CHIẾN TRANH và BẤT BẠO ĐỘNG
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Nguyên tác : " Religion and Society " by S. Radhankrishnan
do nhà xuất bản George Allen and Unwin LTD ấn hành
Dịch giả : Hòa Thượng Thính Quảng Độ
VIII. ẢO TƯỞNG CHIẾN TRANH
...
Có người bảo ta phải dùng lửa để dập tắt lửa khi nhà cháy, nhưng người khác lại chủ trương dùng nước để diệt đám cháy. “Một khẩu súng chỉ có thể tắt họng bởi một khẩu súng khác”. Nếu chúng ta tin tưởng ở bạo lực thì chúng ta không thể trách khứ Đức Quốc Xã đã dùng bạo lực một cách chính xác, khoa học và tàn bạo để đập tan ý chí của con người. Nhưng chúng ta có thể đánh bại chủ nghĩa phát xít bằng bạo lực và uy hiếp mà chính nó đã áp dụng? Chúng ta lý luận rằng chủ nghĩa văn minh ngày nay đang bị một chủ nghĩa dã man mới đe dọa và còn khủng khiếp hơn ở quá khứ vì nó được trang bị bằng khoa học và kỷ thuật tiến bộ hơn. Đặc trưng chính của chủ nghĩa mới này là cơ giới hóa xã hội, coi nghệ thuật, văn hóa, khoa học và triết học chỉ là dụng cụ để tranh thủ quyền lực. Chẳng có gì là thiêng liêng cả: đàn ông, đàn bà, trẻ con, gia đình và tôn giáo. Nhà nước được tổ chức như một cộng đồng khổng lồ và thi hành toàn bộ chế độ quân phiệt. Đức Quốc Xã, nơi mà chủ nghĩa quân phiệt là hoạt động chính của nhà nước, là lí luận cực đoan của giáo điều bạo lực.
Câu nói cổ điển của Lord Baldwin là: “Nếu sự phòng vệ duy nhất còn lại mà bị xâm phạm thì điều đó có nghĩa là chúng ta phải giết đàn bà và trẻ con nhanh hơn kẻ thù nếu chúng ta muốn tự cứu lấy mình. Nếu kẻ thù dùng hơi độc thì chúng ta cũng phải dùng hơi độc. Nếu chúng trung binh thì chúng ta cũng phải trung binh, vì muốn đánh bại kẻ thù chúng ta phải làm hệt như kẻ thù. Các quốc gia đồng minh phải là những bộ máy chiến tranh toàn diện. Chúng ta quả quyết những nguyên tắc dân chủ, tự do và khoan dung phải tạm thời nhượng bộ. Chúng ta phải dựng lên một chế độ hệt như kẻ địch mà ta tỏa ra khinh bỉ. Chúng ta phải chiến đấu với tội ác bằng tội ác, cho đến khi chúng trở thành chính cái tội ác mà chúng ta đang chiến đấu. Không chinh phục được kẻ thù, chúng ta để cho họ tạo nên chúng ta theo hình ảnh của chính họ”[6]. Thông điệp của Staline gởi cho dân Nga cho thấy nguy cơ này: “Không thể đánh bại được kẻ địch nếu chúng ta không căm ghét chúng đến tận xương tủy của chúng ta.” Chúng ta có những hoài bảo khác với kẻ thù nhưng lại áp dụng những phương pháp tương đẳng. Chúng ta tin rằng chúng ta có thể dùng sự căm ghét để phát triển tình thương, và cưỡng bách toàn diện để tăng thêm tự do. Đó là sự cạnh tranh nhau của tàn nhẫn và bất công, nhưng, chung cực, tất cả những điều đó sẽ làm cho tâm hồn trở nên bệnh hoạn và không có cách nào chữa được. Thomas Aquinas nói: “Dù là mục đích tốt đẹp ta cũng phải theo những đường lối chân chính, chứ không phải đường lối xấu xa”.
