CHIẾN TRANH và BẤT BẠO ĐỘNG
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Nguyên tác : " Religion and Society " by S. Radhankrishnan
do nhà xuất bản George Allen and Unwin LTD ấn hành
Dịch giả : Hòa Thượng Thính Quảng Độ
IV. CHỦ NGHĨA HIỆN SINH:
NHƯỢC ĐIỂM CHÍNH CỦA THỜI ĐẠI CHÚNG TA
Những nguyên nhân chính của sự thống khổ hiện nay là gì? Khi ta tìm đến nguyên nhân của cuộc chiến tranh, ta có thể nghĩ đến những nguyên nhân xa vời, chính yếu hay thứ yếu. Ta có thể tìm nguyên nhân ấy trong tâm lý cá nhân của Hitler, trong thiên tài độc ác của ông ta, hay trong sự bất mãn của nước Đức với những điều khoản về tội phạm chiến tranh được ghi trong Điều Ước Versailles, hoặc về sự từ chối không trả lại những thuộc địa cũ của người Đức, hay trong niềm kiêu hãnh bị tổn thương và tính lãng mạn của một dân tộc vĩ đại. Ta cũng có thể tìm thấy nó trong sự thất bại về hội nghị tài binh của hội Quốc Liên, hay trong sự va chạm giữa các quốc gia trong cuộc chạy đua bành trướng thuộc địa. Nhưng không một nguyên nhân nào trên đây có thể chịu trách nhiệm cho cuộc đại họa này. Mỗi nguyên nhân ấy thật sự là một kết quả chứ không phải nguyên nhân. Cái đã làm cho thế giới đầy hy vọng này tan tành là sự thắng thế của một nền triết lý chứa đựng những giả tưởng, những tín ngưỡng và giá trị sai lầm[1].
Văn minh là một lối sống, một cuộc vận động tinh thần của con người. Bản chất của nó không phải là sự nhất trí về sinh vật của chủng tộc, hay ở những tổ chức chính trị và kinh tế mà là ở những giá trị đã sáng tạo và duy trì tất cả những cái đó. Cơ cấu chính trị và kinh tế chỉ là những tổ chức để người ta dựa vào đó mà biểu hiện nhiệt tâm và trung thực đối với thị kiến và giá trị của sự sống mà người ta chấp nhận. Mỗi nền văn minh là sự biểu hiện của một tôn giáo, vì tôn giáo biểu hiện niền tin vào những giá trị tuyệt đối và một lối sống để thể hiện những giá trị ấy. Nếu ta không nhận chân rằng những giá trị mà một nền văn minh biểu hiện là tuyệt đối thì những luật tắc của nó là luật tắc chết và định chế của nó sẽ sụp đổ. Tín ngưỡng tôn giáo cho chúng ta lòng nhiệt thành để theo đuổi trong lối sống và, nếu niềm tin ấy phai mờ, sự thuận tòng chỉ còn là một thói quen, và thói quen sẽ dần dần suy giảm. Chẳng hạn, những tín ngưỡng Quốc Xã và Cộng Sản là những tôn giáo hiện sinh. Bất cứ sự chuyển hướng nào trong tư tưởng hay niềm tin mà xa rời chế độ là một tội phạm. Nhà nước trở thành giáo đường với các Giáo Hoàng và những tòa án tôn giáo (Inquisitions). Ta cầu nguyện khi ta được nhận vào đạo. Ta tìm ra những kẻ dị giáo và đưa họ lên đoạn-đầu-đài. Ta sử dụng mọi năng lực và tình cảm tôn giáo. Những tín ngưỡng thế tục ấy biểu trưng một quyền uy ghê gớm, một động lực tâm lý mà hầu như không có trong những hành động của những người cố gắng chống lại chúng.
Đặc trưng của một nền văn minh là ở quan niệm của nó về bản tính và vận mệnh của con người. Con người có được, theo danh từ sinh-vật-học, coi như một sinh vật tinh khôn nhất không? Người có là con vật kinh tế bị chi phối bởi những qui luật cung, cầu, và đấu tranh giai cấp không? Người ta có là con vật chính trị với một học thuyết chính trị quá độ chiếm cứ trung tâm tinh thần con người và thay thế cho tất cả tri thức, tôn giáo và trí tuệ? Hay con người có một yếu tố tâm linh nào đó đòi hỏi phải nhường những chỗ tiện nghi tạm bợ cho những giá trị chân thật và vĩnh cữu? Nhân loại chỉ được hiểu theo những danh từ sinh-vật-học, chính-trị-học và kinh-tế-học thôi, hay ta còn phải nghĩ đến đời sống gia đình và xã hội của họ, đến tình yêu truyền thống và quê hương, đến niềm hi vọng của tôn giáo và những niềm an ủi đã có từ trước những nền văn minh tối cổ? Ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc chiến là giúp chúng ta nhận chân được quan niệm sai lầm về bản tính cũng như chân tướng của con người mà, trong đó tất cả chúng ta đều có liên quan trong tất cả lối sống và lối suy nghĩ của chúng ta. Nếu chúng ta không cư xử tử tế với nhau, nếu tất cả những nỗ lực đem lại hòa bình trên trái đất đã thất bại, thì đó chính là vì đã có những trở ngại tị hiềm ích kỷ và hiểm độc ngay trong tâm hồn con người mà lối sống và suy nghĩ của chúng ta không gội sạch được. Nếu ngày nay chúng ta bị khuất phục bởi sự sống thì đó không phải là là vận mệnh độc ác. Sự thành quả của chúng ta trong công cuộc kiện toàn những khí cụ vật chất cho đời sống đã sản sinh ra một thái độ tự tín và kiêu hãnh đưa đến chỗ lạm dụng thay vì cảm hóa vật chất. Cuộc sống xã hội đã cho ta phương tiện như chối bỏ cứu kính. Một mù quán rùng rợn đã khiến con người ở thế hệ chúng ta không ngần ngại đầu cơ trục lợi trong nỗi đau khổ của đồng loại bằng những sắc luật kinh tế khắc khe trong thời bình và xâm lăng, tàn bạo trong thời chiến. Sự tách rời yếu tố tam linh ra khỏi đời sống con người là nguyên nhân đưa đến sự tôn thờ vật chất, và sự đầu hàng của con người trước quyền lực vật chất là nhược điểm chính của nền văn minh hiện đại.
Kinh Bhagavadgita vạch ra rằng khi con người tự cho mình là thần thánh trên trái đất, khi họ tự tách rời khỏi nguồn gốc của họ, khi họ bị vô minh che lấp như vậy thì họ triển khai trong họ một con quỷ độc ác hay tính tự tôn tự đại cho mình là tuyệt đối cả về trí thức lẫn quyền lực. Con người đã trở thành tự trị và đánh rơi mất đức khiêm tống nhứn nhường. Họ muốn tự làm “Thần thánh”. Trong mưu toan nắm quyền điều khiển lấy vận mệnh, con người đã kiến tạo một nền văn hóa trong đó phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế. Tính tự túc, tự mãn đã đạt đến tuyệt đỉnh. Chiến tranh chính là kết quả của tính tự phụ ấy; các nhà độc tài muốn tự do thay đổi thượng đế, thay trời. Họ muốn thủ tiêu thượng đế vì họ không muốn có địch thủ. Hitler là một nhân vật độc đáo, là nhà tiên tri của nền văn minh của tất cả chúng ta. Khi phải chứng kiến những sự suy đồi của mọi giá trị, chúng ta không phải kêu lên với Quận Công Albany trong King Lear; “Đây là thời đại của những người điên dắt dẫn những kẻ mù”.
Con người tưởng tượng mình là trên hết và tin tưởng một cách mù quán vào vật chất, vào kỷ thuật, vào những cái tạm bợ trước mắt. Kỷ nghệ và thương mại nhắm vào lợi lộc và sự giàu có hơn là vào việc thỏa mãn nhu cầu của nhân loại. Thế giới chân, thiện, mỹ được coi như một sản phẩm được cấu tạo một cách ngẫu nhiên bởi các nguyên tử và tất nhiên cũng kết liễu như nó đã bắt đầu trong một đám mây khinh khí. Con người với tham vọng vô biên sẽ thoán quyền tạo hóa, và có gắn xây dựng một thế giới mới bằng phổ thông đầu phiếu, bằng sản xuất tập thể, bằng đổi công và thỉnh thoảng chúc tụng một ông “trời” mà người ta hoàn toàn tin chắc. Tin ngưỡng hiện đại là chủ nghĩa hiện sinh, tôn sùng con người và Nhà Nước được pha lẫn với một chút màu mè tôn giáo. Chủ thuyết cho rằng con người chỉ sống cơm áo đã cắt đứt sự liên lạc của con người với thế giới tâm linh, và hoàn toàn biểu thị con người trong những xã hội giai cấp, chủng tộc, quốc gia và dân tộc. Những giá trị của cuộc sống mà chúng ta theo đuổi, bất luận nghề nghiệp của chúng ta là gì, cũng không khác nào những giá trị của kẻ thù của chúng ta: tham quyền, tàn ác và thống trị. Thức ăn ngon, quần áo đẹp, giường nệm ấm êm chưa đủ để thỏa mãn chúng ta. Đau khổ và bất mãn không phải chỉ xuất phát từ sự nghèo khổ. Người là một con vật kỳ là, hoàn toàn khác với các loài vật khác. Con người có những kiến thức xa rộng, những niềm mơ ước bền bỉ, những năng lực sáng tạo và sức mạnh tâm linh. Nếu những yếu tố ấy trong con người không được phát triển và thỏa mãn thì con người có thể có tất cả những tiện nghi mà của cải có thể cung cấp, nhưng cảm thấy đời là vô vị. Trí óc hiện đại được hình thành bởi những Xã- Ước (social contract) của Rousseau, Tư-Bản (Capital) của Marx, Về Nguồn Gốc Các Loài Vật (On the Origin of specsies) của Darwin và Sự Suy Đồi Của Tây Phương (The Decline of the West) của Spengler. Sự hổn độn của đời sống bên ngoài của chúng ta là phản ánh sự rồi loạn trong nội tâm ta. Plato nói: “Những định chế của thế giới bên ngoài chỉ là phản ánh những giá trị trong tâm hồn con người”[2]. phải có một sự thay đổi về những lý tưởng mà chúng ta ôm ấp, về những giá trị chúng ta theo đuổi trước khi chúng ta có thể biểu hiện hóa chúng về phương diện xã hội. Chúng ta chỉ có thể tạo dụng được một tương lai tốt đẹp theo mức độ chúng ta tự thay đổi. Cái mà ta thiếu trong thời đại chúng ta là tâm hồn, chứ thể xác thì không sao cả. Chúng ta đau yếu về tâm linh. Chúng ta phải tìm ra những cỗi gốc vĩnh viễn và khôi phục niềm tin ở chân lý sẽ mang lại sự điều hòa, nhất trí và ý nghĩa cho sự sống; Nếu không, khi bảo lụt xảy đến và tràng vào nhà ta thì nó sẽ sụp đỗ[3].
Chú thích:
[1] Tác giả sách Epistle of James hỏi: “Do đâu mà có chiến tranh và chết chóc giữa các người?” và trả lời: “Do lòng tham dục của các người”.
[2] Cp. Rousseau: “Ô, người ơi! Đừng tìm tác giả của tội ác nửa, tác giả là người đấy. Tội ác người làm hay tội ác người chịu, cả hai đều do người cả”.
[3] Cp. Ruskin: “Từ khi lãnh thổ đầu tiên của con người được thiết lập trên đại dương, hơn hết, có ba chiếc ngai vàng đáng chú ý đã được dựng lên trên bải cát: đó là ngai vàng của Tyre, Venike và của Anh Cát Lợi. Chiếc thứ nhất chỉ còn trong trí nhớ, chiếc thú hai đã sụp đỗ; chiếc thứ ba, thừa hưởng sự vĩ đại của hai chiếc trước, nếu lại quên tấm gương của chúng, thì có thể sẽ trải qua một giai đoạn kiêu hãnh hơn để rồi đi đến tiêu diệt một cách kém thương tâm hơn”.