổng hợp của dân tộc để chống lại quân thù. Phải nói rằng ngài là một bậc Thánh Quân có một không hai trong lịch sử dân tộc. Đó là những sự thực lịch sử mà mỗi người trong chúng ta cần ghi khắc và lấy tấm gương sáng của Ngài truyền lại cho thế hệ con cháu chúng ta sau này.
Lịch Sử Việt Nam tập I ghi ở trang 212 một chi tiết như sau về trận Bạch Đằng: «…Bà hàng nước ở bến đò Rừng (Bạch Đằng) đã chỉ dẫn cho Trần Quốc Tuấn biết con nước sông Bạch Đằng để bố trí trận địa mai phục». Đây là một chi tiết khá đặc biệt. Một bà hàng nước mà lại có cái nhìn của một vị tướng lãnh cầm quân đánh giặc, nên đã chỉ dẫn cho Hưng Đạo Vương cách thức bày binh bố trận để chận đánh quân thù. Có một điều đáng tiếc là chúng ta không biết gì về danh tánh cũng như gia phả của bà. Nhưng một điều có thể nói rằng, bà hàng nước ở bến đò Rừng bên bờ sông Bạch Đằng của năm nào xứng đáng được ghi vào danh sách của những người có công đánh đuổi giặc Nguyên.
Quan điểm của Lê Mạnh Thát về trận chiến ở sông Bạch Đằng như sau trong Lê Mạnh Thát – Toàn Tập Trần Nhân Tông các trang 148-149:«Phàn Tiếp truyện, như vậy, ghi nhận trận đánh xảy ra từ giờ Mão đến giờ Dậu, tức từ sáng tới chiều thì chấm dứt. Thuyền của Đại Việt tập trung rất đông, “tên bắn như mưa”. Và việc Phàn Tiếp, khi bị thương nhảy xuống nước, quân ta đã dùng câu liêm móc lên, bắt được, rồi sau đó hơn 10 ngày mới giết đi, vì ngày 17 khi vua Trần Nhân Tông hiến tiệp ở Long Hưng, thì Phàn Tiếp còn có mặt cùng với đám Tích Lệ Cơ (Ơirôgi), Ô Mã Nhi, Đường Ngột Đãi, Sầm Đoạn, Mai Thế Anh, Điền nguyên soái.v.v.
Bãi cọc đã treo thuyền cả đám tướng tá giặc vào ngày mồng 8 tháng 3 năm Mậu Tý (1288) ấy, ngày nay chưa xác định được rõ ràng. Tuy nhiên, ta biết việc đóng cọc trên sông Bạch Đằng phải xảy ra trong thời gian chưa đầy 3 tuần kể từ khi Ô Mã Nhi tấn công trại Yên Hưng vào ngày 19 tháng 2 và đến ngày mồng 8 tháng 3 quân Ô Mã Nhi đã có mặt ở sông Bạch Đằng. Trong tình hình chiến tranh thời bấy giờ, việc đưa một đoàn thủy quân địch vào đúng ổ phục kích do ta thiết kế quả là một thành công rực rỡ của khoa học và nghệ thuật chỉ đạo quân sự của bộ chỉ huy tối cao của đất nước lúc ấy, mà đứng đầu là vua Trần Nhân Tông.
Sự có mặt của vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng cũng như Trần Hưng Đạo và Nguyễn Khoái chứng tỏ trận đánh này trên hết nếu không do chính vua Trần Nhân Tông chỉ đạo và vạch kế hoạch, thì cũng phải do chính nhà vua phê chuẩn và đồng ý thực hiện. Thực tế, chỉ việc vua Trần Nhân Tông hiện diện tại mặt trận này biểu thị một quyết tâm cao của người lãnh đạo đất nước phải thực hiện cho được chủ trương và kế hoạch đã đề ra, coi đây là một nhiệm vụ xung yếu phải hoàn thành để đạt mục đích của cuộc chiến tranh. Sự kiện tiêu diệt toàn bộ đội thủy quân do Ô Mã Nhi chỉ huy ngày nay thường được nhiều người nghiên cứu gắn vào cho tên tuổi Trần Hưng Đạo, mà quên đi sự hiện diện của vua Trần Nhân Tông tại trận đánh quyết chiến tiêu diệt này. Trong mọi cuộc chiến tranh, lãnh đạo chính trị bao giờ cũng là thống soái. Chỉ có sự lãnh đạo chính trị mới tập hợp hết được mọi lực lượng của dân tộc cho cuộc chiến tranh. Không có cuộc tập hợp này thì dù có tướng tài tới bao nhiêu, dù có kế hoạch tác chiến tốt tới đâu, và dù nhân dân yêu nước và quyết tâm chiến đấu cao tới mức nào đi nữa, thì cuộc chiến tranh vẫn thất bại».
Trương Hán Siêu đã ca ngợi chiến thắng ở sông Bạch Ðằng qua bài phú sau đây
Bài Phú Sông Bạch Ðằng
Khách có kẻ: Chèo bể bơi trăng, buồm mây giang, gió. Sớm ngọn Tương kia, chiều hang Vũ nọ. Vùng vẫy Giang, Hồ: tiêu dao Ngô, Sở. Ði cho biết đây, đi cho biết đó. Chằm Vân-mộng chứa ở trong kho tư-tưởng, đã biết bao nhiêu, mà cái trí khí tứ phương, vẫn còn hăm hở!
Mới học thói Tử-trương: bốn bể ngao du. Qua cửa Ðại-than sang bến Ðông-triều, đến sông Bạch-Ðằng, đứng đỉnh phiến-chu. Trắng xóa sông kềnh muôn dặm, xanh rì dặng ác một màu. Nước trời lộn sắc, phong cảnh vừa thu. Ngàn lau quạnh cõi, bến lách đìu-hiu. Giáo gậy đầu sông, cốt khô đầy gò. Ngậm ngùi đứng lắng ngắm cuộc sống phù du. Thương kẻ anh hùng đâu vắng tá, mà đây dấu vết hãy còn lưu.
Kia kìa, bến sông, phu lão người đâu. Lượng trong bụng ta, chứng có sở cầu. Hoặc gậy trống trước, hoặc thuyền bơi sau. Vái tạ mà thưa rằng: Đây là chỗ chiến địa vua Trần bắt giặc Nguyên, và là nơi cố-châu của vua Ngô phá quân Lưu đây.
Đương khi: muôn đội thuyền bày, hai quân giáo chỉ. Gươm tuốt sáng lòe, cờ bay đỏ khí! Tướng Bắc quân Nam đôi bên đối lũy. Đã nổi gió mà bay mây, lại kinh thiên mà động địa. Kìa quân Nam-Hán nó mưu sâu, nọ Hồ-Nguyên có sức khỏe. Nó bảo rằng: phen này đạp đổ nước Nam, tưởng chừng có dễ.
May sao: Trời giúp quân ta, mây tan trận nó, khác nào như quân Tào Tháo bị vỡ ở sông Xích-bích khi xưa, giặc Bồ Kiên bị tan ở bến Hợp-phù thuở nọ. Ấy cái nhục tày trời của họ, há những một thời, mà cái công tái tạo của ta lưu danh thiên cổ.
Tuy vậy, từ thuở có trời có đất, vẫn có giang-san. Trời đặt ra nơi hiểm-trở, người tính lấy cuộc tồn-an. Hội này bằng hội Mạnh-tân, như vương-sự họ Lã; trận nào bằng trận Dung-thủy, như quốc sĩ họ Hàn. Kìa trận Bạch-Đằng này mà đại-thắng, bởi chưng Đại-vương coi thế giặc nhàn. Tiếng thơm còn mãi, bia miệng hao mòn. Nhớ ai sa giọt lệ, hổ mình với nước non!
Rồi vừa đi vừa hát rằng:
Sông Đằng một dải dài ghê!
Cuồng to sóng lớn dồn về biển Đông.
Trời Nam sinh kẻ anh hùng.
Tăm kềnh yên lặng, non sông vững-vàng
Khách vừa đi vừa hát rằng:
Vua Trần hai vị Thánh-quân.
Sông kia còn dấu tẩy trần giáp-binh
Nghìn xưa gẫm cuộc thăng-bình.
Tài đâu đất hiểm, bởi mình đức cao.
Nguyên văn chữ Nho của Trương Hán Siêu một bậc nho sĩ danh tiếng thời vua Trần Anh Tông, Đông Châu dịch. Khảo về địa-dư và lịch-sử tỉnh Quảng-Yên (Nam-phong tạp-chí, tập XIV số 8, tháng 6-1924).
Thơ của Phan Lập Trai
Biển Châu hiển phát Chương Dương độ
Dãn kiến sa âu phù chân chử
Dục mịch Trần Nguyên cổ chiến trường
Tưởng tại trung lưu soan khích xứ.
Dịch nghĩa:
Buổi sáng cưỡi thuyền nhỏ ra bến Chương Dương,
Chỉ trông thấy đàn chim âu bơi trên sóng nước.
Muốn tìm cảnh chiến trường xưa giữa quân Trần và quân Mông-cổ
Tưởng tượng ở chốn nước xoáy giữa dòng.
(Việt Nam Văn Học Sử Yếu tập I, tác giả giáo sư Dương Quảng Hàm, trang 152)
Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo
Thư mục tham khảo:
1/ Ðạo Phật và Dòng Sử Việt, tác giả cố Hòa thượng Thích Ðức Nhuận, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản 1998, California Hoa Kỳ.
2/ Toàn Tập Trần Nhân Tông, tác giả Lê Mạnh Thát, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam xuất bản 2000, Việt Nam.
3/ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư. Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, biên soạn năm 1697.
4/ Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, biên soạn bởi Quốc Sử Quán Triều Nguyễn 1856-1861.
5/ Việt Sử Tiêu Án, biên soạn bởi Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ 1775.
6/ Ðại Việt Sử Lược, tác giả Khuyết Danh (1377-1388), dịch giả Nguyễn Gia Tường (1972).
7/ Thiền Sư Việt Nam, tác giả Thanh-Từ, xuất bản Sài Gòn Việt Nam 1973.
8/ Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, cố Hòa thượng Thích thượng Mật hạ Thể, Minh Ðức xuất bản 1960, Huế.
9/ Việt Nam Sử Lược, soạn giả Lệ Thần Trần Trọng Kim, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa Trung Tâm Học Liệu xuất bản, Sài Gòn Việt Nam.
10/ Trần Hưng Ðạo, tác giả Hoàng Thúc Trâm, xb 1950, Sài Gòn Việt Nam.
11/ Hán-Việt Từ-Ðiển, tác giả Ðào Duy Anh biên soạn, Hãn-mạn-tử hiệu đính, Trường Thi xuất bản 1957, Sài Gòn Việt Nam.
12/ An Nam Chí Lược, soạn giả Lê Tắc, dịch thuật bởi Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam 1960, Viện đại học Huế xb 1961.
13/ Histoire du Viet Nam des origines à 1858, tác giả Lê Thành Khôi, do Sudestasie xuất bản năm 1987 tại Paris.
14/ Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam tập 4 - Tư tưởng Việt Nam thời Trần (1225-1400), tác giả cố Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, xuất bản 1992 tại Sài Gòn Việt Nam.
15/ Lịch Sử Việt Nam tập I, nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội xuất bản năm 1985.
16/ Việt Sử Giai Thoại – 71 Giai Thoại Thời Trần, tác giả Nguyễn Khắc Thuần, xuất bản 1993, Sài Gòn Việt Nam.
17/ Việt Sử Khảo Luận tập 2, tác giả Hoàng Cơ Thụy, Hội Văn Hóa Hải Ngoại xuất bản 1988 tại Paris, Pháp quốc.
18/ Đại Cương Lịch Sử Việt Nam tập 1, Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh đồng biên soạn. Xuất bản 1998 tại Hà Nội.
19/ Thơ văn Lý Trần, Hà Nội xuất bản 1988 tập II quyển thượng.
20/ Tiêu Sơn Tráng Sĩ, tác giả Khái Hưng do Văn Nghệ xuất bản năm 1968, tại Sài Gòn Việt Nam.
21/ Việt Nam Văn Học Sử Yếu tập I, tác giả giáo sư Dương Quảng Hàm, xuất bản Sài Gòn Việt Nam (SUDASIE tái bản ở Paris năm 1986).
22/ Việt Sử Mông Học-Từ Hồng Bàng đến 1945, tác giả Ngô Đức Dung, nhà xuất bản văn học Hà Nội xuất bản năm 1998, Việt Nam.
23/ Khảo về địa-dư và lịch-sử tỉnh Quảng-Yên (Nam-phong tạp-chí, tập XIV số 8, tháng 6-1924).
24/ Những Trang Sử Vẻ Vang, Nguyễn Lân biên thuật, nhà XBKHXH Hà nội phát hành 1998.
25/ Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, do Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Lê Tung, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Sĩ đồng biên soạn và viết lời bàn; Ngô Thời Nhậm tu đính, Sử quán triều Tây Sơn khắc in năm 1800; Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản 1997 tại Hà Nội.
26/ Bản thảo Ðại Việt Chư Tôn Ðức Hành Trạng, Trúc Lâm Phúc Lộc biên khảo (chưa xuất bản).
Mục Lục:
Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285
Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa
Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược
Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn
Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến
Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288
Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ
Vua Trần-nhân-Tông @ Thư Viện Bồ Đề Trúc-Lâm Yên-Tử
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử