lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Hồ Sơ Chủ Quyền Của Quốc Gia Dân Tộc Việt Nam

...

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

...

Nguyên Tử Của Việt Nam Và Quốc Tế

...

Tin Tức Thời Sự Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Thư Tín

...

Weblinks:

 

Tư Tưởng Của Phật Giáo

Thiền Trúc Lâm Tư Tưởng Triết Lý

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9

ĐINH QUANG MỸ

TIẾT MỘT: BỐI CẢNH TƯ TƯỞNG

Trong đồ biểu về phả hệ truyền thừa chính thống của Thiền tông Việt Nam , chúng ta thấy rõ Trúc Lâm là hậu thân của dòng Thiền Vô Ngôn Thông, rồi mãi về sau, được gắn liền với phái Thiền Lâm Tế của Trung Hoa. Thế nhưng, trên lãnh vực tư tưởng, chúng ta cũng đã nói rằng địa vị của Trúc Lâm là địa vị đồng qui, tức là, tư tưởng của Trúc Lâm là tư tưởng tổng hợp rộng lớn. Trong phả hệ Thiền tông Việt Nam, nơi Trúc Lâm hội đủ cả hai khuynh hướng Thiền, của Tì-ni-đa-lưu-chi và của Vô Ngôn Thông. Trên phương diện học thuật, Trúc Lâm cũng là nơi tổng hợp toàn diện hai ngành Phật học, đó là Giáo tông và Quán tông. Đặc tính tổng hợp này, càng về sau càng được nới rộng, để rồi chúng ta sẽ thấy rằng Trúc Lâm cũng là nơi qui tụ các yếu tố tư tưởng của Khổng và Lão. Trong tiết này, chúng tôi sẽ đại cương toàn bộ sự phát triển tư tưởng Phật học trước khi Trúc Lâm xuất hiện, coi đó như là bối cảnh tư tưởng đồng qui của Trúc Lâm.

Về chứng cứ để suy luận, trước hết, chúng tôi đặt trọng tâm trên tiểu sử của Thông Biện, qua cuộc đối thoại giữa Thông Biện và Thái hậu nhà Lý, theo những dữ kiện rút ra từ Thiền uyển tập anh. Có thể nói, đó là một bản lược đồ khá đầy đủ về Phật học Việt Nam. Kế đó, chúng tôi đã mở rộng một ít chi tiết, để củng cố cho chứng cứ suy luận, bằng cách phân tích điển hình những sinh hoạt tư tưởng đặc sắc của các Thiền sư. Trong khoảng thời Lý, như đã được ghi chép trong Thiền uyển tập anh.Cuối cùng, chúng tôi sẽ chấm dứt tiết này khi đã làm nổi bật vai trò tín ngưỡng quần chúng bình dân trong quá trình sinh hoạt và hình thành thế hệ tư tưởng Phật học Việt Nam.

I. BẢN LƯỢC ĐỒ CỦA THÔNG BIỆN.

Thiền uyển tập anh khi chép tiểu sử Thông Biện đã cung cấp cho chúng ta những dữ kiện rất đáng tin cậy. Những dữ kiện này có thể chia thành hai loại. Thứ nhất, liên quan đến lịch sử truyền bá của đạo Phật tại Việt Nam. Thứ hai, báo cáo cho chúng ta biết kiến thức về Phật học vào thời Thông Biện.

Về phương diện lịch sử truyền bá, nếu được đối chiếu với những tài liệu hoạt động về Phật giáo của Tùy Cao Tổ, chúng ta nhận thấy mức độ xác thực khá cao. Điều đáng nói là Thông Biện, khi nại chứng cứ qua lời báo cáo của Pháp sư Đàm Thiên với Tùy Cao Tổ, cho rằng: "Giao châu một cõi có đường thông sang Thiên Trúc, nên khi đạo Phật mới đến Trung Hoa, đất Giang Đông chưa truyền tới, mà Luy Lâu đã dựng trên 20 ngọn bảo sái, độ Tăng hơn 500 người, đọc kinh khoảng 15 quyển." Những dữ kiện như "dựng trên 20 ngọn bảo sái" và "độ Tăng hơn 500 người" thì đến nay chúng tôi chưa tìm thấy vết tích. Những dữ kiện "đọc kinh 15 quyển" thì có thể suy luận từ hoạt động của Khang Tăng Hội.

Khang Tăng Hội là một trong bốn nhân vật được Thông Biện liệt vào hàng những người truyền Giáo tông đến Việt Nam. Tiểu sử có thể tóm tắt như sau: Khang Tăng Hội, người gốc Tây vực, thuở nhỏ, theo cha buôn bán ở Giao Châu, rồi xuất gia tại đây. Dưới thời Ngô Tôn Quyền, ông sang Trung Hoa truyền đạo. Bấy giờ, dân đất Giang Đông lần đầu tiên thấy Sa môn, nên họ lấy làm quái dị. Sau đó, ông mất vào khoảng năm 280. Lịch đại tam bảo ký của Phí Trường Phòng còn cho biết số lượng dịch phẩm của Khang Tăng Hội là 14 bộ . Những bản kinh này một số thất lạc và một số còn lưu truyền đến nay. Trong tác phẩm Xuất tam tạng ký tập của Tăng Hựu đời Lương còn ghi lại hai bài tựa do chính Tăng Hội viết .

Con số 14 mà Trưởng Phòng kê khai sít sao với con số mà Thông Biện nhắc đến. Nếu vậy, chúng ta có thể hình dung được quang cảnh sinh hoạt của đạo Phật thời đó. Sự kiện này sẽ được bổ túc bởi hoạt động của Mâu Bác, trước Tăng Hội trên dưới 50 năm.

Cho đến nay, chúng ta vẫn không biết gì nhiều về Mâu Bác, và tác phẩm quan trọng được gắn cho ông là Lý hoặc luận. Về tác phẩm này, Lương Khải Siêu đặt nghi vấn là phải được viết trong khoảng Đông Tấn chứ không thể vào thời Hậu Hán. Nghĩa là không phải của Mâu Bác, và Mâu Bác cũng chỉ là một ngụy danh. Trong khi đó, Hồ Thích quyết đoán Mâu Bác là một nhân vật lịch sử dưới thời Hán Linh Đế, và Lý hoặc luận đúng là tác phẩm của ông.

Nếu xét về địa vức hoạt động của Phật giáo, mà Lý hoặc luận được kể vào số những tác phẩm được viết tại Trung Hoa và những gì trong tác phẩm đó mô tả là tình trạng sinh hoạt của Phật giáo Trung Hoa đương thời, thì Lý hoặc luận quả không thể xuất hiện dưới triều Hán Linh Đế. Nhưng một khi chúng ta biết rằng sự mô tả của Lý hoặc luận chính là tình trạng sinh hoạt của Phật giáo tại Giao Châu, rồi đối chiếu với hoạt động của Khang Tăng Hội, thì có thể tin rằng Mâu Bác quả là chứng nhân cho thời khởi thủy của đạo Phật tại Việt Nam. Dĩ nhiên, ở đây chúng tôi không thể mở rộng các chi tiết này.

Rút lại, từ Mâu Bác cho đến Khang Tăng Hội, trong khoảng trên dưới một thế kỷ này (K. 189-280) sinh hoạt về mặt học thuật của đạo Phật tại Việt Nam đã có những đặc sắc nào? Có thể trả lời một cách dứt khoát với Mâu Tử Lý hoặc Luận: Giao châu thời đó đã là điểm gặp gỡ của các nguồn tư tưởng lớn Đông phương. Tiểu truyện của Mâu Bác cho chúng ta biết khá nhiều về điểm này:

«Vào thời sau khi vua Hán Linh Đế mất rồi (189), thiên hạ loạn ly, chỉ có đất Giao châu (Bắc Việt) còn tạm yên. Các học giả phi thường xuất chúng ở phương Bắc kéo nhau đến đây. Có nhiều người chuyên về học thuật thần tiên, tịch cốc, trường sinh. Bấy giờ có rất nhiều học giả. Mâu Tử thường đem sách Ngũ kinh hỏi vặn.»

Đoạn văn của Lý hoặc luận vừa được trích dẫn xác chứng rõ ràng Giao châu đương thời đã là nơi qui tụ khá nhiều khuynh hướng tư tưởng dị biệt. Truyện Sĩ Nhiếp trong Việt điện u linh tập cũng nói những sự kiện tương tợ; sách đó lại còn cho biết, đương thời Sĩ Nhiếp, người Hồ đến Giao châu đã khá đông.

Những khuynh hướng tư tưởng dị biệt đã gặp gỡ nhau ngay vào thời buổi văn phong nước Việt vừa khởi sắc, tạo nên truyền thống tổng hợp đặc sắc của Việt Nam. Vì vậy, ngay nơi Lý hoặc luận, chúng ta có thể tìm thấy một sự dung hòa rất tốt đẹp giữa hai truyền thống tư tưởng và tín ngưỡng, Trung Hoa và Ấn Độ. Tác giả khéo dẫn lối chứng luận sâu sắc của các dòng tư tưởng Trung Hoa để giải thích những tín ngưỡng thần thoại của Ấn. Thí dụ: Khi được hỏi về danh hiệu Phật, Lý hoặc luận giải thích: «Phật là tên huý vậy, cũng như tên thần Tam hoàng, Thánh Ngữ Đế. Phật là nguyên tố của Đạo và Đức, đầu mối của Thần minh. Nói là Phật nghĩa là Giác, chợt biến chợt hóa, phân tán thân thể một cách huyền diệu…» Giải thích như vậy đủ chứng tỏ đương thời Phật như một nhân vật thần thoại được truyền tụng giữa nhân gian, khác xa với thái độ Thông Biện khi trả lời cho Thái hậu nhà Lý: «Phật là đấng thường trụ thế gian, bất sinh bất diệt.»

Như vậy, cái nền tảng thứ nhất để dựng lên truyền thống tổng hợp là do hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa dư, trong đó những giao tiếp của quần chúng ở hạ tầng thủ vai trò quyết định. Từ trên nền tảng hạ tầng đó, Lý hoặc luận cho thấy sự tổng hợp diễn ra trên hai lập luận cốt yếu:

Lập luận thứ nhất, tổng hợp vì tính cách thiết thực của tư tưởng:

«Kinh sách không hẳn chỉ là lời của Khổng Khâu. Thuốc không hẳn là chỉ có phương của Biển Thước. Điều gì hợp với nghĩa thì nên theo, thuốc nào khỏi bệnh là thuốc hay. Người quân tử phải rộng nhận tất cả điều thiện để giúp cho thân.»

Lập luận thứ hai, tổng hợp vì tinh thần nhân bản, bởi phi nhân bản thì không là tư tưởng. Ở đây, Lý hoặc luận tự nêu nạn vấn: «Dùng nhà Hạ để biến cải nhà Hạ?» Như thế, chỉ có một nền văn hóa duy nhất, văn hóa Trung Hoa, mới xứng cái vai trò giáo hóa nhân gian. Rồi Lý hoặc luận giải đáp: «Sao phương Bắc ở trên trời là chính giữa, ở tại người là phương Bắc. Lấy đấy mà xem, đất Hán chưa hẳn là giữa trời đất vậy. Kinh Phật nói: Các vật loại có sinh huyết ở trên, ở dưới, khắp cả trời đất đều thuộc về Phật. Vàng với ngọc không tổn thương lẫn nhau.»

Với nền tảng và chứng luận về một truyền thống tổng hợp tư tưởng, khởi sự từ Mâu Bác, như vừa kể, nếu được đối chiếu với bản lược đồ về thế hệ tư tưởng Phật giáo Việt Nam của Thông Biện, chúng ta thấy gì?

Để có thể trả lời một cách sáng tỏ, chúng ta hãy đọc lại một đoạn tiểu sử Thông Biện của TUTA, rồi lập lại bản lược đồ, và sau đó nêu lên một ít chứng luận để kết thúc những nét đặc sắc. TUTA chép:

«Hội phong năm thứ 5 (1096), mùa xuân, tháng 2, ngày 15, Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng thái hậu hỏi: Cái nghĩa Phật và Tổ, hơn kém nhau chỗ nào? Phật tại phương nào? Tổ ở thành nào? Lúc nào thì đến nước này mà truyền đạo ấy? Những người niệm danh hiệu Phật, ai trước? và ai sau? Đạt được tâm của Tổ là yếu chỉ nào?»

Thông Biện đáp:

«Thường trụ thế gian, bất sinh bất diệt, gọi đó là Phật.  Rõ tâm tông của Phật, việc làm và sự hiểu phù hợp nhau gọi là Tổ. Phật và Tổ là một. Nhưng bọn học giả tạp nhạp bày đặt ra có hơn kém đó thôi (...) 19 tuổi xuất gia, 30 thành đạo, ở đời thuyết pháp 49 năm, mở ra đủ các thứ pháp quyền (tạm) khiến cho tất cả được ngộ đạo. Đó là cả một thời dựng giáo. Khi sắp nhập Niết-bàn, sợ có kẻ mê mờ chìm đắm trong đó, nên ngài bảo Văn-thù: Trong 49 năm ta chưa từng nói một tiếng; vậy thì có thể bảo là Ta có cái được nói chăng? Nhân đó, Ngài đưa lên một cánh hoa. Cả chúng đều mù tịt. Chỉ một mình ngài Ca-diếp nhếch mép cười nụ. Phật biết Ca-diếp đã thấu rõ, nên đem chánh pháp nhãn tạng mà trao cho. Đó là Tổ thứ nhất, và được gọi là Tâm tông truyền riêng ngoài giáo. Về sau, Ma Đằng mang pháp ấy truyền vào Lưu Hán. Đạt- ma đem chỉ ấy truyền vào Lương Ngụy. Truyền giáo đó, đến Thiên thai thì thịnh và được gọi là Giáo tông. Truyền chỉ đó, đến Tào khê thì tỏ và được gọi là Thiền tông. Cả hai Tông truyền vào Việt Nam ta đã lâu rồi. Giáo chỉ bắt đầu với Mâu Bác, Khang Tăng Hội, Chi Cương Lương. Thiền thì có Tì-ni-đa-lưu-chi là phái trước, Vô Ngôn Thông là phái sau.

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

free counters

un compteur pour votre site