CHIẾN TRANH và BẤT BẠO ĐỘNG
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Nguyên tác : " Religion and Society " by S. Radhankrishnan
do nhà xuất bản George Allen and Unwin LTD ấn hành
Dịch giả : Hòa Thượng Thính Quảng Độ
VIII. ẢO TƯỞNG CHIẾN TRANH
Thế giới này đã chịu nhiều nỗi đau đớn ê chề vì những việc làm mà ta tin là phải hơn là vì những việc làm mà ta biết là quấy. Những nỗi đau khổ do những kẻ cướp và tội phạm gây ra cho loài người ít hơn là do việc làm quấy của những người lương thiện. Các cuộc Thánh chiến được Giáo hội ban phúc. Các cuộc tra tấn để tìm sự thật không những chỉ dùng cho tội phạm mà cho cả nhân chứng. Các cuộc chiến tranh cũng được những người dân lương thiện coi như những định chế tự nhiên và vô hại trong đời sống văn minh. Những kẻ xấu xa không phải là mối nguy thật sự, nhưng chính những công dân hiền lành, ngoan ngoãn, cần cù và tôn trọng luật pháp đã trở nên điên rồ vì những lý tưởng quốc gia, bởi lẽ quan niệm của họ về điều phải và quấy đã bị hướng dẫn sai lầm một cách cố ý và có hệ thống. Một sự lạm dụng càng ăn sau vào chế độ xã hội bao nhiêu, thì càng khó mà thức tỉnh lương tri con người chống lại nó bấy nhiêu. Chúng ta phải vững vàng để tiến tới một thế giới không còn chiến tranh. Bản tính nhân loại vốn có những khả năng tính tương lai của nó vẫn chưa được phát hiện. Theo một ý nghĩa nào đó, mặc dầu thiên đường của Chúa sẽ không bao giờ được thể hiện trên trái đất này, tuy nhiên, theo một ý nghĩa khác, nó luôn luôn đang được thể hiện. Chưa bao giờ thế giới hoàn toàn đen tối mặc dù nó chưa đạt đến điểm mà nó phải đi tới. Những tội ác hiện hữu trong bản tính và các cơ cấu của con người đã thiêu đốt thế giới ngày nay cũng sẽ là điềm báo trước một sự tiến bộ xa hơn nữa. Chúng ta phải phát triển ý chí hòa bình và tạo nên những điều kiện mà trong đó chiến tranh chỉ là ảo tưởng, không còn sức hấp dẫn được ai. Bản tính con người vốn bảo thủ và trì trệ. Chỉ có nhu cầu bén nhọn nhất mới thúc đẩy được nó hành động. Nó chỉ biến đổi trong trường hợp sự cần thiết thôi thúc ở cả nội tâm lẫn ngoại cảnh, nhưng thật sự nó có biến đổi. Nếu không thì con người sẽ chỉ là một vật bất động. Không có cái gì quá co giãn như tâm tính con người. Loài người thì đang trưởng thành chứ chưa phải đã hoàn toàn.
Những quốc gia văn minh đang bắt đầu thừa nhận chiến tranh là phương pháp lỗi thời để giải quyết mọi xung đột. Sự tàn phá do chiến tranh hiện đại gây nên quá lớn so với những mục đích đến nỗi các lý lẽ và luận cứ mà trước kia người ta dùng để biện minh cho chiến tranh thì ngày nay không thể đứng vững được nữa. Người ta bảo thói quen giết chóc và gây khổ đau là một yếu tố tự nhiên trong con người. Spengler viết: “Người là con thú dữ. Tất cả các nhà mô phạm và đạo đức trong xã hội muốn chối bỏ hình thù ấy cũng chỉ là con thú dữ già nua ghét những con khác vì cuộc tấn công mà họ cố tránh”. Gần đây, trong một cuốn sách nhan đề Chủ nghĩa quốc gia, tác giả viết: “Sự xung đột không phải là chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa dân tộc mà là trong bản tính con người. Niềm hy vọng sẽ có một thời kỳ mà trong đó người ta không tự tổ chức nhau lại thành nhóm cho mục đích tranh đấu với những nhóm khác, có vẻ chỉ là không tưởng”[1]. Loài người không phải là thú dữ thường ăn tươi nuốt sống những con vật yếu kém hơn, cũng không giống như những con vật nguy hiểm. Vả lại, hành động của con người phần nhiều là hậu thiên chứ không phải là bản năng. Chính điều này làm cho con người khác với muôn vật. Hành động của con người có thể thích ứng nới hoàn cảnh. Tính hiếu chiến không phải là một thái độ của bản năng nhưng là một tập quán hậu thiên. Xã hội ngày nay muốn rằng chúng ta phải chịu khổ hay chết ngoài chiến trường, cững như các thời kỳ khác nó đã đòi hỏi người ta phải tự thiêu hay chết dưới xe Jagannath. Chế độ xã hội uốn nắn tâm hồn chúng ta. Người ta sợ xã hội hơn cả sợ đạn đại bác. Muốn đừng sợ, chúng ta phải vượt ra ngoài ước lệ xã hội. Chúng ta cần thay đổi bầu không khí tâm lý.
Trước khi hạ một con thú, người thợ săn viện ra một nhiệm vụ xã hội là cung cấp thực phẩm. Ngày nay người ta không cần đến người thợ săn cho mục đích ấy nữa, thế nhưng sự săn bắn vẫn thịnh hành vì săn bắn để giải trí đã thay thế cho săn bắn để sinh sống. Cũng thế, khi chúng ta bị những kẻ dã man bao vây và tấn công thì người chiến sĩ là nguồn hi vọng, nhưng ngày nay chiến tranh còn cần thiết nữa không? Loài người là loài vật duy nhất giết nhau vì những lý do không tưởng, vì quyền sở hữu đất đai, vì tranh nhau một cô gái, vì hư danh, vì đường biên giới ở chỗ này chứ không phải ở chỗ kia v.v…Khi một định chế không còn cần thiết nữa, chúng ta lại tưởng tượng ra một lý lẽ khác để thỏa mãn thị hiếu do thói quen lâu ngày tạo nên. Chiến tranh đã là trò chơi của các vua chúa và là thể tháo của giai cấp thượng lưu mà trong đó phần thưởng là danh vọng và lợi lộc[2]. Chiến tranh tự nó đã trở thành cứu cánh, một trò chơi thích thú, một cuộc đầu tư của các nhà tài phiệt. Những kẻ tham chiến không phải là những người xấu tự tin rằng họ đang là quấy mà là những người lương thiện nghĩ rằng mình đang làm một công việc phải. Chừng nào mà quyền lực và thành công còn được tôn sùng thì truyền thống quân sự, với hình thức kỹ thuật tàn bạo hiện đại, sẽ còn được ưa chuộng. Chúng ta phải thay đổi những giá trị của chúng ta, phải nhận chân rằng bạo lực là một sự bất hạnh phá vỡ xã hội và tìm ra những phương pháp khác để thiết lập các mối bang giao khả quan hơn, Bernard Shaw nhận định rằng trong một xã hội thật sự văn minh sẽ không còn chỗ cho bạo động, bởi vì không một người nào có thể dùng bạo động đối với một người khác. Sự mỉa mai chua chát của chiến tranh là ở chỗ chúng ta tham chiến không phải vì chúng ta là độc ác mà là chúng ta muốn tỏ ra mình tử tế, rộng lượng. Chúng ta tham chiến để cứu vãn nền dân chủ, để đem lai tự do cho thế giới, để bảo vệ đàn bà, trẻ con và gia đình chúng ta. Ít nhất chúng ta tin như thế.
Cũng như chủ nghĩa ăn thịt người, treo cổ tội nhân, đốt sống nữ phù thủy và các cuộc đấu kiếm coi như phản xã hội thì chiến tranh cũng phải được coi là một tội ác khủng khiếp. Chúng ta phải thừa nhận rằng những tiêu chuẩn luân lý cũng phải được áp dụng cho các quốc gia, và những hành động của một cá nhân được xem như tội ác và vô luân, phản xã hội thì không có lý do gì những hành động ấy lại trở nên chính đáng và hợp lý khi chúng được thực hiện bởi nhà nước. Chiến tranh, dù cần thiết đến mấy đi nữa, vẫn là một tội ác, tội sát nhân, trộm cướp do đa số tham dự.
Người ta biện luận rằng có những đức tính quân sự như can đảm, hỷ xả, trung thành với nghĩa vụ và sẵn sàng hi sinh. Người lính được xưng tụng là vĩ đại vì tự nguyện phục tùng bộ máy chiến tranh. Mà sở dĩ được như thế là vì chiến tranh được diễn tả bằng những lời lẽ rất kiêu, rất hùng tráng và rất hấp dẫn một cách tưởng tượng. Chiến tranh được xem như một yếu tố cần thiết cho sự tiến bộ và văn minh là nguồn đạo đức và hạnh phúc[3]. Vào buổi đầu, chiến tranh tương đối còn là một sự kiện nhỏ, nó chỉ là một cuộc chiến đấu đơn lẻ như các cuộc đấu quyền thuật. Ở thời Trung cổ người ta theo đuổi nghề nghiệp quân sự và tự bán mình cho các quốc gia kình địch như những lính đánh thuê tham dự các cuộc chiến không có liên can gì đến họ. Họ phạm tội giết người vì các quốc gia mà họ không mang ân nghĩa gì cả. Nhưng các cuộc chiến tranh hiện đại với những vũ khí man rợ giết người hàng loạt, đa số là dân thường, là một tai họa khủng khiếp giáng xuống đầu một dân tộc. Đàn bà và trẻ con ở trong trận tuyến. Tài phát minh của con người đã tiến từ đá vụn đến thép, từ thép đến thuốc súng, từ thuốc súng đến hơi độc và vi trùng (khí giới). Chiến tranh trong thế giới máy móc hiện đại là sự đe dọa khủng khiếp cho nền văn minh. Bằng bạo lực vật chất và không ngừng tuyên truyền gây hận thù đối với kẻ địch, chiến tranh đã làm cho tình cảm con người trở nên chai đá. St. Augustine hỏi: “Người ta lên án chiến tranh vì lẽ gì? Có phải nó giết nhiều người mà một ngày kia đều phải chết? Những người yếu bóng vía – chứ không phải những nhà tôn giáo – có thể trách cứ chiến tranh vì lẽ đó. Điều mà người ta lên án chiến tranh là ý muốn hãm hại, lòng thù hận, và ham muốn chiếm đoạt”. Trong tác phẩm vĩ đại Chiến Tranh Và Hòa Bình, Tolstoi viết: “Mục đích của chiến tranh là giết người, dụng cụ của nó là mật thám, là phá hoại dân lành, cướp đoạt của họ để tiếp tế cho quân đội, lừa bịp, dối trá mà người ta kêu là kế sách nhà binh, những thói quen của nghề lính là thiếu tự do, tức là, kỷ luật, lười biếng, dốt nát, bạo ác, tàn nhẫn, say sưa”. Frederick đại đế viết cho đại thần Podewills: “Nên là những người thật thà, nhưng nếu cần phải dối trá thì chúng ta sẽ dối trá”[4]. Không một ai thấy rõ sự sụp đỗ toàn diện các tiêu chuẩn, những nỗi đau khổ và khủng khiếp của chiến tranh, những tra tấn cực hình của con người mà lại còn phóng đại chủ nghĩa anh hùng và thắng lợi của chiến tranh. Chiến tranh đã đưa hàng triệu người xuống hố thẳm của chết chóc, hàng triệu gia đình tan hoang. Tất cả tội lỗi đều tập trung trong chiến tranh. Quận công Wellington nói: “Hãy tin tôi đi, nếu bạn chỉ thấy chiến tranh trong một ngày thôi thì bạn sẽ cầu nguyện đấng tối cao đừng bao giờ cho bạn thấy chiến tranh trong một giờ”. Lão tử nói: “Một cuộc chiến thắng phải được cử hành theo nghi thức tang lễ”[5].
Người ta cho chiến tanh là một tội ác không thể tránh khỏi, là một tai họa, một ngọn roi trùng phạt của Thượng Đế, một hiện tượng thiên nhiên cũng như động đất, bảo lụt và giông tố, hoàn toàn vô nhân cách (imperspnal). Sự xuất hiện của những kẻ dã man cũng giống như cộc tấn công của đàn châu chấu hay một đám vi trùng dịch tả, chúng ta phải đẩy lùi cuộc tấn công ấy bằng bạo lực. Chiến tranh không phải là hành động của Thượng Đế hay những luật tác thiên nhiên, mà là do con người gây ra. Chiến tranh chỉ khó tránh khỏi chừng nào mà chúng ta còn coi quyền chính trị là tự nhiên. Nếu những giá trị công bằng và khoan dung phải phụ thuộc vào mục đích quyền lực thì người ta không thể thay thế được “luật rừng rú”. Nếu thực tế chính trị có nghĩa là thừa nhận chiến tranh như hiện tượng thiên nhiên thì chúng ta phải vứt bỏ sự tự do của con người. Hòa bình trên trái đất là một niềm tin, một hành động ý chí chống lại quyết định luận.