lịch sử việt nam
Chân Dung Phụ Nữ Việt-Nam Qua Lịch-Sử
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18
Trần Văn Giang
...
Bà Sương Nguyệt Ánh
1.4- Bà Sương Nguyệt Ánh
(theo Lan Hương – Báo Quê hương)
Lịch sử báo chí quốc ngữ Việt Nam đã từng trang trọng ghi nhận tên tuổi, sự nghiệp một nữ chủ bút đầu tiên nổi tiếng - Sương Nguyệt Ánh.
Bà tên thật là Nguyễn Xuân Khuê gọi là Xuân Khê, tục danh Năm Hạnh, biệt hiệu là Nguyệt Anh. Bà sinh ngày 08.03.1864 tại Ba Tri (Bến Tre), là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, sinh ra vào thời kỳ nhà thơ về Bến Tre nương mình trong những ngày chạy giặc. Lớn lên giữa cảnh đất nước đang rên xiết dưới gót quân thù, bên người cha - nhà thơ - chí sĩ tài năng, khí tiết, suốt đời dùng ngọn bút đấu tranh không mệt mỏi vì tự do và người mẹ hiền thục tảo tần, Bà sớm thừa hưởng được chí cha, đức mẹ, có bản lĩnh hơn người và luôn nuôi ước vọng tạo nên một sự nghiệp. Từ nhỏ đã nổi danh tài sắc nhưng bước vào đời, Bà không gặp may mắn. Lấy chồng năm 24 tuổi, được mấy năm thì chồng chết, Bà ở vậy nuôi con gái. Cha mẹ đều đã qua đời, cảnh cô đơn lại càng thêm neo đơn, người goá phụ Xuân Khuê cương quyết thủ tiết. Từ đó tên và bút hiệu của Bà vĩnh viễn là Sương Nguyệt Anh điểm thêm một chữ Sương trước tên hiệu Nguyệt Ánh là vì thế...
Sương Nguyệt Ánh đã toan an bài với số phận, không màng tới thế sự nhưng tài năng, nhiệt huyết của bản thân cùng cảnh đời đau thương mà sôi động lại chẳng thể làm Bà dửng dưng. Những năm đầu thế kỷ XX khi Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du, Bà nhiệt tình hưởng ứng, bán cả đất vườn lấy tiền gửi giúp du học sinh. Phong trào bị đàn áp rồi thất bại, Bà vẫn không nản lòng, tiếp tục tìm mọi cách góp sức mình vào công cuộc cứu nước. Năm 1917, Bà nhận lời mời của một nhóm chí sĩ ái quốc ra làm chủ bút tờ báo “Nữ giới chung” xuất bản tại Sài Gòn. Đây là tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam. Ngày 01.02.1918 báo ra số đầu và bà chính thức trở thành nữ chủ bút đầu tiên trong lịch sử báo chí quốc ngữ Việt Nam. Suốt hơn 20 số báo, Bà dành trọn cả tâm huyết và tài năng của mình để góp phần chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. Bà chẳng những có vai trò rất lớn trong việc làm thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ trước thời thế mới, mà còn làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam khi đó, đồng thời tạo tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này xuất hiện như Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm... Tháng 07.1918, tờ “Nữ giới chung” phải đình bản, Bà lại về Ba Tri theo gương cha ngày trước dạy học, bốc thuốc và sáng tác thơ văn cho tới ngày tạ thế (20.01.1921).
Sương Nguyệt Ánh thuộc thế hệ nhà thơ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, làm thơ bằng chữ Hán, chữ Nôm và quốc ngữ. Giọng thơ cổ kính nhưng tha thiết, tràn trề nỗi niềm nhân thế trong một sự cảm nhận sâu sắc có phần bi phẫn mà ngang tàng.
Viết về cuộc đời mình, lời thơ của Sương Nguyệt Ánh bao giờ cũng điềm tĩnh nhưng khảng khái và ẩn chứa chút tự hào riêng của một "trang tiết phụ,” dẫu gặp cảnh đời éo le, nhân duyên trắc trở, bị cuộc sống xô đẩy và dẫu luôn vươn tới cái mới, cái hiện đại thì vẫn giữ được lòng kiên trinh truyền thống - bản tính đáng quý của phụ nữ Việt từ bao đời nay.
Tình thương, sự hoà đồng và cảm thông, chia sẻ với những người cùng giới, cùng cảnh được thể hiện khá đằm thắm trong thơ Sương Nguyệt Ánh. Năm 1914, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, thực dân Pháp mộ lính Việt Nam đưa xuống tàu sang Pháp tham chiến. Sương Nguyệt Ánh đã phản kháng bằng một bài thơ chữ Hán da diết, làm thay lời người vợ than khóc cho cuộc chia ly không hẹn ngày trở về, cho nỗi nhớ mong khắc khoải:
Cỏ rạp thân mềm liễu rũ hoa
Chàng đi bao thuở lại quê nhà
Nửa đêm trăng xế lòng ngao ngán
Chiếc gối quyên gào luỵ nhỏ sa
ải bắc mây giăng che bóng nhạn
Vườn xuân nắng tạc ủ mày nga
Nhớ nhau mất lúc chiêm bao thấy
Nhìn dặm lang quân biết chi là?
Sương Nguyệt Ánh còn nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm khác như Thưởng bạch mai, Điếu Khuất Nguyên, Ngày Đoan Dương... Nhìn chung ngôn ngữ và hình tượng thơ chưa có gì quá độc đáo hoặc quá mới mẻ nhưng cái tình thì sâu rộng, nồng nàn, chân thật và sự cảm nhận tinh tế.
Bằng tất cả tài năng tâm huyết suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp chung, Sương Nguyệt Ánh đã để lại tâm trí người Việt Nam hình ảnh đẹp về một nữ chủ bút đầu tiên, một nhà thơ và một người tiên phong trong công cuộc đấu tranh vì quyền lợi, địa vị của phụ nữ nước nhà.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử