lịch sử việt nam
Trúc-Lâm Yên-Tử (08-10-2012) - (1 *) Hồ-chí-Minh lại càng không thể nào so sánh với cố giáo-sư Nguyễn-Đăng-Thục.
(2*) "Thời 1955-1975 ở đây có "sân bay Kép" đã nhiều lần "Én bạc" của Không quân Việt Nam xuất kích bắn hạ nhiều máy bay "Thần Sấm","Con ma" của không lực Hoa Kỳ leo thang xâm lược nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ! " - hết trích -
Có phải là xâm lược hay không, mời đọc Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên và Những Sự-Thật Cần Phải Biết: - Việt-Nam Cộng-Hòa - Nạn Nhân Của Chính-sách "Ngậm Máu Phun Người".
(3 *) trang 45, Từ sau ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ( 2*)... mời đọc Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên.
Mời đọc Mahatma Ghandi để thấy dân tộc Ấn Độ không tốn một giọt máu nhưng vẫn dành lại được độc-lập từ tay thực-dân Anh-Cát-Lợi.
(4*) Đây là ý riêng của tác giả Nguyễn-Khôi trang 52 " Tây-tiến... đó là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Việt Nam thế kỷ XX đặt trong hành trang ta mang theo đi vào thế kỷ XXI".
(5*); (thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược) (4*) đây là cuộc chiến hao xương tốn máu người Việt một cách không cần thiết.
(6*) Đây là ý riêng của tác giả. "...Đó là 3 trái Núi thơ (Thi Sơn) sừng sững trên bầu trời thơ Việt... - hết trích)
( 7*) Một cái nhìn khác về họ Trịnh của nhà thơ Lu-Hà.
(8*) Thi sĩ Phạm-Ngọc-Thái viết thơ tưởng niệm Hàn-Mặc-Tử
(9*) Tác giả đã viếng mộ Karl Marx, do đó cần phải viếng mộ những nạn nhân của ông từ cả trăm năm qua.
Đài “Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản” tại WashingtonDC
victimsofcommunism.org, travelpod.com
***
Bắc-Ninh Thi-Thoại
NGUYỄN KHÔI
Bắc Ninh Thi Thoại
Tập II
(Phần ngoại biên)
Tặng: Người em đồng hương – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoa
Bài 11: Làm Thế Nào Để Có Thơ Hay ?
(thử nhắc lại về bếp núc nghề thơ)
Ai làm thơ chẳng mong có thơ hay: một bài, một câu, thậm chí một chữ độc đáo nổi tiếng để đời (ví dụ: chữ (từ) SÁNG trong câu :"một tiếng chim kêu sáng cả rừng" của Khương Hữu Dụng) đó là những hào quang của chữ nghĩa làm cho thơ bất hủ.Đó là trạng thái tâm hồn làm bừng phát tình yêu, khởi điểm của một ý thơ.
Người làm thơ trước tiên phải có THI HỨNG (nói theo Max Jacob thì đó là trực giác, cái đó gọi là sự quyến rũ). Khi nội tâm gặp cảnh sinh tình bật ra cái HỨNG (sự khởi phát bột trào thành THƠ). Trước thời điểm đó là" chút linh cầu mãi không về, phân vân giấy trắng chưa nề mực đen" như Hồ Dzếnh đã tả, cái phút hứng chưa đến ấy được Tản Đà ghi lại bằng hình ảnh "đêm qua ra ra vào vào, quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì THƠ". Và "TỨ THƠ chỉ có khi cưỡi lừa đi trên cầu BÁ dưới trời tuyết" như Trịnh Khải xưa đã nói. Đó là vụ nổ Big-Bang để hình thành ra vũ trụ - cái ý tưởng vụt trào ấy trong hồn tung ra TỨ THƠ. Cái TỨ là sự linh ứng - nghĩ ra, phát hiện ra một cái gì đó nó co thể khiến cho cái THẦN (tinh thần) của nhà thơ cảm nhận thấy được sự vật để viết ra những câu thơ (nội dung) mang tư tưởng và tình cảm của tác giả. Ý là do suy nghĩ mà ra. LỜI là do Ý mà đến. Nhà thi sĩ bậc thầy (ông Hoàng của thi ca nước Việt) đã từng dạy "TỨ là hình tượng thơ diễn đạt được một ý trọn vẹn, từ chỗ có Ý sẽ đẻ ra TỨ, có TỨ tất có Ý, nhưng có Ý chưa hẳn có TỨ. Ví dụ: Ý là muốn nói tới sự say đắm si mê của chàng với nàng (đó mới là chung chung chưa rõ ràng), chỉ đến khi thi sĩ thể hiện bằng một hình tượng thơ cụ thể:
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
(Lưu Trọng Lư)
thì đã là một TỨ thơ độc đáo. Có Ý (ý tưởng) nhà thơ phải tìm tòi sáng tạo để dựng TỨ( như khung nhà, kiểu dáng nhà trong cái ý muốn xây nhà) để thể hiện được sự trọn vẹn của Ý, gợi lên những cảm hứng gây xúc động lòng người, tạo ra những mối liên tưởng rộng mở, có giá trị thẩm mỹ cao (biến cái mông lung chưa có hình thù gì trong trí não thành hình tượng thơ, cấp cho nó một khuôn khổ nhất định).Thi sỹ vắt nặn ra TỨ THƠ khác nào nghệ nhân vắt nặn ra đồ gốm sứ vậy. Những câu thơ HAY thường là đã mang trọn vẹn một TỨ THƠ:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
(Chế Lan Viên)
Không ở rể mà vẫn là rể quý
Để mỗi năm lại lên Tết Chiềng Ly
(NK)
Dù tản mát khắp chân trời góc bể
Còn tấc lòng vẫn gửi gắm nơi quê.
(NK)
Tháng giêng ngúng nguẩy thẹn thò
Bàn tay ủ ấm đôi vò rượu tăm.
(Lê Đình Cánh)
Khi em đến gương trăng vừa lặn mất
Em dịu hiền tươi mát một vầng trăng.
(NK)
Thầy giáo dạy NK hồi cấp 3 đã nói: đọc thơ, về thực chất là ta đang thưởng thức một TỨ THƠ. TỨ trong toàn bài là một hình tượng THƠ xuyên suốt cả bài thơ, thể hiện tư tưởng nghệ thuật của bài thơ. TỨ THƠ mang đặc điểm của cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ. (mỗi người một cách).
Như vậy công việc quan trọng cốt lõi của người làm thơ là phải tìm được TỨ THƠ (lao tâm khổ tứ là vì thế) - nó tương tự như nhà tiểu thuyết phải có "cốt truyện" vậy.Đầu để bài thơ nhiều khi đã chứa đủ cái TỨ THƠ trong đó, nói cách khác là: đầu đề thơ ôm trùm TỨ THƠ, khiến người đời đọc xong nhơ mãi, biến thành ấn tượng ăn sâu vào tâm hồn người đọc (Bóng cây Kơnia, Núi đôi, Gương mặt quê hương, Cuộc chia ly mầu đỏ...)
Khi sáng tác cấu TỨ (vắt nặn ra TỨ THƠ) người làm thơ thường có hai cái lo: ai đó mà mạch suy nghĩ bế tắc thường thơ nghèo nàn . Kẻ lắm lời thường là thơ lộn xộn. Hiểu biết rộng thì cứu được sự nghèo nàn. Nắm lấy một điểm (ý chính) để xâu suốt tất cả, đó là thứ thuốc chữa bệnh lộn xộn.Tình cảm tư tưởng của bài thơ vô cùng phức tạp và khó nắm bắt. Hình thức của nó cũng khác nhau và thay đổi. Có khi lời thô kệch lại nảy sinh cái ý (Tứ) hay, có khi việc tầm thường làm tóat ra ý mới.
Một bài thơ đạt tiêu chí HAY phải là ý mới, tứ lạ, đồng thời còn lệ thuộc vào cái tài hoa trong việc diễn đạt tình cảm tư tưởng với ngôn từ điêu luyện(sáng tạo từ mới), không lặp lại các chữ (từ) đã sáo mòn cũng như thủ pháp triển khai cấu TỨ sao cho hình tượng thơ sống động...Trong một bài thơ phải có những câu đột xuất, chữ độc đáo (nhãn tự- chữ mắt) đầy hình tượng, gây ấn tượng sâu sắc vào lòng người đọc để cho bài thơ bất tử, trẻ mãi không già.
Tóm lại TỨ THƠ là đặc sản của tâm hồn thi sỹ, mỗi người tạo ra cái riêng, cái cốt cách độc đáo của mình với một ngôn ngữ giọng điệu không giống ai. TỨ THƠ là rường cột kết cấu nên bài thơ làm nổi bật tư tưởng chủ đề của bài thơ (chứa đựng triết lý sâu sắc nội dung có tầm bao quát lớn).
Cái "Siêu" của một số nhà thơ có tay nghề cao là đã biết cắt tỉa bớt lá cành rườm rà của một Ý thơ để làm bật TỨ là phần tinh túy nhất của bài thơ (ví như bông hoa) để thêm phần rực rỡ (Là ngụy trang, Ngọn đèn đứng gác, Dáng đứng Việt Nam).
Theo thiển ý của NK thì ngoài những lý sự trên, người làm thơ muốn có thơ HAY phải là người có tâm hồn, nung nấu, ấp ủ một cái gì đó để rồi bất chợt tức cảnh sinh tình bật ra thi hứng, tạo ra TỨ THƠ...(chứ không phải cố nghĩ, cố rặn ra thơ, ghép vần rồi tự vỗ đùi "tuyệt tác!"). THƠ HAY không lệ thuộc vào thể loại cũ mới, vấn đề là có hồn hay vô hồn, ý mới , tứ lạ và có ĐẸP hay không? và THƠ HAY còn phải là thơ để cho người đời ngâm, đọc một cách thích thú nữa kia. Nói thì dễ, làm thì khó, thôi thì:
Ta dù lếch thếch lôi thôi
Mong thơ sinh hạ cho đôi ba dòng.
(Nguyễn Duy)
Hà Nội ngày 13 tháng Giêng năm 2002
Bài 12: TIÊU CHÍ TỰ ĐÁNH GIÁ (THẨM ĐỊNH)
MÌNH ĐÃ LÀ NHÀ THƠ HAY CHƯA ?
Anh chỉ là thi sĩ
Khi luyện văn thành thơ
Hãy sáng tác những loại thể lớn như 5 chữ, lục bát, 7 chữ, 8 chữ, để thấy được độ sai lệch rõ rệt về cấp bậc giữa hoài niệm và vè, dân tộc và diễn ca, hàn lâm và vịnh, hoành tráng và tấu, có thể diễn trên đồ hình sau:
A 5 chữ B
Vè <--------------------------------------------------------> Hoài niệm
Lục bát
Diễn ca <--------------------------------------------------------> Dân tộc
7 chữ
Vịnh <--------------------------------------------------------> Hàn Lâm
8 chữ
Tấu <--------------------------------------------------------> Hoành tráng
Qua đó sẽ thấy được tầm cỡ (đẳng cấp) nhà thơ.
Cái mạnh của thơ 5 chữ là chất hoài niệm
Ví dụ:
Tháng giêng bụi mù trời
Tháng giêng buồn một thuở
Thèm một hạt mưa rơi
Thấm ướt lời than thở.
(NK - Tháng giêng Buôn Ma Thuột)
Hễ non tay thì sẽ thành Vè.
Ở tầm một khúc ca dao:
Con trời chẳng biết mặt cha
Lớn lên trung dũng tài ba lạ thường.
(NK - con gái Phủ Từ)
Đến lục bát là rõ rệt nhất: làm được tốt thì đấy là tính dân tộc, còn không thì chỉ ở tầm diễn ca. Đó là hồn thơ dân tộc, nói như Giáo sư Cao Xuân Huy thì quân thế biểu hiện trong niêm luật lục bát thật là bằng phẳng, không gì lật đổ được, khác với quân thế của thơ Đường co khi rất chênh vênh nguy hiểm. Có người nói: "cho tôi xin một ít lục bát, tôi sẽ thưa: anh có phải là nhà thơ thứ thiệt hay không?"
