lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Weblinks:
Thiền Trúc Lâm Tư Tưởng Triết Lý
ĐINH QUANG MỸ
Có lẽ cho đến nhà Trần người ta mới thấy có một nhân sinh quan "Cư trần lạc đạo" theo kiểu trên, không phải chỉ bộc lộ bằng lời, mà được chứng tỏ hào hùng bằng chính cái phong thái sống động của Thiền sư. Một cách nào đó, nhân sinh quan ấy, đã là sự chung đúc của một truyền thống lâu dài trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nếu đời là phấn đấu cho sự sinh tồn của dân tộc, thì đạo phải là ngọn đuốc sáng hướng dẫn và khích lệ cho sự phấn đấu đó. Vì vậy, chúng ta thấy, bằng chứng cớ văn liệu của TUTA, kể từ thế kỷ IX trở đi, khi áp lực thống trị của Trung Hoa lên đến cao độ, thì cũng là lúc các Thiền sư thực sự tham gia các hoạt động có tính cách chính trị của dân chúng. Nếu hình ảnh Cao Biền thường thấy xuất hiện trong dã sử, với Việt điện u linh tập và Lĩnh nam trích quái chẳng hạn, như một hung thần, thì trong TUTA, Cao Biền cũng xuất hiện như một tên giặc cướp nước. Thế thì, các Thiền sư thực đã góp tay không ít cho sự hình thành ý thức tự chủ của dân tộc. Kể từ đó, và chính thức từ nhà Lý về sau, dân và đạo là một toàn thể bất khả phân. Đạo Phật đã nhúng tay vào việc thiết lập nhà Lý, nghĩa là đạo được đem ra phụng sự cho ý nghĩa sinh tồn của dân tộc, thì nhà Trần tiếp tay làm sáng rỡ mục đích tối thượng của đạo Phật, tức là đem đời làm hiển lộ bản thể chơn như của đạo. Do đó, nơi Trúc Lâm thừa hưởng một di phong quá khứ, đã là một kết hợp khéo léo giữa lý tưởng thịnh hóa của đạo Phật và lý tưởng thịnh trị của quốc gia, hoàn thành cái ước mơ của Vạn Hạnh Thiền sư. Cái ước mơ mà ngài đã có lần bày tỏ với Lý Công Uẩn: "Ta đã già trên bảy mươi, mà chưa thấy sự thịnh trị của quốc gia nên lấy làm ân hận."
Thế rồi, trong những mối sáng nghiệp của Trần Thái Tông, giữa cảnh điên đảo man trá, tàn bạo không lường của cuộc đời, và niềm thanh tịnh cao siêu của đạo lý, vua bối rối không tìm ra con đường sáng để đi cho trọn vẹn cả hai bên, thì Phù Vân Quốc sư lên tiếng chỉ thị: "Phàm là đấng nhân quân, phải lấy tâm của thiên hạ mà làm tâm của mình, lấy ước muốn của thiên hạ làm ước muốn của mình." Từ đó, Vua trở lại với đời, đem hết phong độ của đấng minh quân sáng nghiệp mà thiết định triều nghi vương hóa. Khi công thành quả mãn với đời, nhà vua lại rủ bỏ ngai vàng như đôi dép bỏ.
Trần Thánh Tông tiếp nối cơ nghiệp cha ông, không chỉ nối ngai vàng để vinh danh một thuở, mà còn là nối cái đức trị, cái lý tưởng đạo và đời của Trần Thái Tông:
Trần triều ròng đức vua quan
Những tiên cùng Bụt, thế gian không bì
Cửu trùng củng thủ thùy y
Hưng sùng đạo Bụt sớm khuya ân cần.
(TTBH, câu 389-392)
Sau 22 năm trị vì, Thánh Tông lại rủ áo ra đi để lại ngai vàng và thiên hạ cho Trần Nhân Tông:
Cho con là Trần Nhân Tông
Thay quyền Đế vị nối dòng Đế vương
Sửa sang quốc chính kỷ cương
Cho cha du thủy du sơn tu hành.
(TTBH, câu 395-39)
Nhưng Nhân Tông khi mới lớn, lòng đã không đam nhiễm mùi đời:
Thái tử lòng muốn tu hành
Nhìn xem phú quí tâm dững dưng.
(TTBH, câu 431-432)
Nên đang đêm vượt thành tìm núi Yên Tử mà đi. Tuy nhiên khi ý thức được trách nhiệm của mình, không phải chỉ riêng cho đạo, mà còn có bổn phận đối với đời, nên đã trở về làm vua. Rồi cuộc đời của vua đã để lại cho quốc gia và dân tộc một thiên anh hùng ca rực rỡ:
社稷兩回勞石馬 Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
山河千古奠金甌 San hà thiên cổ điện kim âu.
Xã tắc hai phen gầy ngựa đá
Non sông muôn thuở vững âu vàng.
Sở đắc của Trần Nhân Tông được tóm tắt như ở TTBH, thác lời điểm đạo của Tuệ Trung Thượng Sĩ:
Tuệ Trung Thượng sĩ chỉ nam
Nhân Tông tác lễ mới tham làm thầy
Tuệ Trung trỏ bảo liền tay
Tức tâm thị Phật xưa nay Bụt truyền.
Tâm là bản thể căn nguyên
Tâm là nhất tự pháp môn thượng thừa
Tâm bao bọc hết thái hư
Tâm năng ứng dụng tùy cơ trong ngoài
Tâm hiện con mắt lỗ tai
Hay ăn hay nói mỗi tài khôn ngoan
Tâm năng biến hóa chư ban
Vạn pháp cụ túc lai hoàn như như.
(TTBH, câu 469-480)
Nhất tâm là căn bản của Đại Thừa giáo. và cũng là căn nguyên xuất phát của Thiền tông. Trên quan điểm suy luận triết lý, nhất tâm được giải thích theo nhiều đường lối sai biệt, nên Đại thừa giáo mới phân thành nhiều tông chi sai biệt. Nhưng qui về căn bản, điểm trọng yếu vẫn là "Tức tâm tức Phật" như TTBH đã nhắc đến:
Tâm hiện con mắt lỗ tai
Hay ăn hay nói mỗi tài khôn ngoan.
(TTBH, câu 477-478)
Đó là giải thích diệu dụng của tâm theo kinh Thủ-lăng-nghiêm. Rồi chúng ta sẽ thấy, kinh Thủ-lăng- nghiêm sẽ là nền tảng để Thiền Trúc Lâm xây dựng một đường lối đồng qui của Tam giáo rộng lớn (xem tiết sau của Chương này).
Theo những yếu điểm của Trúc Lâm đã được đề ra ở trên: Cư trần lạc đạo và Quốc gia Phật giáo, thì Nhất tâm ở đây như một nền tảng vững chải cho triết lý hành động của Trúc Lâm. Bởi vì, một đằng, "Tâm là bản thể căn nguyên", tức là một thực tại cứu cánh mà người ta có thể diễn tả trên quan điểm siêu hình; nhưng đằng khác, Tâm cũng là cái tác dụng nơi con mắt, lỗ tai, "Hay ăn hay nói mỗi tài khôn ngoan", thì nó chính là những sinh hoạt bình thường của tâm thức thường nghiệm. Tâm đó, một khi tác dụng vào tình cảm lãng mạn của văn học, thì người ta phát hiện một thế giới tương giao tương ứng giữa sự bộc phát của tình cảm và cảnh trí thiên nhiên. Cho nên, khi tâm tác dụng trong một thế giới toàn diện, thì người ta không còn phân biệt ranh giới thành thị hay thiên nhiên, mà cái nhân sinh quan "Cư trần lạc đạo" chứng tỏ. Rồi cũng cái Tâm đó, khi được khởi phát bằng ý chí vị tha, thì nó là mục tiêu mà các lý tưởng Phật Đạo hay Quốc gia phải cùng là một.
Nhân Tông ngộ cái "Tâm bao bọc hết thái hư" mà Thái Tông thì ngộ " Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm". Cả hai đều lấy Tâm mà chứng, và đạo lý được chứng cũng lại là Tâm. Nơi Trần Thái Tông, Tâm được phát khởi bằng vô sở trụ, không trụ sinh tử cũng không trụ Niết-bàn; hay nói cách khác, "lấy cái tâm thiên hạ mà làm tâm của mình." Nơi Trần Nhân Tông, Tâm được chứng trong bản thể bao la trùm cả thái hư của nó. Một đàng phát Tâm, một đàng chứng Tâm, diễn đạt tuy có khác, nhưng chung qui chỉ là một ý nghĩa.
Hóa ra, chữ Tâm đã mang dấu hiệu của lịch sử dân tộc, và cũng chính chữ Tâm đó đã chứa đựng số phận của dân tộc, để sau này được kết tinh nơi Nguyễn Du một thiên tài văn học bất hũ của Việt Nam:
Cội nguồn cũng bởi Tâm này mà ra.
Tâm là cội nguồn. Cái từ cội nguồn ấy mà ra, thì ra đủ cả tình bi thương, hoan lạc; tuôn ra con nước định mệnh lịch sử. Thế thì Trần Nhân Tông, khi đã làm Trúc Lâm đại đầu đà, buông dứt trần duyên, mà còn trở về bày đặt truyện Huyền Trân Công chúa, mở đầu cho cuộc Nam tiến đầu tiên trong lịch sử, há chẳng phải là định mệnh lịch sử của dân tộc, phát khởi từ Thiền Tâm? Đó là mấu chốt của lịch sử, mà cũng vừa là yếu chỉ của Trúc Lâm.
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...