Trúc Lâm Yên Tử
Trang Sử VIỆT Đề Tên Người Quả Cảm - Khí Hào Hùng Rạng Ngời Mãi Ngàn Sau

Lịch sử tư-tưởng Việt-Nam

Giáo sư Nguyễn Đăng Thục

Tập Một

Tư Tưởng Bình Dân Việt Nam

Tập Hai

Thời Bắc Thuộc và Thời Đinh Lê

(Từ thế kỷ II trước công nguyên đến thế kỷ X)

Tập Ba

Thời Lý

Tập Bốn

Thời Trần (1225-1400)

Tập Năm

Thời Hồ (1380-1407)

Tập Sáu

Nguyễn Trãi Với Khủng Hoảng Ý Thức Hệ Lê-Nguyễn (1380-1442)

 

Tập Một

Tư Tưởng Bình Dân Việt Nam

Mục Lục

Tựa
Lời mở đầu
Ý Thức Thần Thoại Và Triết Học
Hai Nguồn Gốc Tư Tưởng Việt Nam
Văn minh Đông Sơn với trống đồng
- Trống đồng – Tài liệu khảo cổ học
- Tài liệu sử ký, thần thoại
- Ngụ ý triết học của Trống đồng
Văn minh Lạch Trường Với Nhà Mồ Thiên Động
- Tín ngưỡng Thiên Động với dân Việt Nam
- Triết lý Thiên Động với quan niệm Thần Tiên
Kết luận

TƯ TƯỞNG BÌNH DÂN
I.- Trạng Thái Sống Tình Cảm Nông Dân
Mùa xuân với đời sống tình cảm Việt Nam
Trẩy hội hành hương

II. - THẦN THOẠI VỚI TÍN NGƯỠNG VẬT LINH
Ý nghĩa Vật Tổ (Totemisme)
Thần thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh
Truyện Đổng Thiên Vương với Sùng Bái
Anh Hùng Dân Tộc
Truyện Tây Qua hay Dưa Hấu, với sự mâu thuẩn giữa Nhân Văn và Thiên Nhiên

III. – QUAN NIỆM VAI TRÒ LÃNH ĐẠO Ở XÃ HỘI NÔNG NGHIỆP XƯA
Quan niệm vai trò lãnh đạo
Trong xã hội nông nghiệp
- Tổ chức xã thôn với cái Đình Làng
Ý Nghĩa Thần Thoại Trầu Cau, tức Tân Lang với Truyện Man Nương
Tục thờ Cây Đá ở Việt Nam
- Thổ Thần với cây cối
- Nữ Thần với cây cối

IV. - TRƯỜNG ĐẠO NỘI
Đạo lý tự nhiên
- Sự tích Chử Đồng Tử
- Kỳ tích có tinh thần dân tộc ái quốc
- Sùng bái ma thuật
- Tháng tám giỗ Cha: Đức Thánh Trần
- Tháng ba giỗ Mẹ: Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Tục lên đồng với Triết Lý Lên Đồng
- Ý nghĩa của đồng cốt
- Phân tích Văn Chầu Lên Đồng
- Tâm lý lên đồng

V. - PHẬT GIÁO BÌNH DÂN VIỆT NAM
Phật giáo Bình Dân ở Việt Nam
Tín ngưỡng Phật Giáo Bình Dân Việt Nam
Tôn chỉ Nam Hải Quan Âm
- Sự tích Phật Bà Chùa Hương Tích
- Quan Âm Thị Kính

VI. - TRIẾT HỌC BÌNH DÂN TRONG TỤC NGỮ PHONG DAO
- Tư tưởng suy luận bình dân
- Quan niệm Trời, Đất, Người
Trời: Tâm lý và Siêu nhiên
Đất: Ý nghĩa thiên nhiên vật lý
Người: Thái đô
Gia đình
Vợ chồng
Cha con, mẹ con
Quốc gia xã hội

KẾT LUẬN - TỪ VẬT LINH ĐẾN TAM GIÁO
Tiếng nói tượng trưng với những cách biểu thị về siêu nhiên
Đồ biểu cơ cấu xã hội Việt Nam

TỰA

Nhà bác học Pháp-Việt Maurice Durand, hội viên Trường Pháp Quốc Viễn Đông (E.F.E.O) mở đầu diễn thuyết ở Đà Lạt năm 1952 về đề tài "Quelques éléments de l`univers moral des Vietnamiens" (Vài yếu tố của vũ trụ tinh thần người Việt):

"Il est devenu classique de rire que l`âme Vietnamienne est dominée par une synthèmes: Confucianisme, Bouddhisme, Taoisme".)- B.S.E.I.NS.T.XXVII-1952.

Ba đại truyền thống Á Đông trên đã từ Ấn Độ và Trung Hoa truyền vào Giao Chỉ (đất cổ Việt Nam) và trước khi Giao Chỉ tách ra thành Giao Châu và Quảng Châu năm 203 C.N. Giao Chỉ trong cõi Lĩnh Nam, nơi giao lưu qua lại và dừng chân của các trào lưu văn hóa và chủng tộc, điều kiện sinh tồn tồn tại đòi hỏi có sự tổng hợp sáng là điều dĩ nhiên như tục ngữ nói "Khôn sống, mống chết".

Xét lịch sử tư tưỏng Việt Nam ngay từ buổi đầu ta thấy Sĩ Nhiếp (187-226) đã tổng hợp Nho giáo chính thống từ phương Bắc xuống với Phật giáo của Khang Tăng Hội từ phương Tây-Bắc Ấn Độ đến Giao Chỉ thế kỷ thứ III đem Thiền học Đại thừa Phật giáo "Thiền độ vô cực", ví tâm như hoa sen nẩy nở trong nước luôn tươi sáng trong "gần bùn mà chằng hôi tanh mùi bùn".

Đồng thời với Khang Tăng Hội và một số đạo sĩ Bà La Môn từ phía Tây Nam đến, như Khâu Đa La tu đứng một chân theo khoa Yoga cổ truyền Ấn Độ đến Giao Chỉ, trung tâm phật học Luy Lâu (Bắc Ninh) có Mâu Bác làm sách "Lý hoặc luận " để đối phó với các trào lưu tư tưởng tôn giáo đang du nhập và tranh chấp như lời Mâu Tử :

"Sau khi Hán Linh Đế mất rồi (189CN) thiên hạ loạn ly, chỉ có đất Giao Châu (Bắc Việt tách khỏi Quảng Châu sau 203 CN) còn tạm yên. Các Học giả xuất chúng phi thường phương Bắc kéo nhau di cư xuống đây nhiều người chuyên về học thuật Thần Tiên, tịnh cốc, trường sinh. Mâu Tử thường đem sách Ngũ Kinh vặn hỏi, các đạo sĩ và thuật sĩ không ai đối đáp được. Người ta ví ông với Mạnh Kha đối với Dương Chu và Mặc Dịch vậy." (Tự Tựa Lý hoặc luận)

"Lý hoặc luận" là khái niệm đầu tiên tập đại thành của Văn hóa Giao Chỉ Lĩnh Nam, địa điểm ngã ba giao lưu của các dân tộc và văn hóa. Mâu Tử đã ví các trào lưu tư tưởng, tín ngưỡng tôn giao như ánh sáng "mặt trời, mặt trăng cùng sáng, mỗi đằng có sức chiếu riêng" (nhật nguyệt tinh minh các hữu sở chiếu).

Tập đại thành đòi một nguyên lý chung tổng quát, đại đồng để hệ thống hóa, nhất quán các chủ nghĩa khác nhau. Mâu Tử đã tìm thấy nguyên lý ấy ở Phật giáo Giao Châu, ông viết :

"Tuy đọc ngũ Kinh thích thú, lấy làm hoa, nhưng chưa thành quả vậy. Đến khi tôi coi đến lý thuyết của kinh Phật, xem đến yếu lý của Lão tử, sống đức tính điềm đạm, nghiệm đức hạnh vô vi. Bây giờ quay lại nhìn sự đời khác nào đứng giữa trời cao mà nom xuống ngòi lạch, trèo lên đỉnh núi nhìn xuống gò đống. Sách Nho, ngũ Kinh ví như năm vị, đạo Phật như năm thứ thóc. Từ khi tôi được biết đến nay, thực như vén mây thấy mặt trời, cầm đuốc soi vào nhà tối vậy."

Đây là hợp sáng đầu tiên ý thức hệ Tam giáo Nho-Đạo-Thích ở Việt Nam xưa, tức Giao Chỉ mà Sĩ Nhiếp đã thi hành vào chính trị ở chức vụ Thái thú Giao Chỉ, kinh đô Luy Lâu (Bắc Ninh).

Sĩ Nhiếp người Thương Ngô, Quảng Tín, tiên tổ vốn người nước Lỗ lánh nạn xuống Lĩnh Nam (Giao Chỉ), truyền đến Sĩ Nhiếp là đời thứ 6, tức là dân bản xứ. Tác phong Thái thú của ông nghiễm nhiên như một ông vua Bà La Môn hùng cứ một châu rộng khắp vạn lý, uy tôn hơn hết, ra vào chuông trống vang lừng, xe ngựa chật đường, các sư sãi tháp tùng cầm nhang có hàng mươi vị, đương thời quý trọng, chấn phục hàng trăm dân Mán dân Mường, thực Triệu Đà xưa cũng không hơn được. Dân Việt tôn xưng Sĩ Vương Tiên, hiện còn đền thờ ở Bắc Ninh, Sử việt tôn làm "Nam Giao Học Tổ" (Ông Tổ học thuật Giao Chỉ Lĩnh Nam). Ông Tổ đây không phải người đem Hán học đầu tiên vào Việt Nam, mà là ông vua đầu tiên thực hành ý thức hệ chính trị Tam giáo khai phóng Khổng, Lão, Phật.

Và cái ý thức hệ ấy đã trở nên truyền thống dân tộc chi phối tư tưởng thời Lý, thời Trần với tinh thần thâu hóa sáng tạo ra thiền phái Việt Thảo Đường và Trúc Lâm An Tử, hai dòng độc đáo, tích cực nhập thể chính trị với các vua thiền sư. Vua Lý Thánh Tông đại biểu ý chí Quốc Gia Đại Việt, thôn nữ Ỷ Lan Quan Âm Nữ đại biểu tình yêu sùng bái của nhân dân nông nghiệp, cùng Thảo Đường Đạo sĩ đại biểu quyền phép thiên nhiên, cả ba tập đại thành Thiền Tông Thảo Đường, lấy chùa Một Cột (Diên Hựu) tượng trưng cho Hoa Sen "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Đấy là tập đại thành thứ hai sau Nam Giao Học Tổ.

Tập đại thành thứ ba là dòng thiền Trúc Lâm An Tử với nhà vua Trần Nhân Tông, Tam Tổ thánh hiền, một vua thánh với Pháp Loa, Huyền Quang, hai nhà hiền với tôn chỉ:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tạc xôn hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu báo hưu tâm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vân thiên

(Ở trong đời hiện thực vui với tâm đạo siêu nhiên; đói thì ăn, mệt thì ngủ yên;
Trong mình cá nhân có Phật tính quý báu đừng đi tìm ở bên ngoài;
Đứng trước cảnh vật mà không có lòng tư hữu, đấy là Thiền còn hỏi làm chi nữa.) (Trần Nhân Tông)

Đấy là tinh thần tam giáo Nho Đạo Thích như vua Trần Thái Tông tuyên bố:

Vị minh nhân vọng phần tam giáo
Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm.
(Người chưa giác ngộ đạo lý lầm phân biệt có ba giáo lý Nho, Lão, Phật khác nhau. Khi giác ngộ được tới nơi thì chỉ có một tâm linh vũ trụ.)

Và cái tinh thần Thiền ấy đã cáo chung với Thượng Thừa Thiền của Nguyễn Trãi,

“Ta nếu ở đâu vui thú đấy
Người xưa ẩn cả (Đại Ẩn Thiền Sư) lọ lâm tuyền”
Tự Thán

Sau Nguyễn Trãi, ý thức hệ Thiền Tam giáo khai phóng thời Lý Trần cũng cáo chung. Nhà Lê độc tôn Nho giáo theo Tống Nho "tịch Thích Đạo" bài Phật giáo và Lão giáo, tạo nên ở Việt Nam trong triều đình bè phái tàn sát lẫn nhau gây nên tranh giành, nào Lê Mạc, Lê Trịnh, Trịnh Nguyễn suốt hai trăm năm cho đến ngày mất chủ quyền với thực dân.

Tuy nhiên, trong giới sĩ phu, phản đối chính quyền lại trở về với truyền thống Tam giáo như thiền sư Hương Hải chẳng hạn:

Nguyên lai Tam giáo đồng nhất thể,
Nhậm vận hà tằng lý hữu thiên.

Lịch sử tư tưởng Việt Nam cho ta thấy vận mệnh của dân tộc do truyền thống tập đại thành, thâu hóa sáng tạo, khai phóng hơn là đóng cửa bế quan. Cái tinh thần văn hóa ấy đã phản ánh trong thi phẩm trứ danh của thi sĩ Java là Sutasoma tantular với khẩu hiệu: "Bhimeka Tungal Ika" (Đồng nhất trong sai biệt) tương đương quan niệm của Lê Quý Đôn: "Thù đồ nhi đồng quy, bách lự nhi nhất trí" (Vân Đài loại ngữ) (Đường đi khác nhau mà cùng về một mục đích chung, trăm ý nghĩ mà cùng tới một lý).

Tác giả cẩn chí !

2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32