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương
Chỉ một câu "sương trinh..." đã đủ đưa Xuân Diệu lên hàng Siêu thi sĩ rồi.
Thứ lục bát "đanh" đến lạnh người của tác giả"độc hành ca", theo kiểu"nẻo về chật chội áo cơm" thì đến nay vẫn chưa có ai viết nổi. Đỉnh cao là Nguyễn Du, còn rơi tõm xuống loại "thơ Bút Tre":
Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về.
Thì ôi thôi cho thơ rồi!
Cái mạnh của 7 chữ là nét Hàn lâm:
Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang
Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng
Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải tắt trăng.
(NK - Ao làng)
Yếu sức thì rơi vào Vịnh.
Cái mạnh của 8 chữ là nét hoành tráng:
Thôi, cứ để cho thời gian gió thổi
Gieo vào lòng một chút sóng Sông Lô.
(NK - Gửi Tuyên Quang)
Nhưng nếu làm không khéo thì thành ra Tấu.
Ôi biết bao nhiêu người say sưa làm văn vần, giỏi diễn ca cứ tưởng mình là nhà thơ đích thực. Thơ HAY phải có ý mới, tứ lạ, hình tượng rõ, tình đậm, ngữ nghĩa đổi mới và chứa chất đầy tâm hồn thời đại kia?
(NK Biên soạn lại theo Nguyễn Phan Cảnh để tự thẩm định lại thơ của mình)
Đình Bảng Xuân Tân Tỵ 2001
Bài 13: Đọc lại bài tựa truyện Kiều năm 1820
của TIÊN PHONG MỘNG LIÊN ĐƯỜNG
chủ nhân
Ngày trước, các ấn phẩm in truyện Kiều (đoạn trường tân thanh) của Nguyễn Du, mở đầu thường có hai bài tựa:
- Bài thứ nhất của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân (1820)
- Bài thứ hai của Phong Tuyết chủ nhân Thập thanh thị (1828)
Cùng bài thơ chữ Hán (đề từ - thi vân) của Lương Đường Phạm Lập Trai (Phạm Quý Thích)
Về bài "tựa thứ nhất" của Mộng Liên Đường, viết vào năm 1820, đây là năm Canh thìn, Vua Gia Long băng hà, Vua Minh Mệnh nối ngôi - đồng thời cũng là năm Đại thi hào lâm bệnh qua đời ở kinh đô Huế trong một nạn dịch bệnh đương thời làm chết hàng vạn người. Nói theo kiểu cổ nhân: Mộng Liên Đường đề "tựa" Đoạn trường tân thanh mà Nguyễn Du viết vào khoảng năm 1814 sau khi đi sứ nhà Thanh (bên Tàu) về...
Nghĩa là truyện Kiều đã trình làng được 6 năm, tác giả của nó cũng vừa qua đời; người viết có đủ điều kiện và xúc động ở thời điểm vừa "cái quan định luận" để đề "tựa". Bài viết ngắn gọn, xúc tích dài chưa đầy hai trang giấy mà có nhiều câu người đời sau dẫn đi dẫn lại. Mở đầu bài "tựa", Mộng Liên Đường lý giải rất khéo về hai chữ "đoạn trường" : "trong trời đất đã có người tài tình tuyệt thế, tất thế nào cũng có việc khảm kha bất bình.Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê, đó là cái căn nguyên của hai chữ đoạn trường vậy".
Sau khi nói về cái lý do mà Tố Như tử đem truyện Thúy Kiều chép trong Lục Phong Tình rồi "dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả tình đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy?...
Ta lấy một thiên mực nhạt, xa viếng nàng Kiều, tuy lời văn quê kệch, không đủ sánh với bức giao thiên, song đủ tỏ ra rằng cái nợ sầu của hai chữ tài tình, tuy khác đời mà chung một dạng. May được nối ở đằng sau quyển "Tân thanh" của Tố Như tử, cũng là một khúc đoạn trường để than khóc người xưa."
tháng hai, niên hiệu Minh Mạng (1820)
viết ở Thán hoa hiên đất Hạc Giang
TIÊN PHONG
Mộng Liên Đường chủ nhân
Tiên Phong và Mộng Liên Đường (đình) là tên hiệu của Quan chức - nhà văn Nguyễn Đăng Tuyển(1795-1880) hậu duệ Trạng Bịu (Nguyễn Đăng Đạo 1651- 1719) quê ở thôn Thượng(tên nôm là làng Bịu Thượng) xã Hoài Bão, huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh.
- Nguyễn Đăng Đạo, đỗ Trạng Nguyên năm 33 tuổi, niên hiệu Chính Hòa, đời Vua Lê Hy Tông 1683. Năm 1687 ông được cử đi sứ sang Tàu vào chầu Vua Khang Hy nhà Thanh.
Do đối đáp, thi thố văn tài với sứ thần các nước, có các bài đệ lên ngự lãm, được Vua Khang Hy (một vị Vua nổi tiếng hay chữ) phê cho Trạng Bịu: "Bắc Triều đệ nhất Trạng Nguyên". Theo sử sách: ông là người trung thực, thương dân, làm tới chức Tham Tụng(Tể Tướng). Ông mất năm Vĩnh Thịnh thứ 15 - vua Lê Dụ Tông phong tặng Lại Bộ thượng thư, Thọ quận công, ban cho bốn chữ "Lưỡng Quốc Trạng Nguyên" và một đôi câu đối:
Tiến sĩ, thượng thư, thiên hạ hữu
Trạng Nguyên, tể tướng, thế gian vô.
- Ông nội của Mộng Liên Đường là Nguyễn Đăng Vỹ, đỗ tiến sỹ năm Bảo Thái (1720 - 1729) đời Lê, làm quan tới hàm Thiếu Bảo, tước Kế Thiện hầu.
- Cha Mộng Liên Đường là Nguyễn Đăng Chiểu đỗ hương cống(cử nhân) làm quan đến Hồng Lô tự khanh. Cuối đời Lê loạn lạc ông đưa vợ con lánh lên xứ Đoài, làm nhà thuộc huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây. Thời Lê huyện lỵ Tiên Phong đóng ở xã La Phẩm(nay thuộc huyện Ba Vì - Hà Nội).
- Nguyễn Đăng Tuyển từng đỗ Tú Tài được bổ làm giám sinh ở Quốc Tử Giám. Năm Minh Mệnh thứ 17(1836) được bổ làm tri huyện Vị Xuyên(Tuyên Quang) sau chuyên về Kinh làm chủ sự ở Bộ Hộ rồi được thăng Thừa Chỉ, Thị Độc. Ông là người "vì văn học mà được Vua biết đến" thường được Vua Tự Đức cho ngồi bên cạnh dự các kỳ thi do Vua chủ trì, ông đã soạn các quyển"Đào hoa mộng ký", "Nam thị quốc phong", dâng Vua xem, được tán thưởng, chuyển làm trước tác rồi được sung chức Biên Tu Quốc Sử Quán. Năm 1856, ông được bổ Tri Phủ Thuận Thành(Bắc Ninh) rồi xin hưu trí. Tuy đã về hưu,ông vẫn được
Vua cho người về thăm hỏi, lại sai làm Vịnh sử ca.Vào dịp Vua 50 tuổi (ngũ tuần đại khánh), ông dâng thơ tụng, được ban thưởng, vài năm sau thì mất, thọ 86 tuổi.
Nguyễn Đăng Tuyển - một cây bút tài hoa, ông lưu danh cùng Tố Như tử với tên hiệu "Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân" (bài tựa) được dịch in trong sách "Truyện Thúy Kiều" do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, in năm 1925 và tái bản nhiều lần.Nay đọc lại lời bình sâu sắc của ông"xem đến chỗ giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy mà căn nguyên vẫn gỡ chưa rồi; khúc đàn bạc mệnh ấy gẩy xong mà oán hận vẫn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên"đoạn trường tân thanh" cũng phải."
Nay đã qua 189 năm, đọc lại bài tựa truyện Kiều của Mộng Liên Đường, kẻ hậu sinh (NK này) vướng duyên hàn mặc (bút mực) vẫn thấy văn chương của bậc tiền bối như nước chảy mây trôi, sâu đậm tình người truyền lại cho con cháu cái tài, cái tình theo cánh Rồng bay lên quả là hứng khởi biết chừng nào?
Cẩn Bút
Góc thành nam Hà Nội, 2-9-2009
Bài 14: NHÀ THƠ HOÀNG-CẦM
Thi sỹ sinh đêm 12 tháng giêng năm Nhâm Tuất (tháng 2 - 1922) đêm trước của hội Lim quan họ; mất lúc 9h sáng ngày mùng 6-5-2010 tại Hà Nội.
Tên khai sinh là Bùi Tằng Việt (Họ Bùi, ghép tên làng nơi sinh: Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Quên cha: thôn Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh(cụ thân sinh là đồ Nho có tham gia Đông du và Đông Kinh Nghĩa Thục). Mẹ là chị hai quan họ làng Bịu Xim, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.
Hoàng Cầm nổi tiếng ngay từ năm 1942 với kịch thơ Kiều Loan; thời kháng chiến chống Pháp, nổi tiếng với bài thơ dài "Bên kia sông Đuống"(1948); và hình như câu thơ mở đầu thi phẩm tuyệt tác này (đầy chất quan họ và hồn quê Kinh Bắc) : "Em ơi buồn làm chi..." như một tuyên ngôn đời, tuyên ngôn thơ Hoàng Cầm, rất định mệnh, rất tiên chi của một đấng tài hoa xứ Kinh Bắc rất hiểu đời, vượt trên mọi cái trầm luân của đời thường, cứ "đường ta ta cứ đi", đi dưới "mưa Thuận Thành", đi tìm "lá diêu bông"... luôn đổi mới, cách tân thi pháp để có những vần thơ bất tử, đọc lên nghe xao xuyến lòng người như " váy Đình Bảng buông chùng cửa võng..." để "từ thuở ấy/em cầm chiếc lá/đi đầu non cuối bể/gió quê vi vút gọi... diêu bông hỡi... ới diêu bông! "
Thơ Hoàng Cầm là đặc sản văn minh tinh thần của quê hương Kinh Bắc - miền quê Quan họ. Xứ của một cộng đồng làng xã, rất Đại Việt, khá dân chủ, bình đẳng.Con người ở đây lấy tình làng nghĩa xóm làm trọng. Phép Vua thua lệ làng. Hội đồng kỳ lão có quyền cao hơn chức dịch. Ra đường phải cúi đầu chào các già làng, còn với chức dịch như Chánh Tổng, Lý Trưởng xưa thì tùy, không chào cũng không sao. Đi hát quan họ, vào đám hội thì mọi người đều bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, chức vị, không dè bỉu "tiền án, tiền sự"... Tất cả chỉ là "liền anh, liền chị", các quan viên họ cùng say đắm với "yêu nhau cởi áo cho nhau" và "bao giờ thấy lá diêu bông/để cho váy lụa buông chùng... mà hay!"
Thơ Hoàng Cầm cũng do xuất phát từ hồn quê là thế, với bút pháp độc đáo, một phong cách rất riêng không giống ai, ngôn ngữ tinh luyện siêu đẳng.Thường bất chấp văn phạm.Ông là người kế tục Thơ Mới và đi xa hơn về phía hiện đại - một lối thơ siêu thực hôm nay. Đó là tiếng nói đầy chiêm nghiệm và cũng tràn trề giải thoát.Thơ Hoàng Cầm, chất quan họ Bắc Ninh đạt tới độ Hàn Lâm.Từ thực tại đã thăng hoa tới miền hư viễn của tâm linh. Rất nhiều đam sy, trầm ẩn nên không hiếm khoảnh khắc hồn thơ thi sỹ nhập vào vô thức. Như lời ca quan họ, thơ Hoàng Cầm là ngọn lửa sưởi ấm tình người, là tia nắng mới tỏa sáng nơi chân trời cũ, như ai đó dù đi đâu, đến đâu vẫn gửi hồn về Kinh Bắc thân thương. Thơ Hoàng Cầm đang đi từ chân trời xưa cũ đến chân trời nay tươi mới để ta thêm yêu những chân trời đang có người bay với những người bay đang tới một chân trời đổi mới đầy xán lạn, rất thơ.
Đình Bảng ngày mùng 1 Tết Ất Dậu (2006)
Hà Nội ngày 6-5-2010
SƯƠNG CẦU LIM
Chấp chới lá chè non
Cầu Lim, Nội Duệ
The Hà Đông đón kiệu
Bỏ quê Xim
Ếch Quế Dương xếp đùi tròn gõ trống
Sáo sậu Phù Ninh
rợp nắng
Về Thăng Long
Đá nghển trông con
gục đầu sườn núi Dạm
Lụa vàng xé lộc rắc tro tiền
Đè ngang khói bếp
Bặt mùi khoai nướng
Đầu rau nằm sấp toạc môi
Trống Chờ thúc chín tiếng
Chuông Trõ nện ba hồi
Mõ Phù Lưu khua bến đò Lo
Thầy Phẩm Huệ xênh xang năm sắc áo
Biết lòng chim sáo ri
Gái Cầu Lim, Nội Duệ đã đi
Hoàng Cầm
Lời Bình Của Nguyễn Khôi:
Đọc thơ Hoàng Cầm có khác nào đọc Marcel Proust (văn hào Pháp 1871-1922) với "Đi tìm thời gian đã mất"... đó là kết tinh của cuộc sống nội tâm với những trăn trở về quá khứ. Tất cả thời gian đã mất trong khi quan sát dòng xoáy ngoài đời, nay thi sỹ đã tìm thấy lại, một hồi tưởng tha thiết biến kết quả quan sát thành chất liệu của thi phẩm. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình thơ Hoàng Cầm.
Cũng như "lá diêu bông" đến "sương cầu Lim", nhà thơ Kinh Bắc lấy những địa danh cụ thể để nói những cái không cụ thể (một thế giới riêng hư ảo, ẩn hiện giữa một không gian mênh mông của miền quê Quan họ), có khác nào một thoáng Đường thi miêu tả cái cao bằng cái rộng (dục cùng thiên lý mục-cánh thướng nhất tầng lâu).Bắt Hòn Đá và Ông Đầu Rau thành người, đó là cái "mã" chuyển hóa các giác quan, một nghệ thuật bậc thầy mà trong thơ Hoàng Cầm nào đâu có ít. Thơ Hoàng Cầm giàu âm điệu, như ông nói"nhạc là cái xe chở hồn của bài thơ". Ở đây những câu thơ dìu dặt luyến láy là do sắp đặt, nhưng giai điệu bài thơ thì lại xuất thần vượt khỏi sự chủ ý của tác giả, như tự mình nó (văn bản thơ ) dựng được cả một không gian tinh thần (không khí và văn hóa Quan họ), một vương quốc thơ của riêng Hoàng Cầm.
Về ngôn ngữ thơ: Hoàng Cầm rất tài tình trong việc sử dụng các động từ (như "đá nghển"...lụa vàng xé lộc...rồi nện, khua... thật kỳ diệu với thơ).
Cùng với Lá Diêu Bông, cây Tam Cúc thì Sương Cầu Lim là một trong những bài cao thủ, độc đáo nhất của Hoàng Cầm, một tìm tòi thành công trong thi pháp của nhà thơ hôm nay.
Viết tại quê xóm Đình, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
Mồng 1 Tết Ất Dậu (2005)
Bài 15: ĐÔI ĐIỀU VỀ VÁY ĐÌNH BẢNG
& LÁ DIÊU BÔNG
NK tôi- nhà ở Xóm Đình,làng Đình Bảng (tên Nôm là làng Báng-kẻ Báng), Từ Sơn, Bắc Ninh...nơi có ngôi Đình nổi tiếng Xứ Bắc:
Thứ nhất là đình Đông Khang
Thứ nhì đình Báng, vẻ vang đình Diềm.
Đình Bảng cùng với Chợ Giầu (Phù Lưu) là 2 làng Buôn bán lừng lẫy, ở Quê nhưng đã đô thị hóa. Người Đình Bảng sớm tiếp thu văn minh phương Tây : trai complê-Càvạt, nữ áo dài váy lụa; đặc biệt là đã cải tiến sáng tạo ra "nếp váy Đình Bảng"-đó là một kiểu váy đẹp của con gái Đình Bảng-Chợ Giầu thời trước năm 1945, thường mặc trong lúc giao tiếp hoặc đi hội. So với "váy nùm rơm" (Phúc Yên), hay "váy bó que" (Hà Nam ) thì Váy Đình Bảng (lụa)cùng với áo dài tân thời đạt tiêu chí sang trọng hợp với các "bà chủ","cô chủ" trong giao tiếp làm ăn trên thương trường, tiện cho sự đi lại lên tầu xuống xe...chính vì yêu cầu của cuộc sống mà chiếc váy Đình Bảng được cách tân hợp thời trang ra đời là thế.
Đó là loại váy lụa, váy lĩnh...màu đen, nhiều nếp gấp, buông chùng tới mắt cá chân, phía trước lượn hình lưỡi Chai (con Chai,con hến). Cô Tuyết, cô Nhung, mợ Loan, mợ Thảo lúc bấy giờ đầu tóc vấn khăn nhung,ra khỏi nhà là có khăn vuông to bằng lụa Hà Đông hay khăn nhung khăn len (bông bát tơ-Pháp) tùy mùa bịt to hó, mỏ quạ che đầu.Yếm trúc bâu trắng che bầu ngực đầy sung mãn,áo phin hay cát bá trắng may bó sát eo lưng, cài khuy bấm, thắt lưng lụa màu hoa đào hay phấn hồng,áo dài khoác ngoài màu sắc tùy theo lứa tuổi. Bàn chân gót đỏ đi hài nhung hay dép Săngđan da; váy buông chùng chỉ vừa hở mũi hài. Đồ trang sức là đôi hoa tai mặt đá kim cương, kiềng Vàng,vòng tay đá cẩm thạch, nhẫn mặt ngọc. Đóng bộ đầy đủ xong,các chị,các mợ xuất hành:
Anh về vui với cày bừa
để em tay nải gió đưa phương trời...
Đó là một Nàng Giáng Kiều thướt tha yểu điệu,thông minh xinh đẹp-cô gái Bắc Ninh sinh ra từ vùng quê Văn hiến giầu có, trình độ dân trí cao, đảm đang năng động (đã đi ra khỏi lũy tre xanh vào thành phố) tiếp cận thị trường nhanh, sớm trở thành các nhà triệu phú, tỉ phú lừng danh trên thương trường thời bấy giờ.
Thi sĩ Hoàng Cầm (quê làng tranh Đông Hồ) thuở niên thiếu từng sang chơi Hội Đình Bảng, và đã phải lòng "một chị" mặc váy Đình Bảng, để rồi theo gió quê vi vút gọi thơ thẩn đi tìm Lá Diêu Bông...NK tôi nhà ngay bên đình, đọc thơ của Bác HoàngCầm, hứng khởi đôi vần :
NGƯỜI ĐI TÌM LÁ DIÊU BÔNG
Người đi tìm Lá Diêu Bông
Mình về nhặt những Lá Hồng xếp chơi
Còn duyên buôn Quế bán Hồi
hết duyên Lá Bưởi nhóm phơi ngoài đồng
bao giờ thấy Lá Diêu Bông
để cho váy lụa buông chùng...mà hay
Mình như một kẻ lạc loài
Xóm Đình chả "dạm"...dạm ngoài Kiến An.
Đình Bảng, rằm tháng ba
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử