lịch sử việt nam

Trang Chính

Bản Tin Blogs:

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Blog Phạm-Hoàng-Tùng:

Chết Bởi Trung Cộng:

Diễn-Đàn Thảo-Luận Về Tình-Hình Việt-Nam:

Diễn-Đàn Sửa Đổi Hiến-Pháp 1992:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam

Human Rights Vietnam - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế Về Việt-Nam và Trung Quốc:

Tưởng-Niệm 50 Năm 1963-2013:

Trang Thơ Văn Mai-Hoài-Thu:

Trang Thơ Văn Minh-Vân:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Chí-Thiện:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Khôi:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Thị-Thanh:

Trang TL Nguyễn-Việt Phúc-Lộc:

Trang Nhật-Hồng Nguyễn-Thanh-Vân:

Trang Thơ Văn Phạm-Ngọc-Thái:

Trang Thơ Văn Phan-Văn-Phước:

Trang Thơ Văn Quê-Hương:

Trang Thơ Văn Thanh-Sơn:

Trang Thơ Văn ThụcQuyên:

Trang Thơ Văn Trí-Lực:

Trang Thơ Văn Vĩnh-Nhất-Tâm:

Truyện Dài Thời Chiến-Tranh Việt-Nam (Ebooks):

Weblinks:

 

 

Cây có cội, nước có nguồn. Toàn dân Việt-Nam ngàn đời ghi nhớ ân đức Quốc Tổ Hùng Vương

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam 

Thư-Viện Bồ Đề Online_Thư Viện Hoa Sen

nơi hội tụ của những tâm hồn trăn-trở về nhân-sinh quan và vũ-trụ quan

đồng thời xiển-dương Chánh Tín_bài trừ Mê-Tín Dị Đoan 

Vua Trần Nhân Tông Và Trúc-Lâm Yên-Tử

Lịch-Sử Đức Vua Trần-Nhân-Tông

-Tinh-anh và tổng-lực của tộc Việt-

| Lịch Sử Việt Nam | Vua Trần Nhân Tông

Mục Lục:

Duyên khởi

Chương Một - Hành trạng

Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285

Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa

Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược

Chương Năm - Trì Hoãn Chiến

Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn

Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến

Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288

Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ

Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo

(Quốc Lịch 4882, Phật Lịch 2547, ngày 16 tháng tư năm Quý Mùi tức 16/05/2003 dương lịch) 

Chương Ba

Chiến lược phòng thủ diện địa

Mùa thu tháng 8 năm 1284, Đức vua Trần Nhân Tông hạ lịnh cho Hưng Đạo Vương điều khiển các sắc quân của vương hầu, mở cuộc duyệt binh lớn ở Đông-bộ-đầu (tức bến sông Hồng phía trên cầu Long Biên gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay) rồi chia quân trấn giữ Bình-Than cũng như các nơi trọng yếu. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã phổ biến bài Hịch Chiến Sĩ với nội dung như sau (Đạo Phật và Dòng Sử Việt, tác giả Đức Nhuận, trang 256-260):

«Ta thường nghe: Kỷ Tín đem thân chết thay, cứu thoát cho vua Cao Đế; chìa lưng đỡ ngọn dáo, che chở cho vua Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoát chặt tay mong cứu nạn cho nước; Kinh Đức một chức quan nhỏ mà liều mình cứu vua Thái Tông thoát khỏi vòng vây của Thế Sung; Cảo Khanh là bề tôi xa, dám mắng Lộc Sơn, quyết không mắc mưu kẻ nghịch tặc. Ngày xưa, các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào mà chẳng có? Giả thử các bậc đó cứ khư khư giữ thói «nhi nữ thường tình», đến phải chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng với trời đất muôn đời bất hủ!

Các ngươi vốn dòng võ tướng, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện xưa, nửa tin, nửa ngờ. Thôi, những chuyện xưa, ta chẳng nói đến nửa. Nay ta chỉ kể chuyện đời Tống, Nguyên mới đây: Vương Công Kiên là người thế nào? Tỳ tướng của ông là Nguyễn Văn Lập là người thế nào? Mà giữ thành Điểu Ngư nhỏ bằng cái đấu, đường đường chống với quân Mông-Kha đông hàng trăm vạn, khiến cho nhân dân Tống đến nay còn đội ơn sâu! Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào? Tỳ tướng của ông là Xích Tu Tư là người thế nào? Dám xông pha vào chỗ lam chướng xa xôi ngàn dặm, đánh bại quân Nam Chiếu trong vài tuần, khiến cho quân tướng đời Nguyên, đến nay còn lưu tiếng tốt!

Huống nữa, ta cùng các ngươi, sinh nhằm thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan, nhìn thấy lũ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ; ỷ thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng; mượn danh hiệu Vận Nam vương để thu vàng bạc, vơ vét hết của khó có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, tránh sao khỏi tai vạ về sau?

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xẻ thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.

Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền cũng đã lâu ngày, thiếu áo mặc ta cho áo, thiếu cơm ăn ta cho cơm, quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít ta cấp thêm bổng lộc, lúc di chuyển ta cho thuyền, đi bộ ta cấp cho ngựa, khi xông pha trận mạc, sống chết bên nhau; những lúc khao thưởng thì cùng nhau nói cười vui vẻ. Cách cư xử so với Vương Công Kiện, Cốt Đãi Ngột Lang ngày trước nào có kém gì?

Nay các ngươi thấy chủ bị nhục mà không biết lo, nhìn quốc sĩ mà không biết thẹn. Làm tướng một nước, phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường để thết tiệc sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con, hoặc chỉ nghĩ kế sinh nhai tư lợi mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc Mông Thát tràn sang, thì cựa gà không thể đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, tấm thân quí ngàn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bịu con đìu, việc quân cơ trăm sự ích chi; tiền của tuy nhiều không thể mua được đầu giặc; chó săn khỏe, không đuổi được quân thù; chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết; tiếng hát hay, không thể làm cho giặc điếc tai. Lúc bấy giờ, ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng nguy khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà mồ mả cha mẹ các ngươi cũng bị phát quật; chẳng những thân ta kiếp này bị nhục, mà đến trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng bại trận. Lúc ấy, các ngươi dẫu muốn vui chơi phỏng có được không?

Ta bảo thật các ngươi: phải cẩn thận ngừa sự nguy hại như «châm mồi lửa trong đống củi», nên lấy điều tự răn như «kiêng canh nóng mà thổi rau nguội». Các ngươi hãy huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa Khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở chốn Cảo Nhai. Như vậy, chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được trăm năm sống xum họp hòa vui; chẳng những tông miếu của ta được muôn đời tế lễ, mà tổ tông các ngưoi cũng được quanh năm thờ cúng; chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm năm về sau tiếng thơm lưu truyền; chẳng những danh hiệu ta không bị mai một, mà đến tên họ các ngươi cũng lưu truyền sử sách. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui vẻ phỏng có được không ?

Nay ta chọn lấy binh pháp của các danh gia, soạn làm một quyển, gọi là BINH THƯ YẾU LƯỢC. Các ngươi hãy chuyên chú luyện tập theo sách này, vâng lời ta dạy, thì mới phải đạo thần tử, bằng khi bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, suốt đời sẽ là kẻ nghịch thù.

Vì sao vậy? Bởi giặc Nguyên với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên, không biết rửa nhục, không lo trừ hiểm họa, không biết dạy quân sĩ; chẳng khác nào quay mũi giáo mà quy hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc, nếu như sau trận Bình Lỗ mà ta phải tiếng xấu muôn đời thì còn mắt mũi nào đứng trong trời đất nữa!

Ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ lòng ta».

Sau bài hịch tướng sĩ này, toàn thể quân sĩ Đại Việt đã ý thức được kẻ thù trước mặt là ai đồng thời được vạch rõ chính nghĩa tất thắng hung tàn trong cuộc chiến kháng Nguyên qua đó đã nâng cao ý chí chiến đấu chống giặc ngoại xâm của quân nhân Đại Việt. Được khởi động lòng yêu nước cũng như kích thích lòng căm thù kẻ giặc xâm lăng, nhiều binh sĩ đã tự xâm vào cánh tay hai chữ Sát Thát, nghĩa là quyết tâm giết quân Mông-cổ. Điều này biểu thị cao độ tinh thần quyết tử để bảo vệ non sông của toàn thể quân đội Đại Việt.

Sự bố trí lực lượng của quân đội Đại Việt được ghi nhận như sau:

Ở mặt Đông-Bắc quân ta trấn thủ Vĩnh Bình, Động Bàng, Nội Bàng, Vạn Kiếp, Bình Than, chỉ huy mặt trận này là Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo; đối phó với cánh quân Vân Nam ở phía Tây Bắc thì giao cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy; phía Nam kinh đô ta xây dựng một số địa điểm phòng thủ như Đà Mạc, A Lỗ và Đại Hoàng do Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng làm chỉ huy. Trên cùng, vị Tổng chỉ huy chiến trường là Đức Hoàng Đế Trần Nhân Tông. Sự hiện diện của ngài nơi chiến trường cũng như theo dõi chặt chẽ diễn tiến của mặt trận do đó đã có những quyết định phù hợp với thực tế chiến trường đã là một trong những nguyên do quyết định chiến thắng của ta. Chưa kể tới yếu tố tâm lý khi quân sĩ trông thấy vị Hoàng đế tổng tư lịnh quân đội thường xuyên xông pha tuyến đầu với họ đã là điều khích lệ lớn lao khiến cho quân ta có được tinh thần chiến đấu tuyệt vời khi đối mặt với kẻ thù.

Cùng trong tháng này, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã cho mời các kỳ lão của cả nước vào thềm điện Diên-Hồng để chiêu đãi cũng như bàn kế sách chống giặc. Khi Đức Thượng Hoàng trình bày tình hình nguy biến của nước nhà trước họa xâm lăng của Mông-cổ, thì tất cả kỳ lão đồng hô to «Phải đánh». Hàng ngàn lời hô nhưng chỉ một câu «phải đánh» nói lên ý chí đoàn kết của toàn dân một lòng chống giặc. Đây là một trong những điểm nổi bật của thời nhà Trần tượng trưng cho nền dân chủ đại chúng. Hai cuộc hội nghị này được xem như một cuộc thăm dò dư luận xưa nhất của nhân loại. Chỉ riêng một điểm này không cũng đáng cho chúng ta tự hào về triều đại nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Đức vua Trần Nhân Tông. Hội nghị đầu được tổ chức ở bến Bình Than vào mùa thu tháng 8 năm 1283 quy tụ các hàng vương hầu của triều đình; Hội nghị Diên Hồng tổ chức tháng 8 năm 1284 quy tụ các kỳ lão trong cả nước. Hai hội nghị này được tổ chức nhằm vào hai đối tượng khác nhau nhưng có cùng một mục tiêu. Qua hai hội nghị này, Đức vua Đại Việt đã xác quyết tinh thần chống giặc ngoại xâm qua việc vận động mọi người dân Việt từ trong triều đình, vương tộc cho đến bên ngoài quần chúng. Vì ngài đánh giá cuộc chiến sắp xảy ra nay mai sẽ là rất cam go, khó khăn và nhiều gian khổ do bởi ta phải đối phó với một đạo quân xâm lược quá hùng hậu về nhân vật lực cũng như khí thế. Về mặt nước của chúng ta thì nhỏ mà người lại ít, nếu không khéo vận động người dân và triều đình trên dưới một lòng thì khó lòng đánh thắng được kẻ thù. Nhà Trần dưới thời Đức vua Trần đã thành công đoàn kết trên dưới trong ngoài một lòng chống giặc và nhờ vào yếu tố đó người dân của ta đã tạo nên những chiến thắng quyết định đánh bại cuộc xâm lăng của quân Mông-cổ. Đây cũng là ý nghĩa của câu thơ :

Cối kê cựu sự quân tu ký

Hoan diễn do tồn thập vạn binh.

Nghĩa

Cối kê việc cũ hãy nên nhớ,

Hoan, Diễn còn kia trăm ngàn quân.

mà Đức ngài đã cảm đề khi thấy quân ta tụ họp hàng hàng lớp lớp chuẩn bị ra chiến trường. Ý nghĩa khác của hai câu thơ đó là binh lính không cần đông chỉ cần quân tinh nhuệ, khéo huấn luyện, đoàn kết một lòng là ta có thể thắng được giặc. Câu thơ được rút ra từ chuyện xưa nói về Việt Vương Câu Tiển chỉ với một ngàn quân tinh nhuệ đã đánh bại Ngô Phù Sai lấy lại được đất nước. Hơn nữa ngài còn nhắc với tướng sĩ rằng, Đại Việt còn một đạo quân dự bị hàng chục vạn người đang ở vùng Thanh Hóa lúc nào cũng sẳn sàng xuất trận. Điều nhắc nhở này đã có tác động tốt lên tinh thần ba quân trong suốt cuộc chiến. Chứng tỏ ngài vừa là bậc lãnh đạo quân sự đại tài mà còn là nhà tâm lý tài ba biết lúc nào nên khích lệ tinh thần ba quân, cũng như dùng điều gì để khích lệ. Ngài đã tạo cho binh sĩ một cảm giác an toàn là lúc nào phía sau họ cũng có lực lượng dự bị sẳn sàng tiếp ứng bất cứ lúc nào khi họ bị nguy nan, do đó họ sẽ vững tâm hơn, can đảm hơn, quyết liệt hơn trong trận chiến bảo vệ đất tổ của mình. Và thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy điều đó.

Trở lại vấn đề quân Mông-cổ muốn mở gọng kềm phương Nam để kềm chế Đại Việt bằng cách tấn công nước Chiêm Thành. Chỉ huy đoàn quân này do Toa Đô thống lãnh đã hoàn toàn thất bại trước sự kháng cự mãnh liệt của quân dân nước này. Với hình thức chiến tranh bán quy ước họ đã làm cho quân Nguyên (theo Bản kỷ của Nguyên sử 13 tờ 2b2-3 và 2b9-11) tan rã tháo chạy thảm hại «bình chương của Hồ Quảng hành tỉnh là A Lý Hải Nha xin tự đem thân mình đến bờ biển thu thập đám tàn quân tan rã từ Chiêm Thành».

Thực tế chiến trường đã làm thất vọng Hốt-tất-Liệt khi tên này dự định mở mặt trận phương Nam để kềm chế quân ta. Hắn ta đã tức giận khi chỉ thấy xin quân tăng viện từ chiến trường mà không là tin chiến thắng nên tước soái ấn của Ô Mã Nhi để trừng phạt tên tướng này. Ngày 12 tháng 7 vua Nguyên chính thức ra lịnh cho con là Thoát Hoan cầm quân tấn công Chiêm Thành như Bản kỷ của Nguyên sử đã ghi. Sự thực «đây là một quyết định giả vờ, vì đối tượng xâm lược chủ yếu của Thoát Hoan không phải Chiêm Thành, mà chính là Đại Việt».

Theo tác giả Lê Mạnh Thát thì vua nhà Nguyên đã tổ chức một bộ máy quân sự khổng lồ sang xâm lược nước ta. Bao gồm A Lý là tướng có công trong các trận hạ thành Tương Dương, Ngạc Châu, Phàn Thành, Tỉnh Giang, Giang Lăng và nhiều chiến trường khác. Còn phải kể Lý Hằng, người dứt điểm nhà Tống trong chiến dịch Nhai Sơn. Một số cận tướng với A Lý như Áo Lỗ Xích, Trình Bằng Phi, Ô Mã Nhi, Toa Ðô, Phàn Tiếp. Phải nói là bộ tham mưu này đã tập trung những tướng lãnh dày dặn kinh nghiệm nhất của quân Nguyên trong chiến dịch xâm lăng nước Ðại Việt.

Ngày 21 tháng 12 năm Giáp Tý (1284) quân Mông-cổ do Thoát Hoan cầm đầu đã tràn xuống tới biên giới của nước ta. Thoát Hoan đã cho lý vấn quan Khúc Liệt (Kütä) và tuyên sứ Tháp Hải Tân Lý (Taqai Sarïq) cùng Nguyễn Ðại Học đem thư của A Lý đòi nước ta mở đường và cung cấp lương thực cho họ đi đánh Chiêm Thành. Ðức vua của ta trả lời rằng «Từ nước tôi đến Chiêm Thành, thủy bộ đều không tiện». Song song ngài hạ lịnh cho Hưng Ðạo Vương mang quân trấn thủ biên giới. Trong khi các phái bộ ngoại giao Nguyên-Việt tiếp tục qua lại trao đổi công hàm ngoại giao thì quân Nguyên tiếp tục ào ạt tiến đến Lộc Châu (tức huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn ngày nay). Thoát Hoan sai Ðà tổng là A Lý sang nước ta nói rõ về lý do chuyển quân là đi đánh Chiêm Thành chứ không có ý gì khác. Trong khi đó quân Mông-cổ tiếp tục tiến quân vào nội địa nước ta, khi chúng tiến tới núi Kheo Cấp thì bị quân ta anh dũng chận đánh không thể tiến lên được.

Khi nghe tin quân Nguyên kéo tới Lộc Châu, nhà vua đã nhanh chóng điều động quân lính đến trấn thủ các ải Khâu Ôn và Khâu Cấp Lãnh. Ngày 21 tháng 12 năm Giáp Thân (tức 27 tháng một năm 1285) Thoát Hoan và A Lý Hải Nha đã chia quân ra hai hướng để tấn công. Cánh quân phía Tây do Vạn Hộ Lý, La Hợp Ðáp Nhi (Bolqadar) và chiêu thảo Athâm (Atsin) chỉ huy do đường huyện Khâu Ôn tiến xuống. Cánh quân phía Ðông do khiếp tiết Tản Ðáp Nhi Ðãi (Tatartai) và vạn hộ Lý Băng Hiến

Theo An Nam truyện của Nguyên Sử 209 tờ 6a3-b2 -Toàn Tập Trần Nhân Tông, Lê Mạnh Thát- ghi vào lúc hai quân đội Đại Việt và Mông-cổ sắp sửa giao tranh với nhau do tình hình quân Nguyên đã tiến sâu vào nước ta cũng như quân nước Việt đã chia nhau phòng thủ các nơi hiểm yếu của đất nước thì đại phu Nguyễn Đức Dư và triều thỉnh lang Nguyễn Văn Hàn thừa lịnh của Đức Hoàng Đế Trần đem thư tới gặp Thoát Hoan để yêu cầu lui binh, đồng thời nhắc thêm điều mà Hốt-Tất-Liệt đã nói năm 1261 là «sắc riêng cho quân ta không vào bờ cõi nhà ngươi». A Lý Hải Nha đã giữ Nguyễn Văn Hàn lại và cho tổng bản A Lý đi cùng với Nguyễn Đức Dư trở lại triều đình Đại Việt cùng với thư trả lời, ngụ ý rằng «sở dĩ dấy quân là vì Chiêm Thành chứ không phải vì An Nam». Nhưng A Lý đến huyện Cấp Bảo thì quân ta do quản quân Nguyễn Lộc chỉ huy, các thôn Lý, huyện Đoản, Vạn Kiếp đều có quân của Trần Hưng Đạo trấn đóng nên họ không thể đi tiếp được. A Lý Hải Nha sai Nghê Nhuận đi thám sát tình hình. Chẳng lâu sau đó, đã gặp sự kháng cự của quân ta ở ải Khả-Ly (thuộc Lạng Sơn) có nơi chép là Khả-Lợi. Tại nơi đây chúng tràn qua được tuyến phòng thủ của quân ta trấn giữ và tiếp tục tiến xuống miền đồng bằng do cánh quân phía Đông của Tản-Lược-Nhi và tới ải Nữ-Nhi (Toàn Thư, Cương Mục) còn An-Nam Chí-Lược gọi là ải Anh-Nhi. Ở đây chúng bắt và giết một nhân viên do thám của Đại Việt là Đỗ-Vĩ tướng quân. Quân ta chiến đấu chống giặc Nguyên ở núi Khâu (hay Kheo) Cấp vẫn không phân thắng bại vì hai ải Khả-Ly và Nữ-Nhi đã thất thủ, vì vậy quân ta phải rút về cố thủ ở ải Chi Lăng (thuộc Ôn Châu, tỉnh Lạng Sơn).

Tại ải Chi Lăng mặc dù quân ta chiến đấu anh dũng nhưng không thể nào đương cự được quân địch đông đảo gấp bội phần nên đành phải cấp tốc rút về trấn giữ bến Vạn Kiếp (tỉnh Hải Dương) là nơi Hưng Đạo Vương đặt tổng hành dinh điều khiển mặt trận miền Bắc (trước đây được đặt tại ải Nội Bàng). Còn về các hướng khác có Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đóng quân tại Vân Đồn (thuộc Vân-Hải, tỉnh Quảng Yên); mặt Tây Nam có thượng tướng Trần Quang Khải đóng quân ở Nghệ-An án ngữ các nơi hiểm yếu để chống quân của Toa-Đô.

Ở đây cần nói thêm về vai trò của Đức vua Trần Nhân Tông về vị thế chỉ huy của ngài. Như chúng ta đều biết rằng, Đức ngài là một vị vua kiêm cả việc thống lãnh quân đội cũng như cai quản triều chính (chính trị), trong tình thế đất nước bị xâm lăng ngài không thể nào đóng quân một chỗ với một lực lượng trú phòng để ngăn giặc được, nhất là phải đối phó với đạo quân xâm lăng là quân Nguyên có tiếng là rất năng động. Để đáp ứng tình thế trước mặt, ngài cùng với Thượng hoàng Trần Thánh Tông (sau khi đã phân chia các nơi đồn trú cố định cho các vị tướng quân) họp thành một bộ chỉ huy lưu động. Với bộ chỉ huy lưu động này sẽ tiết kiệm được quân lính phòng thủ diện địa, vừa bảo vệ thành quách cũng như hộ vệ cho nhà vua, đồng thời có thêm người có thể ra chống giặc ở tuyến đầu. Hơn nữa khi đóng quân một chỗ thì bộ phận quân sự sẽ cồng kềnh hơn, nặng nề hơn trong việc chống giặc. Cho nên với bộ chỉ huy lưu động này (ngày nay ta gọi là Task Force), Đức Hoàng Đế Trần sẽ theo dõi diễn tiến tình hình chiến trường một cách xác thực nhất, đồng thời có thể đưa ra những mệnh lệnh cần thiết và kịp thời để xoay chuyển tình hình có lợi cho đại cuộc. Ngày xưa khi chưa có trực thăng hoặc chiến xa, thì bộ chỉ huy lưu động của ngài khi thì sử dụng ngựa khỏe, voi tốt hoặc thuyền nhẹ để tiện bề đi tới gần mặt trận nhất, gặp gỡ nhanh nhất với các vị tướng.

Trong Cương Mục cũng như Toàn Thư không thấy ghi bao nhiêu binh lính được phái theo bảo vệ ngài cũng như thượng hoàng Trần Thánh Tông. Nếu không là người can đảm phi thường làm sao một vị vua có thể di chuyển như vậy giữa tình thế dầu sôi lửa bỏng, và trong tình huống có thể chạm trán với quân Nguyên bất cứ lúc nào, và ta cũng đều thấy ngài xuất hiện ở những mặt trận nặng nề nhất. Đây là điều mà các nhà viết Sử, cỗ cũng như kim, không thấy đề cập tới. Do vì phải di chuyển thường xuyên nên đôi khi lực lượng bảo vệ cho ngài chẳng có là bao. Như khi ngài nghe tin các ải Chi Lăng, Nội-Bàng bị thất thủ, quân ta lui về giữ bến Vạn Kiếp, Đức Hoàng đế Trần đã vội vàng di chuyển bằng thuyền nhẹ ra Hải Đông (chỉ chung vùng Hải Dương cũ nay thuộc tỉnh Hải Hưng và Hải Phòng hiện nay) để được biết thêm tin tức, do vì phải bôn ba vất vả đồng thời lo lắng cho quân tình nên ngài không kịp ăn sáng và lúc mặt trời đã về chiều thì có người lính tên là Trần Lai dâng cơm hẩm cho vua dùng. Ngài khen là người trung nghĩa và đã ban thưởng chức thượng phẩm, kiêm tiểu tư xã xã Hữu Triều Môn ở Bạch Đằng.

Khi hội ngộ, đức ngài đã ra lịnh cho Hưng Đạo Vương điều động quân lính các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm (Vân Trà Ba Điểm là hai hương lộ thuộc Hải Đông bấy giờ. Hương Vân Trà hay Trà Hương là vùng Kim Thành, tỉnh Hải Hưng ngày nay), chọn những người dũng cảm làm tiên phong, vượt biển vào Nam để trợ chiến với quân bạn. Nhờ sự tăng viện kịp thời, tinh thần binh sĩ của ta mới được phấn chấn trở lại sau những thất bại liên tiếp ở các chiến dịch biên giới phía Bắc.

Các vị Hưng Vũ Vương Nghiễm, Minh Hiển Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện cùng với 20 vạn quân tinh nhuệ ở các xứ Bàng Hà (đất huyện Thanh Hà cũ nay thuộc huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng và huyện Tiên Lăng, Hải Phòng), Na Sầm (tức Na Ngạn, thuộc đất huyện Lục Ngàn, tỉnh Hà Bắc ngày nay), Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn (thuộc Yên Dũng tỉnh Hà Bắc) tập trung đến Vạn Kiếp theo sự điều khiển của Hưng Đạo Vương để chống giặc.

Vào ngày 26 tháng chạp năm Giáp-thân (1284) giặc Nguyên tấn chiếm các ải Vĩnh-Châu, Nội-Bàng, Thiết-Lược và Chi-Lăng. Trong đó Nội-Bàng là một chiến trường khá quan trọng cho vòng đai phòng thủ kinh thành Thăng Long. Tại Nội-Bàng khi quân ta phải rút lui vội vàng thì Hưng Đạo Vương có hai gia tướng là Yết Kêu và Dã Tượng, Vương dự định di chuyển bằng đường núi, nhưng Dã Tượng nói rằng nếu Yết Kêu chưa gặp Vương thì ông ta nhất định không đưa thuyền rời bến. Hưng Đạo Vương vội đến bến đò Bãi, quả thấy chỉ còn độc nhất chiếc thuyền của Yết Kêu đang ở đó để chờ Vương tới cùng đi. Hưng Đạo Vương rất mừng và nói: «chim Hồng và chim Hộc bay được cao, tất phải nhờ có lông cánh mạnh, nếu không thì chả khác gì chim thường». Nói xong liền đi thuyền cùng với Yết Kêu và Dã Tượng về họp cùng quân lính các lộ trấn giữ Vạn Kiếp và Bắc Giang.

Sự rút quân vội vã như thế cho ta thấy tình thế rất bức bách đối với quân đội của ta, đồng thời ngoài dự tính của Đức Hoàng Đế Trần cũng như Hưng Đạo Vương. Ấy thế, kẻ thù vẫn không buông tha. Quân Nguyên đuổi theo đoàn quân triệt thoái và chúng chia ra hai ngả để tấn công vào cứ điểm Vạn Kiếp. Tại đây quân Đại Việt phải lùi thêm một bước nữa và bị thiệt mất 20 vạn chiếc thuyền về tay giặc. Thừa cơ quân ta rút lui, chúng cướp phá, giết chóc xem như chỗ không người, đồng thời tiến chiếm các cứ điểm Gia Lâm, Đông Ngàn. Ở hai nơi này hễ bắt được người lính nào của ta trên tay có xâm hai chữ «sát thát» trên cánh tay đều bị Mông-cổ giết thẳng tay.

Sau khi các phòng tuyến Vin-Châu, Nội-Bàng, Thiết-Lược và Chi-Lăng lần lượt thất thủ sau 5 ngày tấn công của giặc, Vua Trần Nhân Tông đã phải thay đổi chiến lược chống giặc. Theo giáo sư Lê Mạnh Thát ghi trong Toàn Tập Trần Nhân Tông trang 63 thì «có thể nói, nó cho thấy chủ trương tác chiến ban đầu của vua Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo hình như là đưa quân lên chận giặc ngay tại những vùng địa đầu biên giới của tổ quốc theo chiến lược Lý Thường Kiệt đã làm hơn 200 năm trước».

Dựa theo đoạn trên xin mời quý đọc giả lùi lại một chút vào thời điểm quân đội Đại Việt cử quân chinh phạt nước Tống năm 1075. Dưới thời vua Lý Nhân Tông, để cảnh cáo nhà Tống trong mưu đồ xâm lược nước ta, triều đình đã chấp thuận đề nghị của danh tướng Lý Thường Kiệt trong việc phạt Tống. Lý do đưa ra là đòi nhà Tống phải trả lại Nùng Thiện Mỹ và 700 thuộc hạ làm loạn trong xứ ta và đào tỵ sang Tàu. Ông tâu rằng: «Ngồi im đợi giặc, không bằng đem quân ra trước để chận thế mạnh của giặc». Đây là sách lược chiến tranh phòng ngự, nghĩa là đánh phòng hờ. Lực lượng quân sự trong công cuộc Bắc phạt của Lý Thường Kiệt bao gồm từ sáu đến mười vạn người được chia ra hai đạo thủy lục. Hướng tiến quân nhằm đánh vào các cứ điểm quân sự của nhà Tống ở các đồn biên giới, các cửa biển như Khâm Châu, Liêm Châu và mục tiêu chính là thành Ung Châu.

Ngày 27/10/1075 ngày quân đội Đại Việt lên đường Bắc tiến. Quân ta tiến như chẻ tre, lần lượt nhổ đi các đồn canh biên giới của giặc, ngày 30/12/1075 chiếm được thành Khâm Châu, bắt sống toàn bộ quan quân mà không phải giao tranh một trận nào; ngày 2/1/1076 hạ thành Liêm Châu bắt sống 8000 thổ binh; 42 ngày sau ta hạ được thành Ung Châu, đây là cuộc chiến được ghi nhận là khó khăn và khốc liệt. Sau chiến thắng thần tốc, ý thức rằng mục đích đã đạt được là làm giao động tinh thần giới lãnh đạo nhà Tống cũng như xáo trộn mưu đồ xâm lăng nước ta, Lý Thường Kiệt đã ra lịnh cho toàn thể đạo quân Bắc phạt nhanh chóng rút về nước chuẩn bị đánh trả đòn phục thù của giặc.

Tác giả Hoàng Xuân Hãn ghi lại cách bố phòng của quân ta như sau trong sách Lý Thường Kiệt «Xét qua địa thế, ta hiểu rằng Lý Thường Kiệt đem chủ lực chận con đường từ trại Vĩnh Bình đến sông Nam Định (sông Cầu), bằng cách đặt những doanh đồn và phục binh ở hai ải tiếp nhau: ải Quyết Lý ở phía Bắc Châu Quang Lang và ải Giáp Khẩu (Chi Lăng) ở phía Nam châu ấy. Nếu hai phòng tuyến bị tan thì phải cố thủ ở phòng tuyến thứ ba, tức nam ngạn sông Nam Định.

Muốn cản quân Tống qua sông, Lý Thường Kiệt sai đắp đê Nam Ngạc cao như bức thành. Trên thành, đóng tre làm giậu, dày đến mấy từng. Thành đất lũy tre, nối với dãy núi Tam Đảo, đã đổi thế sông Nam Định và bờ nam ngạn ra một dãy thành hào, che chở cả vùng trung nguyên nước Việt. Thành hào ấy dài gần trăm cây số, hẳn khó qua và dễ phòng thủ hơn là thành hào một đồn lẻ như thành Thăng Long».

Cách bố phòng của quân Đại Việt dưới thời Đức vua Trần Nhân Tông cũng tương tự bằng cách lập một loạt các ải địa đầu, nếu một ải thất thủ thì lui về giữ ải thứ nhì, cứ thế mà làm cho đến ải sau cùng. Tuy nhiên vào lúc này chiến lược đó đã không thành công như cách đây 200 năm. Lý do là vì quân Nguyên có khác với quân Tống về tinh thần cũng như khí thế. Do đó Đức vua Trần và Hưng Đạo Vương đã đi đến quyết định thay đổi chiến lược hành quân sau cuộc họp ở Hải-Đông. Chiến lược mới vừa đánh vừa rút, vừa tổ chức phòng thủ đồng thời chọn lựa thời điểm và chiến trường thích hợp nhất để phản công đánh bại kẻ thù.

Mục Lục:

Duyên khởi

Chương Một - Hành trạng

Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285

Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa

Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược

Chương Năm - Trì Hoãn Chiến

Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn

Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến

Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288

Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ

Vua Trần-nhân-Tông @ Thư Viện Bồ Đề Trúc-Lâm Yên-Tử 

 

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

Live Traffic Feed
free counters

un compteur pour votre site