lịch sử việt nam
Nguyễn-Trãi Với Tư-Tưởng Nhân-Nghĩa
Nguyễn Đăng Thục
Trong hàng danh-nhân lịch-sử Việt-Nam, Nguyễn-Trãi là tiêu-biểu bậc nhất cho kẻ-sĩ, lý-tưởng của phần-tử trí-thức, là thế-lực thứ ba thiết-yếu cho sự quân-bình của cái xã-hội Làng Nước, nửa phân-quyền dân-chủ, nửa tập-quyền quân-chủ, kẻ-sĩ mà Nguyễn-Công-Trứ đã ca-tụng là sứ-mệnh lịch-sử quốc-gia :
" Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên
Có giang-san thì sĩ đã có tên
Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quý " .
Kẻ-sĩ Nguyễn-Trãi đã xuất-hiện vào giai-đoạn hết sức gian-nan của lịch-sử dân-tộc, giai-đoạn suy-nhược của nhà Trần, cách-mệnh thất-bại của nhà Hồ, kháng-chiến tuyệt-vọng chống quân Minh của nhà hậu-Trần, bị nội-thuộc dưới chế-độ quận, huyện của nhà Minh cho đến khi khôi-phục lại đất nước, tổ-chức lại Quốc-gia độc-lập, để rồi bị chu-di tam-tộc, không kịp " công thành thân thoái ", đủ thấy cuộc đời kẻ-sĩ Nguyễn-Trãi giàu bài-học kinh-nghiệm lịch-sử biết bao và phản-chiếu tâm-hồn dân-tộc sâu-rộng là nhường nào. Nguyễn-Trãi cho ta biết cái học kinh-luân của kẻ-sĩ, con người toàn-diện, hợp-nhất Tri-Hành. Nguyễn-Trãi cho ta biết thái-độ của kẻ-sĩ trong thời loạn và trong thời bình, đối với nhân-dân và đối với nhà nước .
Nguyễn-Trãi cho chúng ta bài-học về Nhân-Nghĩa, chiến-tranh vì nhân-dân, hòa-bình vì nhân-dân, dân là nước và nước là dân. Nguyễn-Trãi cho chúng ta bài-học về Hiếu và Trung, lời của Nguyễn-Phi-Khanh bảo con là Nguyễn-Trãi và Nguyễn-Phi-Hùng trên đường tù-binh bị bắt giải về Tầu : " Thôi các con theo cha khóc-lóc mà làm chi ? Các con hãy về tìm cách trả thù nhà, nợ nước, ấy là chí-hiếu ! "
Nhưng quan-trọng hơn hết là Nguyễn-Trãi đại-diện cho sự chuyển-tiếp giữa hai thời-đại tư-tưởng truyền-thống Việt-Nam, từ truyền-thống Tam-giáo Nho, Thích, Đạo thời Lý, Trần sang truyền-thống Nho-giáo chính-thống, từ mô-thức xã-hội khai-phóng sang xã-hội bế-quan. Sự chuyển-tiếp ấy đánh dấu bằng cái án khốc-liệt mà cả dòng họ bị chu-di oan-uổng, cái án chu-di tam-tộc đặc-trưng của chế-độ quân-chủ chuyên-chế khi Nho-giáo thống-trị độc-tôn. Mặc dầu những chuyện " rắn báo oán " với chiếu " tuyết-hận " của Lê-Thánh-Tông về sau cũng không làm sao rửa sạch nỗi oán-hận của người đời đối với chế-độ chuyên-chế, mà thương xót thay cho số-phận bậc đại-công-thần vì dân vì nước, của một kẻ-sĩ Việt-Nam, vĩ-nhân gương-mẫu muôn đời .
Hai mươi năm sau, Vua Lê-Thánh-Tông nối chí Nguyễn-trãi để thực-hiện chủ-nghĩa chính-trị Nhân - Nghĩa của ông đã xướng-xuất, có bài thơ tuyết-hận, nhà Vua viết : " Ta ngồi tĩnh tọa suy-tư ở Pháp-cung, nghĩ lại ngày nay Vua sáng tôi hiền sùng sự-nghiệp thịnh-vượng hiện thời, chợt cảm-hứng nên bài thơ thất-ngôn " :
" Ức-Trai tâm thượng quang Khuê tảo".
( Tấm lòng của Ức-Trai sáng-tỏ như sao Khuê ).
Và nhà Vua đã thân chú-giải rằng :
" Thừa chỉ quán phục hầu Nguyễn-Trãi, hiệu Ức-Trai, Tiên-sinh khoa-bảng triều nhà Hồ, khi đầu Vua Thánh-tổ mở nước có đến Lôi-Giang quy phục, bên trong thì giúp mưu-lược trong Bộ Tham-Mưu, bên ngoài thì giao-dịch bằng văn thơ dụ-hàng với các thành giặc, đặc-biệt tin dùng vào việc thư từ vẻ vang cho nước ".
Đấy là ca-tụng, tán-dương hết mức ! Nhà Vua lại có chế truy-tặng Thái-sư Tuệ-Quốc-Công, trong lời chế có câu :
" Phong hổ long vân chi hội, do ức tiền duyên
Công danh sự nghiệp chi truyền vĩnh thùy lai thế ".
( Rồng mây gặp hội còn nhớ duyên xưa
Công danh sự-nghiệp đời đời truyền-tụng ) .
Khảo xét Nguyễn-Trãi thờ Vua Lê-Thái-Tổ khởi-nghĩa Lam-Sơn khôi-phục giang-sơn, đất nước, giải-phóng dân-tộc khỏi thế-lực đô-hộ nhà Minh, bình-định thiên-hạ, ngoài thì giao-thiệp bút-chiến với quốc-gia hùng mạnh, trong thì kế-hoạch mưu-lược, công-nghiệp hiển-hách, thực là một vị hào-kiệt từ xưa đến nay. Có thể nói không có Nguyễn-Trãi vi Thần, Lê-Lợi vi Quân thì không có được triều nhà Lê, điều ấy không phải nói ngoa vậy. Sự-nghiệp của Nguyễn-Trãi không những quán cổ kim mà văn-chương của Nguyễn-Trãi cũng lại sâu rộng về khí-lực, đủ chứng-minh " văn tức là người " ( Le style c'est l'homme ) như Trần-Bích-San thời Tự-Đức sau này đã bộc-lộ :
" Văn phi sơn thủy vô kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài " .
( Văn không non nước không hồn khí
Người chẳng dãi-dầu chửa thực tài ) .
Câu ấy thật thích-ứng vào Nguyễn-Trãi với văn-chương " Bình Ngô đại cáo " " Trung Quân từ mệnh " nói lên cái ý-thức dân-tộc, cái tư-tưởng đồng-nhất với Dân với Nước, cái tinh-thần Nhân-Nghĩa lấy làm cứu cánh, quyền-mưu là phương-tiện :
" Nhân Nghĩa chi cử yếu tại yên dân
Điếu phạt chi sư mạt tiền khử bạo ."
( Việc Nhân Nghĩa cốt làm yên dân
Cất quân đánh dẹp trước lo trừ bạo ) .
Và thư gửi cho Phương-Chính nói :
" Phàm mưu-đồ việc lớn phải lấy Nhân-Nghĩa làm gốc, thành-tựu việc lớn phải lấy Nhân-Nghĩa làm đầu. Chữ Nhân-Nghĩa đầy đủ thì công việc mới xong-xuôi " . _ ( Quân-Trung từ mệnh )
" Việc quyền mưu dùng để trừ gian
Nhân-Nghĩa mới duy-trì nước ổn "
_ ( Thơ mừng về Lam-Sơn )
Và nhân-dân được đề-cao là sức mạnh của thời chiến cũng như thời bình :
" Phúc chu thủy tín dân do thủy "
(Đắm thuyền mới biết dân như nước ) _ ( Quan Hải )
Hay là :
" Nhân-dân không theo hẳn về ai, chỉ theo về người nhân-đức. Dân như nước, chở được thuyền mà cũng đánh đắm được thuyền " _ ( Hậu tự huấn )
Và lời Gia-Huấn như tràn-ngập một tình-thương Nhân-Nghĩa vô bờ bến, bất phân giai-cấp :
" Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc Trời.
Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ,
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn,
Thương người quan quả cô đơn,
Thương người lỡ bước lầm than kêu đường.
Thấy ai đói rách thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn,
Thương người như thể thương thân.
Người ta phải bước khó khăn đến nhà,
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên,
May ta ở chốn bình yên,
Còn người tàn phế, chẳng nên cầm lòng,
Tiếng rằng ngày đói tháng đông,
Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho,
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng,
Của là muôn sự của chung,
Sống không, thác lại tay không có gì.
Ở sao cho có nhân nghì " . _ ( Gia Huấn Ca )
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử