lịch sử việt nam
Xin mời Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử trên Facebook
Hồ sơ tội trạng của Henry Kissinger 2
Nguyên tác : Chistopher Hitchens
Dịch giả : Đỗ Kim Thêm
Giới thiệu sách:
Chistopher Hitchens, The Trials of Henry Kissinger, Verso Books, London, New York 2001.
Đại ý:
Tội ác của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam là một đề tài bất tận. Lúc chiến tranh còn khốc liệt đã có những trí thức ngoại quốc tên tuổi như Jean Paul Sartre, Bertrand Russell và Noam Chomsky lên tiếng kêu gọi thành lập toà án quốc tế nhằm xét xử sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Khi chiến tranh kết thúc thì vấn đề này không còn ai quan tâm, phần lớn các tác phẩm xoay quanh chủ đề Việt Nam đều nói về sự sai lầm của Hoa Kỳ. Nhưng có một ký giả đã đặt lại vấn đề này và tự nhận mình có trách nhiệm như một thẩm phán công tố và lập hồ sơ để truy tố một nhân vật đã gây tội ác trong chiến tranh Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới. Thủ phạm được gọi đích danh là Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ và là người đã ký kết Hiệp Định Paris. Tội danh được cáo buộc là: tội ác gây chiến tranh, tội ác chống nhân loại, đặc biệt qua các vụ âm mưu tạo phản loạn, mưu sát, bắt cóc và tra tấn. Với các tội danh này tác giả yêu cầu Toà Án Quốc Tế phải xét xử đương sự. Đó chính là nội dung chủ yếu của cuốn sách được giới thiệu trong bài viết này.
Tác giả:
Chistopher Hitchens là một ký giả Hoa Kỳ gốc Do Thái, chuyên về săn tin điều tra và viết bình luận cho tờ The Nation và The Harper Magazine tại Hoa Kỳ. Ông nổi tiếng qua các loạt bài về phóng sự đìều tra nhắm vào mặt trái của các nhân vật tên tuổi như Mẹ Theresa, Công chúa Diana và Tổng Thống Clinton.
Tác giả Christopher Hitchens
...
Chương 2 nói tới hoạt động của Henry Kissinger tại Đông Dương. Vào giữa thập niên 60 khi mọi người vẫn lạc quan cho cuộc chiến là có ý nghiã và phần thắng nghiêng về phiá miền Nam thì ông bắt đầu nghi ngờ khả năng của phe Nam Việt Nam sau lần đi thăm Việt Nam về. Ông đã âm thầm tiếp xúc với Bắc Việt qua trung gian hai người Pháp là Raymond Aubrac, một công chức nguời Pháp và là bạn của Hồ Chí Minh và Herbert Marcovic, một nhà Vi Sinh Vật Học, đã đi Hà Nội nhiều lần. Qua tin tức cung cấp từ hai người Pháp này ông đã đặc biệt tìm hiểu về khả năng và vị thế thương thuyết của từng nhà lãnh đạo miền Bắc. Ông cũng đưa tin này cho Robert McNamara. Song song với công việc này, ông cũng xúc tiến việc xích lại gần nhau của các siêu cường. Dù trong kế hoạch của Việt Nam hay quốc tế, ông luôn luôn có ý niệm chung: tất cả đều là phương tiện trong mục tiêu của cá nhân ông, có lúc ông chú trọng mục tiêu này và sao lãng mục tiêu kia.
Tác giả nêu lại cơ hội tái lập hoà bình để lỡ của năm 1968 làm thí dụ điển hình. Theo lời khai của Averell Harimann, Trưởng Phái đoàn Thương thuyết tại Hòa Đàm Paris thì tháng 10 và 11/1968 có 90% các lực lượng chiến đấu của miền Bắc đã rút khỏi ra hai tỉnh phía Bắc Nam Việt Nam, như Hiệp định dự kiến, còn việc ngưng dội bom miền Bắc chỉ là một điểm của Hiệp Định mà thôi. Tháng 12/1968 chính là thời kỳ chuyển tiếp từ chính quyền Johnson sang Nixon. Giới lãnh đạo quân sự tại Hoa Kỳ lại thay đổi chiến lược triệt để. Tướng Creighton Abrams đồng ý mở một cuộc chiến tranh toàn diện nhằm phá hoại mọi hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại miền Nam, điển hình là chiến dịch hành quân càng quét tại Kiến Hoà trong 6 tháng đầu năm 1969, mà người Hoa Kỳ gọi là Operation Speedy Express. Qua tài liệu của Haldeman thì Henry Kissinger chú tâm tới kết quả cuộc bầu cử 1972 tại Hoa Kỳ hơn là việc rút quân để giải quyết chiến tranh Việt Nam. Trong hồi ký của ông Henry Kisssinger, ông cũng xác nhận là sự rút quân đột ngột gây khó khăn về uy tín cho Hoa Kỳ. Sự can thiệp của Charles De Gaulle về vấn đề dội bom miền Bắc không gây ảnh hưởng gì đến Henry Kissinger, vì lúc bấy giờ ông quan tâm tới ý kiến của Brezhnev và Mao Trạch Đông hơn.
Một tội trạng khác được nêu lên là vụ ném bom miền Bắc vào mùa Giáng Sinh 1972. Bây giờ là mùa tranh cử tại Hoa Kỳ bắt đầu. Theo tác giả, quyết định dội bom không phải là có tính cách quân sự thuần túy mà vì lý do chính trị. Ông chứng minh, một mặt Hoa Kỳ chứng tỏ cho thấy thế mạnh của mình để gây hậu thuẫn cho Đảng Cộng Hòa trong trong Quốc Hội và đưa phe Dân chủ về phía thụ động, mặt khác muốn gây niềm tin cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thấy là không nên sợ hãi trước việc Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam.
Tội trạng liên quan đến Kambodia được tác giả nêu lên ở cuối chương. Đúng ngày 12/05/1975 là ngày Khmer Đỏ chiếm chính quyền thì một tàu chiến Kambodia đã kéo theo một tàu hàng của Hoa Kỳ tên là Mayaguez. Tàu này nằm trong lãnh hãi của Kambodia và được kéo về đảo Koh Tang. Mặc dù được biết tin là thủy thủ đoàn đã được trả tự do, Henry Kissinger cũng cố tình làm áp lực lên Henry Ford, Tổng Thống kế nhiệm thiếu kinh nghiệm, một biện pháp trả đũa để giữ thể diện. Kết quả cuộc tấn công này là trong 110 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ có đến 18 người chết và 50 nguời bị thương; phía Không Quân tham dự có 23 quân nhân tử trận. Hoa Kỳ đã thả 680 tấn bom trên đảo này và không ai biết được con số thương vong của người dân vô tội Kambodia một cách chính xác. Trong một cuộc điều tra tại Quốc Hội cho thấy Henry Kissinger ít nhất phải biết được tin thủy thủ đoàn đã được thả trước khi có quyết định can thiệp.
Chương 3 là trọng điểm của cuốn sách đuợc tác giả dùng để tổng hợp tội trạng của Henry Kissinger trong chiến tranh Việt Nam.
Khởi đầu tác giả sử dụng cuốn sách Nuremberg and Vietnam: an American tragedy của Tướng Telford Taylor để làm tài liệu phân tích. Theo Taylor, thì những nguyên tắc luật pháp áp dụng tại Tòa Án Quốc Tế Nürnbeg và Tokyo cũng nên áp dụng cho trường hợp Việt Nam. Bản án Nürnberg đã được Liên Hiệp Quốc chuẩn nhận ngày 11/12 /1946 và trở thành nguyên tắc Luật Quốc Tế sau này. Như vậy Hoa Kỳ cũng phải tôn trọng nguyên tắc này khi tham chiến tại Việt Nam. Những bị cáo cũng có thể lập luận rằng mục tiêu chiến đấu của chiến tranh Việt Nam là danh dự và cao cả; những người có trách nhiệm đều vô tội, vì không ai có thể lường trước được những kết quả tàn khốc của một cuộc chiến lan rộng và một phần khác là thiếu thông tin chính xác. Cũng theo Telford Taylor thì lập luận này có thể được chấp nhận được cho đến giữa thập niên 60. Từ sau vụ thảm sát Mỹ Lai 16/03/1968 không ai có thể cho là mình không biết đến mức độ vô nhân đạo trong các cuộc tàn sát khi chiến tranh đã leo thang lên cao điểm.
Một lập luận khác của William Corson, Đại Tá Hoa Kỳ, cũng nêu lên để phản chứng. Theo William Corson, sự khốc liệt trong chiến tranh Việt Nam không có yếu tố hình sự để buộc tội, đó chỉ là sự ước lượng sai lầm của giới lãnh đạo Hoa Kỳ từ đầu đến cuối sự tham chiến.
Lập luận này không được Telford Taylor chấp nhận. Ông nêu lên những đặc điểm trong chiến tranh Việt Nam, điều mà người ta không thể so sánh với các cuộc chiến tranh trước đây. Một mặt những vũ khí được trang bị tại Việt Nam rất hiện đại và di động, mặt khác phương tiện truyền thông từ Hoa Kỳ đến Việt Nam cũng như từ trung ương đến hạ tầng được bảo đảm. Một điều có thể suy đoán được là Henry Kissinger và Tướng Creighton Abrams phải biết được tầm mức lan rộng chiến tranh đến thường dân vô tội và họ ít nhất phải được thông báo đầy đủ về vấn đề này.
Theo tài liệu của John Mc Naughton, Đại diện Bộ Quốc Phòng, cho thấy giới lãnh đạo Toà Bạch Ốc vào năm 1967 chỉ muốn một phương cách duy nhất để quét sạch Việt Cộng bằng cách đốt nhà dân chúng, phá hết rừng rậm và tráng nhựa lại hết toàn bộ miền Nam.
Một bằng chứng khác là cuộc Hành Quân Bình Định Nông Thôn tại Kiến Hòa vào 6 tháng đầu năm 1969. Tài liệu của Kevin Buckley, Trưởng Văn phòng Tuần báo Newsweek tại Sài Gòn cho thấy Henry Kissinger có tiếng nói quan trọng trong quyết định này. Theo Kevin Buckley thì tổng số thương vong của cộng quân trong cuộc hành quân này là 10.899 người, nhưng bằng chứng khác cho thấy số thương vong của dân chúng lên trên 5.000 người, vượt qua hẳn con số của vụ Mỹ Lai. Một câu hỏi được đặt ra là từ đâu có những con số này thì một sĩ quan Sư Đoàn 9 Không Kỵ Hoa Kỳ trả lời là: các trực thăng có thể đếm các xác của kẻ thù không có vũ khí này từ trên những cánh đồng. Một nghịch lý khác được tác giả nêu lên là so với gần 11.000 người chết mà số vũ khí tịch thu được chỉ có 748. Theo ước lượng của tác giả thì cuộc hành quân này mức độ khốc liệt hơn Mỹ Lai nhiều.
Tác giả trưng dẫn một tài liệu khác của Tad Szulc qua cuốn sách The Illusion of Peace: Foreign Policy in the Nixon Years. Theo đó thì chính Henry Kissinger đã có lần đề nghị sử dụng bom nguyên tử để phá hoại đường tiếp tế Tàu-Việt và một lần khác nhằm phá hệ thống đê điều của miền Bắc. Nhưng đề nghị này đã không được chấp thuận.
Vấn đề dội bom Kambodia cũng được đặt ra. Theo tác giả thì không có một căn bản pháp lý nào cho việc nới rộng chiến tranh này cũng như một đảm bảo an toàn nào cho các thường dân. Các tài liệu của Toà Bạch Ốc và Bộ Quốc Phòng cho thấy là trong quyết định oanh tạc sang Kambodia và Lào, tổn thất các nạn nhân vô tội được dự kiến trước. Theo tác giả có it nhất 660.000 thường dân tại Kambodia và 350.000 tại Lào phải hy sinh oan uổng. Trong Hồi ký của Henry Kissinger ông có đề cập tới vấn đề này và cho là lệnh dội bom đến từ nhiều cơ quan khác nhau và điều này có thông báo cho Quốc Vương Sihanouk biết trước. Theo tác giả thì chính Henry Kissinger góp phần quan trọng vào vấn đề này và ông đã theo dõi chặt chẽ diễn tiến các cuộc oanh tạc Kambodia. Không thể nào lập luận rằng ông không có ý thức sự nguy hiểm của quyết định này. Sự chấp thuận của Quốc Vương Sihanouk, nếu có, cũng không giải tội cho Henry Kissinger được. Những người trong cuộc như Robert McNamara, George Bundy và William Colby đã chính thức lên tiếng hối lỗi và cố gắng giải thích vấn đề. Còn Henry Kissinger thì tuyệt nhiên cho đến nay không có những phản ứng gì tương tự.
Thư-Viện Bồ Đề online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam***
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử