lịch sử việt nam
Biến Động Miền Trung
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17
Biến Động Miền Trung
(Giai đoạn 1963-1975)
- Phần 14
Tiếng đạn nổ lớn trong sân chùa, 3 trong 7 tên rớt ngay tại chỗ nằm yên không dậy. Vừa bóp xong băng đầu tiên, chúng tôi đồng loạt lăn người sang chỗ khác. Bọn chúng bắn trả hàng loạt AK về phía chúng tôi. Chúng tôi bắn thêm loạt đạn thứ hai, bọn chúng tung lựu đạn về phía chúng tôi. Tôi la to:
- Lựu đạn.
Bốn tiếng nổ thật lớn. Sau 4 tiếng nổ, những tên còn lại ù té chạy vào bóng đêm. Tôi không cho lệnh truy kích vì sợ anh em gặp nguy hiểm, và cũng cần phải kiểm soát ngay xem anh em chúng tôi có ai bị thương, hoặc tử thương không. Cũng may chỉ có 2 người ở tổ thứ 3 bị thương ở chân và bắp vế vì bị mảnh lựu đạn, máu ra hơi nhiều. Chúng tôi cấp thời dùng băng cá nhân băng bó cho cả hai.
Hệ thống truyền tin FM1 bắt đầu đầu hoạt động:
- Tango. . . Tango, ông có sao không? Chúng tôi nghe rõ tiếng súng và 4 tiếng nổ lớn ở hướng ông.
Đó là giọng nói của Ân, rồi đến Tý, Trinh, và phó Vinh. Tôi trả lời họ:
- Chúng tôi đang chạm địch ngay trong sân chùa An Lăng, khoảng một tiểu đội Việt Cộng. Hai anh em bị thương nhẹ. Hạ được ba tên. Cho xe cứu thương và Bác Sĩ Hồ Đại Đội Phó đến ngay để lo cho hai anh em thị thương.
Tý nói:
- Nhận rõ. Tôi đưa 2 trung đội đến tiếp viện cho thẩm quyền ngay.
Trong khi chờ đợi, trung sĩ Ánh và trung sĩ Trọc thay phiên nhau giựt một số hoả châu cầm tay lên trời, ánh sáng hoả châu nhỏ soi sáng đủ cho chúng tôi nhận rõ 3 xác Việt Cộng nằm ngay sân chùa.
Để lại một tổ giữ an ninh phía ngoài, tôi cho hai tổ kia vào chùa lục soát. Không có gì trong chùa, tôi cho lệnh bắt Thích thiện Lạc tức thầy Ngoạn còng tay dẫn ra sân. Hai trung đội CSDC, Tý, Ân, Vinh, Hồ, Trinh và Đại Úy Trịnh công Hà, Quân Trấn Phó, chỉ huy 2 chiếc Commando Car của Quân Trấn Huế cũng đã vừa đến tiếp viện cho tôi. Hà là em ruột của nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn. Hai chúng tôi là bạn học thân tình từ thuở nhỏ, và tôi cũng là sư huynh của hắn trong Judo Club Huế, hắn đai nâu, tôi đai đen. Ra đời hai thằng cùng ở lính. Hắn về Quân Trấn, tôi biệt phái Cảnh Sát. Cả hai cùng một nhiệm vụ giữ gìn an ninh thành phố Huế. Ban đêm đang đi tuần tiễu vòng đai thành phố, nghe tôi đụng giặc, hắn đi cứu. Gặp tôi hắn hỏi:
- Liên Thành, có hề hấn gì không?
- Việt Cộng nghe xe tăng của ông đến, chạy hết rồi, có gì thì đã nằm ngay đơ rồi, đâu còn nói chuyện được với ông.
Cả hai đứa cùng cười. Bây giờ thì hắn định cư tại Sacramento.
Tý rải 2 trung đội CSDC bố trí quanh chùa. Hai Commando car của Đại úy Hà đậu ngay cổng. Mọi người đều đổ dồn đến 3 xác Việt Cộng nằm giữa sân chùa. Tôi nói Đại úy Vinh Chỉ huy phó:
- Vinh, anh liên lạc với cuộc Cảnh sát xã Thủy An và ông xã trưởng đến ngay để lập biên bản. Sau đó anh giao cho xã chôn cất họ cho đàng hoàng, dù sao thì họ cũng đã chết rồi. [Tôi còn nhớ ông xã Trưởng Thủy An là Nguyễn Mạnh. Sau vụ này khoảng 8 tháng sau, ông ta bị Việt Cộng ám sát chết ngay tại cổng nhà của ông ta. Thật tội nghiệp]
Trời sáng dần, cơn mưa nhẹ vẫn chưa dứt và gió thật lạnh. Tôi không đạo đức giả, nhưng nhìn ba xác chết trong lòng chợt buồn, nhưng chợt nghĩ, trước đây vài giờ, nếu mình trúng đạn của họ thì giờ đây mình cũng đã nằm bất động đi vào cõi thiên thu như ba người này. Thôi thì… coi như một lời an ủi cho chính mình, may ra có vơi nhẹ đi nỗi buồn và một thoáng hối hận chợt đến, khi nhìn ba hình hài nằm dài giữa những vũng máu. Trong cảnh máu nhuộm sân chùa vào buổi sáng tinh mơ của những ngày mùa đông xứ Huế, cơn gió lạnh thoảng qua, có chút mùi tanh của máu nguời, tôi nói nhỏ một mình trong nỗi buồn… “cuộc chiến này quả thật tàn bạo?”
Dân chúng làng An Lăng và Phủ Cam kéo đến xem mỗi lúc mỗi đông, trời đã sáng hẳn. Bất chợt tôi nghe Đại Úy Ân hỏi Thích Thiện Lạc:
- Ông biết ba người này không?
- Tôi biết người nằm giữa là Ông Đối, Nguyễn Đối.
- Còn hai người kia?
- Tôi không rõ.
Ân kề tai tôi nói nhỏ:
- Thiếu Tá Nguyễn Đối bí danh Thanh Bình.
Tôi gật đầu. Chúng tôi rời khỏi chùa vào hồi 7 giờ sáng. Ngày hôm sau không có cuộc biểu tình nào xảy ra để “đả đảo Đại Úy Liên Thành đàn áp Phật Giáo, vô cớ bắt bớ tăng ni”.
Nhưng tôi lại gặp một cuộc biểu tình phản đối, mà muôn đời không bao giờ dẹp được, đó là Mẹ tôi. Bà là một người mộ đạo, là đệ tử của Thầy Ngoạn. Ngày rằm bà đi chùa của Thầy, anh chị em tôi bà đều đem quy y vào chùa Thầy Ngoạn và ông là người đứng làm lễ quy y cho chúng tôi. Anh chị em tôi và ngay cả tôi đều có Pháp danh do Thầy Ngoạn đặt cho, mẹ tôi nghe tôi bắt thầy Ngoạn bà hốt hoảng nhắn với anh tôi:
- ”Nói hắn thả Thầy ra. Đời thủa nhà ai hắn lại đi bắt Thầy đã làm lễ quy y và đặt Pháp danh cho hắn. Thằng con bất hiếu.” Mẹ tôi cũng như hằng trăm ngàn Phật tử ở Huế, họ đối với quý Thầy một lòng tôn kính, điều thầy nói, việc Thầy làm tất cả đều đúng, tuyệt đối phải nghe lời Thầy dạy. Tôi bắt những tên Việt Cộng đội lốt thầy tu, thầy tu hoạt động cho Việt Cộng. Thầy Ngoạn hoạt động cho Việt Cộng, chứ đâu bắt Thầy Ngoạn đạo đức tu hành như Mẹ tôi và hằng trăm ngàn Phật Tử ở Huế vẫn lầm tưởng.
Đối với Mẹ, tôi là thằng con bất hiếu. Đối với hằng trăm ngàn Phật Tử ở Huế tôi là thằng phản đạo, ”nỗi oan này biết ngỏ cùng ai, thôi đành… kiếp làm thân chịu”.
Sau 30/4/1975 những con quỷ đỏ đó, cởi bỏ áo cà sa, hiện nguyên hình một bầy quỷ dữ, thẳng tay đàn áp, tiêu diệt Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đến nay đã hơn 32 năm vẫn còn tiếp tục.
Từ Huế, nơi xa xôi vạn dặm, nơi ngàn trùng xa cách, ở đây tôi nghe được tiếng vọng những lời hối hận:
- “Tội nghiệp ông Liên Thành. Ngày trước mình chửi ông ta là tên phản đạo. Bây giờ mới thấy có trật ai đâu, bọn chúng đã lộ mặt là Cộng Sản nằm vùng trong Phật giáo. Thật không ngờ”.
Vâng, thật không ngờ. Mà quả tình quý Thầy và đồng bào Phật Tử chân chính làm sao ngờ được. Bọn chúng là loại quỷ dữ tu luyện ngàn năm, đã hoá thành tinh, biến thành kiếp người, chỉ có những thầy Pháp cao tay, họa may mới có thể khám phá và trừ khử được bọn chúng, nhưng vận nước và Pháp nạn đã đến, có hối hận cũng bằng không.
Trở lại trường hợp của Thầy Ngoạn. Một tuần sau, hồ sơ thiết lập xong, và chuyển sang Hội Đồng An Ninh Tỉnh. Đại Tá Lê Văn Thân, Tỉnh Trưởng né tránh, vì sợ đụng chạm đến Phật Giáo, ông đi thanh tra quận. Tôi chức vụ Tổng Thư Ký hội Đồng An Ninh Tỉnh, Đại tá Tỉnh Trưởng chỉ thị tôi thay ông, ngồi nghế Chủ tịch Hội Đồng An Ninh Tỉnh. Trưởng Ty Nội An Tỉnh, Trưởng Ty An Ninh Quân Đội, Trưởng Phòng Hai Tiểu Khu, Trưởng Ty Chiêu Hồi, họ là hội viên.
Trưởng Ty Nội An và Chiêu Hồi đề nghị: ”Sáu tháng tù ở cho Thầy Ngoạn và không tái xét.”
Ty An ninh Quân Đội và Phòng II Tiểu Khu: ” Một năm tù ở không tái xét”.
Tôi là người quyết định cuối cùng: ” Hai năm, không tái xét, đưa đi Côn Sơn”.
Ông Trưởng Ty Nội An một công chức lớn tuổi phản đối:
- Quá nặng, “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, hai năm quá nặng xin hội đồng xét lại.
Tôi lý luận với ông Trưởng Ty Nội An:
- Thưa ông Trưởng Ty, tôi biết ông là một Phật Tử, thờ Phật, kính Thầy, và tôi cũng là một Phật Tử. Nhưng trường hợp ông thầy Ngoạn này xin ông hiểu cho, ông ta không phải là kẻ tu hành, mà là cơ sở của ban An Ninh Thành Ủy Việt Cộng. Ông ta và đám Đặc công Thành do Thiếu tá Việt Cộng Thanh Bình chỉ huy, định dùng Chùa An Lăng của ông ta làm nơi xuất phát tấn công trụ sở xã Thủy Phước vào đêm Giáng Sinh. Nếu lực Lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế không phát giác kịp thời, ngăn chặn và phá vỡ âm mưu của bọn chúng, có lẽ một số cán bộ xã Thủy Phước và đồng bào đi dự lễ Giáng Sinh đã bị bọn chúng sát hại. Vì thế hai năm là quá nhẹ.
Thiếu Tá Truật, Trưởng Ty An Ninh Quân Đội, và Đại úy đại diện phòng II Tiểu Khu, nghe tôi lý luận với ông Trưởng Ty Nội An xong cũng đồng ý 2 năm. Mọi người đều ký vào biên bản.
Ba tuần sau, chúng tôi nhận được báo cáo từ tình báo viên xâm nhập gởi về xác nhận: ‘Thiếu Tá Nguyễn Đối tự Thanh Bình thuộc Ban An Ninh Thành Ủy Huế và 2 đặc công đã tử trận vì bị phục kích tại chùa An Lăng’.
Lần này Lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế đã kịp thời ngăn chặn cuộc đột kích của Việt Cộng vào Xã Thủy Phước trong làng Phủ Cam vào ngày lễ Giáng Sinh 24/12/1970.
Tôi trở lại tiếp tục lời khai của Hoàng Kim Loan:
- Thích Chơn Thông
Ngôi chùa nhỏ Thiên Ấn tại đường Duy Tân thuộc Quận III thành phố Huế và hầm bí mật dưới chuồng nuôi heo của Chùa. Ngôi chùa nhỏ này là một trạm giao liên bản lề, rất quan trọng của cơ quan thành ủy Huế. Nơi đây là trạm tiền phương, chuyển vận cán bộ nội thành ra vào hoạt động trong thành phố, là trạm giao liên chuyển nhận mọi tin tức quan trọng và khẩn cấp từ nội thành lên khu và ngược lại.
Trạm giao liên này đã được Hoàng Kim Loan thiết lập từ năm 1964, và chính y cũng đã từng trú ngụ nhiều lần tại ngôi chùa này, trước thời gian xảy ra vụ tấn công Huế vào năm Mậu Thân 1968. Trụ trì ngôi chùa nhỏ này là Thích Chơn Thông cơ sở nội thành và được y kết nạp vào đảng từ năm 1961. Đây là ngôi chùa độc nhất trong Quận III thành phố Huế, nằm ngay trên đường Duy Tân, cạnh chợ An Cựu và cách quận đường quận III chưa đầy 300 mét.
Tôi còn nhớ trước tháng 3/1971, tôi nhận được bản tin từ cơ sở nội tuyến gởi về báo cho biết một toán đặc công thành, gồm 2 nam và 1 nữ, sẽ đột nhập vào thành phố và sẽ trú trong một hầm bí mật tại ngôi chùa trên. Vũ khí sẽ được chuyển vào cho toán đặc công này là 2 súng AK báng xếp, 1 B40, một số chất nổ và đạn dược. Nhiệm vụ của toán đặc công này là bất thần tấn công quận đường quận III. Ngày giờ tấn công nguồn tin không xác nhận được vì sẽ do trưởng toán Đặc công quyết định. Kèm theo bản tin là sơ đồ vị trí hầm bí mật tại ngôi chùa trên. Ngày 12/3/1971 nguồn tin xác nhận toán đặc công đã có mặt tại chùa, và bọn chúng đang điều nghiên, quan sát vị trí quận đường Quạân III. Ngay lúc đầu, tôi có ý định đặt một toán theo dõi để khám phá thêm số cơ sở nội thành, mà bọn đặc công này sẽ tiếp xúc để thu lượm tin tức bổ túc cho kế hoạch tấn công quận III của bọn chúng, nhưng nghĩ lại, mình đang dự định chơi một trò chơi nguy hiểm vì: – Ngày giờ tấn công của bọn đặc công mình không nắm vững, nếu bọn chúng ra tay sớm, sẽ có nhiều mạng sống của nhân viên chính quyền và dân chúng bị hy sinh.
Tôi quyết định ra tay trước bọn chúng, ngăn chặn cuộc tấn công của bọn Đặc công Cộng Sản nhắm vào Quận III thị xã Huế. 15giờ 30 chiều ngày 14/3/1971, hai trung đội CSDC do Đại úy Trần Văn Tý chỉ huy, 20 CSĐB do Đại úy Trương Công Ân chỉ huy, tôi chỉ huy tổng quát đổ quân bao vây chùa.
Dân chúng khu phố An Cựu, đường Duy Tân, đường Nguyễn Huệ, Chợ Cống, Cầu số 7, và ngay trong chợ An Cựu thấy chúng tôi đỗ quân vây chùa ùn ùn kéo đến mỗi lúc mỗi đông. Họ tụ tập bên này lề đường nhìn sang Chùa, và bắt đầu có tiếng chửi rủa la ó: ”đả đảo Liên Thành, đả đảo Cảnh Sát đàn áp Phật Giáo, bắt bớ tăng ni”. Đã lâu lắm rồi, từ bao năm nay, cá nhân tôi và anh em thường bị chửi như vậy. Chúng tôi cũng đã quen tai nên chỉ cười với nhau và cũng chẳng phiền hà gì chuyện đó.
Ngôi chùa nằm sát lề đường Duy Tân, tôi đứng bên này lề đường nói thật lớn với đám đông dân chúng tụ tập bên kia đường:
- Tôi, Đại úy Liên Thành, Trưởng ty Cảnh sát, yêu cầu đồng bào đừng sang phía bên này, nhân viên công lực chúng tôi đang hành sự. Chúng tôi đang bao vây 1 toán Việt Cộng hiện đang trú ẩn trong chùa.
Một tên đầu trâu mặt ngựa đứng truớc đám đông la to:
- Đồng bào đừng tin hắn, hắn nói láo đó. Hắn vây chùa bắt quí thầy, yêu cầu đồng bào tràn vào chùa giải thoát quí thầy.
Đã đến lúc phải làm mạnh với tên này, tôi bước xuống đường, đi về phía hắn. Tôi dí sát mủi súng M18 vào vế hắn:
- Anh đứng yên tại chỗ. Chỉ cần anh bước nửa bước xuống đường, tôi sẽ bắn gãy chân anh ngay, anh nghe rõ chưa?
Mặt hắn tái xanh, lủi vào đám đông mất dạng.
Tôi trở lại cổng chùa ngay lề đường đợi Tý bố trí lực lượng bao vây, và gọi máy yêu cầu Chỉ huy trưởng CSQG/Quận 3, Trung úy Phạm Cần chỉ huy một đơn vị Cảnh sát sắc phục đến giữ an ninh, ngăn chặn không để đồng bào tụ tập trước cổng Chùa.
Hai trung đội CSDC đã bao vây kín ngôi chùa nhỏ, và Đại úy Ân cũng đã mời hết mọi người trong chùa ra ra ngoài sân kể cả Thích Chơn Thông, vì sợ họ có thể bị nguy hiểm khi chúng tôi giao tranh với đám đặc công Việt Cộng.
Theo họa đồ mà chúng tôi có trong tay, thì vị trí hầm bí mật là chuồng nuôi heo của Chùa, nối liền với khu nhà bếp. Miệng hầm bí mật nằm về phía tay phải của chuồng heo, và lỗ thông hơi là một ống sắt được ngụy trang khéo léo từ ngoài gốc bụi chuối phía sau, sát với chuồng heo vào tận bên trong hầm. Hai yếu tố quan trọng để tránh thiệt hại nhân mạng khi khui hầm bí mật Việt Cộng là phải biết rõ vị trí miệng hầm và lỗ thông hơi, vì bọn Việt Cộng thường dùng hai vị trí này để bắn lên.
Một tiểu đội CSDC và CSĐB đã bố trí gần chuồng heo của chùa đang đợi tôi, Ân và Tý. Tôi nói Tý vị trí này quá chật, chỉ cần tôi, Tý, và ba nhân viên là đủ. Chuồng heo được xây một bức tuờng chung quanh chỉ cao quá đầu gối, không có cửa, đó là trở ngại chính vì trong chuồn có hai chú heo nhỏ, phải hai CSDC lựa thế mới đem được hai chú heo ra khỏi chuồng.
Chúng tôi tìm ra nắp hầm bí mật không mấy khó khăn, chỉ cần dồn phân heo và rơm rạ từ phía phải trong chuồng sang một bên là đã thấy ngay. Tiếng súng AK bắt đầu nổ dòn khi chúng tôi cậy tung nắp hầm, ba loạt AK từ dưới hầm bắn lên, chúng tôi không bắn trả vì muốn bắt sống ba tên đặc công này, nhưng nếu có bắn trả cũng chẳng thấy bọn chúng ở đâu mà bắn vì dưới hầm quá tối. Tôi la to:
- Tý, thẩy lựu đạn cay xuống hầm.
Đại úy Tý và hai CSDC nhanh nhẹn gởi xuống hầm tặng bọn đặc công 6 trái lựu cay, khói cay toả lên miệng hầm mù mịt, có tiếng ho sặc sụa của bọn chúng. Tôi nói lớn:
- Các anh đầu hàng đi, tôi cho 5 phút để đầu hàng, bằng không tôi sẽ thẩy lựu đạn nổ mạnh xuống hầm.
Có tiếng ho, và tiếng đàn bà la lớn dưới hầm:
- Chúng tôi đầu hàng… Chúng tôi đầu hàng… Cho chúng tôi lên, đừng liệng lựu đạn xuống.
- Có bao nhiêu người dưới hầm?
- Chúng tôi có ba người.
- Liệng súng lên miệng hầm truớc, người lên sau. Tuần tự từng người một, hai tay đưa lên khỏi đầu. Nếu có vũ khí cầm tay sẽ bị bắn hạ ngay.
Tiếng nói dưới hầm vọng lên:
- Chúng tôi nghe rõ.
- Bây giờ bắt đầu, liệng vũ khí lên đi.
Hai súng AK 47 và một súng B41 từ dưới hầm chuyển lên. Sau đó từng người một đưa hai tay cao quá đầu chui từ hầm bí mật trồi lên. Người đầu tiên là một phụ nữ khoảng trên hai mươi tuổi, và sau đó là hai người đàn ông chưa đầy ba mươi tuổi. Cả ba người vừa lên khỏi hầm bí mật đã ngồi qụy xuống ngay nền chuồng heo đầy phân heo, thở dồn dập. Có lẽ chỉ cần chậm thêm vài phút họ đã ngất xỉu, vì hơi cay và thiếu dưỡng khí trong hầm bí mật. Ba nhân viên CSĐB đã còng tay họ xong, Đaị úy Ân hỏi họ:
- Đạn B41 và chất nổ để ở đâu?
- Còn dưới hầm.
Ân định cho một toán xuống lục soát hầm lấy đạn B41 và chất nổ lên. Tôi cản lại:
- Khoan đã Ân. Coi chừng bọn chúng gài chất nổ chậm dưới hầm. Đem họ đi. Tất cả anh em rời khỏi đây ra ngoài sân chùa ngay. Coi chừng hầm nổ tung bây giờ, một hai giờ sau xuống lục soát chưa muộn.
Chúng tôi rời chuồng heo dẫn họ ra sân chùa. Bây giờ tôi mới có dịp quan sát kỹ ba tên đặc công: Người đàn bà, nữ đặc công là một thiếu nữ mặt còn rất trẻ, hai người đàn ông kia cũng khoảng dưới ba mươi tuổi, tất cả mặt mày xanh xao, quần xắn cao, phân heo dính đầy người và đặc biệt từ mắt cá chân trở xuống nuớc phân heo đã nhuộm đen đôi bàn chân của họ. Phải nhìn thấy một sự thật rõ ràng, sức chịu đựng gian khổ của họ đã vượt quá mức. Mọi người có mặt hôm đó thật tình không hiểu nổi làm sao họ có thể đứng nhiều ngày dưới một hầm phân heo ngập quá mắt cá chân. Tôi hỏi người nữ đặc công:
- Chị và hai người kia ở dưới hầm bao lâu rồi?
- Ba đêm, bốn ngày. Ban đêm chúng tôi lên khỏi hầm đi quan sát và điều nghiên mục tiêu.
- Mục tiêu nào?
- Quận đường Quận III.
- Khi nào tổ của chị tấn công?
- Tối hôm nay, một giờ sáng.
- Tổ của chị thuộc đơn vị nào?
- Đơn vị Đặc công H1 cơ quan Thành ủy.
Tôi định hỏi tiếp người nữ Đặc công này thì một toán chuyên viên thâu hình của đài truyền hình Huế, một số ký giả và đài phát thanh Huế đã vào sân chùa từ hồi nào và muốn phỏng vấn tôi. Tôi từ chối khéo, vì chuyện chúng tôi làm là chuyện tình báo, chuyện kín, chuyện hở, chuyện trên trời dưới đất, làm sao nói được. Sẵn có Vinh đứng gần tôi, tôi chuyển qua cho Đại Úy Vinh:
- Tôi quá bận, xin quí vị gặp Đại úy Vinh Chỉ huy phó của tôi. Ông ta sẵn sàng tiếp tất cả quí vị, ngoài ra nếu quí vị muốn thâu hình 3 Đặc công Việt Cộng, vũ khí tịch thâu được và hầm bí mật xin cứ tự nhiên.
Tôi thoát nợ. Bây giờ thì đồng bào đã tràn vào sân chùa, họ đứng xem, xầm xì, bàn tán, tôi nghe có người nói:
- Mình đã nghi oan cho Cảnh Sát. Họ vây chùa khui hầm bí mật bắt Việt Cộng, chứ đâu bắt quí thầy.
Tôi nghe rõ và trả lời với họ:
- Tôi cám ơn người nào vừa nói câu đó, cám ơn đã trả lại công bằng cho Lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế chúng tôi. Cách đây vàì giờ, khi chúng tôi đổ quân vây chùa, đồng bào đã phản đối, cho rằng chúng tôi đàn áp Phật Giáo, vây chùa bắt Tăng, Ni. Bây giờ có ai chứng minh được ba tên đang ngồi đó là Tăng, Ni. Tôi sẽ mở còng cho họ, và giao lại cho đồng bào rước ‘Tăng, Ni’, trở lại chùa?
Mọi người đều im lặng, bỗng từ trong đám đông, một người đàn bà xông ra, chỉ vào mặt ba tên Đặc công Việt cộng, với một giọng Huế nhưng thuộc Quận Hương Điền rất khó nghe:
- “Ba đứa ni mà Tăng, Ni chi, tụi hắn là Việt Cộng. Ông cha mồ tổ bây, Mậu Thân bây bắt chồng tau đem đi chôn dập chôn vùi ở mô mà nấy năm trời ni tau đi cùng vành non nước tìm xác không ra, tổ cha mụ nội bây, đồ Việt Cộng ác ôn”.
Vừa la hét, chửi bới, chị ta xông vào định hành hung tên nữ Đặc công. Một CSDC cản lại. Một CSDC đứng gần tôi, nói vớí tôi:
- Chị ta là vợ của một Cảnh Sát Quận III, bị Việt Cộng bắt đi chôn sống năm Mậu Thân, để lại cho chị 8 đứa con dại nheo nhóc. Gia đình chị ta ở gần nhà em, lâu lâu lại sang nhà em mượn gạo. Thật tội nghiệp, thường ngày chị ta hiền lắm.
Vừa nghe nói chị ta là vợ nhân viên Cảnh sát, tôi móc trong túi có được ít tiền dúi vào tay chị ta:
- Thôi được rồi, chị hả giận chưa, đi về mua gạo cho con đi. Chị chửi Việt Cộng ác ôn chỉ gãi ngứa cho tụi hắn mà thôi, lần sau có chửi thì phải chửi: “Ông cha mồ tổ thằng Hồ Chí Minh” may ra tụi hắn mới đau.”
- Thưa Ôn, em còn ức lắm. Cho em nói với ôn Chơn Thông một câu nữa rồi em về.
Miệng nói, chân bước đến ngay trước mặt Thích Chơn Thông đang bị còng tay ngồi cùng với ba tên Đặc công Việt Công:
- Lâu nay trong xóm ai cũng tưởng Ôn là người tu hành, té ra Ôn là Việt Cộng. Ôn đào hầm bí mật chứa Việt Cộng trong chùa, đồ Việt Cộng ác ôn…
Nhìn cảnh người đàn bà uất hận chửi bới Việt Cộng, tôi hiểu ngay phải đem 3 tên Đặc công và Thích Chơn Thông rời khỏi chùa càng sớm càng tốt, bằng không sẽ sinh loạn, vì khu vực này năm Mậu Thân 1968, Việt Cộng đã bắt 500 người đem đi chôn sống. 500 gia đình nạn nhân họ kéo đến thì thật đại họa. Tôi gọi Đại Úy Ân:
- Ân, đưa bọn họ về Trung Tâm Thẩm vấn. Nhiều gia đình có thân nhân đã bị Việt Cộng chôn sống họ kéo đến thì phiền lắm.
Ân cho xe chở 3 Đặc công Việt Cộng và Thích Chơn Thông về Trung Tâm Thẩm vấn. Đại úy Tý cho một toán CSDC xuống lục soát dưới hầm bí mật, tịch thu 3 quả đạn B41, một số chất nổ cùng đạn AK47.
Đồng bào từ từ giải tán, có tiếng la to:
- Đả đảo Việt Cộng ác ôn. Hoan hô Cảnh sát. Hoan hô Đại úy Liên Thành.
Tôi cười, và cũng la to trả lời họ: “Hoan hô đồng bào!”
Từ tháng 10/1966 đến 10/1974 lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế đã khám phá hàng chục hầm bí mật tương tự như tôi vừa kể trên. Nếu viết ra cả hàng trăm trang giấy cũng vẫn chưa hết, đó là một sự thật đáng buồn. Phật Giáo tại Huế từ lâu đã bị Việt Cộng xâm nhập quá sâu, từ hạ, đến thượng tầng cơ sở, những chuyện tương tự còn quá nhiều, xin hẹn một dịp khác.
Tôi xin tạm dừng ngang đây để trở lại những sự kiện và lời khai của Trung tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan về các tổ chức khác của hắn, tại thành phố Huế. . . . . . . .
(Còn tiếp)
LỜI MINH XÁC:
Chúng tôi vừa nhận được ý kiến thắc mắc của một độc giả từ Âu Châu như sau: ” – Bên Na Uy hiện nay mới có một ngôi chùa đặt tên là “Chùa Đôn Hậu”?. Vậy những điều mà tác giả Liên Thành viết trên TS BĐQ tố cáo Thích Đôn Hậu là VC, đã cùng Thích Trí Quang chủ mưu những biến động ở miền Trung, gây ra biết bao tang tóc cho dân chúng, có đáng tin cậy không? – Nhà tu Thích Đôn Hậu phải là người đức cao vọng trọng mới được người đời dùng tên đặt cho chùa chớ…!!”
Để làm bằng chứng, vị độc giả Niên Trưởng này còn gởi kèm một phóng ảnh trang báo có đăng bản tin:
“Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng chùa Đôn Hậu – Na Uy” – Trong đó có ghi địa chỉ ngôi chùa như sau: Chùa Đôn Hậu – Sivet Thonstadv 10A – 7080 Norvège (Norway)
Tél : (0047) 07-260-2119.
Chúng tôi xin minh xác cùng quý độc giả, những điều tác giả Liên Thành viết hoàn toàn đúng sự thật. Đây là vấn đề quan trọng, có liên quan đến lịch sử và tôn giáo – Với tinh thần tôn trọng sự thật, với lương tâm của người cầm bút, TS BĐQ và tác giả Liên Thành hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều đã viết, đã đăng trên Tập San. Chúng tôi chỉ làm công việc của một chứng nhân trong giai đoạn lịch sử đó, đồng thời vạch mặt những cán bộ cộng sản đội lốt nhà tu để lợi dụng tôn giáo thôi.
Còn việc đặt tên “chùa Đôn Hậu”, chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là chuyện… bình thường của hệ thống tuyên truyền cộng sản, luôn đổi trắng thay đen. Quý độc giả hẳn đã biết người quốc gia chúng ta, coi ông Hồ Chí Minh như một tên tội đồ của dân tộc. Ông ta đã gây ra biết bao nhiêu tội ác đẫm máu dân lành, khi áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên đất nước VN, nào là cải cách ruộng đất, đánh tư sản mại bản, bắt bớ văn nghệ sĩ, đấu tố địa chủ vv… Đã giết hại biết bao nhiêu người, vậy mà vẫn có những “đệ tử” của ông ta tạc tượng sơn son, thiếp vàng, đem vào chùa đặt trước tượng Phật đấy! (Chùa Đại Nam thuộc tỉnh Bình Dương). Ai bất phục, chống đối, đả phá, thì cũng chỉ dám âm thầm chửi rủa – Còn nhóm sư, tăng quốc doanh chúng vẫn cứ xì xụp lễ bái, nhà nước khuyến khích. Mấy chục năm nay, người cộng sản cầm quyền ở VN, họ ra sức đánh phá, đàn áp các tôn giáo dưới mọi hình thức, từ cấm đoán sinh hoạt, đến việc gài người vào để lèo lái tôn giáo đó theo ý họ, hoặc quậy phá, chia rẽ nội bộ các tôn giáo – Ngoài ra họ luôn luôn nói một đường, làm một nẻo, trường hợp bắt bỏ tù Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân vừa rồi là những biểu tượng rõ ràng sự ăn ngang, nói ngược của nhà cầm quyền cộng sản, chắc quý độc giả đã rõ, không cần chúng tôi phải nhắc lại.
Dưới đây là 2 tấm hình chúng tôi trích trong website Take2Tango, quý vị có thể vào kiểm chứng
Tượng HCM đặt trong chuà Đại Nam ở Bình Dương
Công An VC đội lốt nhà sư đang chén tạc chén thù *
Chuyện “Biến Động Miền Trung” cuả tác giả Liên Thành được tam ngưng tại đây.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử