lịch sử việt nam
Trúc-Lâm Yên-Tử (08-10-2012) - (1 *) Hồ-chí-Minh lại càng không thể nào so sánh với cố giáo-sư Nguyễn-Đăng-Thục.
(2*) "Thời 1955-1975 ở đây có "sân bay Kép" đã nhiều lần "Én bạc" của Không quân Việt Nam xuất kích bắn hạ nhiều máy bay "Thần Sấm","Con ma" của không lực Hoa Kỳ leo thang xâm lược nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ! " - hết trích -
Có phải là xâm lược hay không, mời đọc Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên và Những Sự-Thật Cần Phải Biết: - Việt-Nam Cộng-Hòa - Nạn Nhân Của Chính-sách "Ngậm Máu Phun Người".
(3 *) trang 45, Từ sau ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ( 2*)... mời đọc Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên.
Mời đọc Mahatma Ghandi để thấy dân tộc Ấn Độ không tốn một giọt máu nhưng vẫn dành lại được độc-lập từ tay thực-dân Anh-Cát-Lợi.
(4*) Đây là ý riêng của tác giả Nguyễn-Khôi trang 52 " Tây-tiến... đó là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Việt Nam thế kỷ XX đặt trong hành trang ta mang theo đi vào thế kỷ XXI".
(5*); (thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược) (4*) đây là cuộc chiến hao xương tốn máu người Việt một cách không cần thiết.
(6*) Đây là ý riêng của tác giả. "...Đó là 3 trái Núi thơ (Thi Sơn) sừng sững trên bầu trời thơ Việt... - hết trích)
( 7*) Một cái nhìn khác về họ Trịnh của nhà thơ Lu-Hà.
(8*) Thi sĩ Phạm-Ngọc-Thái viết thơ tưởng niệm Hàn-Mặc-Tử
(9*) Tác giả đã viếng mộ Karl Marx, do đó cần phải viếng mộ những nạn nhân của ông từ cả trăm năm qua.
Đài “Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản” tại WashingtonDC
victimsofcommunism.org, travelpod.com
***
Bắc-Ninh Thi-Thoại
NGUYỄN KHÔI
Bắc Ninh Thi Thoại
Tập II
(Phần ngoại biên)
Tặng: Người em đồng hương – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoa
Bài 6: ĐẾN HẠNH HOA THÔN UỐNG RƯỢU
Ai yêu thơ Đường mà lại không thuộc bài THANH MINH của Tiểu Đỗ (Đỗ Mục, đỗ tiến sĩ năm 828):
Thanh minh thời tiết vũ phồn phồn
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
Tá vấn tửu gia hà xứ thị
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn
Dịch:
Thanh minh lất phất tiết mưa phùn
khiến khách đường xa thấm nỗi buồn
“Quán tửu đâu đây?...nhờ mách hộ”
Mục đồng xa chỉ: “Hạnh Hoa thôn!”
(Khương Hữu Dụng)
Thanh minh lất phất mưa phùn
khách đi đường muốn đứt hồn...xót xa
hỏi thăm”- Quán rượu đâu à?
trẻ chăn trâu chỉ:”Hạnh Hoa thôn kìa”!
Bài thơ bất hủ đã nghìn năm, ngày xuân các nhà thơ hay đàn đúm rủ nhau đi uống rượu quê, lúc đương líu ríu dìu nhau tìm nơi tửu quán thường ngâm vang lên bài thơ trên. Vậy, Hạnh Hoa thôn trong thơ Đỗ Mục là ở đâu? Để cho khách lãng du “tá vấn” tửu gia?
Ở bên Tầu cũng như bên ta, cái thôn Hạnh Hoa (Xóm Hoa Hạnh) đâu có ít, có khác nào rượu làng Vân, làng Mai, xóm cây Phượng, cây Gạo... Đến “Biệt điện Bảo Đại” cũng có ở bốn năm nơi kia. Người viết bài này, cũng đã có phen đến “Quán cây Phượng” ở Phan Thiết ẩm tửu để rồi viết trong lúc say:
Đêm Phan Thiết biển thì thầm to nhỏ
ta tựa kề bên Phượng uống lân khân
57 năm xưa Hàn Mặc Tử
lầu ông Hoàng kia ngồi với Mộng cầm...
Bài thơ trôi nổi cùng bạn bè sang mãi New York, Cali... Mỗi khi sa đà vào thơ và quán rượu - kể cũng là cái thú của nghiệp thi ca.
Còn Hạnh Hoa thôn ở bên Tầu, theo các nhà khảo cứu Trung Hoa thì có đến 3 nơi:
. Một là, ở huyện Phần Dương, tỉnh Sơn Tây - nơi đấy có rượu ngon nổi tiếng.
. Hai là, ở phía tây huyện thành Quý Trì, tỉnh An Huy; năm 844 Đỗ Mục từng giữ chức Thích Sử tại đây, cũng có Hạnh Hoa thôn nổi tiếng về rượu.
. Ba là, ở phía đông nam huyện Phong, tỉnh Giang Tô - nơi Đỗ Mục từng qua lại nhiều lần. Nơi đây Tô Đông Pha (đời Tống) cũng đã từng có đến đây uống rượu và có thơ để lại.
Chao ôi, thơ và rượu mà lại là rượu nơi xóm quê dân giã, còn gì ấm lòng hơn khi “một chén rượu uống trong chiều lạnh cóng” cùng ai đó ngồi bên bếp lửa bập bùng giữa một trời mưa phùn với hoa Hạnh hoa Mai, tửu nhập thơ xuất là vậy!
Góc thành Nam Hà Nội một chiều Đông, 5-12-2006
Bài 7: CA DAO HAY THƠ BÀNG BÁ LÂN
Hồi năm 1994, Giáo sư Huyền Viêm (Sài Gòn) có gửi cho Nguyễn Khôi (KN) bài viết nghĩ về " một câu ca dao ". Vừa qua NK, nhân viết cuốn : " Bàng gia vọng tộc ", lại được gia đình Bàng thi sỹ gửi cho tập : " Thơ Bàng Bá Lân " , gồm các bài thơ chọn lọc trong các thi phẩm : " Tiếng Thông Reo, Xưa, Tiếng Sáo Diều, Vào Thu", do nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê in 1957 tại Sài Gòn.
Trang 25 phần trích thơ : " Tiếng Thông Reo "có bài :
Trăng Quê
Trời cao, mây bạc, trăng tròn
đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
diều ai gọi gió véo von
cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc trăng vàng đổ đi?
Sau khi tốt nghiệp truòng trung học bảo hộ (trường Bưởi -Lycée du Protectorat) đậu Diplôme d'Etudes Primaire Superieurs, về điền trang của gia đình ở Kép (Bắc Giang) tiếp tục học để thi Tú Tài, không có thì giờ rảnh, Bàng Bá Lân ở tuổi 22 bắt đầu ham thích chụp ảnh và làm thơ. Tháng 12-1934 Bàng Bá Lân xuất bản thi phẩm đầu tay: " Tiếng Thông Reo " do nhà xuất bản Thanh Hoa Tùng Thư ở Hà Nội in.
Ngay khi Tiếng Thông Reo ra đời, trên báo An Nam Nouveau ngày 11-4-1935 nhà thơ Chùa Hương Nguyễn Nhược Pháp (sinh 1914) đã nhận xét : " Tiếng Thông Reo đượm một mối sầu bâng khuâng kín đáo dịu dàng, một vẻ buồn lành mạnh và điềm đạm.
Nàng thơ của Bàng Bá Lân không phải - như người ta tưởng - ngưòi ông yêu dấu mà là Cánh đồng quê với Luỹ tre xanh.
Bàng Bá Lân có thể tự hào là một trong nhũng nhà thơ Việt Nam đầu tiên biết hưởng thú quê .
Hai câu kết của bài Trăng quê ở trên, lâu nay đã đuọc dân gian hoá thành ca dao :
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
Như ta đã biết : ca dao là thơ dân gian, có nội dung trữ tình (và trào phúng), ta có thể hát, ngâm, đọc ... ở câu thơ này chữ ánh xem ra có vẻ phi lý, nhung nó lại làm cho hình tượng thơ đẹp hẳn lên - mà đẹp lại là tuyệt đỉnh của thơ.
Có ý kiến cho rằng thêm chứ ánh làm non hẳn bài thơ, nhưng còn giữ được chữ múc nghĩa là còn giữ được gần trọn thi vị hai câu thơ này.
Tất cả duyên dáng và thi vị là ở chữ múc và đổ, nó giúp ta hình dung được nhũng động tác ( tát nước đêm), gợi cho ta cái tiếng xich xòm. Bài thơ bốn câu trên là tả cảnh sáng trăng ở thôn quê để xuống dưới có thể hạ chữ múc trăng mà không đột ngột. Chữ lại tỏ ý trách móc: Trăng đẹp thế mà sao cô lại vô tình múc đổ đi ?
Ta hãy trở lại xem xét hai câu thơ độc đáo này
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc ....?
đọc đến đây, theo tư duy thuận chiều là đã tát nước ở câu lục (6), nên ta dễ nghĩ vế tiếp theo chữ múc thường hạ chũ nước - Thê nhung nhà thơ đã không viết xuôi nhu vậy mà là : trăng vàng đổ đi ? thì có sự Vênh hẳn khỏi sự đoán trước thông thường, Bàng Bá Lân đã dùng trăng vàng đặt đắc địa vào chỗ vốn là của nước, làm cho sự ưóc đoán (của bạn đọc) bị Hẫng - và do đó lượng thông tin dành cho từ này thật là to lớn , chúng ta (bạn đọc) thì bị bất ngờ và cái kết hợp giả định đó (múc + trăng vàng) đã cho ta sự hứng khởi (hồn chũ có cánh) để thưởng thức một hình tượng thơ Đẹp của một sự mới mẻ múc trăng vàng - một cảm xúc đầy tính thẩm mỹ của thơ.
Bàng Bá Lân, Nguyễn Nhược Pháp đều đã đi vào thiên cổ , nhung thơ còn mãi với đời ... theo lẽ công bằng thì: " Cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar " 4 chũ múc ánh trăng vàng, vừa là của nhà thơ vừa là của dân gian, Đẹp - để cho ta bâng khuâng với hồn dân tộc, âu cũng là cái độc đấo của Thơ Việt nam là thế chăng?
Góc thành Nam Hà Nội ngày 26-12-2006
Bài 8: ĐÔI LỜI VỀ NGƯỜI DỊCH BÀI THƠ
" PHONG KIỀU DẠ BẠC"
Bài PHONG KIỀU DẠ BẠC của Trương Kế viết khoảng trước năm 754 là một bài thơ rất nổi tiếng và được nhiều người yêu thơ Việt Nam biết đến, nhất là qua bản diễn Nôm :
Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Đến nay đã có nhiều bản dịch nhưng không có bản nào dịch hay bằng bản đã chép ở trên (dù rằng câu thứ ba chỉ dịch thoát ý) nhưng âm điệu của giọng thơ lục bát lững lờ, kì ảo đi vào lòng người Việt Nam ta thật khó mà thay đổi được !? Vậy ai là tác giả bài dịch thơ trên ? Trước đây, Trần Trọng San (1957) và Lý Văn Hùng (1961) đều ghi là Tản Đà dịch. Đến năm 2003 Nguyễn Quảng Tuân khi khảo lại di cảo của Đinh Nhật Thuận (1841) đỗ Tiến Sĩ thời vua Minh Mạng ( là bạn của Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh) là tác giả " Thu dạ lữ hoài ngâm". Thời gian Cao Ba Quát bị nạn, ông bị giam lỏng ở Huế... một đêm ngồi trong thư phòng bên bờ sông Hương, ông nhớ đến Trương Kế với bài Phong kiều dạ bạc...
Ông hạ bút:
Đăng tiền độc đối thư trai
Thương tâm khách địa hữu hoài cố nhân
Hương thuỷ ngoại hốt văn ngư vận
Tòng hà lai trạo tấn giang biên
Bồi hồi nguyệt dạ sương thiên
Hàn San ám nhận khách thuyền cánh phi.
Đại ý là : Trong phòng văn một mình ngồi trước ngọn đèn, chạnh lòng đất khách, sực nhớ đến người xưa (Trương Kế). Ngoài sông Hương chợt nghe hò mái đẩy của kẻ Phường chài từ đâu mà chèo tới bến sông thế nhỉ? Đêm trăng trời sương, lòng luống những bồi hồi, đoán chúng là thuyển khách bên chùa Hàn Dan (Trương Kế) nhưng đó chỉ là mơ...
Cái độc đáo của Đinh Nhật Thân ở đây là mượn lời thơ của Trương Kế tả cảnh "Nguyệt dạ sương thiên" và thay vào tiếng chuông chùa Hàn San bằng tiếng chuông chùa Diệu Đế ( ở Huế) " Dạ văn diệu đế chung thanh không bằng chữ Nôm mà bằng chữ Hán theo thể song thất lục bát. Đây là trường hợp đặc biệt duy nhất trong văn học Việt Nam xưa nay. Chia sẻ với nỗi lòng của bạn, Nguyễn Hàm Ninh đã diễn Nôm Phong Kiều dạ bạc, nguyên gốc là:
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ
Thyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Thật đúng là "diễn Nôm" như Tố Như với truyện Kiều, thi sĩ đã không bám câu bám chữ để dịch như nguyên tác... mà là mượn văn bản gốc, diễn ra tiếng Việt lấy cái hồn của tác phẩm để thoả mãn một nhu cầu ( một tâm trạng) để gửi gắm nỗi lòng... Hiểu như vậy, chia sẻ như vạy thì ta sẽ không bắt bẻ " dịch sai", văn chương nhất là thơ vốn là một trò mua vui, âu cũng chí lí là vậy.
So nhiều bản dịch xưa nay thì bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh đáng là "tài hoa tột bậc", chỉ tiếc là ông đã để rơi mất chữ "Phong" kèm chữ "Giang" (theo mô típ thơ xưa thì "Phong" là biểu hiện mùa thu, "Phong lạc ngô giang lãnh" - lá phong rụng làm sông Ngô lạnh. "Giang Phong" ở đây cùng với "sương đầy trời" là cảm nhận "khí thu", đồng thời để diễn tả một cách kín đáo nỗi sầu của thi nhân lãng tử. Tuy nhiên, trong một bài thơ 4 câu (dịch) lại có 2 chữ "bến" thì không thể gọi là toàn bích được.
Chao ơi, dịch thơ phải đạt “tín-đạt-nhã” rồi là “hớp” hồn mà cái "tuyệt" nhất lại là cái hồn thơ ai do chóp được cái "thần" do diễn giải ra bằng chữ nghĩa (ngôn từ) để lại các áng thơ bất hủ như Phong Kiều Dạ Bạc, Hoàng Hạc Lâu, Tỳ Bà Hành... thì cũng bõ công dịch thuật, mà xưa nay như vậy phỏng được mấy người ?
Hà Nội 19/7/2006
Bài 9: MAO TRẠCH ĐÔNG
ĐẶT TÊN VỢ TỪ THƠ ĐƯỜNG
Mao Trạch Đông sinh năm 1893 quê ở Hồ Nam Trung Quốc. Sinh thời Mao Trạch đông có 3 nguời vợ. Vợ thứ nhất ở quê do cha mẹ lấy cho. Vợ thứ hai là nũ chiến sỹ hồng quân, lấy nhau qua cuộc vạn lý trường chinh.. Vợ thứ hai đi chữa bệnh ở Liên Xô thì Mao Trạch Đông làm quen với cô diễn viên Lâm Bình quê Thượng Hải đã ly dị chồng. Sau đó hai nguời lấy nhau.
Xuất phát từ hai câu thơ của Tiên Khơi :
Khúc chung nhân bất kiến
Giang thượng sổ phong thanh
mà Mao Trạch Đông đặt tên cho vợ thứ 3 vốn là Lâm Bình thành Giang Thanh.
Tương truyền tác giả câu thơ trên quê ở Chiết Giang. Một lần đáp thuyền lên mạn Bắc, đến Trường An dự thi. Đến Nhạc Châu ( quê Mao Trạch Đông ). Tác giả dùng thuyền lên bờ thăm danh thắng cổ tích gần hồ Động Đình. Màn đêm buông xuống chị Hằng nhô lên mặt nuóc. Thấy nổi hứng thơ, khoác áo ra khỏi nhà, ngâm ở ở trong đình đình Chiết Liễu. Tương truyền, lúc thi sỹ ngâm thơ, bống nghe từ trong Viện Lạc gần bên cũng vọng ra tiếng ngâm thơ. Thy sỹ nín thở lắng nghe, nhưng cũng chỉ nghe được hai câu :
Khúc chung nhân bất kiến hư
Giang thượng sổ phong thanh
( Người đàn ở đâu chẳng thấy
Trên sông nổi mấy ngọn núi xanh )
Thi sỹ rất ngạc nhiên, tán thưởng 2 câu thơ đã tả được cái thần diệu ảo ảo thực thực mơ hồ trong cái tĩnh lặng trên dòng sông trăng như dải lụa nhuộm sắc núi xanh . Thy sỹ vén tay áo, cất bước đến Viện bên mà không thấy ai. Thi sỹ thầm nghĩ chắc là mình gặp quỷ thần, sợ đến nỗi hồn phiêu phách lạc, cố chạy về phòng , nhưng đuổi theo vẫn là tiếng ngâm 2 câu thơ của quỷ thần ! Năm 750 , thy sỹ đi thi tiến sỹ ở Trường An. Kết thúc bài thi của mình, thy sỹ bổng nghe vẳng bên tai câu thơ thần
Khúc chung nhân bất kiến hư
Giang thuọng sổ phong thanh
Dùng hai câu thơ thần này, thi sỹ kết thúc bài thi của mình.
Bài thi tiên sỹ của ông được đánh giá rất cao.
Cả bài thơ có hai câu thơ thần này, NK xin tạm dịch nhu sau :
Tương Linh đánh đàn sắt
Tay giỏi đánh đàn sắt
Thường nghe Thái tử Linh
Khiến Phùng Di tụ múa
Khách Sở khó vô tình
Điệu khổ tê vàng đá
Âm vang cõi u minh
Thương Ngô hờn mến mộ
Bạch chỉ phòng hương linh
Khúc tàn, người chẳng thấy
Trên sông mấy non xanh
Điều kỳ lạ là hơn 1200 năm sau, không biết có phải ma đưa lối quỷ dẫn đường mà Mao Trach Đông lại lấy chữ từ hai câu thơ quỷ thần đó để đặt tên cho vợ thứ 3 của minh vốn là diễn viên người Thượng Hải tên Lâm Bình thành Giang Thanh.
Và kỳ lạ thay Giang Thanh cũng kết cục bi thảm như Dương Quý Phi người đẹp của ông vua tài hoa Đường Minh Hoàng (cùng thời thi sỹ thi tiến sỹ Tiên Khơi viết hai câu thơ quỷ thần trên )./
Bài 10: TRỞ VỀ VỚI BẢN GỐC
THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG
Cũng giống như "thơ Bút Tre" hiện nay, từ một type thơ "Bút Tre thật" dân gian đã sáng tác cả trăm, ngàn câu thơ "Bút Tre mới"...Thơ nôm Hồ Xuân Hương đi vào cuộc sống dân Việt Nam ta đã ngót 200 năm (bản in sớm nhất là "Xuân Hương di cảo" in năm 1914; các bản khắc ván"Xuân Hương thi tập" in năm 1921, in năm 1923;bản chép tay"Quốc Văn Tùng Ký" soạn vào thời Tự Đức đến đầu Duy Tân; các bản chép tay"Xuân Hương thi sao","tạp thảo tập","Quế Sơn thi tập","Xuân Hương thi vịnh","Liệt truyện thi ngâm" và "Lĩnh Nam quần hiền văn thi văn diễn âm tập").Vậy bài nào là chính gốc thơ Hồ Xuân Hương trong số 213 bài đang được lưu hành khá rộng rãi?
Sau hơn 40 năm âm thầm, ấp ủ, nghiền ngẫm...Giáo sư Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch (Người cùng quê xứ Đoài với Phó bảng Kiều Oánh Mậu - người có công lớn trong việc hiệu đính truyện Kiều) - một chuyên gia hàng đầu về chữ Nôm, qua nhà xuất bản văn học, ông đã công bố cuốn"Thơ Nôm Hồ Xuân Hương" với 84 bài thơ, câu đối. Có thể nói: cuốn sách là một công trình khoa học hoàn chỉnh, đầy đủ, đúng chuẩn nhất về văn bản,dịch nghĩa, dịch thơ, khảo cứu, chú giải, chú thích, chữ Nôm, đáp ứng lòng ái mộ của tất cả bạn đọc yêu quý những bài thơ bất hủ của Bà chúa thơ Nôm Việt Nam.
Tiếp cận thơ Nôm từ góc nhìn văn bản học, cuốn sách của Kiều Thu Hoạch, chí ít cũng cho chúng ta 3 thông tin rất có giá trị:
- Một là: thời điểm xuất hiện"Xuân Hương thi tập" là thời Vua Minh Mạng (1820-1840)
-Hai là, lúc bấy giờ Hồ Xuân Hương đã nổi tiếng hay thơ Nôm.
-Ba là, lúc bấy giờ Xuân Hương vẫn còn trẻ, còn được người đời (qua văn bản) gọi bằng "cô".
Qua các văn bản chữ Nôm xưa, Kiều Thu Hoạch đã loại trừ được một số bài thơ bị gán cho Nữ Sỹ như các bài: "Đánh cờ người", "tát nước", "cái nợ chồng con", "đánh đu", "bà đanh", "đồng tiền hoẻn", "ông cử võ"...
Xin giới thiệu một số bài thơ Nôm Hồ Xuân Hương (bản gốc) để bạn đọc cùng thưởng thức:
1.VỊNH THĂNG LONG HOÀI CỔ
Ngân ngất tầng mây một dải cờ
Kinh thành ngày trước, tỉnh bây giờ
Tượng đồng Trấn Vũ hương còn ngát
Bia đá Khuê Văn chữ chửa mờ
Bảo Tháp lơ thơ chòm cỏ mới
Hồ sông lai láng bóng trăng xưa
Nào ai Cố lão ra đây hỏi
Chốn cũ phồn hoa đã phải chưa?
2. CHƠI KHÁN ĐÀI
Êm ái chiều xuân tới khán đài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Bốn mùa triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời
Bể ái ngàn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi
Nào là cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười.
3. CANH KHUYA
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan mấy nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy chòm
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình son trẻ tí con con.
4. LẤY CHỒNG CHUNG
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm chừng mười họa hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng
Cầm bằng làm mướn mướn không công
Nỗi này ví biết dường này nhỉ
Thời trước thôi đành ở vậy xong.
5. KHÔNG CHỒNG MÀ CHỬA
Cả nể cho nên hóa dở dang
Sự này có thấu hỡi chăng chàng
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc
Phận liễu sao mà nảy nét ngang
Cái tội trăm năm chàng chịu cả
Chữ tình một khối thiếp xin mang
Quản chi miệng thế lời chênh lệch
Chẳng thế nhưng mà thế mấy ngoan.
6.THƠ THỊ ĐỂU
Kén chọn làm chi thế ối anh
Lấy ai khuynh quốc lại khuynh thành
Vô duyên nên nỗi người chê "đểu" (1)
Có đẹp chăng thời gái ở tranh
Ghét mặt cục vàng ra cục đất
Tắt đèn nhà ngói bẵng nhà gianh
Thay lời mượn bút đem thư gửi
Nghĩ lại sao cho để được đành
------------------------------
(1) nguyên văn chữ Nôm là "điểu" là chim, có dấu cá nháy - theo tự điển Việt Pháp và Việt Nam tự điển (1931) thì "đểu" có nghĩa là hạng người hèn mạt / mạt hạng.
7. CHI CHI CHUYỆN ẤY
Chi chi chuyện ấy đã đành lòng
Vó ký phen này quyết thẳng rong
Non nước chơi hoài non nước đó
Gió giăng nào phải gió giăng không
Mặt càng đối mặt tình ngao ngán
Tay chửa rời tay bước ngại ngùng
Lão Nguyệt lẽ nào trêu quải mãi
Chén đồng xin hẹn khắc đêm đông.
8. NÚI BA ĐÈO
Một đèo một đèo lại một đèo
Khen ai khéo vẽ cảnh cheo leo
Cửa son tía ngắt lơ thơ móc
Đường đá xanh rì lún phún rêu
Phưởng phất chồi thông cơn gió tốc
Mịt mờ ngọn cỏ lúc sương reo
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo.
9.MIẾU SẦM THÁI THÚ
Ghé mắt trông lên thấy bảng treo
Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.
10. KHÓC TỔNG CÓC
Hỡi chàng ôi hỡi chàng ôi
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.
11. KHÓC QUAN VĨNH TƯỜNG
Trăm năm Quan Phủ Vĩnh Tường ôi
Cái nợ phù sinh có thế thôi
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời
Nắm xương dưới đất chau mày khóc
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười
Đã thế thời thôi cho mát mẻ
Trăm năm Quan Phủ Vĩnh Tường ôi.
12.TIỄN NGƯỜI LÀM THƠ
Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền
Cũng đòi học nói nói không nên
Ai về nhắn nhủ phường lòi tói
Muốn sống đem vôi quét trả đền.
13.VỊNH QUẢ CHUÔNG
Năm ba thằng ngọng đứng xem chuông
Nó bảo nhau rằng ấy ái uông.
14.CHƠI HOA
Đã chót chơi hoa phải cố trèo
Trèo lên trèo xuống mỏi xương kheo
Cành la cành bổng vin co vít
Bông chín bông xanh để lộn phèo.
15.VÔ ÂM NỮ (1)
(Gái không âm hộ)
Mười hai bà mụ ghét chi nhau
Đem cái xuân tình cắm ở đâu
Rúc rích thây cha con chuột nhắt
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu
Nào ai biết được vông hay chóc
Nọ kẻ chia ra cuống mấy đầu
Thôi thế thời thôi thôi cũng rảnh
Trăm năm càng khỏi tiếng làm dâu.
------------------------------------
(1): Các bản khác ghi là "Quan thị"
16. NGÃ TỐC VÁY LÀM THƠ TỰ VỊNH
Vén đám mây lên tỏ mặt trời
Lác coi từng đám rõ từng nơi
Giang sơn đâu đó nhô đầu dậy
Hoa cỏ quen hơi mỉm miệng cười.
17. BÙN BẮN LÊN ĐỒ
Xuân Hương đi đường lội, bùn bắn lên đến "đồ", tức cảnh vịnh:
Nê ninh thượng thức cao thâm xứ
Mạc quải anh hùng lưỡng thủ mô
(Bùn kia còn biết nơi cao thẳm
Chẳng trách anh hùng thích mó tay).
18. ĐI ĐÁI BÙN NẨY
Quân tử anh hùng đâu vắng tá
Để cho nê thổ nảy chơi xuân.
19. XƯỚNG HỌA VỚI QUAN TẾ TỬU HỌ PHẠM
(Bài 2)
---------------
Xuân Hương xướng:
Kìa ai tỉnh, kìa ai say
Kìa ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Khoan khoan xin hãy dừng tay lại
Chớ mó hang hùm nữa mất tay.
Họ Phạm (Chiêu Hổ) họa lại :
Nào ai tỉnh nào ai say
Nào ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Ví dầu hang chẳng cho ai mó
Sao có hùm con bỗng trốc tay.
20. Câu đối CHƠI ĐÈO NGANG
- Khéo khen ai đẽo đá chênh vênh, tra hòn ngược để đơm người đế bá;
- Trách con tạo lừa cơ tem hẻm, chuốt núi xuôi cho lọt khách cổ kim.
Thật vui,"cái gì của Xuân Hương trả lại cho Xuân Hương" - Giáo sư Tiến sỹ Kiều Thu Hoạch đã dành trên 40 năm trời để Làm ĐƯỢC cái công việc có giá trị đích thực này - thật là đáng kính trọng.
(Góc thành Nam - Hà Nội 30-3-2008)
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử