lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Weblinks:
Thiền Trúc Lâm
Nguồn: Phật Việt
Dẫn khởi:
Trên danh nghĩa, Trúc Lâm Yên Tử là Thiền tông. Nhưng trong tinh thần, cũng như trên thực tế tu tập và sự truyền thừa lịch sử của nó, Trúc Lâm phải được coi là một phái Thiền đứng ngoài Thiền tông Trung Hoa. Tất cả ý nghĩa này có thể được tóm tắt trong mấy câu thơ sau đây của Thiền tông Bản Hạnh (v.t: TTBH)
Bụt truyền tự cổ chí kim
Ai tin giá trị tri âm thiệt thà
Xem Thánh đăng lục giảng ra
Khêu đèn Phật tổ sáng lòa tam thiên
Việt nam thắng cảnh Hoa Yên
Sái tiêu cực lạc Tây Thiên những là
Vĩnh trấn cửu phẩm Di Đà
Phần hương chức Thánh quốc gia thọ trường.
(TTBH, tờ 19a, câu 699-706)
Đoạn thơ này cho chúng ta biết ít nhất là hai nét đặc sắc của Thiền Trúc Lâm. Nét thứ nhất, Trúc Lâm vẫn xứng danh như một phái Thiền chính thống, mà truyền thừa tâm ấn được khởi từ đức Thích Ca, rồi như ngọn đèn được khêu sáng qua nhiều thế hệ, cho đến Việt Nam[1 ]. Đó là tất cả ý nghĩa truyền thừa căn bản theo quan niệm Thiền tông chính thống Trung Hoa. Nét đặc sắc khác, liên hệ đến đường lối hành trì. Ở đây người ta thấy Trúc Lâm đã không đặt nặng sự thực hành công án để đốn ngộ đạo lý Thiền như trong truyền thống Thiền tông Trung Hoa. Thiền tông Trung Hoa kể từ nhà Minh về sau đã có sự thực hành công án bằng niệm Phật. Theo đó, niệm Phật vẫn có thể là phương tiện để đốn ngộ[2 ]. Trong khi đó, tác giả của TTBH lại nói đến lý tưởng vãng sanh, mà cấp bực thành tựu là chín phẩm sen vàng nơi cõi cực lạc. Nói một cách vắn tắt, phương pháp hành trì của Trúc Lâm nghiêng nặng phần tín ngưỡng tôn giáo. Động cơ hay bối cảnh của phương pháp này, như đoạn thơ đã trích dẫn nói rõ: «Phần hương chúc Thánh quốc gia thọ trường»[3 ]. Thế thì Thiền Trúc Lâm mang màu sắc chủ nghĩa quốc gia khá rõ. Và đây không phải là sự kiện khó hiểu, khi chúng ta biết rằng, tất cả những vị khai sáng ra nó đều là những người có trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vong của quốc gia dân tộc.
Trong hai nét đặc sắc vừa kể, nét thứ nhất xác định với chúng ta rằng, Trúc Lâm đích thực là Thiền tông. Nét thứ hai dành cho Trúc Lâm một vị trí địa dư và lịch sử trong truyền thống tư tưởng của dân tộc. Chương này sẽ trính bày nét thứ nhất. Trước khi trình bày các sự kiện liên hệ, chúng tôi xin dành ít trang nói về quan niệm truyền thừa của phái Thiền Trúc Lâm, để cuối cùng thiết lập một bản Phả Hệ Truyền Thừa của phái này.
Quan niệm truyền thừa được TTBH giới thuyết khá rõ, qua lời đối đáp của vua Trần Thái Tông và Phù Vân Quốc sư. Dưới đây là lời của Phù Vân Quốc sư:
Sơn bổn vô Phật làm xong
Phật ở trong lòng, Bụt tại mỗ tâm
Hiện ra nhãn nhĩ thanh âm
Từ mục tương cố chẳng tâm thời gì?
(TTBH, câu 235-238)
Một điểm khá lý thú đối với chúng ta là quan niệm về Thiền của tác giả Đại Chân Viên Giác Thanh (v.t: VGT). Theo đó, tác giả đã đồng nhất Thiền tông và Thiền đăng. Nhìn từ bên ngoài, danh từ Thiền đăng, tức ngọn đèn của Thiền, chỉ có thể cho ta cái ấn tượng về lịch sử tiếp nối của tông phái như sự nối tiếp của ánh đèn. Nhưng ở đây tác giả VGT đi xa hơn nữa, khi ông giải thích:
«Trong đời các vị Đế thì coi thiên hạ là của công, không thể riêng cho con cháu mà tất phải truyền lại cho những bậc Thánh hiền, vì thế mới nảy ra cái thuyết Thiền (tức là chữ thiền có nghĩa là trao lại). Thiền ấy là tỏ nghĩa cùng trao truyền cho nhau vậy. Hiện nay các vị sư sau tiếp nối vị sư Tổ trước, thì gọi là thiền sàng. Thiền sàng tức là đem cái giường và chỗ ngồi mà trao lại, cũng như các vị Đế đem ngôi vua mà trao lại cho nhau vậy. Nhưng sự trao lại ấy không phải là trao lại cái ngôi vị mà chính là trao lại cái tâm.
«Đức Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ đem cái tâm lượng rộng lớn trao cho chư Phật, rồi chư Phật đều lấy (tờ 61a) tâm ấy là tâm của mình. Câu kệ nói:
Ngàn sông có nước ngàn sông nguyệt
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.»
(TTBH, câu 661-664)
«Như thế mơí gọi là Thiền. Nếu bằng chỉ trao lại cái ngôi vị mà không có cái tâm tinh nhất để trao thì có cần gì đến vua Nghiêu vua Thuấn.
«Hiện nay nhất thiết các tăng chúng chỉ thấy ngồi lặng tĩnh tâm thì gọi là Thiền Định, và dạy cho Thiền định tức là an định, như thế thực là mất cái nghĩa chữ Thiền. Mãi đến sau khi đức Đại Thiền sư phát minh ra nghĩa đó mới hiểu rõ hai chữ Thiền định có nghĩa là đem cái tâm an định mà truyền lại vậy. Gần đây ở chùa Đại Từ thuộc về Lam sơn, phía bên cạnh có một cái am gọi là am Thụ Thụ (chữ Thụ trên là trao cho, chữ Thụ dưới là nhận lấy) và bày thứ tự các tượng của các sư Tổ các đời kế tiếp, xem đó dù không biết cái tâm thụ thụ là như thế nào, song sự trao cho và nhận lấy đó có lẽ đúng với ý nghĩa chữ Thiền .»
(Nguyên văn: Để giả chi thế thiên hạ vị công bất tự tư, kỳ tử tôn nhi tất truyền chư Thánh hiền, thị dĩ hữu Thiền chi thuyết, thiền dã giả độ tương truyền thụ chi vị dã, kim hậu sư kế tiền Tổ sư, viết thiền sàng, viết thiền tòa, dĩ sàng dự tọa tương thiền, diệc do Đế giả chi dĩ vị tương thiền nhĩ. Khởi tri thiền bất dĩ vị nhi dĩ tâm. Quan Thế Âm Bồ Tát duy dĩ tâm lượng chi quảng đại thiền chư Phật, chư Phật các dĩ kỳ tâm vi tâm, kệ vân:
Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt,
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.
Giá phương vị chi năng thiền, nhược đồ thiền chi dĩ vị nhi vô tinh nhất chi tâm pháp dĩ thiền chi diệc hà thủ ư Nghiêu Thuấn? Huống khu khu sàng tòa năng bất quí nhân chi tôn tín giả tai.
Kim ngã nhất thiết tăng chúng đản kiến tĩnh tọa tức tâm vị chi Thiền Định, tiện huấn Thiền định vị an định, đại phu Thiện tự chi nghĩa, tự đại Thiền sư phát sinh chi hậu phương tri Thiền định giả, dĩ tâm chi tĩnh định tương truyền. Cận kiến Lâm sơn Đại bi tự, bằng hữu Thụ Thụ am, liệt chư đại tổ sư tượng, tuy bất tri thụ thụ chi tâm vi hà như nhiên, sở dĩ tương thụ thụ giả kỳ Thiền chi vị dư?) .
Đoạn văn được trích dẫn rất dài trên đây không những đã cho ta biết tính cách quan trọng về sự truyền thừa của Thiền, mà còn nói đến cái đặc sắc của Thiền Trúc Lâm, khi tác giả coi sự truyền thừa liên tục của Thiền y hệt như sự truyền thừa liên tục của một vương triều; tức là đã gói ghém bản chất vương giả của Trúc Lâm trong tinh thần Thiền học của nó. Vì thế, tác giả đã có lý khi tự phụ rằng chỉ riêng phái Thiền Trúc Lâm mới có nổi một sắc thái Thiền học đăïc biệt như vậy, cho dù Trung Hoa hay Ấn độ chưa chắc đã có người thực hiện được tinh thần hành động bao dung và phổ biến như dòng Thiền Trúc Lâm của Việt Nam ta.
Đằng khác, cũng trong một quan niệm truyền thừa khá nghiêm chỉnh như các tác phẩm được dẫn chứng ở trên, đoạn lược dẫn của Huệ Nguyên viết cho Thượng sĩ Ngữ Lục (v.t: TSNL) đã kê khai thứ tự truyền thừa của Trúc Lâm một cách liên tục và mạch lạc. Quan điểm then chốt của tác giả bài lược dẫn đó vẫn là: Phật Phật duy truyền tâm ấn, Tổ Tổ mật phú ấn tâm. Nhưng sự truyền thừa này được tác giả bài lược dẫn nối kết giữa các bậc tiền bối của Trúc Lâm với những truyền nhân cuối cùng của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng Vô Ngôn Thông được Thuyền Uyển Tập Anh (v.t: TUTA) coi như là thân truyền từ Bách Trượng.
Chúng ta đã dẫn chứng ba tác phẩm quan trọng của phái Trúc Lâm: TSNL, TTBH và VGT, mà tác phẩm nào cũng có thiết lập một phả hệ truyền thừa liên tục, từ đức Thích Ca trên hội Linh Sơn, rồi Bồ Đề Đạt Ma, rồi ngang qua các Tổ Thiền Trung quốc, sau cùng thì đến Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Trên đại thể, chúng đồng quan điểm về triết lý truyền thừa. Nhưng trong dữ kiện lịch sử mà chúng cung cấp, còn nhiều chi tiết cần khảo sát lại. Vậy chúng ta hãy thực hiện công việc khảo sát trong các mục dưới đây của chương này.
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...