lịch sử việt nam
Biến Động Miền Trung
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17
Biến Động Miền Trung (Giai đoạn 1963-1975)
- Phần 3
Liên Thành (Cựu Ty Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Thừa Thiên-Huế)
Cũng giống Trung tướng Tôn Thất Đính, Thiếu tướng Huỳnh văn Cao vào Đà Nẵng, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn I. Thiếu tướng Cao liên lạc với tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và tỵ nạn tại đó .
Bây giờ thì miền Trung và Thừa Thiên Huế hoàn toàn vô Chính Phủ, mặc sức Thích Trí Quang và đám Cộng Sản Hoàng Kim Loan tung hoành. Dân chúng sống từng giờ trong nơm nớp lo sợ: sợ Thầy, sợ Việt Cộng, sợ các Đoàn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử của Thầy. Công chức, quân nhân sợ không được lãnh lương, vợ con đói.
Vị Tướng kế tiếp được Chính Phủ cử ra làm Tư Lệnh Quân Đoàn I là Thiếu Tướng Trần Thanh Phong. Thiếu Tướng Phong đến Đà Nẵng đúng vào thời gian cao điểm của phong trào Tranh Đấu Phật Giáo Miền Trung. Ông chuẩn bị cho cuộc đổ quân ra Huế dẹp loạn. Trong khi đó thì tại Huế lực lượng chống lại phong trào tranh đấu được phân loại như sau:
1- Thành phần chống đối tiêu cực:
Khối Công giáo: Đại đa số tín đồ Thiên Chúa Giáo sống tại làng Phú Cam nơi có nhà thờ Chính Tòa Phú Cam, vùng dòng Chúa Cứu Thế, nơi có nhà thờ và dòng tu, dòng Chúa Cứu Thế, vùng Gia Hội có nhà thờ Gia Hội, vùng Kim Long nơi có Dòng Tu kín của các Nữ tu. Họ chống lại Phong trào Tranh Đấu nhưng tiêu cực, các vị lãnh đạo không muốn giáo dân vướng vào vòng xung đột của hai tôn giáo là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Khu an toàn Phú Cam được giáo dân canh gác, đề phòng cẩn mật vì sợ các đoàn Quyết Tử của Phong Trào Tranh Đấu quấy phá. Họ sẵn sàng chống trả chỉ trong trường hợp tự vệ. Đại đa số trầm lặng là giáo chức, thành phần trí thức, những người lớn tuổi, và Hoàng Tộc, họ đều bất bình và chống lại cuộc Tranh Đấu Miền Trung nhưng họ chỉ giữ thái độ im lặng và không hợp tác.
2- Thành phần chống đối tích cực:
Các đảng phái quốc gia như:
- Việt Nam Quốc Dân Đảng
- Đại Việt Cách Mạng của ông Hà Thúc Ký.
Lực lượng nòng cốt của Đại Việt Cách Mạng tại Thừa Thiên-Huế là Tỉnh Đoàn Xây Dựng Nông Thôn do thiếu tá Nguyễn Văn Lý là Tỉnh Đoàn Trưởng. Ông là lãnh tụ quan trọng và cao cấp của đảng Đại Việt. Một nhân vật chống Cộng Sản tuyệt đối nếu không nói là quá khích.
Tỉnh Đòan Xây Dựng Nông Thôn đã góp công lớn trong việc dẹp loạn Miền Trung. Họ tung nhân viên tham gia Lực Lượng Đấu Tranh thu thập tin tức, thiết lập hồ sơ những thành phần quá khích cung cấp cho đơn vị hành quân dẹp loạn.
Cũng không thể nói đến một góp sức không nhỏ cho việc dẹp loạn Miền Trung là Cơ Quan Dân Ý Vụ. Đây là một cơ quan thành lập năm 1965 phụ trách Tình Báo Nhân Dân. Chỉ huy trưởng cơ quan này là ông Trần Đông Hoài, một giáo sư dạy Pháp Văn tại trường Trung Học Thiên Hựu, nói ngoại ngữ Anh và Pháp giống như người ngoại quốc. Mặc dầu là một nhà giáo, nhưng lại có thiên phú đặc biệt tình báo. Cơ Quân Dân Ý Vụ cung cấp hầu hết các kế hoạch hành động của lực lượng tranh đấu.
Ngoài ra, lực lượng quân sự chống lại cuộc nổi loạn miến Trung chỉ có ba đơn vị như sau:
1- Phía Bắc Thừa Thiên:
Quận Quảng Điền do đại úy Trần Đức Anh làm Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng. Ông là thành viên cao cấp Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đại úy Anh dự định lập Khu Biệt Lập Quảng Điền dùng lực lượng quân sự của Chi Khu chống lại đám dấy loạn miền Trung. Công việc bại lộ Đại uý Anh phải đào tẩu vào Đà Nẵng trình diện Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I, Trần Thanh Phong. Khi lực lượng hành quân của chính phủ ra Huế dẹp loạn, ông theo lực lượng hành quân ra Huế trở lại nhiệm sở cũ, chức vụ cũ. Sau đó, trong một cuộc đụng trận lớn với Việt Cộng tại Quận lỵ Quảng Điền vào năm 1967, Đại Úy Anh đã anh dũng đền nợ nước.
2- Phía Nam Thừa Thiên:
Quận lỵ Hương Thủy nằm phía Nam thành phố Huế. Bộ chỉ huy quận và chi khu Hương Thủy nằm cạnh phi trường Phú Bài và căn cứ quân sự của sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, Phú Bài, cạnh Quốc Lộ I trên đường vào Đà Nẵng.
Quận trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Hương Thủy là thiếu tá Nguyễn Văn Tăng, Thiếu Tá Quận Trưởng Hương Thủy là một trong những đơn vị trưởng đầu tiên chống lại Phong Trào Tranh Đấu Miền Trung. Trong những ngày đầu của cuộc tranh đấu ông cho lực lượng quân sự của Chi Khu bố trí và án ngữ ngay vùng Dạ Lê trên Quốc Lộ I, đồng thời yêu cầu đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tăng phái 2 xe tăng M 48 chận ngay Quaốc Lộ I vùng Dạ Lê không cho lực lượng tranh đấu từ thành phố Huế tràn xuống. Văn phòng quận, Chi Khu Hương Thủy bấy giờ trở thành bộ chỉ huy của Lực Lượng Chống Phong Trào Tranh Đấu.
Trung Tá Phan Văn Khoa, tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, thị xã Huế, kiêm Tiểu Khu Trưởng là vị tỉnh trưởng đầu tiên tại Miền Trung chống Phong Trào Tranh Đấu. Ông dời văn phòng Tỉnh Trưởng về quận Hương Thủy vì toà Hành Chánh Tỉnh bị bọn nổi loạn chiếm cứ.
Bộ Chỉ Huy lực lượng đấu tranh càng ngày càng tấp nập các phái đoàn Chính Phủ Trung Ương Sài Gòn ra hội họp, các lãnh tụ các Đảng Chính Trị và nhiều phái đoàn quân sự cũng như tình báo Hoa kỳ, họp với Trung Tá Tỉnh Trưởng bàn soạn kế hoạch tái chiếm lại thành phố Huế hiện đang nằm trong tay đám tranh đấu.
Tại thành phố Huế, độc nhất còn lại Bộ Chỉ Huy tiểu khu Thừa Thiên đóng gần Đài Phát Thanh Huế. Trung Tá Khoa giao cho Thiếu tá Nguyễn Văn Tố, Trưởng Phòng II Tiểu Khu trấn giữ. Đám tranh đấu chưa dám chiếm Tiểu Khu vì đây là cơ quan quân sự.
Huế hoàn toàn bỏ trống, không còn chính quyền, thành phố nằm gọn trong tay đám tranh đấu Thích Trí Quang.
3- Phiá Tây Thành Phố Huế:
Lực lượng thứ 3 chống lại đám tranh đấu là quận Nam Hòa nằm phía Tây thành phố Huế. Quận Nam Hòa nằm phía Tây Thành phố Huế. Quận Nam Hòa là quận miền núi, mặc dầu cách thành phố Huế khoảng 12 Km. Quận trưởng kiêm Chi Khu Trưởng là Thiếu tá Phạm Khắc Đạt, phụ tá Quận Trưởng kiêm Chi Khu Phó là tôi, Thiếu Úy Liên Thành.
Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt là vị chỉ huy đầu đời binh nghiệp của tôi. Ông là một sĩ quan trẻ cấp Thiếu Tá, nhưng ông có đủ khả năng quân sự vừa chiến thuật vừa chiến lược. Vốn là người Bắc nên rất tế nhị, cẩn trọng trong mọi vấn đề, mọi trường hợp. Trong những ngày đầu của cuộc dấy loạn Miền Trung, ông không chống mà cũng chẳng ngã về Phong Trào Tranh Đấu. Chỉ đứng khoanh tay nhìn thời cuộc. Cách hay nhất của ông là cáo bệnh giao hết mọi việc của Quận và Chi Khu cho tôi, một buổi chiều lên xe Jeep về thành phố. Lực lượng quân sự của Chi Khu Nam Hòa gồm có:
- 200 Dân Vệ (sau gọi là Nghĩa Quân)
- 2 Đại đội tăng phái từ Tiểu Khu
- 1 Pháo Đội 105 ly tăng phái từ Sư Đoàn I Bộ Binh.
Tôi vừa là Chi Khu Phó vừa là Liên Đại Đội Trưởng.
Trong thời gian thành phố biểu tình lên đường, xuống đường thì tình hình địch tại Nam Hòa mỗi ngày mỗi nặng. Hai đại đội chạm địch liên miên, ngày nào cũng có binh sĩ bị thương hoặc tử thương.
Tôi còn nhờ vào một đêm trong tháng 3-1966 đại đội tôi chỉ huy đụng nặng với đơn vị Việt Cộng. Tôi gọi máy xin pháo đội 105 ly pháo binh yểm trợ. Toạ độ xin tác xạ là 76.... bản đồ tỷ lệ 1/100,000 ba tràng đạn nổ chạm. Chỉ 5 phút sau pháo đội báo: Đạn đi, đợi hoài chẳng thấy đạn nổ mà chỉ nghe ba tràng đạn nổ từ xa vọng lại, rất xa toạ độ tôi xin. Sáng hôm sau tôi kéo Đại Đội vượt nguồn hữu ngạn sông Hương trở về Quận, vừa đến chợ Tuần thì đại hoạ đến, Đại Đội tôi đụng đầu với một đoàn biểu tình của nhóm Tranh Đấu từ thành phố Huế kéo lên, toàn là Sinh Viên, Học Sinh đang đứng gần chợ Tuần, họ la lớn đả đảo Cần Lao đàn áp Phật Giáo bắn sập Chùa, giết hại Tăng Ni. Đoàn biểu tình kéo lại định vây đơn vị tôi vào giữa. Lính vừa đói vừa mệt lả, tôi cũng vậy. Tôi phản ứng rất nhanh nhưng mà dại. Tôi quay qua viên Thượng Sĩ Đại Đội ra lệnh rất nhanh: Đội hình. Binh sĩ túa ra bố trí. Đoàn biểu tình thấy lính phản ứng nên lùi lại, cũng may trong đám biểu tình có tiếng la lớn: khoan đã, đừng làm bậy, hắn là Liên Thành con thầy Trợ Cử (phụ thân tôi là một nhà giáo), cháu của ngài Hoà thượng Thích Tịnh khiết không phải Cần Lao đâu. Tiếng la đó phát xuất từ thằng bạn học cũ của tôi ở trường Quốc Học và cũng ở cùng xóm Chùa Từ Đàm với tôi. Anh ta là Trần Văn Rô, sinh viên đại học khoa học. Tôi chưng hửng hỏi Trần Văn Rô:
- Chuyện gì vậy?
Rô trả lời:
- Tối hôm qua mày bắn sập chùa Sư Nữ ở Cầu Lim, gần Đàn Nam giao phải không?
Tôi trả lời Rô:
- Có, tao có gọi pháo binh bắn yểm trợ, vì tụi tao đụng nặng với Việt Cộng, nhưng tụi tao đánh nhau bên kia sông, trong núi đâu phải bên này. Chuyên này tao vô can. Đoàn biểu tình kéo nhau về Huế.
Trên đường về Quận, tôi nghĩ mình ngu quá, ra lệnh cho binh sĩ dàn đội hình tác chiến, lỡ có người lính nào mất bình tĩnh bắn đại vào đám sinh viên biểu tình thì tôi không hiểu chuyện gì sẽ xẩy ra. Khi về đến Quận đã thấy có phái đoàn điều tra của Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo và ty Cảnh Sát hiện diện tại đó. Sự việc sáng tỏ, tôi gọi bắn yểm trợ ở toạ độ 76.. (trục hoành độ), nhưng vì cả pháo đội đang có sòng xì phé đến hồi gay cấn, lúc tôi gọi xin tác xạ, viên thượng sĩ già mắc dịch làm xạ bản tác xạ đang thua bạc, hấp tấp viết số 76 thành 70 có tí râu, nên trục hoành độ đã dời qua phiá đông 6 cây số, đạn rơi trúng phóc và chùa Sư Nữ ở Cầu Lim. Cũng may chỉ sập một góc chùa, các Sư Nữ đêm đó kéo nhau ra giếng ngoài ruộng tắm giặt nên chẳng ai bị thương tích gì, thật hú hồn.
Những ngày kế tiếp, lính tại đơn vị mỗi ngày mỗi thưa dần, đa số đã bỏ súng tại đơn vị, trốn về Huế gia nhập chiến đoàn Nguyễn Đại Thức bảo vệ Thầy, bảo vệ đạo pháp đang lâm nguy. Số binh sĩ hiện diện tại đơn vị đa số là người Công Giáo và lính già. Cùng thời gian tôi nhận được công điện hỏa tốc của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Thừa Thiên: Yêu cầu qúy đơn vị hạn chế tối đa đạn dược và điện trì cho máy truyền tin, vì không còn nhận được tiếp tế từ Quân Đoàn.
Thời gian đó tại mỗi Quận, Chi Khu đều có Văn Phòng Cố Vấn Mỹ. Viên cố vấn cho Chi Khu Nam Hòa tên Bob cấp bậc Thiếu Tá. Tôi phải vận dụng tối đa công lực vừa miệng vừa tay xổ tiếng Mỹ với viên Thiếu Tá, cho ông ta biết tình trạng hiện tại và nói tôi muốn trốn vào Đà Nẵng trình diện Quân Đoàn.
Ông ta hỏi tôi:
- Anh không theo tranh đấu?
Tôi cười trả lời:
- Nhu vậy có khác gì theo Việt Cộng.
Viên Thiếu tá Mỷ nói:
- Hỏi vậy thôi chứ tôi hiểu rõ Thiếu úy, tôi sẽ gíup Thiếu úy, tuy nhiên Thiếu úy cũng nên bàn với Thiếu tá Quận Trưởng.
Tôi nói:
- Tôi sẽ bàn với ông ta.
Trong khi đang nói chuyện với tôi bỗng nhiên anh ta giật mình nói nhỏ với tôi:
- Thiếu úy, nhìn kìa.
Tôi nhìn theo hướng tay ông ông ta về phía pháo đội 105 ly thì thấy cả hai khẩu pháo 105 ly đã quay hướng súng về phía căn cứ Phú Bài từ hồi nào. Trong lúc đó tôi vẫn còn một Đại Đội đang hoạt động trong vùng trách nhiệm phía vùng núi bên kia song, vùng núi Kim Phụng, pháo đội phải quay súng về hướng đó để sẵn sàng tác xạ yểm trợ theo yều cầu, tại sao lại quay hướng súng về Phú Bài. Tôi đang suy nghĩ thì viên Thiếu tá Mỷ nói ngay:
- Tôi nghĩ Pháo đội này đã theo lực lượng tranh đấu, họ quay súng về phía Phú Bài để tác xạ vào Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ của chúng tôi. Tôi sẽ báo ngay cho Bộ Chỉ Huy MACV. Nói xong ông ta đi vào văn phòng. Khoảng 30 phút sau đó Thiếu Tá Bob trở ra và mời tôi vào văn phòng của ông ta và nói ngay:
- Thiếu úy, mình phải chiếm hai khẩu súng này ngay lập tức.
Bây giờ thì không thể xài tiếng Mỹ bằng miệng và bằng tay được nữa, mà phải xài tiếng Mỹ qua thông dịch viên. Tôi hỏi viên Thiếu Tá:
- Thông dịch viên anh đâu, tôi cần hắn dịch rõ ràng vì chuyện quan trọng. Viên Thiếu Tá Mỷ nói: Có ngay, và ông ta gọi viên Trung Sĩ Mỹ vào làm thông dịch. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì bao lâu nay tôi chưa từng nghe người Trung Sĩ Mỹ này nói một chữ tiếng Việt.
Với giọng Bắc rất rõ ràng viên Trung Sĩ Mỹ nói:
- Thiếu Tá chúng tôi cần Thiếu úy ra lệnh cho Pháo Đội quay hướng súng lên núi, nếu Pháo đội không chịu thì phải dùng vũ lực chiếm 2 khẩu súng này vì họ muốn tác xạ vào đơn vị TQLC của chúng tôi. Viên Trung sĩ nói tiếp:
- Trong vòng một giờ nữa sẽ có một trung đội TQLC của chúng tôi đến đây giúp Thiếu úy. Qua thông dịch viên tôi nói với Thiếu tá Bob:
- OK, nhưng để tôi cho mời Trung úy Pháo đội trưởng lên đây mình nói chuyện với ông ta trước để rõ sự việc như thế nào. Tôi không muốn phe mình đánh phe ta. Chỉ trong vòng 10 phút sau Trung úy Pháo đội trưởng đã có mặt. Tôi nói ngay:
- Ông hơn cấp bậc tôi, nhưng ông tăng phái cho tôi, lẽ dĩ nhiên dưới quyền chỉ huy và điều động của tôi. Xin Trung úy cho biết ai quay hướng súng về Phú Bài, trong khi đó tôi còn một đơn vị đang hành quân bên kia sông hướng núi Kim Phụng.
Pháo đội trưởng chậm rãi trả lời:
- Tôi nhận lệnh của Sư Đoàn quay súng về phía đó và đợi lệnh.
Tôi hỏi viên Pháo đội trưởng:
- Nếu cò lệnh Sư Đòan Trung úy có bắn không?
- Không.
- Tại sao?
- Tôi không theo đám Tranh Đấu.
Tôi nói tiếp với Trung úy Pháo đội trưởng:
- Tôi tin Trung úy, bây giời xin cho quay hướng súng trở lại
Nếu ai có báo cáo với Sư Đòan Trung úy cứ nói theo yêu cầu của Chi Khu vì họ cần tác xạ vào một số toạ độ khuấy rối trong đêm.
- Ông yên tâm, cho cho quay hướng súng lại ngay. Hai phần ba binh sĩ của Pháo đội tôi đã trốn theo tranh đấu, số còn lại là đệ tử thân tín của tôi.
Trong khi tôi nói chuyện với Trung úy Pháo đội trưởng thì viên Hạ Sĩ Quan Mỹ đã dịch hết cho Thiếu Tá Bob nghe rồi. Tôi xoay qua viên Thiếu Tá Mỹ hỏi ông cần nói gì với Trung úy không? Ông ta bắt tay Trung Úy Pháo đội trưởng và nói:
- Tôi tin ông, nhưng kể từ giờ phút này Chi Khu không cần pháo binh của ông yểm trợ nữa. Pháo Binh của sư đoàn TQLC Hoa Kỳ tại Phú Bài sẽ đảm trách. Chốc nữa, sẽ có 1 trung đội TQLC Hoa Kỳ xuống đây, nếu có lộn xộn tôi sẽ cho lệnh trung đội nầy phá hủy ngay hai khẩu 105 ly của Trung Úy.
Trung úy pháo đội trưởng:
- OK, Thiếu tá.
Mọi người cùng cười, tan hàng.
Sáng hôm sau tôi về Huế gặp Thiếu tá Quận Trưởng, sau khi trình bày tình hình với ông tôi kết luận:
- Không còn gì nữa, lính đào ngũ theo tranh đấu. Đạn và điện trì cho máy truyền tin cũng cạn, lấy gì đánh đau với Việt Cộng.
Tôi cho ông biết ý định của tôi và tôi hỏi Ông:
- Thiếu Tá, ông đi không?
- Bao giờ?
- Ngày mai, 10 giờ sáng.
- Đi, sáng mai tôi lên Quận đi với anh.
Đúng 10 giờ sáng ngày hôm sau, trực thăng của thiếu tá Bob đón chúng tôi bay vào Quân Đoàn I trình diện Thiếu Tướng Tư Lệnh Trần Thanh Phong. Trước khi đi tôi nói với Thiếu úy Hành, Trưởng ban 3.
- Anh coi nhà, tôi và Thiếu tá Quận Trưởng và Thiếu Tá Bob đi họp hành quân với TQLC Mỹ, sẽ về trong ngày.
Khoảng 45 phút sau, chúng tôi đáp xuống sân bay trực thăng của Bộ Tư Lệnh / Quân Đoàn. Tại sân bay đã có một Trung Tá Mỹ đón chúng tôi và đưa thẳng vào phòng hội của BTL.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là Đại úy Anh. Quận trưởng quận Quảng Điền, người đã chạy thoát khỏi cuộc lùng bắt của đám Sinh Viên Quyết Tử tại Huế khi ông chống lại Phong Trào Tranh Đấu của bọn chúng. Chúng tôi mừng rỡ ôm choàng nhau.....
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử