lịch sử việt nam
Xin mời Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử trên Facebook
Hồ sơ tội trạng của Henry Kissinger 5
Nguyên tác : Chistopher Hitchens
Dịch giả : Đỗ Kim Thêm
Giới thiệu sách:
Chistopher Hitchens, The Trials of Henry Kissinger, Verso Books, London, New York 2001.
Đại ý:
Tội ác của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam là một đề tài bất tận. Lúc chiến tranh còn khốc liệt đã có những trí thức ngoại quốc tên tuổi như Jean Paul Sartre, Bertrand Russell và Noam Chomsky lên tiếng kêu gọi thành lập toà án quốc tế nhằm xét xử sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Khi chiến tranh kết thúc thì vấn đề này không còn ai quan tâm, phần lớn các tác phẩm xoay quanh chủ đề Việt Nam đều nói về sự sai lầm của Hoa Kỳ. Nhưng có một ký giả đã đặt lại vấn đề này và tự nhận mình có trách nhiệm như một thẩm phán công tố và lập hồ sơ để truy tố một nhân vật đã gây tội ác trong chiến tranh Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới. Thủ phạm được gọi đích danh là Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ và là người đã ký kết Hiệp Định Paris. Tội danh được cáo buộc là: tội ác gây chiến tranh, tội ác chống nhân loại, đặc biệt qua các vụ âm mưu tạo phản loạn, mưu sát, bắt cóc và tra tấn. Với các tội danh này tác giả yêu cầu Toà Án Quốc Tế phải xét xử đương sự. Đó chính là nội dung chủ yếu của cuốn sách được giới thiệu trong bài viết này.
Tác giả:
Chistopher Hitchens là một ký giả Hoa Kỳ gốc Do Thái, chuyên về săn tin điều tra và viết bình luận cho tờ The Nation và The Harper Magazine tại Hoa Kỳ. Ông nổi tiếng qua các loạt bài về phóng sự đìều tra nhắm vào mặt trái của các nhân vật tên tuổi như Mẹ Theresa, Công chúa Diana và Tổng Thống Clinton.
Tác giả Christopher Hitchens
...
Chương 9 đưa ra ánh sáng vụ mưu sát một ký giả người Hy Lạp bút hiệu Elias P. Demetracopoulos ngay tại Washington D. C. mà Henry Kissinger trực tiếp tham gia.
Demetracopoulos là một ký giả nổi danh chống chế độ quân phiệt Hy Lạp nhưng ông cũng là một nhà tư vấn và cung cấp tin tức cho nhiều chính giới tại Hoa Kỳ về nội tình Hy Lạp.
Demetracopoulos từ lâu là một cái gai cho Henry Kissinger vì ông biết quá nhiều tin tức tối mật của Hoa Kỳ, điển hình là vụ tiền quyên góp 549.000 đô-la của Tình báo Hy Lạp cho Nixon để vận động tranh cử qua trung gian của một doanh nhân Hy Lạp tên Thomas Papas A. FBI đã theo dõi những hoạt động của ký giả này từ lâu. Chính quyền Hy Lạp cũng tước quốc tịch của ông và Tình báo Hy Lạp có những âm mưu tổ chức bắt cóc và dẫn độ ông này về Hy Lạp để xét xử. Kế hoạch này được CIA hỗ trợ. Theo tài liệu của William A. Dobrovir, một luật sư của Demetracoupolos, tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau của FBI, CIA, Bộ Ngoại Giao, Bộ Tư Pháp và Bộ Quốc Phòng thì chính Henry Kissinger là đồng lõa. Trong hồi ký In The First Line of Defense của Konstantin Panayota, Đại sứ Hy Lạp tại Hoa Kỳ đã nêu lên bằng chứng về sự hợp tác này.
Chương 10 tố cáo Henry Kissinger hợp tác với các chế độ độc tài trên thế giới qua tổ chức tư vấn của ông.
Ngay sau khi rời khỏi chính trường, ông lập một văn phòng tư vấn gọi là Kissinger Associates mục đích nhằm giúp giới doanh nhân tiếp xúc với các chính quyền trên khắp thế giới để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Khách hàng của ông là các doanh nghiệp khổng lồ như American Express, Searmon Learman, Arco, ITT, Lockhead, Cola-Cola, Fiat, Deawoo…
Tại thị trường Tàu công đã làm trung gian thương thuyết cho các hãng H. L. Heinz, Atlatic Richfield/Arco và Chase Manhattan Bank. Qua trung gian của một thành viên là Lawrence Eagleburger, văn phòng ông cũng hợp tác làm ăn với LSB một ngân hàng của chế độ độc tài Bulgary và làm đại diện Hoa Kỳ cho Tổ hợp Xây dựng Quốc doanh của Nam Tư Yugo Enerjoproject, một tổ chức sản xuất vũ khí quốc phòng. Một thành viên khác trong tổ chức của ông là Alan Stoga cũng công khai hợp tác với Saddam Hussein, mở ra một Iraq Business Forum nhằm giúp đỡ doanh nhân dễ dàng đầu tư tại Iraq. Ông cũng hợp tác Tập đoàn đầu tư quốc tế Freeport McMoran, chuyên về khai thác quặng mỏ và khí đốt có trụ sở chính tại New Orleans. Một trong những kế hoạch của tập đoàn là xin phép khai thác quặng tại Miến Điện, phần kỹ thuật xây dựng do Daewoo thực hiện, nhưng việc này không thành. Ông cũng trợ giúp cho tập đoàn này trong các khai thác quặng mỏ tại Indonesia. Tóm lại hiện nay ông đang theo đuổi những quyền lợi kinh tế cá nhân mà đôi khi tương phản với quyền lợi của Hoa Kỳ.
Chương cuối cùng có tựa đề là Luật pháp và Công lý. Tác giả đề cập tới một căn bản pháp lý để áp dụng trong trường hợp Henry Kissinger. Theo tác giả có bốn nguồn luật pháp hiện đại được áp dụng là: Luật quốc tế về Nhân quyền, Luật chiến tranh, Hình Luật quốc tế và Hình Luật các quốc gia.
Tác giả ghi nhận rằng Công ước Quốc tế về Tội diệt chủng mới được phê chuẩn từ năm 1988, Công ước công nhận về các quyền dân sự và chính trị cũng được ký kết từ năm 1992 và những nguyên tắc của Toà án Nürnberg, tất cả đều không thể áp dụng cho các hành vi của Henry Kissinger vì nguyên tắc bất hồi tố trong các văn kiện này. Tác giả giải thích luật phong tục quốc tế sẽ là một căn bản pháp lý duy nhất để áp dụng cho trường hợp Henry Kissinger, đặc biệt các tội trạng liên quan đến chiến tranh Đông Dương. Tội danh diệt chủng này đã được Toà Án Quốc Tế công nhận từ năm 1951 và nay thì Toà Án Hình Sự Quốc Tế có thẩm quyền.Trong việc cung ứng vũ khí cho Indonesia, theo tác giả thì Henry Kissinger đã vi phạm luật pháp về vũ khí của Hoa Kỳ phải chịu tội trước toà án Hoa Kỳ.
Phản ứng của Henry Kissinger
Dư luận rất quan tâm đến phản ứng của Henry Kissinger từ ngày tác phẩm này ra đời, nhưng cho đến ngày nay ông tuyệt nhiên không lên tiếng trả lời chánh thức về sự cáo giác này.
Tuy nhiên, trong tác phẩm Does America need a foreign policy?, Henry Kissinger đã trả lời một cách gián tiếp vấn đề này khi bàn về vai trò của Toà Án Hình Sự Quốc Tế. Ông viết: Phần đông người Hoa Kỳ rất ngạc nhiên khi biết Toà Án Hình Sự Quốc Tế về nước Nam Tư cũ được thành lập do chỉ thị của Hoa Kỳ trong năm 1993 để xét xử các phạm nhân chiến tranh, nhằm xác nhận lại quyền điều tra của các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Hoa Kỳ trước những hành vi cáo buộc là có tội ác. Việc điều tra này vô hạn định và áp dụng cho tất cả. Ông phản đối việc áp dụng nguyên tắc Hình Luật Quốc Tế việc xét xử các nhà lãnh đạo ngoại quốc trước toà án này. Ông đặt câu hỏi: Làm sao tìm ra nguyên tắc an toàn pháp luật trong thủ tục tố tụng, đặc biệt là nguyên tắc trưng dẫn bằng chứng và bảo vệ bị cáo, làm sao có thể tách rời vấn đề pháp lý ra khỏi những quyết định chính trị quốc tế.
Người ta có thể nhận ra rằng ông đã ý thức sự nguy hiểm của vấn đề mà tác giả đặt ra và cũng suy đoán là ông đang khởi đầu một cuộc biên hộ cho chính mình về những hành vi trong quá khứ.
Nhận xét:
Trước đây đã có nhiều tác phẩm phê bình về đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ và của Henry Kissinger, nhưng đây là lần đầu tiên một hình thức cáo trạng dày công sưu tập từ những tư liệu mới được trình bày.
Qua hình thức thì đây là một công trình đáng ca ngợi của tác giả, một ký giả chuyên về điều tra (investigative journalism). Thiện chí này được tìm thấy qua nỗ lực tìm kiếm từ những nguồn tài liệu khác nhau và phức tạp.
Qua nội dung thấy được sự nghiên cứu của tác giả về lãnh vực Luật Quốc Tế, đặc biệt về các phương thức hình sự tố tụng, còn hạn chế. Tác phẩm này không phải là một cáo trạng đúng nghĩa theo hình thức luật học, đặc biệt lại càng không đúng theo phương thức hình sự tố tụng trước Toà Án Quốc Tế khi mà các kỹ thuật trưng dẫn các tài liệu thiếu khoa học và không thuyết phục. Tác giả đã không nêu các bằng chứng xuyên xuốt, thống nhất; đôi khi lầm lẫn giữa những sự kiện lịch sử, hậu quả pháp lý cũng như những phán đoán về đạo đức cá nhân của Henry Kissinger; đôi khi những lời cáo buộc chỉ dựa trên những cảm xúc trước những bất công hơn là một lời kết luận dựa trên cơ sở lập luận chặt chẽ của Hình Luật. Trong tất cả các tội danh được cáo buộc thì phần liên hệ đến chiến tranh Đông Dương có nhiều tính thuyết phục và có triển vọng thành công trước Toà Án Quốc Tế nếu các tài liệu được bổ túc đầy đủ và khoa học hơn. Trở ngại chủ yếu vẫn là tài liệu từ người trong cuộc. Hiện nay các tư liệu của Henry Kissinger đã được ký gởi tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, không được khai thác. Theo di chúc của ông thì các tài liệu này được phép sử dụng sau khi ông chết năm năm. Do đó một đề án khởi tố ông hiện nay khó có cơ may thành công.
Tác phẩm này là một gương can đảm của tác giả, nó đã gây tiếng vang về mặt chính trị. Liệu người Việt Nam, những nạn nhân trực tiếp của Henry Kissinger còn sống sót có khả năng, thiện chí và nỗ lực để khởi tố thủ phạm hay không, hay chỉ tiếp tục ngậm ngùi than rằng: "con kiến mà kiện củ khoai". Ước mong sao vấn đề này sẽ được thảo luận sâu rộng hơn.
Thư-Viện Bồ Đề online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam***
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử