lịch sử việt nam
Lịch-Sử Đức Vua Trần-Nhân-Tông
-Tinh-anh và tổng-lực của tộc Việt-
Mục Lục:
Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285
Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa
Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược
Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn
Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến
Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288
Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ
Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo
(Quốc Lịch 4882, Phật Lịch 2547, ngày 16 tháng tư năm Quý Mùi tức 16/05/2003 dương lịch)
Chương Một
Hành trạng
Theo Thánh Đăng Thực Lục, Đức vua Trần Nhân Tông được Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng Sĩ truyền cho giáo chỉ. Trúc Lâm Đại Sĩ tức là con vua thứ nhà Trần, con lớn vua Trần Thánh Tông. Tôn danh của ngài là Khâm, đản sanh ngày 11 tháng 11 năm Mậu ngọ (1258), niên hiệu Nguyên Phong thứ 8 (1258). Năm Mậu Dần (1278) tháng 2, ngày 12 lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Thiệu Bảo. Trước kia Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu thường mộng thấy thần nhân cho một đôi kiếm, nói: «Thượng đế có sắc phong cho nhà người tự ý chọn lấy». Hoàng hậu vô tình mất vui. Ngẫu nhiên được thanh đoản kiếm, từ đấy mà có mang thai. Những tháng nuôi thai không kiêng kỵ, nhà bếp đưa lên chi ăn uống mà thai không bị tổn thương. Hoàng hậu biết là có phúc như thế vậy. Khi đản sanh, ngài có được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai vị hoàng phi đều cho là lạ, gọi là “Kim tiền đồng tử” (sách Tam Tổ Thực Lục ghi Kim Phật). Vai bên trái có một chấm đen như hạt đỗ lớn, cho nên có thể gánh vác việc non sông.
Năm lên 16 tuổi được lập làm thái tử. Nhân Tông cố từ chối đến ba lần, xin để cho em thay thế. Lời xin không được chấp thuận, vua cha (Thánh Tông) chọn trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc Mẫu kết hôn cho, tức là Khâm Từ Thái Hậu. Cầm sắt tuy hài hòa mà trong lòng vua Nhân Tông thấy lạt lẽo. Một đêm vào giờ Tý, ngài bèn vượt thành mà đi, định vào núi Yên Tử. Đi đến chùa Tháp núi Đông Cưu, trời rạng sáng, mệt quá, vào nghĩ trong tháp. Vị thầy trụ trì thấy diện mạo khác thường, mời thụ trai. Hôm ấy Thái hậu tâu lên vua cha Thánh Tông, vua bèn sai quần thần chạy tìm bốn phương. Vua Nhân Tông bất đắc dĩ phải trở về. Năm 21 tuổi, được thượng hoàng truyền ngôi và lấy niên hiệu là Thiệu Bảo Nguyên Niên cũng gọi là Trùng Hưng (1279). Tuy vinh hoa cùng tột, nhưng vua vẫn sống trong thanh tịnh, ban ngày cùng triều thần bàn việc nước trong hoàng cung, đêm về nghĩ chùa Tư Phúc ở nội thành. Ban ngày mộng thấy ở trên rốn nở hoa sen vàng lớn như bánh xe, trên hoa hiện vị Phật vàng, bên cạnh có người chỉ vào vua mà bảo: «Có biết vị Phật này không? Đấy là vị Phật chí tôn chiếu khắp!». Giật mình tỉnh dậy, đem mộng bẩm lên, vua cha Thánh Tông càng lấy làm lạ. Từ đấy nhà vua thường ăn chay lạt không dùng món ăn mặn, người xanh gầy gầy yếu. Thánh Tông lấy làm lạ hỏi, vua nói lý do. Thánh Tông khóc mà bảo rằng: «ta nay đã già yếu, cậy vào có một mình con, nếu con như thế này thì sự nghiệp của tổ tông còn ra sao?». Vua Nhân Tông cũng khóc. Niên hiệu Trùng Hưng thứ 9 (1293) vua truyền ngôi cho con là thái tử Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) rồi về ở Thiên Trường làm thái thượng hoàng 6 năm.
Niên hiệu Hưng Long thứ 3 (1295) thượng hoàng Nhân Tông dời đến ở hành cung Vũ Lâm, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ðây là năm đầu tiên ngài khởi sự làm một tịnh hạnh nhơn (tập sự xuất gia), thượng hoàng có làm bài thơ:
Vũ Lâm Thu Vãn
Hoa kiều đảo ảnh trám khê hành
Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh
Tịch tịch thiên sơn, hồng diệp lạc,
Thấp vân hòa lộ tống chung thanh
Cuối Thu Ở Hành Cung Vũ Lâm
Con khe dìn ngược bóng cầu
Hắt lên một vết sáng màu tà dương.
Núi non lặn trút lá hường
Móc dầm mây ướt đưa đường tiếng chuông.
-Bản dịch Giản Chi-
Ngài chỉ ở hành cung Vũ Lâm trong thời gian ngắn, rồi lại trở về quê ở Thiên Trường (Nam Ðịnh), mở Vô Lượng Pháp Hội tại chùa Phổ Minh bố thí tiền của, vải vóc, đồ ăn và trợ cấp cho những nơi mất mùa nghèo đói.
Trúc-Lâm Đại-Sỹ xuất sơn chi đồ (nguồn hình BBC)
Niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299), cho dựng thảo am ở ngọn Tử Tiêu, núi Yên Tử, lấy pháp danh là Hương Vân Ðại Ðầu Ðà, hiệu là Ðại Hương Hải Ấn Thiền Sư, và cho lập chùa Long Ðộng (ở bên núi) để độ tăng và thuyết giảng chánh pháp. Số người theo học đông đảo lên tới hàng ngàn học chúng từ các nơi tụ về. Vua Trần Anh Tông thấy ngài tu khổ hạnh, trèo đèo leo núi vất vả thường kiếm cớ ngăn trở, nhưng ngài cương quyết khước từ.
Cũng trong năm 1299, vua Anh Tông sắc cho ấn hành quyển Phật Giáo Pháp Sự Ðạo Tràng Công Văn Nghi Thức để phổ biến trong khắp nước đánh dấu ngày thượng hoàng Nhân Tông xuất gia đầu Phật.
Niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) lấy đạo hiệu là Trúc Lâm Ðầu Ðà Ðiều Ngự Giác Hoàng rồi cùng đệ tử là tôn giả Pháp Loa và mười người đệ tử đi về khắp nẻo làng quê giảng pháp, hướng dẫn dân chúng làm lành lánh dữ tu theo mười điều thiện cũng như phá bỏ các nơi thờ cúng mê tín dị đoan (sách sử gọi là dâm từ). Sau đó Giác Hoàng trở về chùa Từ Nghiêm ở Linh Sơn mở khóa dạy thiền.
Cuối năm 1304, vua Anh Tông cung thỉnh Giác Hoàng về kinh thành Thăng Long để thọ giới Bồ Tát tại gia. Năm 1306, ngài vào tu trong am Ngọc Vân, lấy pháp hiệu là Trúc Lâm Ðại Sĩ. Niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), ngày 1 tháng giêng năm Mậu Thân, Giác Hoàng chính thức ủy thác tôn giả Pháp Loa đảm nhiệm phần vụ trụ trì chùa Báo Ân ở Siêu Loại (Bắc Ninh). Tháng 4 đích thân tới chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang (Bắc Giang) chủ trì giảng Truyền Ðăng Lục, quốc sư Ðạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho chư tăng kiết hạ tại đây.
Sau ngày lễ Giải Hạ, kết thúc ba tháng thúc liễm thân tâm trau dồi giới đức, ngài trở lại núi Yên Tử, không giữ lại các vị tịnh hạnh nhơn (người mới xuất gia), chỉ để lại mười vị thị giả theo lên trên am Tử Tiêu và giảng Truyền Ðăng Lục riêng cho tôn giả Pháp Loa. Ngài còn đi thăm khắp các hang động, khi quá mệt, vào trong Thạch Thất nghỉ chân. Pháp Loa tôn giả bạch rằng: “Tôn Ðức xuân thu đã cao, mà xông pha mưa nắng lỡ có mệnh hệ gì thì mạng mạch chánh pháp biết nương tựa vào đâu?”.
Giác Hoàng đáp: “Thời tiết đã đến rồi, ta chỉ chờ ngày thị tịch mà thôi“.
Mùng 5 tháng 10, có gia đồng của công chúa Thiên Thụy (người chị ruột của ngài) đến tâu rằng: “công chúa bị bịnh nặng, chỉ mong được diện kiến Tôn Ðức trước khi lìa trần”.
Ngài ngậm ngùi than:
“Thời tiết đã tới rồi!“.
Khi tới thăm người chị là Thiên Thụy công chúa, ngài bảo rằng: “Nếu chị đã đến ngày giờ thì cứ đi, âm binh có hỏi thì trả lời rằng: “Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm Ðại Sĩ sẽ tới ngay“. Thăm chị xong, ngày rằm về núi nghĩ đêm ở chùa Siêu Loại. Sáng hôm sau khi đi ngang chùa làng Cổ Châu, ngài cảm đề bài thơ:
“Thế số nhất tức mặc,
Thời tình lưỡng hải ngân.
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thăng xuân».
Nghĩa
Mạng người một hơi thở
Thói đời buồn hai mắt
Cung ma lắm ưu phiền
Nước Phật còn vui hơn
Ngài thị tịch vào mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), trụ thế 51 năm (công chúa Thiên Thụy cũng từ trần cùng một ngày) Tôn giả Pháp Loa rước pháp thể của Giác Hoàng lên dàn thiêu. Tương truyền: « khi đó có hương thơm tỏa ra và nghe thấy những tiếng nhạc ở trên trời, mây ngũ sắc tụ lại thành hình cái tàn để che nơi hỏa thiêu Giác Hoàng Trần-Nhân-Tông». Tôn giả Pháp-Loa thu nhặt ngọc cốt: ngoài xương (ngọc cốt) còn thấy những xá lợi ngũ sắc. Tam Tổ Thực Lục ghi là sau khi hỏa thiêu có thu thập được 3000 xá lợi. Nhưng trong Tam Tổ Hành Trạng ghi là có hơn 1000 xá lợi. Sau khi đó vua Trần Anh Tông và triều đình đến núi Yên Tử để thọ tang đồng thời cũng đem long giá rước ngọc cốt về Ðức Lăng và xây tháp thờ ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, lấy tên là Huệ Quang Kim Tháp và dâng tôn hiệu là Ðại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Ðầu Ðà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Ðiều Ngự Tổ Phật. Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục ghi thụy hiệu của ngài là Pháp Thiên Sùng Ðạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Huệ Thánh Văn Thần Vũ Nguyên Minh Huệ Hiếu Hoàng Ðế.
Ðại Việt Sử Lược ghi các niên biểu về thời kỳ trị vì của Ðức vua Trần Nhân Tông như sau:
- Niên hiệu : Thiệu Bảo (1279-1284 ND), gồm 6 năm.
- Năm Thiệu Bảo thứ nhất là năm Kỹ Mão (T.L. 1279-ND).
- Trùng Hưng (1285-1292 ND) gồm 8 năm.
- Năm Trùng Hưng thứ nhất là năm Ất Dậu (T.L.năm 1285-ND).
Ông Louis BEZACHER viết trong Le Stupa du Phổ Minh Tự, nghiên cứu những tài liệu Tam Tổ Thực Lục, Tam Tổ Hành Trạng, Trúc Lâm Tông Chỉ, Nam Ông Mộng Lục và Tam Tổ Hành Trạng thì lễ táng của vua Trần Nhân Tông được tổ chức tại Hà Nội. Nhưng theo Nam Ông Mộng Lục thì lễ hỏa táng của ngài được tổ chức ở gần am Ngọa Vân.
«Trong lễ tang có hoàng tử Oanh (cũng gọi là Mạnh), lên 9 tuổi, đứng gần vua Anh Tông. Nam Ông Mộng Lục chép là xá lợi của Thượng hoàng Nhân Tông đã bay đến ẩn trong áo của một hoàng tử con Trần Anh Tông và chiếu sáng lên. Vua Anh Tông quỳ lạy xin tuân lịnh, sau khi đó thì ánh sáng xá lợi biến đi. Vua Anh Tông đã chọn vị hoàng tử đó làm đông cung thái tử. Tam Tổ Thực Lục cũng kể sự việc này và có ghi là vua Trần Anh Tông đã khóc và không còn nghi ngờ các xá lợi. Vua Anh Tông truyền để ngọc cốt trong bảo tháp xây trên lăng của Thượng hoàng Nhân Tông và những xá lợi chia làm hai phần đựng trong bình đựng di cốt. Sau lễ tang, ngọc cốt được đem chôn ở Ðức Lăng, một phần xá lợi đặt ở tháp trong lăng (nhưng đặt ở kim tháp trong chùa Vân Yên trên núi Yên Tử)».
Các tài liệu vừa kể đều không ghi ngày tháng cử hàng lễ táng Thượng hoàng Nhân Tông, nhưng trong tập 4 của Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, có ghi tháng 9 âm lịch mùa thu năm 1310, an táng linh cữu Nhân Tông ở Ðức Lăng, phủ Long Hưng, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Như vậy theo KÐVSTGCM thì thượng hoàng Nhân Tông mất ở chùa trên núi Yên Tử vào tháng 11 âm lịch năm Mậu Thân (1308) và mãi tới tháng 9 âm lịch năm Canh Tuất (1310) mới làm lễ an táng linh cữu ở Ðức Lăng. Như vậy linh cữu ngài được quàn khoảng hai mươi hai tháng mới an táng (gần hai năm).
Tam Tổ Thực Lục chỉ ghi có nơi chôn ngọc cốt và xá lợi Thượng hoàng Trần Nhân Tông là tháp Ðức Lăng và tháp ở chùa Vân Yên, mà không nói phần xá lợi thứ hai được để ở đâu. Louis BEZACHER cho rằng phần xá lợi này phải để ở tháp xây ở chùa Phổ Minh, làng Tức Mặc, tỉnh Nam Ðịnh. Tháp chùa Phổ Minh xây năm 1310 theo lịnh của vua Trần Anh Tông (1293-1314) để chứa một phần tro xương của Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Cái tháp này có ý nghĩa đặc biệt ở chỗ kiến trúc cũng như việc phụng thờ xá lợi của một vị Tăng sĩ mà lúc còn sống từng là bậc hoàng đế. Và nó cũng là cái tháp duy nhất ở Việt Nam có hình thức như vậy.
Việt Sử Tiêu Án cho biết «Khi rước di hài vua Nhân Tông về táng ở Ðức Lăng, lúc tử cung (quan tài của vua gọi là tử cung) sắp đưa ra, người xem đóng chặt cả cung, phải dùng đến lính ngự lâm để mở lối đi cũng không được. Vua (Anh Tông) sai Trịnh Trọng Tử dẹp mở đường. Trọng Tử đến sân rồng gọi đạo quân Long Dực hát khúc long ngâm, dân chúng kéo đến đó xem; cung điện mới rộng chỗ đi được, lại lấy những câu hát ở dọc đường, phổ vào khúc hát, làm cho có tiếng hát liền mãi, không cần phải truyền bảo gì, mà khi đi lên, đi xuống, quanh chuyển, không có lo nghiêng lệch nữa. Người đời bấy giờ khen là có xảo tứ».
Xá lợi của vua Nhân Tông chia làm hai phần : một đưa về táng ở Ðức Lăng; một để ở tháp Yên Tử. Có thầy Trí Không ở chùa Siêu Loại là đốt tay cháy từ bàn tay đến cánh tay, cứ ngồi nghiễm nhiên, không đổi sắc mặt. Vua Anh Tông hỏi, thầy trả lời rằng : «Thần đốt đèn đó». Lửa tắt, thầy về tăng viện ngủ kỹ, đến khi thức dậy chỗ phỏng lên đều khỏi cả. Ðến lúc xá lợi vua Nhân Tông đưa để ở bảo tháp, thầy liền lên núi hầu hạ».
Những tác phẩm văn hóa do ngài Giác Hoàng Ðiều Ngự sáng tác gồm :
Chữ Hán :
- Tăng Già Toái Sự.
- Thạch Thất Mị Ngữ.
- Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục.
- Trúc Lâm Hậu Lục.
- Ðại Hương Hải Ấn Thi Tập.
Chữ Việt (Nôm)
- Cư Trần Lạc Ðạo Phú.
- Ðắc Thú Lâm Tuyền Thành Ðạo Ca.
Thời gian ở ngôi của Đức vua Trần Nhân Tông và những sự kiện chính yếu được ghi nhận như sau (1279-1293) :
- 1280 Ban hành quan xích (thước đo của nhà nước quy định với tinh thần thống nhất quốc gia).
- 1281 Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật được lịnh đi dẹp loạn Giốc Mật hạt Đà Giang. Nhật Duật một mình một ngựa đã chinh phục được lòng dân Mán.
- 1282 Hàn Thuyên khởi xướng ra thơ phú bằng quốc âm, với bài văn tế Cá Sấu, được vua ban cho tên họ của Hàn Dũ. Có tin cấp báo quân Nguyên sang xâm chiếm lần thứ hai. Nhà vua ở Bình Than nhóm họp các vương và bá quan hỏi kế công và thủ.
- 1283 Dùng Hưng Đạo Vương làm Quốc Công Tiết Chế thống lãnh các quân.
- 1284 Vời các bô lão nhóm họp ở điện Diên Hồng để hỏi ý kiến nên đánh hay hàng. Hưng Đạo Vương nhóm quân các lộ ở Vạn Kiếp.
- 1285 Binh của Thoát Hoan công hãm kinh thành. Quang Khải đóng ở Nghệ An, Bình Trọng bị quân Nguyên bắt và bị giết. Nhật Duật đánh bại quân Nguyên ở Hàm Tử Quan. Vua rước Thượng hoàng (Thánh Tông) tự làm tướng đánh quân Nguyên chém Toa Đô. Hưng Đạo Vương đánh bại quân Nguyên ở Vạn Kiếp. Vua rước Thượng hoàng về cung.
- 1286 Trả tù binh nhà Nguyên về xứ. Xuống chiếu cho tôn thất vương hầu mộ binh.
- 1287 Bọn Thoát Hoan của Nguyên sang trả thù. Quân Nguyên tiến vào kinh thành, vua rước Thượng hoàng đi Hà Nam.
- 1288 Tướng Nguyên Ô Mã Nhi tiến vào Long Hưng. Trần Khánh Dư đánh bại quân Nguyên ở Vân Đồn. Vua Nhân Tông và Hưng Đạo Vương cả phá quân Nguyên ở Bạch Đằng bắt sống Ô Mã Nhi. Thoát Hoan chạy trốn. Vua rước Thượng hoàng về cung.
- 1289 Trả tù binh nhà Nguyên về nước. Định công luận tội về trận đánh Nguyên.
- 1290 Vua tự làm tướng đánh Ai Lao. Thánh Tông băng hà (theo Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu của Nguyễn Bá Trác.
Mục Lục:
Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285
Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa
Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược
Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn
Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến
Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288
Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ
Vua Trần-nhân-Tông @ Thư Viện Bồ Đề Trúc-Lâm Yên-Tử
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử