CHIẾN TRANH TIỀN TỆ - KHÔNG TUYÊN MÀ CHIẾN
Phần VIII
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Chúng tôi giống như một bầy sói đứng trên sườn núi cao trông xuống bầy nai tơ gần đó. Nếu so sánh nền kinh tế Thái Lan với dáng dấp của một con hổ nhỏ của châu Á thì chẳng bằng so với một con thú săn đã bị thương. Chúng tôi chọn con thú đã bị thương, là để bảo vệ cho cả bầy nai được an toàn và mạnh khỏe(1).
...
Đây quả thực là một sự lựa chọn tuyệt vời!
Theo tính toán một cách khoa học, thời gian cần để vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành cuộc khủng hoảng trầm trọng trên phạm vi toàn thế giới là vào khoảng từ 20 đến 30 năm. Thời gian công bố trên báo cáo là năm 1967.
Hai mươi năm sau…
Tháng 9 năm 1987, Đại hội lần thứ tư của Uỷ ban Bảo vệ Động vật hoang dã thế giới đã được tổ chức tại thành phố Denver, bang Colorado của Mỹ. Hơn 2.000 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia đã tham gia hội nghị lần này. 1.500 đại biểu tham gia hội nghị lần này đã hết sức ngạc nhiên khi biết được có một văn kiện mang tên “Tuyên bố Denver về bảo tồn động vật hoang dã“ (Denver Declaration for Worldwide Conservation) đã được chuẩn bị sẵn cho họ.
Tuyên bố Denver đã chỉ ra: Do nhu cầu về nguồn vốn cho việc mở rộng phạm vi hoạt động bảo vệ môi trường, chúng ta cần phải sáng lập ra một mô hình ngân hàng mới nhằm tăng cường quản lý nguồn vốn thu được từ viện trợ quốc tế cũng như việc sừ dụng vốn của các nước nhận viện trợ cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
Mô hình ngân hàng mới này chính là phương án “Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới”.
Khác với các hội nghị tương tự đã diễn ra trước đây, một loạt các nhà ngân hàng quốc tế đã tham gia đầy đủ vào hội nghị lần này: Nam tước Edmund De Rothschild, Davif Rockefeller và James Baker - Bộ trưởng tài chính Mỹ. Những nhân vật chóp bu vô cùng bận rộn này đã nấn ná ở lại hội nghị bảo vệ môi trường đến 6 ngày. Edmund De Rothschild đã phát biểu tại đại hội và gọi “ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới” này là “kế hoạch Marshall thứ hai” mà sự ra đời của nó sẽ “cứu vớt” các quốc gia đang phát triển thoát ra khỏi vũng lầy nợ nần, đồng thời còn có thể bảo vệ được môi trường sinh thái(12).
Hãy lưu ý rằng, đến hết năm 1987, tổng nợ của các quốc gia đang phát triển đã lên đến 1.300 tỉ đô-la Mỹ.
Khái niệm then chốt của Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới chính là “chuyển đổi nợ thành tài nguyên thiên nhiên” (Debt-for-nature Swap). Khoản nợ 1300 tỉ đô-la của các quốc gia đang phát triển kia được chuyển vào ngân hàng mới, và con nợ buộc phải dùng tài nguyên của đất nước mình để thế chấp, đổi lại, họ sẽ được kéo dài thời hạn đáo nợ đồng thời được nhận những khoản vay mềm mới (Soft Currency Loan). Như vậy, đất đai tài nguyên của các quốc gia đang phát triển trải dài khắp châu Mỹ Latin, châu Phi và châu Á với tổng diện tích lên đến 50 triệu km2, tương đương với tổng diện tích của 5 quốc gia cỡ vừa, chiếm 30% diện tích lục địa của trái đất đã bị các nhà ngân hàng quốc tế “thiến” mất.
Hầu hết các khoản vay từ IMF và Ngân hàng thế giới trong thập niên 70 của các quốc gia đang phát triển đều không có tài sản thế chấp, tức là các khoản vay này đều dựa vào tín dụng quốc gia làm bằng chứng, cho nên nếu khủng hoảng nợ xảy ra thì các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế rất khó tiến hành liệu pháp phá sản để thu nợ. Nhưng giờ đây, ngay sau khi những khoản nợ này được chuyển vào Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới, căn cứ vào sổ sách của các nhà ngân hàng quốc tế, những khoản nợ vốn dĩ rất khó đòi này trong chốc lát đã biến thành những tài sản đặc biệt giá trị. Do Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới có đầy đủ đất đai làm vật thế chấp nên một khi các quốc gia đang phát triển không thể hoàn trả nợ thì xét về mặt pháp lý, số đất đai khổng lồ này đã thuộc về Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới, và đương nhiên, các nhà ngân hàng quốc tế kiểm soát Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới sẽ trở thành người chủ thực tế của những vùng đất phì nhiêu này. Nếu nhìn từ quy mô vận động phát triển của nhân loại thì Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới quả thực là có một không hai.
Vì lợi ích khổng lồ như vậy mà những ông trùm như Rothschild và Rockefeller đã phải “quan tâm” đến Đại hội kéo dài 6 ngày này.
Sau khi nghe Rothschild đề xuất phương án thành lập Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới, Jose Pedrode Oliveira Costa - một quan chức cao cấp của Bộ tài chính Brazil - đã thức trắng suốt đêm.
Ông cho rằng, Ngân hàng bảo vệ môi trường có thể cung cấp cho đất nước ông những khoản vay mềm và trong một thời gian ngắn có thể giúp ích cho nền kinh tế Brazil khởi động lại, nhưng về lâu dài, Brazil không thể trả hết số nợ này, và kết quả là toàn bộ khu vực Amazon trù phú kia được đem làm vật thế chấp vay vốn sẽ không còn thuộc về Brazil nữa. Tài nguyên bị đem làm thế chấp không chỉ có đất đai, mà nguồn nước và các tài nguyên khác dưới lòng đất cũng đều xếp vào hàng thế chấp.
Cuối cùng, vào năm 1991, để dễ bề lừa bịp dân chúng, Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới đã đổi tên thành Quỹ môi trường toàn cầu (Global Environment Facility). Ngân hàng này nằm dưới sự quản lý và giám sát của Ngân hàng thế giới với cổ đông lớn nhất là Bộ tài chính Mỹ. Trước mắt, quy hoạch lâu dài của các nhà ngân hàng quốc tế đang từng bước được thực thi.
4. Bom hạt nhân tài chính: nhắm hướng Tokyo
Nhật Bản đã tích luỹ được khoản thi sản khổng lồ trên bình diện quốc tế, trong khi Mỹ lại đang sa vào vũng lầy nợ nần. Ưu thế quân sự mà tổng thống Ronald Wilson Reagan theo đuổi chỉ là một thứ ảo giác khiến chúng ta phải trả giá bằng việc đánh mất vị thế chủ nợ trong nền kinh tế thế giới. Cho dù vẫn tiếp tục nuôi ý đồ núp sau cái bóng của Mỹ để âm thầm phát triển, nhưng trên thực tế, Nhật Bản đã trở thành đất nước của những nhà tài phiệt ngân hàng đẳng cấp thế giới. Sức mạnh tài chính giúp cho Nhật Bản phát triển mạnh mẽ và trở thành lực lượng chủ đạo trong việc dẫn dắt thế giới - một việc khiến chúng ta hết sức bất an(13).
Soros, năm 1987.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, vị trí chủ nợ quốc tế của Anh đã mất về tay Mỹ, đế quốc Anh cũng đồng thời mất đi địa vị bá chủ toàn cầu. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế của quốc gia Đông Á đã không ngừng lớn mạnh và trở thành điều bất an cho các nhà tài phiệt ngân hàng phố Wall - London. Vì thế, các nhà tài phiệt này vội tìm cách đối phó với tất cả những đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn có nguy cơ gây cản trở và phá hoại kế hoạch xây dựng chính phủ thế giới cùng hệ thống tiền tệ thống nhất do họ khởi xướng.
Nhật Bản được xem là nền kinh tế cất cánh sớm nhất ở châu Á. Xét ở mặt chất lượng tăng trưởng kinh tế, sức cạnh tranh trong xuất khẩu sản phẩm công nghiệp cũng như tốc độ và quy mô tích luỹ tài sản, Nhật Bản là quốc gia phát triển mạnh mẽ khiến cho các nhà ngân hàng quốc tế lo sợ. Và nói như Lawrence Summers - Bộ trưởng tài chính Mỹ dưới thời Bill Clinton thì: “Khu vực kinh tế Đông Á với sự trỗi lên của Nhật Bản đã gây nên sự lo sợ cho đại đa số người Mỹ. Họ lo ngại rằng, nguy cơ từ Nhật Bản thậm chí còn mạnh hơn cả nguy cơ từ Liên Xô”.
Sau chiến tranh, Nhật Bản đã bắt chước cách thiết kế sản phẩm của phương Tây, sau đó nhanh chóng hạ giá thành sản xuất và cuối cùng đã chiếm lĩnh ngược lại thị trường Âu-Mỹ. Ngay từ những năm 60, Nhật Bản đã bắt đầu sử dụng nhiều robot công nghiệp trên quy mô lớn trong ngành công nghiệp ô tô khiến cho tỉ lệ sai sót chủ quan giảm xuống gần như bằng không. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 70 đã khiến cho những chiếc xe hơi ngốn xăng do Mỹ sản xuất nhanh chóng bị các loại xe tiết kiệm dầu, mẫu mã đẹp với giá rẻ của Nhật đá văng ra khỏi thương trường. Chất lượng của nền công nghiệp ô tô Mỹ giảm xuống và đã dần dần mất đi năng lực đối kháng trước sức tiến công mạnh mẽ của nền công nghiệp sản xuất ô tô của Nhật. Từ những năm 80 đến nay, nền công nghiệp điện tử của Nhật Bản đã tăng trưởng đột phá, hàng loạt những công ty điện tử lớn như Sony, Hitachi, Toshiba xuất phát là những công ty gia công, mô phỏng và sao chép công nghệ của phương Tây, đã nhanh chóng trở thành những công ty sáng tạo hàng đầu thế giới.
Sự thuần thục của người Nhật trong kỹ thuật chế tạo mạch điện và chíp máy tính trừ máy xử lý trung tâm cũng như ưu thế của robot công nghiệp và sức lao động giá rẻ của Nhật Bản đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp điện tử và phần cứng máy tính của Mỹ. Thậm chí tên lửa do Mỹ chế tạo còn phải sử dụng đến chíp điện tử (vi xử lý) của Nhật. Có một dạo hầu như mọi người dân Mỹ đều tin rằng, việc Toshiba, Hitachi mua lại IBM và Intel của Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian, còn công nhân công nghiệp Mỹ thì lo rằng robot của Nhật sẽ cướp mất bát cơm của họ.
Chính sách lãi suất cao được Mỹ và Anh thực thi vào đầu những năm 80 đương nhiên đã cứu vãn được niềm tin vào đồng đô-la đồng thời hạ gục được một loạt các quốc gia đang phát triển ở châu Phi và châu Mỹ Latin. Tuy nhiên, chính sách lãi suất cao cũng đồng thời gây sát thương nghiêm trọng cho nền công nghiệp Mỹ, tạo điều kiện cho các sản phẩm của Nhật chiếm lĩnh thị trường Mỹ.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12