lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Weblinks:
Thiền Trúc Lâm
Nguồn: Phật Việt
V. TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ.
Về cuộc đời của Thượng sĩ, có lẽ đầy đủ nhất là bản Hành Trạng do Pháp Loa, Tổ thứ hai của Trúc Lâm viết. Nhưng bản tiểu sử đó không chép tên thật, mà chỉ nói, Thượng sĩ con của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương. Trong khi đó, lời dẫn cuối sách, nói là trích Hoàng Việt Văn Tuyển, quả quyết rằng, Thượng sĩ là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Đạo. Đối chiếu với bản Hành trạng của Pháp Loa, chúng ta bắt gặp một nghi vấn lớn. Nguyên văn Thượng sĩ Hành trạng viết: «Thượng sĩ Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương chi đệ nhất tử, Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu chi trưởng huynh.» Viết như vậy có nghĩa rằng Thượng sỹ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương. Và là anh cả của Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu. Thái hậu là mẹ vua Trần Nhân Tôn, được tôn làm Hoàng Thái hậu với tước hiệu đó do vua Trần Nhân Tôn, tức vị năm 1278. Sử chép, bà là con gái thứ năm của Yên Sinh Vương Trần Liễu, tên thật là Thiều, làm vợ vua Trần Thánh Tông, được phong làm Thiên Cảm Hoàng hậu. Xét theo đó, nếu Thượng sĩ có tục danh là Trần Quốc Tảng, con của Trần Hưng Đạo, thì Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu là em của Trần Hưng Đạo chứ không thể là em của Trần Quốc Tảng. Phải chăng Tuệ Trung Thượng Sĩ không có tên thật là Trần Quốc Tảng như Hoàng Việt Văn tuyển chép?
Về năm mất của Thượng Sĩ, Hành trạng chép là năm Trùng hưng thứ 7, tức năm 1291, đời vua Trần Nhân Tôn. Sử chép, Hưng Nhượng vương Quốc Tảng chết năm Hưng long thứ 21, Quí Sửu, tức năm 1313, đời vua Trần Anh Tôn. Sai lạc đến 12 năm.
Còn hai sự kiện khác về Hưng Thượng Vương Quốc Tảng, chúng tôi xin dẫn ra đây để rộng đường suy luận. Sự kiện thứ nhất, liên quan đến việc dan díu giữa Trần Khắc Chung, người viết bài bạt cho Thượng sĩ ngữ Lục, với Huyền Trân công chúa. Trớc đó, Huyền Trân Công chúa được vua Nhân Tôn, bấy giờ đã là Thượng Hoàng, gả cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Lý. Nhưng năm Hưng Long thứ 15 (1307), Chế Mân mất. Theo tục lệ Chiêm Thành, Công chúa phải bị hỏa thiêu. Khắc Chung được lịnh lập mưu đón Công chúa về. Hai người tư thông với nhau, nên đi đường biển để kéo dài ngày. Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng ghét vụ này, nên mỗi khi gặp Trần Khắc Chung thường mắng rằng: «Người ấy đối với nước là bất tường, họ tên là Trần Khắc Chung, thì nhà Trần có lẽ hết vì người này chăng?» Khắc Chung sợ nên thường phải lẫn tránh.
Sự kiện khác, liên quan đến cái thù nhà của Hưng Đạo Vương, vì vụ Trần Thái Tông cướp vợ của anh là Yên Sinh Vương Trần Liễu. Khi Liễu chết, có ý dặn Hưng Đạo phải trả cái thù nhà này. Nhưng Hưng Đạo đặt nước lên trên thù nhà. Về sau, có lần ngài giả vờ hỏi Hưng Vũ Vương Quốc Nghiện rằng: «Cổ nhân giàu có cả thiên hạ, để truyền cho con cháu về sau, việc ấy con nghĩ thế nào?» Quốc Nghiện thưa rằng: «Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là người cùng một họ.» Ý là cản Hưng Đạo trả thù nhà, không cướp ngôi vua. Hưng Đạo rất bằng lòng. Sau lại đem câu hỏi Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng nói ngay: «Tống Thái Tổ là người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ.» Tức có ý khuyên Hưng Đạo thừa cơ hội mà cướp lấy ngai vàng. Hưng Đạo Vương giận lắm, rút gươm muốn giết đi. Quốc Tuấn nói: «Sau khi ta chết, đậy nắp áo quan đâu vào đấy xong rồi, sẽ cho Quốc Tảng vào viếng khóc.»
Hai sự kiện trên đủ chứng tỏ con người của Quốc Tảng, khác hẳn phong tư tiêu sái, không màng thế vị công danh của thượng sĩ. Vậy chúng ta có thể quả quyết, Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng không phải là Thượng sĩ như lời dẫn ở cuối TSNL, nói là căn cứ Hoàng Việt Văn tuyển.
Cuối cùng, Thượng sĩ là ai? Thì bản Hành trạng đã nói rõ: Là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Thái vương, tức là con của Yên Sinh Vương Trần Liểu, anh cả của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, và là anh cả của nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu. Khâm Minh là tước hiệu của Trần Liễu, như Đại Việt Sử ký Toàn thư, bản kỷ VI, có nhắc tới trong một lời chú. Theo đó, năm Hưng long thứ 7 81299), đời vua Trần Anh Tôn, mùa hạ, tháng 4, ngày 12, xuống chiếu cấm chữ húy của Khâm Minh Đại Vương và Thiện Đạo Quốc Mẫu. Và đây là lời chú của đoạn này: «Khâm Minh tôn húy là Liễu. Thiện Đạo tên húy là Nguyệt. Thiện Đạo là phu nhân của Liễu.»
Khâm Minh Đại vương, tức Yên Sinh Vương Trần Liễu có năm người con, mà bà Thiên Cảm là con thứ năm như sử đã chép. Ngoài ra, sử chỉ nhắc đến hai người khác nữa, mà trên hết là Vũ Thành Vương Doãn, anh của Trần Hưng Đạo Quốc Tuấn. Vũ Thành Doãn về sau chạy sang Tống muốn làm phản, bị quan biên cảnh bắt giải về, sau đó bị tước mất họ Trần. Còn Hưng Đạo Vương thì chúng ta đã biết rất nhiều. Người lớn nhất có lẽ là Thượng Sĩ. Còn một người nữa là ai, không biết tra cứu vào đâu.
Về tước hiệu Hưng Ninh Vương , bản Hành trạng chép là sau khi Đại vương (Trần Liễu) mất, vua Thái Tôn cảm nghĩa phong cho Thượng Sĩ tước Hưng Minh Vương. Trần Liễu mất năm Nguyên Phong thứ nhất (1252), đời vua Trần Thái Tông, không thấy sử chép việc phong tước cho Thượng Sĩ.
Đến đây, có lẽ chúng ta khỏi phải nghi ngờ về những gì mà bản Hành trạng của Pháp Loa ghi chép đối với cuộc đời cũng như nhân cách của Thượng Sĩ. Theo đó: «Lúc nhỏ, Thượng Sĩ đã tỏ ra bẩm chất cao sáng, thuần hậu có tiếng. Được cử trấn giữ quân dân đất Hồng Lộ, ngài đã hai lần ngăn giặc Bắc xâm lăng, có công với nước, rồi lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ trấn cửa Thái Bình.
Còn về con người, Thượng Sĩ vốn khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Lúc còn để chỏm, ngài đã chuộng cửa Không. Đến tham vấn Thiền sư Phước Đường Tiêu Dao, ngài lãnh hội được yếu chỉ, bèn dốc lòng thờ làm thầy, lấy thuyền duyệt làm cái vui hằng ngày. Không lấy công danh làm chỗ sở thích. Ngài lui về ấp Tịnh bang do vua phong cấp cho, và đổi tên là Vạn Niên.
Trộn lẫn thế tục, hòa cùng ánh sáng, trong việc đối xử ngài chưa hề phụ lòng ai, nhân có tiếp được một giống pháp, dìu dắt người sơ cơ. Người nào đến hỏi han cũng đợc ngài chỉ qua chỗ cương yếu khiến tâm tánh họ ứng dụng được nhẹ nhàng, khi hành cũng như lúc tàng, không gì là nhất định cả.
Đằng khác, bài bạt của Trần Khắc Chung lại quả quyết rằng: «Nếu không có Thượng sĩ, thì đức Phật Hoàng (tức vua Trần Nhân Tôn) không thể thành tựu được lớn lao trong đạo Thiền.» . Như vậy cũng đủ xác nhận vị trí trọng yếu của Thượng sĩ trong việc thiết lập một thế hệ mới, cho Thiền Tông Việt Nam của vua Trần Nhân Tôn. Phái Thiền đó quả đã không thẹn với những lời ca tụng của TTBH:
Nước Nam dẹp được bốn bên
Vì có Phật bảo hoàng thiên hộ trì
Đời đời Phật đạo quang huy
Quốc Gia đỉnh thịnh cường thì tăng long
Nhân Tông gặp thầy Tuệ Trung
Làm đệ nhất tổ Nam cung nước này.
…………………………
(TTBH, câu 661-666)
Lý tưởng thịnh hóa của đạo Phật và lý tưởng thịnh trị của Quốc gia, cả hai đều được thực hiện nơi con người của Thượng sĩ, và những truyền nhân của Thượng Sĩ về sau.
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...