lịch sử việt nam
Chân Dung Phụ Nữ Việt-Nam Qua Lịch-Sử
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18
Trần Văn Giang
...
Hoàng Thái Hậu Từ Dũ
2.5- Hoàng Thái Hậu Từ Dũ
Hoàng Thái Hậu Từ Dũ sinh ngày 19 tháng 5 năm 1810, chính quán Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định, (Tiền Giang ngày nay). Tên thật của Bà là Phạm Thị Hằng, cha là công thần Phạm Đăng Hưng, mẹ là Phạm Văn Thị. Thuở nhỏ, Bà nổi tiếng hiếu hạnh, làu thông kinh sử, rất mực hiền thục.
Lên 14 tuổi, Bà được tuyển triệu vào cung để chầu hầu Hiến Tổ (sau này là vua Thiệu Trị). Năm 16 tuổi Bà sinh ra Dục Tôn Anh Hoàng Đế - tức vua Tự Đức.
Các sử gia nhà Nguyễn không tiếc lời ca ngợi Bà là bậc Mẫu nghi thiên hạ suốt 8 đời vua, gắn liền vận mệnh vinh nhục của triều đại cuối cùng, lưu danh trên sử sách cho đời sau.
Mỗi lần vua Tự Đức rỗi rảnh vào hầu, Bà thường nhắc nhở công đức và những lời nói, việc làm của tiên đế để khuyên dạy, ngõ hầu giữ gốc trung hậu, không nên chuộng mới, nới cũ. Vua Tự Đức ghi lại những lời nhân hậu của mẹ dạy trong sách “Từ Huấn Lục.”
Bà nghiêm khắc đối với thân nhân dòng họ, phê phán gắt gao kẻ dựa quyền thế gia tộc Bà để tìm đường cầu vinh, hoặc che chở kẻ phạm pháp. Bà bảo vua Tự Đức rằng: “Người trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc; chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng Đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết.” Song song với việc đó, Bà quý trọng các quan trung thần, muốn có nhiều người như Võ Trọng Bình thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn và Nguyễn Tri Phương công trung cần cán không từ việc mệt nhọc.
Chuyện rằng, Phạm Phú Thứ làm quan ở Viện Tập Hiền, khẳng khái can vua mê đàn hát, bị giáng chức làm lính, Hoàng Thái Hậu Từ Dũ biết được bèn khuyên vua Tự Đức: “Chính ông Thứ là bề tôi trung, dám can gián Vua. Kẻ xu nịnh, cúi đầu vâng dạ để lấy lòng bề trên, chắc gì họ hết lòng vì Hoàng đế.” Vua Tự Đức nghe lời dạy chân chính của Hoàng Thái hậu, quỳ lạy mẹ nhân hậu và tha cho Phạm Phú Thứ.
Ngày 5 tháng 4 năm 1901 Bà mất, thọ 92 tuổi, 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn Vua, Bà góp ý bàn bạc về chính sự, hết lòng vì nước, thương dân. Ngày 5 tháng 5 năm 1901, Bà được dưng tôn thụy là “Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dũ Bác Huệ Trần Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương Hoàng Hậu.” (Theo “Đại Nam chính biên (sơ tập) Quốc sử quán triều Nguyễn”).
Tóm lại, nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta đã thấy rất nhiều gương phụ nữ, từ thường dân áo vải của vườn chè, làng chài cho đến mệnh phụ mẫu nghi cung đình, không chỉ đơn thuần âm thầm chịu yên thân yên phận sống cuộc đời bình thường buồn tẻ như Nho giáo đã vẽ ra cho họ trong khuôn khổ “tam tòng tứ đức.” Họ là những người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, tài hoa và dũng cảm; và hơn thế họ có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với đất nước Việt Nam và thậm chí với cả thế giới. Đó là những nữ vương, nữ hoàng, nữ tướng quyền lực, anh hùng liệt nữ, nữ thi hào…, những phụ nữ được dân tộc tôn kính qua sự hy sinh và chịu đựng; sự lãnh đạo anh minh, tính quật khởi bất khuất phi thường lúc đất nước và gia đình lâm nguy…, những nữ thi hào văn học người chẳng những đẹp về nhan sắc mà còn thông minh văn hay chữ tốt.
Ngày hôm nay, tiếng thúc voi của Bà Trưng Bà Triệu, tiếng từ biệt bi ai của Công chúa Huyền Trân, Công nương Ngọc Vạn; tiếng than vãn ai oán của Ngọc Hân công chúa; lời gia huấn chân chính của Nguyên phi ỷ Lan, Thái hậu Từ Dũ hình như còn âm vọng bên tai…; Những người phụ nữ âm thầm che dấu nỗi đau khổ mất chồng mất con để tiếp tục lặng lẽ hy sinh cho tương lai của đất nước; những cô gái chưa kịp hưởng tuổi thanh xuân, hạnh phúc đời sống cá nhân đã quên thân mình để đem lại bình yên cho dân tộc. Chúng ta được may mắn sống một đời sống yên ổn hôm nay, xin một lần bày tỏ lời tri ân, sự kính trọng trước những cống hiến của người phụ nữ Việt Nam cho cuộc sống gia đình và xã hội, cũng như ca ngợi những nét đẹp của người phụ nữ con cháu Âu Lạc.
Trần Văn Giang (Ghi lại)
8/27/2011
________________
Tài liệu tham khảo:
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
- Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Viện Sử Học dịch (1957-1960). Nxb Giáo Dục (Hà Nội), 1998.
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb KHXH, Hà Nội, 1983.
- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
- Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên. Nxb Khai Trí, Sài Gòn, lần tái bản năm 1968.
- Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử VN (tập I). Nxb Đại học & THCN, 1983.
- Trương Hữu Quýnh-Phan Đại Đoàn-Nguyễn Cảnh Minh, Đại cương lịch sử Việt Nam. Nxb Giáo dục, 2007
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử