lịch sử việt nam

Trang Chính

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Blog Anh Ba Sàm:

Blog Cầu-Nhật-Tân:

Blog Cu-Làng-Cát:

Blog Dân Làm Báo:

Blog Dân Oan Bùi-Hằng:

Blog Giang-Nam Lãng-Tử:

Blog Huỳnh-Ngọc-Chênh:

Blog Lê-Hiền-Đức:

Blog Lê-Nguyên-Hồng:

Blog Lê-Quốc-Quân:

Blog Mai-Xuân-Dũng:

Blog Người Buôn Gió:

Blog Phạm-Hoàng-Tùng:

Blog Phạm-Viết-Đào:

Chết Bởi Trung Cộng:

Diễn-Đàn Thảo-Luận Về Tình-Hình Việt-Nam:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam tại Âu-Châu

Human Rights Vietnam - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tư-Tưởng Phật-Giáo:

Tưởng-Niệm 50 Năm Anh-Hùng Ngô-Đình-Diệm, Anh-Hùng Ngô-Đình-Nhu Vị-Quốc Vong-Thân 1963-2013:

Tưởng-Niệm 50 Năm Hòa-Thượng Thích-Quảng-Đức Tự-Thiêu 1963-2013:

Trang Thơ Văn Mai-Hoài-Thu:

Trang Thơ Văn Minh-Vân:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Chí-Thiện:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Khôi:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Thị-Thanh:

Trang TL Nguyễn-Việt Phúc-Lộc:

Trang Nhật-Hồng Nguyễn-Thanh-Vân:

Trang Thơ Văn Phạm-Ngọc-Thái:

Trang Thơ Văn Phan-Văn-Phước:

Trang Thơ Văn Quê-Hương:

Trang Thơ Văn Thanh-Sơn:

Trang Thơ Văn ThụcQuyên:

Trang Thơ Văn Vĩnh-Nhất-Tâm:

Truyện Dài Thời Chiến-Tranh Việt-Nam (Ebooks):

Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử - Donate:

Văn-Hóa Tộc Việt:

Weblinks:

 

 

Trang Thơ Văn Nguyễn-Khôi

Trúc-Lâm Yên-Tử  (08-10-2012) - (1 *) Hồ-chí-Minh lại càng không thể nào so sánh với cố giáo-sư Nguyễn-Đăng-Thục.

(2*) "Thời 1955-1975 ở đây có "sân bay Kép" đã nhiều lần "Én bạc" của Không quân Việt Nam xuất kích bắn hạ nhiều máy bay "Thần Sấm","Con ma" của không lực Hoa Kỳ leo thang xâm lược nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ! " - hết trích -

Có phải là xâm lược hay không, mời đọc Việt-Nam Sử-Lược Tân-BiênNhững Sự-Thật Cần Phải Biết: - Việt-Nam Cộng-Hòa - Nạn Nhân Của Chính-sách "Ngậm Máu Phun Người".

(3 *) trang 45, Từ sau ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ( 2*)... mời đọc Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên.

Mời đọc Mahatma Ghandi để thấy dân tộc Ấn Độ không tốn một giọt máu nhưng vẫn dành lại được độc-lập từ tay thực-dân Anh-Cát-Lợi.

(4*) Đây là ý riêng của tác giả Nguyễn-Khôi trang 52 " Tây-tiến... đó là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Việt Nam thế kỷ XX đặt trong hành trang ta mang theo đi vào thế kỷ XXI".

(5*); (thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược) (4*) đây là cuộc chiến hao xương tốn máu người Việt một cách không cần thiết.

(6*) Đây là ý riêng của tác giả. "...Đó là 3 trái Núi thơ (Thi Sơn) sừng sững trên bầu trời thơ Việt... - hết trích)

( 7*) Một cái nhìn khác về họ Trịnh của nhà thơ Lu-Hà.

(8*) Thi sĩ Phạm-Ngọc-Thái viết thơ tưởng niệm Hàn-Mặc-Tử

(9*) Tác giả đã viếng mộ Karl Marx, do đó cần phải viếng mộ những nạn nhân của ông từ cả trăm năm qua.
Đài “Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản” tại WashingtonDC
victimsofcommunism.org, travelpod.com   

***

Bắc-Ninh Thi-Thoại 

bắc ninh thi thoại, văn hóa dân tộc việt nam

1, 2, 3, 4, 5

NGUYỄN KHÔI
Bắc Ninh Thi Thoại
Tập II
(Phần ngoại biên)
Tặng: Người em đồng hương – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoa

Bài 16: Lá diêu bông “Chiêu độc của Hoàng Cầm”

thi sĩ hoàng cầm, nhân văn giai phẩm

LỜI DẪN: Theo nhà thơ Hoàng Hưng ( VN Lagi & Talawas ngày 19-09-2010) thì: Nhà thơ Hòang Cầm viết tập thơ “về Kinh Bắc” từ 1959 – 8 / 1982, chủ yếu lưu truyền bằng chép tay (ngoài luồng) – đây là một sự kiện “hậu Nhân văn – Giai Phẩm”, trong đó bộ 3 “cây-lá- quả” (cây tam cúc – lá Diêu bông – quả vườn ổi) là nổi bật nhất vì chúng được (giới Văn nghệ) xì xầm diễn giải như một lời oán trách của “Em” (văn nghệ sĩ) với “chị” … đại khái là “Em” yêu “chị” , nhưng “chị” đã lừa “Em” , cho “Em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “Em” bơ vơ để đi lấy chồng.

Theo Hoàng Cầm kể, thì 1974 Công An Hà Nội có kêu tác giả lên răn đe về việc lưu truyền những bài thơ “có nội dung xấu ấy” … Hoàng Cầm phải ngưng… hậu quả vụ án “về Kinh Bắc” là :

- Hoàng Cầm bị đi tù 16 tháng
- Hoàng Hưng vì xin được, có trong tay mấy bài thơ trên nên bị đi tù 39 tháng
- Nam Dao (Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng) – Việt kiều yêu nướcCanada bị “cấm cửa” không được về Việt Nam trong 20 năm .

Sau” Đổi mới” (1986) mãi tới 1994 “Về Kinh Bắc” mới được NXB VH in bằng loại giấy xấu.

BÌNH:
LÁ DIÊU BÔNG

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thơ thẩn đi tìm
Đồng chiều
cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày Em tìm thấy lá
Chị chau mày
đâu phải Lá Diêu Bông
Mùa đông sau Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị
Em tim thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt Chi không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời…
… Ới Diêu Bông… !

BÌNH: Bài này có 2 cách hiểu:

1) Theo kiểu ngây thơ, coi đây là một bài thơ tình thứ thiệt, là một khúc hồi tưởng (viết trong một cơn mơ “vô thức” mà “Thần Linh đọc Diêu Bông”, tôi chép Diêu Bông, thế thôi.)

Đó là mối tình đơn phương của cậu bé 12 tuổi (HC) với Chị Vinh (20 tuổi) ở ga Việt Yên, Bắc Giang thời trước 1945 … một thứ tinh yêu đơn phương của một chú bé ngây thơ huyễn tưởng với một bà Chị sành sỏi” tung ra cái Lá Diêu Bông (ảo huyền) “dứ” trêu chú bé ngây ngốc?

Bài thơ mở đầu bằng “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” là Thi Sỹ đã lấy cái địa danh (quê Vua Lý) với cái Váy lưới Chai của gái Đình Bảng nổi tiếng thời bấy giờ để tạo sức hút (gây ấn tượng)… tiếp theo là Tác giả tung ra cái Lá Diêu Bông (lá Trời) , huyền ảo, sắc sắc không không như một phép thần thông của

“Chị” bủa vây giăng lưới “bẫy” Chú “Em”
ngây thơ chạy theo mối tình hư ảo vô vọng…

Thủ pháp “Váy Đình Bảng/Lá Diêu Bông” quả thực là LINH NGHIỆM đã mê hoặc bao lớp độc giả say thơ Hoàng Cầm… Để rồi có Nhạc sỹ phổ thơ Lá Diêu Bông, Cô Nàng Sài Gòn mở “Quán Diêu Bông” như một tình thơ đẹp thu hút rung động bao con tim, trí tưởng tượng của một thời “gió quê vi vút gọi …”

2) Hiểu theo cách: Thơ “ẩn dụ”, cái thâm nho của Thi sỹ (con nhà chữ nghĩa người làng Hồ – xứ Kinh Bắc) mượn truyện tình (bịa) để nói truyên Đời của một thời sau vụ NV-GP… Để ai đó tự suy diễn mà chia sẻ nỗi đau với tác giả.
VỀ NGHỆ THUẬT bài thơ : Đây là nghệ thuật bậc thầy. Thi Sỹ Hoàng Cầm tạo ra hình tượng thơ “Lá Diêu Bông” huyền ảo gây mê hoặc lòng người: – yêu(tình) thì rất tình mà đau (hờn đời) thì thấm tới cõi Thần Linh ma quái… Phải có một hồn thơ siêu viêt, một bút pháp kỳ tài (như viết trong mơ), nỗi đau tình, đau đời, ẩn hiện trong nhau, chữ ít ý nhiều – kể cả đầy ẩn ý … Về ngôn từ: Thi Sỹ dùng cách nói của người Kinh Bắc rất Quan họ như: Trông nắng vãn bên sông (lưu ý tử VÃN), xe chỉ ấm trôn kim, xòe tay phủ mặt… rất dân gian mà cũng rất Hàn lâm; Tất cả ý tứ chữ nghĩa quyện vào nhau để Lá Diêu Bông còn mãi với Đời .

Tóm lại: Bài thơ Lá Diêu Bông nằm trong tập thơ liên hoàn Về Kinh Bắc là “một lâu đài tráng lệ với không gian văn hóa cổ kính hòa trộn với tâm linh hiện đại , những ẩn ức về thân phận con người cùng khát vọng sống của nó” – qua phía âm bản của thơ ta thấy được tiếng kêu bi thương thầm thĩ của người nghệ sỹ tài hoa đầy tính nhân văn, sự ám ảnh về thân phận con người nghệ sỹ trí thức, nỗi thất vọng to lớn giữa lý hưởng và hiện thực cuộc sống của một thế hệ văn nghệ sỹ. Theo thiển ý của NK thì có lẽ sau Tây Tiến (Quang Dũng) thì Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm là một trong những đỉnh cao trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Sáng tác Lá Diêu Bông là Hoàng Cầm muốn gửi một thông điệp đến bạn đọc để giãi bày cái đau tình, đau đời mà Thi Sỹ ẩn nhẫn câm nín bao ngày không nói ra được.

“Lá Diêu Bông” là một bài thơ “thần khẩu hại xác phàm” thời nay, nó rất định mệnh – rất ĐỘC – ai nặng tình vướng phải nó (ở một thời chưa Đổi mới mở cửa) thì đều chuốc lấy TAI HỌA!

Này đã qua 50 năm, mấy nhân vật chính đã đi vào thiên cổ… thế mà nghe lại chuyện cũ (đọc) vẫn thấy sởn tóc gáy :

Diêu Bông hời …
Ới Diêu Bông …

Góc Thành Nam Hà Nội 20-09-2010

Nguyễn Khôi – cẩn bút …

Bài 17: THƠ VỀ PHỐ KÉP

"KÉP" là địa linh trong lịch sử Việt Nam, là 1 trong 4 thôn thuộc xã Liệt Hạ (Đông, Hà, Kép, Phù Mỹ) thuộc Tổng Thịnh Liệt, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang, Kinh Bắc xưa, nay thuộc T.P Bắc Giang.

Địa danh KÉP xuất phát từ 2 địa danh xưa là "Cần Trạm" và "Cần Dinh" mà ngày 14-10-1407, nơi quân Minh xâm lược, do Tổng binh Trương Phụ và Đô đốc Liễu Thăng chỉ huy đã tập kết quân sĩ để chuẩn bị công phá Thành Xương Giang của Đại Việt...Thời 1955-1975 ở đây có "sân bay Kép" đã nhiều lần "Én bạc" của Không quân Việt Nam xuất kích bắn hạ nhiều máy bay "Thần Sấm", "Con ma" của không lực Hoa Kỳ leo thang xâm lược nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ! (2*)

Năm 1916 cụ Bàng Nguyên Dũng (thân sinh ra Thi Sĩ Bàng Bá Lân) lên đây khai khẩn đất hoang, lập Ấp, khai sinh ra "Thị trấn Kép"...mà biểu tượng là phố trồng toàn Cây Bàng (còn nguyên vẹn cho đến tận hôm nay...)

NK xin giới thiệu chùm "Thơ về Phố Kép" xưa &nay để các bạn đọc cùng thưởng thức :

*1- THƠ ĐỀ GỬI CÁC CON

Cha, cõi phong trần đã trắng râu
Con, tuần khôn lớn mới xanh đầu
Tên nêu bia bảng to là thực
Nghiệp nối cơ cừu phải nhỏ đâu
Cửa hiếu đựng trăm đường sự nghiệp
Nhà Nho riêng một mối sang giầu
Non sông dẫu cách, lòng không cách
Giấy ngắn tình dài dặn mấy câu.

Bàng Nguyên Dũng (1874-1950)

*2- TRĂNG QUÊ

Trời cao, mây bạc, trăng tròn
Đê than hiu quạnh,tre buồn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von
Cành xoan đùa ánh trăng non dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi ? (1)

Bàng Bá Lân (1912-1988)

(1) đây là 2 câu thần cú đã được dân gian "ca dao hóa" trở nên bất hủ :

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?

*3- LIÊN NGÂM

Tô Hoài, Nguyễn Bính,Vũ Hoàng Chương
Còi thét vào ga Phủ Lạng Thương
Sở tại Bàng quan chầu xuống xóm
Thi nhân Bá ngọ chuyến lên đường
Dòng trong dòng đục thêm ngao ngán
Chùm chín chùm xanh uổng vấn vương
Nằm muỗi qua đêm chờ sàng dậy
Còi xe phong hỏa xé màn sương.

Nguyễn Bính-Vũ Hoàng Chương (1942)


*4- LÊN KẾP HỌP (THƠ LIÊN NGÂM)

Một đoàn Văn nghệ lang thang
Kéo nhau lên Kép thăm Bàng Bá Lân
Đầu trò có Lão thi nhân
Đầu đội nón lính, tay cầm ba toong

Người ngông ăn mặc cũng ngông
Thẩn thơ toàn lối "ngược dòng" nói ngang

Theo chân thất thểu hai nàng
Nàng Thơ, nàng Quý cùng làng thơ văn
Một nàng yểu điệu thanh tân
Túi thơ khép mở ái ân đợi chờ...

Một nàng cặp mắt lơ mơ
Áp xe vận tải thẫn thờ thương ai
Ai đây là một chàng trai
Áo xanh cà vạt ngang vai tải đồ

Hai nàng có chiếc Te-rô
Cưỡi không được cưỡi, ô hô dắt dài...

Anh Đồ Thư dáng bảnh trai
Aó Tây nón lá địu dài trên lưng
Tâm tình kín mít như bưng
Ngoài xem cử chỉ nói năng dịu dàng

Này đây khổ chủ họ Bàng
Giầy "giôn", găng trắng, vai mang ống hình
Gặp nhau bao xiết cảm tình
Mà xem Văn hóa tiếp mình cũng cao.

Tú Mỡ-Anh Thơ -Đào Dương (1947)

*5- TỪ GA KÉP

Đôi lứa ban đầu mất lạc viên
Cho ta ngán kiếp nhớ thiên duyên
Chiều nay mộng thắm vừa tơ nối
Vườn cũ ngòi vàng lại gió lên
mây nước dâng cao hồn chắp cánh
trần ai rũ sạch nẻo về tiên
Bao la trăng động miền ân ái
Giọng hát chim trời líu ríu men

Vũ Hoàng Chương

(Đây là thời ân ái của Vũ & Đinh Thị Thục Oanh (chị gái Đinh Hùng) tá túc ở nhà Đào tiến Đạt-Nhà thơ,trưởng Ga Kép (1942)

*6- SÂN GA CŨ

Tàu không dừng bánh sân ga cũ
Vội vàng qua gửi lại hồi còi
Lan trong gió nhòa dần khói trắng
Buồn bâng khuâng như tiếng thở dài

Cây Bàng già dấu xưa còn lại
Hững hờ buông đôi chiếc lá rơi
Nền cũ chơ vơ chiều nắng quái
Sân ga buồn chờ khách vãng lai

Họa Sĩ Tạ Thúc Bình (1917-1998) quê Kép

*7- THĂM PHỐ KÉP

Hẹn tự thuở nào lên xứ Bắc
Phố cây Bàng đồi núi nhấp nhô
Đâu Cần Trạm,Cần Dinh...Ơi phố Kép
Tiếng còi tàu thức dậy những trang thơ

Ai lên lập Ấp ngày xưa ấy
Đồng đất hoang vu hóa phố phường
-Mấy chàng Thi Sĩ phi ngưạ bạch
Lững thững đi vào trong khói sương...

Quê hương lạc bước về đâu nhỉ
Nhà cũ ông cha dấu gạch mòn
Sông Thương đôi ngả tình muôn ngả
Thơ nói gì đây với cội Bàng ?

Nguyễn Khôi
3-11-2006

*8- GỬI MỘT NGƯỜI GỐC KÉP

Trượt qua thế kỷ vẫn mang mang
Thương nhớ còn đây dãy phố Bàng
Lá non bướm đậu cành xanh lại
Quả chín sao bay gốc cũ càng

Em đi đăm đắm cười xuôi nắng
Tôi ở dưng dưng vọng ngược làng
Ngần ấy năm giời bao trận gió
Tình mà không đáy cũng vang vang...

Anh Vũ
(quê Từ Sơn, đang cư trú ở Kép) 2010

Đình Bảng, rằm tháng ba

Bài 18: Tây Tiến, Tuyệt Chiêu của Quang Dũng

I Tiểu sử Quang Dũng: 

Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu (tức Diệm) sinh năm 1921 tại làng Phượng trì, tổng Đại Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Tây). Quang Dũng là lấy tên con trai làm bút danh (năm 1952 viết tập ký sự "Đoàn võ trang tuyên truyền Việt-Lào", ký tên là Trần Quang Dũng. Cụ thân sinh là một chức dịch, mẹ là người phụ nữ đảm ven Đô(làm ruộng và buôn bán nhỏ). Gia đình khá giả nên Quang Dũng gửi ra Hà Nội học văn, học võ, học vẽ, học đàn...để sau này, trong lĩnh vực nào anh cũng có những thành tựu đáng kể, trong đó kiệt xuất phải nói là thơ.

Từ sau ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ( 3*), Quang Dũng được cử làm Phái viên Quân Sự Bắc Bộ, làm công việc cất dấu máy móc quân sự, đi các địa phương tìm mua súng đạn, giành chiếc máy bay Nhật ở Ba Vì. Rồi với tư cách Chính trị viên phó Đại đội Tổng vệ binh Cảnh vệ Khu 2...khoảng cuối năm 1947 anh gia nhập đoàn quân Tây tiến. Sau một thời gian chiến đấu ở Lào trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 51. Đại đội trưởng Quang Dũng ở đó đến cuối năm 1948, rồi được chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ, chưa bao lâu, ngồi ở Phù Lưu Chanh (Kim Bảng-Hà Nam) thi sĩ bồi hồi viết "nhớ Tây tiến", bài thơ xuất thần viết liền một mạch trong một đêm để trở thành kiệt tác thơ Việt Nam thế kỷ xx. 

Trước Tây tiến, Quang Dũng đã có "đôi mắt người Sơn Tây" rất nổi tiếng với "Vầng trán em mang trời quê hương/mắt em dìu dịu buồn tây phương/Tôi nhớ xứ Đoài mây trăng lắm...".Về Nhạc thì có "Ba Vì mờ cao" với "từ xa thương nhớ Ba Vì ơi !/thời gian như muốn phai bóng người/giang hồ dừng bước/nhớ nhung Ba Vì ơi ! Sau Tây tiến còn là "Những lang đi qua","vườn ổi","em mãi là tuổi 20","mây đầu ô", cũng như các bài buổi đầu làm thơ "Chiêu Quân", "cố Quận" đều là những bài thơ hay riêng một chất thơ Quang Dũng.

Nếu ví Hoàng Cầm (thơ) là tinh hoa của hồn quê Quan họ thì Quang Dũng là "bạch vân thiên tải không du du" là hồn thơ của mây trắng xứ Đoài với "Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc? Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng" cùng "mây ở đầu ô mây lang thang..."

Lang thang lãng tử thích ngao du sơn thuỷ đi đó đi đây là kiếp đoạn trường của đời nghệ sĩ...cái tinh thần thượng võ, cái khí, cái thần của người thơ ấy được đúc nên từ lòng yêu quê hương xứ sở-yêu đời, đời đẹp như thơ, như đời người chiến sĩ chỉ biết hi sinh, chỉ biết phụng sự lý tưởng và đất nước mà nhà thơ đã đi trọn cuộc đời.

Nhà thơ Quang Dũng từ trần ở Hà Nội ngày 13-10-1988. Ông đã được Giải thưởng Nhà Nước về Văn học. Bài thơ Tây tiến đã được chọn một đoạn khắc vào Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Tây tiến ở Châu Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn (Hoà Bình)ngày 20-12-1990, và tượng đồng bán thân của Vệ Quốc Quân Quang Dũng được đặt tại Trường Tiểu học quê nhà là một minh chứng về sự tôn vinh của Nhà Nước-Nhân dân đối với Nhà thơ yêu quí của chúng ta.

II Về địa danh Tây Tiến

Thời điểm 1947 thuộc "Đội vũ trang tuyên truyền Tây Tiến (trung đoàn 52). BCH Đội gồm Đoàn Hải làm chỉ huy trưởng, Phúc Thảo làm chỉ huy phó, Văn Sinh & Quang dũng làm uỷ viên. Trong 2 năm 1947-1948 quân ta đã bám sát quần nhau với địch ở vùng biên giới Việt-Lào, ngoài sự hy sinh, tổn thất trong chiến đấu, trên 200 chiến sĩ Tây tiến đã ngã xuống vì bệnh sốt rét ác tính, suy dinh dưỡng (...đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá...) là vậy !

Mường Lát là một bản dân tộc Thái vùng biên giới Việt-Lào, bên tả ngạn Sông Mã (Thanh hoá) nhưng lại giáp với Mộc Châu(Sơn La) về phía bắc, giáp Hoà Bình về phía nam. Núi rừng ở đây trùng điệp lên tới tận Sài Khao, nơi cư trú của bản Người dân tộc Dao (Man, Mán-"hèn lên Man điệu...") quanh năm sương phủ. Mùa mưa ở Mường Lát, cả đất trời đẫm trong hơi nước như mây khói bốc lên ngùn ngụt, mịt mù trong đêm. Hành quân từ rừng về bản, bộ đội phải đốt đuốc soi đường, câu thơ "Mường Lát hoa về trong đêm hơi" là thi sĩ đặc tả "lửa" ở đây được cách điệu thành "hoa"(như kiểu"đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông").

Câu"trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" là câu thơ tài hoa,làm ta liên tưởng tới câu ca dao xứ Mường :

Trăm thứ hoa không bằng hoa con gái
trăm thứ trái không bằng trái bông cơm
trăm thứ thơm không bằng thơm con mái...

Mà trái bông cơm là lúa gạo, con mái là con gái tuổi dậy thì...Các chàng trai "Vệ Trọc "(đầu trụi không còn tóc) vừa ở rừng ra thấm đượm tình nghĩa Quân dân, được các em (hoa rừng) chèo thuyền đi đón...thì làm sao quên được "hồn lau nẻo bến bờ" ? Thơ Quang Dũng vừa trữ tình vừa bi tráng là vậy !

III  Bài thơ buổi đầu trình làng:

Theo tạp chí Văn nghệ số 11-12 tháng tư, tháng năm năm 1949-Văn nghệ Bộ Đội của Hội Văn Nghệ Việt Nam-

Thư ký Toà Soạn: Nguyễn Huy Tưởng
thì bài thơ in ở trang 17, toàn văn như sau :

NHỚ TÂY TIẾN

Sông Mã xa rồi,Tây tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi;
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời;
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Lương mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời...
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi ! Tây tiến cơm lên khói
Mai châu mùa em thơm nếp xôi.

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội giáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

QUANG DŨNG (Đoàn quân nhân văn nghệ L.K.3)

Chú ý: Pha Lương=Pha luông.giáng kiều=dáng kiều.

Bài thơ thiếu hẳn 1 đoạn 8 câu"doanh trại bừng lên hội đuốc hoa...trôi dòng nước lũ hoa đong đưa ?"

IV  TÂY TIẾN

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

(Phù Lưu Chanh, 1948)

Và nhà thơ Xuân Diệu phê bình TÂY TIẾN:

Trả lời Sửa Xoá

Trong tập TIẾNG THƠ (15-5-1949) Xuân Diệu viết :"...Bài thơ hơi buồn, có đoạn buồn lắm: tứ thơ không mới, có những câu văn hoa. Nhưng toàn bài rung rung như những dây đồng. Đọc lên, trong miệng còn ngân âm nhạc. Cái cảnh miền Tây gian nan đặc biệt: bộ đội Tây tiến là một trong những bộ đội nhiều hy sinh. Đánh giặc đã đành, mà người với rừng núi còn tranh nhau ai thua ai được. Một bạn tôi lên thăm bộ đội quá thượng du Thanh Hoá, trên biên giới Việt-Lào kể rằng: "Núi giăng màn trùng điệp; một anh đội viên chỉ quãng chập chùng trước mặt nói: -Một mình tôi phụ trách 5 cây số núi". Lên đến nguồn Sông Mã, còn đâu là đồng bằng? Lúc mới đầu chưa quen thổ ngơi, nhiều chiến sĩ chết. Có lẽ cái rùng rợn buổi đầu ấp sâu vào tâm hồn tác giả. Những chiến sĩ lưa thưa giữa nghìn trùng rừng núi chắc cảm thấy mình"cheo leo chòi biên cương", cảm thấy mình lạc đời. Những anh con trai Hà Nội lên đến đây cạo trọc đầu, hay là sốt rét rụng cả tóc, người mặc áo chàm hay là mặt lây sắc lá, hay là ốm tái màu da; giặc sợ các anh như sợ hùm: nhưng các anh dù thế nào cũng nhớ Hà Nội cho được:

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Bài thơ chỗ thì đẹp, chỗ thì ghê,man rợ rồi lại êm ái;đoạn sau cùng đầy những tiếng từ ly. Những tên đất Sài Khao, Mường Lát, Pha Lương...ngân động. Đến cái tên Sầm Nứa thì câu thơ buồn mà hay quá; hồn đây là tâm hồn người sống nghĩ chuyện bên Lào:

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

VI  BÌNH của Nguyễn Khôi:

a) Bài bình 1:

TÂy TIẾN là một trong vài bài thơ hay nhất của thơ Việt Nam 1945-2000.Đọc Tây Tiến,ta cứ ngỡ như đang đọc một bài Cổ phong-Tương tiến tửu(của Lý Bạch) đương đại ? Cái lối "tráng sĩ hề"- một đi không trở lại ngang tàng hào hoa của các chàng trai Hà Nội(thời1946). Với thủ pháp nghệ thuật độc đáo theo kiểu 1 câu chia 2 vế âm /dương đối nhau:

dốc lên khúc khuỷu/dốc thăm thẳm
heo hút cồn mây/súng ngửi trời...

đã tạo sự cân bằng hằn vào trí nhớ của người đọc; còn "đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm" là câu thơ để đời "tử bất hưu" nghìn năm mới mới xuất hiện !

Cái tài hoa của thi sĩ về mặt dùng "chữ" thì xưa nay ít ai có được,ví dụ như: trong bài thơ có 3 chữ "Hoa"(hoa là ám chỉ về con gái-phái nữ):

- Câu "Mường Lát hoa về trong đêm hơi" đây là cái "cảm" của Nhà thơ về cái mùi thương yêu ấy( trong bài thơ "Gửi Tuyên Quang" của NK viết sau 45 năm cũng có cái "cảm" đồng điệu ấy:

Đêm Hà Nội đã nhạt mùi hoa sữa
tưởng tóc ai phảng phất hương rừng...)

- Câu "đêm trại bừng lên hội đuốc hoa": Đuốc hoa đây là "hoa chúc" tưng bừng của cái "kìa em xiêm áo" với "nàng e ấp"...

- Câu "trôi dòng nước lũ hoa đong đưa", ai đã từng"đi Châu Mộc chiều sương ấy" đây là vùng thượng nguồn Sông Mã chung giữa ta và Lào ( Sầm Nưa) thường là đi thuyền mà Câu thơ Sống Chụ Son Sao đã tả "hoa Áy rờn trôi ngang Sông Mã" đôi bờ là hoa rừng và các cô gái Thái(VN)-Lào ra sông tắm giặt...

Câu kết "hồn về Sầm Nua chẳng về xuôi" là thể hiện"làm trai có chí xông trời thẳm"của anh Bộ đội Cụ Hồ đi giải phóng dân tộc với tinh thần Quốc tế cao cả!
Quang Dũng với Tây Tiến đã góp phần đưa thơ Việt Nam đương đại lên một đỉnh cao nghệ thuật lãng mạn cách mạng, hoành tráng với tâm chí "Nay ở trong thơ nên có thép" thật là tuyệt vời Xưa nay hiếm là vậy !

b)  Bài bình 2 ( đăng trong thông tin Họ Bùi ở Việt Nam ):

Cho đến nay Tây tiến vẫn là một đài thơ (Thi Sơn) đầy kỳ bí. Cái ma lực, cái âm hưởng của bài thơ Tây tiến...chưa ai lý giải hết được. Phải chăng cái hay là bởi lời thơ, ý thơ, hình tượng thơ Giầu nhạc điệu được chứa trong một hồn thơ thật mới lạ và rất sâu sắc? Con người nồng hậu, nét bút tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ thơ và hình ảnh thơ đã làm nên kiệt tác thơ Tây tiến. Cái độc đáo của bài thơ là không có cấu tứ, cái kết của bài thơ (của cuộc hành binh) lại không nằm ở cuối bài mà lại nằm ở 2 câu 13=14/34 :

Nhớ ôi, Tây tiến cơm lên khói
Mai châu mùa em thơm nếp xôi

Với Tây tiến, Quang Dũng đưa ta đi vào một thế giới đầy mùi hương hoài niệm, của sự vọng tưởng diệu huyền. Với Tây tiến, Quang Dũng đã xây tượng đài về anh Bộ đội Cụ Hồ (Vệ Quốc Đoàn-Vệ Út-Vệ túm-lính râu ria) thời kháng chiến 9 năm đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng-Cái buổi đầu đi làm cách mạng của những trai tài gái sắc đất Hà thành (và ven ĐÔ) hiên ngang, hào hoa phong nhã,cái thời"chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh" (tả thực) với "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"(lãnh mạn).

Bút pháp bậc thầy của Tây tiến là Nhà thơ đã vận dụng sáng tạo kỹ xảo thơ truyền thống(thơ Đường)với "phép đối" trong từng câu, đoạn thơ, từng khổ thơ tạo ra 2 vế âm / dương, tương phản trong một "Trường đối nghịch"(thủ pháp đối lập)nhằm tô đậm ý tưởng"không ca ngợi một chiều" mà là phản ánh đúng hiện thực của cuộc chiến...đó là sự đói chọi,sự tàn khốc của chiến tranh lấy ý chí(Việt Nam)chọi lại sắt thép(thực dân Pháp). Thủ pháp đối ý, đối âm trong Tây tiến với những câu thơ ăm ắp hồn chiến sĩ, tạo nên khẩu khí bi tráng của toàn bài. Đó là lối diễn đạt độc đáo, cao thủ mà hình như chỉ riêng Quang Dũng một mình trong cõi thơ" dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/heo hút cồn mây súng ngửi trời" để Tây tiến ở một vị trí tượng đài vút lên trời xanh giữa núi rừng Tây bắc hùng vĩ của Tổ Quốc !

Trong Tây tiến có một hình tượng thơ đã làm không ít người thắc mắc, đó là"có nhớ dáng người trên độc mộc/trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"...đó chẳng qua là một từ HOA"ẩn dụ" cảm từ câu ca dao Xứ Mường"trăm thứ hoa không bằng hoa con gái"mà con gái Thái-Mường là "bông hoa rừng"chèo thuyền độc mộc đưa Bộ đội qua sông đang mùa nước lũ...Qua rồi để nhà thơ lãng mạn lưu giữ một bóng dáng cô lái đò trên "Châu Mộc chiều sương ấy" cứ đong đưa trong con mắt Người Sơn Tây đẹp đến lạ lùng.

Cái chết (hi sinh) của người chiến sĩ nay không phải là "da ngựa  bọc thây" mà là"chiến bào thay chiếu anh về đất" để Sông Mã gầm lên như súng thần công bắn vang trời tiễn đưa người anh hùng...

Dùng cái bi, cái mất mát để tôn vinh cái hào hùng...Với cảm hứng lãng mạn cách mạng được đặc tả trên cái nền hiện thực đã tạo nên âm hưởng, ma lực kỳ diệu của bài thơ Tây tiến rất kinh điển mà cũng rất hiện đại- Đó là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Việt Nam thế kỷ XX đặt trong hành trang ta mang theo đi vào thế kỷ XXI (4*) , hội nhập cùng làng thơ thế giới hôm nay.

VII    Trao đổi với bạn ý Như:

Về 2 bài thơ TÂY TIẾN và ĐỒNG CHÍ:

Theo thiển ý của NK thì 2 bài này đều viết về NGƯỜI LÍNH, đều do 2 Nhà thơ Lính, cùng thời viết ra nhằm ca ngợi, tôn vinh Anh Bộ đội (thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược) (5*); Hai bài thơ này đều thuộc "diện" THƠ HAY (trong số 100 bài thơ chọn lọc thế kỷ 20-nxb Hội Nhà Văn 2007 ),được nhiều người yêu thích và đều được đưa vào Sách Giáo khoa giảng dạy trong Nhà trường CHXHCN VN. Tuy nhiên, cách bình phẩm, cách thưởng thức 2 bài thơ này,với riêng NK cảm nhận thì :

Bài TÂY TIẾN là 1 trong 5 bài thơ vào loại HAY NHẤT trong số 100 bài chọn lọc kể trên ; Với bút pháp Hàn Lâm,đó là con chim đại bàng  vẫy lên đôi cánh mênh mông trên trời thơ xứ Việt...Nó đẹp hoành tráng, kỳ bí-đọc phải suy ngẫm,rất nhiều ý tại ngôn ngoại...chắc là kể cả mai sau, TÂY TIẾN còn tốn nhiều giấy mực người đời bình phẩm về nó ?

- Bài ĐỒNG CHÍ, với bút pháp bình dân, đó là thứ ca dao được chắt lọc cô đọng: lời lẽ ngắn gọn dễ hiểu,vừa tầm với những người Nông dân (bần cố) mặc áo Lính (thời 1947), đó là Con chim Sáo, chim Bồ câu gần gũi thân thương với quảng đại quần chúng thời buổi đầu Cách mạng.

VIII     Đôi lời kết :

Tây Tiến ra đời đến nay đã qua 62 năm, bài thơ cũng như thân phận tác giả đã nếm đủ nỗi thăng trầm thế sự, có một thời khá dài người ta đã cố ý" trẩm" (chìm) nó đi tưởng nó đã đi vào quên lẵng ? - Nhưng không, thầy giáo của NK từng bảo : chỉ sợ Thơ anh không hay thôi, còn hay đích thực thì sẽ bất hủ Tây Tiến với Quang Dũng quả là vậy. Đây là TUYỆT CHIÊU của Quang Dũng- một áng thơ đạt tiêu chí "kim cổ kỳ thi" của dân tộc Việt Nam ta, có bị "đánh" cũng không chết! Nó có thể sánh với HOÀNG HẠC LÂU của Thôi Hiệu, TƯƠNG TIẾN TỬU của Lý Bạch - những thiên thi ca kỳ bí, thiên hạ sẽ còn tốn nhiêu bút mục"bàn" về nó. Ở Việt Nam ta đương đại có 3 Thi sỹ Họ Bùi:

- Hoàng Cầm (Bùi Tằng Việt) với Lá Diêu Bông ...

- Quang Dũng (Bùi Đình Diệm) với Tây Tiến, Đôi Mắt người Sơn Tây ...

- Bùi Giáng với Mắt Buồn ...

Đó là 3 trái Núi thơ (Thi Sơn) sừng sững trên bầu trời thơ Việt (6*) đứng sau Nguyễn Trải, Nguyễn Du .... Để cho ta tự hào về sự tài hoa trong sáng của tiếng Việt đầy ắp hồn quên. Để thêm yêu tiếng Việt như "ngàn mày tràng giang" say muôn đời./.

Góc thành nam Hà Nội ngày 7-10-2010

Bài 19: TÌM HIỂU
CÁCH LÀM THƠ CỦA NGƯỜI XƯA

Con người ta sở dĩ bay lên được là nhờ hai cái cánh: văn học và khoa học.

Văn là người có học vấn (trái với võ), văn hóa là dùng văn tự (chữ nghĩa) mà giáo hóa con người. Bậc thánh nhân thì́ lập đức, danh tướng lập công, sỹ đại phu lập ngôn. Thi thư là những bộ môn rường cột của văn học. Thuở sơ khai, các bậc huynh trường dùng thơ ca để dạy con em, để chúng trở thành người chính trực ôn nhu, rộng lượng, kiên nghị, cứng cỏi mà không thô bạo, giản dị mà không ngạo mạn. Thơ dùng để nói chí, ca dùng để ngân dài lời thơ. Thơ ở trong ḷòng là chí, phát ra lời là thơ (chí có nghĩa là dừng ở trong lòng nên nó được gắn với hai chữ tình và lý).

Ông cha ta xưa làm thơ là học theo lối Đường-Tống: “Nhà thơ khi có thi hứng thì hồn thơ cất cánh bay bổng lên những khoảng trời cao rộng. Luật lệ quy tắc (các thể thơ) là để điều khiển cái hứng, giúp cho lối phô diễn được hoàn hảo, đẹp đẽ hơn, du dương hơn chứ không phải để bóp chẹt cái hứng, phải biết vứt bỏ luật lệ để giữ cái hứng, chứ không nên hi sinh cái hứng cho luật lệ. Thơ là để tả nỗi lòng, tả bằng hình thức nào cũng được (cổ phong,luật thi..) Hễ tả mà cảm động được lòng người là mục đích đã đạt.Thơ không phải chỉ là những chữ ghép cho thành vần, cho có đối, cho đủ bằng trắc. Các bậc tài hoa theo luật mà không chịu nô lệ nó. Họ biết phá luật để theo hứng, đã tạo nên những bài thơ bất hủ như “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu, “Anh Vũ Châu” của Lư Bạch, “Đăng Cao” của Đỗ Phủ …đều thoát khỏi sự câu thúc của niêm luật”. Sự tác động qua lại của thi hứng và luật lệ có thể tăng cường hoặc trói buộc thi hứng – nhà thơ phải lao tâm khổ tứ để tạo được những bài thơ hay là thế.

Công việc làm thơ đầu tiên là luyện chữ: cách dùng “từ”(chữ) như thế nào, bố cục thơ ra làm sao. Đỗ Phủ đã tâm sự “ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu”(chữ chẳng kinh người, chết chẳng yên). Bì Nhật Hưu thì nói ”bách luyện thành tự, thiên luyện thành cú” (trăm lần luyện mới thành chữ, nghìn lần rèn mới thành câu. Đến luyện câu thì khởi – thừa –chuyển – hợp như thế nào, khử đối ngẫu ra làm sao, luật bằng trắc ra sao, gieo vần thế nào? Luyện chữ đã khó, (ví dụ “chữ mắt“ (nhăn tự) đặt ở đâu để nó tỏa sáng. Câu thơ hay phải có chữ hay đó là những hạt linh đan làm cho đá biến thành vàng.Luyện chữ để cho chữ linh hoạt, sống động, cựa quậy, không nằm bẹp trên trang giấy). Luyện câu lại khó hơn, rồi đến luyện ý (tạo ý mới, tứ lạ) và bao trùm là luyện cách… thơ không có “thi cách” (phong cách riêng của từng nhà) thì coi như vứt đi, loại bỏ. Bảng nhãn Lê Qúy Đôn từng dạy:”một bài thơ hay phải có đủ tình, cảnh, sự - mà trong đó Tình là người, Cảnh là trời, Sự là hợp cả trời đất mà quán thông…”

Người xưa dùng đạo lý SÁNG/TỐI để tìm hiểu thơ ca, với quan niệm ”nhìn không thấy không phải là không có, mà là chúng ta không thấy mà thôi”.Ví dụ: mặt trăng vào thượng tuần đến ngày mùng 7, mùng 8 nó mới xuất hiện 1 nửa, còn một nửa kia không thấy được. Cái nhìn không thấy ấy là đạo lý, điều mà ta nh́n thấy là sự thật. Ta dùng hình tròn của mặt trăng để biểu thị THI VŨ (vũ trụ thơ) khi mặt trăng hiện ra hình bán nguyệt, một nữa phát sáng để biểu thị mặt sáng trong thơ, nửa kia không phát sáng đại biểu bằng hư tuyến (màu đen) để biểu thị mặt tối trong thơ, hai mặt này đồng thời tồn tại.

Mặt biểu hiện bề ngoài của thơ (mặt sáng) ta thấy được đó là phong cách của thơ, sự và tình được diễn đạt bằng cú pháp, luật bằng trắc, cách gieo vần bằng các con chữ, ấy là mặt ta có thể thấy được (hiển hiện trên mặt giấy viết); còn những cảm thụ mà thơ mang đến cho ta (cái thứ ẩn dụ, ý tại ngôn ngoại, một thứ “tiếng thầm” – đáo địa nhất vô thanh (là mặt tối) ta không thể trông thấy nhưng ta cảm được. Sự linh diệu, thần diệu của thơ là vậy.

5 BƯỚC CỦA VIỆC LÀM THƠ

Bước 1: Mới bắt đầu học làm thơ

Đó là đi từ các con chữ ghép vần theo thể thơ (5 chữ, lục bát, 7 chữ …) tiếp là “theo thơ tìm lư” (đạo lý) trong thơ có lý:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
-Đồ Chiểu

Bước 2: Đã biết làm thơ theo các thể loại một cách thành thạo (ví dụ: lục bát là phải có “vần”) trong thơ có lư (tức là bài thơ đă có nội dung để nói lên một tư tưởng nào đó) với ”từ lư bàn thơ” tức là nội dung và hình thức phải “ăn khớp” nhau.

Bước 3: Làm thơ đã có thành tựu
Đã làm được các bài thơ gọi là có giá trị truyền cảm nghĩa là đă đạt tới mức”thể dụng như nhất”,”lý chính là ở nơi thơ” ”trong thơ có lư”.

Bước 4: Thành NHÀ THƠ (thi nhân)

Lúc này trình độ đã đạt “dùng thể để hiển dụng”, dùng lư để luận thơ, dùng lư để thành thơ.

Đó là các Nhà thơ đạt tiêu chí ”Thi sỹ” – thơ của các vị này đă có “thương hiệu”, đã có những câu thơ, bài thơ Hay cho người đời biết đến, ngâm nga thưởng thức, đă có thơ trong các Tuyển Tập Thơ Quốc Gia.

Bước 5: Thành “Thi Hào”

Đó là nhà Thi sĩ đại danh (grand Poète)

Đó là thơ đã đạt trình độ “thể dụng đều mất” “biến hóa không dấu vết”, nghĩa là “thơ thành lư lập”.Đó là các vị như Lư Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, Nguyễn Trăi, Nguyễn Du…

Tuy vậy các bậc tài hoa ấy lại rất khiêm tốn:

*Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch

Lập thân tối hạ thị văn chương”
-Viên Mai

*Thi phú suốt đời, vô ích thật
Sách đàn đầy giá, có ngu không!
-Nguyễn Du

Ngày nay chúng ta làm thơ theo lối “thơ mới” là đã tiếp thu, vận dùng nhuần nhuyễn cái “cách” ẩn dụ của thơ Đường, tính tượng trưng của thơ Pháp để có những Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Quang Dũng, Bùi Giáng… với những vần thơ đọc lên xao xuyến lòng người, rất hiện đại và đầy bản sắc Việt – đó là những chiếc “áo lụa Hà Đông” của người Việt Nam ta : ĐẸP, nền nă, tươi mát để cho các Thi khách ta đi vào thi đàn thế giới với một tư thế đàng hoàng, cao sang và đầy ấn tượng.

Góc Thành Nam Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2009

Bài 20: BÙI GIÁNG VỚI MẮT BUỒN
(Tặng : Bùi Trần Tự)

Thi sĩ Bùi Giáng (1 trong 3 thi hào đương đại Việt Nam : Hoàng Cầm (Bùi Tằng Việt), Quang Dũng (Bùi Đình Diệm). Ông sinh năm 1926 tại Quảng Nam (nguyên quán: Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam), từ trần ngày 7-10-1998 tại Tp HCM (Sài Gòn) thọ 72 tuổi.

Bùi Giáng nổi tiếng về thơ "lục bát cách tân", Ông đã in 7 tập thơ. Ngoài thơ, Bùi Giáng còn viết sách giáo khoa, bình luận Truyện Kiều, Bà Huyện Thanh Quan, Phan Văn Trị...Dịch nhiều tác phẩm Văn, Triết từ tiếng Pháp, tiếng Đức ra Việt ngữ.

Có ý kiến cho rằng :" Văn học Việt Nam hiện đại có hai "đột phá khẩu" trong ngôn ngữ văn chương là Văn Nguyễn Tuân và Thơ Bùi Giáng " ? Trước cả núi tác phẩm độc đáo "khó đọc" với cái bút pháp "xí lắt léo" có một lối chơi 'cà ngẳng", "cà rỡn" trong thơ cũng như cuộc đời đầy kỳ bí cuồng si của Thi sĩ để hậu thế còn tốn nhiều giấy mực luận bàn về Thơ & Đời Bùi Giáng.

Cũng như các vị tiền bối Nguyễn Du, Tú Xương...luôn tỏ ra vô cùng thương cảm cái biệt nghiệp "hệ lụy nhân sinh" của "Tấn trò đời" (Balzac) mà xưa nay là cái thói riêng của "giống hữu tình". Ông sinh ra gặp thời loạn lạc, lớn lên bao nõi ưu phiền. "Con mắt thơ" nhìn đời thấy mọi giá trị đảo lộn. Nếu coi thơ là thế giới ảo, thì ông là Thi sĩ đi giữa hai bờ thực / ảo cuộc đời ở trong vùng Nam Bộ- nam Trung Bộ suốt một thời đảo điên (1945-1975).Năm 1965 ông viết như một lời tự thuật :

Sơ sinh phát tiết muộn lời
Tâm hồn như lộc, trang đời như điên
Muộn lời chậm tiếng đầu tiên
Liền tâu Thần nữ mối phiền lão phu.

(Đề từ tập Rong Rêu)

Thây kệ đời ô trọc, ông "điên" giữa phố thị Sài Gòn. Ông là Đười Ươi trong rừng rú còn hơn "lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ". Đó là cái điên của một con người đã hồn nhiên tin rằng : cuộc đời là một cuộc chơi, ngao du cho qua ngày tháng.Thơ Bùi Giáng cho ta hình ảnh một gã Trung Niên Thi Sĩ khờ khạo đến sâu sắc, ngủng ngẳng một cách nghiêm túc, điên một niềm tin trí tuệ rất triết học thành ra VÔ NGÔN, quê mùa. Thơ Bùi Giáng là tiếng lòng không bình yên, ông đã phá chấp một cách Vô thức, đáng yêu. Con người mang tiếng điên (một dạng cuồng sĩ) cứ nhón chân để rình bắt chính mình (nói như T.V Thiên An).

Thơ Bùi Giáng là một týp thơ "bụi", chịu chơi, phóng khoáng của "Bác hai Nam Bộ" (kiểu bác Ba Phi), không ít những câu thơ quý hiếm, lạ lùng... mới bập vào tưởng là Dân gian, đọc ngẫm nghĩ thấy rất Hàn lâm Bác học- đó là một tài thơ đặc biệt trên Thi đàn Việt Nam hậu thế kỷ 20.

Yêu nhau, ngàn vạn não nường
Biển dâu lớp lớp mộng trường so le.

Hiểu như Tản Đà (đời là một giấc mộng) thì ở Bùi Giáng là một cách diễn tả hình tượng thơ thật đọc đáo: vừa truyền thống vừa hiện đại là vậy.

MẮT BUỒN

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ấm trang sử lịch thu triền miên trôi.

*

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên đời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.

Bùi Giáng

BÌNH : Đọc Bùi Giáng là ta du hành lang thang vào cõi thơ, miền tâm thức của ông (cõi miên trường) qua mọi ngõ ngách của mộng, của tình, của lẽ tử sinh, của nỗi xao xuyến bàng hoàng của một Trung Niên Thi Sĩ "ngày xưa ông ấy là Giáo sư, ngày xưa ông ấy làm thơ, ngày xưa ông ấy giầu có lắm, ngày xưa ông ấy là Tô Vũ chăn dê...Ông ấy uống rượu dưới trăng khuya, đọc thơ nơi quán vắng. Đó là một chàng Thi sĩ ôm trái tim cô đơn, lãng tử, tình yêu đơn phương (người chẳng yêu ta, ta cứ yêu),làm bạn với nhiều trăng gió, phấn hương...Cái hình dáng xưa ấy tuy đã bị "bóng mây trời cũ hao mòn" nhưng trong tâm hồn chàng thì không bao giờ chịu cũ ? và đến khi chỉ còn 'Bây giờ riêng đối diện tôi" thì bồng nhiên Người ấy cứ hiện về. Thương người để quá thương thân.

"Gái một con trông mòn con mắt" như trước mặt mà đã tuột khỏi tầm tay...Tất cả chỉ còn trông theo và tiếc nuối...Người ta đã an bài ngời ngời hạnh phúc ! -còn ta ? "còn hai con mắt khóc người một con" thật là não nuột , thật là chung tình, thật là thơ mộng. thật là khờ khạo...thật là đáng yêu vì tình chỉ đẹp khi tình dang dở kia mà ? !

Và...chỉ có Trịnh Công Sơn ( 7*) (Nhạc sĩ số 1 Việt Nam) là đủ tài hoa để chia sẻ nỗi đau cùng Thi sĩ "còn hai con mắt khóc người một con / còn hai con mắt một con khóc người/con mắt còn lại nhìn đời là không/ nhìn em hư vô, nhìn em bóng nắng...nhìn em ra đi, lòng em xa vắng..."

Chao ôi, thơ với nhạc- đôi bạn lòng tri âm tri kỷ để MẮT BUỒN của Bùi Giáng... đưa ta về cội nguồn của nỗi đau đời đầy ngẫu nhiên và phi lý, nhưng vẫn còn "mai sau hẹn với ban đầu/ chờ nhau ngõ khác ngõ màu nguyên xuân".

Góc Thành Nam Hà Nội 21-1-2005 - thân tặng...

1, 2, 3, 4, 5

Nguyễn-Khôi @ Trúc-Lâm Yên-Tử

Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:

facebook

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

free counters

un compteur pour votre site