lịch sử việt nam
Lịch-Sử Đức Vua Trần-Nhân-Tông
-Tinh-anh và tổng-lực của tộc Việt-
Mục Lục:
Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285
Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa
Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược
Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn
Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến
Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288
Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ
Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo
(Quốc Lịch 4882, Phật Lịch 2547, ngày 16 tháng tư năm Quý Mùi tức 16/05/2003 dương lịch)
Chương Tám
Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288
Ngày Ất Dậu, 28 tháng 10, năm Đinh Hợi (1287), quân của Thoát Hoan đến huyện La-Tân. Ô Mã Nhi cùng Phàn Tiếp dẫn theo 18 ngàn người; các tướng Ô-Vị, Trương Ngọc và Lưu-Khuê cùng 3 vạn quân, 500 chiến thuyền, 70 thuyền vận tải lương thực khởi hành từ Khâm Châu. Như vậy, đạo quân xâm lăng của Thoát Hoan tấn công vào nước ta được ghi nhận thành ba hướng. Tướng Trình Bằng Phi từ hướng Tây tấn công vào Vĩnh Bình, Ô Mã Nhi đi đường biển vào An-Bang, Áo Lỗ Ma đi theo cửa Nữ Nhi.
An-Nam Chí-Lược ghi về những diễn tiến ban đầu như sau: «ngày 11 tháng 11 Mậu Tuất, thủy quân tiến trước qua cửa sông Vạn-Ninh. Tướng nam là Nhân-Đức-Hầu Trần-Da phục binh tại Lãng-Sơn toan đánh đứt mặt sau quân ta, quân ta dò biết, trong lúc ban đêm vây núi Lãng-Sơn, sáng sớm ngày sau, đánh đuổi đi, quân Nam chết đuối vài trăm người, bắt được ghe thuyền vài mươi chiếc; Ô Mã Nhi thừa thắng tiến quân, không nghĩ tới thuyền lương thực ở sau, không có viện binh, khiến bao nhiêu lương thực chìm sạch».
Toàn Thư ghi: «Tháng 11, ngày 11, giờ Mùi, mặt trời rung thành 4 góc…ngày 14, Trịnh Xiển, tâu rằng thái tử Nguyên A Thai xâm phạm ải Phú Lương».
Cương Mục ghi: «Mặt trời xô động thành bốn góc».
Những diễn tiến ban đầu của kỳ xâm lăng lần này đã không được ghi lại trong Cương Mục và Toàn Thư cũng như Việt Sử Tiêu Án về trận đánh tại Lãng-Sơn cũng như về vị Nhân Đức Hầu Trần-Da. Trong trận này quân đội Đại Việt dự định đánh úp quân giặc, nhưng không may chúng biết được và quân ta bị tử trận hằng trăm chiến sĩ cùng mấy chục chiến thuyền mất vào tay giặc. Chỉ huy cánh quân đi bằng đường biển này là Ô Mã Nhi, hắn say men chiến thắng nên tiếp tục tiến quân bỏ quên việc tổ chức bảo vệ đoàn thuyền chở lương thực. Quân Đại Việt tại Lãng-Sơn dưới quyền chỉ huy của Nhân-Đức-Hầu Trần-Da mặc dù bị thiệt hại một số binh sĩ nhưng đã không rút khỏi chiến trường và chờ cơ hội phản công. Cơ hội đã đến khi Ô Mã Nhi tiếp tục tấn công mà quên hẳn đi đoàn thuyền lương thực cần phải có quân hộ tống đang è ạch đi theo phía sau. Quân ta phản công chớp nhoáng đánh chìm toàn bộ đoàn thuyền lương thực này của giặc. Như vậy, ngay từ ban đầu quân ta đã trên chân kẻ thù về mặt chiến lược thuật.
Ngày 14 tháng 11 năm Đinh Hợi (1287) khi biết giặc Nguyên tấn công đồn biên giới Phú-Lương của ta, Đức vua tham khảo tình hình với Hưng Đạo Vương năm nay ra sao khi giặc tới? Hưng Đạo Vương trả lời: «Năm nay đánh giặc nhàn».
Ngày 24, Đức Hoàng đế Trần phái cấm quân (đạo quân tinh nhuệ của kinh thành) lên trấn thủ ải Lãnh kinh. Toàn Thư cho biết nó thuộc vào khoảng Đáp Cầu, trên sông Cầu (Hà Bắc). Cấm quân được điều động tới trấn thủ nơi này để chận đánh cánh quân của Trình Bằng Phi từ Vĩnh-Bình và ải Chi Lăng đổ xuống.
Toàn Thư Bản Kỷ Quyển V ghi: «Hưng Đức Hầu Quán đem quân đón đánh, dùng tên tẩm thuốc độc bắn giặc chết và bị thương rất nhiều. Giặc lui và đóng ở ải Vũ Giao». Việt Sử Tiêu Án chép: «Tướng bộ quân của Nguyên là Bằng Phi đánh trại Phù Sơn, quân ta đón đánh bắn bằng tên thuốc độc, quân giặc phải rút lui». Trận đánh ở trại Phù-Sơn do Hưng-Đức-Hầu Quán chận đánh cánh quân tiến bằng đường bộ do Hữu Thừa Trịnh Bằng Phi kéo quân tới đất Lạc-Châu băng qua ải Chi-Lăng đến Phù-Sơn, cùng đi có Tham-chính Sách-La Đáp-Nhi. Cuộc chạm trán với quân ta theo An-Nam Chí-Lược ghi vào ngày 23 Canh Tuất. Trong trận này quân ta sử dụng tên độc khiến quân Mông-cổ chết rất nhiều và phải rút về ải Vũ-Giao cố thủ.
Một cánh quân bộ khác của giặc Nguyên do Thoát Hoan đích thân chỉ huy, có Hữu Thừa A-Bát-Xích làm tiên phong tiến theo ải Khả Lợi. Riêng cánh quân tiến bằng đường biển do Hữu-Thừa Ái-Lỗ từ tỉnh Vân-Nam tiến quân đến Tam-Đại-Giang (có lẽ là cửa biển An-Bang theo Việt Sử Tiêu Án ghi), vì không phòng hờ trước, quân ta phải bỏ thuyền rút đi khiến nhiều chiến thuyền bị rơi vào tay giặc. Tuy nhiên Nhân Đức Hầu Trần Nhật Duật đã cố gắng hết mình cùng với binh sĩ chiến đấu, khiến quân Nguyên bị thiệt hại nhiều binh lính bị chết đuối, quân ta lấy lại được một số thuyền đã mất trước kia. Trong trận này có hai vị tướng của ta là Hà-Ánh và Lê-Thạch bị giặc bắt giữ. Ở đoạn trước chúng tôi có ghi Nhân-Đức-Hầu Trần-Da phục kích đánh quân Nguyên ở Lãng-Sơn và vị Nhân-Đức-Hầu Trần-Nhật-Duật chỉ huy quân Đại-Việt ở Tam-Đại-Giang, có phải hai người là một hay khác nhau nhưng mang cùng danh hiệu hoặc sách sử chép nhầm danh hiệu chăng ?
Ngày 3 tháng 12 năm Đinh Hợi (1287), quân Tàu tiến tới Thập-Tứ-Nguyên, Thoát Hoan rất bận tâm về việc lương thực bị mất nên đã sai Ô Mã Nhi đi cướp quân lương của ta. Còn các tên tướng khác như Hữu thừa Trình Bằng Phi, Tả thừa A Lý, và Lưu Giang xây thành bằng gỗ trên hai núi Phổ Lại và Chí Linh làm kho chứa lương thực.
Ngày 16 tháng 12, vua hạ chiếu sai minh tự Nguyễn Thước đem quân Thánh dực dũng nghĩa đến cửa Đại Than (tên xã ở huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc, gần chỗ sông Đuống chảy ra sông Lục Đầu. Cửa Đại Than tức là cửa sông Đuống) để cùng với Hưng Đạo Vương chống giặc. Ngày 26 khi giặc Nguyên tấn công vào nơi này nhưng đã bị quân ta đánh bại.
Ngày 23 tháng 12, Thoát Hoan lại tái phối trí lực lượng tấn công quân ta, hải quân của Phàn-Tham-Chính (Phàn Tiếp) đi theo thái tử Nguyên để tới tấn công Bắc Giang. Quân ta lập chiến lũy trên dòng sông để chận thuyền của địch, mặt khác mai phục trong rừng lá để đánh úp chúng. Quân Mông-cổ với quân số trội hơn quân đội nhà Trần nên phía ta phải rút bỏ vị trí phòng thủ. Thừa thắng quân Nguyên tiến tới sông Lô (hay Lư-Giang theo An-Nam Chí-Lược) tại đây chúng đã đụng độ với quân đội của Đức Hoàng Đế Trần, một cuộc giao tranh đã diễn ra không kém phần ác liệt, cuối cùng để bảo vệ lực lượng, cũng như thi hành kế hoạch rút lui, phòng thủ chiến lược như trước kia, nên quân ta rút đi nơi khác.
Khi quân Nguyên phát động chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ ba, thì bọn phản thần Trần Ích Tắc, Lê Tắc vẫn còn ở tại huyện Tư-Minh (thuộc tỉnh Quảng Tây). Lúc biết được tin tức chiến trường có nhiều thuận lợi cho quân Mông-cổ nên chúng mới bắt đầu lên đường xâm nhập vào nước ta. Chỉ huy cánh quân này có Tỉnh-Đô-Sự Hầu-Sư-Đạt, Vạn-Hộ-Hầu (An-Nam Chí-Lược không ghi rõ tên) và Tiên-Thiên-Hộ cùng với 5000 quân gom góp được từ đạo quân Nam xâm. Chúng băng qua biên giới ta, tấn công vào ải Nội-Bàng vào ngày 28 tháng 12, năm Đinh Hợi (1287). Tại đây trận chiến đã diễn ra thật khốc liệt kéo dài cả ngày lẫn đêm. Với quyết tâm chiến đấu, quân đội nhà Trần đã đánh bại đám người này khiến chúng phải rút chạy. Chỉ huy của họ là Hầu-Đô-Sự tử trận, quân ta suýt bắt được đám phản thần này. Nhờ thông thuộc địa hình nên Lê Tắc đã dẫn các Tướng Nguyên là Vạn-Hộ, Thiên-Hộ và con của Trần Ích Tắc là Trần Dục cùng đám tùy tùng là Nguyễn Lãnh, Phú-Phán Lê Án phải mở đường máu mới vượt thoát được vòng vây của quân ta.
Sự kiện quân đội Đại Việt đánh bật đám giặc phản này đã là tiêu tan mưu đồ chánh trị bất chánh của Hốt-Tất-Liệt muốn khống trị nước ta bằng những tay sai bù nhìn bản xứ. Nó còn mang ý nghĩa khác mặc dù đám người này đã cùng với đạo quân xâm lăng khổng lồ kéo vào đánh nước ta với hy vọng muốn đoạt ngôi vua cho Ích Tắc, nhưng vì không có chính nghĩa, nên chúng đã rước lấy thất bại chua cay trước tinh thần chiến đấu sáng ngời của quân dân Đại Việt.
Ngày 29 tháng 12 năm 1287, Thoát Hoan qua sông Lô tiến vế hướng Tây, Ô Mã Nhi và A Bát Xích đi theo hướng đông, qua sông Phú-Lương, tấn công ải Hàm Tử và thẳng tới kinh thành Thăng Long. Quân ta chận địch nhưng không thành công, phải rút khỏi vị trí phòng thủ. Đức vua Trần Nhân Tông phải rước Thượng hoàng Thánh Tông lui về phương Nam đến đồn Hán Nam (An-Nam Chí-Lược gọi là ải Hải-Thị) lập cứ điểm phòng thủ mới. Sau đó, theo Cương Mục Chính Biên Quyển V- «…rồi lại dùng chu-sư đi theo ra đường biển để tránh nạn. Quân nhà Nguyên đuổi theo không kịp». Nghĩa là sau khi tới Hán Nam cánh quân của Ô Mã Nhi vẫn tiếp tục rượt theo quân ta và khi ải Hán Nam thất thủ hai vua phải xử dụng thuyền của hải quân đi theo đường biển để thoát nạn. Cuộc rượt đuổi khá gay go, nhưng quân Nguyên vẫn không đuổi bắt kịp hai vua của ta.
Thừa thắng, theo Toàn Thư Bản Kỷ Quyển V thì «ngày 30, thái tử Nguyên A Thai cùng Ô Mã Nhi họp 30 vạn quân đánh vào Vạn Kiếp rồi thuận dòng xuôi về phía đông. Người các hương Ba Điểm, Bàng Hà đều hàng chúng». Về chi tiết giặc Mông-cổ đánh vào Vạn-Kiếp các quyển sử khác như Cương Mục, Việt Sử Tiêu Án, An Nam Chí Lược đều ghi nhưng không nói là bao nhiêu quân tấn công vào. Tại đây theo Toàn Thư cho biết Thoát Hoan đã huy động 30 vạn quân để tấn công vào cứ điểm này của quân ta. Tuy nhiên theo thống kê tổng số quân Nguyên xâm nhập Đại Việt lần này được trình bày ở trên vào khoảng 20 vạn, Toàn Thư ghi là 30 vạn. Tổng số quân Mông-cổ đem vào nước ta là 50 vạn người. Với số lượng quân số khổng lồ tấn công vào Vạn Kiếp, do chúng đánh giá đây là một căn cứ quan trọng của ta ở miền Bắc cần phải triệt hạ. Và có thể vì số quân Mông-cổ hiện diện quá đông trong vùng khiến cho một số người ở những nơi lân cận hoang mang mất tinh thần và đưa tới sự kiện các hương Ba Điểm, Bàng Hà đầu hàng quân thù, mặc dù nghiêm lịnh không đầu hàng kẻ thù vẫn còn hiệu lực kể từ trận chiến lần trước.
Cùng lúc ấy quân Nguyên tấn công bến Vân Đồn, Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư được Hưng Đạo Vương trao phó trách nhiệm phòng thủ miền biển (ông chịu trách nhiệm vùng biển, nhưng không chận được hải quân giặc khiến chúng qua được ải An Bang tiến về Vạn-Kiếp. Vân Đồn nay tức Vân Hải, Quảng Ninh) đã chỉ huy quân ta chống giặc. Tuy nhiên vì thế giặc quá mạnh đã xuyên thủng phòng tuyến quân trấn thủ, khiến Thượng hoàng Thánh Tông sai trung sứ bắt Nhân Huệ Vương đem về triều đình xử tội. Khi trung sứ tới ông nói rằng: «Lấy quân pháp mà xử tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn» -Toàn Thư Bản Kỷ Quyển V. Ở đây cho chúng ta thấy ý niệm dân chủ đã được thể hiện trong một thể chế quân chủ qua quyết định của Nhân Huệ Vương không chịu theo lịnh vua về chầu mà xin khất lại vài ba ngày tìm cách đoái công chuộc tội. Thông thường trong chế độ quân chủ thì «quân xử thần tử thần bất tử bất trung». Nghĩa là vua bắt bầy tôi chết thì bầy tôi phải chết nếu trái lịnh tức là không trung thành với vua. Mệnh lệnh triệu hồi về triều của Thượng hoàng Thánh Tông với Nhân Huệ Vương về việc ông đã đánh thua kẻ thù, Trần Khánh Dư đã hành xử thẩm quyền của một vị tướng mặt trận là ưu tiên giải quyết chiến trường trước sau đó mới là thi hành lịnh vua khi ông đề nghị với vị trung sứ sẽ về phụng lịnh sau khi đánh bại quân thù. Vị trung sứ này là người hiểu biết lý lẽ đã chấp thuận lời yêu cầu đó, tiếc là trong các quyển Sử của ta đã không ghi lại danh tánh của vị này. Đọc tới đây ta chợt nhớ câu chuyện của tướng Tống Nhạc Phi bị gian thần Tần Cối giả lịnh vua dùng 12 kim bài triệu ông ta về triều trong lúc ông đang giữa mặt trận điều khiển quân lính chống lại sự xâm lăng của quân Kim. Đầu tiên ông cưỡng lịnh, nhưng sau đó đành phải về triều…để chịu chết vì gian thần hãm hại chứ không phải vì nước. Người viết nêu lên trường hợp này để người Việt chúng ta có thể so sánh cái dũng và cái trí giữa hai vị danh tướng Đại Việt và Đại Tống. Nhiều người thường nhắc tới truyện Tàu hay đề cao đến Tướng Nhạc Phi, mà quên một điều là Đại Việt chúng ta có Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư mà tài ba và trí tuệ còn hơn hẳn vị tướng người Tống này.
Trở lại trận chiến Vân Đồn, quả tình nếu không có vị trung sứ của triều đình chấp thuận thời hạn ba ngày cho Trần Khánh Dư đoái công chuộc tội thì ta sẽ không có chiến thắng Vân Đồn tiếp sau đây:
Toàn Thư-Bản Kỷ-Quyển V ghi: «Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu, thuyền vận tải đến, (Khánh Dư) đánh bại chúng bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Lập tức, sai chạy ngựa mang thư về báo. Thượng hoàng tha cho tội trước không hỏi đến và nói: chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay ta đã bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng? Bèn tha những tên bị bắt về doanh trại Nguyên để báo tin. Quân Nguyên quả nhiên rút lui. Cho nên năm này, vết thương không thảm như năm trước, Khánh Dư có phần công lao trong đó».
Theo Cương Mục và Việt Sử Tiêu Án có một vài chi tiết hơi khác với Toàn Thư về trận Vân Đồn. Việt Sử Tiêu Án ghi: «Ô Mã Nhi đưa thủy quân ra cửa biển Đại Bàng đón thuyền Văn Hổ, nhưng không gặp, Khánh Dư đến đánh không lợi». Cương Mục chép với nội dung tương tự không khác. Nhưng Toàn Thư lại ghi: «Khi ấy, thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn…Khánh Dư đánh thất lợi».
Như vậy Cương Mục và VSTA trình bày sự chủ động tấn công địch của Trần Khánh Dư khi Ô Mã Nhi ra biển đón đoàn thuyền vận tải lương thực của Trương Văn Hổ. Nhưng đoàn thuyền này vì chở nặng nên di chuyển chậm chạp không đến đúng hẹn. Ngay lúc đó, Trần Khánh Dư đem quân tập kích đám quân của Ô Mã Nhi nhưng không thắng được hơn nữa bọn chúng gần địa phận của ông canh giữ nên ông không thể ngồi yên mà không có phản ứng. Khi nghe tin thua trận Thượng hoàng triệu ông về hỏi tội. Ông đã xử dụng quyền «Tướng tại trận tiền, bất tuân quân lịnh» để yêu cầu hoãn hình phạt trong vài ba ngày chờ ông đánh thắng giặc lập công chuộc tội. Với kinh nghiệm thủy chiến, ông đoán biết đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi đi trước, thế nào cũng sẽ có đoàn vận tải quân lương theo sau, nên đã thu thập binh lính còn sót lại chuẩn bị đánh trận quyết định. Quả nhiên như ông dự đoán, đoàn thuyền của Văn Hổ chuyên chở khoảng 17 vạn hộc lương cùng quân nhu quân cụ đi tới và ông đã ra lịnh tấn công đoàn tàu này. Ta đã bắt trọn đoàn thuyền này tịch thu vô số lương thực, khí giới của giặc, cùng không biết bao nhiêu tù binh Mông-cổ. Trương Văn Hổ cố gắng lết về đất liền, nhưng lại bị quân ta đuổi đánh ráo riết đến cửa Lục (Hòn Gai, Quảng Bình) thì bị tiêu diệt hoàn toàn. Riêng Trương Văn Hổ trốn thoát bằng thuyền nhỏ chạy về Quỳnh Câu.
Ngay lập tức ông cho người báo tin chiến thắng về Thượng hoàng Thánh Tông. Thượng hoàng rất hài lòng khi nhận được tin này đồng thời ngài không để lở cơ hội khai thác thành quả chiến thắng thành đòn cân não đối với kẻ thù. Ngài còn ra lịnh thả những tên lính Nguyên bị bắt trở về doanh trại Mông-cổ báo tin lương thảo khí giới bị mất. Quả nhiên khi được tin này hầu hết binh lính giặc đều không muốn chiến đấu chỉ mong rút về nước mà thôi. Thật là tuyệt diệu. Chỉ một mưu kế nhỏ của Thượng hoàng Thánh Tông mà ta đã phá tan được hàng vạn binh lính giặc đồng thời tiết kiệm rất nhiều xương máu cho dân chúng và binh sĩ so với trận chiến cách đây hai năm trước.
Việt Sử Tiêu Án ghi lại ý nghĩa của chiến thắng Vân Đồn này như sau: «Việc đánh lui được giặc trong đời Trùng Hưng, ai cũng khen nhiều về trận thắng ở sông Bạch Đằng của Hưng Đạo, nhưng không bằng trận thắng ở Vân Đồn của Khánh Dư, là trương bản của các trận thắng khác đó».
Việt Sử Tiêu Án đã đánh giá đứng đắng về tầm vóc của chiến thắng Vân Đồn của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Quả tình không có chiến thắng Vân Đồn khi Trần Khánh Dư can đảm quyết tâm rửa nhục bại trận trước đó bằng cách bám lấy chiến trường, gom góp binh lính, mai phục kỹ càng để đánh một trận quyết liệt với kẻ thù. Cao thiên bất phụ hảo nhơn tâm, quân ta tạo được chiến thắng lẫy lừng đánh tan đoàn thuyền của Trương Văn Hổ; chưa hết Thượng hoàng Thánh Tông đã khai thác thành đòn chiến tranh tâm lý đánh vào cái tâm của người cầm vũ khí xâm lăng. Đòn công tâm đó mang lại một kết quả đúng như dự liệu khi ngài nói: «chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng?»-Toàn Thư Bản Kỷ Quyển V-. Quân Mông-cổ xem như đã thua ngay từ trận Vân Đồn này và trận này là nền tảng cho các chiến thắng khác như Vạn Kiếp, Chi Lăng và Bạch Đằng.
Sự việc lương thảo bị mất đã gây hoang mang rõ rệt trong hàng ngũ kẻ thù và được ghi nhận như sau:
Toàn Thư Bản Kỷ Quyển V ghi: «Mậu Tý (Trùng Hưng năm thứ 4 (1288) (Nguyên chí Nguyên năm thứ 25). Mùa Xuân, tháng giêng. Ô Mã Nhi đánh vào phủ Long Hưng…Ngày mồng 8, quan quân hội chiến ngoài biển Đại Bàng, bắt được 300 thuyền giặc, 10 thủ cấp giặc, quân Nguyên bị chết đuối rất nhiều…Tháng 2 ngày 29, Ô Mã Nhi đánh vào trại Yên Hưng».
Cương Mục Chính Biên Quyển VII: «Tháng 2 quân Nguyên xâm phạm đến trại An-Hưng…Ô Mã Nhi đợi mãi không thấy thuyền lương của Văn Hổ đến, bèn đánh phá trại An Hưng, rồi lại đem quân về Vạn Kiếp, chia ra đóng giữ các núi Chí Linh và Phả Lại để làm cố thủ».
Việt Sử Tiêu Án: «Thoát Hoan chiếm thành Thăng Long…ngày đêm mong đợi thuyền lương của Văn Hổ…quân tuyệt lương đói…sai A Bát Xích đi cướp lương thực của làng xóm lân cận.. tướng sĩ cấp dưới nhốn nháo kêu rằng: «không còn kho tàng nào có thể làm lương thực được, không gì bằng kéo quân về là hơn…Thoát Hoan…quyết ý kéo quân về».
Sau khi chiếm được cứ điểm Vạn Kiếp của ta, Ô Mã Nhi dẫn quân xuôi theo dòng sông về phía Đông. Mùa xuân tháng giêng năm Mậu Tý (1288), chúng đánh vào phủ Long Hưng. Phủ Long Hưng theo Toàn Thư ghi là đất huyện Tiên Hưng cũ, nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nơi này tôn trí lăng mộ của dòng họ nhà Trần. Khi chúng tấn công vào đây Ô Mã Nhi ra lịnh cho binh sĩ khai quật lăng mộ của vua Trần Thái Tông để trả thù cho lần thất bại trước.
Hơn một tuần sau, quân Nguyên đợi hoài không thấy đoàn thuyền chở lương thực của Trương Văn Hổ nên Ô Mã Nhi đã nóng lòng kéo quân đi đón một lần nữa và ngày 8 tháng giêng năm Mậu Tý (1288). Chúng đã giao chiến với quân ta ngoài cửa biển Đại Bàng. Ta áp đảo được kẻ thù, tịch thu được 300 chiến thuyền, chém đầu hơn 10 tên giặc, ngoài ra một số lớn quân Nguyên khác bị chết đuối rất nhiều.
Khi thấy không đón được thuyền lương của Văn Hổ, ngày 29 tháng 2 chúng rút lui về Vạn Kiếp và trên đường về đã tấn công vào trại Yên Hưng (Cương Mục gọi là An Hưng). Tại trại này ở vùng huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Ngoài ra chúng còn cướp phá một số nơi khác thuộc An Bang (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Ô Mã Nhi sau khi kéo về Vạn Kiếp, chúng chia quân ra phòng thủ các điểm cao như các núi Chí Linh và Phã Lại.
Về phần Thoát Hoa sau khi chiếm được Thăng Long, nhưng cũng như lần trước hắn không dám lấy đó làm đại bản doanh, mà vẫn xử dụng căn cứ Vạn Kiếp như là một tổng hành dinh điều khiển mọi hoạt động xâm lược nước ta. Hắn đang nóng lòng mong đợi thuyền lương tiếp viện từ bên Tàu sang, nhưng cũng như Ô Mã Nhi đợi hoài không thấy lương đâu mà quân lính thì bị thiếu hụt lương thực không thể tiếp tục tiến quân về miền Nam như lần trước được, vả lại về phần chiến lược, chúng đã thiếu hẳn cánh quân phía Nam để mở thế gọng kềm vây hãm quân ta. Để bổ túc cho sự khiếm khuyết này, quân Nguyên đã gia tăng rất nhiều binh lính và chiến thuyền trên mặt biển, nhưng cũng không tạo được nhiều thuận lợi. Khi rút về cố thủ Vạn Kiếp hắn sai A Bát Xích dẫn quân đi cướp lương thực của dân ta trong những thôn xóm lân cận. Chúng lấy được 4 vạn gạo (VSTA) dự định đem đi chia cho binh lính ăn đỡ đói, hy vọng cầm cự thêm lúc nào hay lúc ấy để chờ lương thực tiếp tế. Nhưng trong binh sĩ đã vang lên tiếng nói bất bình «Không còn kho tàng, nào có thể làm lương thực được». Qua đó ta đã thấy cuộc cờ đã nghiêng về phe nào rồi.
Cũng trong tháng 2, để gia tăng áp lực lên trên kẻ thù, Đức Hoàng đế Trần một mặt nhờ Hưng Ninh Vương Trần Tung nhiều lần tới trại Mông-cổ xin đầu hàng, cố ý làm lơi sự cảnh giác cũng như gia tăng lòng kêu ngạo của chúng; song song đức ngài ra lịnh cho các toán cảm tử quân ban đêm đột kích vào doanh trại của quân thù, mục đích tạo sự hoang mang rối loạn trong hàng ngũ khiến chúng không biết phương hướng chống đỡ. Trúng kế khích tướng của Đức Hoàng đế Trần, Thoát Hoan nổi cơn thịnh nộ đòi thiêu rụi thành Thăng Long. Các cận tướng của hắn đã tích cực ngăn cản và đề nghị nên rút quân.
Bàn về kế hoạch rút quân thì Thần-Nỗ-Tổng-Quản Giả-Nhược-Ngu đề nghị «nên đem quân về, không nên ở lại giữ». Các tướng Mông-cổ chỉ huy các cánh quân đường bộ và đường thủy đề nghị phá hủy thuyền bè vì hai lần đoàn thuyền vận tải lương thực bị đánh chìm và rút quân bằng đường bộ thì hay hơn. Thoát Hoan là tay rất cứng đầu nhưng đứng trước tình thế tuyệt vọng này, hắn không còn cách nào khác hơn là phải công nhận «Xứ đất nóng nực, ẩm ướt lương phạn thiếu, quân lính mỏi mệt». Sau hội nghị quân sự quan trọng này được tổ chức ở Vạn Kiếp đã quy tụ hầu hết tướng lãnh chỉ huy trong đoàn quân xâm lăng của giặc, Thoát Hoan đã đưa ra một quyết định quan trọng về việc triệt thoái đạo quân của chúng về nước. Triệt thoái như thế nào đây mới là điều đáng phải nói, và dĩ nhiên quân ta sẽ không để yên cho chúng ra đi một cách dễ dàng như chúng muốn được.
Cương Mục, Toàn Thư, Việt Sử Tiêu Án ghi về cuộc rút lui của quân Nguyên như sau: «Tháng 3, ngày mồng 8, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ nhưng không gặp. Hưng Đạo Vương đánh bại chúng. Trước kia, Quốc Tuấn lấy cớ An Bang (nay là tỉnh Quảng Bình) là con đường mà quân Nguyên về đất Bắc tất phải đi qua, sai cắm gỗ sẳn ở lòng sông Bạch Đằng che cỏ lên trên, để chờ quân giặc. Đến khi quân giặc của Ô Mã Nhi kéo về, Quốc Tuấn thừa lúc thủy triều lên, ra khiêu chiến, giả thua chạy, quân giặc đuổi theo, mực nước xuống thấp, thuyền mắc vào cây, Nguyễn Khoái lãnh đạo quân Thánh Dực giao chiến, lại gặp được đại quân của nhà Vua đến theo, tung ra đánh mạnh, đại phá được quân giặc, nước triều lui rất gấp, thuyền của giặc đều vướng vào cọc gỗ, lật úp cả, chết đuối vô kể, nước sông đỏ ngầu bắt được Ô Mã Nhi dâng lên Thượng hoàng, khi dẫn ý lên thuyền ngự, rót rượu cho uống. Bằng Phi đi đường bộ, hộ vệ Thoát Hoan trốn về, quan quân ta đã chặn đón trước ở ải Nội-Bàng. Người Nguyên tự đắc, không thoát được, vừa đánh vừa chạy, quân ta đứng trên cao dùng nỏ bắn xuống; tướng sĩ Nguyên ngã như rạ, Thoát Hoa chỉ một thân một mình đi đường tắt Đan Ba trốn về».
Mục Lục:
Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285
Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa
Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược
Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn
Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến
Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288
Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ
Vua Trần-nhân-Tông @ Thư Viện Bồ Đề Trúc-Lâm Yên-Tử
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử