CHIẾN TRANH và BẤT BẠO ĐỘNG
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Nguyên tác : " Religion and Society " by S. Radhankrishnan
do nhà xuất bản George Allen and Unwin LTD ấn hành
Dịch giả : Hòa Thượng Thính Quảng Độ
III. CHIẾN TRANH VÀ TRẬT TỰ MỚI
Trong cuốn The Study of History (Sử Học), Giáo sư Arnold Toynbee đã nhận xét những hoàn cảnh trong đó các nền văn minh sinh trưởng và những điều kiện đưa đến sự suy đồi của chúng. Sự trưởng thành và bành trướng của các nền văn minh không thể dựa trên sự độc tôn của chủng tộc hay động tác tự nhiên của hoàn cảnh. Chúng là kết quả của sự điều hòa các liên hệ giữa người và hoàn cảnh xung quanh, và tiến trình đó có tính chất “Thách thức và đáp ứng”. Những hoàn cảnh biến đổi cấu thành sự thách thức đối với xã hội và chính nhờ ở nỗ lực đáp ứng lại sự thách thức ấy mà văn minh tinh trưởng. Sống có nghĩa là cố gắng không ngừng để thích ứng hoàn cảnh. Khi hoàn cảnh biến đổi và sự đáp ứng thành công thì ta có tiến bộ; khi hoàn cảnh biến đổi quá nhanh hay quá đột ngột khiến ta không thích ứng kịp thì ta sẽ bị tiêu diệt. Chúng ta đừng tưởng rằng nhờ có trí lực hay biết làm chủ trái đất mà ta thoát được những luật tắc tự nhiên chi phối mọi sinh vật. Trong trường hợp những nền văn minh xưa kia sự thách thức chỉ có tính chất vật chất ngoại tại, ngược lại, vấn đề của những nền văn minh sau này thì phần chính là tinh thần nội tại. Sự tiến bộ ngày nay không thể được đánh giá qua sự phát đạt về vật chất hay kỹ thuật mà bằng những biến đổi sáng tạo ở lĩnh vực tinh thần và tâm linh. Tôn trọng những giá trị tinh thần, yêu sự thật, lẽ phải và cái đẹp, yêu công bằng, chuộng tình thương, đồng tình với những người bị áp bức và tin tưởng tình huynh đệ của con người, là những đức tính sẽ cứu vãn nền văn minh hiện đại… Những kẻ tự tách khỏi cộng đồng thế giới dưới danh nghĩa tôn giáo hay chủng tộc, quốc gia hay chính thể, không những chẳng giúp ích gì mà còn làm hại cho sự tiến hóa của nhân loại. Lịch sử đã ghi lại sự sụp đổ của nhiều nền văn minh đã không tự thích ứng được, đã không sản xuất được những khối óc có đủ thông minh và tài ứng biến cần thiết. Những người sáng suốt nhận thấy trong thời đại nguy hiểm này của thế giới sự kết liễu không những một giai đoạn lịch sử mà còn là một gia đoạn tinh thần của loài người và của mỗi cá nhân tự giác. Con người chưa hẳn đã tiến hóa đến tột đỉnh. Lịch sử sự sống trên trái đất đã bắt đầu từ hơn một nghìn triệu năm. Mỗi thời kỳ địa chất đã xuất hiện những sinh vật có thể đại biểu cho một hình thức sáng tạo cao nhất. Tuy nhiên, những hình thức của sự sống ấy đã được thay thế bằng những hình thức khác. Giai đoạn tiến hóa tới sẽ không phải ở thể chất mà ở tinh thần con người, ở sự hiểu biết rộng rãi và giác ngộ cá nhân, và ở sự phất triển những đặc tính mới thích hợp với thời đại mới. Khi con người có được ý thức triết học, hiểu biết một cách sâu xa về ý nghĩa toàn thể, khi ấy đời sống xã hội sẽ trở nên thích đáng hơn và ảnh hưởng không những đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả các quốc gia và các dân tộc. Chúng ta phải chiến đấu, trước hết trong bản thân ta, rồi đến xã hội bên ngoài, để giành cho được một nền trật tự mới.
Cuộc chiến tranh này không phải là một cuộc xung đột giữa văn minh và dã man, vì mỗt người tham chiến đều quan niệm là họ đang chiến đấu để bảo vệ nền văn minh. Nó không phải một cố gắng để làm sống lại một quá khứ đã chết hay một nền văn minh què quặt đã quá suy đồi. Nó là hành động cuối cùng sẽ mở đường cho một kỷ nguyên mới của thế giới cộng đồng. Bởi vì chúng ta không chịu thay đổi hoặc thay đổi một cách chậm chạp nên quan niệm mới buộc phải phát sinh tìm lối thoát bạo lực. Nếu thế giới cũ đã phải chết trong bạo lực, trong tai họa, trong lầm than, trong khủng bố và hỗn loạn, nếu nó đã sụp đổ và cuốc theo nó nhiều điều chân, thiện, mỹ, cuốn theo bao nhiêu máu, nước mát, sinh mạng và làm cho nhiều người phải quằn quại trong tinh thần, là vì chúng ta đã không tự điều hòa được với thế giới mới mà trên bản chất đã luôn luôn là bất khả phân, và hiện giờ đang trở dậy để trở thành bất khả phân trên thực tế. Nếu chúng ta không tiến tới và không tự trút bỏ những thành kiến chật hẹp thì một tai họa kinh khủng sẽ làm chúng ta bừng tỉnh và giúp ta cởi bỏ và đập tan mọi hình thức cứng nhắc làm tê liệt những tình cảm khoan dung và đồng tình quảng đại.
Tội ác không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Bạo động, áp bức và hận thù không phải là một dấu hiệu hỗn loạn nhưng của một trật tự đạo đức. Luật tắc thiên nhiên vốn nhất trí, vốn tôn trọng tình người và tình huynh đệ, nhưng khi luật tắc ấy bị chà đạp thì kết quả sẽ hỗn loạn, thù hận và chiến tranh. Lịch sử có luận lý của nó và cho ta thấy những rối loạn, vô trật tự là cần thiết để quét sạch những gì đã quá lạc hậu, quá mòn rũa mà đã cản trở tiến bộ. Ngay bây giờ đây, khi mà thế giới, đứng về phương diện vật chất, cơ hồ như bị tiêu hao bởi oán ghét, khi mà bạo lực, sợ hải, dối trá và tàn nhẫn tựa hồ như đời sống thực tế của đời sống nhân loại, thì những lý tưởng cao cả của chân lý và tình thương vẫn cũng đang ngấm ngầm hoạt động để tiêu diệt bạo ác và dối trá. Nếu ta không sáng suốt và can đảm để hoạt động cho nền hòa bình và thống nhất thế giới thì thế giới này có thể chỉ sẽ là môi trường hoạt động của quỹ sa-tăng đội lốt Thiên thần. Mặc dầu phải trải qua giông tố, ta cứ nhìn về tương lai mà tin tưởng một cách chắc chắn là có một ý thức sâu xa về tất cả sự hỗn độn và rối loạn này. Biết đâu qua những nỗi bi thảm ấy chúng ta lại không có một sự hiểu biết đầy đủ hơn về những giá trị tinh thần mà sẽ đưa nhân loại lên một tầm mức cao hơn. Chiến tranh không phải hoàn toàn do một bọn điên rồ, cuồn tính, ích kỷ, tham lam, mà nó cũng là một cuộc chiến đấu cho tinh thần nhân loại do những cá nhân trung thành, nhẫn nại, trong chờ vào một cuộc sống mới và sự nghiệp hòa bình. Con người là kẻ phá hoại nhưng đồng thời cũng là kẻ xây dựng. Thế giới khổ đau này rất có thể trở thành cảnh cực lạc. Ngày ấy có thể là còn lâu mới đến, có thể là hàng chục năm hay hàng thế kỷ. Vì sự trở thành một thế giới mới không phải dễ dàng, nhưng giá trị của nhân loại cũng không phải cứ mãi mãi đi xuống. Trong mỗi chúng ta đều có một ý thức tiềm tàng sự nhất trí của sự sống, sự nhất trí ấy làm cho lòng người cố kết với nhau trong một niềm tin vững chắc của một nền trật tự tốt đẹp hơn. Đã có một lúc niềm tin ấy yếu ớt và hy vọng đã trở nên lu mờ. Nhưng thời kỳ đen tối ấy đã báo trước một buổi sáng huy hoàng mang lại cho đời sống nhân loại một niềm hoan lạc. Sự ngoan cố và đắc thắng tạm thời của một thiểu số không thể cản trở được bước tiến của thời đại, không thể bóp chết được niềm hy vọng và có ý chí vươn tới của toàn thể loài người. Có thể còn mất nhiều thế kỷ nữa sự tiến bộ về đạo đức mới khiến cho con người gội sạch được lòng vị kỷ hẹp hòi, ham chuộng quyền thế, thú vui phi lý bằng cách đánh gục một kẻ thù, và khiến cho họ từ bỏ những tiện nghi cần thiết, từ bỏ mọi đặc quyền cá nhân mà, chỉ bằng cách đó, họ mới có thể đảm bảo cho xã hội chống lại mọi bất công, thối nát. Tuy nhiên, cuối cùng, sự tiến hóa của thế giới sẽ thắng, bởi lẽ thế giới không phải nằm trong tay của một thiểu số phản phúc bạo tàn. Sự kết liễu của một nền văn minh không phải là sự kết liễu của lịch sử mà rất có thể là sự mở màn cho một thời đại mới.