Nếu chúng ta khích động tinh thần căm phẩn hận thù để chiến thắng thì đến khi kiến tạo hòa bình thì chúng ta cũng không thể gạt bỏ tinh thần ấy ra một bên. Người ta lí luận rằng vì để đánh bại kẻ thù chúng ta hãy tạm quên lí tưởng của chúng ta và khi trật tự được vãn hồi chúng ta sẽ khôi phục lí tưởng ấy: đó là một lỗi lầm thảm hại. Nếu ta áp dụng những biện pháp của kẻ địch để đánh bại họ và, để chiến thắng trên trận địa. Nếu ta phản bội lí tưởng của ta thì truyền thống văn minh cũng bị phản bội. Chiến tranh làm bùng cháy những dục vọng của chúng ta, hâm nóng sự mường tượng khiến ta trở nên cuồn nhiệt, và trong trại thái chiến tranh không một sự dàn xếp hợp lí nào có thể đạt được. Trận chiến thứ nhất mặc dầu thắng trên chiến trường nhưng đã thua trong lâu đài Versailles. Trong các cuộc nghị hòa, trước điều ước Versailles. Lloid George gởi cho Clemanceau một bức giác thư, sau được in vào cuốn sách của ông ta nhan đề là “Sự thật về điều ước hòa bình” trong đó ông ta đã viết như sau: “Các ngài có thể chiếm đoạt hết các thuộc địa của nước Đức, giảm quân đội của nó xuống chỉ còn một lực lượng cảnh sát, hay hải quân của nó xuống hàng một cường quốc thứ năm, tất cả không có gì thay đổi, cuối cùng nước Đức cảm thấy đã bị đối xử một cách bất công trong hòa bình 1919 nó sẽ tìm cách lấy lại những cái mà những kẻ chiến thắng đã cưỡng đoạt của nó. Cái ấn tượng giết chóc trong 40 năm trời đã in sâu vào lòng người và sẽ không phai mờ với những năm được đánh dấu bởi trận đại chiến kinh hồn. Vậy thì sự duy trì hòa bình sẽ dựa trên căn bản không có những nguyên nhân khích nộ luôn luôn khấy động tinh thần yêu nước, yêu công lí và tinh thần võ hiệp. Nhưng người ta sẽ không bao giờ quên và tha thứ sự bất công và kêu căng biểu hiện trong giờ phút chiến thắng”[7]. Điều ước Versailles không có một tí trách nhiệm nào đối với những biến sự xảy ra sau đó. Trong những sách lược ngoại giao tiếp theo, sự chán nản và thất vọng của một vài quốc gia sự nghi kị và sợ hãi những người khác đã tạo nên một tình hình căn thẳng và cuối cùng, các nhà lãnh đạo quốc gia đã mất bình tĩnh xô đẩy thế giới đến vực thẳm chiến tranh. Chúng ta có thể thắng cuộc chiến này nhưng chúng ta sẽ có đạt được hòa bình không?
Lại nữa nếu một cuộc tranh chấp được giải quyết bằng vũ lực thì nó được giải quyết đúng cách không? Hễ bên nào có nhân lực, tài lực và súng đạn nhiều nhất sẽ thắng. Điều đó không có nghĩa là họ có chính nghĩa mà chỉ có nghĩa là quân lực của họ hùng mạnh hơn. Chiến tranh không giải quyết được bất cứ vấn đề gì trừ có một điều là bên nào mạnh hơn. Những kẻ muốn trở thành bá chủ thế giới có trong tay một nền văn minh máy móc và kỹ thuật mới, và dùng nó cho những mục đích gian ác, lại ngụy trang như những kẻ nhiệt thành tận tụy và yêu chuộng tự do.
Nếu chiến tranh là một đặc điểm thường xuyên trong đời sống quốc tế, nếu chúng ta luôn luôn sống trong trạng thái chuẩn bị và khủng hoảng, thì văn minh sẽ là một sự hắc ám thường xuyên. Những nỗ lực chiến tranh không phải là một giải pháp cho các nhu cầu của con người. Trái lại, nó chỉ mang cho nhân loại những khổ đau và thảm họa không thể tả xiết.
Người ta tự hỏi phải lựa chọn đường nào đây? Một sự nô lệ nhực nhã trong đó chỉ có cuộc đời tối tăm, hoang lạnh và tàn bạo, một cuộc đời mà cái gì là lý tưởng, là tinh hoa đều bị cướp mất và không thể nào có sự tiến bộ tinh thần? Chiến tranh, mặc dầu khủng khiếp, là một cái kém ác hơn trong hai tội ác. Nó là một cánh duy nhất mà nhờ đó chúng ta có thể bảo tồn được niềm tin ở các giá trị tinh trong con người. Người Hi Lạp đã có lí họ khi đứng lên chống lại Xerxes chứ không chịu làm nô lệ. Người Mĩ đã làm đúng khi họ chọn chiến tranh hơn là làm tôi mọi cho George đệ tam. Các nhà cách mạng Pháp đã làm một việc phải bằng cách đổ máu để đoạt lấy sự tự do tinh thần. Cũng thế, chúng ta có lí để lên án chủ nghĩa Đức Quốc Xã, có các cuộc chiến tranh chính nghĩa.
Những cuộc chiến tranh nào cũng được cả hai bên tham chiến coi là chính nghĩa. Vậy chính nghĩa ở đâu? Nếu chính nghĩa tràn lan tất cả thì những sự phân phối bất công về tài sản, cơ hội, nguyên liệu, đất đai, kinh tế và ảnh hưởng chính trị đều là đúng cả. Nếu chính nghĩa bao hàm trong sự tương xứng giữa tính chất quan trọng của một quốc gia và tài sản của quốc gia ấy, thì sự quan trọng ấy được chứng minh như thế nào? Có phải đó là dân số, sức mạnh, văn hóa và kinh nghiệm cai trị? Có một hệ thống pháp luật nào làm mục tiêu đấu tranh không? Chúng ta có chủ trương rằng không một quốc gia nào đưa thế giới đến vực thẳm chiến tranh chừng nào mà các cuộc điều đình, nghị hòa và trọng tài còn có hiệu lực? Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh giải phóng và tự vệ. Mục đích của các cuộc chiến tranh ấy là bảo vệ dân chúng để chống lại sự xâm lược ở bên ngoài mưu toan đặt ách thống trị lên đầu lên cổ họ. Còn chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh xâm lược nó nhằm mục đích cướp đoạt và nô lệ hóa các quốc gia khác. Những sự phân biệt này có thật rõ ràng không? Vấn đề hết sức phức tạp và những nguồn tin tức của ta thường bị các chính phủ đầu độc nên rất khó cho ta quyết định đâu là chiến tranh chính nghĩa. Rất khó mà phân biệt thật rõ ràng phải và trái, mỗi bên đều tự cho mình là phải. Cuối cùng người ta đã phân biệt là nhiều chính nghĩa hơn và ít chính nghĩa hơn. Sự sai khác giữa kẻ xâm lăng và người tự vệ không được thực tế. Chúng ta không cần nghĩ rằng kẻ thù của chúng ta là những con quỉ nuốt sống con cái của chúng. Những kẻ tự vệ những cái mà trước kia họ cũng đã đạt được bằng sự xâm lăng. Họ đang bảo vệ cái nguyên trạng (Status quo) chứ không phải một xã hội mới công bằng. Quyền sở hữu sẽ vô nghĩa nếu không phải là một xã hội có pháp luật, và cái thế giới hỗn loạn không tôn trọng luật pháp. Chúng ta tin rằng nếu đè bẹp được người Đức và người Nhật thì tất cả sẽ đâu và đấy. Không nên lạc quan và tự mãn như thế. Cuộc chiến tranh vừa rồi kết liễu, người Đức đã suy yếu và bị nhục nước Đức bị buộc là thủ phạm đã gây ra thế chiến. Hải quân Đức bị dìm xuống đáy biển là lục quân thì giảm xuống chỉ còn là một lực lượng cảnh sát gồm 100.000 người. Nước Đức bị giải giới bằng lời hứa hẹn sẽ giải giới toàn diện mặc dầu không một cường quốc nào ở Âu Châu có ý định giải giới. Những sự bồi thường chiến tranh bất công được quy định không những biến cái thế hệ có dính líu đến cuộc chiến thành những tên nô lệ mà cả con cái, cháu chắt của họ nữa. Nói theo ngôn ngữ của Sir Eric Geddes là: “Chúng ta vắt nước Đức cho đến khi những con gà con phải kêu lên”. Nước Đức được bao bọc bởi một số tiểu bang. Saar trở nên một tiểu bang độc lập dưới sự hỗ trợ của Hội Quốc Liên, Rhineland bị chiếm đóng và Ruhr thì bị xâm lược. Tất cả những việc ấy đều được thực hiện theo nguyên lý sức mạnh là lẽ phải. Bất cứ một dân tộc kiêu hãnh nào mà bị đối xử như vậy thì cũng nhào xuống hố sâu tuyệt vọng và đón nhận động lực hủy diệt của Hitler và Đức Quốc Xã vốn chủ trương “dù là cái gì đi nữa cũng còn tốt đẹp hơn tình trạng hiện tại”. Hãy lấy trường hợp nước Nhật, nơi mà một dặm vuông có tới 465 người, trong khi Hoa Kỳ có 41. Hàng năm dân số Nhật gia tăng khoảng một triệu, mức sống hạ thấp dần và cuối cùng, Nhật chắc chắn phải đối diện với một thời kỳ chết đói. Viễn tượng ấy làm Nhật sợ, Nhật phải có nguyên liệu nếu không thì chết. Nhật thấy Nga tràn xuống Trung Hoa ở phía Bắc và phía Tây, Pháp có một Đế Quốc ở phía Nam Trung Hoa và Anh có một ảnh hưởng lớn tại khu vực sông Dương Tử. Người Nhật không phải con quỷ dã man, nhưng là một dân tộc bình thường sợ rằng nếu họ không là điều họ đang phải làm thì sẽ chết. Chúng ta căm ghét người Đức đã bức hại người Do Thái, nhưng Hoa Kỳ lại không làm như thế đối với người Nhật. Đạo luật Lệ Ngoại còn đó, làm hàng triệu người bất mãn. Đức Quốc xã đang thi hành một chương trình kỳ thị chủng tộc mà kỷ thuật thực hiện chủ yếu mượn của một vài nước đồng minh. Ông Lloyd George yêu cầu chúng ta đừng phán đoán tác giả của điều ước Versailles bằng sự “Lạm dụng liền sau đó những điều khoản và quyền lực do một vài quốc gia đã thảo ra những điều luật ấy. Người ta không thể quyết định giá trị của một đạo luật bằng sự giải thích man trá những mệnh đề của nó bởi những kẻ tạm thời ở vào địa vị có quyền lạm dụng luật pháp và có quyền trốn tránh nghĩa vụ danh dự. Người ta không nên trách cứ những Điều Ước. Lỗi là tại những kẻ đã tạm quên những lời ước hẹn trang trọng của chính họ bằng cách lợi dụng một cách không danh dự cái ưu thế tạm thời của mình để đối xử bất công với những người tạm thời cô thế”[8]. Khi người Đức chịu đình chiến trên căn bản Mười Bốn Điểm của Wilson thì họ được những kẻ chiến thắng đối xử theo cách mà ông Lloyd George đã thuật lại như thế này: “Người Đức đã chấp nhận những điều kiện đình chiến của chúng ta, như vậy họ đã thỏa thuận với phần lớn những điều kiện khắc khe ấy. Nhưng, cho đến nay, chưa một tấn thực phẩm nào đã được gởi đến nước Đức. Những tàu đánh cá cũng không được nhỗ neo. Hiện giờ thì Đồng Minh là đấng tối cao, nhưng một ngày nào đó, kỷ niệm chết đói sẽ trở lại chống lại họ. Người Đức đang chết đói trong khi hàng trăm tấn thực phẩm đang nằm chờ ở Rotterdam để được chuyên chở sang Đức. Đồng Minh đang gieo rắc những mối hận thù trong tương lai, họ đang chồng chất đau khổ không phải lên người Đức mà lên chính họ”[9]. Chừng nào các quan niệm hiện tại còn hoạt động, thì vở tuồng như thế vẫn còn tiếp diễn trên sân khấu chiến tranh, chỉ những đào kép thì sẽ thay đổi.