CHIẾN TRANH và BẤT BẠO ĐỘNG
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Nguyên tác : " Religion and Society " by S. Radhankrishnan
do nhà xuất bản George Allen and Unwin LTD ấn hành
Dịch giả : Hòa Thượng Thính Quảng Độ
IX. XÃ HỘI LÝ TƯỞNG
Cái lý tưởng mà chúng ta theo đuổi phải tốt đẹp hơn cái tình trạng hiện tại, nhưng không xa vời với những điều kiện sống của con người. Thế giới không thể một sớm một chiều phục tòng luật yêu thương được. Chúng ta bảo rằng kẻ thù của ta chiến đấu để thống trị, và chúng ta để giải phóng, một thời đại mới. Chúng ta chiến đấu không chỉ để giải phóng thế giới khỏi ách thống trị của Đức Quốc Xã, nhưng còn để tạo nên những điều kiện thuận hảo trong đó các dân tộc khác nhau vẫn bảo tồn được đặc chất và đóng góp tùy theo khả năng của họ. Chiến tranh là kết quả của những thói quen suy tư và chế độ bóc lột mà chúng ta đã theo đuổi trong suốt mấy thế kỷ này. Hitler là một hậu quả, một trưng chứng, chứ không phải là nguyên nhân. Ông ta không phải là tình cờ, mà là một kết quả tự nhiên, không tránh khỏi, của nền trật tự hiện tại. Muốn tránh chủ nghĩa Hitler, chúng ta phải quả quyết rằng, tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da hay tín ngưỡng, phải có một cơ hội đồng đều để làm việc và sinh sống, rằng giáo dục, tài sản, nhà ở và các quyền tự do dân chủ phải được đảm bảo đồng đều cho tất cả. Những mâu thuẫn trắng trợn của một nền kinh tế bắt buộc phải thiêu hủy thực phẩm trong khi dân chúng nhịn đói[1], và những xa xỉ bên cạnh đói rách, thiếu thốn, phải được san bằng. Thống trị là sản phẩm của sự bất an. Nếu không có người mạnh áp bức kẻ yếu thì sẽ chẳng có bạo lực.
Bất luận là vì nguyên nhân gì, tín ngưỡng, tâm lý, kinh tế, hay tổ chức, chỉ có áp lực vào các chính phủ mới có thể ngăn cản họ khỏi đánh nhau. Các đoàn thể không chính thức không thể hành động chống lại chính phủ trong những giờ phút khủng hoảng vì như thế có nghĩa là phản loạn. Chúng ta phải thiết lập những định chế nhờ đó chúng ta có thể phát triển các thói quen hòa bình và lương hảo.
Những kẻ tham chiến không là tội phạm mà chính là những kẻ nuôi dưỡng những khổ đau thật sự. Họ đáp lại những bất công của ta bằng những bất công bạo lực của chính họ. Chúng ta đừng tức giận và phải thừa nhận là có một cái gì sai lầm từ gốc rễ trong thế giới hiện tại. Chúng ta phải hoàn thành một cách ôn hòa sự cải biến xã hội mà mục đích của nó là công bằng cho cá nhân cũng như quốc gia.
Chúng ta phải tạo nên những thói quen, hệ thống luật pháp, tự do và hòa bình để thay cho sự cưỡng bách của nhà nước. Đối với những kẻ trộm cướp giết người không tôn trọng luật pháp, hay sự xâm lược bừa bãi đối với một nước láng giềng hiếu hòa, chúng ta có quyền sử dụng bạo lực. Súng và “dùi cui” không phải là những thứ đẹp mắt lắm, nhưng chúng còn tốt hơn là sự hỗn loạn, vô trật tự và tự do đốt nhà cướp của. Trên nguyên tắc, chúng ta chống lại sự dùng đến bạo lực để “dẹp” rối loạn chỉ có nghĩa là chúng ta ân hận đã dùng đến nó, đó là điều cần thiết rất đáng tiếc. Vì, nếu ta để cho xâm lược tự do hoành hành, không bị chặn đứng, thì như thế chúng ta đã làm tăng thêm mức độ tội ác. Nhiệm vụ của nhà nước là phải ngăn chặn sự dùng vũ lực một cách bừa bãi, ta đừng bao giờ sử dụng quá cái mức độ cần thiết, nếu không thì bạo lực vô luật pháp lại thay đổi chỗ của hỗn loạn. Đời sống quốc gia gồm những cuộc tranh chấp riêng tư cũng như đời sống quốc tế hiện nay. Trật tự và tự do trong đời sống quốc gia được bảo đảm bằng nền giáo dục và việc ứng dụng vũ lực một cách hợp pháp.
Một phương pháp tương tự cũng sẽ được áp dụng cho những vấn đề quốc tế. Trong bất cứ một xã hội khuyết điểm nào cũng phải có luật pháp được vũ lực yểm trợ để khiến cho đa số người lương thiện có thể sống chung giữa một thiểu số bất lương. Lý tưởng mà tay không thì không thể khắc phục được tội ác. Pascal nói: “Công lý không có vũ lực sẽ bất lực”[2]. Chừng nào mà có người không để ý đến công lý sẽ có sức mạnh. Chúng ta như những con tàu chỉ cần điều hòa một chút với gió và thời tiết là sẽ đến bến. Sự nhiễu loạn quốc tế sản sinh ra những đế quốc nô lệ và Hitlers. Thay vào đó là một hệ thống ban giao quốc tế xây dựng trên nền tảng luật pháp, cộng tác và hòa bình. Nếu chúng ta hoạt động cho sự cộng tác hòa bình quốc tế thì những thế lực đế quốc phải tự lột bỏ những thuận lợi và đặc quyền về kinh tế mà họ đã chiếm được dưới một chế độ chính trị quyền lực.
Có người cho rằng ta có thể hạn chế các liên bang thì sẽ giảm thiểu được nguy cơ chiến tranh trong những khu vực địa dư nào đó. Nhưng điều đó không thể giải quyết được vấn đề bởi vì mối liên lạc của các quốc gia không được giới hạn theo địa dư. Mối bang giao liên bang là những bang giao quốc tế, và nếu không có một tổ chức hay chính phủ quốc tế thì không thể tiếp tục được. Hội Quốc Liên là một phần của phong trào vận động luật pháp căn cứ trên sự nhất trí và hợp tác. Nó là một có gắng quyết định các mối bang giao quốc tế bằng những phương pháp bất bạo động như thảo luận, điều giải và luật pháp. Khế Ước Của Liên Minh đã tiêu tan ở Mãn Châu, ở Ethiopia, ở Tây Ban Nha, ở Albania, ở Áo, chứ chưa nói gì đến những việc đã xảy ra ở Munich. Các cuộc hội nghị ngay từ lúc đầu đã nhúc nhát không giám hành động sợ xâm phạm đến chủ quyền quốc gia. Ý kiến trào lộng của vị “Thẩm phán niên trưởng của Tòa án quốc tế tại Hague” trong vỡ kịch Geneva của Bernard Shaw không phải hoàn toàn vô vị [3]. Trong bài nói chuyện trên đài phát thanh ngày 27/09/1939, ông Neville Chamberlain nói: “Dù chúng ta có thện cảm bao nhiêu đi nữa với một nước nhỏ đang chống trả một nước láng giềng lớn mạnh, chúng ta cũng không thể, dưới bất cứ hoàn cảnh nào, đưa cả Đế Quốc Anh vào vòng chiến chỉ vì một nước nhỏ đó. Nếu chúng ta phải chiến đấu thì đó phải là những vấn đề trọng đại hơn.” “Tôi tin rằng bất cứ quốc gia nào quyết định khống chế hoàn toàn chỉ vì sợ sức mạnh của nó thì chúng ta phải cương quyết chống trả”. Đây không phải là giáo điều của bảng khế ước mà là chính sách cũ kỹ về cán cân lực lượng. Anh quốc sẽ không tham chiến để cứu nước Bỉ hay Tiệp Khắc, chỉ có sự ngăn chặn của một kẻ láng giềng hùng mạnh, dù kẻ ấy là Hitler, là Kaiser, hay Napoleon, mới có đủ để biện minh cho chiến tranh. Những mục tiêu riêng của quốc gia quan trọng hơn công pháp quốc tế. Harold Nicolson vạch ra rằng Anh quốc tham chiến vì một “Bản năng sinh vật kiện khang, bản năng tự tồn”. Liên Minh thất bại vì những kẻ gia nhập đã không chịu từ bỏ những quyền lợi mà họ đã chiếm đoạt được bằng bạo lực. Người ta dùng Liên Minh để củng cố một nền trật tự bất công và, như vậy, nó cũng lại tôn thờ cái trò chơi cũ kỹ của quyền lực chính trị. Quyền lực vô tư của các quốc gia còn khó đạt được hơn tính vị tha của cá nhân. Nếu Liên Minh muốn hoạt động một cách đúng đắn thì nó phải có những cơ quan thường trực, cơ quan nào sẽ làm ra luật pháp để quy định các mối bang giao giữa các nước, và cơ quan nào sẽ giải quyết các cuộc tranh chấp đúng theo những luật lệ ấy. Cơ quan sau này có thể được cho thêm quyền hạn để thực hiện những sự thay đổi căn bản về các mối bang giao quốc tế. Bất cứ một Liên Minh nào cũng phải có một cơ quan lập pháp (quốc hội liên minh), tư pháp và hành pháp, vì không có một quốc gia nào có thể tự là quan tòa thưởng, phạt chính mình. Chúng ta đã có một hệ thống luật pháp chí công vô tư được vũ lực yểm trợ để ngăn chặn sự xâm phạm của các cá nhân, cũng thế, chúng ta cần phải có một lực lượng cảnh sát quốc tế. Nếu một quốc gia vi phạm luật pháp của các quốc gia và ỷ vào vũ lực thì luật pháp phải được vũ lực quốc tế yểm trợ, các quốc gia xâm phạm phải được đưa ra trước Tòa Án Liên Minh. Trong hoàn cảnh hiện tại, người ta không thể phản đối nỗ lực của Liên Minh dùng chiến tranh để ngăn chặn chiến tranh, nếu thế thì trong những điều kiện hiện hữu người ta cũng có thể hoàn toàn từ bỏ vũ lực. Trong những mối liên hệ của con người, sự lựa chọn không phải là giữa tốt và xấu, mà là giữa cái xấu và cái xấu hơn. Sự sử dụng vũ lực một cách bừa bãi của các quốc gia hiển nhiên là tồi tệ hơn sự dùng vũ lực có quy định của cộng đồng quốc tế. Chúng ta không thể xuất tiến luật lệ và sự hợp tác trừ phi quyền hành của các quốc gia cộng đồng được áp dụng để duy trì luật pháp chống vào những kẻ ỷ vào bạo lực. Bất bạo động có thể không đạt được nếu chúng ta muốn ngay tức khắc, nhưng ta có thể đi lần tới đó bằng giai đoạn.
Các quốc gia ngày nay chưa có được thái độ coi hành động chiến tranh chống lại một người cũng như hành động chiến tranh chống lại tất cả. Các quốc gia đồng minh, ràng buộc bởi lý tưởng chung, có thể trong thời chiến tự tổ chức thành Liên Bang với một Quốc Hội trực tiếp do các dân tộc bầu ra, và sau thời chiến, các nước khác có thể được thâu nhận. Một xã hội mới đang cựa mình để trỗi dậy và nền trật tự cũ đang tìm mọi cách để cản trở nó. Những người chiến đấu chống lại phe Trục đang đứng về phía Cách Mạng. Nếu chúng ta muốn mục đích tự do, dân chủ thì chúng ta cũng phải cần những phương tiện để đạt được nó. Không còn cách nào khác để đạt được một nền hòa bình vĩnh cửu.
Chú thích:
[1]- Sir John Orr khẳng định: “Một phần ba dân số ở Anh quốc và khoản một số tương đương ở Hoa Kỳ, không có thức ăn, và nhà ở trên tiêu chuẩn cần cho sức khỏe. Tại phần lớn các quốc gia khác, con số dân chúng chưa bao giờ được đủ ăn, đủ mặc và đủ ở, còn cao hơn nữa. Trong số các bộ lạc thiểu số mà Anh quốc có trách nhhiệm về hạnh phúc của họ, tương đối chỉ có một số nhỏ dân chúng có cơm ăn, có nhà ở đúng với mức mà sức khỏe đòi hỏi”. - Fighting for what? (Chiến đấu cho cái gì?), 1942.
[2]- Cp. “Công lý không có vũ lực thì bất lực. Vũ lực không có công lý thì là tàn bạo. Công lý không có vũ lực thì vô hiệu, bởi vì sẽ luôn luôn có tội phạm. Vũ lực không có công lý thì bị lên án. Công lý và vũ lực phải đi đôi với nhau để khiến cho cái mà công bằng sẽ mạnh và cái mà mạnh sẽ công bằng” – Pensées.
[3]- “Sir Orpheus Midlender: nhưng chắc chắn là một thủ tục như vậy chưa bao giờ được nghĩ đến khi các cường quốc gia nhập Liên Minh?
Vị thẩm phán niên trưởng: Tôi không tin bất cứ một điều gì đã đựoc trù hoạch khi các cường quốc gia nhập Liên Minh. Họ ký vào bản khế ước, mà không đọc qua, để buộc tổng thống Wilson. Hoa Kỳ lúc đó không chịu ký vào bảng khế ước, để dễ cho tổng thống Wilson, cũng không đọc nó. Từ đó trở đi các cường quốc hành động về mọi phương diện tựa hồ như Liên Minh đã chết rồi, trừ khi họ có thể dùng Liên Minh cho những mục đích riêng.
Sir Orpheus Midlender: nhưng họ có thể dùng nó bằng cách nào khác nữa không?
Thẩm phán niên trưởng: Họ có thể dùng nó để duy trì công lý và trật tự giữa các quốc gia” – p.40.