lịch sử việt nam
Chân Dung Phụ Nữ Việt-Nam Qua Lịch-Sử
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18
Trần Văn Giang
...
1.2- Bà Huyện Thanh Quan
Bà Huyện Thanh Quan (chữ Hán: 婆縣清觀,? -?), tên thật: Nguyễn Thị Hinh, là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng trong thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam.
Tiểu sử
Nguyễn Thị Hinh người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây, Hà Nội.
Cha Bà là Nguyễn Lý (1755-1837), đỗ thủ khoa năm 1783, đời vua Lê Hiển Tông. Bà là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825), và là vợ Lưu Nghị (1804-1847), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ cử nhân năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình), nên người ta thường gọi Bà là Bà Huyện Thanh Quan. Chồng bà làm quan trải đến chức Bát phẩm Thư lại bộ Hình, nhưng mất sớm (43 tuổi).
Dưới thời vua Minh Mạng, Bà được vời vào kinh giữ chức Cung Trung Giáo Tập để dạy học cho các công chúa và cung phi.
Khoảng một tháng sau khi chồng mất, bà lấy cớ sức yếu xin thôi việc, rồi dẫn bốn con về lại Nghi Tàm và ở vậy cho đến hết đời.
Năm 1870, ở Nghi Tàm nổ ra cuộc đấu tranh chống lệ nộp chim sâm cầm, một đặc sản của vùng này. Theo Ngọc phả (ghi nhận công đức của những người có công với dân làng), thì chính Bà Huyện Thanh Quan đã thảo đơn cho dân gửi lên vua, nhưng vì phục tài đức của Bà nên quan huyện Hoàn Long đã phớt lờ đi
Chùa Trấn Bắc
Tác phẩm
Bà Huyện Thanh Quan sáng tác không nhiều, hầu hết viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật. Hiện gồm những bài sau:
1. Thăng Long thành hoài cổ
2. Qua chùa Trấn Bắc
3. Qua Đèo Ngang
4. Chiều hôm nhớ nhà
5. Nhớ nhà
6. Tức cảnh chiều thu
7. Cảnh đền Trấn Võ
8. Cảnh Hương sơn
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy thì 4 bài đầu là hoàn toàn chính xác của Bà Huyện Thanh Quan bởi có sự thống nhất từ tư tưởng đến phong cách nghệ thuật. Bài thứ 5 (Nhớ nhà), như là một dị bản của “Chiều hôm nhớ nhà.” Hai bài 6, 7 xét từ phong cách thì không giống phong cách Bà Huyện Thanh Quan mà giống phong cách Hồ Xuân Hương nên ông cho là của Bà Chúa Thơ Nôm (xem thêm chuyên luận Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực của ông). Cuối cùng bài 8 cũng không giống với tư tưởng và phong cách Bà Huyện Thanh Quan.
Nhận xét
Trích:
- Dương Quảng Hàm:
“Những bài thơ Nôm của Bà phần nhiều là tả cảnh, tả tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra Bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện.”
- LM Thanh Lãng:
“Thơ Bà Huyện Thanh Quan đầy chất thơ. Lời thơ của Bà điêu luyện, gọt giũa, đẹp như một bức tranh cổ.”
- Phạm Thế Ngũ:
“Nhiều nhà phê bình đã đưa ra thuyết Bà Huyện Thanh Quan mang nặng tấm lòng thương tiếc nhà Lê, thuyết ấy không phải là vô căn cứ. Cái tâm trạng hoài Lê ấy, cũng là tâm trạng chung của nhiều nho sĩ Bắc Hà sau ngày thống nhất...Nhưng nói là nhớ tiếc cái chính trị của mấy ông vua thời Lê mạt thì không đúng. Bà hướng về một quá khứ mà có lẽ bà cũng không tường tận lắm, và bà cũng chưa thọ hưởng được ân huệ gì; nhưng đó là quá khứ của tiền bối, của gia đình...Vì thế thái độ hoài Lê của Bà cũng như nhiều nho sĩ đồng thời không có tính cách chính trị, mà chỉ có tính cách tâm tình...
Về mặt nghệ thuật: chữ dùng khéo, chọn lọc, thích đáng, đối rất chỉnh, rất thần tình, ý hàm súc, lời trau chuốt, gọn, đẹp... Cho nên thơ Bà rất được các nho gia xưa yêu chuộng, ngâm nga...
Thơ luật đời Nguyễn Sơ, ở tác phẩm của hai nữ sĩ là Bà Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan, như vậy quả đã tiến đến cao độ mỹ diệu. Thơ Bà Hồ Xuân Hương thiên về Nôm mà bóng bẩy, duyên dáng. Thơ Bà Huyện Thanh Quan thiên về Hán mà thanh thoát, nhẹ nhàng. Hồ Xuân Hương đại biểu cho cái tinh thần trào phúng bình dân vươn lên thể hiện một hình thức bác học. Bà Huyện Thanh Quan đại biểu cho cái tinh thần tao nhã nho sĩ kết tinh lại, cùng với tinh túy của Đường thi...”
- Nguyễn Lộc:
“Thơ Bà thường viết về thiên nhiên, phần lớn là vào lúc trời chiều, gợi lên cái cảm giác vắng lặng và buồn bã. Cảnh Bà miêu tả trong những bài thơ giống như những bức tranh thủy mặc, chấm phá...Hơn nữa, nói cho đúng thì cảnh trong thơ bà thực tế cũng không phải là cảnh, mà là tình. Tình cảm của Bà thường là sự nhớ thương da diết đối với quá khứ vàng son đã một đi không trở lại. Do vậy, người ta gọi bà là nhà thơ hoài cổ. Thơ Bà còn được chú ý vì một lẽ nữa, đó là nghệ thuật hết sức điêu luyện. Ở đó, niêm luật đều luật đều chặt chẽ mà không gây cảm giác gò bó, xếp đặt. Câu thơ của bà trang nhã, từ ngữ chải chuốt và chọn lọc công phu.”
Giai thoại
Kẻo mai nữa già
Lúc ông huyện Thanh Quan (Lưu Nghi) đi vắng, có một cô gái tên là Nguyễn Thị Đào đã đệ đơn lên trình bày rằng chồng cô đã ruồng bỏ cô để xin được ly dị, lấy chồng khác. Vì thương cảm, Bà Huyện Thanh Quan đã thay chồng phê đơn bằng mấy câu thơ:
Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?
Chữ rằng: Xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!
Hay chuyện, chồng cô Đào kiện quan trên. Quan trên ăn hối lộ, giáng chức ông huyện Thanh Quan.
Làm trâu
Có một ông đỗ hương cống tới xin mổ trâu để giỗ bố. Lúc bấy giờ, triều đình đã ban lệnh hạn chế mổ trâu, để phát triển việc canh nông. Cảm động trước hiếu hạnh của ông này mà chồng thì đi vắng, Bà Huyện Thanh Quan đã cầm bút phê vào đơn câu thơ:
Người ta thì chẳng được đâu
"Ừ " thì ông Cống làm trâu thì làm.
Biết bà huyện dùng chữ nghĩa để lỡm mình, nhưng vì được việc nên ông cũng vui vẻ ra về.
Ngoài ra, trong sách “Mười phụ nữ huyền thoại Việt Nam” của Thu Hằng còn có thêm vài cuộc đối đáp, đàm luận thi phú giữa Bà với vua Minh Mạng.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử