lịch sử việt nam
Lịch-Sử Đức Vua Trần-Nhân-Tông
-Tinh-anh và tổng-lực của tộc Việt-
Mục Lục:
Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285
Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa
Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược
Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn
Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến
Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288
Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ
Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo
(Quốc Lịch 4882, Phật Lịch 2547, ngày 16 tháng tư năm Quý Mùi tức 16/05/2003 dương lịch)
Chương Năm
Trì Hoãn Chiến
Sau ngày Thăng Long thất thủ quân Nguyên tăng cường sự có mặt ở những vùng chúng vừa chiếm đóng. Vạn Hộ Lý Bang Hiến và Lưu Thế Anh được lịnh từ Tàu đem quân vào nước ta lập những chốt kiểm soát. 30 dặm một trại, trại đây tức là nơi trung chuyển tin tức từ vùng này sang vùng khác, nó cũng là nơi các bưu tín viên (theo danh từ của ta gọi là lính thú đời xưa) dừng chân nghĩ ngơi và thay ngựa chạy. 60 dặm đặt một trạm, trạm đây có thể là đồn binh. Cho dù trại hay trạm thì số lượng quân lính ít nhất 300 người tức gần bằng một tiểu đoàn bộ binh vào ngày nay. Như thế cho ta thấy sự kiểm soát này khá là chặt chẻ và đặt Lưu Thế Anh dựng đồn (có thể là cấp vùng) để đôn đốc việc xây dựng các trại, trạm (ở cấp địa phương là tỉnh hay huyện).
Một đạo quân khác của nhà Nguyên, do Nạp Tốc Lạt Đinh chỉ huy từ Vân Nam tiến sang, vừa đến Thu Vật (Yên-Bình, Yên-Bái) thì bị đoàn quân của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật giữ mặt Yên-Bái chận đánh, nhưng vẫn không cản nổi địch, nên phải lui quân về giữ mạn hạ lưu sông Hồng.
Và ở bãi Tha-Mạc là nơi diễn ra trận chiến đầu tiên sau khi kinh thành Thăng Long thất thủ do các tướng nhà Nguyên Hữu Thừa Khoan Triệt, Vạn Hộ Mông Cổ Đãi và Bột La Hợp Đát Nhi dẫn quân bằng đường bộ và Lý tả thừa dẫn Ô Mã Nhi Bạt Đô bằng đường sông truy đuổi quan quân nhà Trần.
Như trên đã ghi sau khi tấn chiếm được cứ điểm Tha-Mạc của ta, quân Nguyên tiếp tục tấn công vào cứ điểm Hải-Thị (An-Nam Chí-Lược). Về cứ điểm này theo Kinh Thế đại điển tự lục trong Nguyên văn loại 41 ghi «Đại quân đuổi Nhật Huyên ở sông A Lỗ và sông Đức-Cương». Như thế cho ta thấy Hải-Thị và A-Lỗ là cùng một nơi. Hải-Thị và A-Lỗ thuộc địa phận Hưng-Yên, Tha-Mạc cũng thuộc Hưng-Yên nằm trên lưu vực sông Hồng, nhưng ở phía Tây theo An-Nam Chí-Lược. Như vậy Tha-Mạc và Hải-Thị (hay A-Lỗ) ở gần nhau. Nghĩa là sau khi chiếm được Tha-Mạc chúng đã đánh tiếp là Hải-Thị.
Ngày 28 tháng giêng, Hưng Đạo Vương tâu với nhà vua xin cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải chận đánh cánh quân của Toa Đô ở Nghệ An (cánh quân này được lịnh từ Chiêm Thành, tiến chiếm các châu lộ phía Nam của ta, rồi Bắc tiến, phối hợp với đạo quân của Thoát Hoan làm thành thế gọng kềm tiêu diệt quân đội nhà Trần).
Ngày 1 tháng 2, con thứ của Tỉnh Quốc Đại Vương Quốc Khang là thượng vị Chương Hiến Trần Kiện (Trần Kiện vốn có hiềm khích với hoàng tử Đức Việp. Khi giặc Nguyên xâm lăng, Kiện được lịnh trấn giữ Thanh Hóa) và thuộc hạ thân tín là Lê Tắc (hay Trắc) ra đầu hàng quân Nguyên. Toa Đô sai quân lính đưa đám hàng binh này về Yên kinh (thủ phủ của nhà Nguyên). Dọc đường bị các vị tù trưởng ở Lạng Giang (tức Lạng Sơn ngày nay) là Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh tập kích trại Ma Lục (ở Chi Lăng thuộc châu Lạng Giang thời đó, nay là tỉnh Lạng Sơn). Vị tướng của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Địa Lô bắn tên giết được Trần Kiện. Lê Tắc phải đưa xác Kiện lên ngựa, chạy trốn trong đêm, được vài chục dặm tới Khâu Ôn và chôn tại đó.
Trong khi quân Nguyên chiếm ải Hải-Thị thì ở phương Nam có đại-vương Giảo-Kỳ, Hữu thừa Toa Đô, Tả thừa Đường Cổ Đới, Chính Hắc Đính theo chỉ thị của Thoát Hoan từ Chiêm Thành kéo quân vào phủ Bố Chính đánh vào phía sau quân đội ta do Thượng tướng Trần Quang Khải đóng giữ ở Nghệ An (tháng 12 năm 1282, Hốt-Tất-Liệt sai Toa Đô đem 100 ngàn quân tấn chiếm Chiêm Thành hầu làm gọng kềm nam bắc để ép nước ta phải đầu hàng chúng. Nhưng mọi dự tính đều bị đảo lộn trước sức đề kháng mãnh liệt của quân dân Chiêm Thành cùng với sự hỗ trợ của 20 ngàn quân tinh nhuệ do triều đình Đại Việt tiếp viện. Quân Toa Đô kéo tới bờ biển Quy Nhơn để chờ quân tiếp viện từ Tàu sang, nhưng một cơn bão lớn đã đánh tan đoàn thuyền 20 ngàn quân dự định cập bến Quy Nhơn. Không thể nào làm khác hơn, Toa Đô đành phải ém quân ở Quảng Trị, Thừa Thiên chờ đợi cơ hội khác khi Thoát Hoan dẫn quân nam hạ và hắn (Toa Đô) sẽ Bắc tiến để chận đánh triều đình nhà Trần) theo sự phối trí của Đức Hoàng Đế Trần để chận đường Bắc tiến của Toa Đô. Trước sự tấn công dữ dội quân của Trần Quang Khải không chịu nỗi áp lực nên vào ngày 2 tháng 2 Ất Dậu (1285) quân ta tan vỡ ở bến kinh Vệ-Bố (thuộc địa phận Thanh-Hóa) sau khi kỵ binh Mông-cổ lội qua được kinh. Trong trận này hai vị tướng của Đại Việt là Đinh-Xa và Nguyễn Tất Dũng đều vị quốc vong thân.
Ngày 3 tháng 2 năm Ất Dậu (1285) Thoát Hoan dẫn quân kịch chiến với quân nhà Trần do Đức vua Trần chỉ huy và trận đánh đã xảy ra tại sông Đại-Hoàng (khúc sông Cái thuộc huyện Nam-Xang tỉnh Hà-Nam). Sông Đại-Hoàng theo Cương Mục ghi là «Hoàng giang ở tại vùng Nam-Xương phủ Lý Nhân, trên tiếp với sông Thiên Mạc, dưới thông với sông Giao Thủy». Như vậy nghĩa là giữa Thiên-Mạc và Đại-Hoàng có sự liên hệ với nhau vì nó nằm trong một dãy căn cứ được tổ chức để phòng thủ xa cho Thiên-Trường. Trong trận này lần đầu tiên có sự xuất hiện của Thoát Hoan chỉ huy trận đánh ở gần Thiên-Trường. Tại đây chúng phá được phòng tuyến của ta. Các nhân vật Văn nghĩa hầu Trần Tú Viên (An-Nam Chí-Lược gọi là Trần Tú Tuấn) và Văn chiêu hầu Trần Văn Lộng vì sợ chết và hèn nhát đã đem cả gia đình ra đầu hàng kẻ thù.
Ngày 6/2 Ất Dậu (1285), tướng Giảo-Kỳ của quân Nguyên và phản tướng Chương hiến hầu Trần-Kiện phối hợp tấn công vào đạo quân nhà Trần do Thượng tướng Trần-Quang-Khải chỉ huy. Trận đánh diễn ra ở bến đò Phú-Tân (Thanh Hóa). Quân dân Đại Việt đã bị thiệt hại nặng với khoảng một ngàn binh sĩ bị giặc Nguyên chém đầu. Vì sao? Khi cuộc chiến Nguyên Việt xảy ra thì người lính của hai bên một lòng chiến đấu để bảo vệ màu cờ sắc áo của mình, sự chết chóc khi giao tranh là chuyện phải xảy ra. Còn bối cảnh xảy ra trận đánh tại bến đò Phú-Tân nó lại là một chuyện khác. Trong hàng ngũ quân giặc có sự hiện diện của những kẻ đầu hàng phản bội đất nước như Trần-Kiện và những tên này đã tiếp tay với kẻ thù để sát hại đồng bào mình. Đây là điều làm cho chúng ta không chấp nhận được. Nếu như đạo quân của Thượng tướng Trần-Quang-Khải một chọi một đương đầu với đạo quân của Giảo-Kỳ chưa chắc quân ta bị thiệt hại nhiều như thế. Tình thế bất lợi cho quân ta khi đoàn quân xâm lăng có sự hiện diện của những kẻ phản bội. Đây là yếu tố tâm lý có thể có tác động ít nhiều đến tinh thần chiến đấu của quân ta, và nó đã được kẻ thù khai thác tận tình. Nhưng ác nhân thì ác báo. Trên đường về Tàu ngang qua Lạng Sơn, Trần-Kiện kẻ đầu hàng quân giặc đã bị nghĩa quân của ta dùng tên bắn chết và xác được Lê Tắc chôn ở Khâu-Ôn (tên huyện nhà Lê đổi là châu Ôn, nay vẫn theo tên ấy, thuộc tỉnh Lạng Sơn). Do hậu quả đầu hàng quân giặc của Chương hiến hầu Trần-Kiện đã khiến Thanh Hóa và Nghệ An mất vào tay giặc.
Đạo quân Mông-cổ do Nạp-Tốc-Lạt-Đinh thống lĩnh từ Vân Nam kéo sang theo dòng sông chảy. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trấn thủ ở trận tuyến này đã chận địch ở Thu-Vật (tức Yên-Bình, Yên-Bái) và ngày 20 tháng 2 năm Ất Dậu (1285) nhằm Rằm tháng giêng, cánh quân của ông rút về đến Bạch Hạc, toàn quân được lịnh dừng lại bên sông (khoảng gần cầu Việt Trì ngày nay) cắt tóc tuyên thệ với trời đất rằng «dốc lòng trung để báo đền quân thượng». Sau khi đó, quân ta theo đường núi lui về mạn hạ lưu sông Hồng để hội họp với các cánh quân khác của triều đình.
Để làm giảm áp lực địch, Đức vua sai Trung hiến hầu Trần-Dương sang trại Mông-cổ nghị hòa. Đồng thời khiến Đào-Kiện đưa quốc muội là công chúa An-Tư (em gái út vua Thánh-Tông) sang doanh trại Thoát Hoan. Quân Nguyên phái Ngại-Thiên-Hộ sang khuyến dụ: «đã muốn xin hòa, tại sao không đích thân tới để cùng bàn luận». Thực ra cho người đi nghị hòa với giặc chỉ là một hình thức trì hoãn chiến để cho quân đội ta có thời giờ chấn chỉnh hàng ngủ nên chuyện sang gặp Thoát Hoan sẽ là chuyện không bao giờ xảy ra. Có một điều đáng nói là đưa công chúa An-Tư cho kẻ thù là một chuyện vạn bất đắc dĩ phải hy sinh người trong gia tộc để cứu lấy đất nước. Thay vì với cương vị một hoàng đế, đức ngài có thể tìm một người khác trong dân chúng để thế vào thay vì dùng người nhà của mình dâng cho giặc. Phải là người có tấm lòng rộng lớn như biển cả, cũng như phải có một trí tuệ bao trùm trời đất mới có thể thực hiện được điều khó làm này. Đó là phong cách của một vị Thánh nhân «nhẫn được những điều người khác không thể nhẫn và làm được những điều người khác không thể làm». Thử hỏi trong lịch sử cổ kim có vị vua nào làm được việc này? Sau khi công chúa An Tư đi vào trại giặc, các Sử gia người Việt cũng không thấy nhắc tới tung tích của Bà. Riêng về Sử tàu thì nói rằng sau này bà có hai con với Thoát Hoan.
Đối với công chúa An-Tư chúng ta phải trân trọng ghi ơn và tán dương cũng như ghi tên bà vào danh sách những anh hùng kháng Nguyên của cuộc chiến vệ quốc (1285-1288). Vì nếu không có sự hy sinh của bà thì làm sao quân ta có đủ thời giờ rút lui an toàn ra khỏi thành Thăng Long để chỉnh đốn binh mã và tinh thần để chuẩn bị những trận phản công sấm sét đánh đuổi quân xâm lược. Thoát Hoan vì say mê Bà nên đã chậm trể trong việc tấn công vào kinh đô của ta và đây là một cơ hội ngàn vàng cho triều đình nhà Trần trong lúc nguy cấp. Công trạng của bà không thể nào thua kém hơn Bà Trưng, Bà Triệu xưa kia được.
Tuy nhiên có người đã không nhìn ra ý nghĩa của hành động vì nghĩa quên mình của Đức vua Trần cũng như An-Tư (hay Thiên Tư trong Việt Sử Tiêu Án) công chúa, họ đã phê phán một cách cạn cợt thiếu tình người như Việt Sử Tiêu Án «Vua sai đưa Thiên Tư công chúa cho chúng, để thư nạn nước…thật không còn kế sách gì, đáng cười lắm…». Nhưng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì công bình hơn đã ghi «Sai người đưa công chúa An-Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy». An-Nam Chí-Lược của Lê Tắc (phản thần của triều Trần) ghi «Lại sai kẻ cận-thị là Đào-Kiên đưa bà chúa em vua cho Trấn Nam Vương xin hòa giải». Tóm lại công chúa An-Tư xứng đáng được ghi vào danh sách anh hùng kháng Nguyên để hàng hậu bối biết đến và tưởng nhớ công ơn của bà đối với dân tộc.
Ngày 1 tháng 3, năm Ất Dậu (1285), giặc Nguyên đuổi theo rất gắt hai vua (Thượng hoàng Thánh Tông và Hoàng Đế Nhân Tông) phải bỏ thuyền, xử dụng đường trên bộ đi đến Thủy-Chú (không rõ nơi nào ngày nay), sau đó lấy thuyền ra cửa Nam-Triệu, vượt biển Đại-Bàng (thuộc địa phận xã Đại-Bàng, huyện Nghi-Dương, tỉnh Hải-Dương) đi vào Thanh-Hóa. Như thế ta thấy ở đây quân đội Đại Việt đang rơi vào thế tam đầu thọ địch đúng như kế hoạch của kẻ địch dự trù là các cánh quân của Thoát Hoan từ Thăng Long tiến về phối hợp với các cánh quân của tướng Hữu thừa Khoan Triệt, Vạn Hộ Mông Cổ Đãi và Bột La Hợp Đát Nhi dẫn quân bằng đường bộ và Lý tả thừa Ô Mã Nhi Bạt Đô (sau khi chiếm xong bãi Tha-Mạc) bằng đường thủy; cánh quân của Toa Đô giải quyết xong chiến trường Thanh, Nghệ cũng thẳng đường tiến tới Thiên Trường. Để giải tỏa thế gọng kềm này ta phải giải quyết ra sao?
Từ Thiên Trường một cánh quân của ta rút về các lộ vùng đông bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh) để dụ địch rượt theo rồi chờ cho Toa Đô dẫn quân ra khỏi Thanh Hóa thì ta mới vượt biển Đại-Bàng như đã nói ở trên để vào chiếm lại Thanh Hóa làm căn cứ đóng quân. Toa Đô vừa phải vất vả ngược xuôi để rượt đuổi quân Đại Việt, rốt cuộc cũng chẳng được gì lại mất đi cứ điểm vừa mới chiếm. Cương Mục Chính Biên quyển VII viết: «Lúc ấy quân Nguyên đuổi theo riết, nhà vua phải mời thượng hoàng cùng ngự một chiếc thuyền con, chạy ra nguồn Tam Trĩ, một mặt khác, sai người kéo thuyền của vua vẫn ngự đi ra ngả núi Ngọc Sơn, để đánh lừa quân Nguyên. Tướng Nguyên do thám biết được mưu ấy, mới sai Hữu thừa là Khoan Triệt, Tả thừa là Lý Hằng chia đường đuổi theo. Nhà vua phải đổi đi đường bộ đến xã Thủy-Chú, rồi lại đi thuyền đến sông Nam-Triệu, qua cửa biển Đại-Bàng vào Thanh Hóa».
Ngày 9 tháng 3 năm Ất Dậu (1285), hai vua bị tướng Nguyên là Giảo-Kỳ và Đường-Cổ-Đới đem chu-sư (hải quân) ra biển vây và suýt bắt được các ngài. May thay nhờ tướng Nguyễn Cường tận lực hộ giá mới có thể rút ra được về phía nguồn Tam-Trĩ, đồng thời giả đưa thuyền rồng đi miền Ngọc-Sơn (miền biển Thanh Hóa) để đánh lừa giặc. Quân thù bắt được rất nhiều vàng bạc cũng như nam nữ của ta.
Ở đoạn này ta thấy rằng sau khi quân Đại Việt rút khỏi kinh thành Thăng Long rồi liên tiếp xảy ra các trận đánh Tha Mạc, Bình Than, A Lỗ, Đại Hoàng, Thanh Hóa thì hai vua và quân đội Đại Việt gần như rơi vào thế bị động phải liên tục di chuyển để tránh né sự truy đuổi của quân Nguyên theo Cương Mục ghi «nhà vua phải chạy loạn long đong»; Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim viết: «Nhân Tông kinh hãi, Thượng hoàng đêm ngày lo sợ»; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: «Thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ Nguyên…xa giá nhà vua phiêu bạt».
Hãy xem tình hình quân thù ra sao, theo Nguyên Sử 13 tờ 8b8-10 ghi: «Tháng 3 ngày Bính Tý Kinh Hồ Chiêm Thành hành tỉnh xin thêm quân. Lúc bấy giờ Trần Nhật Huyên trốn về hai xứ Thiên Trường và Trường Yên, binh lực lại tập hợp. Hưng Đạo Vương đem hơn ngàn chiến thuyền về nhóm Vạn-Kiếp, còn Nguyễn Lộc thì ở Vĩnh Bình, mà quan quân đi xa lại đánh lâu, treo lơ lửng ở giữa. Quân của Toa Đô và Đường Cổ Đãi lại đến không đúng lúc, nên xin thêm quân. Vua cho đi đưòng thủy là nguy hiểm, ra lệnh cho quân tăng viện đi theo đường bộ» -Toàn Tập Trần Nhân Tông –Lê Mạnh Thát Việt dịch.
Như vậy thì quá rõ ràng, theo Nguyên Sử thì quân Mông-cổ cũng đang rơi vào thế bị động. Thế bị động ở chỗ chúng phải đối phó với nghĩa quân của ta quấy rối trong hậu phương của địch. Bằng chứng là phản thần Trần-Kiện trên đường về chầu Hốt-Tất-Liệt lại được quân ta cho đi chầu âm phủ; để đối phó với những hoạt động tiêu thổ kháng chiến của quân ta, chúng bắt buộc phải xin thêm quân để gia tăng phòng thủ. Nếu thật sự kẻ thù có khả năng làm cho quân ta lúng túng, bị động thì cần gì phải xin thêm viện binh như thế? Do đã không vây hãm được quân ta, thì nay chính lại bị rơi vào thế trận mà vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương đã sắp xếp sau cuộc họp ở Hải-Đông. Đó là rút lui, phòng thủ và phản công chiến lược. Hiện tại ta ở giai đoạn nhì là phòng thủ chiến lược để chuẩn bị bước qua giai đoạn ba là phản công chiến lược.
Chưa hết, tại chiến trường Thanh Hóa quân Mông-cổ đã gặp sức phản kháng rất quyết liệt của quân dân ta. Ngày 9 tháng 3 năm 1285, tướng Nguyên là Giảo Kỳ kéo quân đến Bố Vệ (thuộc Cần Bố, Thanh Hóa). Người dân trong vùng nổi lên đánh địch, trong đó dân chúng Hương Yên Duyên (xã Quảng Hùng, Quảng Xương, Thanh Hóa) dưới sự chỉ huy của ông Lê Mạnh tước là Đại Toát đã chống cự quyết liệt. Sự kiện này không thấy ghi trong sử nhưng nhờ công đức xây chùa nên bia chùa Hưng Phúc ghi lại rằng: «Hữu tướng giặc là Toa Đô tiến quân vào hương này. Ông đem người trong hương chận giặc ở bến Cổ Bút. Hai bên đánh nhau giặc cơ hồ không rút chạy được. Nhưng vì có kẻ gian hàng giặc chỉ đường nên nhà cửa của ông bị đốt phá» (Thơ văn Lý Trần, Hà Nội xuất bản 1988 tập II quyển thượng trang 648).
Trong lúc này Hưng Đạo Vương được lịnh đem hơn 1000 chiến thuyền về Vạn-Kiếp là nơi trước đây đã rút lui, còn tướng Nguyễn Lộc đóng ở Vĩnh Bình tạo thế gọng kềm đối với quân thù. Vì cả ba cánh quân của chúng do Thoát Hoan, Ô Mã Nhi và Toa Đô đều nằm ở giữa vòng vây mà Đức vua Trần và Hưng Đạo Vương dầy công sắp xếp kể từ sau trận Nội-Bàng và Chi-Lăng.
Cuộc họp giữa Ðức Hoàng đế Trần Nhân-Tông và Hưng-Ðạo-Vương ở Hải-Ðông nhằm nội dung như chúng tôi đã trình bày ở những trang trước là hai vị này đã hoạch định một kế hoạch chống giặc mới sau những thất bại liên tiếp từ các trận Nội-Bàng, Chi Lăng, Vạn Kiếp v.v…Đó là kế hoạch rút lui, phòng thủ và phản công chiến lược mà chúng tôi đã trình bày một phần ở những trang trước và thành quả của chiến lược này sẽ được trình bày tiếp theo đây.
Giữa lúc toàn dân Việt đã và đang đổ máu để bảo vệ sơn hà thì lại có những kẻ là vương tôn quốc thích, ăn cơm vua hưởng lộc nước lại mất niềm tin vào tiềm lực của dân tộc, tham sống sợ chết cũng như mất niềm tin với triều đình nên họ đầu hàng quân giặc và tiếp tay với chúng sát hại đồng bào mình như trường hợp Trần Kiện là một tôn thất nhà Trần. Sau khi hàng giặc chúng đã dẫn quân Mông-cổ tập kích đoàn quân của Thượng tướng Trần Quang Khải ở Phú-Tân gây thiệt hại nặng nề cho quân ta. An-Nam Chí-Lược ghi rõ bối cảnh đưa đến sự đầu hàng của Trần Kiện như sau: «Mùa đông năm ấy (1284) đại quân của Trấn Nam Vương tiến vào nước, Thế tử đánh thua. Hữu thừa Toa Đô lại từ Chiêm Thành tiến mặt hậu. Thế tử hoảng hốt không có sách lược bèn kêu Kiện lên, giao đem quân đánh Toa Đô. Sức yếu không viện, vào lúc đó Thế tử còn mất chưa thể biết. Kiện gọi bọn Thực vào: «Thế tử bị gọi mà không vào chầu đến nỗi có chiến tranh. Nguy hiểm ở trong sớm chiều, mà vẫn chấp nê không tỉnh, nỡ để cho nước mất nhà tan ư? Tháng giêng năm sau (1285), Kiện đem bọn Thực vài vạn người, dâng vũ khí đầu hàng Trấn Nam Vương».
Việc Trần Kiện đầu hàng quân Nguyên đã có một số tác động nhưng không gây ảnh hưởng dây chuyền bởi tinh thần yêu nước cũng như ý chí quyết tâm chiến đấu của toàn dân được bộc lộ rõ rệt qua hai hội nghị Bình Than và Diên Hồng đã làm nền tảng tốt cho toàn dân Việt trong cuộc kháng Nguyên.
Những diễn biến không đơn giản này chưa ngừng lại ở đây. Ngày 15 tháng 3 năm Ất Dậu (1285), Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc, Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long đem quân lính đầu hàng nhà Nguyên. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi về Trần Ích Tắc như sau: «Trước kia Ích Tắc chưa sinh. Thái Tông mộng thấy thần nhân ba mắt từ trên trời xuống nói với Thái Tông: «Thần bị thượng đế quở trách, xin thác sinh là con vua, sau lại trở về phương bắc» Đến khi Ích Tắc sinh, giữa trán có vài vết lờ mờ như hình con bắt (mắt), hình dáng giống hệt người trong mộng. Đến 15 tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật, vẫn còn có ý tranh đoạt ngôi trưởng đích. Ích Tắc đã từng gởi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam. Đến nay người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng được mong được làm vua. Người Nguyên phong làm An Nam Quốc Vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc».
Toàn Thư trình bày về con người của Ích Tắc cho ta thấy sự đầu hàng nhà Nguyên của nhân vật này đã có nhân duyên từ trước, phải nói từ đời trước khi Ích Tắc đầu thai làm con vua Thánh Tông. Ích Tắc là hoàng đệ của Nhân Tông, so về tài thì Nhân Tông và Ích Tắc không ai thua kém ai, nhưng về mặt đức độ của người con lớn (Nhân Tông) hơn hẳn đứa con thứ (Ích Tắc). Ích Tắc tự phụ nghĩ rằng mình có tài hơn hẳn Nhân Tông tại sao phụ vương (vua Thánh Tông) không truyền ngôi cho mình lại phân biệt trưởng thứ như thế, nên sanh tâm bất mãn và tìm cách hợp tác với quân thù để cướp ngôi báu về cho bản thân mình.
Vua Trần Thánh Tông đã rất sáng suốt khi chọn lựa thái tử Khâm (tức vua Nhân Tông sau đó) làm người thừa kế cho mình. Ngài quả thực là người thấy xa, hiểu rộng đồng thời phối hợp với điềm chiêm bao về Ích Tắc nên nhất định truyền ngôi cho con trưởng mà không cho con thứ. Mặc dù người con trưởng không thiết tha gì tới ngôi vua và đã nhiều lần từ chối và còn đề nghị truyền cho người em. Tiêu chuẩn mà vua Thánh Tông chọn phải là người có tài và đức, thì mới có thể gánh vác được việc của non sông. Quả vậy, mặc dù trước khi lên ngôi vua Nhân Tông đã nhiều lần từ chối, nhưng khi đã gánh vác trách nhiệm chống đỡ căn nhà của đất nước, thì ngài đã hoàn thành thật xuất sắc bổn phận của mình trong trách nhiệm to lớn của một vị minh quân, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước ta bị nạn ngoại xâm. Giả sử trong trong hai cuộc xâm lăng của Mông-cổ (1285-1288) nếu người làm vua là Trần Ích Tắc chắc chắn là nước ta đã trở thành một quận huyện của Tàu và con người này sẽ ngoan ngoãn sang Tàu để triều kiến Hốt-Tất-Liệt và bỏ qua tất cả những gì gọi là sĩ diện quốc gia, lòng tự trọng của dân tộc. Đây là một điển tích rất hay và có nhiều ý nghĩa, rất đáng để cho người Việt Nam chúng ta học hỏi và ghi nhớ.
Mục Lục:
Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285
Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa
Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược
Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn
Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến
Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288
Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ
Vua Trần-nhân-Tông @ Thư Viện Bồ Đề Trúc-Lâm Yên-Tử
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử